Categories Đôi lời

Từ bi với bản thân: Khái niệm thay thế về thái độ lành mạnh đối với chính mình

hoa hồng

Bài báo này định nghĩa và xem xét việc xây dựng lòng tự trắc ẩn/từ bi với bản thân (self-compassion). Từ bi với bản thân bao gồm ba thành phần chính: (a) nhân từ với chính mình (self-kindness) – thấu hiểu và đối tốt với bản thân mình trong trường hợp đau đớn hay thất bại thay vì đánh giá bản thân quá khắt khe (self-critical), (b) tương đồng nhân loại/lòng nhân đạo (common humanity) – nhận thức về kinh nghiệm của người khác như một phần của trải nghiệm lớn hơn của con người (larger human experience) thay vì nhìn nhận chúng tách biệt và cô lập (separatin and isolating), và (c) chánh niệm (mindfulness)- giữ những suy nghĩ cũng như cảm giác đau khổ trong nhận thức cân bằng thay vì đồng nhất hóa quá mức (over-indentifying) với chúng. Từ bi với chính mình là một thái độ tự giác tích cực về mặt cảm xúc mà có thể chống lại những hệ quả tiêu cực về sự tự đánh giá, tách biệt, và trầm tư (chẳng hạn như trầm cảm). Vì tính chất không đánh giá và liên kết với nhau, nên nó còn có xu hướng chống lại sự tự luyến, tự cho mình là trung tâm, và những sự so sánh xã hội đi xuống mà có liên quan đến mọi nỗ lực duy trì lòng tự trọng (self-esteem). Sự liên quan giữa từ bi với chính mình với các cấu trúc tâm lý khác đã được xem xét, mối liên kết của nó với chức năng tâm lý sẽ được nghiên cứu, và những khác biệt nhóm tiềm năng trong lòng từ bi với bản thân sẽ được thảo luận trong bài báo này.

Trong những năm gần đây, một số lời chỉ trích đã được đưa ra về việc sử dụng lòng tự trọng như thước đo sức khỏe tâm lý chính (primary measure of psychological health). Lòng tự trọng, bắt nguồn từ những đánh giá về giá trị bản thân (self-worth), được cấu thành bởi các đánh giá (judgments) và so sánh (comparisons). Như William James đã đề xuất hơn một thế kỷ trước, lòng tự trọng liên quan đến việc đánh giá thành tích cá nhân (tôi làm tốt thế nào?) so với các tiêu chuẩn đặt ra (thế nào được coi là đủ tốt?) trong những lĩnh vực có tầm quan trọng được nhận thức (việc giỏi lĩnh vực này là rất quan trọng). Lòng tự trọng còn liên quan đến việc hướng sự chú ý đến những đánh giá của người khác về bản thân (người khác quý mình đến mức nào, họ bằng lòng với mình nhiều hay ít?), để xác định mức độ quý trọng bản thân của một người. So sánh xã hội (social comparison) là một yếu tố quyết định bổ sung của lòng tự trọng, để bản thân được đánh giá trong mối quan hệ với thành tích/sự thể hiện của người khác.

Lợi ích tâm lý của lòng tự trọng cao đã được ca ngợi một cách rộng rãi trong cả giới hàn lâm lẫn báo chí lá cải – dẫn đến việc nhiều trường học áp dụng các chương trình quy mô lớn để nâng cao lòng tự trọng của học sinh (ví dụ, Lực lượng Thúc đẩy Lòng tự trọng California). Mặc dù vấn đề lòng tự trọng thấp liên quan đến một loạt hệ quả tâm lý tiêu cực là khá rõ ràng, chẳng hạn như thiếu động cơ thúc đẩy, trầm cảm, và ý muốn tự sát, nhưng chưa chắc việc nâng cao lòng tự trọng của mọi người đã là thuốc chữa bách bệnh như người ta vẫn nói. Đầu tiên, rất khó để nâng cao lòng tự trọng của một cá nhân, vì lòng tự trọng đã được chứng minh là có khả năng kháng lại sự thay đổi cao. Hơn nữa, ngay bản thân lòng tự trọng cao cũng có những hệ lụy tiêu cực. Một số nhà tâm lý học đã lập luận rằng quá tập trung vào việc đánh giá và yêu thích bản thân có thể dẫn đến hội chứng tự luyến (narcissism), cùng với tình trạng chỉ quan tâm đến bản thân (self-absorption), coi mình là trung tâm (self-centeredness), mà không thèm màng đến người khác. Những nỗ lực bảo vệ hay củng cố lòng tự trọng còn có thể dẫn đến những lệch lạc trong sự tự biết mình/nhận thức về bản thân (self-knowledge), gây khó khăn cho việc xác định những khu vực cần thay đổi hoặc phát triển. Mong muốn có lòng tự trọng cao có thể dẫn đến việc sẵn sàng nhìn nhận điều tồi tệ nhất ở người khác như một công cụ đánh giá bản thân một cách thuận lợi hơn, và trong thực tế, lòng tự trọng cao (chứ không phải lòng tự trọng thấp) mới liên quan đến sự gia tăng định kiến đối với những cá nhân ngoài nhóm. Cuối cùng, như Baumeister cùng cộng sự đã lập luận, ý thức về lòng tự trọng bị “thổi phồng” có thể dẫn đến tình trạng gây hấn/hung hăng và bạo lực với những người được cho là đe dọa cái tôi/lòng tự trọng.

Vì những lý do này, một số nhà tâm lý học đã cố giới thiệu những khái niệm thay thế về thái độ cũng như mối quan hệ lành mạnh với bản thân, chẳng hạn như thái độ tự trọng/tư cách đứng đắn (self-respect), tự tin vào năng lực bản thân (self-efficacy), lòng tự trọng thực thụ, hoặc cá tính. Một sự thay thế hữu ích khác có thể được tìm thấy bằng cách bắt đầu áp dụng một khái niệm quan trọng trong triết lý Phật giáo – lòng tự trắc ẩn/từ bi với bản thân. Mặc dù khái niệm lòng tự trắc ẩn/từ bi với bản thân đã tồn tại trong tư tưởng triết học phương Đông nhiều thế kỷ nay, nhưng đây vẫn là một khái niệm tương đối mới mẻ đối với tâm lý học phương Tây (mặc dù nó liên quan đến các khái niệm tâm lý học khác của phương Tây, một điểm sẽ sớm được đề cập). Thập kỷ qua đã chứng kiến sự trao đổi ý tưởng ngày một tăng giữa Phật giáo và lĩnh vực tâm lý học, mở rộng vốn hiểu biết hiện nay của chúng ta về sức khỏe tinh thần và mở ra những cách thức mới để nghiên cứu cũng như điều trị rối loạn tâm thần. Bài viết này thể hiện nỗ lực bổ sung vào cuộc đối thoại này bằng việc kiểm tra xem khái niệm lòng tự trắc ẩn/từ bi với bản thân giúp mở rộng vốn hiểu biết hiện tại của chúng ta về thái độ lành mạnh dành cho bản thân như thế nào. Mục tiêu của nó là xác định rõ ràng xem quá trình mang lại lòng tự trắc ẩn/từ bi với bản thân bao gồm những yếu tố nào, và khám phá mối quan hệ tiềm năng giữa lòng tự trắc ẩn/từ bi với bản thân với các khía cạnh khác của chức năng tâm lý. Vì mới có rất ít nghiên cứu được tiến hành về lòng tự trắc ẩn, nên bài thảo luận này sẽ chỉ dựa vào lý thuyết thay vì những phát hiện thực nghiệm. Song, sự hiểu biết lý thuyết về lòng tự trắc ẩn có thể cực kỳ phù hợp cho những nghiên cứu trong lĩnh vực học thuật mà quan tâm đến các vấn đề về bản thân cũng như bản sắc.

