Categories Đôi lời

Tiền mừng cưới: góc nhìn từ các diễn đàn

Trong bài viết lần trước tôi có tạo một số công thức về tiền mừng cưới và sự hài lòng của cô dâu/chú rể, dựa trên những cảm nhận cá nhân và quan sát thực tế. Trong bài viết này, tôi sẽ áp công thức đó vào các quan điểm mà mọi người thổ lộ xem nó khớp đến đâu. Do không có điều kiện khảo sát trực tiếp, tôi dựa vào diễn đàn để thu thập ý kiến.

Nhắc lại công thức cũ:

  1. Tiền mừng đám cưới (của người đi mừng dự định chi ra) = Ngưỡng tối thiểu * Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể * Mức sang trọng của bữa tiệc * Tình hình kinh tế hiện giờ của người đi mừng * Số tiền mừng trong quá khứ của cô dâu/chú rể trước đó cho người đi dự (nếu có) * Số người tham dự (thường là 1, nhưng có thể nhiều hơn)
  2. Sự hài lòng của cô dâu/chú rể (trong quan hệ với người được mời) = Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong nhận được) + α*Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời + Cảm thông
  3. Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong nhận được) = Ngưỡng tối thiểu * Mức độ thân thiết với khách mời * Mức sang trọng của bữa tiệc * Tình hình kinh tế hiện giờ của người được mời * Số tiền mừng trong quá khứ của cô dâu/chú rể trước đó cho người đi dự (nếu có) * Số người tham dự (thường là 1, nhưng có thể nhiều hơn)
  4. Cơ hội người được mời tham dự đám cưới = Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể  * [Tiền mừng đám cưới (của người đi mừng)/Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể)]/Khoảng cách địa lý/Các yếu tố cản trở khác
  5. Sự hài lòng của người dự tiệc (quan khách) = Mức độ thân thiết với cô dâu/chú rể  * (Mức độ đáp ứng kỳ vọng tiền mừng của cô dâu/chú rể + Mức độ đáp ứng kỳ vọng về sự nhiệt tình + Thái độ đón tiếp của gia chủ tại buổi tiệc + Chất lượng của bữa tiệc kỳ vọng) * Thái độ sau đám cưới của cô dâu/chú rể (của người dự tiệc cảm nhận)

Ví dụ 1[1]:

cưới bạn thân không có tiền

Ở trường hợp này người đi mừng cưới có Tình hình kinh tế vô cùng khó khăn. Nói cách khác Tình hình kinh tế hiện giờ của người đi mừng = 0,  điều này làm cho tiền mừng đám cưới sẽ về Zero. Tuy nhiên vì mức độ thân thiết của 2 người rất lớn làm cho người mừng đủ dũng cảm để thổ lộ với người bạn thân nhờ giúp. Điều hay ở chỗ người bạn thân không hề câu nệ, hết sức cảm thông cho bạn (và có Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời cao), đây mới là điểm mấu chốt vì dù trong trường hợp éo le này người mừng đủ dũng khí để nói ra nhưng chú rể (hoặc cô dâu) không cảm thông và không chuyển hướng sự đánh giá vào mức độ nhiệt tình thì chắc chắn tình bạn này sẽ kết thúc.

Ví dụ 2[2]:

không có qua có lại

Ở trường hợp này nguyên tắc cuối bị vi phạm: Lịch sử tiền mừng của cô dâu hoặc/và chú rể trước đó cho người đi dự (nếu có).

Như đã nói ở bài trước, nếu trước đấy cô dâu/chú rể đã từng dự đám cưới của người đi mừng thì đây sẽ là mốc rất quan trọng để cô dâu/chú rể dựa vào nhằm đưa ra một kỳ vọng tương ứng về hồi đáp của người mừng. Họ thường kỳ vọng ít nhất là bằng với những gì bỏ ra.

Ở đây có cả 2 vấn đề đó là cô dâu/chú rể đánh giá mức độ đáp trả rất thấp cả ở khía cạnh tiền mừng (200K so với 500K và 800K) và độ nhiệt tình (vì không đến tham dự).

Ở khía cạnh của người đi mừng, tôi cho rằng có thể Tình hình kinh tế hiện giờ của người đi mừng khó khăn nên dù có thể nhớ rõ bạn (cô dâu/chú rể) đã từng mừng mình bao nhiêu nhưng không thu xếp được nên số tiền mừng ít đi khá nhiều, và cũng có thể đây là lý do mà người mừng không muốn đến dự vì sợ tốn kém thêm cho gia chủ. Trong bài viết không đủ tiền mừng đám cưới, cảm giác tiền thoái lưỡng nan ở ngã tư đường, tôi có chia sẻ cách để giúp người đi dự cảm thấy thoải mái hơn dù đang không thuận lợi về kinh tế.

Một ví dụ khác [3] về kỳ vọng tương đương, mặc dù tiền mừng không cân xứng cũng vẫn được nhắc đến (1000K so với 1500K), nhưng sự kỳ vọng thường nhấn mạnh vào mức độ nhiệt tình (trong trường hợp này là do cô dâu/chú rể đã đầu tư rất nhiều công sức vào đám cưới trước của người bạn – và có kỳ vọng được đáp trả tương ứng cũng cao như vậy):

kỳ vọng tương đương

Chúng ta nhớ lại công thức đơn giản dưới đây:

Sự hài lòng của cô dâu/chú rể = Tiền mừng đám cưới kỳ vọng + α*Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời + Cảm thông

Nếu cô dâu/chú rể có hệ số α lớn, họ có thể nhận được Tiền mừng đám cưới thấp hơn kỳ vọng nhưng Sự hài lòng tổng thể vẫn lớn do giá trị α*Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời đủ đem về điểm số vượt ngưỡng. Thí dụ như trường hợp dưới đây [4]:

đánh giá cao sự nhiệt tình

Ở trường hợp này, người đi dự không đảm bảo được kỳ vọng tương đương (số tiền mừng lại cho cô dâu/chú rể nhỏ hơn) nhưng cô dâu/chú rể lại đánh giá rất cao giá trị của việc bạn bè tham dự nên sự hài lòng tổng thể của họ vẫn lớn. Tôi có thể giả thiết rằng cô dâu/chú rể trong trường hợp này rất thoải mái về kinh tế, nó thường là yếu tố rất thuận lợi để người ta không quan tâm nhiều đến kỳ vọng tương đương về số tiền mừng và đánh giá cao về chuyện bạn bè đến chung vui. Tuy nhiên ngay cả khi người ta không giàu có thì việc biến mình thành người có hệ số α lớn và đầy cảm thông không phải là điều quá khó khăn.

Ví dụ về α nhỏ [5]:

đánh giá cao tiền mừng

Ở đây rất có thể là α nhỏ của chú rể dẫn đến việc người đi dự dù khá nhiệt tình (dẫn cả vợ theo) nhưng không đáp ứng được kỳ vọng về tiền mừng đám cưới (đáng ra phải 500K * 2) nên dẫn đến Sự hài lòng của chú rể thấp (biểu hiện là cắt liên lạc).

Người mừng tự trách mình không khéo, nhưng cũng trách bạn tính toán chi li.

Ở đây ta cũng thấy nhắc đến nhà hàng khá sang trọng (chính là biến Mức sang trọng của bữa tiệc), đây có thể là yếu tố dẫn đến kỳ vọng về tiền mừng đám cưới (của chú rể) cao hơn.

Một ví dụ nữa về α nhỏ có thể của cô dâu/chú rể (đánh giá cao tiền mừng hơn) kết hợp với tiền mừng thấp hơn giá trị kỳ vọng) [6]:

đánh giá cao tiền mừng

Cũng không loại trừ trường hợp đây là đánh giá chủ quan của người đi mừng mà thôi. Tuy nhiên giả thuyết về α rất khớp với trường hợp nêu trên. Ít nhất đây là khung tham chiếu mà người đi mừng áp vào cô dâu/chú rể.

Dự không thấy ổn, mà không dự thì thấy áy náy

Những trường hợp được mời cưới nhưng cảm thấy không thoải mái vì mức độ thân thiết với cô dâu/chú rể mà họ lượng giá ở mức thấp. Ví dụ như các trường hợp sau [7]:

lăn tăn đám cưới 2

lăn tăn đám cưới 1

lăn tăn đám cưới 3

Vì Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể ở mức thấp dẫn đến việc người mừng lượng giá Tiền mừng đám cưới cũng thấp. Cả hai điều này thường dẫn đến kết cục là người được mời đắn đo với việc đi dự hay gửi nhờ người khác (không ăn cưới), hoặc thậm chí là đắn đo giữa gửi tiền hay không gửi gì cả.

Một lần nữa, điều này đưa ra kết luận rằng: cô dâu/chú rể chỉ nên mời những ai thực sự thân thiết.

Mời người này, không mời người kia  – Cô dâu/Chú rể gặp khó

Chúng ta tham khảo các trường hợp sau [8]:

có nên mời cưới 2

Ở trường hợp này, có sự xuất hiện của việc cô dâu/chú rể không hài lòng, và nguyên nhân của chuyện này đến từ việc người được mời (được cho là thân thiết) không tham dự.

Điều này khớp với công thức:

Sự hài lòng của cô dâu/chú rể = Tiền mừng đám cưới kỳ vọng + α*Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời

Vì là bạn thân nên mức độ kỳ vọng của cô dâu/chú rể vào sự nhiệt tình của người được mời là rất cao, khi không được đáp ứng kỳ vọng, dẫn đến sự thất vọng lớn.

Còn lý do người được mời không tham dự, ta sử dụng lại công thức này:

Cơ hội người được mời tham dự đám cưới = Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể  * [Tiền mừng đám cưới (của người đi mừng)/Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể)]/Khoảng cách địa lý

Ở đây biến số khoảng cách địa lý khá rõ ràng, làm hạn chế cơ hội những người bạn thân ngày xưa không tham dự. Ngoài ra, có thể người được mời đánh giá Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể không còn cao nữa, điều này làm suy giảm cơ hội đến dự theo cấp số nhân.

Chính xác ở trường hợp này khả năng cao vấn đề nằm ở biến số Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể được lượng giá khác nhau giữa hai bên, cô dâu/chú rể thì định lượng cao, trong khi người được mời thì định lượng thấp.

Thực lòng mà nói chuyện này không bao giờ có thể giải quyết được theo kiểu điều gì sẽ chắc chắn đúng, nó là đánh giá chủ quan của cả 2 bên, và mỗi bên đều có cái lý của họ. Cơ hội để cô dâu/chú rể không quá thất vọng là đừng đặt nhiều kỳ vọng. Điều này thực sự khó làm.

có nên mời cưới 1

Còn ví dụ trên là cái khá thú vị. Ở đây cô dâu/chú rể băn khoăn không biết có nên mời hay không vì khả năng “có đi có lại” là thấp (cưới họ mình không dự, cưới mình có nên mời không) hoặc mức độ thân tình thấp nhưng họ lại có ý muốn được mời (mới làm việc 1 lần) hoặc quan hệ xã hội quá chênh lệch (sếp của sếp mình luôn).

Nguồn tham khảo các ý kiến:

[1, 2, 3, 4, 5, 6]: Mất tình bạn vì món quà cưới ‘không thể kiệt hơn’

[7, 8]: Khi bạn không thích đi đám cưới

Back to Top