Categories Tên miền

Mua tên miền giá rẻ: Khảo sát giá của các nhà đăng ký hàng đầu trên thế giới và có cả Việt Nam

Mua tên miền giá rẻ

[Cập nhật nhanh: ở thời điểm 2022, có các nhà đăng ký tên miền uy tín cũng như giá cả rất cạnh tranh sau:

  • Google domains: giao diện tiếng Việt, nhiều đuôi để chọn lựa, đăng ký nhanh, không chào mời dịch vụ không cần thiết. Bảo vệ thông tin người đăng ký mà không tốn thêm chi phí.
  • Namecheap: nổi tiếng về giá cả vừa phải, và đã duy trì được nhiều năm, giao diện tiếng Anh.
  • Cloudflare: thương hiệu uy tín, và giá cũng rất rẻ.]

Có thể bạn đã chọn được tên miền ưng í hoặc không nhưng rõ như ban ngày rồi: bạn đang lăn tăn giá tiền.

Bạn muốn biết ngay lập tức tên nhà đăng ký đang bán tên miền rẻ nhất và xông đến xúc ngay một cái. Nhưng chuyện này không nên vội như thế.

Trước khi tôi tiết lộ cho bạn thông tin đó (với thống kê chi tiết so sánh với những công ty khác) bạn cần phải nắm rõ một số điều. Vì nó giúp chúng ta hiểu “rẻ nhất” là như thế nào và nó quan trọng đến đâu.

Có lẽ bạn đã thử khảo giá tên miền một số nơi rồi phải không. Có chỗ giá 10 USD, chỗ 13 USD, chỗ lại 9 USD. Rồi lại có nơi bán giá sốc 0,99 USD cho năm đầu tiên!

Thực ra chẳng có hạn nào cả.

Các công ty hosting (lưu trữ web), ở một số gói đăng ký nhất định còn miễn phí luôn tên miền cho bạn.

Bạn bắt đầu cảm thấy rối tung lên và tự hỏi nên mua ở chỗ nào?

Trong kinh doanh không ai cho không ai cái gì đâu.

Các công ty hosting miễn phí tên miền thường trong trường hợp bạn mua gói hosting giá tương đối lớn (hoặc bất cứ giá nào đủ để họ có lãi bao tên miền).

Nhưng tôi khuyên bạn không nên mua tên miền ở công ty chuyên bán hosting và ngược lại, không nên mua hosting ở công ty chuyên bán tên miền (cho dù điều này cũng có ngoại lệ).

Tại sao?

Vì thường người ta chỉ làm giỏi đúng chuyên môn của mình thôi.

Tôi chỉ nói dựa trên suy tưởng cá nhân của mình khải không?

KHÔNG.

Có đầy bằng chứng cho thấy nhiều khách hàng kêu gào chất lượng hosting của nhà cung cấp tên miền hàng đầu thế giới GoDaddy. Bạn có thể tìm thêm trên Google.

Còn về hosting, một ví dụ khá cực đoan là trường hợp của Optimal Hosting, họ tặng đến 3 tên miền miễn phí cho khách hàng mới vào dịp khuyến mại, nhiều người đăng ký. Sau đó thì công ty này phá sản, chủ của các tên miền đã đăng ký ở đây phải rất vất vả mới chuyển được sang nhà đăng ký khác:

không đăng ký tên miền ở công ty hosting

Rồi, giả dụ giờ bạn đã quyết không mua tên miền ở công ty cung cấp hosting nữa (tôi đoán thế).

Nhưng bạn lại khám phá thêm một sự kiện thú vị khác:

Một số công ty có thể bán tên miền năm đầu tiên rất rẻ nhưng các năm tiếp theo lại đắt hơn hẳn các công ty khác.

Thí dụ như công ty 1 & 1 INTERNET, năm đầu gần 1$, năm sau nhảy lên gần 15$:

giá tên miền năm đầu tiên rất rẻ

Bạn đã hiểu lý do rồi đúng không?

Đó chỉ là mồi câu để bạn trở thành khách hàng, họ chấp nhận lỗ năm đầu tiên để lãi của các năm tiếp theo bù lại, và trên tổng thể nếu bạn ở đó đủ lâu thì họ chắc chắn lãi nhiều hơn so với bán đúng giá năm đầu tiên!