1. Từ bi với bản thân là gì?

Định nghĩa “lòng từ bi với bản thân” có liên quan đến định nghĩa tổng quát hơn về “lòng từ bi.”  Lòng từ bi liên quan đến việc cảm động/động lòng khi thấy người khác chịu khổ, mở ra nhận thức của một người đối với nỗi đau của người khác và không né tránh hay ngắt kết nối với nó, để những cảm xúc nhân hậu đối với người khác cùng với mong muốn giảm bớt sự đau khổ của họ xuất hiện. Nó cũng liên quan đến việc đưa ra vốn hiểu biết không phán xét đối với những người thất bại hoặc phạm sai lầm, để hành động cùng hành vi của họ được nhìn nhận trong một bối cảnh của khả năng mắc sai lầm chung của con người. Do đó, từ bi với chính mình liên quan đến việc động lòng và cởi mở với nỗi đau của bản thân, không trốn tránh hay ngắt kết nối với nỗi đau ấy, xuất hiện mong muốn giảm bớt sự đau khổ của bản thân và chữa lành bản thân bằng lòng tốt, sự tử tế. Từ bi với bản thân còn liên quan đến việc cung cấp vốn hiểu biết không phán xét đối với nỗi đau, sự thiếu khả năng và thất bại của một người, để trải nghiệm của người đó được nhìn nhận như một phần trong trải nghiệm lớn hơn của con người.

Mặc dù nhiều giả thuyết tâm lý học cho rằng các cá nhân chủ yếu chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân, quan tâm đến bản thân nhiều hơn là cho người khác, nhưng trải nghiệm phổ biến lại cho thấy rằng mọi người thường khắt khe và khắc nghiệt với bản thân hơn là với những người họ quan tâm, hoặc thậm chí là với người lạ. Tuy sự nghiêm khắc như thế với bản thân đôi khi có thể bắt nguồn từ nỗi sợ tính tự cao tự đại/thuyết duy ngã độc tôn (egotism), sự tự buông thả/nuông chiều bản thân (self-indulgence), hoặc tự coi mình là trung tâm, nhưng việc tự trắc ẩn/từ bi với bản thân không bao gồm việc tự coi mình là trung tâm/vị kỷ. Thay vào đó, từ bi với bản thân có xu hướng tăng cường cảm xúc từ bi và quan tâm đến người khác. Từ bi với chính mình bao gồm việc coi trải nghiệm của bản thân như kết quả của trải nghiệm phổ biến của con người, ý thức được rằng sự đau khổ, thất bại, không đủ khả năng là một phần điều kiện của con người, và rằng tất cả mọi người – bao gồm cả bản thân mình – đều đáng nhận được lòng từ bi. Bớt phán xét bản thân sẽ giúp ta bớt phán xét người khác, vì những sự so sánh giữa bản thân và người khác không cần thiết cho việc nâng cao hay bảo vệ lòng tự trọng. Lòng trắc ẩn không được mở rộng đối với bản thân một người vì lý do người đó trội hơn hay xứng đáng hơn người khác, thay vào đó, nó diễn ra một cách chính xác khi cá nhân đó nhận ra sự liên kết/tương thuộc cũng như bình đẳng của họ với người khác. Do vậy, tự cảm thấy từ bi với bản thân cũng tương tự như khi tha thứ cho chính mình. Enright nhận xét rằng khi chúng ta tha thứ, “chúng ta chào đón người khác vào cộng đồng nhân loại; chúng ta coi tất cả đều đáng được tôn trọng như nhau.” Tương tự, lòng từ bi với bản thân bao gồm việc tha thứ cho thất bại và nhược điểm của chính mình, tôn trọng bản thân như một con người hoàn toàn, tức là một con người có hạn chế và không hề hoàn hảo.

Một số người có thể lo sợ rằng lòng từ bi với bản thân quá cao có thể dẫn đến sự bị động/thụ động, nhưng điều này sẽ không xảy ra nếu cảm xúc từ bi với bản thân là chân thật. Mặc dù việc có lòng từ bi với bản thân đòi hỏi một người không được chỉ trích bản thân một cách gay gắt vì đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn lý tưởng, nhưng điều đó không có nghĩa rằng thất bại của người đó sẽ không được chú ý hay khắc phục. Thay vào đó, nó có nghĩa là những hành động cần thiết cho chức năng và sức khỏe tối ưu (và có lòng từ bi với bản thân đồng nghĩa với việc một người mong muốn có được phúc lợi cho chính mình) được khuyến khích cùng với sự ân cần/nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Do đó, lòng từ bi với bản thân không kéo theo sự bị động hay kém tích cực liên quan đến những điểm yếu được quan sát trong bản thân một người. Trái lại, chính tình trạng thiếu lòng từ bi với bản thân mới dễ dẫn đến sự thụ động/bị động. Khi bản thân bị đánh giá/phán xét gay gắt vì những thất bại của nó với niềm tin là việc “tự dùng roi đánh mình” (self-flagellation) bằng một cách nào đó ép tạo ra sự thay đổi và cải thiện, các chức năng bảo vệ của cái tôi/bản ngã thường hoạt động để sàng lọc những sự không tương xứng khỏi khả năng tự nhận thức để lòng tự trọng của một người không bị đe dọa. Nếu thiếu khả năng tự nhận thức, những điểm yếu này sẽ mãi mãi không bị bác bỏ. Tuy nhiên, bằng cách trắc ẩn/từ bi với chính mình, một người có thể cung cấp sự an toàn về cảm xúc cần thiết để nhìn nhận bản thân rõ ràng mà không sợ sự tự lên án (self-condemnation), và cho phép cá nhân này nhận thức và điều chỉnh một cách chính xác hơn các mô hình suy nghĩ/tư duy, cảm giác và hành vi sai lệch. Hơn nữa, sự chăm sóc nội tại đối với lòng trắc ẩn sẽ cung cấp một động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển và thay đổi. Ví dụ, những người cha người mẹ có lòng trắc ẩn với con cái không cho phép con họ tự làm hại bản thân, và có thể áp đặt những yêu cầu hoặc hạn chế không mấy dễ chịu lên con cái để khuyến khích sự phát triển lành mạnh của chúng. Hành động của các phụ huynh có lòng trắc ẩn không mang tính phán xét hay trừng phạt, mà đong đầy lòng tốt, tình thương yêu, và sự quan tâm dành cho con của họ. Tương tự như vậy, lòng trắc ẩn/từ bi với chính mình thường đòi hỏi phải từ bỏ các hành vi có hại mà một người bấy lâu nay vẫn quen gắn bó, và khuyến khích bản thân thực hiện mọi hành động cần thiết – dù cho có đau đớn hay khó khăn – để có thể duy trì tình trạng hạnh phúc, khỏe mạnh của mình.

