Categories Đôi lời

Kỳ vọng ngang bằng: Một cơ chế mạnh chi phối nguyên tắc mừng cưới

kỳ vọng ngang bằng

Sau khi xây dựng bộ khung lý thuyết còn khá đơn sơ về công thức tiền mừng cưới, tôi tiếp tục bổ sung bằng chứng cho nó trong bài góc nhìn từ các diễn đàn, quá trình này làm tôi phát hiện một cơ chế rất mạnh chi phối nguyên tắc tiền mừng cưới mà tôi đặt tên là kỳ vọng ngang bằng (rất giống có đi có lại, nhưng rộng hơn).

Một cách đơn giản thì Kỳ vọng ngang bằng có nghĩa là cả bên phía mời cưới (cô dâu/chú rể hay gia chủ nói chung), và bên phía người tham dự, người mừng, đều mong muốn rằng những chi phí mà mình bỏ ra được hồi đáp tương xứng.

Ở đây có 2 khái niệm chủ chốt cần làm rõ:

  • Chi phí: không chỉ là tiền, chi phí ở đây còn bao gồm toàn bộ công sức, nỗ lực bỏ ra, của mỗi bên, chẳng hạn chặng đường dài để đến tận nơi và thời gian bỏ ra của người dự tiệc cưới
  • Tương xứng: một từ có nghĩa tương đương với ngang bằng trong cụm từ kỳ vọng ngang bằng, nhưng ý hay hơn của nó là việc mong đáp trả lại này của món nợ tình cảm/tiền bạc không phải lúc nào cũng bắt buộc phải là sòng phẳng 1=1 như làm kế toán. Có sự du di trong một biên độ nhất định chấp nhận được của đôi bên

Những biểu hiện của kỳ vọng ngang bằng rất đa dạng, thí dụ:

  • Bên phía cô dâu/chú rể thường có một cuốn sổ ghi lại tiền mừng cưới của những người tham dự, mục đích là để về sau khi họ được quan khách mời lại mình thì biết cách đáp trả lại tương xứng. Trong đa số trường hợp, người ta cố gắng “trả lại nguyên vẹn” những gì nhận được khi xét riêng về vấn đề tiền mừng
  • Ví dụ khác liên quan đến hiện tượng “chuẩn bị 2 phong bì” của người tham dự, khá hài hước, nhưng cũng là biểu hiện thực dụng của cơ chế kỳ vọng ngang bằng. Ở đây người dự tiệc không nắm rõ mức độ sang trọng của buổi cưới. Vì không muốn “bị lỗ” vì mừng nhiều hoặc “ngại mặt” vì làm gia chủ bù lỗ nếu mừng ít, người mừng làm 2 phong bì với tiền mừng khác nhau, và khi đến dự buổi cưới tuỳ vào chất lượng bữa tiệc mà họ cảm nhận được để mừng tương ứng
  • Về mặt tình cảm, kỳ vọng ngang bằng biểu hiện tinh tế hơn, không giống tiền bạc, ở đây vắng mặt các con số nhưng không phải vì thế mà thiếu đi sự lượng giá nhất định. Ví dụ đơn giản như cô dâu/chú rể kỳ vọng rằng những người bạn thân thiết nhất của mình tham dự đám cưới trọn vẹn nhất có thể, kỳ vọng cao hơn hẳn những người bạn thông thường hoặc các mối quan hệ xã giao – kiểu “chỉ đến ăn rồi về”

Có một câu chuyện ấn tượng tôi được nghe kể, thể hiện rất rõ kỳ vọng ngang bằng như sau: một người chú ở quê mời những người bạn thành phố về ăn cưới con ông, ông nói rằng họ toàn mừng 500 ngàn đồng, nhưng thực lòng ông chỉ muốn họ mừng tầm 300 ngàn thôi. Vì ông sợ sau này khi họ mời lại, không có nhiều tiền như vậy để mừng lại!

Trường hợp điển hình

Bối cảnh mà kỳ vọng ngang bằng có biểu hiện mạnh mẽ nhất là trường hợp khi cô dâu/chú rể trước đó đã tham dự tiệc cưới của người được mời. Và khi mời lại quan khách tham dự tiệc cưới của mình, cô dâu/chú rể mong nhận lại được “tương xứng” với những gì mà ngày xưa mình thực hiện.

Và ở đây phải nói có nhiều bi hài xảy ra, nơi nào có kỳ vọng lớn, thất vọng lớn cũng thường xảy ra. Thường xuyên là những lời trách móc kiểu như thế này từ phía cô dâu/chú rể:

  • Ngày xưa mình mừng nó nhiều thế mà giờ nó mừng lại mình ít vậy
  • Ngày xưa mình đám cưới nó nhiệt tình thế mà giờ nó hời hợt vậy
  • Mình phải nghỉ cả làm để đi đám cưới bạn thân, mà giờ đám cưới của mình vào chủ nhật nó cũng vắng mặt
  • Mình đi hơn 100km đến đám cưới nó, mà đám cưới mình tổ chức cách chỗ nó có hơn 50km cũng không thấy nó đến
  • Mình giúp đỡ tiệc cưới của nó như thế mà giờ mình cưới nó chỉ đến ăn rồi về sớm

Mặc dù các ví dụ trên nói nhiều đến bạn thân thiết (nơi kỳ vọng là rất cao), kỳ vọng ngang bằng là thứ áp dụng chung, cả với những khách mời bình thường khác.

