Categories Đôi lời

Tiền mừng cưới bao nhiêu là đủ: sự rối rắm giữa tình và tiền

tiền mừng cưới

Giới thiệu

Phong tục mừng đám cưới bằng tiền không hoàn hảo, thường gây bối rối cho đôi bên gia chủ và quan khách. Vấn đề ăn cưới và tiền mừng cưới cứ nổi lên như một rắc rối phải chịu đựng đều đặn hàng năm với người nhận thiệp hồng, nhất là vào những tháng “cao điểm”. Còn cô dâu/chú rể thì thường xuyên than phiền mình không được đền đáp xứng đáng. Nhiều mối quan hệ tan vỡ từ đây, đúng là không biết nên cười hay nên khóc! Liệu chúng ta có thể tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này và tìm ra cách giải quyết chúng triệt để (hay ít nhất cũng là phần nào). Bài viết này sẽ cố gắng trả lời hai câu hỏi đó.


Các tiên đề

Có nhiều mặc định trong chuyện mừng cưới chi phối đến văn hoá phong bì, trước khi đi vào các công thức, chúng ta cần phải biết điều gì đang vận hành ẩn bên dưới, tạo ra một cơ chế ổn định cho nó:

  • Chi phí đám cưới thường chiếm một khoản lớn so với thu nhập hàng năm: tôi không có thống kê chính thức nào về mức trung bình, nhưng dựa trên các quan sát, thì thấy chi phí đám cưới có thể chiếm từ 1 đến 2 năm thu nhập (của cô dâu hoặc chú rể);
  • Tiền mừng cưới được mặc định là cách để quan khách chia sẻ với cô dâu/chú rể chi phí đám cưới: chính vì chi phí đám cưới rất cao nên gia chủ luôn có mong muốn số tiền của quan khách sẽ giúp đỡ được họ càng nhiều càng tốt. Nhiều đám cưới, gia chủ không có điều kiện kinh tế, nhưng vẫn muốn tổ chức đám cưới vượt khả năng (vì không muốn mất mặt – ở xứ mình mất gì thì mất chứ không được phép mất mặt) nên thực sự tiền mừng cưới đóng vai trò quan trọng giúp họ thanh toán các khoản chi phí (mà họ có thể phải vay trước đó để tổ chức, hoặc được phép trả sau);
  • Mọi sự là có đi có lại (hay còn gọi là kỳ vọng ngang bằng): mọi người luôn mong muốn chi phí (tiền bạc + công sức) mà mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng (mặc dù không phải lúc nào cũng theo cơ chế 1 = 1);
  • Tiền mừng tỷ lệ thuận với mức độ thân thiết: Như một cách thể hiện mức độ quan trọng của mối quan hệ. Người mừng cưới thường phân loại một cách khá đơn sơ như: mối quan hệ xã giao, mối quan hệ thân thiết, họ hàng ruột thịt;

Các hệ quả phụ quan trọng:

  • Luôn có một ngưỡng tối thiểu khi mừng cưới, số tiền mà nếu ít hơn người đi mừng/người được nhận sẽ không cảm thấy thoải mái: đây là hệ quả trực tiếp của việc Tiền mừng tỷ lệ thuận với mức độ thân thiết. Luôn có một ngưỡng nào đó, mà dưới số tiền đó, người đi mừng/người được nhận sẽ cảm thấy là không thể chấp nhận được;
  • Nếu đi dự tiệc, tiền mừng không được ít hơn chi phí tính theo đầu người (một chỗ ngồi tại bữa cỗ): đây là hệ quả của việc tiền mừng cưới “được” mặc định xem là cách mà quan khách chia sẻ với cô dâu/chú rể chi phí đám cưới. Đây là tiên đề yếu nhất so với các tiên đề còn lại, có một tỷ lệ không nhỏ không bị tiên đề này chi phối (mặc dù họ ý thức được suy nghĩ đó tồn tại trong cộng đồng). Một cách sâu hơn thì bất kỳ người mừng cưới nào cũng có nguyện vọng không muốn cô dâu/chú rể lỗ vì chỗ ngồi của mình, tuy nhiên khi ngưỡng này vượt mức tối đa cho phép (do điều kiện kinh tế của người mừng chi phối) thì có rất nhiều người sẽ không đặt trọng tâm vào chi phí cỗ nữa (lúc này có giá trị rất lớn) mà chuyển sang số tiền tối đa mà họ có thể mừng trong khả năng;

