Categories BlogT WordPress

Giới thiệu 3 công cụ theo dõi Uptime cho website (có lựa chọn free)

kiểm tra uptime

Tính liền mạch và ổn định của website rất quan trọng, đặc biệt trên các trang mà sự gián đoạn (downtime) có thể gây tổn thất lớn, ví dụ như các trang thương mại điện tử.

Chúng ta thường cố gắng hạn chế gián đoạn bằng cách chọn các dịch vụ hosting tốt, điều này là suy nghĩ hợp lý, vì các hosting chất lượng cao luôn đảm bảo được uptime cao tính trên trung bình. Tuy nhiên, có hai vấn đề với giả định “cứ dùng host tốt là uptime website chắc chắn sẽ cao”:

  1. Uptime trung bình của các gói host không phải là uptime thực cho sản phẩm cụ thể bạn đang dùng. Uptime trung bình chỉ cho thấy nhìn chung sản phẩm đó có chất lượng tốt như thế nào. Điều đấy giống như thu nhập trung bình của người dân tại một thành phố nào đấy là 10 triệu/tháng, nhưng sẽ vẫn có người chỉ kiếm được 5 triệu/tháng. Tất nhiên sự chênh lệch không lớn đến như vậy khi xét đến uptime của hosting, ý của tôi muốn nhấn mạnh ở đây là uptime trung bình của dịch vụ hosting cho dù có tốt, không có nghĩa là bạn cũng sẽ đạt được con số đấy trong trường hợp cụ thể của bạn. Con số thực sẽ giao động quanh giá trị trung bình này.
  2. Uptime không chỉ phụ thuộc vào mỗi hosting. Ngay cả khi bạn dùng cách dịch vụ host cao cấp nhất như Google Cloud hay Amazon Cloud – vốn có uptime rất tốt, thì uptime của website của bạn sẽ không bao giờ vượt được con số uptime của host. Lý do là vì uptime của website còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn việc bạn có sử dụng quá mức tài nguyên hay không, vân vân. Nó giống như laptop của bạn hoạt động bình thường trong điều kiện thông thường, nhưng có thể bị treo khi bạn sử dụng các phần mềm phức tạp đòi hỏi tài nguyên quá cao.

Tóm lại, uptime của website chỉ có thể biết được chính xác thông qua việc đo đạc cụ thể, thay vì dựa vào các giả định, cho dù bạn có sử dụng các gói hosting tốt đến đâu đi chăng nữa. Các chỉ số Uptime và thời gian phản hồi cũng là hai trong nhiều tiêu chí quan trọng để chúng ta quyết định có nên chuyển sang nhà cung cấp dịch vụ hosting mới hay không?

Bây giờ chúng ta đi vào phần chính.

Như mọi dịch vụ khác, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng lĩnh vực này có rất nhiều ứng cử viên với mức giá đa dạng. Bạn sẽ hơi bối rối một chút, nhưng may mắn cho chúng ta, về mặt giá cả chúng không quá đắt, vì bản chất, kiểm tra uptime không phải là công nghệ phức tạp.

Khi nói đến kiểm tra uptime, bạn sẽ phải quan tâm đến một số đặc tính sau:

