Categories SEO

Đánh giá 9 công cụ nghiên cứu từ khóa cho SEO (có Free)

công cụ nghiên cứu từ khóa

Công cụ nghiên cứu từ khóa là thứ vô cùng quan trọng, vì các con số thống kê về từ khóa chúng ta không thể tưởng tượng ra được. Chẳng ai nhờ “kỹ năng viết bài tốt”, dù giỏi thế nào mà trả lời được câu hỏi kiểu như:

  • Từ khóa này có khối lượng tìm kiếm bao nhiêu một tháng?
  • Trang web nếu mà đứng đầu với từ khóa này thì sẽ đem lại được bao nhiêu lượt xem?

Không thể biết được nếu không tra cứu.

OK, xong phần thừa nhận vai trò quan trọng của công cụ. Phần tiếp theo mới rắc rối. Chọn cái nào để dùng.

Chúng ta ai cũng muốn công cụ nghiên cứu từ khóa có thông số chính xác, tính năng đa dạng, nhiều gợi ý, giá rẻ hoặc miễn phí thì càng tốt. Nhưng dĩ nhiên không có cái nào hội tụ đủ hết như thế cả!

Thực tế thế giới công cụ nghiên cứu từ khóa là dạng “lẩu thập cẩm” giống như bất cứ sản phẩm hay phần mềm nào. Bạn sẽ tìm được cái rất tốt nhưng có giá rất cao, rồi cũng có những cái tạm được và miễn phí, và cả những cái có cho không cũng không thèm dùng!

Bài viết này cốt để chỉ ra những công cụ như vậy. Tôi sẽ nói cho bạn biết ưu nhược điểm của từng cái, và bạn tự đối chiếu với nhu cầu của bản thân để chọn cái nào ưng ý…

Giờ để mình kể chuyện một chút.

Thực ra bản thân mình cũng mới để ý đến nghiên cứu từ khóa thôi, cách đây độ hơn năm, viết blog thì được những 5 năm rồi. Từ đợt đó đến nay đã có 3 bài về chủ đề này:

Những bài viết đó có nói ít nhiều đến các công cụ, và có hướng dẫn tương đối chi tiết. Tuy nhiên bài viết này sẽ bổ sung thiếu sót ở khía cạnh nhiều công cụ chưa được đề cập đến, cũng như chưa nói đến ưu nhược điểm của chúng.


1. Ahrefs – công cụ nghiên cứu từ khóa mạnh mẽ nhất

Website: https://ahrefs.com

Đây là công cụ nghiên cứu từ khóa có phí, với mức giá thấp nhất 99 USD / tháng, thuộc loại không rẻ, nhưng mình đề cập đầu tiên vì mình coi nó là chuẩn để so sánh với các công cụ khác.

Và từ khóa mà mình đem ra để đối chiếu cũng là: “nghiên cứu từ khóa”

Ahrefs cung cấp thông tin rất chi tiết, bao gồm:

  • Độ khó của từ khóa: dựa trên hồ sơ backlink của những trang thuộc top 10. Các trang thuộc top 10 có hồ sơ backlink càng khủng thì càng khó cho bạn. Nó cũng chú thích luôn số trang web cần thiết trỏ tới bạn (backlink) để bạn lọt vào top 10.
  • Khối lượng tìm kiếm của từ khóa: tính toán dựa trên khối lượng khổng lồ các clickstream, họ tự tin cho rằng nó chính xác hơn thông tin mà công cụ từ khóa của AdWords cung cấp (công cụ của chính chủ Google, nó có tên gọi Google Keyword Planner, và cũng sẽ được đề cập trong bài viết này), ở khía cạnh nào đó thì họ đúng, vì AdWords là dành cho người quảng cáo nghiên cứu từ khóa, chứ không phải dân SEO.
  • Tỷ lệ click trả tiền/tự nhiên: nó cho thấy từ khóa có bị quảng cáo không & ở mức độ nào. Nếu từ khóa có đến 40% click là dành cho quảng cáo chẳng hạn, bạn cần phải ước chừng trước là bản thân sẽ không nhận được tỷ lệ click cao như thông thường (bình thường là khoảng 30% cho vị trí xếp đầu). Tuy nhiên từ khóa có quảng cáo lại cho thấy tiềm năng thương mại của nó, và có thể rất đáng giá để đầu tư.
  • Tỷ lệ click / không click: không phải bất cứ ai tìm kiếm điều gì cũng đều click, nghe có vẻ lạ, nhưng điều này có nguyên nhân phần lớn từ việc Google cung cấp câu trả lời tóm tắt/đoạn trích nổi bật (google featured snippets) ngay cho người dùng trên trang kết quả. Tuy nhiên còn một lý do nho nhỏ khác là những người làm nội dung đơn giản đang muốn kiểm tra thủ công thứ hạng từ khóa của họ.
  • Ngoài ra có một số thống kê không quá quan trọng khác.
các thông số của từ khóa