Chiêu này không có gì mới, nhưng vẫn rất hiệu quả. Ai mà không ham giá rẻ chứ (vâng, có tôi nữa). Tất nhiên các nhà đăng ký tên miền chẳng có gì sai khi làm điều đó, nhưng mặt khác bạn cần thấy rõ điều này.

Tuy vậy nhiều công ty không áp dụng chiêu trên mà để giá khá thống nhất giữa các năm, vì thực tế cũng có rủi ro. Đó là trường hợp người dùng mua năm đầu tiên giá cực rẻ để rồi sang năm tiếp theo họ chuyển sang nhà đăng ký khác!

Và có những công ty như Godaddy chẳng hạn, họ đối phó với tình trạng này bằng cách giảm giá sâu năm đầu tiên chỉ khi người mua đặt gói có thời hạn từ 2 năm trở lên, còn nếu chỉ mua 1 năm thì giá có giảm nhưng không giảm quá nhiều.

Cuối cùng tôi muốn bạn ý thức được điều này:

Tên miền có thể có giá chỉ khoảng 10 USD/năm nhưng nếu bạn làm điều gì đó hay ho cho nó, chẳng hạn như bán hàng trên đó, hoặc viết những bài blog tuyệt vời, website sẽ có giá trị rất lớn sau này.

Cho nên bạn cần mua ở nhà đăng ký tên miền uy tín. Bởi họ sẽ cung cấp dịch vụ an toàn hơn cho bạn, bao gồm hạn chế tối đa điều nguy hiểm nhất là bị mất tên miền (do bị hack, quên gia hạn hoặc bất cứ lý do nào khác).

Vậy chúng ta đã có câu hỏi rõ ràng hơn: Tìm mua tên miền rẻ nhất trong số các nhà đăng ký tên miền uy tín, chứ không phải bất cứ nhà đăng ký nào bạn ngẫu nhiên thấy trên internet (mà xét cho cùng, chúng ta cũng không có thời gian và khả năng thử tất cả các nhà đăng ký tên miền).

Vậy thế nào là nhà đăng ký tên miền uy tín? Tôi dựa vào số lượng tên miền mà mọi người đăng ký tại đó.

Nếu một nhà đăng ký có hàng triệu người gửi gắm tên miền ở đấy chắc chắn phải tốt hơn hẳn nhà đăng ký chỉ có vài nghìn khách hàng đúng không ạ?

Rất may cho chúng ta là có những nơi thống kê các nhà đăng ký tên miền theo số lượng tên miền mà họ đang nắm giữ.

Giờ tôi sẽ đi vào phương thức thực hiện khảo sát.

Tôi sẽ chọn ra 10 nhà đăng ký lớn nhất, trong đó sẽ lấy 7 nhà đăng ký tên miền quốc tế và 3 nhà đăng ký tên miền trong nước.

Giá đuôi tên miền quốc tế được đánh giá là .com

Sở dĩ .com được chọn vì nó là đuôi tên miền chiếm đa số.

Bảng bên dưới cho thấy số lượng tên miền đuôi .com áp đảo so với phần còn lại (ngay dưới là .net và .org, nhưng ở khoảng cách rất xa):

các đuôi tên miền theo số lượng

Về thời gian đăng ký, sẽ khảo sát giá đăng ký theo từng năm, từ năm thứ 1 cho đến năm thứ 5. Khoảng thời gian cần dài như vậy để giảm ảnh hưởng của khuyến mại, thực tế thường bắt đầu từ năm thứ 3 trở đi chúng ta mới hình dung được giá của nhà đăng ký tên miền đó có rẻ hay là không.

Còn về người đăng ký, tôi sẽ phải đóng vai giống như bạn, tức là giả định là NGƯỜI MUA LẦN ĐẦU TIÊN.