Cũng nên lưu ý rằng lòng tự trắc ẩn rất khác biệt so với sự tự thương hại (self-pity). Khi các cá nhân thấy thương hại người khác, họ thường tách biệt và ngắt kết nối/rời xa khỏi những người đó (“may quá, đó là vấn đề của bạn chứ không phải của tôi”), còn trong trường hợp trắc ẩn thì các cá nhân lại thấy kết nối với người khác và nhận thức được rằng sự đau khổ là một điều gì đó mà tất cả chúng ta đều phải nếm trải (“nếu không nhờ vào vận may thì điều này cũng có thể xảy đến với mình rồi”). Tương tự, khi các cá nhân thấy tự thương hại bản thân, họ bắt đầu đắm chìm vào các vấn đề của chính họ mà quên mất rằng những người khác cũng đang gặp phải các vấn đề tương tự. Họ lờ đi mối liên kết của mình với người khác, thay vào đó họ cảm thấy như mình là người duy nhất trên thế giới này đang phải chịu đựng sự đau khổ, sự tự thương hại bản thân có xu hướng nhấn mạnh cảm giác cho mình là trọng tâm/vị kỷ/ích kỷ của sự tách biệt với người khác và phóng đại/làm tăng mức độ đau khổ của cá nhân. Mặt khác, lòng tự trắc ẩn lại cho phép người ta nhìn nhận những trải nghiệm liên quan của bản thân và của người khác mà không có kiểu lệch lạc hay ngắt kết nối này.

Lòng từ bi với bản thân còn khác biệt với sự tự thương hại theo một cách khác có liên quan đến mức độ các cá nhân được xác định/đồng nhất với nỗi đau cùng sự chịu đựng của họ. Trong khi tự thương hại bản thân, các cá nhân thường bị cuốn vào và đắm chìm hoàn toàn trong cảm xúc của chính họ. Quá trình này có thể được gọi là “đồng nhất hóa quá mức,” tức là các cá nhân quá chìm đắm trong phản ứng cảm xúc hiện tại của họ đến nỗi các khía cạnh khác của người đó – ví dụ như những khía cạnh phản ứng cảm xúc và diễn giải tâm trí thay thế – trở nên không thể tiếp cận được. Vì nhận thức của bản thân hoàn toàn bị choán bởi những phản ứng chủ quan, nên một người không thể né tránh tình huống và áp dụng một quan điểm khách quan hơn. Ngược lại, lòng từ bi với bản thân đòi hỏi các cá nhân không được đồng nhất hóa quá mức với cảm xúc của họ, để có “không gian tinh thần” giúp mở rộng lòng tốt của bản thân và nhận ra bối cảnh nhân loại rộng lớn hơn về trải nghiệm của chính mình. Đồng thời, lòng từ bi với bản thân còn yêu cầu các cá nhân không được trốn tránh hay kìm nén những cảm giác đau đớn của mình, để họ có thể công nhận và cảm thấy trắc ẩn/thương cảm với trải nghiệm của mình ngay từ đầu. Do đó, một thái độ trắc ẩn/từ bi/thương cảm đối với bản thân đòi hỏi quan điểm tinh thần cân bằng gọi là chánh niệm. Chánh niệm là một trạng thái nhận thức cân bằng, tránh những sự cực đoan của quá trình đồng nhất hóa quá mức hay quá tình tách biệt với trải nghiệm, và đòi hỏi việc nhìn nhận rõ cũng như chấp nhận các hiện tượng tinh thần và cảm xúc khi nó phát sinh. Martin đã viết rằng chánh niệm là “một trạng thái trong đó ý thức duy trì bản thân hay lòng tự trọng dịu đi hoặc biến mất,” dẫn đến một trạng thái tinh thần không phán xét, dễ tiếp nhận/chấp nhận mà trong đó suy nghĩ và cảm giác của một người được quan sát với bản chất thực sự của chúng, chứ không phải với cách chúng tác động đến khái niệm về bản thân của người đó. Chánh niệm là một tư duy rộng lớn và linh hoạt không gắn liền với bất cứ quan điểm cụ thể nào, từ đó giúp mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về trải nghiệm của một người. Theo rất nhiều cách, chánh niệm cũng tương tự như quan điểm/lập trường chú ý/tập trung không phán xét, cởi mở mà được hiểu là tạo điều kiện cho các tương tác giữa nhà trị liệu-khách hàng (thân chủ), được mô tả một cách đa dạng như sự tách rời, tháo gỡ/giải mã, hiện diện, hoặc sự chú ý bị đình chỉ đồng đều, nhưng trong trường hợp này được áp dụng theo trải nghiệm của chính bản thân mình.

Khi các cá nhân không để tâm đến những suy nghĩ và cảm giác đau khổ của mình, họ sẽ không chấp nhận trải nghiệm của mình theo đúng ý nghĩa/tính chất của nó, và sự không chấp nhận này có thể biểu hiện như từ chối đưa nó vào sự nhận thức có ý thức, hay sự kháng cự cảm xúc mãnh liệt với nỗi đau, để một người bị cuốn theo phản ứng khó chịu của chính họ. Kiểu phản ứng thứ hai thường liên qua đến việc chỉ chăm chăm tập trung và “nhai lại” các cảm xúc tiêu cực của bản thân. Trong trường hợp của những cảm xúc tiêu cực liên quan đến sự thất bại hoặc không đủ khả năng của cá nhân, có một sự tập trung quá mức vào ý nghĩa của giá trị bản thân (một cách khác mà trong đó “quá trình đồng nhất hóa quá mức” đang diễn ra) dẫn đến những đánh giá và chỉ trích quá khắt khe về bản thân. Quá trình đồng nhất hóa quá mức làm tăng cảm giác chia tách và cô lập, vì ý thức bản thân bị khuếch đại còn nhận thức rằng tất cả mọi người đều phải chịu đau khổ và thất vọng thì bị làm cho lu mờ. Thật không may, việc “nhai lại” hay nghiền ngẫm, tự chỉ trích/phê bình bản thân và cảm giác tách biệt/chia ly đã được chứng minh là có liên quan đến các hệ quả sai lệch như chứng trầm cảm. Ngược lại, Hayes, Strosahl, và Wilson đã phát hiện thấy rằng việc rèn luyện chánh niệm có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm bằng cách khuyến khích các cá nhân chấp nhận và chịu đựng suy nghĩ cũng như cảm xúc đau khổ của họ thay vì cố thay đổi chúng, đồng thời đặt những suy nghĩ cùng với cảm xúc đó vào một bối cảnh rộng hơn để ý nghĩa của chúng được nhìn nhận thấu đáo với một viễn cảnh lớn hơn.