Tiếp theo ở bên tay trái chúng ta có panel để tùy chọn các thao tác nhằm khai thác sâu hơn các ý tưởng từ khóa và thống kê lưu lượng truy cập chia sẻ giữa các tên miền và trang web:

các tùy chọn phân tích khác

Bạn có thể có nhiều ý tưởng từ khóa mới dựa trên các tùy chọn này, chẳng hạn với “Also rank for”, bạn biết được các trang trong top 10 với từ khóa “nghiên cứu từ khóa” còn được xếp hạng với những từ khóa nào nữa, ví dụ trong trường hợp của chúng ta, dưới đây là vài từ khóa như vậy:

các từ khóa cũng được thăng hạng

Bạn có thể thấy hai cái tên sẽ được đề cập chi tiết hơn sau này là google keyword plannerkeywordtool.io

Phần cuối cùng, và cũng là phần quan trọng nhất, đáng đồng tiền bát gạo nhất là ước tính lưu lượng truy cập nhận được của các trang dẫn đầu.

Bởi vì khối lượng tìm kiếm của từ khóa không cho dự đoán chính xác về lưu lượng truy cập, không có sự tương ứng 1 – 1 giữa khối lượng tìm kiếm và truy cập nhận được.

Mặc dù thông số này Ahrefs tự nhận là họ hay ước tính dưới thực tế (và quả thực đúng là như thế thật), nhưng trong bối cảnh không thể có con số chính xác thì ước tính của họ vẫn rất tốt. Nó cho thấy chúng ta có nên viết một bài nào đấy hay không (ý là có đáng bỏ công sức ra không, xét ở góc độ người đọc thích đọc, xem những nội dung như vậy).

ước tính lưu lượng truy cập của trang dẫn đầu

Trong đó có những thông số rất đáng giá như số lượng backlink mà trang hiện có, số lượng từ khóa (và các từ khóa cụ thể) mà trang đang được xếp hạng, từ khóa trang đang dẫn đầu (đem lại nhiều traffic nhất / sẽ rất có ích trong trường hợp nó khác với từ khóa bạn nhập vào, điều này cho thấy có từ khóa mang nghĩa tương tự nhưng có khối lượng tìm kiếm lớn hơn).

Kết luận:

Ưu điểm Nhược điểm
Rất tốt không có gì phải chê cả Nhưng rất tiếc là nó đắt, nếu bạn không tận dụng hết nhu cầu sẽ rất phí

Phần tiếp theo chúng ta sẽ đi vào thế giới của các công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí, không phải là không còn công cụ trả phí nào nữa để xem xét mà vì Ahrefs là công cụ trả phí duy nhất mình dùng nên chỉ đánh giá được mỗi nó thôi.

P/S: nếu bạn định sử dụng Ahrefs, hãy tham khảo thêm bài viết hướng dẫn sử dụng Ahrefs để tận dụng tối đa các tính năng đáng giá của nó.


2. Keyword.io – công cụ gợi ý từ khóa phong phú nhất 

Website: https://www.keyword.io/

Công cụ này có cả trả phí và miễn phí và dĩ nhiên miễn phí thì ít tính năng hơn nhiều.

Những công cụ miễn phí không có nhiều điều để nói, nó thường chỉ cung cấp dữ liệu duy nhất đó là các truy vấn khác tương tự truy vấn đang tìm hiểu.

Và không có gì bí mật cả, để mình nói thẳng luôn ở đây: hầu hết các công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí chỉ cung cấp ngần ấy thông tin mà thôi.

Ví dụ khi mình gõ từ khóa: “nghiên cứu từ khóa” nó cho ra các gợi ý tương đối phong phú:

kết quả các từ khóa gợi ý

Nhưng ngoài ra không có một thông số nào khác! Không ước tính khối lượng tìm kiếm hàng tháng, không đánh giá khối lượng truy cập của các trang hàng đầu…

Một điểm mạnh của keyword.io cho những ai có nhu cầu nghiên cứu từ khóa trên YouTube là nó cung cấp tính năng này cho cả người dùng miễn phí, tương tự như với nghiên cứu từ khóa cho Google.

