Categories BlogT SEO WordPress

Hướng dẫn sử dụng công cụ SEO Screaming Frog

Screaming Frog

SEO là một trong những cái sử dụng nhiều công cụ & nó có hiệu quả thực, điều này cũng dễ hiểu, vì bản chất của máy tìm kiếm cũng là công cụ mà.

Với WordPress, một thời gian dài tôi chỉ sử dụng duy nhất plugin SEO phổ thông của Yoast béo (xem cách dùng ở đây), dĩ nhiên là phiên bản miễn phí, vì bạn sẽ thấy bản trả phí chỉ hữu dụng nếu dùng cho một số ngôn ngữ nào đấy (như tiếng Anh) còn tiếng Việt sẽ không có ích hơn đáng kể, thế nên tôi không mua.

Rồi năm ngoái mò mẫm xem các công cụ SEO nào được giới chuyên gia trong ngành chia sẻ hay dùng, tôi thấy một cái tên nổi lên: Screaming Frog (Con ếch la hét!).

Một cái tên lạ, và cũng không thông thường khi nó có nguồn gốc ở Anh, những thứ tương tự thế này tôi vốn mặc định là của người Mỹ…

Như các phần mềm khác Screaming Frog có hai mức giá:

  • Miễn phí: giới hạn một số tính năng và số lượng URL có thể quét chỉ 500
  • Trả phí: không rẻ (ít nhất là với tôi), lên tới 149 bảng Anh, tức khoảng gần 4,5 triệu tiền đồng Việt Nam (thời giá giữa năm 2017)
bảng giá của Screaming Frog
Bảng so sánh chức năng giữa phiên bản miễn phí và trả phí

Screaming Frog cực kỳ hữu ích với những trang web lớn phải chỉnh lại SEO. Với những trang như vậy, công cụ tự động này sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm ra vấn đề nằm ở đâu.

Để tôi nói cụ thể hơn, giả dụ bạn có 100 bài cần kiểm tra chỉnh SEO. Nếu bạn nỗ lực thực sự, bạn có thể vào từng bài viết và kiếm tra xem có lỗi SEO không, rất vất vả, nhưng cố thì vẫn được. Thế nhưng 500 bài thì sao hay thậm chí là 1000, và không phải bài nào cũng có vấn đề, và các vấn đề của các bài lại cũng không giống nhau nữa. Như thế sẽ rất khổ sở nếu bạn phải kiểm tra từng cái vì con người vốn không mạnh khi phải làm đi làm lại một thứ.

Screaming Frog không phải là công cụ nữ tính, nó rất giống bảng kế toán, nhàm chán với hàng trăm, à không, đúng ra là hàng ngàn hàng thông tin. Nó lục lọi từng ngóc ngách trang web như một con bọ tìm kiếm & sẽ cho bạn thấy những điều mà bạn chưa bao giờ thấy nếu chỉ dùng các công cụ như kiểu Yoast SEO.

Nhưng nó đáng đồng tiền bát gạo, bởi vì các trang web lớn, hoạt động thời gian dài thường sẽ tích tụ các sai lầm về SEO rất khó phát hiện ngay cả khi bạn vốn là người cẩn thận.

OK, chúng ta sẽ đi vào từng tính năng, tôi sẽ giới thiệu theo thứ tự ưa thích cá nhân.

Để bắt đầu, bạn nhập tên trang web vào trước rồi nhấn Start:

nhập trang web để bắt đầu

Tuỳ vào độ lớn của trang web mà sẽ mất thời gian bao lâu để nó quét xong. Như trang của mình khoảng 600 bài nó cần 5 phút để quét toàn bộ.


A. Tìm những ảnh mất thuộc tính ALT

Ở bên tay phải, bạn kéo chuột xuống phần Images, ở đây bạn sẽ thấy tổng lượng ảnh trên trang, cũng như các ảnh nào bị mất thuộc tính ALT:

ảnh mất thuộc tính alt

Đến 42% số ảnh của tôi mất thuộc tính ALT, con số chẳng nhỏ tí nào, vốn có nguyên nhân từ việc chuyển từ blogspot sang wordpress nên đánh mất hàng loạt thuộc tính này, tuy nhiên điều đó cũng không thể biện hộ được thói quen lười thêm ALT trên trang này!

