Categories SEO

8 kiểu từ khóa quan trọng nhất trong SEO

8 kiểu từ khóa quan trọng trong SEO

Hôm nay chúng ta sẽ bàn về các kiểu từ khóa mà những ai quan tâm đến SEO cần phải biết.

Nếu bạn muốn có một cái nhìn nhanh chóng về các kiểu từ khóa này, hãy xem bảng phân loại bên dưới. Để hiểu rõ hơn, hãy đọc toàn bộ bài này và bạn sẽ biết cách chọn lựa các từ khóa đó cho dự án SEO của mình.

Kiểu Định nghĩa Ví dụ
Hạt giống Là từ khóa ở thời điểm đầu khi nghiên cứu từ khóa “xe máy”
Thông tin Mục đích của người tìm kiếm là tìm thông tin “cách lau màn hình máy tính”
Điều hướng Mục đích của người tìm kiếm là đến một website cụ thể “vnexpress thể thao”
Thương mại Mục đích của người tìm kiếm là mua sản phẩm nhưng cần điều tra nghiên cứu thêm “đánh giá laptop thinkpad t560”
Giao dịch Mục đích của người tìm kiếm là mua sản phẩm “mua điện thoại samsung giá rẻ”
Từ khóa đuôi dài Các truy vấn tìm kiếm có khối lượng tìm kiếm nhỏ “cách thêm ảnh vào bài viết trong wordpress”
Từ khóa có mức độ cạnh tranh thấp Các từ khóa dễ có được thứ hạng tốt “cách vệ sinh khe cắm sạc iphone”
Từ khóa ngách Các từ khóa nhắm đến chủ đề cụ thể, rõ ràng. Thường là thị trường nhỏ nhưng chuyên biệt. “sản phẩm chăm sóc da thiên nhiên cho mẹ sau sinh”
Từ khóa có thương hiệu Bất cứ từ khóa nào bao gồm tên thương hiệu hoặc sản phẩm “giày tokyolife nam”
Từ khóa không có thương hiệu Nhắm đến sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng không bao gồm thương hiệu “điện thoại pin khỏe nhất”
Từ khóa của đối thủ cạnh tranh Là các từ khóa đối thủ cạnh tranh đang sử dụng Các từ khóa đối thủ đang có thứ hạng cao
Từ khóa chính Chủ đề chính của trang, chính là từ khóa mà trang đang tối ưu “các dòng điện thoại samsung tốt nhất”
Từ khóa phụ Bất cứ từ khóa nào liên quan gần gũi đến từ khóa chính mà bạn đang nhắm đến “kiểu dáng”, “dung lượng pin”, “hiệu năng”, “kích thước màn hình”

1. Từ khóa hạt giống / Seed keywords

Từ khóa hạt giống là các từ hoặc cụm từ mà bạn sử dụng ở thời điểm ban đầu để nghiên cứu từ khóa (khám phá nhiều từ khóa khác liên quan).

Đây cũng chính là từ khóa mà bạn sử dụng để nhập vào các công cụ nghiên cứu từ khóa.

Từ khóa hạt giống được nhập vào công cụ nghiên cứu từ khóa
Từ khóa hạt giống được nhập vào công cụ nghiên cứu từ khóa

Cách tìm khác:

  • Brainstorming (thảo luận nhóm trong không khí cởi mở).
  • Kiểm tra từ khóa của đối thủ cạnh tranh.
  • Các từ khóa hạt giống cũng thường chính là các từ được dùng trên menu của website.
  • Quan sát cách mọi người thảo luận trên mạng xã hội.

2. Các từ khóa phân loại theo ý định tìm kiếm (search intent)

Ý định tìm kiếm là các lý do ẩn đằng sau mỗi truy vấn tìm kiếm. Đó là điều mà mọi người mong muốn tìm thấy khi sử dụng từ khóa trong máy tìm kiếm.

Về đại thể, chúng ta có thể có 4 kiểu từ khóa với các ý định khác nhau:

  • Thông tin (information): người tìm kiếm tìm thông tin, ví dụ: “cách tháo lens máy ảnh”.
  • Điều hướng (navigational): ý định là tìm một website, hay một trang cụ thể, ví dụ: “facebook login”.
  • Điều tra thương mại (commercial investigation): người tìm kiếm muốn mua một sản phẩm cụ thể nhưng cần nghiên cứu thêm, ví dụ: “bàn phím cơ Akko có tốt không”
  • Giao dịch (transactional): từ khóa thể hiện mong muốn mua hàng, ví dụ “mua laptop cũ tốt Hà Nội”.