2. Ba khía cạnh của lòng tự trắc ẩn

Tóm lại, khi đối mặt với những trải nghiệm đau khổ hoặc thất bại cá nhân, lòng từ bi với bản thân gồm ba thành phần cơ bản: (a) nhân từ với bản thân (self-kindess) – thấu hiểu và đối tốt với chính mình trong trường hợp đau đớn hay thất bại thay vì đánh giá bản thân quá khắt khe, (b) tương đồng nhân loại/lòng nhân đạo (common humanity) – nhận thức về kinh nghiệm của người khác như một phần của trải nghiệm nhân loại lớn hơn thay vì nhìn nhận chúng một cách tách biệt và cô lập, và (c) chánh niệm – giữ những suy nghĩ cũng như cảm giác đau khổ trong nhận thức cân bằng thay vì đồng nhất hóa quá mức với chúng. Mặc dù những khía cạnh này của lòng từ bi với bản thân khác biệt về mặt khái niệm, và được trải nghiệm khác nhau ở mức độ hiện tượng học, nhưng chúng cũng tương tác để có thể tăng cường và khơi dậy lẫn nhau. Người ta đã lập luận rằng cần có một mức độ chánh niệm nhất định nhằm cho phép đủ khoảng cách tinh thần từ những trải nghiệm tiêu cực của bản thân để từ đó cảm giác nhân từ với bản thân và tương đồng nhân loại/lòng nhân đạo có thể nảy sinh. Tuy nhiên, chánh niệm cũng đóng góp trực tiếp hơn vào hai thành phần khác. Đầu tiên, lập trường khách quan/không lệ thuộc, không phán xét của chánh niệm làm giảm sự tự chỉ trích, phê bình và tăng sự hiểu biết về bản thân, từ đó tăng cường một cách trực tiếp sự nhân từ với bản thân. Ngoài ra, việc chọn quan điểm (biết nhìn nhận từ góc độ của người khác) cân bằng của chánh niệm trực tiếp chống lại chủ nghĩa vị kỷ/cho mình là trọng tâm gây ra những cảm giác cô lập và tách biệt khỏi phần còn lại của nhân loại, từ đó làm tăng cảm giác liên kết lẫn nhau.

Hơn nữa, sự nhân từ với bản thân và cảm giác kết nối có thể giúp làm tăng chánh niệm. Ví dụ, nếu một người dừng đánh giá và trách móc bản thân đủ lâu để có thể trải nghiệm một mức độ tự chấp nhận bản thân, thì ảnh hưởng tiêu cực của trải nghiệm cảm xúc sẽ giảm bớt, nhờ vậy mà việc duy trì nhận thức cân bằng suy nghĩ và cảm xúc của người đó sẽ dễ dàng hơn – để không chạy trốn khỏi cũng chẳng chạy trốn cùng cảm giác nữa. Tương tự, việc nhớ rằng sự đau khổ cùng với thất bại cá nhân xảy ra với tất cả mọi người sẽ giúp một người hiểu đúng trải nghiệm của chính mình, đồng thời tăng cường khả năng để ý đến suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không đồng nhất hóa quá mức với chúng. Cuối cùng, sự nhân từ với bản thân và cảm giác về tương đồng nhân loại hay lòng nhân đạo cũng tăng cường/củng cố lẫn nhau. Khi bản thân bị đánh giá gay gắt, sự tự nhận thực được củng cố và ý thức về bản thân được nâng cao sẽ làm tăng cảm giác cô lập. Tuy nhiên, lòng tốt/sự tử tế đối với bản thân sẽ xoa dịu sự tự nhận thức này, và tạo ra nhiều cảm giác liên kết hơn. Ngược lại, việc nhận ra rằng sự đau khổ và thất bại cá nhân có thể được san sẻ cùng người khác sẽ giảm bớt mức độ đổ lỗi và phán xét đang đè lên bản thân họ, không cá nhân hóa trải nghiệm của một người để cảm giác về lòng nhân từ và sự thấu hiểu được tạo ra cho tất cả những người đang phải chịu đau đớn, ngay cả bản thân mình cũng vậy.

3. Lòng tự trắc ẩn và các cách tiếp cận tâm lý

Mặc dù có nguồn gốc từ phương Đông, nhưng cấu trúc của lòng từ bi với bản thân lại nhất quán với công trình của các nhà tâm lý học phương Tây trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì những hạn chế về không gian, nên chúng tôi không thể cung cấp một cái nhìn toàn diện về những cách mà trong đó lòng từ bi với bản thân liên quan đến các lý thuyết và nghiên cứu khác. Tuy nhiên, một số lĩnh vực chính của mối quan hệ qua lại/tương liên/tương quan vẫn sẽ được thảo luận vắn tắt.

Mô hình mối quan hệ với bản thân

Sự tương đồng gần nhất với khái niệm từ bi với bản thân có lẽ được tìm thấy trong công trình của Judith Jordan, một trong những người thành lập nên mô hình mối quan hệ với bản thân về sự phát triển tâm lý của phụ nữ. Jordan đã viết ngắn gọn về khái niệm tự thấu cảm (self-empathy) trong các bài viết của mình (mặc dù các ý tưởng vẫn chưa được giải thích tường tận), mô tả nó như một quá trình trong đó một người áp dụng quan điểm/lập trường thái độ không phán xét và cởi mở đối với bản thân. Trong quan điểm này, sự tự thấu cảm liên quan chặt chẽ đến sự thấu cảm dành cho người khác, được định nghĩa liên quan đến cảm giác gắn kết về mặt cảm xúc với người khác và thừa nhận sự tương đồng của mình với người khác, để một người nhấn mạnh những thất bại và mất mát không thể tránh liên quan đến con người. Jordan viết rằng sự tự thấu cảm là một kiểu “trải nghiệm điều chỉnh liên quan” với bản thân mà trong đó các khía cạnh bị đánh giá và không được công nhận trước đó của bản thân được “chấp nhận và phản hồi lại theo một cách chu đáo, hiện diện một cách có ảnh hưởng và tái gắn kết.” Do đó, chúng ta có thể nhận thấy định nghĩa của Jordan về sự tự thấu cảm đã ngầm chạm đến ba yếu tố của lòng tự trắc ẩn: sự tự nhân từ, tương đồng nhân loại/lòng nhân đạo, và chánh niệm. Jordan chủ yếu nói về sự tự thấu cảm như một quá trình xuất hiện từ trải nghiệm trị liệu thấu cảm tương hỗ, và lập luận rằng sự tự thấu cảm có thể dẫn đến sự thay đổi cấu trúc kéo dài trong sự thể hiện bản thân và những hình ảnh liên quan theo một cách giúp tăng cường phúc lợi tâm lý một cách mạnh mẽ. Không may là chưa có nhiều nghiên cứu được tiến hành để xác nhận, điều chỉnh, hay mở rộng quan điểm của Jordan về sự tự thấu cảm. Ngoài ra, vì nó được diễn đạt bằng ngôn ngữ về sự phát triển của phụ nữ, nên khái niệm của Jordan về sự tự thấu cảm có nguy cơ liên kết với trải nghiệm của phụ nữ thay vì trải nghiệm nhân loại chung về bản thân và người khác.