Chúng ta nhắc lại một chút về công thức đánh giá sự hài lòng của cô dâu/chú rể:

Sự hài lòng của cô dâu/chú rể (trong quan hệ với người được mời) = Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong nhận được) + α*Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời

Sự hài lòng nghĩa là kỳ vọng được đáp ứng đầy đủ. Kỳ vọng của cô dâu chú rể ở đây là hết sức cụ thể, vì các mốc để họ đánh giá đều có các giá trị từ quá khứ rất rõ ràng làm điểm soi vào.

Trong phần lớn trường hợp Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong nhận được) thường có giá trị không được ít hơn tiền mừng trước đây mà họ bỏ ra (đó là lý do vì sao có câu chuyện khá lạ về người chú ở trên). Và đòi hỏi con số thuần tuý phải lớn hơn, nếu hai đám cưới cách xa về mặt thời gian để bù lạm phát! (ví dụ, hồi cưới nó cách đây 10 năm, mình mừng 200 ngàn, mà giờ nó cũng chỉ mừng 200 ngàn).

Trị số α càng lớn (tình mạnh hơn tiền), thì việc săm soi Tiền mừng đám cưới kỳ vọng sẽ giảm xuống, nếu rơi vào trường hợp này, ngay cả khi người dự không hồi đáp tương xứng thì chỉ cần đạt đến mức độ nhiệt tình nhất định thì cũng vẫn đủ làm cô dâu/chú rể hài lòng. Đây là những trường hợp bộc bạch kiểu như: “Cỗ cưới mình phải bù thêm vào, nhưng mình rất vui vì hôm đó mọi người đi đầy đủ cả”

Để cụ thể hơn ý trên, tôi muốn trích dẫn ý kiến của một bạn nam[1]:

coi trọng sự có mặt trong đám cưới

Còn phần Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời, cô dâu/chú rể cũng mong muốn rằng sự nhiệt tình của mình ngày xưa cũng được đáp ứng lại. Sẽ có sự không hài lòng chắc chắn xảy ra khi sự nhiệt tình chênh lệch quá lớn. Còn những ngưỡng vi tế hơn thì nó tuỳ thuộc vào từng khung tham chiếu của cô dâu/chú rể. Chẳng hạn chuyện có mặt hay không có mặt (chỉ gửi tiền).

Một thứ ảnh hưởng rất lớn đến kỳ vọng ngang bằng trong trường hợp điển hình là bối cảnh.

  • Khi cô dâu/chú rể ngày xưa tham dự đám cưới của khách mời thì cô dâu/chú rể lúc ấy chưa lập gia đình
  • Khách mời của cô dâu/chú rể ngày hôm nay là những người đã lập gia đình và chịu nhiều ràng buộc

Hoàn cảnh mới ảnh hưởng rất nhiều đến khách mời, nhất là người nữ, như bận con nhỏ, eo hẹp về kinh tế do nghỉ việc chăm con, sống theo khuôn phép gia đình nhà chồng, vân vân, tất cả các yếu tố đó làm cho việc hồi đáp lại kỳ vọng ngang bằng của cô dâu/chú rể không được đảm bảo. Trong trường hợp tệ nhất cả hai kỳ vọng liên quan đến tiền mừng và mức độ nhiệt tình đều không được đáp ứng đáng kể. Vậy cô dâu/chú rể phải làm như thế nào. Tôi đề xuất công thức mới, với sự bổ sung thêm biến cảm thông:

Sự hài lòng của cô dâu/chú rể (trong quan hệ với người được mời) = Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong nhận được) + α*Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời + Cảm thông

Với sự cảm thông, hiểu biết, dù cho bất kỳ sự kỳ vọng nào không được đáp ứng cũng vẫn giúp cô dâu/chú rể có tâm thế thoải mái.

Biết đâu được, về sau chính cô dâu/chú rể cũng cần được cảm thông bởi ai đó khác. Thật đấy, đời mà.

Cách thức tổ chức đám cưới hiện đại ảnh hưởng thế nào đến kỳ vọng ngang bằng?

Hiện chúng ta quan sát thấy có 2 phong cách tổ chức đám cưới:

