Categories Hosting

Mua hosting WordPress: làm thế nào chọn được nhà cung cấp chất lượng?

mua hosting cho WordPress

Bạn cần hiểu rõ nhu cầu của bản thân để việc lựa chọn được tốt nhất.

Thông thường gói Share hosting là đủ cho người mới (rẻ nhất về chi phí) nhưng nó thường không phải là gói cho tốc độ và uptime (thời gian hosting không bị gián đoạn) tốt nhất.

Hiện tại cách tối ưu để có được host chất lượng khá nhưng lại không quá đắt là thuê VPS (tuy nhiên bạn cần học thêm chút ít để dùng nó, chủ yếu là cách cài đặt control panel để quản trị hosting).

Trong quá trình khảo sát trên máy tìm kiếm, bạn nên đọc review cẩn thận, để biết được công ty nào được đánh giá cao.

Lời khuyên của cá nhân tôi (dựa trên kinh nghiệm và một số gợi ý của tổ chức sáng lập WordPress.)

Mua ở nước ngoài:

  • Vultr: Nổi tiếng và được dùng rất nhiều tại Việt Nam. Cộng đồng đang nhận xét sản phẩm mới của Vultr là Hight Frequency Compute là dòng sản phẩm thuộc loại tốt nhất cho web. Vultr có máy chủ ở Sing và Nhật cho tốc độ về Việt Nam rất cao. Các app control panel quản trị hosting rất tiện lợi, người không rành về công nghệ cũng có thể tự học để cài được.
  • DigitalOcean: Bố già trong làng VPS, có chất lượng cao, thậm chí tốt hơn Vultr một chút. Tuy nhiên hơi khó tính để đăng ký, có thể vì Việt Nam mình có lịch sử với DO không được tốt đẹp mấy nên bị nhiều hạn chế, nhưng bỏ chút thời gian gửi giấy tờ đầy đủ thì cũng không gặp vấn đề gì.
  • Upcloud: Không nổi tiếng như Digital Ocean, Vultr hay Linode, nhưng thời gian gần đây UpCloud nổi lên trong các bài kiểm thử với tốc độ xử lý cao nhất. UpCloud có máy chủ ở Sing và có nhiều đặc điểm tương tự DO và Vultr, giá rẻ hơn chút ít;
  • ChemiCloud: Tôi mới phát hiện ra gói hosting này trong khoảng thời gian vài tháng nay. Có vị trí máy chủ ở Sing, được tối ưu sẵn nhiều và dùng cPanel. Chất lượng của nó rất ổn, phù hợp nếu bạn có trên 5 website cần quản lý. ChemiCloud sử dụng nền tảng của Linode;
  • Namecheap: Shared hosting hiếm hoi tôi thấy có chất lượng khá, sử dụng máy chủ LiteSpeed Enterprise. Các thông số RAM, I/O usage, CPU đều khá ổn. Nhưng phèn vụ SSL, khi họ cố gắng cross-sell.
  • Verpex: Gói của họ mà tôi thấy ưng cũng là shared hosting, ưu điểm sử dụng LiteSpeed Enterprise, có location Sing, giá thân thiện.
  • SiteGround: Được đánh giá trong thời gian dài là hosting có chất lượng ổn định và tốc độ tốt. SiteGround có giao diện dễ dùng, backup dữ liệu hàng ngày, plugin tối ưu tốc độ chuyên biệt. SiteGround cũng có location ở Sing. Đây là gói host rất thích hợp nếu bạn chỉ có website tầm 100 ngàn view đổ lại. Tuy nhiên dạo gần đây SiteGround bị phê bình về TTFB cao, cũng như các chỉ số (RAM, CPU) của host không còn tốt như trước đây nữa;
  • Dreamhost: Gói DreamPress của nó tôi từng dùng vài năm và thấy rất ổn, chịu tải tốt, uptime cao. VPS của nó thì chỉ xếp được vào dạng trung bình khá. Tuy nhiên nhược điểm của Dreamhost là chỉ có location ở US, do vậy tốc độ về Việt Nam không được cao;
  • Closte: máy chủ Google Cloud, webserver LiteSpeed Enterprise, hoàn hảo cho tối ưu tốc độ & cần uptime cao, nhưng chỉ phù hợp trên website có điều kiện đầu tư khá. Dù sao Closte vẫn là hosting hiếm hoi có giá thân thiện trong phân khúc cao cấp, cách tính tiền của họ là dùng đến đâu tính tiền đến đấy, chứ không cố định;
  • Rocket.net: nếu bạn có website rất quan trọng, đầu tư tốt, cần tốc độ cao, lưu lượng truy cập lớn thì đây là hosting cũng rất ổn. Nó được tối ưu sẵn nhiều thứ cho tốc độ cũng như bảo mật, và hầu như việc bạn cần làm chỉ là nạp đủ tiền mà thôi! Rocket sử dụng gói cao cấp của Cloudflare: công ty tối ưu tốc độ web và bảo mật hàng đầu thế giới.
  • Các ứng cử viên tiềm năng khác: chưa thực sự sử dụng, nhưng dựa trên một số gợi ý mà tôi thấy tin tưởng được thì các công ty hosting sau có thể có chất lượng tốt trong tầm giá: CynderHostAleForge, và RamNode. Điểm chung là giá thành vừa phải, sử dụng cPanel, và có khả năng chống DDoS nhất định. Nhược điểm: không có máy chủ ở châu Á.

Mua ở Việt Nam (cái này thuần túy kinh nghiệm cá nhân và hỏi người xung quanh):

  • vHost
  • Azdigi
  • Tinohost

Mặc dù tôi vẫn cố gắng theo dõi để cập nhật những nơi chất lượng nhất, nhưng bạn phải luôn chú ý kiểm tra lại để tự đưa ra quyết định tốt nhất cho bản thân.