Tiền mừng quả thực không phải phong tục hoàn hảo, nhưng một sự thực khác mà chúng ta cần phải thừa nhận là nó giúp đỡ rất nhiều trong việc hỗ trợ cô dâu/chú rể. Nếu không có tiền mừng, và chỉ có sự hỗ trợ hạn chế từ phía bố mẹ hai bên thì số tiền phải trả cho đám cưới sẽ là một gánh nặng không hề nhỏ, đặc biệt khi chỉ vài tháng sau đó họ có con nhỏ, và người vợ phải ở nhà để chăm con (mất đi một lao động và có thêm một miệng ăn).


Mức độ thân thiết – yếu tố quyết định trong chuyện mừng cưới

Trong phần này tôi sẽ bàn kỹ hơn về việc phân loại mức độ thân thiết có nói sơ qua ở phần trên. Người mừng cưới dù có mức phân loại sơ khai, nhưng về cảm nhận họ lại ý thức rất rõ ràng mối quan hệ có ý nghĩa thế nào với bản thân mình.

  • Quan hệ xã giao: mối quan hệ xã giao thường chỉ những mối quan hệ không thân thiết & cũng không ảnh hưởng hay chi phối về vấn đề kinh tế, mối quan hệ kiểu này bị xếp hạng thấp nhất về mức độ quan trọng với người mừng. Điều kỳ lạ ở Việt Nam là người ta rất hay mời những người chỉ có mối quan hệ xã giao, và rắc rối thường nảy sinh từ chuyện này như phần sau tôi sẽ phân tích kỹ hơn;
  • Quan hệ công việc hoặc kinh tế nói chung: chỉ những mối quan hệ liên hệ trực tiếp đến công việc, kế sinh nhai của người mừng, thí dụ mối quan hệ giữa nhân viên và sếp (ví dụ nhân viên đi mừng cưới con gái sếp của mình), hay mừng cưới bạn hàng quan trọng. Thường thì những mối quan hệ như thế này tuy có thể thân thiết hoặc không nhưng vì có mức độ ảnh hưởng quan trọng đến công việc, người mừng rất coi trọng nó;
  • Quan hệ thân thiết: chỉ những mối quan hệ thân tình, điển hình như bạn bè thân, ngoài ra có thể là anh em, chị em hay thậm chí chú cháu thân thiết với nhau (ví dụ bạn chơi cờ, bạn đá bóng, bạn nhậu, vân vân). Mối quan hệ này nhấn mạnh đến mặt tình cảm. Có thể có hoặc không liên quan đến kinh tế, nhưng dù có thì ý nghĩa của mối quan hệ nằm ở mức độ thân tình;
  • Quan hệ họ hàng, ruột thịt: đây là mối quan hệ rất thú vị. Thú vị ở chỗ đối với người Việt Nam, mối quan hệ này lúc nào cũng có một vị trí không thể thay thế (“một giọt máu đào hơn ao nước lã”) nên cho dù thường ngày rất ít khi gặp nhau, cũng không thân thiết nhưng miễn là có quan hệ máu mủ đủ gần và không có mâu thuẫn gì quá lớn thì người ta vẫn mời nhau. Và người được mời cũng rất vui vẻ vì việc được mời thể hiện sự tôn trọng dành cho họ. Nếu một người họ hàng gần của cô dâu/chú rể không được mời cưới ắt hẳn có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ giữa hai bên;

Các công thức

Công thức Tiền mừng đám cưới (của người đi mừng dự định chi ra) = Ngưỡng tối thiểu * Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể * Mức sang trọng của bữa tiệc * Tình hình kinh tế hiện giờ của người đi mừng * Số tiền mừng trong quá khứ của cô dâu/chú rể trước đó cho người đi dự (nếu có) * Số người tham dự (thường là 1, nhưng có thể nhiều hơn).

