Categories SEO WordPress

Cách tìm liên kết gãy, hỏng trên website mà em gái bạn cũng có thể làm được

liên kết gãy hỏng

Liên kết gãy hỏng (broken link) là một trong những thảm họa đối với trải nghiệm người dùng (một số thảm họa khác là website chậm và giao diện không đáp ứng trên đa thiết bị).

Lý do đơn giản là, khi chúng ta chủ động dùng đến liên kết (có thể là liên kết nội bộ, hoặc liên kết trỏ ra bên ngoài website), nhất là liên kết trong phần nội dung thì có nghĩa rằng, chúng ta đang gợi ý cho người đọc như thế này:

Khi bạn muốn khám phá sâu, rộng thêm chủ đề đang xem thì hãy ghé vào các trang đó nhé.

Dù đây là vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng kiểm tra thủ công liên kết gãy hỏng không dễ chút nào vì một số lý do sau:

  • Bất kỳ liên kết nào cũng có thể gãy vào bất cứ thời điểm nào do vô số các nguyên nhân khác nhau như đổi URL nhưng quên không đổi hướng (redirect), host sập (tạm thời), hoặc nghiêm trọng hơn như tên miền đã bị hủy, vân vân;
  • Kiểm tra thủ công rất tốn thời gian, công sức, và công việc này cũng chẳng lấy gì làm thú vị cả. Bạn chỉ cần có khoảng 50 trang để nhòm ngó (và mỗi trang chỉ cần có khoảng từ 3 – 7 link phải xem xét là đã thành khối công việc mệt mỏi).

Chính vì thế việc sử dụng các công cụ tự động là không tránh khỏi, bạn chỉ cần chọn đúng cái mà thôi!

Dưới con mắt của người làm SEO, liên kết gãy làm ảnh hưởng xấu đến cấu trúc website, làm lãng phí PageRank.

Về lý thuyết, phần kiểm tra liên kết hỏng này xếp được vào mục SEO audit, do vậy hầu hết các công cụ SEO tổng thể có chất lượng tốt đều có thể đảm nhiệm ổn thỏa công việc này, thí dụ như Ahrefs, Link-assistant, Semrush, tuy nhiên trừ khi bạn rủng rỉnh tiền bạc hoặc vốn đang dùng sẵn rồi chứ không thì chúng rất đắt.

Một công cụ dưới dạng phần mềm máy bàn rất mạnh cho việc này là Screaming Frog, rất nhiều chuyên gia về SEO khuyên dùng, một trong những tính năng mà nó làm tốt là tìm liên kết gãy rất nhanh chóng, tuy nhiên nó cũng có giá chẳng rẻ tí nào, 149 bảng Anh / năm (nó chỉ miễn phí khi bạn có dưới 500 liên kết cần kiểm tra, ảnh cũng tính là liên kết chứ không chỉ bài viết, do vậy con số này thực ra không nhiều, một blog độ 50 bài viết cũng có thể đạt đến giới hạn này), nếu bạn không dùng cho nhiều trang thì mua về sẽ rất phí.

Phần tiếp theo sẽ có ý nghĩa thực tế hơn khi tôi đề cập đến các công cụ miễn phí mà vẫn hoàn thành tương đối tốt tác vụ trên.


A. Cho người dùng WordPress

Plugin tôi muốn giới thiệu là Broken Link Checker (nó là một trong các plugin SEO miễn phí tốt nhất dành cho WordPress). Nó không chỉ kiểm tra liên kết bị hỏng mà còn cả liên kết chuyển hướng. Liên kết chuyển hướng dĩ nhiên vẫn còn tốt chán so với liên kết hỏng, nhưng nếu bạn sửa được thì cũng nên sửa.

Nhược điểm của Broken Link Checker là nó chiếm dụng tài nguyên của WordPress, cho nên cách dùng khôn ngoan là lúc nào bạn muốn kiểm tra thì bật nó lên độ một ngày (hoặc vài ngày nếu trang của bạn lớn- cần nhiều thời gian kiểm tra), sau đó xong rồi thì tắt đi.

Khi tôi thử chạy trên website Kiến càng thì kết quả như sau:

liên kết gãy, check bằng plugin

Dễ thấy là nhiều liên kết gãy là do phần comment ở WordPress có yêu cầu mọi người nhập website, người không có website có thế là bấm đại một trang nào đó cho xong (mặc dù, thực ra trường này không bắt buộc nhập- một cách giảm bớt sự khó chịu này trên các trang mà người dùng của bạn thường không có website là vô hiệu hóa luôn trường đó để người dùng khỏi phải nhập).