Xem thêm: hosting là gì?

Thần chú: bạn nên chọn công ty hosting có chất lượng tốt trước, rồi sau đó mới nghĩ đến gói dịch vụ phù hợp. Các công ty tốt thì các gói của họ dù nhỏ hay lớn nhìn chung là có chất lượng ổn định & khá đồng đều. Một trong các cách dễ nhất để biết nên dùng hosting ở đâu là tìm hiểu xem đối thủ cạnh tranh lớn nhất đang xài công ty nào. Học theo người khôn là một trong hai cách đỡ đau khổ hơn nhiều so với tự kinh nghiệm, mày mò, nhất là trong bối cảnh chúng ta là người mới.

Mấy câu hỏi & trả lời nhanh:

  1. Các yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá hosting? TL: uptime, tốc độ, dung lượng lưu trữ, bảo mật & giá cả;
  2. Web càng phức tạp chi phí hosting sẽ càng lớn? TL: chính xác;
  3. Web càng có nhiều người truy cập chi phí hosting sẽ càng lớn? TL: chính xác;
  4. Mua hosting ở Việt Nam sẽ cho tốc độ tốt hơn và đỡ lo khi đứt cáp? TL: nhìn chung là đúng trong nhiều trường hợp;
  5. Ưu điểm lớn nhất của hosting nước ngoài so với Việt Nam là gì? TL: nhìn chung là ổn định, bảo mật & rẻ hơn;
  6. Máy chủ web nào nhanh nhất hiện nay? TL: LiteSpeed >= Nginx > Apache;
  7. Nên thanh toán tiền hosting theo chu kỳ nào? TL: mốc tốt là hàng tháng hoặc 3 tháng một lần;
  8. Nên dùng plugin cache nào để tối ưu tốc độ trang? TL: LiteSpeed cache hoặc WP-Rocket;
  9. Chuyển hosting có khó không? TL: đa số rất dễ, chuẩn bị kỹ chỉ mất 1 – 2 tiếng là nhiều;
  10. Giao diện quản trị hosting nào ổn? TL: cPanel, DirectAdmin, Plesk, CyberPanel hoặc các Script dòng lệnh chất lượng cao;
  11. Cách giảm tải hosting hiệu quả? TL: plugin cache, web server nhanh & dùng CDN;
  12. Một số công ty hosting tốt? TL: (VN) vHost, Azdigi, Tinohost, BKNS, BizFly; (NN) ChemiCloud, Vultr, DigitalOcean, UpCloud, Dreamhost, Closte, Verpex, SiteGround, Cloudways;
  13. Điều ngớ ngẩn nhất khi mua hosting là gì? TL: Cậy có nhiều tiền;
  14. Dại nhất khi mua hosting là gì? TL: Website quan trọng nhưng lại chọn hosting giá rẻ, chất lượng thấp;
  15. Giờ tôi phải làm gì để chọn được hosting ưng ý? TL: Đọc tiếp bài viết này!

OK, giờ chúng ta sẽ đi vào chi tiết nhé.


Trong bài viết này để có cách tiếp cận dễ hiểu hơn, tôi sẽ để nó ở dạng hỏi đáp.

Vì bài dài, bạn nào cần các gói lựa chọn nhanh thì đây nhé (giả định người duyệt web của bạn chủ yếu ở Việt Nam):

  • Ưu tiên tốc độ, hiệu suất, lưu lượng truy cập 5 – 10 ngàn view hàng tháng: hosting LiteSpeed trong nước hoặc nước ngoài giá rẻ (vị trí máy chủ ở Singapore). Trong phân khúc này các loại shared hosting dưới 100 ngàn đồng (hoặc 5$) nhìn chung là dùng được;
  • Chất lượng ổn, dễ dùng, có khả năng chi trả trên 10$/tháng, lưu lượng truy cập vừa phải: các gói hosting chuyên cho WordPress tầm trung trong nước, hoặc nước ngoài;
  • Lưu lượng truy cập lớn, muốn tối ưu tốc độ và chi phí: Sử dụng VPS tốt ví dụ như Vultr HF (hoặc những cái tên khác có chất lượng tương đương như UpCloud, DigitalOcean) + LiteSpeed cache + LiteSpeed webserver;
  • Ưu tiên uptime, tốc độ và có điều kiện chi trả: sử dụng host cao cấp chuyên cho WordPress, ví dụ như Closte;

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết này để biết cách tránh lãng phí nhiều trong việc thuê hosting do dư lượng lớn tài nguyên không sử dụng đến. Ngoài ra là bài viết liên quan đến cách kiểm tra chất lượng nhà cung cấp hosting14 công cụ để test tốc độ website.


Xem video nếu bạn thích, hoặc đọc bài viết bên dưới để có nhiều chi tiết hơn


Tại sao lại khó chọn hosting đến như vậy. Có mấy lý do chính sau:

  • Bạn là người mới, chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm;
  • Có quá nhiều nơi bán hosting, và hầu hết đều tự nhận có chất lượng dịch vụ cao (chúng ta phải thông cảm thôi, có ai đi bán hàng lại bảo mình có chất lượng trung bình cơ chứ!);
  • Có nhiều thông tin tư vấn chịu ảnh hưởng bởi việc ăn hoa hồng (affiliate) nên có thể không đưa ra thông tin chính xác hoặc không tiết lộ các vấn đề nghiêm trọng bên dưới;

Để vấn đề đỡ rắc rối, bạn cần chủ động biết những thông tin sau:

  1. Web của bạn là blog đơn giản hay phức tạp, bạn có giỏ hàng hay chức năng đặc biệt nào đòi hỏi phải có nhiều tài nguyên host không?
  2. Lưu lượng truy cập của bạn nhỏ (dưới 300 view/ngày) hay trung bình (300 – 1000 view / ngày), lớn (1000 – 3000 view / ngày), rất lớn (>100 ngàn view / tháng);
  3. Khả năng chi trả của bạn, 50K/tháng, 200K/tháng, 500K/tháng hay hơn nữa;