Ngoài ra ở khu vực Images bạn còn thấy thống kê những ảnh có dung lượng trên 100KB, ảnh có thuộc tính ALT trên 100 ký tự (có thể coi là hơi dài).

Có thể bạn quan tâm:


B. Xem các liên kết trỏ ra bên ngoài có vấn đề nào không?

Các liên kết trỏ ra bên ngoài ảnh hưởng lớn đến SEO, khu vực này sẽ cho bạn thấy chi tiết tất cả các liên kết ra bên ngoài mà bạn trỏ tới. Ngoài ra nó phân chia thành các phần khác nhau giúp lọc dễ hơn:

Bạn có thể thấy nó được phân chia thành HTML, JavaScript, CSS, Images, PDF, Flash, Other (những cái khác).

Chẳng hạn đây là một số liên kết JS trỏ ra bên ngoài của trang:

liên kết JavaScript trỏ ra bên ngoài

Không có gì bất thường, một cái là của jQuery, rất nhiều trang liên kết đến, một thư viện JS phổ thông (số 2).

Một cái là của dự án AMP do Google khởi xướng nhằm đẩy nhanh tốc độ trang web trên điện thoại di động (số 3).

Cuối cùng là nút bấm lên đầu trang (scroll to top – số 1).

Tính năng lọc này của Screaming Frog rất có ích giúp bạn phát hiện ra những liên kết ngoài KHÔNG phải do bản thân chủ động tạo.

Lý do tại sao lại có các liên kết ngoài không do bạn chủ động tạo ư?

Nhiều lắm.

Thí dụ:

  • Bạn dịch bài viết từ tiếng nước ngoài nhưng quên bỏ các liên kết nội vốn có của trang gốc
  • Bạn không tải ảnh của trang gốc up lại lên host của mình mà lấy luôn ảnh của họ
  • Bạn là người có kinh nghiệm SEO nhưng người biên tập thì không, họ có thể quên các chỉ dẫn và đây sẽ là nguyên nhân khiến có khả năng có rất nhiều liên kết ngoài không chủ động

Thực tế thì không giống như đa phần mọi người nghĩ, liên kết ngoài phù hợp sẽ giúp thăng hạng so với trang không có liên kết ngoài nào! Tuy nhiên từ khoá ở đây là PHÙ HỢP. Những liên kết ngoài không chủ động thường KHÔNG phù hợp, nó sẽ gây ảnh hưởng xấu và cần tìm ra để loại bỏ.

Với trang web Kiến càng, tôi vẫn hay chủ động liên kết ra bên ngoài khá nhiều, tuy nhiên đều là tự tay biên tập nên ít lỗi:

Chính xác đến thời điểm này, thống kê cho thấy tôi đã trỏ ra bên ngoài 267 liên kết.

Bạn nên chú ý đến cái status code (mã trạng thái), nó báo hiệu các liên kết ngoài có truy cập bình thường hay không. Tất nhiên, nếu liên kết ngoài bị hỏng bạn nên thay thế bằng liên kết khác hoặc bất đắc dĩ thì xoá nó khỏi phần nội dung. Liên kết gãy chắc chắn ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm người dùng.

Nói thêm là các liên kết gãy rất khó tránh. Nhất là những liên kết có tuổi, chỉ trừ một số trang uy tín còn nhiều trang không có tuổi thọ cao đâu, ngoài ra việc họ thay đổi URL cũng không phải là chuyện hiếm- cả ở cấp độ tên miền gốc (thí dụ chuyển hướng từ abc.com sang xyz.com), hay chỉ là đường dẫn phía sau mà thôi (thí dụ từ abc.com/seo/2015/ky-thuat-seo sang abc.com/2015/06/ky-thuat-seo).