  • Location của máy chủ kiểm tra uptime: Lý tưởng nhất, máy chủ kiểm tra uptime ở cùng với vị trí mà người dùng của bạn thường xuyên truy cập vào website, nếu không có thì càng gần càng tốt.
  • Interval: Đây chính là tần số kiểm tra. Các dịch vụ có thể kiểm tra website của bạn 5 phút/lần, 1 phút/lần, 30s/lần hay thậm chí là 15s/lần. Nói chung tần số kiểm tra cao sẽ tốt hơn, nó sẽ giúp phát hiện các gián đoạn dù nhỏ (với tần số kiểm tra 5 phút / lần có thể bạn sẽ không phát hiện ra có sự gián đoạn nếu website của bạn bị downtime 3 phút giữa hai lần kiểm tra liên tiếp). Nếu bạn còn lăn tăn về một con số cụ thể, 1 phút/lần là ổn trong đa số trường hợp.
  • Tên miền tùy chỉnh: Một cải tiến nhỏ nhưng rất quan trọng, nó giúp bạn không phải đăng nhập vào hệ thống kiểm tra uptime mà truy cập trực tiếp vào subdomain của riêng bạn để xem ngay và luôn các chỉ số, ví dụ: ud.kiencang.net (tên miền demo, sau này tôi không dùng nữa).
  • Thời gian phản hồi: Bên cạnh theo dõi uptime, các dịch vụ thường có thông tin thời gian phản hồi của máy chủ, chỉ số này càng nhỏ càng tốt, khi vượt một ngưỡng nhất định (bạn có thể tùy chỉnh ngưỡng này), hệ thống sẽ cảnh báo cho bạn. Thời gian phản hồi quá cao thường cho thấy có vấn đề nào đó, có thể là do bản thân nhà cung cấp dịch vụ hosting hoặc website bị quá tải.
  • Dữ liệu qua các tháng: Tùy từng dịch vụ và gói cụ thể, các hệ thống theo dõi uptime thường lưu trữ dữ liệu tối thiểu 3 tháng, cho đến 6 tháng, hay thậm chí cả năm. Dữ liệu này có nhiều lợi ích để bạn so sánh sau này, theo dõi trong cả một chặng đường dài chất lượng của hosting

Đến đây chúng ta sẽ đề cập đến các dịch vụ kiểm tra uptime cụ thể.


1. Updown.io

Ưu điểm:

  • Có nhiều chọn lựa tần số kiểm tra: Trong khi nhiều dịch vụ chỉ có tần số kiểm tra cao nhất là 1 phút/lần, updown.io có tần số kiểm tra cao nhất lên đến 15s/lần
  • Có nhiều vị trí máy chủ kiểm tra uptime: Có đến 8 vị trí để kiểm tra, bao gồm Singapore và Nhật Bản, là hai địa điểm gần Việt Nam
  • Giá dễ chịu: So với nhiều dịch vụ khác, updown.io có giá thành tương đối rẻ
  • Có thông tin về thời gian phản hồi và cho phép gắn tên miền tùy chỉnh dễ dàng

Các bước cài đặt:

cài đặt kiểm tra uptime
  1. Bạn nhập URL cần kiểm tra, đó có thể là bất kỳ URL nào trên website.
  2. Nhập tần số kiểm tra, ở đây là 30s/lần và cao nhất là 1hlựa chọn interval
  3. Chọn thời gian phản hồi mà bạn mong muốn, ở đây theo mặc định updown.io chọn giá trị 0,5 giây (bạn hoàn toàn có quyền chuyển sang giá trị khác), khi thời gian phản hồi cao hơn giá trị này, bạn sẽ thấy chỉ số APDEX* dưới 1, chỉ số này càng bé hơn 1 thì càng không ổn. Trong trường hợp hoàn hảo nhất, khi tất cả các lượt kiểm tra có thời gian phản hồi thấp hơn giá trị mong muốn (0,5 giây), APDEX sẽ bằng 1chọn thời gian phản hồi
  4. Chọn location, ở đây tôi chọn Singapore và Nhật. Bạn không cần bật các khu vực còn lại đâu, trừ khi bạn có khách truy cập gần đóchọn location của máy chủ kiểm tra uptime
  5. Cuối cùng bạn nhấn Save để lưu (ngoài cùng bên tay phải)
  6. Để xem thống kê bạn click vào link như hình bên dướiclick vào link để kiểm tra

(*): Chỉ số APDEX được tính như thế nào? Giả sử thời gian phản hồi mong muốn của bạn là X=500ms (0,5s). Dựa trên dữ liệu thu thập được, thời gian phản hồi sẽ được chia làm ba nhóm như sau:

  • Dưới 500ms, được gọi là Satisfied, nghĩa là thỏa mãn
  • Trên 500ms cho đến 2000ms (4*X), được gọi là Tolerating, nghĩa là chịu đựng/chấp nhận được
  • Trên 2000ms (4*X), được gọi là Frustrated, nghĩa là thất bại
cách tính APDEX

Chẳng hạn trong 100 lần kiểm tra, hệ thống ghi nhận 50 lần thỏa mãn, 30 lần chịu đựng và 20 lần thất bại, thì chỉ số APDEX sẽ có giá trị 0,65 như cách tính của hình trên (Total number of request là Tổng số lần kiểm tra).