A. Khi chọn mua hosting tôi nên quan tâm đến các thông tin nào?

Tôi cần quan tâm đến thông tin nào

Dưới đây là một số thông tin bạn cần nắm rõ khi mua hosting:

1. Uptime

Nghĩa là thời gian hosting liên tục hoạt động. Nhiều công ty có chỉ số này trên 99,95% – nghĩa là cứ 1000h thì có chưa đến 30 phút bị gián đoạn. Đa số các công ty hosting công bố công khai chỉ số uptime của gói. Nếu chỉ số này là 99,99% thì có nghĩa là 10 ngàn giờ mới có 1h bị gián đoạn, nói cách khác trong vòng 1 năm bạn chưa bị gián đoạn đến 1h. Nếu bạn dùng share host, uptime còn dễ bị ảnh hưởng bởi những website đang chia sẻ host đó, vì thế share host không phải giải pháp tốt nếu bạn muốn uptime cao.

Uptime là chỉ số cực kỳ quan trọng, không ai muốn website bị gián đoạn (downtime) cả (thử tưởng tượng khách chuẩn bị đặt đơn hàng thì website bị gián đoạn!), vì vậy bạn hãy chọn nhà cung ứng có chỉ số này cao nhất có thể. Bạn có thể chủ động kiểm tra Uptime của gói host đang dùng bằng cách dùng công cụ như updown.io, nó có giá thành thân thiện, tốc độ check lên đến 15s/lần.

Nếu bạn muốn dịch vụ miễn phí hãy thử freshping, nó có tốc độ check 1 phút/lần, miễn phí như vậy cũng không tệ.

Cách đơn giản nhất để check uptime là cài plugin Jetpack, khi trang của bạn bị downtime, nó sẽ gửi một email thông báo đến cho bạn. PS: Jetpack trước đây bị mang tiếng là plugin nặng nề, tuy nhiên giờ đây nó đã cải thiện hơn nhiều. Ngoài ra JetPack là công cụ tốt với ai muốn dùng CDN miễn phí.

P/S: Để bạn dễ hình dung rõ hơn nữa tầm quan trọng của uptime, hãy thử hình dung trang thương mại lớn như Tiki bị downtime chỉ cần một tiếng thôi, tôi nghĩ rằng số tiền bị tổn hại có thể lên đến hàng tỷ đồng.

2. Vị trí của máy chủ

Rất nhiều công ty bán host nước ngoài hiện nay có máy chủ ở khắp các châu lục và đây là tính năng rất giá trị.

Nếu người truy cập website của bạn chủ yếu ở Việt Nam mà hosting tận bên Hoa Kỳ thì tốc độ sẽ không cao bằng nếu cũng host đó được đặt ở Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc Hongkong (trong đó, giả định là các yếu tố khác ngang nhau). Vì vậy:

Bạn nên tìm hiểu trước xem gói host bạn định mua có cung cấp vị trí máy chủ ở gần Việt Nam hay không?

Nếu bạn vẫn buộc phải chọn hosting ở xa thì vẫn có cách để bạn giảm thiểu ảnh hưởng của khoảng cách, đó là sử dụng CDN (bao gồm cả CDN tài nguyên tĩnh và CDN HTML), tuy nhiên cái này là có phí, dù không quá đắt, ngoài ra nó đòi hỏi bạn phải tìm hiểu thêm về mặt kỹ thuật.

Kỹ thuật cache HTML có thể giúp bạn host tại Hoa Kỳ nhưng cho tốc độ trang về Việt Nam tương đương với host ở Singapore, hoặc thậm chí là ngay tại VN. Tuy nhiên công nghệ này hiện chỉ có một số ít công ty triển khai được, trong đó có LiteSpeed (QUIC cloud) vs APO (Cloudflare). Tức là nếu không có giải pháp khác thì bạn mới chọn xa thôi, còn không chọn vị trí gần VN vẫn là tiện nhất.

P/S, để ví dụ được sinh động hơn, bạn hãy thử tải file 100MB này từ Singfile 100MB này từ Hoa Kỳ xem tốc độ nào tốt hơn. Hiện tại có 3 khu vực phổ biến ở Châu Á cho tốc độ về VN tốt là Sing, Nhật và HongKong, trong đó Sing vẫn là lựa chọn an toàn vs phổ biến nhất.

3. Dung lượng lưu trữ (website space)

Tính theo MB hoặc GB, nó là dung lượng mà website của bạn được sử dụng (giống kiểu dung lượng ổ cứng máy tính). Đối với WordPress, bạn không nên mua hosting có dung lượng dưới 1GB, vì nó sẽ nhanh bị đầy (mấy hosting dạng này để nghịch, học tập thì OK). Các website tầm trung thì chỉ cần 2 đến 5GB là đủ rồi.

Vì việc mở rộng dung lượng lưu trữ không khó khăn gì về mặt kỹ thuật cả (nhưng ngược lại, việc thu hẹp dung lượng thì khó hơn, một số hosting không cho phép), nên bạn không cần lo lắng nếu ban đầu chọn gói thấp.

Cách tránh không tiêu hao dung lượng vô ích là hạn chế up ảnh quá lớn lên host (rất dễ xảy ra nếu bạn có thói quen tải ảnh trực tiếp từ máy ảnh, điện thoại hoặc các nguồn copy trên mạng lên website).

Với tôi, ảnh .jpg được coi là lớn nếu nó có dung lượng trên 300KB hoặc/và chiều rộng trên 800px (quy tắc ngón tay cái), hoặc đúng hơn sẽ là lớn hơn chiều rộng của website. Bạn có thể tham khảo bài viết tối ưu hóa tốc độ tải ảnh toàn diện cho website để biết thêm chi tiết.