Giải thích các biến:

  • Tiền mừng đám cưới: số tiền thực tế mà người đi dự/mừng cho vào phong bì;
  • Ngưỡng tối thiểu: số tiền mà người mừng cho là ngưỡng trung bình tối thiểu nhất thiết phải đạt đến khi dự bất cứ một đám cưới nào (con số này thay đổi từng người, như kiểu: “thời buổi bây giờ ai đi mừng đám cưới 100 ngàn nữa!” – lưu ý con số 100 trong bài viết chỉ để minh hoạ);
  • Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể: chỉ mối quan hệ xã hội của đôi bên, chẳng hạn như bạn xã giao, bạn thân thiết, bạn hàng quan trọng, sếp, nhân viên, họ hàng máu mủ, vân vân;
  • Mức sang trọng của bữa tiệc: mức độ chi phí mà người mừng ước tính cho bữa tiệc, người đi dự thường sẽ muốn mừng nhiều tiền hơn khi biết đám cưới sang trọng, và mừng ít đi trong trường hợp ngược lại;
  • Tình hình kinh tế hiện giờ của người đi mừng: người ta thường thoải mái tiền mừng hơn khi kinh tế đang trong thời điểm dư dả và ngược lại;
  • Số tiền mừng trong quá khứ của cô dâu/chú rể trước đó cho người đi dự (nếu có): biến này có mặt trong trường hợp người được mời trước đó đã mời cô dâu/chú rể dự đám cưới của chính mình. Trong trường hợp này thì con số tiền mừng trước đó nhận được có thể trở thành mốc rất quan trọng để người đi mừng biết được số tiền mừng đáp lại tương xứng. Điểm thú vị của biến này là khi nó tồn tại, nó trở thành biến chi phối rất mạnh, có thể nói là lấn át các biến khác, và cả 2 bên đều dựa vào nó để đánh giá;
  • Số người tham dự: thường biến này có giá trị là 1, nói cách khác chỉ có một người tham dự tiệc cưới (nhất là trong các đám cưới hiện đại), nhưng đôi khi có thể vì thân tình mà người đi dự đi nhiều người hơn, ví dụ như một cặp vợ chồng đến dự đám cưới của bạn;
  • Dấu * biểu thị cho phép nhân. Trước đó tôi sử dụng phép cộng, nhưng phép nhân hợp lý hơn ở chỗ, chỉ cần một trong các biến tiệm cận Zero thì Tiền mừng cưới cũng sẽ về Zero, phản ánh đúng thực tế, trong khi phép cộng không làm được. Thí dụ khi Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể là rất nhỏ, thì người được mời có thể không tham dự-gửi cho có hoặc thậm chí không gửi (tiền mừng ~ Zero) hoặc khi Tình hình kinh tế hiện giờ của người đi mừng rất khó khăn thì họ có thể cũng không muốn tham dự vì ái ngại.

Công thức về Sự hài lòng của cô dâu/chú rể (trong quan hệ với người được mời) = Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong nhận được) + α*Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời.

Một công thức có nền tảng Tiền + Tình điển hình! 

Ở đây Tiền mừng đám cưới kỳ vọng trong trường hợp này là của cô dâu/chú rể. Nó cũng tương tự như công thức của người đi mừng, chỉ khác là vai sẽ đổi cho nhau:

Công thức Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong nhận được) = Ngưỡng tối thiểu * Mức độ thân thiết với khách mời * Mức sang trọng của bữa tiệc * Tình hình kinh tế hiện giờ của người được mời * Số tiền mừng trong quá khứ của cô dâu/chú rể trước đó cho người đi dự (nếu có) * Số người tham dự (thường là 1, nhưng có thể nhiều hơn).

