Categories Quảng cáo

Thực hành nhóm từ khóa trong Google Ads để tối ưu quảng cáo

Thực hành nhóm từ khóa trong Google Ads

Mục đích của việc nhóm từ khóa (keyword grouping) trong Google Ads không gì khác ngoài việc bạn có được quảng cáo hiệu quả hơn. Nhưng tại sao nhóm từ khóa lại giúp quảng cáo hiệu quả hơn?

Nguyên nhân là vì:

  • Nhóm từ khóa giúp bạn viết lời quảng cáo (ad copy) tốt hơn. Kết quả là Google Ads sẽ đánh giá Điểm chất lượng (quality score) của quảng cáo đó tốt hơn. Ngoài ra ad copy phù hợp hơn với từ khóa cũng thường dẫn đến CTR (tỷ lệ click vào quảng cáo) cao hơn, do vậy theo thời gian quảng cáo quảng cáo đó của bạn sẽ được đánh giá cao hơn các quảng cáo mà từ khóa không được nhóm chính xác (Google Ads điều chỉnh phân phối quảng cáo theo kết quả thực tế đạt được, đánh giá Điểm chất lượng lúc ban đầu chỉ là mốc khởi động, nói cách khác kể cả Điểm chất lượng của bạn ổn lúc đầu nhưng kết quả cho thấy CTR của bạn thấp hơn so với trung bình thì quảng cáo của bạn sẽ có khuynh hướng ít được phân phối hơn. Điều đó tương đương với việc bạn sẽ có ít khách hàng hơn!).
  • Nhóm từ khóa cũng giúp bạn tạo được trang landing page tốt hơn. Khi nhóm từ khóa bạn hiểu hơn được ý định của người tìm kiếm (search intent), và bạn sẽ biết cách điều chỉnh landing page hoặc từ khóa kích hoạt quảng cáo sao cho chúng khớp với nhau: (1) bạn chỉnh sửa trang landing page để nội dung của nó phù hợp với nhóm từ khóa mà bạn muốn hướng tới, hoặc/và (2) bạn loại bỏ các từ khóa mà trang landing page của bạn không có nội dung đáp ứng cho nó. Dù bạn đi theo hướng nào, thì trang landing page sẽ có xu hướng phù hợp hơn với từ khóa quảng cáo, dẫn đến trải nghiệm người dùng tốt hơn, kết quả là chi phí giảm, cải thiện hiệu suất.

Chúng ta cần nhớ là:

Ad Rank (thứ hạng quảng cáo) = CPC (số tiền bỏ ra để đấu giá) * Quality Score (điểm chất lượng quảng cáo)

Và Điểm chất lượng quảng cáo thì phụ thuộc chủ yếu vào:

Quality Score (điểm chất lượng quảng cáo) = Keywords (từ khóa) * Ad Copy (lời viết quảng cáo) * Landing Page (trang đích)

Sự đồng bộ giữa từ khóa, lời viết quảng cáo và landing page chắc chắn sẽ đem đến điểm chất lượng tốt hơn. Và nhóm từ khóa là một trong các yếu tố quan trọng để bạn đảm bảo được điều đó.

Xem thêm: Định nghĩa chính thức từ Google về Điểm chất lượng quảng cáo.

Công cụ nghiên cứu từ khóa

Google Ads có sẵn công cụ để chúng ta nghiên cứu từ khóa, từ đó nhóm cho hiệu quả, cũng như các công việc liên quan khác.

Để vào tiện ích này bạn làm như sau: Công cụ > Công cụ lập kế hoạch từ khóa > Khám phá các từ khóa mới.

Công cụ khám phá từ khóa mới
Công cụ khám phá từ khóa mới

Sau đó nhập từ khóa mà bạn muốn kiểm tra:

Nhập từ khóa bạn muốn khảo sát
Nhập từ khóa bạn muốn khảo sát

Nó sẽ hiển thị rất chi tiết các thông tin liên quan đến từ khóa để bạn tham khảo:

Kết quả phân tích từ khóa
Kết quả phân tích từ khóa

Các thông tin chính bao gồm:

  • Số lần tìm kiếm trung bình hàng tháng (search volume): chỉ số này càng cao thì khả năng bạn nhận được lưu lượng truy cập (traffic) cao càng lớn.
  • Hover qua cái biểu đồ nhỏ bé ngay bên cạnh bạn sẽ thấy biến động của lượt tìm kiếm từ khóa đó trong vòng 12 tháng qua:
Biểu đồ biến động của từ khóa trogn vòng 12 tháng
Biểu đồ biến động của từ khóa trong vòng 12 tháng

Cái biểu đồ này có thể rất có ích trong trường hợp chúng ta cần nắm thông tin các từ khóa theo mùa vụ (ví dụ điển hình là có những sản phẩm, dịch vụ chỉ tăng nhu cầu vào một số dịp nào đó trong năm như các đợt 8/3, 20/10, 20/11, 30/4, lễ tết, cưới hỏi…). Hoặc khi bạn cần biết xu hướng tăng, giảm nhu cầu để điều chỉnh chiến lược (ví dụ điều chỉnh ngân sách theo nhu cầu thị trường).