Chỉ số APDEX không phải là chỉ số do Updown.io nghĩ ra cho riêng họ, nó là chỉ số chung trong ngành được dùng để đánh giá mức độ hài lòng về thời gian phản hồi.

Câu hỏi tiếp theo: Làm thế nào bạn biết được nên chọn giá trị thời gian phản hồi mong muốn là bao nhiêu cho phù hợp? 0,5s là theo mặc định, khi nào bạn nên đặt giá trị này là 0,25s hoặc 1s?

Câu trả lời là phụ thuộc vào thời gian phản hồi trung bình khi bạn thấy website đang hoạt động bình thường. Bạn nên chọn thời gian phản hồi mong muốn lớn hơn giá trị trung bình khoảng 50%

Ví dụ bạn theo dõi website khoảng một ngày, bạn thấy website có thời gian phản hồi trung bình là 0,1s thế thì bạn nên đặt giá trị mong muốn là 0,25s (giá trị gần sát với trung bình nhưng lớn hơn). Tương tự nếu thời gian phản hồi trung bình là 0,7s thì bạn nên đặt giá trị mong muốn là 1s.

thời gian phản hồi mong muốn
Sau khi nhận thấy thời gian phản hồi trung bình của website chỉ 41ms, tôi điều chỉnh thời gian phản hồi mong muốn về 125ms

Ý tưởng về lựa chọn thời gian phản hồi mong muốn là cận trên của thời gian phản hồi thông thường được tôi tham khảo từ Tuấn Dev.

Cách gắn tên miền tùy chỉnh:

  1. Bạn click vào đường dẫn ở mục 6 để vào trang thống kê, bình thường trang này ở dạng private, tức là chỉ khi đăng nhập vào mới thấy được, để gắn tên miền tùy chỉnh bạn cần chuyển sang dạng public (công khai)chuyển sang dạng công khai
  2. Bạn sẽ thấy URL riêng của trang thống kê của bạn, đây là thông tin bạn cần để thiết lập tên miền tùy chỉnh, ở đây là chuỗi tntp:URL riêng của trang thống kê
  3. Tiếp đến bạn vào khu vực tùy chỉnh DNS của tên miền để thiết lập (tôi khuyên bạn nên dùng CloudFlare làm dịch vụ DNS trung gian, dù miễn phí nó có tốc độ cập nhật rất nhanh, thậm chí hơn nhiều dịch vụ có phí). Bạn sử dụng bản ghi (type) CNAME và làm tương tự như hình dưới đâytrỏ CNAME

Ở phần Name bạn chọn tên tùy thích, cái quan trọng ở đây là phần Target. Nó có dạng chung như sau ****.status.updown.io, trong đó **** là chuỗi mà bạn có được ở phần 2, cụ thể ở đây là tntp (của bạn chuỗi này sẽ khác). Cuối cùng bạn nhấn Save để hoàn tất.

Chưa đến 1 phút là bạn có thể truy cập vào tên miền tùy chỉnh của riêng bạn để xem thống kê, với trường hợp của tôi là status.kiencang.net (*)

đã gắn thành công tên miền tùy chỉnh

(*): Tôi chỉ tiến hành demo, địa chỉ status.kiencang.net về sau sẽ không truy cập được nữa.

updown.io cung cấp 100 ngàn lượt kiểm tra miễn phí để bạn test trước khi quyết định có móc hầu bao hay không, nó tương đương với thời gian 1 tháng kiểm tra liên tục một website ở hai location với tần suất 30s/lần.

Khi bị downtime, hệ thống sẽ gửi cảnh báo qua email của bạn, do vậy lúc đăng ký bạn phải chọn email vẫn đang hoạt động bình thường. Một số dịch vụ kiểm tra uptime còn cung cấp tính năng gửi cảnh báo qua SMS đến điện thoại di động.


2. Freshping

Trong khi updown.io tôi chỉ dùng cho các trang thương mại thì với freshping tôi dùng nó để kiểm tra bất kỳ trang nào tôi muốn, vì nó có gói miễn phí khá tốt, với tần suất kiểm tra 1 phút/lần với 10 vị trí địa lý khác nhau. Nó miễn phí đến 50 URL (tôi tự hỏi với dịch vụ miễn phí tốt như vậy còn có mấy ai muốn nâng cấp lên gói trả phí của Freshping?).