Còn Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời thường dựa trên việc:

  • Người được mời có đến dự đám cưới không?
  • Có giúp đỡ gia chủ không?
  • Có đến đúng giờ không?
  • Thái độ trong buổi tiệc có vui vẻ không?
  • Mức độ tham gian trọn vẹn hôm cưới đến đâu?
  • Vân vân;

Giá trị α thay đổi tùy từng người, phụ thuộc vào khung đánh giá của cô dâu/chú rể. Nếu cô dâu/chú rể đánh giá cao tiền mừng đám cưới hơn thì giá trị α này sẽ nhỏ, ngược lại, nếu đánh giá cao mức độ nhiệt tình hơn thì giá trị α sẽ lớn.

Có một điểm rất đáng quan tâm ở đây, là nếu người được mời không phải là thân thiết với cô dâu/chú rể Mức độ nhiệt tình của người được mời thường rất thấp. Trong trường hợp hiếm, ngay cả khi người được mời chủ động muốn nhiệt tình hơn, bối cảnh của mối quan hệ không cho phép người được mời có thể đạt điểm số cao nhất trong phần đánh giá này (so với một người thân thiết có thể làm được).

Vậy là nhìn chung, người không thân thiết hầu như chỉ có biến tiền mừng để làm hài lòng cô dâu/chú rể. Dù cho mức độ kỳ vọng về tiền mừng của cô dâu/chú rể với người không thân thì cũng không cao, nhưng họ vẫn thiết lập một mức tối thiểu và điều này có thể gây khó cho người đi dự (bớt khó hơn nếu người được mời chỉ gửi mà không đến ăn). Điều thường làm rắc rối nảy sinh là khi cô dâu/chú rể tổ chức tiệc cưới sang trọng, lúc đó tâm lý không muốn mình là kẻ làm gia chủ bị lỗ, khiến người mừng đến dự (đến ăn) buộc phải vượt ngưỡng mừng tối đa thông thường cho mối quan hệ xã giao – và đây là điều chắc chắn làm họ khó chịu!

Cuối cùng sau khi phân tích về chủ đề kỳ vọng ngang bằng, yếu tố mạnh chi phối nguyên tắc mừng cưới, tôi phát hiện ra rằng nếu kỳ vọng ngang bằng đòi hỏi quá cao thì sự thất vọng rất lớn sẽ thường xuyên xảy ra. Và công thức về sự hài lòng của cô dâu/chú rể cần phải bổ sung thêm biến cảm thông để cải thiện. Kết quả:

Công thức về Sự hài lòng của cô dâu/chú rể (trong quan hệ với người được mời) = Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong nhận được) + α*Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời + Cảm thông.


Tại sao khổ

Vấn đề gây khổ sở cho đôi bên là lượng giá giá trị của các biến thường không giống nhau & mức độ chênh lệch trong kết quả cuối cùng nhận được càng lớn, khả năng dẫn đến thất vọng là càng cao! Ví dụ:

  • Ngưỡng tối thiểu: Cô dâu/chú rể có thể nghĩ ngưỡng trung bình tối thiểu cao hơn hay thấp hơn người dự tiệc;
  • Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể: Cô dâu/chú rể có thể nghĩ người được mừng đủ “tiêu chuẩn” để được mời, trong khi người đi dự thì không nghĩ như vậy, họ có thể nghĩ “chẳng thân thiết gì mà cũng mời!”
  • Mức sang trọng của bữa tiệc: Người dự có thể cho rằng đám cưới không sang trọng như họ dự kiến, nghĩa là không xứng đáng với số tiền người dự cho vào phong bao;
  • Tình hình kinh tế hiện giờ của người dự: Cô dâu/chú rể có thể bất ngờ về số tiền mừng của người dự vì không biết là người dự đang gặp khó khăn kinh tế (mừng ít) hoặc người dự đang rất giàu có (mừng nhiều);
  • Số tiền mừng trong quá khứ của cô dâu/chú rể trước đó cho người đi dự (nếu có): Người dự có thể nghĩ số tiền mừng đáp lại nên bằng với số tiền mà lần trước họ nhận được. Cô dâu chú rể có thể nghĩ là nó nên hơn, vì vật giá thay đổi;
  • Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời: Rất hay xảy ra vấn đề nếu cô dâu/chú rể cho rằng ngày xưa bản thân nhiệt tình với bạn, nhưng khi mình tổ chức đám cưới, bạn lại không nhiệt tình bằng;

Công thức về Cơ hội người được mời tham dự đám cưới = Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể  * [Tiền mừng đám cưới (của người đi mừng dự kiến)/Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong đợi)]/Khoảng cách địa lý/Các yếu tố cản trở khác.

