Categories WordPress

Tiêu chuẩn của hệ thống backup cho website

backup website

Người mới phát triển web rất ít để ý đến hệ thống backup cho website. Cái mà người ta quan tâm đầu tiên là hosting, giao diện, các tính năng của nó, phát triển nội dung, SEO.

Điều này cũng dễ hiểu thôi vì backup website là cái dự phòng, ít khi dùng đến, có khi cả năm mới phải dùng có một lần- thậm chí là vài năm. Tuy nhiên, vấn đề là khi cần mà bạn không có thì hậu quả có thể rất tai hại. Nặng nhất là mất toàn bộ nội dung!

Phát triển website một thời gian rồi bạn sẽ thấy, hosting không dùng chỗ này thì thuê chỗ khác, theme cũng có thể đổi được như đổi áo (dù bạn sẽ phải mất ít nhiều thời gian chọn lựa được cái phù hợp), cài lại plugin thì cũng chẳng khó khăn gì lắm, nhưng mà nếu mất hết nội dung bạn sẽ không khác gì bị trộm bê mất nguyên cái két tiền, vàng mà bạn tích cóp bao năm trời!

Lúc nào bạn cần đến backup?

Bạn sẽ cần đến backup trong các trường hợp sau:

  • Bạn thao tác sai điều gì đó trên website làm giao diện, chức năng, nội dung…không thể bình thường, và dù loay hoay & nhờ sự trợ giúp bạn cũng không thể làm website trở về như cũ;
  • Ai đó tấn công website của bạn làm nó bị lỗi tùm lum, và bạn cũng không thể khắc phục để nó trở lại như bình thường;
  • Hosting bị lỗi xóa hết website, nội dung của bạn;
  • Bạn quên gia hạn hosting & họ đuổi bạn ra đường lúc nào không hay, dù đây là trường hợp hiếm khi xảy ra, nhưng không phải là không có.

Tựu trung lại, đặc điểm mà bạn cần đến backup là website bị một vấn đề nào đấy, có thể là nội dung, chức năng, giao diện hay toàn bộ trang mà bạn không thể khắc phục được bằng các cách thông thường.

Backup lúc này như một cỗ máy thời gian của Doremon giúp website của bạn quay trở lại thời điểm trước đó khi mà website vẫn còn bình thường. Đảm bảo nếu bạn rơi vào trường hợp này mà có backup thì mừng rơi nước mắt luôn, còn nếu không có backup bạn cũng sẽ rơi nước mắt nhưng với tâm trạng khác!


OK, vậy thì một hệ thống backup cần có tiêu chuẩn gì?

Nếu dùng WordPress bạn sẽ biết có rất nhiều plugin cũng như các công cụ khác nhau giúp bạn backup website, nhưng chất lượng của nó biến thiên rất rộng, bạn cần nắm được một vài tiêu chuẩn căn bản để chọn lựa được cái có chất lượng phù hợp:

  • Backup toàn bộ website: nói đến backup phải là backup toàn bộ website, backup một phần khi xảy ra lỗi bạn cũng chỉ khôi phục được một phần mà thôi, và điều này thì nhiều khi không có tác dụng gì cho lắm;
  • Backup phải thực hiện tự động được: nếu không bạn sẽ rất dễ quên (đời mà, có trăm thứ phải lo!), ngay cả khi có trí nhớ tốt mà một số website cần có tần số backup cao (ví dụ vì hay cập nhật nội dung, có bài mới) cũng sẽ không tiện cho bạn chút nào khi phải backup thủ công;
  • Backup được theo giờ mà bạn muốn: backup là thao tác tốn kém tài nguyên, nếu bạn không chọn được giờ hoạt động khi website không phải chịu tải nhiều thì rất có thể backup sẽ diễn ra trong lúc hosting đang vất vả, và dẫn đến nó bị quá tải, làm website không truy cập được và backup cũng bị gián đoạn. Thường thì đêm hôm lúc 3 – 4h sáng là lúc website rảnh nhất (ai hay thức đêm cũng ít khi thức đến giờ này). Để chắc chắn bạn nên vào các công cụ thống kê kiểu như Google Analytics để biết website của bạn rảnh nhất vào thời điểm nào. PS: backup chọn giờ thường chỉ có ở plugin thương mại, các phiên bản miễn phí thường khóa tính năng này;
  • Dữ liệu phải đẩy lên bên thứ ba: backup hoàn hảo nhất phải đẩy dữ liệu lên máy chủ khác với hosting của bạn, vì nếu chẳng may có bất trắc trên chính hosting, file backup cũng chẳng còn (dao sắc không gọt được chuôi mà!).

