Categories Tên miền

Vòng đời của tên miền .vn, biết để tránh nguy cơ không thể gia hạn

vòng đời của tên miền .vn

Trước khi đi sâu giải nghĩa các thông tin ở hình bên trên, chúng ta cần trò chuyện một lúc để tôi có thể giải đáp cho bạn dễ dàng hơn về sau, đặc biệt nếu bạn chưa quen thuộc với lĩnh vực tên miền.

Khi chúng ta định triển khai trang web mới, ta thường tự hỏi mình thế này:

Chọn tên miền gì và nên mua ở đâu nhỉ?

Từ “mua” rất dễ bị hiểu lầm. Vì tên miền không giống như những sản phẩm khác về mặt sở hữu.

Nó không giống việc bạn mua đồ phổ thông như quần Jean hay thậm chí thứ cực kỳ đắt tiền như xe hơi.

Các đồ bình thường mình mua là của mình hoàn toàn, dù là 10 năm hay 100 năm sau, nhưng mua tên miền giống thuê nhà hơn.

Đúng, bạn toàn quyền sử dụng nó sau khi “mua”, nhưng chỉ trong khoảng thời gian mà bạn lựa chọn, chứ KHÔNG phải mua đứt. Sau khi hết hạn, nếu bạn không tiếp tục gia hạn tên miền, nó sẽ được cấp phát tự do và người khác có thể mua. Chu trình này được gọi là vòng đời của tên miền. Nói một cách nhân hóa thì tên miền cũng có sinh, lão, bệnh, tử rồi tái sinh.

Hôm nay tôi sẽ bàn riêng về vòng đời của tên miền .vn, tên miền quốc gia cấp cao nhất của Việt Nam, các quy định này được công bố bởi VNNIC – Trung tâm Internet Việt Nam, đơn vị trực thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông.

Việc nắm được thông tin này giúp bạn ở hai khía cạnh:

  • Giảm thiểu rủi ro mất tên miền vì quên thời gian tối đa cho phép gia hạn.
  • Gia tăng cơ hội mua được tên miền đẹp đã hết hạn và đang ở trạng thái tự do.

Bây giờ là lúc tôi giải nghĩa các thuật ngữ trong hình:

  • Tên miền chưa đăng ký: là tên miền hiện chưa được đăng ký (mua) bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
  • Đăng ký thành công: chủ thể mua thành công tên miền, việc tiến hành đăng ký rất dễ dàng thông qua các Nhà đăng ký tên miền .vn (chủ yếu là các công ty trong nước), thời gian đăng ký mua tối thiểu là 1 năm và tối đa là 10 năm.
  • Không được đổi nhà đăng ký: trong vòng 60 ngày ngay sau khi mua, và 30 ngày trước khi hết hạn tên miền, chủ thể không được phép đổi nhà đăng ký.
  • Hết hạn: khi tên miền đạt đến số năm bạn đăng ký khi mua lúc đầu. Ví dụ nếu bạn đăng ký thành công tên miền vào ngày 01/01/2017, thời hạn là 2 năm, thì ngày 02/01/2019 là ngày tên miền hết hạn.
  • Gia hạn: chủ sở hữu tên miền có tối đa 35 ngày để gia hạn sau khi tên miền hết hạn. Trong đó 5 ngày đầu tiên sau khi hết hạn, tên miền vẫn nằm trên hệ thống DNS (phân giải tên miền) quốc gia, từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 35 nó sẽ bị xóa khỏi hệ thống DNS. Điều này về mặt trực quan tương đương với việc trang web vẫn truy cập được khoảng 5 ngày, nhưng 30 ngày tiếp theo sẽ không truy cập được nữa. Nếu trang web của bạn bỗng dưng không thể vào được, mà không phải lý do đứt cáp, hosting thì hãy nghĩ đến khả năng tên miền hết hạn.
  • Trạng thái xử lý thu hồi: Sau khi hết thời gian gia hạn, chủ thể đăng ký tên miền vẫn không nộp phí duy trì tên miền, tên miền sẽ chuyển sang trạng thái xử lý thu hồi. Thời gian này kéo dài 10 ngày, VNNIC và Nhà đăng ký sẽ tiến hành các thủ tục hành chính. VNNIC cũng yêu cầu xác nhận lại từ Nhà đăng ký rằng chủ thể không đóng phí gia hạn. Nếu tên miền không vi phạm quy định nào, sau khi hết hạn 10 ngày, nó sẽ được chuyển sang trạng thái tự do để người khác có thể đăng ký mua. Trong trạng thái xử lý thu hồi, chủ thể không thể gia hạn tên miền được nữa.
  • Thu hồi tên miền: Việc xử lý đưa tên miền về trạng thái tự do được thực hiện theo nguyên tắc ngẫu nhiên và tự động trong khoảng thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày được xử lý thu hồi (nghĩa là trong khoảng từ ngày 11 đến ngày 20 kể từ ngày chuyển sang trạng thái xử lý thu hồi).