Ý nghĩa của việc phân loại này là chúng ta biết được các từ khóa nào có tiềm năng thương mại tốt, dĩ nhiên ở đây là các từ khóa dạng điều tra thương mại và giao dịch.

3. Các từ khóa đuôi dài / long-tail keywords

Từ khóa đuôi dài là các truy vấn có khối lượng tìm kiếm nhỏ mỗi tháng.

Tên của từ khóa dạng này bắt nguồn từ việc trên đồ thị về cầu tìm kiếm nó là dải rất dài phía sau. Với bất kỳ chủ đề nào, các tìm kiếm phổ phiến nhất gọi là short-tail (còn có tên khác là fat heads / đầu béo), ngay theo sau là các từ khóa có khối lượng tìm kiếm trung bình, và cuối cùng là long-tails (đuôi dài).

Từ khóa đuôi dài
Từ khóa đuôi dài – biểu đồ minh họa của Ahrefs

Nhắm vào các từ khóa đuôi dài là chiến thuật phổ biến trong SEO:

  • Chúng thường có mức độ cạnh tranh thấp hơn so với từ khóa thuộc phần đầu và phần giữa (dù vậy, không phải tất cả các từ khóa đuôi dài đều dễ để có thứ hạng tốt).
  • Có rất nhiều từ khóa đuôi dài.
  • Chúng thường cụ thể, bạn có thể thu hút người dùng với ý định rõ ràng.

4. Từ khóa có mức độ cạnh tranh thấp / Low-competition keywords

Từ khóa có mức độ cạnh tranh thấp là các từ khóa về bản chất là dễ để có thứ hạng tốt.

Các website mới nên tập trung vào các từ khóa có độ cạnh tranh thấp trước, bởi vì nó dễ có kết quả hơn, bao gồm cả việc cần ít thời gian hơn để có được thứ hạng tốt.

Trong các công cụ nghiên cứu từ khóa thương mại (trả phí), chúng ta thường dựa vào chỉ số gọi là độ khó của từ khóa (Keyword Diffculty / KD hoặc Competition) để phân loại nhóm từ khóa này.

Cột thông báo về độ khó của từ khóa
Cột thông báo về độ khó của từ khóa trong một công cụ nghiên cứu từ khóa

Độ khó thường nằm trong khoảng từ 0 tới 100, trong đó 100 là rất khó để có thứ hạng tốt. Tùy công cụ mà nó có thể có cách ước tính mức độ khó khác nhau, chẳng hạn Ahrefs ước tính độ khó của từ khóa dựa trên hồ sơ backlink của trang đó.

Trường hợp không có công cụ, chúng ta thực hiện phân tích thủ công, dựa vào một số yếu tố như:

  • Sức mạnh của website đối thủ (trang có nhiều hay ít bài, thương hiệu phổ biến hay không, thường có thứ hạng tốt hay không).
  • Chất lượng các bài.
  • Tiềm năng thương mại (nếu có) của từ khóa.

5. Từ khóa ngách / Niche keywords

Từ khóa ngách là các chủ đề rõ ràng, cụ thể, thu hút số lượng tương đối nhỏ người dùng, và thường là chuyên biệt ở một thị trường nhất định.

Chúng thường dễ có thứ hạng tốt. Và do chúng cụ thể, chúng là những từ khóa có ý định rõ ràng. Nói cách khác, từ khóa ngách có thể đem đến website của bạn lưu lượng truy cập không lớn nhưng có chất lượng cao trong khoảng thời gian ngắn. Kết hợp lại với nhau, chúng có thể là trụ cột của một doanh nghiệp kiểu long-tail (chuyên bán các sản phẩm hiếm với số lượng nhỏ).

Từ khóa ngách đề cập đến khía cạnh thị trường của sản phẩm / dịch vụ (rất gần với khái niệm thị trường ngách). Những người đi đầu sẽ chiếm ưu thế rất lớn trong thị trường này. Tuy nhiên không dễ để tìm được từ khóa ngách hiệu quả, nó thường đòi hỏi chúng ta phải có kinh nghiệm, tham gia lĩnh vực đủ lâu.

Có những từ khóa ngách ở thời điểm đầu là ngách, nhưng nếu sản phẩm / dịch vụ đó theo thời gian tăng trưởng thì đến ngưỡng nào đó nó lại biến thành thị trường có mức độ cạnh tranh cao (và do vậy không còn là ngách nữa). Ví dụ 10 năm trước, thị trường mỹ phẩm thiên nhiên ở Việt Nam có thể coi là ngách, nhưng hiện nay xu hướng đã biến nó thành thị trường có độ cạnh tranh cao.