  • Mức độ cạnh tranh chia làm 3 mức: Cao, Trung Bình và Thấp. Cho thấy từ khóa đó có nhiều người đấu thầu hoặc/và giá thầu cao hay không.
  • Giá thầu đầu trang (thấp và cao): cho thấy khoảng giá mà các nhà quảng cáo thường đấu thầu để có được vị trí đầu trang.
  • Trạng thái tài khoản: là thông tin cho chúng ta biết là từ khóa đó hiện đã nằm trong tài khoản quảng cáo của chúng ta hay chưa? (tức là có trong một chiến dịch quảng cáo nào đó).

Lưu ý nhỏ: Chỉ các tài khoản quảng cáo hoạt động một thời gian tương đối và đã chi tiêu một khoản tiền nhất định thì các thống kê về nghiên cứu từ khóa mới thực sự chi tiết. Trường hợp các tài khoản Google Ads mới đăng ký, thông tin sẽ bị hạn chế nhiều, chủ yếu là phần thống kê liên quan đến lưu lượng truy cập hàng tháng. Ví dụ đây là bảng phân tích của một tài khoản mới:

Thống kê bị hạn chế ở những tài khoản mới chưa chạy chiến dịch
Thống kê bị hạn chế ở những tài khoản mới chưa chạy chiến dịch, nó cho khoảng về lượt tìm kiếm thay vì số liệu cụ thể như tài khoản đã chạy

Tận dụng biểu đồ để hiểu hơn về từ khóa

Ngay khi bạn thực hiện nghiên cứu từ khóa trên Google Ads, bạn sẽ thấy một biểu đồ như thế này:

Biểu đồ từ khóa trên Google Ads
Biểu đồ từ khóa trên Google Ads

Cái này là xu hướng tìm kiếm từ khóa theo tháng trong vòng một năm.

Bạn có thể click vào biểu tượng Biểu đồ để xem thêm các thứ khác, chẳng hạn:

Phân tích theo nền tảng
Phân tích theo nền tảng

Phân tích theo nền tảng giúp bạn biết được người dùng hay ở trên di động hay máy bàn hơn khi tìm kiếm từ khóa mà bạn đang nhắm tới. Điều này có thể quan trọng theo hướng bạn chăm chút tối ưu cho landing page trên di động hay máy bàn nhiều hơn.

Còn phân tích theo vị trí sẽ tiết lộ các tỉnh thành nào tìm kiếm từ khóa đó nhiều hơn (cái này có thể ảnh hưởng đến quyết định bạn tập trung vào vùng địa lý nào):

Phân tích theo vị trí địa lý
Phân tích theo vị trí địa lý

Thêm cột để có thêm thông tin về từ khóa

Mặc định thì Google Ads không hiển thị hết dữ liệu mà nó có về từ khóa, nếu muốn biết thêm thông tin bạn click vào biểu tượng Cột, rồi click Sửa đổi cột, tiếp đến chọn tất cả các phần đang có:

Sửa đổi cột
Sửa đổi cột

Áp dụng:

Áp dụng các cột muốn thêm vào
Áp dụng các cột muốn thêm vào

Bạn có thể điều chỉnh kéo thả vị trí cột nếu muốn (nó ở bên tay phải):

Điều chỉnh vị trí cột
Điều chỉnh vị trí cột

Điều chỉnh từ khóa

Điều chỉnh từ khóa là biện pháp lọc từ khóa để thu hẹp số lượng từ khóa lại, giúp chúng ta tránh bị ngợp trước số lượng từ khóa quá lớn.

Phần điều chỉnh từ khóa nằm ngay phía bên tay phải của phần ý tưởng từ khóa:

Điều chỉnh từ khóa
Điều chỉnh từ khóa

Bạn muốn điều chỉnh theo hướng nào thì click vào tùy chọn đó, chẳng hạn tôi muốn lọc từ khóa theo thương hiệu thì tôi click vào phần trên cùng:

Lọc từ khóa theo thương hiệu
Lọc từ khóa theo thương hiệu

Ở trên là tôi chỉ chọn từ khóa “tên miền” có đi kèm thương hiệu mà thôi.

