Categories BlogT

Thử dự đoán các yếu tố giúp video nào đó được xem nhiều hơn trên YouTube

dự đoán video xem nhiều trên YouTube

Lưu ý quan trọng: đây chỉ là các dự đoán mang tính cá nhân của tôi, dựa trên kinh nghiệm.


Tại sao video nào đó đáng được xuất hiện trong tầm mắt của người dùng khi họ tìm kiếm hoặc đang lướt trên YouTube?

Có vẻ như có vô vàn các yếu tố. Trước khi phân tích kỹ, tôi sẽ tạm dùng từ “phù hợp” để nói về các lựa chọn của các công cụ phân phối nội dung (máy tìm kiếm, và bản thân YouTube) dành cho chúng ta.

Nếu một video nào đó xuất hiện khi tìm kiếm thì nó có vẻ liên quan mạnh đến nội dung của chính video đó. Khi bạn search video về “cách làm bánh gato” nó (các công cụ phân phối nội dung) sẽ trả về các video về chủ đề này chứ không phải nhạc phẩm mới nhất của Đen Vâu.

Nhưng video mà chúng ta xem có rất nhiều là dạng xem tiếp thụ động, nghĩa là ta không tìm các video đó mà YouTube hiển thị những video ấy khi nó cho rằng ta muốn xem (“phù hợp”).

Cụ thể trên YouTube, chúng ta click xem một video nào đó, rồi YouTube sẽ chủ động gợi ý các video khác ở cột phải. Bạn có thể thấy trận chung kết tennis giữa Novak Djokovic và ai đó ở vị trí thứ 9 từ trên xuống lẫn trong các video gợi ý xem tiếp khi bạn đang xem video về làm bánh gato.

Hoặc khi chúng ta vào trang chủ, có vài chục video rất đa dạng chủ đề xuất hiện, lúc này bạn có thể thấy video mới nhất của Đen Vâu xuất hiện ở đây.

Tuy nhiên cũng có sự khác biệt giữa video gợi ý xem tiếp ở cột phải, và video gợi ý xuất hiện ở trang chủ. Khi vừa xem xong video về cách làm bánh gato, các video xem tiếp ở bên phải thường cũng liên quan đến chủ đề này, có một tỷ lệ không quá lớn các chủ đề khác. Trong khi nếu bấm vào trang chủ, số lượng chủ đề lại đa dạng hơn rất nhiều.

Chúng ta dễ dàng nhận ra rằng những video xuất hiện trên trang chủ có nhiều nét tương đồng với rất nhiều video mà chúng ta đã từng xem. Nó có thể là thuộc về cùng kênh mà ta hay xem, hoặc có cùng chủ để với các video mà ta đã xem.


Video được xem như thế nào?

  • Nó có thể xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm khi người dùng search từ khóa nào đó theo cách thông thường: video cần đáp ứng tiêu chuẩn SEO;
  • Nó có thể xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm khi người dùng search sử dụng tính năng tìm kiếm video: tương tự cái trên;
  • Nó có thể xuất hiện khi người dùng tìm kiếm trực tiếp từ YouTube: tương tự cái trên;
  • Nó có thể xuất hiện trong các bài viết được người dùng truy cập ở bất kỳ đâu, ví dụ thông qua tìm kiếm, chia sẻ bài viết trên mạng xã hội, các liên kết trong một bài viết, vân vân;
  • Nó có thể xuất hiện trên trang chủ của YouTube: điều này có khả năng cao dựa vào (1) chủ đề video vừa xem, (2) lịch sử xem video lâu dài của bạn, (3) các video nổi trội trong lĩnh vực mà người xem quan tâm;
  • Nó xuất hiện ở các video xem tiếp tự động mà YouTube gợi ý: tương tự cái trên;

Các yếu tố kỹ thuật thuần túy

  • Chất lượng hình ảnh: video có chất lượng hình ảnh tốt hơn sẽ được xem nhiều hơn. Nhưng có ngưỡng cho điều này. Ví dụ chất lượng HD hoặc hơn một chút là đủ, có tốt hơn nữa cũng không được coi là yếu tố lợi thế;
  • Chất lượng âm thanh: âm thanh có chất lượng tốt, trong, ít tạp âm sẽ được xem nhiều hơn, bản thân điều này tự nó cũng là yếu tố gia tăng chất lượng cho chính video khi công cụ phân tích nội dung đánh giá. Nhưng còn có yếu tố khác khi âm thanh rõ hơn, các công cụ phân tích có thể hiểu rõ nội dung hơn, và do vậy phân phối đến các đối tượng quan tâm chủ đề đó tốt hơn;
  • Độ dài video quá ngắn so với các chủ đề tương tự: ví dụ dưới một phút có thể bị xem là kém chất lượng trên YouTube;
  • Độ dài video quá dài so với các chủ để tương tự: ví dụ trên 3 tiếng có thể không bị coi là kém chất lượng, nhưng không phải là điểm cộng đối với các công cụ phân phối;
  • Sử dụng âm nhạc hoặc các yếu tố có bản quyền của bên khác: sẽ bị hạn chế lượt xem?;