  • Kiểu truyền thống: họ hàng, người thân quen đến làm giúp gia chủ, họ bê, bắc rạp, cùng nhau nấu ăn, cùng nhau sắp cỗ, rất nhiều khách ăn cỗ cũng chính là người tự tay làm cỗ. Buổi tiệc thường kéo dài vài ngày. Mọi người có thể kéo vợ chồng, con cái sang ăn uống rất vui vẻ. Đám cưới kiểu truyền thống thường diễn ra ở quê
  • Kiểu hiện đại: khách mời đến một địa điểm trong khung thời gian định trước, có thể là nhà hàng, hoặc nhà riêng của gia chủ, nhưng điểm chung là tất cả khách không tham gia vào quá trình làm cỗ và phục vụ, có một nhóm người riêng để thực hiện nhiệm vụ này. Khách ăn xong, trao tiền mừng đám cưới là có thể (xin phép gia chủ) ra về. Buổi tiệc thường diễn ra ngắn gọn, chỉ vài tiếng, đặc biệt nếu tổ chức tại nhà hàng, còn nếu tổ chức ở nhà riêng, có thể lâu hơn do kết hợp thêm một số nghi lễ, và không lo tốn kém do mất thêm chi phí thời gian. Đám cưới kiểu hiện đại thường diễn ra ngoài phố, tuy nhiên khu vực nông thôn cũng ngày càng gia tăng hình thức này vì sự tiện lợi của dịch vụ

Khuynh hướng chuyển dịch từ kiểu truyền thông sang hiện đại do ảnh hưởng một số yếu tố sau:

  • Người được mời cưới không có nhiều thời gian rảnh rỗi. Những người đi làm công ty có các ràng buộc về thời gian được nghỉ. Thậm chí xin nghỉ 1 ngày để đi đám cưới cũng hiếm khi xảy ra, trừ trường hợp mối quan hệ rất thân tình. Điều này cũng tác động trở lại lịch mời cưới, gia chủ có thể chọn ngày đẹp cho ngày cưới chính thức, nhưng bữa cỗ mời khách có xu hướng chuyển dịch về khung thời gian thuận tiện cho người tham dự như buổi tối hoặc vào ngày nghỉ cuối tuần
  • Có hiện tượng mời khách thuộc về mối quan hệ xã giao, nhóm khách này thường không tham dự sâu vào buổi tiệc

Với xu hướng chuyển dịch như vậy, mối tương tác giữa gia chủ và người tham dự bị bó trong khung thời gian/không gian rất hẹp. Người đến dự ngồi vào bàn, nói chuyện với nhau đôi câu chuyện (thậm chí còn không nói được vì âm nhạc lớn từ buổi tiệc, một tình cảnh mà tôi không biết diễn tả thể nào cho đạt), cô dâu/chú rể ra từng bàn tiệc mời rượu, nói lời cảm ơn (và khách rất hay trao phong bì vào thời điểm này). Hành động tương tác này thường chỉ diễn ra trong 5 – 10 phút (có thể lâu hơn nếu chỗ thân tình) vì cô dâu/chú rể còn phải đi sang các bàn khác.

Kết luận có thể rút ra ở đây là: đám cưới hiện đại dễ làm mọi người (gồm cả cô dâu/chú rể và người được mời) đặt trọng tâm đánh giá mối quan hệ dựa vào lượng tiền trong phong bì mừng cưới! Và đây là lý do để có những đánh giá kiểu như sau của cô dâu/chú rể:

Mình không quan trọng tiền mừng cưới đâu, mấy trăm ngàn cũng chẳng làm mình giàu thêm, nhưng nó thể hiện cái thái độ đối với mình, họ có lẽ không coi trọng mối quan hệ nên mới mừng ít thế!

Xem lại công thức bên trên về sự hài lòng:

Sự hài lòng của cô dâu/chú rể (trong quan hệ với người được mời) = Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong nhận được) + α*Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời + Cảm thông

Nếu mức độ nhiệt tình không có đất diễn hoặc/và không có gì đặc biệt (khả năng thường xảy ra trong đám cưới hiện đại). Thêm vào đó cô dâu/chú rể không có mức độ cảm thông đáng kể và hệ số α lại thấp nữa thì lúc này công thức trở thành dạng rút gọn đáng sợ sau:

Sự hài lòng của cô dâu/chú rể (trong quan hệ với người được mời) = Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong nhận được)

Và hậu quả ra sao thì chúng ta đã biết.

Hiện tượng đòi tiền mừng

Trên các trang mạng lan truyền câu chuyện đòi tiền mừng cưới [2]. Khi cô dâu trực tiếp nhắn tin cho khách (người chị quen biết) mời cưới kèm luôn số tài khoản ngân hàng. Rồi vài hôm sau thúc giục chuyển sớm và nói thẳng muốn nhận lại 500 ngàn đồng mà cô ngày xưa đã mừng cưới cho khách mời khi gần đến ngày cưới chưa thấy người chị chuyển khoản.

Ở đây chúng ta thấy chuyện này như là sự trả đũa của cô dâu. Có vẻ ngày xưa đối với cô, việc mừng cưới cho người chị là sự bắt buộc rất khó chịu nhưng vẫn phải cố mừng tiền. Và giờ đây cô dâu muốn “đòi nợ”. Đây là trạng thái kỳ vọng ngang bằng lên đến cực điểm về khía cạnh tiền mừng.

Trích dẫn:

[1]: https://www.webtretho.com/forum/f73/kinh-nghiem-bo-phong-bi-khi-di-dam-cuoi-ap-dung-cho-moi-truong-hop-2165456/index2.html

[2]: http://danviet.vn/cong-dong-mang/co-dau-hot-girl-doi-tien-mung-cuoi-nhu-doi-no-xon-xao-dan-mang-812051.html

Back to Top