Các quá trình cài đặt rất giống với updown.io nên tôi sẽ không thực hiện chụp màn hình các bước lại nữa (bạn sẽ gặp lại các thuật ngữ như check URL / URL cần kiểm tra; Check Interval / Tần số kiểm tra; Check from Location / Máy chủ kiểm tra nằm ở đâu; Apdex Response Threshold / Ngưỡng phản hồi Apdex).

Cảm nhận riêng thì tôi thấy có vẻ như updown.io cho kết quả chính xác hơn Freshping (và tất nhiên tôi sẽ phải thử nghiệm để kiểm chứng khẳng định này!).


3. UptimeDoctor

Qua giới thiệu của trang Bibica tôi biết đến công cụ này, điểm thú vị là nó có giao diện tiếng Việt! và gửi cả thông báo SMS đến điện thoại di động khi downtime xảy ra (chỉ 2 SMS, nếu muốn nhiều hơn bạn phải bỏ tiền ra mua thêm).

Uptime Doctor cũng miễn phí với tần số kiểm tra lên đến 1 phút/lần. Nhược điểm của nó là giao diện không được bắt mắt lắm. Cơ mà để ý một chút bạn cũng sẽ hiểu được thông tin mà nó cung cấp như bất kỳ các công cụ hiện đại nào.


Làm thế nào để cải thiện uptime?

Về cơ bản bạn nên tập trung vào hai phần sau:

  • Cải thiện chất lượng hosting: Bằng cách sử dụng các nhà cung cấp uy tín. Nhưng như tôi đã nói điều này không đảm bảo 100%, để gia cố thêm bạn có thể tìm hiểu công nghệ Load Balancer (cân bằng tải)**. Website/ứng dụng của bạn sẽ được sao chép ra hai máy chủ khác nhau, máy chủ chính và máy chủ phụ. Load Balancer sẽ đứng giữa hai máy chủ này, bất cứ khi nào nó nhận thấy máy chủ chính gặp vấn đề downtime, nó sẽ chuyển lưu lượng truy cập sang máy chủ phụ. Qua đó giảm nguy cơ bị gián đoạn xuống rất nhiều (khả năng cả hai máy chủ chính và phụ đều bị downtime là cực kỳ nhỏ). Nếu được bạn nên chọn máy chủ chính và phụ ở 2 khu vực khác nhau, để nguy cơ được phân tán
  • Giảm tải cho host: Bất cứ cách thức nào giúp giảm tải cho host như CDN, lazyload ảnh, tối ưu hóa cơ sở dữ liệu, vân vân đều giúp cải thiện tốc độ, cũng như uptime của website, vì nó làm nguy cơ quá tải được giảm xuống tối thiểu

**: Trước đây các dịch vụ cân bằng tải có giá rất đắt, nhưng hiện tại, người dùng phổ thông đã tiếp cận được nó. Vultr mới triển khai cân bằng tải với giá 10$/tháng, Amazon lightsail đắt hơn nhưng cũng chấp nhận được với mức 18$/tháng.

Kỹ thuật triển khai cân bằng tải tôi chưa tìm hiểu và thực hành nên không thể giới thiệu sâu cho các bạn được. Khi nào ổn thỏa, sẽ viết một bài riêng vì load balancer cực kỳ quan trọng với những trang yêu cầu uptime cao.

Cuối cùng, quay trở lại với dịch vụ uptime, nếu bạn muốn tìm một sản phẩm có máy chủ Việt Nam để việc kiểm tra uptime được thực tế nhất, bạn có thể tham khảo dịch vụ của site24x7 (với gói thấp nhất vào khoảng 10$/tháng, đắt gấp 2 đến 4 lần các gói monitoring website thông thường, nhưng bù lại nó có rất nhiều tính năng. Tuy nhiên nhiều tính năng vừa là ưu lẫn nhược điểm của nó, tùy quan điểm mỗi người. Với những ai cần giám sát sâu và rộng website, dịch vụ site24x7 của Zoho sẽ rất phù hợp. Còn những ai chỉ giám sát đơn giản, site24x7 lại quá thừa).

Back to Top