Công thức trên nói rằng cơ hội người tham dự đám cưới đến dự tiệc tỷ lệ thuận rất mạnh với Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể. Nó cũng tỷ lệ thuận với Tiền mừng đám cưới (của người đi mừng) nhưng tỷ lệ nghịch với Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể), và rất rõ ràng, nó cũng tỷ lệ nghịch với Khoảng cách địa lý. Ngoài ra tôi bổ sung thêm một biến có yếu tố tổng hợp là Các yếu tổ cản trở khác bao gồm một trường rộng các yếu tố không thuận lợi như người được mời bận con nhỏ, lấy chồng/vợ ở xa, bận việc đột xuất, không thể xin nghỉ việc, vợ hoặc chồng của người được mời không ủng hộ, vai trò làm dâu (trong trường hợp người được mời là nữ).

Cuối cùng là công thức về sự hài lòng của người dự tiệc, việc họ cảm thấy thế nào phụ thuộc vào các yếu tố nào?

Công thức Sự hài lòng của người dự tiệc (quan khách) = Mức độ thân thiết với cô dâu/chú rể * (Mức độ đáp ứng kỳ vọng tiền mừng của cô dâu/chú rể + Mức độ đáp ứng kỳ vọng về sự nhiệt tình + Thái độ đón tiếp của gia chủ tại buổi tiệcChất lượng của bữa tiệc kỳ vọng) * Thái độ sau đám cưới của cô dâu/chú rể (mà người dự tiệc cảm nhận).

Công thức trên nói rằng:

  • Điều quan trọng nhất vẫn là mức độ thân thiết với cô dâu/chú rể, nếu mức độ thân thiết thấp, thì cho dù số tiền mừng đáp ứng được kỳ vọng của cô dâu chú/rể, thái độ của gia chủ tốt, bữa tiệc có chất lượng như kỳ vọng của quan khách, và thái độ sau đám cưới của cô dâu/chú rể bình thường thì nhìn chung, người dự tiệc vẫn cảm thấy không hài lòng. Thường xuyên họ cảm thấy phí thời gian & tiền bạc khi phải đi dự những đám cưới không thân tình;
  • Với biến số thứ hai, nhìn chung người dự tiệc cảm thấy hài lòng hơn khi họ nghĩ rằng số tiền mà họ mừng đáp ứng được kỳ vọng của cô dâu/chú rể. Càng đáp ứng và vượt thì sự hài lòng sẽ lớn hơn;
  • Tương tự, người dự tiệc cảm thấy hài lòng hơn khi họ đáp ứng được kỳ vọng về sự nhiệt tình với cô dâu/chú rể. Cái này chủ yếu có ý nghĩa trong mối quan hệ thân tình, chẳng hạn người dự tiệc là bạn thân sẽ thấy trọn vẹn hơn nếu họ có thể cùng đi đón dâu hay thậm chí là tham dự trọn vẹn buổi lễ;
  • Thái độ đón tiếp của gia chủ tại buổi tiệc thường là giá trị ổn định, hiếm khi người ta thấy thái độ đón tiếp tệ hại tại buổi tiệc;
  • Trong mối quan hệ thân tình Chất lượng của bữa tiệc kỳ vọng chỉ cần vượt ngưỡng tối thiểu, trong khi đó trong các quan hệ xã giao có sự đòi hỏi cao hơn như kiểu “đáng đồng tiền bát gạo” – do vậy mà có hiện tượng “chuẩn bị sẵn 2 phong bì” – trong đó người dự tuỳ vào chất lượng bữa cỗ có ngon hay không mà mừng số tiền cao hay thấp!
  • Thái độ sau sau đám cưới của cô dâu/chú rể. Đây là biến rất quan trọng, đặc biệt trong các mối quan hệ thân tình. Nếu tất cả các biến khác đều có giá trị tốt, nhưng giá trị của biến này thấp sẽ kéo điểm số của sự hài lòng của người dự tiệc xuống rất thấp, và có thể phá huỷ mối quan hệ của đôi bên. Nếu người dự tiệc tự cảm thấy mức độ nhiệt tình của bản thân là đủ, nhưng lại nhận về thái độ sau đám cưới của cô dâu chú rể không được tốt, họ có thể suy ngược ra rằng vì số tiền mừng ít nên mới như vậy. Khi ấy mối quan hệ thân tình sẽ tan vỡ, bởi cảm giác bẽ bàng “chỉ vì tiền ít”;