Lưu ý: Bộ lọc này có các phần lọc thay đổi linh hoạt dựa theo từ khóa mà chúng ta nhập vào, chứ không cố định. Ví dụ với từ khóa “son môi”, bạn sẽ thấy bộ lọc như sau:

Bộ lọc linh hoạt theo từ khóa
Bộ lọc linh hoạt theo từ khóa, ở đây chúng ta thấy có thêm lọc màu sắc. Google Ads đủ thông minh để nhận ra người tìm kiếm khi tìm son môi hay gắn thêm màu sắc trong tìm kiếm của họ

Tải về ý tưởng từ khóa

Thông thường chúng ta sẽ cần tải về các ý tưởng từ khóa này và thao tác nó trên ứng dụng kiểu Excels để được tiện lợi hơn.

Tôi sẽ tải về định dạng .csv rồi up lên Google trang tính (nằm trong Google Drive) để xử lý.

Cách làm như sau:

Tải ý tưởng từ khóa xuống
Tải ý tưởng từ khóa xuống

Tải xuống định dạng .csv:

Tải xuống định dạng csv
Tải xuống định dạng .csv

Hỏi: Tại sao không lựa chọn Google Trang tính luôn mà phải tải xuống .csv rồi mới tải lên Google Trang tính chi cho mất công?

Trả lời: Lý do là vì khi tôi làm như vậy thì các con số không ở định dạng số liệu nữa, điều đó dẫn đến việc sắp xếp trở nên khó khăn. Tôi không rõ lý do tại sao. Còn khi tải ở định dạng .csv lên thì nó vẫn giữ định dạng số cho các thống kê.

Sau khi tải lên Google Drive, bạn làm như sau để mở bảng từ khóa:

Mở bằng Google Trang Tính
Mở bằng Google Trang Tính

Dữ liệu tải về có một số cột có tên dạng tiếng Anh, ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu sơ qua ý nghĩa của nó:

  • Keyword: từ khóa
  • Currency: đơn vị tiền tệ đấu giá cho từ khóa, thông thường bạn sẽ thấy là VND (đồng Việt Nam)
  • Avg. monthly searches: lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng
  • Thay đổi trong ba tháng: lượt tìm kiếm trung bình biến động trong 3 tháng vừa qua.
  • Thay đổi so với cùng kỳ năm trước: lượt tìm kiếm trung bình biến động trong 12 tháng vừa qua. Nếu bạn thấy con số này giảm sâu ở thời điểm hiện tại thì cần lưu ý. Nếu nó tăng mạnh thì cũng vậy.
  • Competition: mức độ cạnh tranh, theo giải thích từ Google nó liên quan đến số lượng các nhà quảng cáo đấu thầu từ khóa này.
  • Competition (indexed value): mức độ cạnh tranh (giá trị được lập chỉ mục), cũng theo Google, thì thông số này cho biết mức độ cạnh tranh của vị trí đặt quảng cáo đối với một từ khóa, chỉ áp dụng với các tùy chọn nhắm mục tiêu theo vị trí và Mạng tìm kiếm mà bạn đã chọn. Mức độ cạnh tranh có giá trị từ 0-100 và bằng số lượng vùng quảng cáo được lấp đầy chia cho tổng số vùng quảng cáo có sẵn. Nếu không có đủ dữ liệu, bạn sẽ thấy dấu gạch ngang (-).
  • Top of page bid (low range): chính là Giá thầu đầu trang (thấp).
  • Top of page bid (high range): chính là Giá thầu đầu trang (phạm vi mức giá cao).
  • Searches: Jul 2022 là lượng tìm kiếm trong một tháng cụ thể, bảng bạn tải về sẽ có lượng tìm kiếm trong một tháng cụ thể cho 12 tháng.

Nhận danh sách từ khóa dựa trên nội dung của trang landing page hoặc toàn bộ website của bạn

Ở trên chúng ta có được danh sách từ khóa dựa trên từ khóa gợi ý mà bạn nhập vào Google Ads. Có một cách khác cũng rất hữu ích để có được danh sách từ khóa liên quan chặt chẽ đến nội dung của chúng ta, đó là sử dụng chính trang landing page. Google Ads sẽ quét nội dung trang đích và tìm ra các từ khóa phù hợp.