Thời điểm khảo sát: Tháng 12 năm 2017


A. Danh sách cụ thể các nhà đăng ký tên miền được khảo giá

  1. GoDaddy (Hoa Kỳ) – số lượng tên miền: 55,578,545
  2. eNom (Hoa Kỳ) – số lượng tên miền: 10,390,333
  3. 1 & 1 INTERNET (Đức) – số lượng tên miền: 5,261,187
  4. Domain.com (Hoa Kỳ) – số lượng tên miền: 2,421,504
  5. NameCheap (Hoa Kỳ) – số lượng tên miền: 2,362,895
  6. Name.com (Hoa Kỳ) – số lượng tên miền: 1,752,617
  7. NameSilo (Hoa Kỳ) – số lượng tên miền: 963,804
  8. P.A. Viet Nam Company Limited (Việt Nam) – số lượng tên miền: 163,713
  9. Mắt Bão (Việt Nam) – số lượng tên miền: 122,301
  10. Nhân Hòa (Việt Nam) – số lượng tên miền: 44,933

Để cho rõ ràng, ngoài GoDaddy và eNom là các nhà đăng ký tên miền lớn nhất theo thứ tự, các nhà đăng ký khác được tôi ưu tiên lựa chọn dù nó không hẳn có thứ hạng rất cao (nhưng đều trong top 30 cả). Lý do ưu tiên như sau:

  • Ưu tiên chọn nhà đăng ký có giao diện tiếng Anh, sẽ dễ giao dịch hơn cho đa số người dùng Việt Nam (có thể cả khâu thanh toán cũng dễ hơn).
  • Ưu tiên các nhà đăng ký đang nhận được nhiều quan tâm, chẳng hạn như NameSilo.

Còn với nhà đăng ký Việt Nam, để đảm bảo chọn đúng đối tượng khảo sát, tôi còn tham khảo thêm thông tin về các nhà đăng ký tên miền lớn nhất từ VNNIC nữa:

các nhà đăng ký tên miền lớn nhất Việt Nam

Theo đó thì PA VIETNAM xếp thứ 1, MAT BAO xếp thứ 2 và NHAN HOA xếp thứ 5.


B. Vấn đề tỷ giá giữa USD và Việt Nam Đồng

Tôi sẽ lấy tỷ giá ngoại tệ của ngân hàng Vietcombank vào ngày kiểm tra (2/12/2017) là 22,750đ (bán) để làm đơn vị chuyển đổi.

Trong thực tế thường thì nếu bạn mua qua PayPal giá này sẽ cao hơn khá nhiều, có thể tăng gần 1000đ/USD, tức là bạn sẽ mất nhiều tiền hơn. Sai lệch giá trong trường hợp này xấp xỉ 4,5%.

Khi thanh toán trực tiếp bằng thẻ VISA giá thường thấp hơn PayPal và cao hơn tỷ giá ngân hàng một chút, vào khoảng 23,000đ. Sai lệch giá trong trường hợp này xấp xỉ 2%

Để so sánh được tốt hơn, bên cạnh việc ghi giá USD, tôi sẽ mở ngoặc giá tiền đồng sau chuyển đổi.


C. Giá tên miền đuôi .com

Bảng cột đứng dễ nhìn (đơn vị theo trục tung là ngàn đồng):

bảng cột đứng giá tên miền .com khi mua 5 năm

Thông tin chi tiết giá cụ thể theo từng năm:

  GoDaddy eNom 1 & 1 INTERNET Domain.com NameCheap Name.com NameSilo P.A. Viet Nam Mat Bao Nhan Hoa
Năm 1 199 000đ 13,95$ (317 000đ) 9,17$ (209 000đ) 9,99$ (227 000đ) 9,06$ (206 000đ) 9,99$ (227 000đ) 6,99$ (159 000đ) 98 000đ 329 000đ 120 000đ
Năm 2 418 000đ 27,9$ (634 000đ) 16,34$ (372 000đ) 19,98$ (454 000đ) 21,54$ (490 000đ) 22,98$ (523 000đ) 15,98$ (364 000đ) 339 000đ 658 000đ 428 000đ
Năm 3 767 000đ 41,85$ (951 000đ) 31,51$ (717 000đ) 29,97$ (682 000đ) 32,01$ (728 000đ) 35,97$ (818 000đ) 24,97$ (568 000đ) 668 000đ 987 000đ 736 000đ
Năm 4 Không bán 4 năm 55,80$ (1268 000đ) Không bán 4 năm 39,96$ (909 000đ) 42,28$ (962 000đ)  48,96$ (1114 000đ) 33,96$ (773 000đ) 997 000đ 1316 000đ  1044 000đ
Năm 5 1 465 000đ 69,75$(1585 000đ) 61,85$ (1407 000đ) 49,95$ (1136 000đ) 52,35$ (1191 000đ) 61,95$ (1409 000đ) 42,95$ (977 000đ) 1326 000đ 1645 000đ 1352 000đ

Xét theo từng năm, những cái được bôi nền vàng có giá rẻ nhất, bôi nền đỏ cam có giá đắt nhất.