Xem thêm: các bằng chứng hỗ trợ cho các công thức trên.


Điểm mạnh và yếu của các công thức trên

Các công thức trên khá thú vị và nó áp tương đối tốt vào nhiều trường hợp. Tuy nhiên dưới đây là một số điểm yếu mà nó gặp phải:

  • Nó chủ yếu dựa trên suy diễn dựa trên một mẫu nhỏ các quan điểm điển hình;
  • Nó chưa phỏng vấn đào sâu các quan điểm và có thể đánh mất các động cơ tâm lý thực sự ẩn sau các hành vi biểu hiện ra ngoài;
  • Công thức dựa trên tiền đề mang tính thực dụng, nó có thể đem đến sự phổ quát trong thực tế, áp dụng ổn thỏa, nhưng nó cũng có thể dẫn đến các giải pháp không lý tưởng, không trọn vẹn theo tiêu chuẩn cao nhất mà con người có thể đạt được thông qua việc tổ chức đám cưới, và đi dự tiệc cưới;

Các giải pháp

Để tránh những rắc rối dở khóc dở cười, tôi đề xuất một số phương án sau cho từng bên. Bản chất là các biến phải nên rõ ràng nhất có thể cho cả hai bên và đưa sự hiểu biết và thông cảm của bạn vào bối cảnh.

Với cô dâu/chú rể:

  • Cần phải hiểu rằng ngưỡng trung bình tối thiểu không cố định và biến đổi trong biên độ rộng;
  • Chỉ nên mời những ai thực sự thân thiết để đảm bảo tỷ lệ dự tiệc cao và sự hài lòng của người được mời. Phần lớn những khó chịu xảy đến (cho cả 2 bên) là do mời người không thân. Vấn đề này cô dâu/chú rể phải là người có trách nhiệm chính, vì họ là người chủ động;
  • Mức sang trọng của bữa tiệc mà bạn chọn nên trong tầm tay của phần đông khách tham dự đồng thời cũng phải vừa vặn với khả năng của bạn. Điều này giúp giảm rủi ro về tính kinh tế của buổi tiệc, cũng tránh cho người dự cảm giác rằng cô dâu/chú rể phải bù lỗ cho họ. Nó cũng chắc chắn giúp cho buổi tiệc có tỷ lệ tham dự cao hơn;
  • Hãy hiểu rằng có thể người đi dự đang gặp khó khăn về kinh tế;
  • Nếu bạn nhận được ít hơn số tiền mà bạn mừng trước đây, thì hãy cảm thông, lý do có thể do 4 biến trên chi phối!
  • Yếu tố có tính phá hoại nhất là động cơ mời cưới thiếu lành mạnh. Động cơ này muốn ổn cần đặt trọng tâm vào niềm vui chung, chuyển tiêu điểm từ tiền thu được từ đám cưới, sang niềm vui nhận được từ đám cưới. Ngoài ra cần hết sức tránh tâm lý đòi hỏi cao kỳ vọng ngang bằng;

Với người đi mừng:

Nếu không thoải mái về kinh tế thì đây là giải pháp để tránh bạn phải “vung tay quá trán”:

  • Nắm rõ mức độ sang trọng của bữa tiệc;
  • Từ chối khéo những nơi mời quá xã giao, không thân thiết, số tiền mừng (nếu bạn muốn gửi) sẽ không quá nhiều, đồng thời vì gia chủ nắm được bạn sẽ không đến dự nên họ cũng không “tốn cỗ” và không cảm thấy bị “lỗ vốn”;
  • Nếu không quá khó khăn hãy “trả lại nguyên vẹn” những gì bạn từng nhận được vì đây là tâm lý chung của cô dâu/chú rể, khi trước đó họ đã đi mừng bạn (không có gì đảm bảo họ có giá trị α lớn, hoặc/và cảm thông lớn);
  • Đừng cho những người khác biết (đặc biệt là những người cùng đến dự) biết được số tiền mừng của bạn, vì điều này có thể gây ra tâm lý so sánh, cái có thể làm cả hai cùng khó chịu!
  • Nếu thực sự không thể tham dự được vì điều kiện kinh tế, điều còn lại này vẫn luôn luôn quan trọng, đấy là hãy thành tâm chúc phúc cho cô dâu chú rể;

Cách chọn tiền, phong bì & viết lời chúc

Người đi mừng nên làm những điều sau:

  • Chuẩn bị sẵn phong bì trước khi mang đi, điều này sẽ giúp bạn tránh phiền toái là nơi dự không có hoặc tiệm tạp hoá ở xa. Ngoài ra cảnh đến dự đám cưới tụm năm, tụm ba hì hục ghi ghi chép chép không đẹp chút nào, như kiểu viết hóa đơn vậy!
  • Nên chọn tiền mới nhất mà bạn có, kiêng sử dụng tiền rách, tiền nhàu nát. Số lượng tờ tiền nếu được nên có số lượng ít hơn là nhiều. Ví dụ nếu bạn muốn mừng 500 ngàn nên chọn tờ có mệnh giá 500 thay vì 5 tờ mệnh giá 100;
  • Phong bì phải là phong bì mới tinh, không sử dụng phong bì nhàu, ố;
  • Sau khi cho tiền vào phong bì nên để phong bì vào nơi thích hợp tránh để bị nhàu (thí dụ để ở túi áo trước, túi xách thay vì để ở túi quần sau, khi ngồi sẽ làm xấu phong bì);
  • Trên phong bì viết người gửi rõ ràng, đầy đủ họ tên là được. Việc ghi thêm thông tin để chỉ mối quan hệ (ví dụ bạn cấp 2, bạn của mẹ, cơ quan) hiện vẫn được chấp nhận rộng rãi, và không bị gia chủ xét nét, nhưng hình thức này có thể biểu lộ mối quan hệ xã giao nhiều hơn là thân tình;
  • Viết lời chúc rõ ràng, đơn giản, lịch sự, không cần bay bổng, cũng không nên đùa cợt ngay cả với bạn thân thiết, tránh để hiểu nhầm không đáng có;

Đi ăn cưới có nên mang theo vợ con/chồng con/người thương?

Trong bài viết về kỳ vọng ngang bằng (có đi có lại) trong chuyện đám cưới, tôi có nói ở phần cuối về chuyện các đám cưới có khuynh hướng chuyển dịch từ kiểu truyền thống sang hiện đại – nơi sự tương tác giữa cô dâu/chú rể hay gia chủ nói chung với khách dự tiệc bị bó rất hẹp về cả không gian và thời gian.

Điều này dẫn đến nhiều hệ quả kể cả về mặt kinh tế, lẫn những ghi nhận về tình cảm:

  • Các đám cưới hiện đại có xu hướng tăng tiến về chi phí hơn hẳn đám cưới truyền thống, tính trên đầu người;
  • Cô dâu/chú rể có khuynh hướng đánh giá sự hài lòng của bản thân với khách tham dự chủ yếu dựa vào số tiền mừng đám cưới;

Điều này ảnh hưởng đến số lượng người thực tế tham gia vào bữa tiệc tính trên mỗi thiệp cưới được gửi đi. Cả gia chủ và người được mời đều biết câu nói “mời bạn và gia đình đến dự tiệc” hoặc “mời bạn và người thương đến dự tiệc” giờ có tính lịch sự hơn là thực tế. Giờ đây, trừ vài trường hợp rất thân thích thì trong đa số các bữa tiệc cưới (hiện đại), mọi người sẽ chỉ đi dự tiệc một mình và bên phía gia chủ cũng thường dự trù là khách sẽ đi một mình, và dựa trên những thông tin đó để tính số lượng mâm cỗ.

