Categories Tối ưu thêm

Tại sao website chậm mà bạn lại không biết?

không nhìn thấy

Trong bài viết chỉ ra 12 nguyên nhân khuyến website tải chậm và cách khắc phục tôi đã mô tả hai kiểu chậm khác nhau, và bài đó thiên về sửa chữa cho kiểu chậm “ổn định” – một dạng chậm lặp đi lặp lại và dễ phát hiện. Hôm nay tôi sẽ nói về kiểu chậm bất chợt, vì nó cũng khá là thú vị đấy ạ.

Sở dĩ gọi nó là chậm bất chợt bởi nó không lặp lại theo cùng cách thức hoặc/và không thường xuyên.

Về mặt hiện tượng: đa số thời điểm trong ngày website vẫn có tốc độ ổn, thậm chí là nhanh nhưng bất ngờ vào giờ nào đấy lại ì ạch. Mà không phải ngày nào cũng bị, có ngày bị ngày không mới oái oăm!

Điểm căn bản khiến nó khác biệt là:

Website chậm bất chợt rất khó phát hiện. Vì nó không lặp lại thường xuyên, thường không theo quy luật. Hệ quả: sự việc có khả năng kéo dài cả năm bạn mới biết, hoặc thậm chí chỉ biết khi có ai đó báo cho bạn.

– Kiến càng

Đầu tiên chúng ta sẽ điểm qua các nguyên nhân.


#1. Website thi thoảng lại có tác vụ hao nhiều tài nguyên

Điển hình có thể kể đến:

  • Backup website: trên những trang nhiều dữ liệu, nó sẽ hao CPU khá nhiều. Nhiều công cụ backup miễn phí (ví dụ UpdraftPlus) không cho phép cài đặt giờ cố định để backup, mà chỉ ổn định ngày, nên dù nó vẫn có quy luật nhưng bạn sẽ khó phát hiện sự kiện website chậm xảy ra.
  • Tạo trước cache: tạo trước cache có thể nhai tương đối nhiều tài nguyên trên các trang có nhiều bài viết, hoặc/và có các setting phức tạp, cài đặt không phù hợp. Tạo trước cache có thể được kích hoạt tự động khi cache cũ xóa. Còn cache cũ bị xóa có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào nếu bạn bật tính năng cập nhật tự động cho plugin chẳng hạn.

#2. Nhận được lưu lượng truy cập tăng bất thường

Bạn may mắn được ai đó chia sẻ bài viết trên mạng xã hội, thế là truy cập ào ào đổ về. Nếu hosting vẫn chịu đựng được thì nó sẽ chỉ chậm đi, chứ không downtime (do vậy khó phát hiện hơn). Hiện tượng này nếu để ý thì vẫn nhận ra được, vì thường chúng ta cũng hay theo dõi lưu lượng truy cập.

Kiểu nhận lưu lượng tăng bất thường tiếp theo là DDoS thì vô cùng ức chế, bản chất nó là tấn công, phá hoại, lưu lượng đó không có tác dụng gì, ngoài mục đích làm sập website, hoặc ít nhất là cản trở các lượt truy cập bình thường khác (thông qua việc làm suy giảm chất lượng của các lượt truy cập thực).


#3. Website khác trong cùng hệ thống hosting ăn nhiều tài nguyên

Nếu bạn từng dùng shared hosting, bạn chắc từng trải qua hoặc biết đến hiện tượng này. Website của ai đó nhai tài nguyên của toàn hệ thống và website của bạn bị ảnh hưởng. Downtime có khi lại may vì vấn đề được thấy rõ, dở cái là nếu sự ảnh hưởng cứ dần dần, đều đều thì khó nhận biết hơn.

Ngay cả khi bạn sở hữu riêng VPS, nếu bạn cài nhiều website trên đó, một trong các website đó tăng sử dụng tài nguyên cao bất thường thì tất cả các website còn lại cũng bị ảnh hưởng.


#4. Giải pháp

Cái gì cũng có nguyên nhân. Website chậm “ổn định” dễ chữa hơn không phải vì nguyên nhân của nó dễ khắc phục hơn, mà chủ yếu là vì nguyên nhân của nó dễ quan sát thấy (để mà sửa). Vì suy cho cùng, phải nhận biết được vấn đề thì chúng ta mới tìm cách giải quyết. Vậy mấu chốt là chúng ta chịu khó thường xuyên quan sát thôi (tất nhiên không phải là cứ cầm điện thoại ra ra vào vào trang web rồi).

Về cơ bản chúng ta nên:

  • Có công cụ theo dõi uptime của website: có rất nhiều công cụ miễn phí để kiểm tra thông tin này.
  • Theo dõi lưu lượng truy cập của website: có lẽ cái này nhiều người nghiện rồi nên không cần lo quên kiểm tra.
  • Theo dõi các thông số của shared hosting và VPS.

Nhiều VPS có các chỉ số rất trực quan bao gồm thông tin sử dụng CPU và RAM theo giờ, ngày, tuần (ví dụ DigitalOcean, Vultr) giúp bạn biết được hệ thống của mình có nguy cơ hoặc đã bị quá tải.

Tiếp đến là các giải pháp phòng ngừa ngay từ ban đầu, mà kiểu chậm nào nếu cần cũng nên áp dụng:

  • Khi website đủ lớn hoặc quan trọng nên dùng hosting chất lượng cao thay vì shared hosting.
  • Nên dùng CDN, nó không chỉ giảm tải, mà còn giúp đáp ứng được khi lưu lượng tăng hơn thông thường. Ngoài ra một số CDN có các cài đặt chống DDoS.
  • Ý thức được một số tác vụ thường gây ảnh hưởng lớn đến tài nguyên hệ thống.
  • Ngoài biết thì bạn cũng nên thử xem một số hoạt động nặng trên website ảnh hưởng đến gói hosting đang dùng như thế nào?
  • Hầu hết các giải pháp khác liên quan đến tăng tốc website đều có ích.
Back to Top