Giá rẻ nhất thuộc về các nhà đăng ký (tính trên dài hạn): NameSilo, P.A Việt Nam, Domain.com

Giá cao nhất thuộc về nhà đăng ký (tính trên dài hạn): eNom và Mắt Bão.

Người chiến thắng tuyệt đối về mức giá là NameSilo, chắc chắn đây là lý do dạo gần đây tôi thấy người ta hay nhắc đến nhà đăng ký tên miền này. (Tuy nhiên không hiểu sao tôi chỉ đăng ký được 1 năm, chọn hơn thì không được, nhưng tôi vẫn tính được giá dựa trên thông tin bảng giá renew của họ là 8,99$ bán lẻ cho .com)

Nếu chỉ mua 1 năm thôi, thì chính các nhà đăng ký tên miền trong nước mới có giá rẻ nhất, với giá chỉ khoảng 100 ngàn đồng. Trong thử nghiệm này, người chiến thắng là P.A Việt Nam với giá 98 ngàn.

Giá trung bình của 10 nhà đăng ký tên miền quốc tế (tính 5 năm) là: 1349 000đ


D. Kết luận

Vậy là chúng ta đã đi đến phần cuối. Việc kiểm tra giá tên miền 50 lần khiến tôi chán ngấy nhưng giờ cũng xong rồi!

Bạn đã tìm được người chiến thắng: NameSilo

Rõ ràng tên miền ở nhà đăng ký có giá rẻ nhất thấp hơn đáng kể so với giá của các nhà đăng ký khác nếu tính theo phần trăm.

So với nhà đăng ký có giá đắt nhất, mua ở NameSilo tiết kiệm được khoảng 37% tiền (mua 5 năm).

So với giá của nhà đăng ký tầm trung, mua ở NameSilo tiết kiệm được khoảng 20% tiền (mua 5 năm).

Tuy nhiên nếu quy ra giá trị tuyệt đối mức chênh lệch này không đáng kể: chỉ khoảng 3$ mỗi năm (xấp xỉ 70 ngàn đồng) nếu lỡ mua phải nhà đăng ký đắt.

Nhưng giá của NameSilo chỉ là trường hợp cá biệt, chúng ta không rõ mức giá quá ư cạnh tranh này sẽ kéo dài được bao lâu.

Nếu bỏ họ ra, mức chênh lệch tiếp tục giảm xuống, chỉ 1$ – 2$ mỗi năm (23 – 46 ngàn đồng).

Tôi tự hỏi chúng ta có nên vì 1$ hoặc 2$ mà mất quá nhiều thời gian hay không? Vâng, trừ khi bạn dự định mua cả trăm tên miền.

Hơn nữa tôi cũng không chắc nhà đăng ký tên miền rẻ nhất sẽ có dịch vụ tốt nhất. Tôi mới chỉ đang so sánh mỗi khía cạnh giá cả, chúng ta chưa đi sâu đến các yếu tố kỹ thuật khác.

Đây là điều tôi muốn nói: Tên miền là thứ nằm trong nhóm rẻ nhất rồi, bạn sẽ tốn hơn khá nhiều khi mua hosting, và rất nhiều công sức để xây dựng nội dung/ứng dụng. Do vậy điều quan trọng nhất với tên miền không phải là giá, mà là nhà đăng ký uy tín để bạn đảm bảo an toàn cho tên miền của mình nói riêng và chất lượng dịch vụ nói chung. Tên miền chỉ có giá 10$ với nhà đăng ký hết năm này sang năm khác nhưng có thể thêm nhiều số 0 nữa với bạn vào một năm nào đấy.

Tôi không bảo bạn bỏ ngỏ vấn đề giá cả, nhưng hãy chọn nhà đăng ký uy tín rồi mới tính đến giá.

Back to Top