4. Ổ cứng HDD và SSD

Nếu bạn từng tự đi mua máy tính rồi thì những tên gọi này chắc không có gì lạ. HDD là ổ cứng kiểu cũ, SSD là ổ cứng kiểu mới.

Bạn nên mua hosting sử dụng ổ cứng SSD vì nó sẽ giúp website của bạn có tốc độ truy cập cao hơn, cũng như ít bị lỗi dữ liệu hơn so với HDD, cũng vì lý do đó SSD thường có giá thành cao hơn.

Nếu bạn không thấy công ty bán hosting khoe là đang dùng SSD, khả năng họ đang sử dụng HDD là rất cao!

Đặc điểm của gói hosting HDD là giá rất rẻ.

5. RAM

Thông tin này chỉ VPS, Cloud hoặc máy chủ riêng là công khai. Còn share host thường không công bố (vì dùng chung).

RAM là chỉ số quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến tốc độ của website, cộng với khả năng xử lý PHP.

Đặc biệt nếu bạn sử dụng một số hình thức cache phía máy chủ (server side) như Redis, Varnish, Memcached hay Nginx FastCGI vì cache lúc này được lưu trên RAM.

6. Số lượng tên miền bạn được phép thêm vào hosting

Gói hosting rẻ nhất thường chỉ cho 1 tên miền, các gói lớn hơn sẽ cho nhiều hơn, đôi khi là “không giới hạn” (unlimited).

7. Băng thông (bandwidth)

Nghĩa là lưu lượng up lên và tải xuống của website. Ví dụ trang của bạn có 100 bức ảnh và chúng có dung lượng tổng cộng là 10MB. Các bức ảnh đó được truy cập 1000 lần thì băng thông chuyển dịch là 10 * 1000 = 10 ngàn MB, tức là gần 10GB (chưa kể cần 10MB băng thông ảnh ban đầy để bạn up lên website nữa).

Hiện nay rất hiếm trường hợp bị giới hạn băng thông (vì thường rất ít khi chúng ta sử dụng đến giới hạn đó) nên hầu như bạn không cần phải lo lắng về chuyện này, tuy nhiên tôi sẽ giải thích kỹ hơn vấn đề không giới hạn sau.

8. Lưu lượng truy cập

Các gói hosting chuyên dụng cho WordPress thường gặp giới hạn lưu lượng, chẳng hạn DreamPress ở gói 30 USD/tháng giới hạn 300 ngàn view/tháng, SiteGround ở gói GoGeek cũng chuyên cho WordPress giới hạn 100 ngàn view/tháng, gói nhỏ nhất của WPEngine (35 USD) giới hạn thậm chí chỉ có 25 ngàn lượt ghé thăm.

Một số hosting các giới hạn này là cứng nhắc, trong khi một số nói rằng thông tin đó chỉ để tham khảo (ý là website của bạn có thể có lưu lượng truy cập lớn hơn giới hạn đó). Các gói VPS không bao giờ bị giới hạn này, bởi các chỉ số cụ thể của VPS (như RAM, dung lượng SSD, CPU, Bandwith đã tự giới hạn khả năng tối đa của nó rồi).

9. Giá

Nói chung là tiền nào của ấy. Giá hosting có biên độ biến động tương đối rộng, khoảng giá từ 1 USD/tháng cho gói giá rẻ đến 30 USD/tháng cho gói cao cấp, và còn hơn nữa (300 USD hay thậm chỉ cả ngàn cũng có). Nói chung với người mới tập tành, bạn có thể dùng gói hosting từ 2 USD – 5 USD/tháng. Nếu là website cho công ty có lưu lượng truy cập trung bình khá hoặc yêu cầu uptime cao, hãy ưu tiên các gói hosting chuyên dụng từ 20 USD trở lên.

Tuy nhiên kinh nghiệm của nhiều người cho thấy rằng việc giá cao hơn đi kèm với chất lượng tốt hơn chỉ đúng nhất với các gói host giá rẻ đến host tầm trung (từ vài USD đến vài chục USD / tháng), còn với các host cao cấp (cỡ 100 đến vài trăm USD / tháng) điều này rất lẫn lộn.

10. Các dịch vụ bổ sung tính phí

Khi bán hosting cho bạn một số công ty có thể gợi ý thêm các dịch vụ khác như IP riêng, backup dữ liệu hàng ngày, quét malware, chống DDoS, DNS premium…

Nói chung các thứ trên không phải là không quan trọng, nhưng thực sự chưa cần thiết nếu bạn mới làm quen với WordPress, nên tạm thời bạn không cần quan tâm đến nó (ngoại trừ backup, bạn nên học cách sử dụng plugin miễn phí Updraftplus để sao lưu giữ liệu sẽ đỡ tốn kém hơn mua dịch vụ).

Một điểm đáng lưu ý nữa đôi khi một dịch vụ có phí lại không có chất lượng cao bằng miễn phí! Hiếm thôi, nhưng không phải không có, chẳng hạn đa số các dịch vụ DNS premium (có thể có giá 5 USD / tháng) lại không có chất lượng cao bằng dịch vụ DNS miễn phí của CloudFlare. Bạn cứ vào trang dnsperf chuyên theo dõi các chỉ số hiệu suất của các dịch vụ DNS là sẽ biết.

11. Các dịch vụ bổ sung miễn phí khác

Một số công ty hosting tìm điểm cộng trong mắt người sử dụng bằng các dịch vụ bổ sung miễn phí như như SSL, tên miền, không giới hạn số lượng cơ sở dữ liệu, email hosting, vân vân. Tùy vào nhu cầu mà bạn cân nhắc có sử dụng hay không.