Cách làm như sau:

  • Bạn cũng vào Công cụ > Công cụ lập kế hoạch từ khóa > Khám phá các từ khóa mới.
  • Tuy nhiên thay vì ở tab mặc định là “Bắt đầu bằng một từ khóa” hãy chuyển sang tab “Bắt đầu bằng một trang web”.
  • Tiếp đó nhập URL của trang landing page của bạn vào.
  • Chọn “Chỉ sử dụng trang này” sẽ cho kết quả phù hợp hơn với landing page.
Quét từ khóa phù hợp cho trang landing page
Để Google Ads quét từ khóa phù hợp cho trang landing page

Lưu ý: (1) Nên chọn “Chỉ sử dụng trang này” sẽ tốt hơn “Sử dụng toàn bộ trang web”, vì từ khóa sẽ đúng cho nội dung landing page hơn. Bạn chỉ nên dùng lựa chọn “Sử dụng toàn bộ trang web” để khảo sát các từ khóa cho toàn bộ website của bạn. (2) Với biện pháp này bạn không có tùy chọn “Điều chỉnh từ khóa”.

Thực hành nhóm các từ khóa

Rõ ràng nhóm từ khóa là công việc khá nhàm chán. Bạn nhìn vào bảng thông tin với hàng trăm dòng (có khi vài trăm tới cả nghìn cũng không hề hiếm), với hàng loạt các con số thống kê ở các cột khác nữa, thì không thấy oải mới lạ!

Tuy nhiên chúng ta không có lựa chọn khác (ít nhất dựa trên những gì tôi biết), để nhóm từ khóa tốt nhất thì vẫn phải làm việc theo cách thủ công (phần cuối sẽ nói về tự động để chúng ta đỡ khổ sở), dĩ nhiên chúng ta sẽ tận dụng các bộ lọc, gồm cả của Google Ads lẫn lọc theo các con số thống kê trên bảng tính để giới hạn số lượng lại, giúp cho việc nhóm từ khóa đỡ “hoa mắt, chóng mặt” hơn.

#1. Nhóm từ khóa thế nào?

Bản chất của việc nhóm từ khóa là nhóm theo ý định cụ thể của người tìm kiếm. Tức là các từ khóa trong một nhóm có ý định gần nhau. Không có quy định nào về mặt số lượng từ khóa trong một nhóm cả, nhưng nó thường nằm trong khoảng từ 10 – 30 từ khóa.

Chúng ta đã biết rằng có 4 ý định chính (ở dạng chung nhất) khi người ta tìm kiếm:

  • Tìm kiếm thông tin chung: ví dụ “tên miền là gì”.
  • Điều hướng đến một website cụ thể: ví dụ “tenten”, “mắt bão”, “pa việt nam”.
  • Điều tra thương mại: ví dụ “các công ty tên miền chất lượng”, “giá tên miền bao nhiêu”.
  • Giao dịch: “mua tên miền ở đâu”, “tên miền giá rẻ”, “cách mua tên miền”.

Trong đó nhóm từ khóa Giao dịch có khả năng chuyển đổi cao nhất (tức là họ có ý định mua hàng cao nhất), thứ đến là Điều tra thương mại.

Chúng ta sẽ phân nhóm theo ý định như trên?

Không! Nhóm từ khóa trong Google Ads cần cụ thể hơn việc phân loại ý định chung ở trên. Ý định tổng thể ở trên sẽ giúp cho bạn định hướng chiến lượng rằng bạn nên hướng vào nhóm từ khóa nào mà thôi.

Thế nào là cụ thể hơn, ví dụ:

Tên nhóm quảng cáo / từ khóa Từ khóa
tên miền – mua mua tên miền
tên miền – mua mua tên miền website
tên miền – mua mua tên miền việt nam
tên miền – mua mua tên miền ở đâu
tên miền – mua mua tên miền mắt bão
tên miền – mua cách mua tên miền
tên miền – mua mua tên miền và hosting
tên miền – mua mua tên miền uy tín
tên miền – mua mua tên miền google
tên miền – mua mua lại tên miền

Các từ khóa trên được xếp chung vào một nhóm gọi là tên miền – mua (cụ thể hơn là việc chỉ xếp nó thuộc dạng ý định giao dịch), tương ứng với nhóm quảng cáo cụ thể trong chiến dịch của chúng ta (đi kèm với các từ khóa cụ thể trong nhóm, cũng như ad copy phù hợp với nó).