Gói cao nhất hiện có giá 49 USD / tháng, cung cấp đầy đủ thông tin nhất. Gói rẻ hơn 29 USD / tháng thiếu một số thông tin quan trọng.

Ưu điểm Nhược điểm
– Miễn phí vẫn dùng được

 

– Kết quả từ khóa gợi ý khá phong phú

– Có cả kết quả cho YouTube

– Rất hạn chế các thông số khi dùng bản miễn phí

 

– Phải đăng nhập mới tải được danh sách từ khóa

So sánh miễn phí với trả phí lúc này khác nhau một trời một vực. Câu hỏi bây giờ là, sẽ có ích gì khi nhận được danh sách từ khóa mọi người hay tra trong khi không biết cả khối lượng tìm kiếm của chúng?

Mình sẽ trả lời ngay: thường thì đây là những từ khóa có khối lượng tìm kiếm tốt nhất liên quan đến chính cụm từ đó (khớp chính xác), nhưng đúng là từ công cụ miễn phí bạn sẽ không biết được liệu rằng có từ khóa nào mang nghĩa tương tự mà có khối lượng tìm kiếm lớn hơn hẳn và xứng đáng để nhắm đến hơn hay không?

Tuy nhiên trong tình cảnh thiếu thông tin như vậy thì danh sách từ khóa giúp bạn biết được mình nên thâu tóm các chủ đề nào và bỏ chủ đề nào. Ví dụ về từ khóa “nghiên cứu từ khóa” không được đa dạng lắm về chủ đề trong trường hợp này, tuy vậy ít nhất chúng ta biết được không nên bàn sâu chủ đề Facebook (vì chúng ta đang nói đến từ khóa phục vụ cho tìm kiếm) và nên đưa thêm thông tin về từ khóa cho YouTube (cũng thuộc Google, và có thể tìm kiếm trên cả Google và YouTube).

Giờ là câu hỏi quan trọng:

Liệu có công cụ miễn phí nào cung cấp thông tin khối lượng tìm kiếm không?

Câu trả lời là CÓ.

Đó chính là:


3. Google Keyword Planner – công cụ nghiên cứu từ khóa chính chủ

Website: https://adwords.google.com/intl/vi_vn/home/tools/keyword-planner/

adwords - nghiên cứu từ khóa

Đây là sản phẩm của chính Google, nên nguồn thông tin rất đáng tin cậy. Rất nhiều công cụ nghiên cứu từ khóa trả phí cũng đều kéo dữ liệu từ Google Keyword Planner về.

Tuy nhiên không phải là hoàn hảo, chẳng hạn họ kết hợp khối lượng tìm kiếm của SEO và Search Engine Optimize vào làm một, chứ không phải tách riêng dữ liệu ra. Và ngay cả các công cụ của cùng Google cũng cho thấy kết quả khối lượng tìm kiếm của từ khóa không giống nhau, như Google Keyword Planner & Google Search Console (xem thêm bài này: https://kiencang.net/uoc-tinh-luu-luong-truy-cap/).

Công cụ này của Google không hoàn toàn miễn phí nhưng cũng không phải là trả phí. Bạn sẽ phải mất công một chút. Vì nó vốn dành cho các nhà quảng cáo của Google nghiên cứu từ khóa để quảng cáo trên mạng tìm kiếm của họ.

Tuy nhiên người làm SEO cũng có thể đăng ký (có thẻ VISA là được), sau khi điền xong thông tin, bạn có thể dùng công cụ của họ để biết được khối lượng tìm kiếm của từ khóa.

Ưu điểm Nhược điểm
– Cung cấp khối lượng tìm kiếm của từ khóa

 

– Cung cấp giá thầu của từ khóa

– Cung cấp mức độ cạnh tranh của từ khóa

– Phải mất công đăng ký, cần thẻ VISA và khá phức tạp cho những ai chưa quen

4. Keywordshitter – công cụ nghiên cứu đơn giản nhưng vẫn hiệu quả

Website: http://keywordshitter.com/

Đây là công cụ nghiên cứu từ khóa có giao diện rất đơn giản, nhưng không sao, cốt là chất lượng.