Tâm lý nhân văn

Khái niệm lòng từ bi với bản thân cũng cộng hưởng với nghiên cứu của nhiều nhà tâm lý học nhân văn.  Ví dụ, trong Hướng tới Tâm lý Bản chất, Maslow đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp đỡ mọi người chấp nhận và thừa nhận nỗi đau cùng những thất bại của chính họ như một yếu tố cần thiết cho sự phát triển. Ông ấy lập luận rằng “nguyên nhân chính dẫn đến đa số bệnh tâm lý là nỗi sợ về đối với việc hiểu biết bản thân – sợ nhận biết cảm xúc, những sự thôi thúc, ký ức, năng lực, tiềm năng của chính mình… Nhìn chung, kiểu nỗi sợ này mang tính phòng thủ/che chở, trong trường hợp này là bảo vệ lòng tự trọng của chúng ta.” Việc khuyến khích người khác từ bi với chính thất bại cũng như sự đau khổ của họ là một cách để làm tăng sự tự thấu hiểu bản thân, giúp thúc đẩy thứ mà Maslow gọi là “nhận thức-B” – sự chấp nhận không phán xét, tha thứ, và yêu thương Bản chất – đối với bản thân. Theo cách này, lòng từ bi với bản thân tương đương với cái mà Rogers gọi là “sự quan tâm tích cực không điều kiện” với bản thân – không phải theo nghĩa là người ta đưa ra những phán xét hoặc đánh giá tích cực một cách vô điều kiện về chính mình, mà theo nghĩa là một người áp dụng lập trường/quan điểm cảm xúc quan tâm vô điều kiện đối với bản thân. Rogers cảm thấy rằng một thái độ với bản thân tử tế và không phán xét là mục tiêu cuối cùng của biện pháp trị liệu lấy khách hàng làm trọng tâm, cho phép một cá nhân có thể “nhận thức rõ hơn về bản thân, chấp nhận bản thân hơn, thể hiện bản thân tốt hơn, bớt giữ thế thủ/dè dặt hơn mà thay vào đó cởi mở hơn… thoải mái thay đổi, phát triển và đi theo những chiều hướng tự nhiên với các cơ chế của con người.” Tương tự, Snyder cũng chỉ ra rằng mục tiêu của việc trị liệu là giúp khách hàng phát triển “lòng thấu cảm nội tại… thái độ chính của sự tò mò và lòng trắc ẩn đổi với phản ứng của bản thân [để trải nghiệm]”. Cuối cùng, lòng tự trắc ẩn cung cấp cho các cá nhân thứ mà Ellis đã gọi là “sự tự chấp nhận vô điều kiện,” trong đó giá trị của bản thân không được xếp hạng hay đánh giá mà được giả định như khía cạnh nội tại của sự tồn tại, và trực tiếp thúc đẩy điều mà Ellis tin là chìa khóa dẫn đến phúc lợi tâm lý: phát triển một thái độ “chịu đựng” những điều không chắc chắn trong đời, công nhận và tha thứ cho những hạn chế của chính mình.

Đương nhiên, tâm lý nhân văn cũng không thiếu những nhà phê bình của nó. Trong những năm gần đây, tâm lý nhân văn (và phần lớn tâm lý học hiện đại nói chung) đã xuất hiện những thiếu sót vì quá thiên về chủ nghĩa cá nhân – vì nhấn mạnh quá mức nhu cầu tự chủ, tự khẳng định bản thân, và tự thỏa mãn mà không quan tâm chú ý đủ nhiều đến những nhu cầu quan trọng không kém dành cho các mối quan hệ, cộng đồng, cũng như trách nhiệm. Tuy nhiên, khái niệm lòng tự trắc ẩn với những cảm giác về sự tự chấp nhận bản thân được dựa trên ý thức của lòng nhân đạo chung lại không tách rời bản thân khỏi người khác, và do đó mà phù hợp với giá trị nhân văn của sự tự chấp nhận chính mình mà không thúc đẩy sự tự trọng cá nhân quá mức. Lòng tự trắc ẩn/từ bi với bản thân cũng tăng cường ý thức về sự gắn kết xã hội, và từ đó sẽ khuyến khích thay vì làm suy yếu cảm giác trách nhiệm đối với người khác.

Điều chỉnh/điều tiết cảm xúc

Cấu trúc của lòng từ bi với bản thân cũng liên quan đến nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực phát triển cảm xúc, cụ thể là đối phó và điều tiết cảm xúc (các thuật ngữ này được được sử dụng thay thế cho nhau). Điều tiết cảm xúc đề cập đến những quá trình mà qua đó các cá nhân chú ý đến cảm xúc của họ, kiểm soát cường độ và thời gian kích thích cảm xúc, và thay đổi bản chất cùng với ý nghĩa của trạng thái cảm xúc khi phải đối mặt với các tình huống căng thẳng và đau khổ. Thông thường, việc đối phó chú trọng vào cảm xúc được xem xét theo khía cạnh né tránh cảm xúc (ví dụ, cười cho qua mọi chuyện như không có gì quan trọng), để rồi các phản ứng cảm xúc đối với những khó khăn trở ngại được nhìn nhận như cơ chế phòng ngự dùng để từ chối hoặc đánh lạc hướng sự chú ý của một người khỏi các vấn đề thay vì trực tiếp đối mặt với chúng. Tuy nhiên, gần đây hơn, các nhà tâm lý học bắt đầu nhận ra rằng chiến lược đối phó tập trung vào cảm xúc còn có thể trở thành một hình thức chủ động, năng suất hơn. Stanton cùng cộng sự đã cho thấy rằng các chiến lược đối phó “tiếp cận cảm xúc” – trong đó các cá nhân cố gắng nỗ lực duy trì sự nhận thức về cảm xúc của mình, đồng thời khám phá và thấu hiểu chúng – có liên quan đến sự điều chỉnh tâm lý tích cực. Lòng từ bi với bản thân có thể được xem như một chiến lược đối phó tiếp cận cảm xúc hữu ích theo rất nhiều cách. Lòng từ bi với bản thân đòi hỏi sự nhận thức chánh niệm về cảm xúc của bản thân, để các cảm giác đau đớn hay khổ sở không bị né tránh mà thay vào đó được tiếp cận với lòng tốt/sự tử tể, sự hiểu biết, cũng như ý thức về lòng nhân đạo chung/tương đồng nhân loại. Từ đó, những cảm xúc tiêu cực được chuyển thành trạng thái cảm giác tích cực hơn, dẫn đến sự hiểu biết rõ ràng hơn về tình hình tức thời của một người/bản thân và áp dụng những hành động thay đổi bản thân và/hoặc môi trường theo những cách phù hợp và hiệu quả. Vì lý do này, lòng từ bi với bản thân có thể là một khía cạnh quan trọng trong trí tuệ cảm xúc, liên quan đến khả năng giám sát cảm xúc của bản thân và khéo léo sử dụng thông tin này để dẫn dắt suy nghĩ cùng với hành động của chính mình.