#2 Một số cách phân nhóm từ khóa thủ công

Phân nhóm theo kiểu đọc từng từ khóa rồi chia nhóm sẽ rất vất vả, mất thời gian và dễ chán nản! Chúng ta sẽ tìm cách nhanh hơn dù việc đọc thủ công sẽ vẫn có nhưng không đến mức làm chúng ta uể oải.

a. Sử dụng chức năng search để hướng đến các từ khóa cụ thể mà chúng ta biết rõ mục đích của nó là gì.

Ví dụ điển hình đối với Ads là các từ khóa như:

  • Mua bán: “mua”, “giá”, “giá rẻ”, “khuyến mại”.
  • Tìm vị trí: “ở đâu”, “Hà Nội”, “Sài Gòn”.
  • Đối thủ: khi người dùng tìm kiếm đối thủ của bạn! Bạn có thể quảng cáo để người dùng nhìn thấy.
  • Thương hiệu cụ thể: khi người dùng tìm một thương hiệu cụ thể, khả năng có giao dịch cũng cao, nếu bạn bán sản phẩm đó (hoặc tương tự ở mức độ rất gần gũi – tùy trường hợp) thì cũng nên quảng cáo.

Một mẹo khác là hãy chú ý đến các từ khóa lặp đi lặp lại khi nghiên cứu từ khóa, sự lặp lại cho thấy một mong muốn thực của nhiều người dùng. Chẳng hạn khi nghiên cứu từ khóa “tên miền”, tôi có thể nhận thấy việc mọi người sử dụng nhiều từ kết hợp là “đăng ký”:

  • đăng ký tên miền
  • đăng kí tên miền
  • đăng ký tên miền việt nam
  • đăng kí tên miền ở đâu
  • cách đăng ký tên miền
  • cách đăng kí tên miền
  • đăng ký tên miền website
  • đăng kí tên miền cá nhân
  • đăng kí tên miền website
  • đăng kí tên miền google

Do vậy, tôi thấy thật hợp lý khi tạo ra nhóm từ khóa này và tạo nhóm quảng cáo phù hợp cho nó.

b. Lọc theo mức độ cạnh tranh của từ khóa hoặc khối lượng tìm kiếm của từ khóa.

Đây là biện pháp lọc không toàn diện, nhất là lọc theo khối lượng tìm kiếm. Vì một nhóm từ khóa thì mới dự đoán chính xác hơn lưu lượng truy cập chứ không phải một từ khóa riêng lẻ (ví dụ từ khóa X chỉ có lượt search 70/tháng, nhưng từ khóa Y cùng nhóm với nó có 1000 lượt/tháng, thì sự kết hợp giữa X và Y cũng như các từ khóa khác cùng nhóm đó mới dự đoán tốt hơn traffic).

Lọc theo mức độ cạnh tranh của từ khóa có nhiều ưu điểm hơn, vì nó giúp cho chiến lược giá thầu phù hợp hơn với nhóm đó.

#3 Phân nhóm từ khóa tự động

Liệu tôi có hơi ác không khi chỉ nói đến phân nhóm từ khóa tự động ở phần cuối này! Các bạn có lẽ sẽ muốn nó có luôn ở phần đầu!

Tuy nhiên vì mọi sự tự động đều không hoàn hảo nên tôi để nó ở phần cuối, tránh trường hợp bạn biết có tự động rồi là không sử dụng các biện pháp thủ công nữa!

Để phân nhóm tự động từ khóa trong Google Ads, bạn click vào “Chế độ xem từ khóa”, rồi chọn “Chế độ xem theo nhóm”:

Chế độ xem theo nhóm
Chế độ xem theo nhóm

Kết quả:

Kết quả của việc nhóm từ khóa tự động
Kết quả của việc nhóm từ khóa tự động

Bạn có thể thấy Google Ads nhóm từ khóa tự động theo phương pháp dựa trên sự lặp lại trong các thành phần của từ khóa, và nó làm điều này khá tốt.

#4 Nên kết hợp cả tự động và thủ công

Phương pháp tự động trên của Google Ads trong việc nhóm từ khóa khá ổn, sẽ bớt cho chúng ta rất nhiều công sức, ngoài ra ngay cả tài khoản mới, chưa chạy chiến dịch cũng phân nhóm được tự động như trên.

Tuy nhiên, nếu muốn sâu, và kỹ càng hơn, bạn nên kết hợp cả việc quan sát điều chỉnh theo cách thủ công.

Chúc các bạn có các quảng cáo hiệu quả.

Back to Top