Cần để ý đến vấn đề tên miền miễn phí, vì thường họ chỉ miễn phí tên miền khi bạn tiếp tục sử dụng hosting của họ, nếu sau này bạn chuyển host, họ sẽ không miễn phí nữa (giờ nhiều công ty host cũng chỉ miễn phí năm đầu tiên thôi).

Vì tên miền không đắt, có thể bạn thích mua tên miền từ công ty chuyên bán tên miền hơn (anh em trong ngành có câu nói cửa miệng là “Không mua tên miền của công ty chuyên bán hosting, và không mua hosting của công ty chuyên bán tên miền”). Xem thêm: mua tên miền giá rẻ ở đâu?

12. Phần mềm máy chủ web

Hiện có 3 phần mềm máy chủ web phổ biến là Apache (free), NGINX (free) và Litespeed (free/OpenLiteSpeed và trả phí/LiteSpeed Enterprise). Trong đó Apache là phổ biến hơn cả nhờ dễ dùng và tài liệu hướng dẫn phong phú.

Tuy nhiên xét về tốc độ thì hai cái kia nhanh hơn nhiều. Phần mềm máy chủ đặc biệt quan trọng với website có lưu lượng truy cập lớn hoặc/và yêu cầu tốc độ xử lý cao (ví dụ các trang thương mại điện tử).

Trong trường hợp là người mới, việc chọn Apache cũng không tệ đâu, nó là lựa chọn an toàn cho hầu hết mọi người, và hiện đa số mix giữa Apache và Nginx. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin ở đây: https://kiencang.net/giam-thoi-gian-phan-hoi-cua-may-chu/


Về khái niệm không giới hạn (unlimited). Thí dụ như không gian lưu trữ không giới hạn hoặc băng thông không giới hạn. Điều này không hoàn toàn chính xác rằng bạn sẽ được up lên hosting vô tận dữ liệu cũng như có vô tận lưu lượng dữ liệu lưu chuyển.

Nó chỉ có nghĩa là bạn không cần quá lo lắng về các thông số đó mà thôi, khi website bạn đủ lớn (rất nhiều bài viết hoặc/và nhiều truy cập) thì bạn vẫn cần nâng cấp hosting lên để đảm bảo nó hoạt động trơn tru.

Từ unlimited mặc dù rất ảo và nhiều người mua cũng đã biết nghĩa thật của nó, nhưng do sức hấp dẫn về mặt marketing, đặc biệt là với người dùng mới nên hầu như tất cả các công ty hosting lớn nhỏ vẫn sử dụng chúng, mặc dù đã bớt lạm dụng hơn rất nhiều so với trước đây.


B. Nên chọn Share hosting, VPS hay host chuyên dụng cho WordPress?

Chọn kiểu hosting nào đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng

Đây là ba gói hosting mà những người mới dùng có thể chọn mua, mặc dù Share hosting vẫn là ưu tiên hàng đầu dành cho người mới vì sự hấp dẫn về giá cả của nó.

Bảng so sánh:

  Share host VPS Chuyên WordPress
Giá $ $$ $$$ (đắt nhất)
Tốc độ * ** *** (tốt nhất)
Tiện dụng Bình thường Bình thường Tốt (có thể được hỗ trợ thêm)
Chất lượng chung Bình thường Khá hoặc Tốt tùy khả năng tự tối ưu Tốt

Với Share host, bạn có giá rẻ nhất nhưng nó thường có tốc độ truy cập chậm hơn và khả năng bảo mật cũng kém hơn so với các gói khác. Giống như ở ký túc xá vậy, người chung phòng dễ ảnh hưởng đến bạn.

Các gói chuyên cho WordPress tốt nhất trên nhiều khía cạnh nhưng cũng thường khiến bạn tốn nhiều tiền nhất, đặc biệt nếu website của bạn có lưu lượng truy cập lớn. Tuy vậy điều này sẽ đáng giá nếu trong nhóm của bạn không có ai am hiểu về hosting, bởi các gói này là nhàn nhất trong khâu quản trị.

VPS là gói trung gian, tương đối mềm dẻo và mạnh mẽ, tuy không được như gói chuyên cho WordPress nhưng nó mạnh hơn hẳn Share host. Với người dùng có chuyên môn, tôi thấy họ hay sử dụng VPS hơn là gói chuyên cho WordPress, nguyên nhân là vì họ có thể tận dụng lợi thế kiến thức để tối ưu hóa host không thua kém gì gói chuyên cả (thậm chí còn nhanh hơn trong một số trường hợp) trong khi chi phí thì giảm nhiều (có thể chỉ còn 1/2 đến 1/5 tùy từng dịch vụ và kỹ năng của người quản trị).

VPS và Share host còn có ưu điểm là bạn có thể cài thêm mã nguồn khác nếu sau này phát sinh thêm nhu cầu bên cạnh việc sử dụng WordPress.

1. Về vấn đề chọn Panel quản trị cho VPS

Panel quản trị cần đơn giản, dễ dùng. Điều này đặc biệt đúng với người mới.

Ngay cả những người dùng host lâu năm cũng sẽ sớm nhận ra rằng, rất nhiều tính năng phức tạp họ sẽ không bao giờ dùng đến.