Các yếu tố mang tính tương tác

  • Tỷ lệ click vào video trên số lần hiển thị: giả dụ hai video cùng chủ đề, cùng hiển thị trước người xem 1000 lần, video thứ nhất được click nhiều hơn video thứ hai 15 lần, thế thì video thứ nhất trong những lần phân phối tiếp theo sẽ được ưu tiên hơn;
  • Số lượng thích, không thích video thuần túy;
  • Tỷ lệ thích / không thích;
  • Tỷ lệ thích video trên lượt xem: hai video cùng có 10 ngàn lượt xem, cùng chủ đề, một video có 1000 lượt thích, một video 50 lượt thích. Chắc hẳn có sự đánh giá khác nhau về chúng;
  • Tỷ lệ không thích video trên lượt xem: tương tự cái trên;
  • Thời lượng xem video thuần túy: ví dụ video nào đấy được xem hơn 1000 lần độ dài của nó hoặc hơn 200 giờ trong vòng 24 tiếng là đáng chú ý;
  • Tỷ lệ thời gian xem video trên độ dài video: hai video cùng dài 10 phút, nếu video thứ nhất được xem trung bình 1 phút, video thứ hai được xem trung bình 7 phút. Thế thì video thứ hai đã làm tốt hơn;
  • Số lượng bình luận thuần túy;
  • Tỷ lệ bình luận trên lượt xem video: video có tỷ lệ bình luận cao có thể được coi là thú vị hơn?;
  • Độ dài của các bình luận: nhiều bình luận dài hơn trung bình có thể dự đoán rằng video đó đáng quan tâm hơn?;
  • Tỷ lệ trả lời, khoảng thời gian trả lời bình luận của chủ kênh;
  • Video được chia sẻ nhiều trên các mạng xã hội: tự bản thân yếu tố này đã giúp video được xem nhiều hơn rồi. Nhưng vì tính khó nắm bắt của nội dung video, đây sẽ là chỉ số quan trọng giúp các công cụ phân phối nội dung hiểu rằng: nội dung nào đó đang được quan tâm nhiều- vì thế nó có thể phù hợp để được phân phối nhiều hơn nữa;

Video có tính tương tác cao hơn sẽ được các công cụ phân phối nội dung ưu tiên hơn. Nội dung video khó đánh giá hơn nhiều so với văn bản. Các yếu tố tương tác sẽ là các chỉ số mạnh để các công cụ đánh giá mức độ thu hút của video.


Các yếu tố của kênh

  • Số lượng người theo dõi (subscribers): nếu bạn để ý, các kênh mà bạn theo dõi thì video từ các kênh đó cũng xuất hiện nhiều hơn trên YouTube của bạn. Kênh càng có nhiều người theo dõi, khả năng video của kênh đó được xuất hiện càng nhiều. Một video chất lượng trung bình của kênh lớn, có thể được xuất hiện nhiều hơn 10 lần video chất lượng hơn về chủ đề tương tự;
  • Tỷ lệ like, dislike của kênh;
  • Tỷ lệ gia tăng số người theo dõi, hủy theo dõi: ví dụ tỷ lệ hủy theo dõi tăng đột biến có thể làm video từ một kênh bị giảm phân phối không chỉ tương ứng với số lượng hủy theo dõi mà còn bị giảm chủ động từ công cụ phân phối vì lo lắng rằng chất lượng kênh có vấn đề;
  • Số lượng vi phạm quy định của kênh: kênh vi phạm nhiều có khả năng bị hạn chế phân phối nội dung;

Các yếu tố mô tả

  • Ảnh đại diện: bạn đã bao giờ click vào video nào đấy chỉ vì hình đại diện thu hút của nó;
  • Tiêu đề video: điều này hệt như tiêu đề của bài viết vậy;
  • Nội dung mô tả video: nội dung này không hiển thị ra bên ngoài, nhưng có thể được các công cụ phân tích để xem video có phù hợp không;
  • Video được đưa vào playlist: nó giúp liên kết nội dung giữa các video thuộc về cùng chủ đề, và bản thân việc gom này giúp các video khác trong cùng playlist được xem tiếp;
  • Video có phần kết thúc liên kết đến video khác và ngược lại: giúp video được liên kết đến có thể được xem tiếp;
  • Video được nhúng trong các bài viết liên quan: bản thân điều này đã giúp video được xem nhiều hơn, nhưng nó cũng giúp các công cụ phân phối nội dung hiểu được sâu hơn video đang đề cập đến điều gì. Việc được nhúng có thể coi là video đó có một backlink;

Các yếu tố văn hóa, giới hạn độ tuổi

  • Video chạm đến các giới hạn về thuần phong mỹ tục, tiêu chuẩn đạo đức sẽ bị giới hạn, thậm chí loại bỏ khi đi quá xa;
  • Video giới hạn độ tuổi, bắt phải đăng nhập mới xem được: điều này sẽ hạn chế số lượng người xem, nhưng có thể là yếu tố gây tò mò;
  • Video không dành cho trẻ em nhưng không yêu cầu đăng nhập;
  • Video dành cho trẻ em;

Số lần bạn xem đi xem lại video cụ thể nào đấy

Các video được bạn xem, nghe lại nhiều lần (điển hình là các video âm nhạc) sẽ xuất hiện lại trong phần gợi ý cột phải hoặc trang chủ.

Back to Top