Tuy nhiên câu chuyện trở nên phức tạp ở chỗ, đôi khi ngầm định này không được đảm bảo, và có thể dẫn đến những tình huống “thiếu cỗ”, như trong lời tâm sự của một cô dâu như thế này[1]:

đám cưới mang theo người thân

Nguyên văn: Đây là KINH NGHIỆM XƯƠNG MÁU của tớ: Dù đã dự trù lượng khách khá là xông xênh, nhưng có một vấn đề mà cả tớ và bố mẹ tớ lẫn bố mẹ chồng đều không tính đến đó là số trẻ con mà khách mời mang theo, số file đính kèm mà khách mang theo. Có những mâm mà tớ thấy 2/3 là trẻ con, mỗi cháu chễm chệ một nghế, một bát, một đũa, ăn thì gẩy gảy mấy miếng mà vẫn tính là suất người lớn như bình thường. Có những mâm bạn bè tớ thì chúng nó dắt cả con, cả vợ theo. Trời ạ. Kết quả là thiếu cỗ. Thiếu cỗ trầm trọng. Tớ phải yêu cầu làm thêm cỗ khẩn cấp. Và thế là tiền cũng tăng khẩn cấp theo.

Khắc phục

Từ phía gia chủ: Gia chủ nên rõ ràng hơn về số lượng khách muốn mời khi gửi lời mời, và câu nói có tính khách sáo như “mời bạn và người thân/người thương” cần phải bỏ ra ngoài danh thiếp hoặc lời mời, chỉ trừ khi gia chủ có thành ý đó thật.

Từ phía người đi dự: Người dự nếu trong trường hợp không quá thân thiết, cách tốt nhất khi đi dự tiệc cưới (nhất là những đám sang trọng, có chi phí cao) là nên đi một mình. Trong trường hợp có ý định đi kèm vợ/chồng/người thương hoặc/và con nhỏ cần trả lời cho gia chủ biết là mình đi kèm để họ có thể chuẩn bị. Cần tế nhị tính toán lại số lượng tiền mừng cưới để phía gia chủ cảm thấy thoải mái, thường là nhân theo đầu người (như công thức về tiền mừng cưới cũng cho thấy gợi ý đó).

Trong trường hợp hạn hẹp về kinh tế, mà người dự vẫn buộc phải mang theo con nhỏ (rất nhiều trường hợp thế này, vào những hôm nhà trẻ nghỉ không trông, và người dự tiệc cũng không có ai trông con hộ, cho nên dù không muốn, họ vẫn phải mang con theo đến đám cưới). Người dự tiệc nên để con ăn cùng mình, tránh tạo ra “suất ăn người lớn” cho trẻ nhỏ.


Một số lời khuyên bổ sung

  • Đám cưới nên tổ chức phù hợp với văn hoá, phong tục nơi cư trú nhưng cần giản tiện, gọn nhẹ khi có thể tránh gây phiền toái cho người tham dự;
  • Cô dâu/chú rể nên cân nhắc với những trường hợp người dự ở quá xa;
  • Cô dâu/chú rể nên thông cảm với những người có con nhỏ, chăm sóc bố mẹ già, người ốm, vân vân;
  • Tránh tâm lý làm đám cưới để lấy lãi, tâm lý này lúc nào cũng sẽ làm bạn lỗ về tình cảm!
  • Người dự nên đến dự đúng giờ;
  • Người dự nên tham dự “đủ” nghi lễ phù hợp với thời gian của bản thân và mối quan hệ;
  • Người dự nên ăn vận phù hợp với buổi lễ;
  • Người dự cần cư xử đúng mức trong bữa tiệc, tránh gây phiền toái cho gia chủ;

Chú thích:

[1]: https://www.webtretho.com/forum/f3686/kinh-nghiem-to-chuc-dam-cuoi-va-cach-du-tru-kinh-phi-2600708/

Back to Top