4. Lòng từ bi với bản thân so với lòng tự trọng

Dường như lòng từ bi với bản thân có thể kéo theo nhiều lợi ích tâm lý liên quan đến lòng tự trọng, nhưng với ít cạm bẫy hơn. Lòng từ bi với bản thân đại diện cho một quan điểm/lập trường cảm xúc tích cực đối với bản thân, trong đó người ta mở rộng cảm giác về sự tử tế/lòng tốt và quan tâm đối với chính bản thân mình. Nó giúp thúc đẩy hành vi hiệu quả và chống lại những tác động gây suy yếu của sự tự phán xét bản thân chẳng hạn như chứng trầm cảm và lo âu. Tuy nhiên, lòng từ bi với bản thân không dựa vào những đánh giá hiệu suất/biểu hiện của bản thân hay và của người khác, hoặc vào sự phù hợp/tương đẳng với các tiêu chuẩn lý tưởng. Trong thực tế, lòng từ bi với bản thân không tập trung vào quá trình tự đánh giá bản thân mà chỉ hướng trọng tâm vào cảm giác từ bi/trắc ẩn đối với bản thân và công nhận lòng nhân đạo của mình thay vì đưa ra những phán xét/đánh giá (tích cực hoặc tiêu cực) đối với chính mình. Do đó, nó thực sự phản ánh xu hướng tự luyến và tự coi mình là trung tâm mà có thể bắt nguồn từ những nỗ lực duy trì lòng tự trọng cao, tăng cường cảm giác kết nối với người khác thay vì tự đặt bản thân mình ở vị trí đối lập với người khác. Những người tiếp cận trải nghiệm của chính mình với lòng trắc ẩn thường dễ từ bi với người khác hơn, vì việc tham gia vào những sự so sánh xã hội đi xuống để nghĩ về bản thân là chấp nhận được (thường đồng nghĩa với việc coi bản thân khá hơn/vượt trội hơn người khác) là không cần thiết. Về mặt lý thuyết, việc cố gắng nâng cao lòng từ bi với bản thân của mọi người phải dễ dàng và hiệu quả hơn so với việc nâng cao lòng tự trọng của họ, vì lòng từ bi với bản thân không đòi hỏi các cá nhân phải áp dụng một quan điểm phi thực tế về chính mình. Nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù mọi người thích nhận được nhận xét tích cực về bản thân, nhưng họ cũng muốn nhận những phản hồi phù hợp/nhất quán với thực tế, hoặc xác thực niềm tin của họ về chính mình. Đây là lý do chính dẫn đến việc rất khó để nâng cao lòng tự trọng của người khác, đặc biệt là thông qua những lời khen tặng không chân thật/không thực tế – mọi người không tin vào những lời nói đó. Lời khen ngợi không chân thật còn nguy hiểm ở chỗ nó không thừa nhận rằng các cá nhân có thể có những mô hình hành vi cần thay đổi vì chúng không hiệu quả, kém lành mạnh, hoặc có hại. Mặt khác, việc khuyến khích mọi người thể hiện lòng trắc ẩn/từ bi với những thất bại cùng sự thiếu hụt của mình sẽ cho phép họ nhận ra những thiếu sót đó rõ ràng hơn, từ đó đáp ứng được nhu cầu tự khẳng định mình. Ngoài ra, nó còn giúp mọi người khắc phục các mô hình hành vi có hại, không phải xuất phát từ nhu cầu cải thiện giá trị hay địa vị của bản thân, mà từ ý thức quan tâm và mong muốn có được phúc lợi cho chính bản thân mình cùng những người khác.

5. Lòng từ bi với bản thân và chức năng tâm lý

Mặc dù nghiên cứu về cấu trúc của lòng từ bi với bản thân chỉ mới bước vào những giai đoạn đầu, nhưng vẫn có lý do chính đáng để tin rằng việc có lòng từ bi đối với chính mình sẽ thúc đẩy phúc lợi tinh thần. Những người có lòng từ bi với bản thân đã được chứng minh là có sức khỏe tâm lý tốt hơn những người có mức độ tự trắc ẩn thấp, vì nỗi đau và cảm giác thất bại không thể tránh khỏi mà tất cả mọi người phải trải nghiệm không bị khuếch đại và duy trì thông qua sự tự lên án bản thân gay gắt, cảm giác cô lập và đồng nhất hóa quá mức với suy nghĩ và cảm xúc. Thái độ hỗ trợ/ủng hộ này đối với bản thân còn liên quan đến nhiều kết quả tâm lý có lợi, chẳng hạn như ít trầm cảm hơn, bớt lo âu đi, ít cầu toàn về tinh thần hơn, và thỏa mãn/hài lòng với cuộc sống hơn. Bên cạnh đó, mặc dù các cuộc thảo luận trước đã tập trung vào lòng từ bi với bản thân trong hoàn cảnh đau đớn hoặc thất bại (vì lòng trắc ẩn là phản ứng đối với trải nghiệm đau khổ), nhưng lòng từ bi với bản thân còn có thể liên quan đến các hoàn cảnh ít gây khó chịu hơn. Việc có lòng từ bi với bản thân có nghĩa là mỗi khi có thể thì các cá nhân sẽ cố ngăn không để bản thân phải trải qua đau khổ ngay từ đầu. Do đó, lòng từ bi với bản thân sẽ sinh ra những hành vi chủ động nhằm mục đích thúc đẩy hoặc duy trì phúc lợi – ví dụ như ăn theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hoặc nghỉ ngơi trong quá trình làm việc trước khi lâm vào tình trạng căng thẳng tột độ.

Lòng từ bi với bản thân còn có khả năng liên quan đến các quá trình tâm lý quan trọng khác. Ví dụ, lòng từ bi với bản thân rất dễ liên quan đến động cơ thúc đẩy hành vi. Deci và Ryan cho rằng “lòng tự trọng thực thụ” (ý thức về giá trị bản thân không dựa vào những tiêu chuẩn hay kỳ vọng được đặt ra, mà được coi như một khía cạnh vốn có của bản chất/bản thể/con người) phát triển khi hành động của một cá nhân phản ánh bản thân cốt lõi thực thụ của họ. Nói cách khác, lòng tự trọng thực thụ xuất hiện khi hành vi mang tính tự chủ, tự quyết và được thúc đẩy bởi các yếu tố bên trong thay vì bên ngoài, để việc thực hiện các hành động xuất phát từ sự quan tâm chân thật chứ không phải để phản ứng với mối đe đọa hay phân thưởng bên ngoài. Vì các cá nhân với mức độ tự từ bi cao có “lòng tự trọng thực thụ” cao hơn, nên chúng tôi cũng cho rằng hành vi của họ có xu hướng được thúc đẩy nội tại nhiều hơn hành vi của những người có mức độ tự từ bi thấp. Sự khác biệt về mặt động cơ thúc đẩy này có khả năng phát huy đến cùng trong nhiều phạm vi, bao gồm cả học thuật. Ví dụ, nhiều nhà tâm lý học giáo dục đã đối lập các mục tiêu học thuật dựa vào khả năng thành thạo, tinh thông/thuần thục (đôi khi được gọi là “mục tiêu học tập”) với các mục tiêu dựa vào thành tích/sự thể hiện. Khi học sinh sinh viên có định hướng thành thạo, tinh thông trong học tập, họ sẽ được thúc đẩy về mặt nội tại bởi mong muốn phát triển kỹ năng mới và hiểu biết những tài liệu mới, bởi sự hiếu kỳ và niềm vui thú trong học tập. Mặt khác, những học sinh sinh viên với mục tiêu dựa vào thành tích lại lấy động lực để thành công từ mong muốn nâng cao ý thức về giá trị bản thân, hoặc nếu không họ sẽ được thúc đẩy để bảo vệ giá trị bản thân của mình bằng cách tránh thất bại (điều này đôi khi đồng nghĩa với việc không cố gắng ngay từ đầu). Vì các cá nhân với lòng từ bi với bản thân cao thường có một thái độ tích cực về bản thân mà không dựa vào các đánh giá thành tích, nên họ thường thể hiện các mục tiêu dựa vào sự thuần thục thay vì thành tích trong các tình huống học thuật.

Lòng từ bi với bản thân còn có thể liên quan đến chức năng tâm lý theo một cách khác, cụ thể là với sự rõ ràng và tính chính xác của việc tự đánh giá. Không giống như lòng tự trọng cao mà có liên quan đến những ảo tượng về cái tôi/bản ngã cùng sự thất bại trong khả năng tự điều chỉnh (đơn cử như áp đặt các mục tiêu không phù hợp vượt quá khả năng thực hiện), lòng từ bi với bản thân lại được liên kết với kiến thức/khả năng công nhận và sự rõ ràng về những hạn chế của bản thân. Lý do là vì các cá nhân không phải che giấu những thiếu sót/khiếm khuyết của mình khỏi chính bản thân mình để tránh việc tự phán xét quá khắt khe. Hơn nữa, việc thể hiện lòng trắc ẩn đối với bản thân cũng có nghĩa là tâm trạng tiêu cực liên quan đến sự đau khổ được chuyển đổi một phần thành một trạng thái tình cảm tích cực hơn – trạng thái của lòng trắc ẩn/từ bi. Đổi lại, tâm trạng tích cực đã được liên kết với sự quan tâm chú ý ngày một tăng cũng như xử lý cẩn thận và triệt để hơn những điều không hay liên quan đến bản thân. Do đó, chúng tôi dự đoán rằng các cá nhân có mức độ từ bi với bản thân cao hơn có thể nhìn nhận bản thân rõ hơn, điều này cũng sẽ dẫn đến khả năng tự điều chỉnh hiệu quả hơn về việc đặt ra mục tiêu, chấp nhận rủi ro, v.v.