Quay lại thống kê trang của tôi, nhìn thì thấy có rất nhiều liên kết cũ có vấn đề:

các liên kết gãy ra bên ngoài mà Screaming Frog phát hiện được

Nguy hiểm nhất là NOT FOUND, đó là các liên kết đã mất hẳn, còn những thông báo như Moved Temporarily thì không quá lo, đó chỉ là chuyển hướng tạm thời (mã trạng thái 302), và người dùng khi truy cập vẫn đến được trang cần đến.


C. Thống kê ảnh

Tôi vẫn dùng phần này để kiểm tra xem có những bất thường về dung lượng ảnh hay không. Chẳng hạn những ảnh quá lớn không cần thiết, chiếm nhiều dung lượng nên được tối ưu hoá hoặc thay thế bằng ảnh khác để cải thiện tốc độ trang web.

Bạn có biết là đa số ảnh JPEG, ở kích cỡ chiều rộng 640px (đủ full cho hầu hết các giao diện ngay cả trên desktop) thì chỉ cần dung lượng quanh cỡ 100KB là đủ chất lượng tốt. Vậy nếu không có lý do đặc biệt bạn không nên sử dụng các ảnh đến 300KB, 500KB hay thậm chí 1MB.

Số dung lượng giảm hàng trăm KB có tác động đáng kể đến tốc độ tải trang. Nhân tiện bạn có thể muốn quan tâm đến định dạng ảnh mới giúp tiết kiệm dung lượng đáng kể có tên WebP.


D. Kiểm tra các liên kết 404 và liên kết chuyển hướng

Tôi định tách riêng thành hai phần nhưng vì nó cùng một khu vực kiểm tra và có một số nét tương đồng nên gộp lại luôn cũng tiện.

Liên kết 404 gây ảnh hưởng nghiệm trọng hơn, đó chính là các liên kết không tồn tại, giống như việc bạn được trao nhiệm vụ tìm số nhà 18976E trên đường Láng, Hà Nội vậy!

Không giống như phần liên kết ngoài, ở đây nó sẽ tìm cả các liên kết nội bộ bị 404.

Bạn vào phần Response Codes, ở phần Filter chọn Client Error (4xx):

lỗi 404

Ở đây nó tìm chung các lỗi có đầu 4 chứ không riêng gì 404, bạn có thể thấy cả lỗi 403… Có vẻ phần này tôi đã làm tốt, chỉ có các lỗi 404 bên ngoài trang giống như ở phần trước chứ không có lỗi 404 nội bộ.

Rồi, giờ chúng ta chuyển sang liên kết chuyển hướng 301.

Liên kết chuyển hướng xảy ra khi liên kết cũ được chuyển sang liên kết mới. Chẳng hạn liên kết cũ của tôi là: www.ducanhplus.com/seo/top-10-ky-thuat-seo-onpage-don-gian-nhat-cho-nguoi-moi-bat-dau-hoc-seo

Vì thấy liên kết này quá dài dòng, độ vài tháng sau tôi chuyển nó thành, chẳng hạn:

www.ducanhplus.com/seo/top-10-seo-onpage-cho-nguoi-moi-hoc

Sẽ có 2 vấn đề khi bạn làm điều này, trong đó chỉ có một cái liên quan đến Screaming Frog, nhưng cái kia cũng rất quan trọng cho SEO nên cũng được nói luôn.

Khi bạn chuyển địa chỉ như vậy nếu bạn không tạo thông báo chuyển hướng thì liên kết đầu (www.ducanhplus.com/seo/top-10-ky-thuat-seo-onpage-don-gian-nhat-cho-nguoi-moi-bat-dau-hoc-seo) sẽ thành 404 và liên kết sau được coi như liên kết mới. Ngoài ra Google coi hai trang không có liên hệ với nhau, điều này làm mất thứ hạng của nội dung.

Thực hiện chuyển hướng giúp người dùng không bị 404, đồng thời thông báo với Google rằng trang mới là từ trang cũ chuyển, do vậy hãy chuyển cả thứ hạng của trang cũ sang, Google hiểu và sẽ làm theo.

Với WordPress, bạn có thể dùng plugin Redirection [xem hướng dẫn dùng ở đây] rất đắc lực trong nhiệm vụ này.