Công cụ này rất giống với keyword.io, tức là nó cũng chỉ gợi ý từ khóa chứ không cung cấp thêm thông tin gì khác.

keywordshitter - nghiên cứu từ khóa
Ưu điểm Nhược điểm
– Chất lượng từ khóa gợi ý khá tốt

 

– Tải danh sách từ khóa dưới dạng .txt mà không cần phải đăng nhập

– Phải chờ khá lâu để công cụ quét được đầy đủ danh sách từ khóa

5. Soovle – công cụ có nhiều máy tìm kiếm nhất

Website: https://soovle.com/

Đây là trang có giao diện hơi có tính biểu diễn, nhưng quả thực nó cũng có hiệu quả phần nào:

soovle - nghiên cứu từ khóa

Nó cung cấp các từ khóa gợi ý từ cả Google, YouTube, Yahoo, Bing, Wikipedia. Riêng với Amazon & Answer thì tiếng Việt hầu như không có.

Khi tra bạn có thể thấy từ khóa gợi ý từ Google, YouTube, Yahoo là nhiều nhất, Bing thi thoảng có, còn Wikipedia với những từ khóa có khối lượng tìm kiếm lớn mới có khả năng xuất hiện.

Ưu điểm Nhược điểm
– Kết quả cung cấp rất nhanh

 

– Hỗ trợ nhiều máy tìm kiếm

– Số lượng hạn chế (thường chỉ cho 10 kết quả mỗi máy tìm kiếm hoặc website)

 

– Từ khóa có dấu gặp vấn đề với Google (không hiển thị được nhiều hoặc không có kết quả).


6. Ubersuggest – công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí tốt nhất

Website: https://neilpatel.com/ubersuggest/

Trang này về bề ngoài không hỗ trợ cho từ khóa tiếng Việt, nhưng thực tế khi bạn gõ từ khóa vào rồi kiểm tra nó vẫn cho ra kết quả bình thường:

ubersuggest - nghiên cứu từ khóa


Ngoài vấn đề nhỏ liên quan đến YouTube, mình đánh giá công cụ này rất cao so với các công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí ở trên. Việc kéo được cả thông tin từ Google Keyword Planner giúp người dùng có được nhiều thông tin mà không cần đăng ký tài khoản AdWords (điều này như đã nói không tốn tiền và cũng không quá khó, nhưng sẽ mất công bạn đăng ký thẻ VISA).

Ưu điểm Nhược điểm
– Cho phép tải về hoặc copy dễ dàng

 

– Có cả từ khóa cho YouTube

– Lấy cả dữ liệu từ Google Keyword Planner do vậy cung cấp được thông tin mà các công cụ Free khác không có như khối lượng tìm kiếm, giá từ khóa, mức cạnh tranh

– Dường như từ khóa cho YouTube chỉ là hình thức vì không thấy sự khác biệt khi thay đổi chọn lựa

 

– Số lượng từ khóa gợi ý được ít hơn so với Keyword.io


7. Google Search Console – kho báu bị lãng quên

Website: https://www.google.com/webmasters/tools/home?hl=vi

Đôi khi có những kho báu ngay trước mặt mà chúng ta quên mất, Google Search Console là kiểu như vậy.

Đây là công cụ quản trị web có nhiều tính năng, và một trong các tính năng của nó là cho biết các từ khóa nào người dùng hiện đang sử dụng để tìm ra website của bạn:

các thống kê về từ khóa truy cập website

Nó cho thấy rất nhiều thông tin quan trọng như số lần nhấp chuột, hiển thị, CTR, vị trí trung bình của bài viết trên SERP trong khoảng thời gian tối đa 90 ngày tính từ thời điểm hiện tại.

Nhưng những thông tin này thì liên quan gì đến việc cung cấp cho bạn các ý tưởng từ khóa mới cơ chứ?

OK, đây là điều mà bạn có thể rút ra được từ thông tin trên:

Các từ khóa (kiểu từ khóa) nào bạn đang làm tốt nhất, tệ nhất

Từ đó có thể dẫn đến việc bạn ra các lựa chọn liên quan đến chủ để có tính hiệu quả, viết bài mới, hay cải thiện bài cũ. Do vậy công cụ này sẽ thực tế ảnh hưởng đến kế hoạch SEO tổng thể của bạn hơn là chỉ một từ khóa cụ thể nào đó.

Khi thăm dò, hãy kết hợp các thông tin số lần hiển thị, CTR và vị trí của từ khóa để đưa ra kết luận.

Chẳng hạn những từ khóa có số lần hiển thị lớn nhưng vị trí hoặc/và CTR của bạn thấp cho thấy đây là những chủ đề rất có tiềm năng tăng lưu lượng truy cập nếu bạn ưu tiên sửa đúng.