Lòng từ bi với bản thân còn có thể liên quan đến khả năng tự điều chỉnh về mặt đối phó với tình trạng căng thẳng. Như đã được đề cập trước đó, các chiến lược đối phó thường được phân thành hai kiểu, một là tập trung vào cảm xúc và một là xoay quanh vấn đề, trong đó thì chiến lược tập trung vào vấn đề được xem xét ở khía cạnh né tránh cảm xúc. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây có xu hướng nêu bật các hình thức chủ động của kiểu đối phó “tiếp cận cảm xúc,” liên quan đến việc xác định, thấu hiểu, và thể hiện cảm xúc theo cách thích nghi tâm lý. Vì vậy, lòng từ bi với bản thân có thể liên quan đến mức độ đối phó tiếp cận cảm xúc cao hơn thay vì đối phó theo kiểu né tránh cảm xúc. Bên cạnh đó, nếu các cá nhân biết lòng từ bi với bản thân có sự tự làm rõ bản thân mạnh mẽ hơn, họ có thể xác định được những cách mà trong đó hành động của chính họ có thể duy trì hoặc làm trầm trọng thêm một tình huống căng thẳng (ví dụ, bằng cách hiểu rằng họ đã đặt bản thân vào một tình huống căng thẳng và được lựa chọn rời bỏ nó), và cho phép họ thực hiện nhiều bước “tập trung vào vấn đề ” để giảm bớt tình trạng căng thẳng hơn.

6. Những khác biệt về lòng từ bi với bản thân theo cá nhân và nhóm

Có một câu hỏi thú vị liên quan đến các kiểu môi trường thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển của lòng từ bi với bản thân giữa các cá nhân. Ví dụ, sự dạy dỗ/giáo dục sớm của một đứa trẻ có thể tác động đến việc liệu đứa trẻ đó có lớn lên và trở thành một người trưởng thành có lòng từ bi với bản thân hay không. Schafer đã đề xuất rằng khả năng trải nghiệm sự thấu cảm nội tâm tâm lý của một cá nhân – được định nghĩa là khả năng để ý đầy đủ đến cảm xúc của bản thân – được phát triển thông qua quá trình nội tâm hóa phản ứng đồng cảm của môi trường mà bản thân một người từng trải nghiệm khi còn nhỏ. Tương tự, Stolorow, Brandchaft, và Atwood đã lập luận rằng khả năng nhận biết và tham gia vào các trạng thái cảm giác nội tại có liên quan đến sự đồng cảm mà trẻ em từng nhận được từ người chăm sóc của mình. Điều này cho thấy rằng những cá nhân được trải qua mối quan hệ ấm áp và ủng hộ với cha mẹ mình khi còn nhỏ, và những người nhìn nhận cha mẹ mình là đồng cảm và thấu hiểu thì khi trưởng thành thường có mức độ từ bi với bản thân cao hơn. Ngược lại, có vẻ như những người có phụ huynh lạnh nhạt và cực kì khó tính/khắt khe/hay chỉ trích (hoặc tệ hơn là bị lạm dụng tâm lý, tình dục, thể xác khi còn nhỏ) sẽ có xu hướng ít tự trắc ẩn/từ bi với bản thân hơn.

Một câu hỏi thú vị khác liên quan đến việc có tồn tại hay không những khác biệt về lòng từ bi với bản thân dựa vào các biến số nhóm như độ tuổi, giới tính hay văn hóa. Vì nữ giới thường được cho là có nhiều ý thức phụ thuộc lẫn nhau/tương trợ về bản thân hơn và hay đồng cảm hơn nam giới, nên người ta cho rằng lòng từ bi với bản thân của phái yếu cũng cao hơn cánh mày râu. Mặt khác, bằng chứng nghiên cứu lại chỉ ra rằng nữ giới có xu hường tự chỉ trích/phê phán bản thân nhiều hơn và có kiểu cách đối phó nghiền ngẫm lâu hơn nam giới, điều này cho thấy rằng nữ giới có thể có mức độ từ bi với bản thân thấp hơn. Một mâu thuẫn tương tự cũng phát sinh khi xem xét những khác biệt văn hóa tiềm năng về lòng từ bi với bản thân. Vì các cá nhân đến từ những văn hóa tập thể, cụ thể là người châu Á, được mô tả là những người có ý thức phụ thuộc lẫn nhau về bản thân nhiều hơn, và họ có khả năng đã được tiếp xúc trước với một số giáo lý đạo Phật về lòng từ bi với bản thân thông qua quá trình tiếp xúc văn hóa, nên người ta cho rằng người châu Á có mức độ từ bi với bản thân cao hơn người phương Tây. Tuy nhiên, người châu Á lại được chứng minh là có xu hướng tự phê bình bản thân nhiều hơn người phương Tây, điều này chỉ ra rằng người châu Á ít tự trắc ẩn với chính mình hơn. Trong hoàn cảnh hiện nay, không rõ liệu sự phát triển của lòng tự trắc ẩn/tự từ bi là được trợ giúp hay cản trở bởi giới tính hoặc các chuẩn mực văn hóa.

Đối với những khác biệt tiềm năng về lòng từ bi với bản thân theo nhóm tuổi, tài liệu về sự phát triển đã cung cấp một nền tảng rõ ràng/dứt khoát hơn về giả định: Có khả năng mức độ từ bi với bản thân trong giai đoạn thanh thiếu niên là thấp nhất. Những tiến bộ về nhận thức trong giai đoạn thanh thiếu niên – tính hướng nội gia tăng, siêu nhận thức (metacognition), tự phản ánh/nhìn lại bản thân, và khả năng tiếp nhận quan điểm xã hội – cũng mang theo một số trách nhiệm. Những khả năng mới phát hiện này cũng đồng nghĩa với việc thanh thiếu niên sẽ liên tục đánh giá bản thân và so sánh mình với người khác khi họ cố gắng thiết lập danh tính và vị trí của mình trong hệ thống phân cấp xã hội. Trước những áp lực căng thẳng mà hầu hết thanh thiếu niên phải đối mặt – căng thẳng vì thành tích học tập, thấy cần phải nổi tiếng và “hòa nhập” với nhóm bạn bè đồng trang lứa phù hợp, cùng các vấn đề về hình thể (bị khuếch đại do dậy thì), hẹn hò, tình dục, v.v., – những đánh giá này thường không thuận lợi. Hơn nữa, giai đoạn thanh thiếu niên có thể là thời kỳ cực độ của tình trạng chỉ quan tâm đến bản thân mình. “Tính vị kỉ thanh thiếu niên” có thể biểu hiện như “khán giả tưởng tượng” – trong đó thanh thiếu niên tưởng tượng rằng ngoại hình và hành vi của mình là tâm điểm chú ý của mọi người – hoặc như “truyền thuyết cá nhân” mà trong đó thanh thiếu niên tin rằng trải nghiệm của mình là duy nhất và những người khác sẽ chẳng thể hiểu được những điều mà mình đang phải trải qua. Tính vị kỉ của thanh thiếu niên hiển nhiên là đã góp phần dẫn đến tình trạng tự chê trách/phê phán bản thân ngày một tăng, cảm giác bị cô lập, và đồng nhất hóa quá mức với cảm xúc, tức là lòng từ bi với bản thân là hết sức cần thiết nhưng lại đặc biệt thiếu hụt trong giai đoạn này của cuộc sống.