Tóm lại nếu bạn muốn tiếp tục sở hữu tên miền đừng để nó chuyển đến giai đoạn xử lý thu hồi, vì lúc đó bạn sẽ không có khả năng gia hạn được nữa! Khi tên miền được cấp phát tự do, bất kỳ ai cũng có thể mua được nó và tuân theo nguyên tắc ai mua trước sẽ sở hữu trước, do vậy cơ hội bạn mua lại tên miền của mình không chắc lắm đâu, đặc biệt trong trường hợp tên miền đó có nhiều người thèm khát.


Làm thế nào để giảm nguy cơ mất oan tên miền?

Oan ở đây nghĩa là do bạn không may sơ ý quên gia hạn nên tên miền bị thu hồi, rồi bị người khác mua mất, chứ về về mặt pháp luật thì không oan tí nào. Khi bạn không đóng tiền đúng thời hạn, bất kỳ Nhà đăng ký nào dù ở Việt Nam hay thế giới đều tiến hành thủ tục thu hồi và cấp phát tự do.

Trong phần tiếp theo tôi sẽ mách bạn vài nước, giúp nguy cơ quên gia hạn này giảm xuống. Và thông tin này cũng đúng cho tên miền quốc tế chứ không riêng gì tên miền .vn

1. Email đăng ký thường kiểm tra

Trước khi hết hạn vài ngày hoặc vài tuần (tùy nơi), thông thường Nhà đăng ký sẽ gửi email nhắc nhở bạn là tên miền sắp hết hạn (là email bạn đăng ký khi mua tên miền) và hối thúc gia hạn, cho nên cách đơn giản nhất để tránh bị mất tên miền đấy là đăng ký email nào mà bạn thường xuyên kiểm tra hàng ngày.

Ví dụ, một mẩu thông tin nhắc gia hạn mà tôi nhận được:

nhắc nhở gia hạn tên miền

2. Tự động gia hạn

Tự động gia hạn là tính năng tự động thu tiền của chủ thể thông qua thẻ thanh toán tự động (thí dụ VISA) khi đến ngày hết hạn giúp cho chủ thể tiếp tục duy trì tên miền. Tính năng tự động gia hạn thường là gia hạn cho độ dài 1 năm.

Tự động gia hạn là chức năng cơ bản, hầu hết các nhà đăng ký tên miền quốc tế đã áp dụng từ lâu, nhưng để đảm bảo, bạn nên hỏi trước nhà đăng ký .vn mua tại Việt Nam rằng họ có chức năng đó hay là không.

Bên dưới là chụp màn hình khu vực quản lý tên miền của tôi, tất cả đều bật tính năng gia hạn tự động:

tự động gia hạn tên miền

3. Mua dài hạn

Một mẹo khác để tránh bị mất tên miền là mua dài hạn. Nhưng nó cũng có rủi ro theo kiểu bạn mua 3 năm nhưng trang web chỉ dùng được có gần năm thì dự án thay đổi làm bạn phí mất số tiền đã mua hơn 2 năm còn lại, mà tên miền .vn thì có giá không hề rẻ (trung bình gấp 1,5 cho đến 2 lần giá tên miền quốc tế .com).

Do vậy chiến thuật cân bằng thường là:

  • Nếu công ty, tổ chức của bạn đã có thương hiệu nhiều năm, giờ muốn hiện diện online và mua tên miền, bạn có thể cân nhắc mua từ 3 đến 5 năm luôn để bảo vệ thương hiệu.
  • Nếu là dự án mới, lần đầu mua 1 năm (tiết kiệm) hoặc 2 năm (khi nhà có điều kiện).
  • Các lần sau nếu tiếp tục gia hạn, hãy bắt đầu bằng mức 2 năm (tiết kiệm) hoặc dài hơn (nhà có điều kiện) tùy theo khả năng và tình hình thực tế của website.

Ví dụ trang web này, vì xác định dùng lâu dài nên tôi mua luôn 5 năm (tên miền quốc tế nên giá cũng đỡ hơn):

mua tên miền dài hạn

Giờ đến lúc phải chào tạm biệt, hẹn bạn bài viết sau về vòng đời của tên miền quốc tế.

Comments are closed.

Back to Top