Vấn đề thứ hai nơi áp dụng Screaming Frog là các liên kết nội bộ trước đây dùng liên kết cũ, mặc dù khi click vào sẽ chuyển hướng sang liên kết mới- dầu vậy bạn vẫn muốn thay thế liên kết nội bộ chuyển hướng này thành liên kết mới, như thế nó sẽ tốt cho SEO tổng thể hơn. Screaming Frog làm công việc này rất dễ dàng, nó tìm ra tất cả các liên kết chuyển hướng trong trang, cả nội bộ lẫn trỏ ra bên ngoài.

Tương tự cái trước nhưng lần này là Redirection:

liên kết chuyển hướng

Click vào từng cái rồi vào phần inlinks để kiểm tra xem liên kết chuyển hướng đó nằm ở trang nào:

liên kết chuyển hướng nằm ở trang nào

Chẳng hạn ở ví dụ trên, tôi thấy một liên kết chuyển hướng nằm ở hai trang trên.


E. Tiêu đề trang (page titles)

Đây là phần tôi ít dùng, nhưng có thể hữu ích cho người khác.

Phần tiêu đề trang giúp thống kê độ dài tiêu đề tính ra ký tự cũng như ước lượng độ dài px chiếm dụng của tiêu đề.

Thông số này có ý nghĩa vì nếu bạn viết tiêu đề quá ngắn nó có thể không có lợi cho SEO và không lột tả được hết ý của bài. Còn nếu bạn viết tiêu đề quá dài, Google & các bộ máy tìm kiếm khác sẽ không thể hiển thị hết tiêu đề trên SERP (trang kết quả tìm kiếm).

Độ dài hiển thị hết thông tin với tiếng Việt rơi vào khoảng 70 ký tự, tương đương khoảng 12 tới 15 từ.

thống kê độ dài tiêu đề trong Screaming Frog
Một số bài có tiêu đề rất dài

Một số trang của tôi có độ dài tiêu đề đến gần gấp đôi yêu cầu cho phép! Ngược lại cũng có nhiều trang có tiêu đề ngắn, trung bình:

Tiêu đề rất ngắn, được tìm bởi screaming frog
Tiêu đề các bài này rất ngắn, tính cả tên trang vẫn chưa được 40 ký tự
tiêu đề ngắn trong screaming frog
Nhiều bài có độ dài tiêu đề trung bình

Mặc dù số lượng ký tự ảnh hưởng đến khả năng hiển thị trên kết quả tìm kiếm, tôi vẫn ưu tiên chất lượng tiêu đề hơn là chỉ nhăm nhe đếm số lượng từ hay ký tự đảm bảo. Tất nhiên sẽ rất tốt nếu bạn đảm bảo được cả hai tiêu chí: tiêu đề hay lẫn giới hạn số từ cho phép.


F. Meta Description

Cách đây vài năm cái này rất quan trọng, giờ đây vị trí của nó đã mất mát đi nhiều.

Nếu bạn để ý hiện tại nhiều trang chuyên ngành về SEO thậm chí cũng không viết meta description cho các bài viết mới.

Hầu hết chơi kiểu nước đôi, các bài viết cảm thấy thực sự quan trọng thì vẫn viết, còn không thì thôi.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài lý do Meta Description không ảnh hưởng nhiều đến thứ hạng nữa thì thực tế việc viết nó cho hay đúng là không hề dễ tí nào- nếu viết không hay thà không viết còn hơn!

Meta description do Screaming Frog thống kê
Góc chụp màn hình cho thấy, các bài viết của tôi đều không sử dụng thẻ meta description

Bạn có thể dùng Screaming Frog để dễ dàng tìm ra các bài viết thiếu meta description.

Ở trên chỉ là những tính năng tôi hay dùng, còn chương trình này có hàng tá các thông số khác có thể hay ho với bạn.

Giờ nếu bạn muốn đỡ tốn tiền, hãy tìm hiểu các công cụ và phần mềm SEO miễn phí tốt nhất!

Back to Top