P/S: Bất cứ bạn nào mới dùng WordPress, không quen cách cài đặt plugin mới thì hãy đọc bài này nhé: https://kiencang.net/cai-dat-plugin-wordpress/


B. Cho người dùng bất kỳ CMS nào

Ở đây tôi sử dụng ứng dụng online: http://www.brokenlinkcheck.com/

Ưu điểm là kiểm tra miễn phí tới 3000 trang, số lượng này nói chung là đáp ứng được cho phần lớn người dùng bình thường rồi. Ngoài ra kiểu kiểm tra này không làm bạn tốn tài nguyên như dùng plguin ở trên. Tốc độ cũng khá nhanh, chỉ vài phút là xong.

Nhược điểm là nó không kiểm tra các liên kết tài liệu như pdf, hoặc ảnh trên web, do vậy có nguy cơ bỏ sót, nhất là với trang web có nhiều ảnh, hoặc liên kết tới tài nguyên.

Khi thiết lập tùy chọn kiểm tra, bạn nhớ chọn “Report all occurrences of each dead link” để nó trả về kết quả tất cả các link chết ở các trang, mặc dù thiết lập này thường cần thời gian dài hơn để hoàn thành (nhưng cũng không lâu đâu nên bạn đừng lo):

thiết lập tùy chọn broken link

Kết quả trả về của ứng dụng này rất tốt, đôi khi hơn cả plugin, cụ thể nó tìm ra rất nhiều kết quả mà plugin Broken Link Checker không thấy:

kết quả của brokenlinkcheck.com

Giải thích một chút, 404 có nghĩa là trang đó không còn nữa, nhưng tên miền thì vẫn hoạt động (các trang khác thuộc trang đó vẫn còn), còn bad host nghiêm trọng hơn, nó nói rằng cả tên miền đó không thể truy cập được nữa (có thể tên miền bị hủy, hosting có vấn đề, vân vân làm ảnh hưởng đến toàn bộ website).

Ở đây tôi chỉ giới thiệu với bạn 2 cách đơn giản, ít tốn công sức nhất về mặt kỹ thuật để kiểm tra. Ngoài ra tôi nghe nói phần mềm sau (free) cũng rất tốt để thử: http://home.snafu.de/tilman/xenulink.html


C. Làm thế nào để hạn chế liên kết gãy

Liên kết gãy về mặt đối tượng chia làm 2 phía:

  • Liên kết gãy từ trang web của bạn: cách hạn chế là khi có bất kỳ sự thay đổi nào về URL của một trang đang có bạn cần thực hiện chuyển hướng, nếu dùng WordPress thì plugin tốt nên dùng là Redirection. Còn tốt nhất là bạn cập nhật tất cả các liên kết cũ bằng liên kết mới (mất thời gian công sức hơn).
  • Liên kết gãy từ các trang bên ngoài: bạn sẽ hoàn toàn không có khả năng can thiệp vào chuyện này đâu, theo thời gian thì số lượng liên kết gãy sẽ tăng dần lên, vì website ở nhiều khía cạnh cũng giống như sinh vật sống, nó không tồn tại mãi mãi. Một tên miền bị xóa bỏ và tất cả liên kết của nó đều mất hoặc đơn giản là chủ website muốn xóa một trang nào đó chẳng hạn (và họ quên không chuyển hướng). Cách hạn chế duy nhất theo hướng bị động là bạn định kỳ kiểm tra, có thể là 6 tháng hoặc 1 năm.

OK, nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại comment bên dưới nhé. Tạm biệt và thi thoảng gặp lại.

Bổ sung ngoài lề: Trong SEO có một kỹ thuật xây dựng liên kết liên quan đến các trang 404 đó là xây dựng liên kết gãy. Theo đó người muốn đẩy nhanh quá trình có backlink (trang A) đi tìm các trang (gọi là trang B) có liên kết 404 trong thị trường ngách của mình (và trang 404 đó vốn có ít nhiều backlink) rồi sau đó tạo một bài viết tương tự về chủ đề đó (ít nhất là có nội dung hấp dẫn ngang bằng, còn tốt hơn thì nên hay hơn), cuối cùng liên hệ với chủ trang B để họ thay liên kết cũ bị 404 trong bài viết bằng liên kết mới (và qua đó trang A có backlink và trang B không còn chứa liên kết gãy nữa), lợi cả đôi bên.

Comments are closed.

Back to Top