  • Không giống như share host hoặc các host chuyên cho WordPress luôn có panel quản trị tùy biến hoặc chuyên dụng như cPanel, DirectAdmin, Plesk, các gói VPS (như trên Vultr, DO, Linode, Upcloud) người dùng sẽ phải tự cài đặt panel cho WordPress mà họ muốn;
  • Các công cụ sử dụng thao tác dòng lệnh như VPSSIM hay HocVPS giúp tiết kiệm tài nguyên nhưng không thích hợp với người không chuyên (bao gồm tôi, tôi rất sợ các dòng lệnh, kinh nghiệm từ lập trình amateur của tôi là các dòng lệnh chỉ cần thiếu hoặc thừa một dấu, một chữ là không chạy, có khi còn hỏng). Tất nhiên nếu bạn quen với các dòng lệnh lại là trường hợp khác;
  • Plesk phiên bản miễn phí nhiều tính năng và không tốn nhiều thời gian học cách sử dụng, dĩ nhiên nó còn rất tiết kiệm nữa. Đây là lựa chọn khả thi cho những ai không chuyên, app này có sẵn trên Vultr;
  • Một lựa chọn cực kỳ hấp dẫn khác cho những ai đam mê tốc độ là CyberPanel với Openlitespeed, nó có thể cài dễ dàng trên DigitalOcean. Với Openlitespeed bạn không tốn bất cứ đồng nào;
  • Các app trung gian của bên thứ ba như ServerPilot (xem cách dùng ở đây), GridPane, Forge Laravel, SpinupWP là những lựa chọn cho những ai muốn tối ưu tốc độ, hiệu suất của website WordPress, mà không muốn một panel phức tạp. Nó vẫn đòi hỏi bạn phải tìm hiểu cách dùng, nhưng không khó như dòng lệnh. Cá nhân tôi đang dùng thử Serverpilot, nó dễ dùng và dễ kết nối với nhiều VPS tuy nhiên tính năng hơi nghèo nàn theo kiểu tối giản. Còn về GridPane tôi nghe nói nó có hiệu suất vượt trội, tuy nhiên giá rất cao với gói trả phí (30 USD/tháng). Hiện tại cộng đồng xếp hạng về hiệu suất, tốc độ như sau GradPane > SpinupWP > (các app còn lại). Mặc dù ServerPilot rất nổi tiếng (nó có mặt trước các công cụ khác rất lâu) nhưng so với các công cụ hàng đầu, một số người cho rằng nó kém hơn;
  • Bản chất của các app trung gian là các mã tùy biến được cài đặt để tối ưu hóa hiệu suất trên nền WordPress + gia tăng các tính năng mạnh và tiện dụng như backup dữ liệu, staging (trang web dạng demo, cho phép bạn thoải mái chỉnh sửa, trước khi xuất bản sang trang web chính thức, điều này giúp hạn chế lỗi).
  • Đa số các app có thể kết nối được với bất cứ nhà cung ứng VPS nào thông qua IP và mật khẩu (ServerPilot, SpinupWP) hoặc thông qua API (GridPane). Sự chuyên biệt hóa các app Hosting Control Panel cho WordPress có lẽ đến từ 2 nguyên nhân: sự phổ biến cực lớn của WordPress và mức tăng trưởng mạnh mẽ của VPS về mặt hiệu năng bỏ xa share host…Nhược điểm của các control panel chuyên biệt hóa là nó có thể vô hiệu hóa một số chức năng, nhưng bạn đừng lo, thường thì đó đều là các chức năng không quan trọng;
  • Nếu bạn có khả năng sử dụng dòng lệnh, các Script tối ưu hóa trên nền NGINX như Webinoly, Centmin Mod, EasyEngine cũng cho tốc độ rất cao mà lại miễn phí;

2. Vấn đề giữa VPS và gói chuyên cho WordPress đối với các trang thương mại điện tử hoặc trang có lưu lượng truy cập lớn

Khi website của bạn phát triển đến một mức nào đó, bạn chắc chắn xa rời share host giá rẻ. Lúc này khả năng cao là bạn sẽ lăn tăn giữa hai phương án mua VPS hay mua gói host chuyên cho WordPress.

Lời khuyên là phụ thuộc vào trình độ của bạn.

Nếu nhóm có ai đó thành thạo về host hãy chọn VPS, nó có thể giúp bạn tiết kiệm được hơn nửa số tiền so với gói chuyên cho WordPress. Nhưng nếu không hãy dừng ý tưởng học VPS lại nếu không bạn dễ dàng sa lầy vào mớ kiến thức không đơn giản chút nào. Hoặc trong trường hợp ít tệ nhất thì thời gian bạn bỏ ra để học sử dụng VPS thành thạo có thể tốn kém hơn nhiều so với số tiền bạn tiết kiệm được.

Nếu bạn là người mới và vẫn muốn sử dụng VPS, hãy sử dụng nó thông qua các panel dễ dùng, miễn phí như CyperPanel, Plesk, vân vân, đừng học cách dùng VPS qua dòng lệnh vội, cái đó để sau này học cũng chưa muộn.

Tại Sao?

Vì trong phần lớn trường hợp ngay cả website có lưu lượng truy cập tương đối lớn (cứ giả sử cỡ 300 ngàn view/tháng đi) thì gói host chuyên cho WordPress của bạn giao động từ 50 đến 100 USD là nhiều, nếu bạn dùng VPS và tối ưu tốt chỉ tốn cỡ 10 – 30 USD. Vậy là bạn tiết kiếm được từ 20 – 90 USD / tháng tùy tình hình thực tế.

Lấy con số trung bình là 50 USD, trong phần lớn trường hợp đây là giá trị nhỏ so với một doanh nghiệp thương mại hoạt động ổn định. Và bỏ ra số tiền này bạn sẽ tránh được một mớ rắc rối như cache, bảo mật, downtime, control panel, backup, tốc độ chậm.

Những thứ mà ngay cả học hành nghiêm túc cũng phải mất cả năm mới thành thạo. Điều khổ nữa là các công nghệ này thay đổi rất nhanh! Nghĩa là bạn sẽ phải liên tục tìm hiểu về chủ đề này nếu muốn duy trì ổn định cho web (cho dù sẽ đỡ vất vả hơn khi còn lơ ngơ).


C. Nên mua hosting ở Việt Nam hay nước ngoài?

nên mua hosting trong hay ngoài nước

Không cái nào tốt hơn hẳn cái nào. Tôi sẽ đưa ra bảng so sánh sau để bạn có thể tiện đối chiếu:

  Hosting Việt Nam Hosting nước ngoài
Tốc độ (truy cập tại Việt Nam) Thường cho tốc độ truy cập cao hơn do server gần người dùng hơn. Thường cho tốc độ thấp hơn do server ở xa người dùng.