Vì những khó khăn trong giai đoạn thanh thiếu niên, nhiều nhà giáo và nhà tâm lý học có ý định tốt đã dành nhiều sự quan tâm vào việc nâng cao lòng tự trọng của thanh thiếu niên, đặc biệt là phái yếu (Hiệp hội Đại học Phụ nữ Mỹ). Tuy nhiên, trớ trêu thay, việc khuyến khích thanh thiếu niên có lòng tự trọng tích cực có thể chỉ đơn giản là làm tăng xu hướng tự đánh giá bản thân của họ mà thôi. Nếu thanh thiếu niên không thành công trong việc đánh giá bản thân một cách tích cực, kết quả vô tình có thể là sự gia tăng trong các đánh giá tiêu cực về bản thân. Thật không may, việc tự phán xét tiêu cực về bản thân lại liên quan mạnh mẽ đến tỷ lệ trầm cảm cao ở thanh thiếu niên, và đến những trường hợp nghiêm trọng đã được liên kết với hành vi tự tử. Do đó, một biện pháp can thiệp hiệu quả hơn có thể là khuyến khích thanh thiếu niên trực tiếp chống lại các xu hướng liên quan đến tuổi mà đi ngược lại lòng tự trắc ẩn, bằng cách dạy nhóm đối tượng này đối tốt và thấu hiểu bản thân, để nhận ra rằng đa số thanh thiếu niên đều đang phải trải qua các vấn đề tương tự, và để duy trì một nhận thức cân bằng hơn về những trải nghiệm cảm xúc của họ.

7. Kết luận

Khái niệm của Phật giáo về lòng từ bi với bản thân, tuy rằng tương đối mới trong phạm vi tâm lý phương Tây, rất đáng để khám phá thêm vì đóng góp tiềm năng của nó đối với vốn hiểu biết của chúng ta về các quá trình tự thân và sức khỏe tinh thần. Lòng tự trắc ẩn cung cấp một sự thay thế hữu ích cho cấu trúc nhiều vấn đề hơn của lòng tự trọng, vì một số lý do đã được tranh luận ở trên. Hơn nữa, khái niệm phúc lợi tinh thần được thể hiện bằng cấu trúc tự trắc ẩn có thể cung cấp một sự thay thế cho việc quá chú trọng vào sự tách biệt và cá tính hóa mà đã bị chỉ trích trong nhiều định nghĩa tâm lý về sức khỏe tinh thần. Ý tưởng đằng sau lòng từ bi với bản thân là, thật nghịch lý, những thái độ lành mạnh và mang tính xây dựng/đóng góp với bản thân xuất phát một phần từ việc giảm nhẹ cái tôi riêng biệt, thay vì thiết lập và củng cố bản sắc riêng biệt và độc nhất của bản thân mỗi người. Lòng từ bi với bản thân cũng đại diên cho một sự kết hợp cân bằng giữa việc quan tâm đến bản thân và quan tâm đến người khác, một trạng thái mà ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu công nhận là cần thiết cho chức năng tâm lý tối ưu. Sự cân bằng này không bắt nguồn từ việc đọ các mối quan tâm đối dành cho bản thân với mối quan tâm dành cho người khác, hay phát hiện một số điểm thỏa hiệp giữa cả hai yếu tố này. Thay vào đó, nó công nhận rằng tất cả các cá nhân đều nên được đối xử với lòng tốt/sự tử tế và sự quan tâm, và rằng một thái độ trắc ẩn/từ bi đối với bản thân là hết sức cần thiết để tránh việc tách rời bản thân một cách sai lầm với phần còn lại của nhân loại.

Mặc dù sẽ cần đến rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm, nhưng khả năng sử dụng khái niệm lòng từ bi với bản thân để hỗ trợ những người đang phải chịu đựng thái độ tiêu cực của chính mình là cực kì hứa hẹn. Việc khuyến khích sự phát triển của lòng từ bi với bản thân nên đem lại lợi ích cho các cá nhân bằng cách giúp họ chống lại những xu hướng tự phê phán/chỉ trích mang tính hủy hoại bản thân, thừa nhận mối liên kết của họ với những người khác, và xử lý cảm xúc của mình một cách phân minh/rõ ràng và bình thản hơn. Một sự thay đổi văn hóa mà nhận ra/công nhận giá trị của lòng tự trắc ẩn cũng có thể đem lại lợi ích cho xã hội, vì nó khuyến khích một quần chúng tốt bụng/tử tế hơn, bớt chỉ biết quan tâm đến mình đi, ít bị cô lập hơn, và có nhiều chức năng về mặt cảm xúc hơn.

Lưu ý

  1. Cần lưu ý rằng tác giả hiện vẫn đang trong quá trình tiến hành nghiên cứu về lòng từ bi với bản thân và các mối tương quan tâm lý của nó.
  2. Ngoại lệ duy nhất là luận án gần đây của Clark mà trong đó một nghiên cứu thí điểm được thực hiện để phát triển thang đo sự tự thấu cảm bằng cách sử dụng các khái niệm của Jordan.

Tuy nhiên, nội dụng của thang đo chủ yếu tập trung vào hai khía cạnh xác nhận cảm giác (ví dụ, “tôi có quyền với ý kiến của mình”; “tôi có quyền với cảm xúc hạnh phúc của mình”; “tôi khóc chẳng vì lý do gì”) và công nhận/biểu hiện cảm xúc (ví dụ, “khi ai đó làm tôi thất vọng, tôi sẽ thể hiện cảm xúc của mình về việc đó”; “tôi lắng nghe tiếng lòng mình”; “tôi làm theo linh tính của mình khi đưa ra quyết định”). Do đó, mặc dù các mục dành cho thang đo tự thấu cảm một phần được dựa vào chính nhận xét và đề xuất của Jordan, nhưng vẫn chưa rõ hoạt động triển khai cụ thể này về cấu trúc của sự tự thấu cảm thực sự nắm bắt được bao nhiêu phần tự thấu cảm như Jordan đã mô tả, hoặc mức độ nó trùng lập với cấu trúc tự trắc ẩn như đã được định nghĩa trong bài viết này.

  1. Các tác giả đang phát triển một thước đo về lòng tự trắc ẩn trong nỗ lực thiết lập nó như một cấu trúc tâm lý hợp lệ mà có những sự phân nhánh cho phúc lợi tâm lý. Mục tiêu của các tác giả là tạo ra một thang đo tự báo cáo giúp đo lường ba khía cạnh chính của lòng tự trắc ẩn: nhân từ với bản thân, ý thức về sự tương đồng nhân loại, và chánh niệm.

(Dịch từ bài viết Self-Compassion: An Alternative Conceptualization of a HealthyAttitudeToward Oneself, website: self-compassion.org – tác giả: KRISTIN NEFF. Người dịch: Hải Anh, cộng tác viên dịch thuật)

Back to Top