Một số mẹo

  • Tần số backup không nên quá cao hay quá thấp: tần số backup cao làm bạn tốn dữ liệu và tốn tài nguyên, trong khi tần số backup thấp làm bạn không khôi phục được dữ liệu sát thời điểm bình thường nhất và phải chấp nhận mất một số dữ liệu nhất định. Quy tắc ngón tay cái (đúng trong nhiều trường hợp) là chọn tần số backup tương đương với tần số bạn cập nhật bài viết. Ví dụ 1 tuần bạn viết một bài thì tần số backup cũng nên để là một tuần;
  • Trong một số trường hợp, backup kiểu lũy tiến chưa chắc là biện pháp tốt nhất: backup kiểu lũy tiến rất thích hợp với các trang có tần số backup cao hoặc/và có dung lượng lớn, vì nó giúp bạn tiết kiệm nhiều dữ liệu và tránh được chuyện quá tải. Backup kiểu lũy tiến là nó chỉ backup phần thay đổi so với lần backup gần đây nhất. Chẳng hạn nếu bạn viết thêm một bài mới, cài thêm một plugin thì nó chỉ backup phần đó thôi thay vì phải backup toàn bộ website. Nhưng bạn có thể thấy vấn đề là kiểu backup này sẽ phụ thuộc vào sự toàn vẹn của file backup trước đó. Nói cách khác nó làm tăng rủi ro bạn không khôi phục được như ý. Backup lũy tiến chỉ ổn trên hệ thống rất ổn định, đáng tin cậy mà thôi. Hiện JetPack là kiểu backup lũy tiến, nó thậm chí backup theo giờ hoặc khi có bất kỳ thay đổi nào trên website của bạn;
  • Số lượng bản backup cũng không nên quá nhiều: số lượng bản backup cùng với tần số backup giúp bạn ước chừng được dung lượng cần phải dùng dành riêng cho nhiệm vụ backup và thời gian bạn có thể quay ngược lại được. Ví dụ nếu tần số backup là một tuần một lần và bạn có 12 bản backup thì thời gian tối đa bạn quay lại được là 3 tháng. Trong phần lớn trường hợp 3 tháng là khoảng thời gian dự phòng an toàn, thường thì tôi chỉ quay lại 1 tuần hoặc vài ngày trước đó, điều đấy giúp dữ liệu khôi phục được gần sát với thời gian nó bị lỗi, và ít ảnh hưởng nhất đến dữ liệu của bạn. Hiếm lắm bạn mới phải quay lại mốc vài tháng trước.

Giá

Có một số hosting backup website miễn phí cho bạn, có một số thì mất phí (ví dụ như Vultr, họ lấy 20% phí VPS).

Với plugin, thường thì họ phát triển theo mô hình freemium, tức là các tính năng căn bản thì miễn phí, các tính năng nâng cao bạn phải mua mới có (thí dụ backup vào giờ nhất định, backup lũy tiến). Nhìn chung có phí bao giờ cũng tốt hơn, nhưng nếu bạn nhạy cảm về giá, sử dụng sản phẩm miễn phí cũng đủ làm tròn vai rồi.

Hệ thống lưu trữ của bên thứ ba miễn phí cũng có nhiều, và bạn nên áp dụng để mức độ an toàn cao hơn, ví dụ Google Drive miễn phí đến 15GB. Với số lượng backup 5 – 10 bản, nó đáp ứng được cho hầu hết website có từ 1000 bài trở xuống.

PS: plugin WordPress backup ưa thích của tôi là UpdraftPlus.

Xin chào & hẹn gặp lại các bạn.

Back to Top