Giải pháp: chọn hosting ở gần Việt Nam như khu vực Singapore, Nhật Bản hoặc HongKong để giảm thiểu ảnh hưởng địa lý. Nếu kết hợp được với dịch vụ CDN có PoP ở Việt Nam nữa là tốt nhất (ví dụ BizFly, BunnyCDN).

Ảnh hưởng bởi đứt cáp Gần như không gây ảnh hưởng nào Ảnh hưởng tương đối lớn đến tốc độ đường truyền. Có khả năng gây gián đoạn trong khi truy cập.

Giải pháp: mặc dù hiện nay ảnh hưởng bởi đứt cáp được giảm thiểu nhờ các nhà mạng có định tuyến dữ liệu dự phòng. Tuy nhiên để chắc chắn bạn có thể dùng CDN (giải pháp lâu dài) hoặc dùng tạm gói host ở Việt Nam trong thời gian đứt cáp (giải pháp tạm thời).

Để dùng gói host khác trong thời gian đứt cáp bạn cần biết cách chuyển host nhanh chóng (để giảm tối đa thời gian gián đoạn). Tôi biết có 2 plugin giúp bạn dễ dàng làm điều này là UpdraftPlus (miễn phí) và All-in-One WP Migration (có phí với các trang trên 512 MB dữ liệu). Với website hơn 2GB tôi chỉ tốn khoảng 15 phút bị gián đoạn để up website lên. Nên sử dụng DNS free của CloudFlare (bỏ đám mây màu vàng) để trỏ IP nhanh hơn, vì tốc độ cập nhật DNS của CloudFlare rất cao, điều này rất hữu ích nếu bạn mua tên miền ở Việt Nam- nơi thời gian cập nhật DNS đầy đủ mất nhiều thời gian hơn.

Khả năng hỗ trợ tư vấn Nói chung là tốt, vì cùng ngôn ngữ và khung thời gian làm việc.

Tốc độ nhận phản hồi có thể khá nhanh.

Nếu không biết tiếng Anh cơ bản có thể gây ra trở ngại trong khi nhận tư vấn.

Một số yêu cầu có thể phải chờ vài tiếng hoặc 24h mới có câu trả lời.
Giá trên không gian lưu trữ Thường đắt hơn Thường rẻ hơn
Giá trên băng thông Thường đắt hơn Thường rẻ hơn
Phương thức thanh toán Tiền mặt
Chuyển khoản
Trực tuyến
Thường chỉ có trực tuyến, bạn cần có thẻ thanh toán quốc tế (như VISA hoặc Master Card) hoặc dịch vụ thanh toán trung gian như Paypal.

Cập nhật: ngân hàng Techcombank đang là ngân hàng tin cậy hàng đầu ở thời điểm hiện tại với các thẻ thanh toán quốc tế.

Những trường hợp sau bạn nên cân nhắc mua hosting tại Việt Nam sẽ tốt hơn:

  • Từ trước đến nay bạn không mạnh trong các vấn đề kỹ thuật
  • Bạn không biết tiếng Anh đủ để chat với bên tư vấn hosting nước ngoài
  • Bạn không muốn dịch vụ bị gián đoạn hoặc chậm khi đứt cáp nghiêm trọng

Ở cùng mức giá, hosting nước ngoài nói chung được đánh giá cao hơn trong nước về độ ổn định, mức độ chịu tải và bảo mật.


D. Học cách sử dụng hosting có khó không?

học hosting dễ như chơi với mèo thôi mà!

Thực sự là KHÔNG. Ngay cả với những người không thạo về công nghệ. Nhưng nó chỉ đúng trong trường hợp bạn học những thứ cơ bản! Khi ấy học dùng hosting như học cách dùng phần mềm mới vậy.

Bạn sẽ chỉ phải học vài thứ như:

  • Cách thêm tên miền vào hosting
  • Cài đặt nhanh WordPress
  • Cách lấy thông tin IP & nameserver của hosting cho tên miền tương ứng (thường thì công ty hosting sẽ gửi email cho bạn khi mua dịch vụ)
  • Cách trỏ tên miền về hosting
  • Sử dụng các thao tác cơ bản khác trên panel quản trị (ví dụ như tạo SSL)

Để sử dụng nâng cao, bạn sẽ phải học thêm một số kỹ năng mới (chẳng hạn cách dùng FTP, các cài đặt bảo mật, backup), nhưng đối với người dùng mới và đa số người dùng thông thường các kỹ năng trên là đủ để bạn kết nối tên miền với hosting và duy trì website hoạt động.


E. Tôi nên thanh toán tiền mua hosting theo tháng hay theo năm?

mua hosting theo tháng hay theo năm

Các công ty nước ngoài thường cung cấp cả hai tùy chọn là thanh toán theo tháng hoặc theo năm. Vì việc thanh toán diễn ra tự động nên cũng không gây ra sự phiền nhiễu gì. Sự khác biệt chỉ là thanh toán theo năm thường rẻ hơn (ví dụ rẻ hơn 2 tháng).

Các công ty Việt Nam hiếm khi đồng ý thanh toán theo tháng, nếu đó không phải là thanh toán tự động, vì khi đó việc kiểm tra xác nhận sẽ phiền nhiễu và tốn kém nhân lực. Khi dùng tiền mặt (hoặc chuyển khoản) họ thường yêu cầu tối thiểu là 3 tháng, thường là 6 tháng hoặc trọn 1 năm.

Lời khuyên của tôi trong vấn đề này là trừ khi bạn tin tưởng chất lượng dịch vụ của công ty bán hosting thì mới nên thanh toán theo gói hàng năm, còn không bạn nên sử dụng thanh toán theo tháng.