Ưu điểm Nhược điểm
– Thông tin rõ ràng, khá chính xác

 

– Nhiều thông tin bạn không thể có nếu dùng công cụ khác

– Bạn cần có điều kiện tiên quyết là có website và để công cụ của Google làm quản trị web (2 cái này chắc chắn không phải là vấn đề với đa số người đang đọc bài viết này)

 

– Hạn chế trong việc đưa ra ý tưởng từ khóa mới


8. Google Trends – công cụ nghiên cứu từ khóa xu hướng

Website: https://trends.google.com.vn/trends/

Đây không phải là công cụ nghiên cứu từ khóa theo nghĩa truyền thống, nhưng nó đặc biệt hữu ích cho những ai viết nội dung có tính xu hướng, thời sự, bám vào cuộc sống thường nhật. Google Trends cũng có thể hữu ích cho những ai tạo nội dung cho người dùng mạng xã hội.

Google Trends cung cấp các xu hướng nội dung chính đang được tìm kiếm, độ phổ biến của những nội dung này sẽ hơi giống sơ đồ hình SIN, nó nóng dần, lên đến đỉnh điểm, rồi dần không còn ai quan tâm nữa (thường là mãi mãi).

Google Trends do vậy là công cụ tìm kiếm, gợi ý chủ đề đang nóng hơn là công cụ nghiên cứu từ khóa đơn thuần.

Google Trends - nghiên cứu chủ đề
Ưu điểm Nhược điểm
– Hữu ích cho những ai tìm kiểm chủ đề nóng

 

– Phần search giúp bạn khám phá từ khóa có phải là từ khóa theo mùa hay không, giúp bạn tìm ra được thời điểm từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất hoặc ít nhất (nếu nó như vậy).

– Không phải là công cụ nghiên cứu từ khóa điển hình

Dưới đây là ví dụ về từ khóa theo mùa, chẳng hạn từ “giáng sinh”, nó sẽ được tìm nhiều nhất trong dịp Giáng Sinh, còn thời điểm khác trong năm sẽ có ít người tìm kiếm như sơ đồ sau thể hiện (đỉnh lên đến 100, còn thời điểm khác xấp xỉ 0, thể hiện sự chênh lệch rất lớn):

Google Trends - Giáng Sinh

Ngoài ra nó còn giúp chúng ta thấy đột biến trong lượng tìm kiếm xảy ra vào thời điểm nào và vì sao, ví dụ trong trường hợp này là từ khóa “iphone”:

google trends iphone

Bạn có thể thấy trong thời gian cả năm lượt tìm kiếm iphone khá ổn định quanh mức điểm 50. Tuy nhiên có sự đột biến duy nhất vào tầm từ ngày 10 đến 16 tháng 9, đây chính là thời điểm mà cả iPhone 8 cùng iPhone 7s, iPhone 7s Plus ra mắt, là lý do dẫn đến lượt tìm kiếm gia tăng chóng mặt.


9. Tư duy của bạn – công cụ quan trọng nhất

Website: Ngay trên cổ.

Bạn sẽ thấy trong khoảng 5 – 10 năm nữa, trong số các công cụ mình kể trên sẽ chỉ còn vài ba công cụ lọt vào danh sách nếu ai đó viết một bài tương tự. Có thể vì công cụ đó không còn tồn tại nữa hoặc vì có cái khác tốt hơn.

Nhưng KHÔNG công cụ nào thay thế được tư duy của bạn trong việc tìm từ khóa.

Ví dụ, một trong những cách mình hay làm trước đây khi chưa có công cụ và giờ vẫn làm sau khi có Ahrefs đó là xem nội dung ở những nơi có khách hàng tiềm năng, để biết họ đang cần điều gì, đâu là thứ họ hay thắc mắc, đâu là cái làm họ nhức đầu.

Những nơi bạn có thể tìm bao gồm:

  • Website của các đối thủ lớn nhất
  • Diễn đàn, xem họ hay hỏi, bàn về chủ đề gì
  • Các nhóm hội, fanpage trên Facebook về chủ đề liên quan
  • Vân vân
Ưu điểm Nhược điểm
– Miễn phí hoàn toàn

 

– Sẵn có

– Là công cụ cực mạnh nếu biết khai thác

– Sẽ là vấn đề chỉ khi bạn không biết tận dụng

Cuối cùng là hai bài viết rất hay liên quan đến công cụ SEO có thể hữu ích cho bạn:

OK, phần chia sẻ đến đây là kết thúc, nếu bạn có bất cứ gợi ý nào, hãy chia sẻ ở phần comment nhé. Xin chào, và thi thoảng gặp lại.

Comments are closed.

Back to Top