Có những thị trường ngách ổn định, khi mà các đối thủ mới gia nhập, hoặc/và đối tượng khách hàng không có thay đổi đột biến, đáng kể nào theo thời gian, ví dụ các mặt hàng cao cấp, hoặc hiếm có, khó tìm thường là các thị trường ngách tương đối ổn định.

6. Các từ khóa thương hiệu và không phải thương hiệu / Branded and unbranded keywords

Có thứ hạng tốt cho các từ khóa không phải thương hiệu đem đến cơ hội thu hút những người tìm kiếm biết đến các sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp của bạn dù cho họ không biết đến thương hiệu của bạn.

Ví dụ, tôi là doanh nghiệp bán điện thoại di động (Đức Anh Mobile), thương hiệu của tôi hiện không nhiều người biết đến, nhưng nếu tôi tối ưu được cho nhiều từ khóa kiểu như “điện thoại pin khỏe”, “điện thoại chơi game”,… thì sẽ ngày càng có nhiều người dùng biết đến thương hiệu của tôi.

Để tìm các từ khóa dạng không thương hiệu thì trong công cụ nghiên cứu từ khóa, chúng ta chỉ nhập tên sản phẩm / dịch vụ vào, không kèm thương hiệu cụ thể nào cả.

Có thứ hạng tốt cho các từ khóa thương hiệu cho phép bạn thu hút những người đang tìm kiếm thông tin cụ thể về doanh nghiệp của bạn (hoặc thương hiệu của sản phẩm mà doanh nghiệp bạn bán).

Tương tự như trên, nếu tôi bán điện thoại SamSung và Oppo, và nếu tôi tối ưu được cho các từ khóa như “điện thoại SamSung tốt nhất dưới 3 triệu”, “top điện thoại oppo đáng mua” thì người tìm kiếm sẽ thấy được các sản phẩm mà tôi đang bán dựa vào các bài được tối ưu tốt ở trên.

Để tìm các từ khóa dạng thương hiệu, thì ở công cụ nghiên cứu từ khóa, chúng ta nhập tên sản phẩm / dịch vụ, kèm theo đó là thương hiệu cụ thể.

7. Từ khóa của đối thủ cạnh tranh / competitor’s keywords

Ai cũng muốn biết từ khóa của đối thủ cạnh tranh là gì. Đó sẽ là mỏ vàng cho các chủ đề trên website của bạn.

Khi bạn biết được từ khóa của đối thủ cạnh tranh, bạn có thể:

  • Nhắm đến các từ khóa tương tự.
  • Sử dụng từ khóa của đối thủ cạnh tranh để làm từ khóa hạt giống cho việc nghiên cứu từ khóa.

Các công cụ nghiên cứu từ khóa thương mại có tính năng này khá dễ dùng, bạn chỉ cần nhập tên miền của đối thủ cạnh tranh vào là nó sẽ hiển thị ra danh sách từ khóa của đối thủ, sau đó dùng thêm bộ lọc để lấy danh sách từ khóa cụ thể theo nhu cầu.

Với trường hợp không có công cụ thương mại, chúng ta có thể làm như sau:

  • Xác định khoảng 2, 3 website là đối thủ cạnh tranh chính.
  • Truy cập vào danh mục bài của họ.
  • Từ khóa thường của bài thường nằm luôn trong tiêu đề.

Cách làm này sẽ yêu cầu bạn có một chút kinh nghiệm, ngoài ra, dĩ nhiên nó không cho kết quả chính xác 100%.

Các từ khóa mà chúng ta nên nhắm đến là các từ khóa mà đối thủ có thứ hạng tốt còn chúng ta thì không (không có nội dung cho từ khóa đó trên website).

8. Từ khóa chính và phụ / primary and secondary keywords

Từ khóa chính là chủ đề chính của trang. Nó cũng là từ khóa cụ thể mà bạn tối ưu cho trang đó, nói cách khác, nó là lý do để thực hiện nghiên cứu từ khóa ngay từ lúc ban đầu.

Từ khóa phụ là các từ khóa liên quan mật thiết đến từ khóa chính. Để dễ hiểu, từ khóa chính giống như tiêu đề của cuốn sách, còn từ khóa phụ giống như các tiêu đề của chương sách.

Để tìm ra được từ khóa chính một cách chính xác, bạn cần thực hiện nghiên cứu từ khóa cẩn thận. Từ khóa chính cần phải hội tụ các điều kiện sau:

  • Có tiềm năng đem đến lưu lượng truy cập.
  • Ý định đằng sau tìm kiếm đó (search intent) phù hợp với mục tiêu của bạn.
  • Có giá trị thương mại hoặc giá trị khác với website.
  • Bạn có khả năng tối ưu hóa và thăng hạng tốt cho nó.

Tham khảo:

Back to Top