Với thanh toán ngắn hạn, bạn có thể chuyển đi nơi khác nếu chất lượng của họ gặp vấn đề mà không bị phí phạm những tháng chưa dùng.

Các công ty Việt Nam có khả năng chấp nhận theo tháng nếu bạn dùng hình thức thanh toán tự động. Bạn hãy hỏi họ kỹ vấn đề này trước khi mua.


F. Hosting chậm, quá tải thì khắc phục thế nào?

website chậm thì khắc phục thế nào

Các gói host giá rẻ, share host thông thường có thể gặp nhiều vấn đề, trong đó phổ biến nhất là tốc độ truy cập chậm, dễ bị quá tải và thậm chí là gián đoạn truy cập, chúng đều là hệ quả trực tiếp của việc host có cấu hình yếu hoặc có quá nhiều người dùng chung gói đó.

Giải pháp tốt nhất là nâng cấp gói host, tuy nhiên trong nhiều trường hợp chúng ta bị hạn chế về chi phí nên thực tế vẫn không thể nâng cấp được! Vậy không còn giải pháp nào khác ư? Tin vui là chúng ta vẫn còn.

Về cơ chế thì bạn cần cắt giảm trang web của bạn sao cho nhẹ nhàng nhất có thể được, khi web nhẹ hơn nó sẽ giảm tải cho hosting.

Các cách làm cơ bản bao gồm:

  • Sử dụng giao diện đơn giản: tôi khuyến khích các bạn sử dụng theme miễn phí có tốc độ cao có tên Astra – https://wordpress.org/themes/astra/, nó cả bản trả phí nếu các bạn có nhu cầu. Một lựa chọn đáng giá khác là GeneratePress;
  • Sử dụng các ảnh được tối ưu hóa: ở đây bạn cần tối ưu hóa ảnh cho web kể cả về mặt dung lượng (KB) lẫn kích thước (px). Ảnh nhẹ hơn sẽ giúp web tải nhanh hơn khá nhiều, vì ảnh thường là phần chiếm dung lượng lớn nhất trên trang. Bạn có thể sử dụng plugin nén ảnh EWWW để làm việc này, tuy nhiên nếu host bạn quá yếu thì việc cài plugin trên cũng có thể trở thành một vấn đề khó khăn mới! Khi ấy tốt nhất là bạn cần tối ưu trước khi up lên web để không cần phải cài plugin nữa (dù thực tế cách làm này tương đối bất tiện). Có nhiều phần mềm miễn phí giúp bạn tối ưu ảnh, ngoài ra còn có cả các công cụ trực tuyến dễ dùng khác nữa, ví dụ: wecompress.com. Nếu sẵn sàng bỏ chi phí để mua plugin nén ảnh, hãy đầu tư vào plugin ShortPixel, nó được cộng đồng đánh giá cao về chất lượng, ngoài ra chi phí chấp nhận được với hầu hết chủ website. PS: LiteSpeed cache hiện tối ưu hóa ảnh miễn phí và cũng có chất lượng rất cao, bạn nên tham khảo dùng thử;
  • Hạn chế sử dụng plugin: bạn chỉ nên cài đặt plugin nào thực sự cần thiết, bất cứ plugin nào cài thêm đều gia tăng gánh nặng ít nhiều cho website. Cùng một tính năng thường có nhiều plugin đáp ứng được, bạn hãy thử một số cái để xem cái nào tối ưu nhất về hiệu năng. Tôi có tìm thấy một danh sách 65 plugin có khả năng làm chậm website của bạn;
  • Sử dụng CDN miễn phí: CDN là mạng phân tán máy chủ toàn cầu, nó lưu nội dung tĩnh của bạn ở các máy chủ gần người dùng nhất, qua đó vừa giúp giảm tải cho host gốc, vừa giúp tăng tốc website. Đa số CDN đều có phí, nhưng cũng có một số dịch vụ miễn phí dùng được, chẳng hạn như Cloudflare hoặc Jetpack. Bạn nên ưu tiên sử dụng Cloudflare hơn vì ảnh được tối ưu của nó cho chất lượng tốt hơn Jetpack (hiện tình trạng này đã được khắc phục). Tôi có một vài viết về hướng dẫn sử dụng Cloudflare, tuy rằng dành cho gói có phí, nhưng sẽ vẫn hữu ích cho những ai dùng bản miễn phí. Ngoài ra CDN dành cho CSS và JS cho các file phổ biến cũng có thể rất hữu ích, bản thân JetPack cũng mới bổ sung tính năng này, commonWP là plugin có tính năng tương tự để bạn có được CDN từ jsDelivr. Bạn có thể muốn tham khảo thêm các dịch vụ CDN cho WordPress với trình bày chi tiết hơn;
  • Tối ưu hóa HTML, CSS, JS: nó giúp giảm dung lượng và số lượng kết nối đến máy chủ. Nếu host của bạn tốt thì điều này có thể không cần thiết vì đã có http/2, nhưng với host yếu số lượng kết nối đồng thời tới máy chủ có thể là vấn đề. Bạn nên sử dụng plugin Autoptimize để thực hiện nhiệm vụ này. PS: hầu hết các plugin cache tốt như LiteSpeed, WP-Rocket, Swift Performance đã có sẵn tính năng này, nếu bạn đang dùng thì dùng luôn tính năng đó của plugin cache;

Hầu hết các biện pháp kể trên (cùng nhiều cách mở rộng khác) cũng được tôi đề cập rất kỹ trong bài viết hướng dẫn tăng tốc WordPress. Nếu kinh phí là vấn đề với bạn thì hãy tham khảo bài viết tăng tốc WordPress theo hướng rẻ tiền và dễ triển khai.


Bài tiếp theo: Cách trỏ tên miền về Hosting

Comments are closed.

Back to Top