Categories Chuyển host Migrate Guru

Thực hành chuyển host cho WordPress bằng Migrate Guru (chuyển hosting giữ nguyên tên miền)

Chuyển hosting bằng Migrate Guru

Trong bài viết trước đây tôi đã giới thiệu plugin chuyển host Migrate Guru và đánh giá rằng nó là một trong các plugin chuyển hosting top đầu hiện này, nếu không muốn nói là tốt nhất trong một số trường hợp (nó chỉ yêu cầu bạn có hiểu biết một chút về kỹ thuật). Bài đó cũng hay, nhưng nó thiên về việc tạo staging site hoặc đổi hosting kèm luôn đổi tên miền. Bài này mới tập trung vào việc đổi hosting, giữ nguyên tên miền– và đây là trường hợp phổ biến hơn nhiều, nên tôi quyết tâm viết chỉn chu.


Ưu điểm của Migrate Guru có rất nhiều:

  • Miễn phí: các plugin chuyển hosting chuyên nghiệp khác có thể có giá lên đến 50 – 100$, chẳng hạn All in one WP migration;
  • Rất hiếm khi bị lỗi: ít ra, dựa trên kinh nghiệm riêng, tôi chưa bắt gặp lỗi nghiêm trọng nào khi chuyển host bằng plugin này;
  • Không phụ thuộc vào mạng internet tại nhà: nó độc lập với tốc độ đường truyền internet tại nhà bạn, vì đây là giao tiếp trực tiếp giữa các máy chủ- chứ không phải tải file sao lưu về máy tính cá nhân rồi up ngược lên;
  • Nhanh hơn: nó nhanh hơn đáng kể so với kiểu chuyển hosting phải tải file về rồi up lên để restore (khôi phục). Có thể giúp bạn tiết kiệm từ 30 – 50% thời gian; Lợi ích về thời gian và giảm lỗi sẽ càng cao trên website càng nặng.
  • Hoạt động trơn tru trên cả những website rất nặng: ngay cả với trang WP có dung lượng lên đến 30GB, Migrate Guru vẫn chuyển ngon lành;
  • Hoàn hảo trong việc tạo staging site: không chỉ rất mạnh mẽ trong việc chuyển hosting, nếu bạn định dùng nó để tạo staging site thì plugin này thực sự hoàn hảo.

Nhược điểm:

  • Cần tạo subdomain trung gian để chứa dữ liệu tạm thời: vì tên miền chính thức đã trỏ về hosting mới rồi;
  • Cần biết tài khoản FTP của hosting mới: để Migrate Guru thực hiện giao tiếp chuyển dữ liệu giữa hosting cũ và mới;

Miễn phí mà lại quá tốt, đời làm gì màu hồng thế, chú đùa anh à! Không hề, Migrate Guru chẳng khác gì LiteSpeed cache trong thế giới plugin cache. LiteSpeed cache cũng là plugin tạo cache tốt nhất (tốt hơn các plugin thương mại như WP Rocket, Swift Performance), nhưng nó lại free?! Nguyên nhân thì như tôi đã từng nói chi tiết trong bài này: họ có nguồn doanh thu khác, plugin free như là công cụ marketing, quảng bá mà thôi.

OK, lại hơi lắm mồm rồi. Giờ tôi sẽ đi vào chủ để chính.

Lưu ý quan trọng: Trước khi chuyển hosting hoặc làm bất cứ việc gì can thiệp sâu vào website bạn cần tạo trước một bản backup. Plugin tốt để làm việc này là Updraftplus, hoặc tính năng tương tự trên control panel của bạn.


Giả dụ tôi cần chuyển website ducanhpsy.com từ host đang dùng có IP 206.189.37.81 về hosting mới có IP 165.22.251.237

Quy trình:

  • Tạo subdomain (tên miền phụ) cho tên miền chính, ví dụ subdomain là staging.ducanhpsy.com;
  • Sao toàn bộ nội dung từ tên miền chính ducanhpsy.com sang tên miền phụ staging.ducanhpsy.com, quá trình này diễn ra rất nhanh vì đa số các control panel đều hỗ trợ;
  • Trỏ tên miền chính về hosting mới và tạo trang WordPress trắng;
  • Sử dụng plugin Migrate Guru để chuyển nội dung từ trang staging.ducanhpsy.com về tên miền chính ducanhpsy.com;

Bước 1

Đầu tiên tôi sẽ Clone (sao y bản chính) website trên host đang dùng (hầu hết các controlpanel đều có tính năng này, trong demo bên dưới tôi sử dụng CyberPanel).

Bản clone được sao trên tên miền phụ, ví dụ: staging.ducanhpsy.com; tất nhiên trước khi làm việc này bạn phải trỏ DNS của tên miền phụ về IP của host đang dùng (bằng Cloudflare DNS là nhanh nhất).

PS: thường thì quá trình cập nhật DNS với Cloudflare diễn ra rất nhanh, cơ mà để an toàn thì bạn nên kiểm tra lại bằng tool như dnschecker.org để chắc chắn các bản ghi DNS đã lan tỏa hết các máy chủ trên toàn cầu.

Vì cùng môi trường hosting quá trình Clone diễn ra rất nhanh, thường chỉ vài phút là xong. Sau đó bạn cấp https cho tên miền clone nếu cần.

Bạn vào kiểm tra trang staging để đảm bảo mọi thứ OK, ổn thỏa như trang gốc.

Lưu ý: để quá trình chuyển host nhanh hơn, trên trang clone bạn có thể xóa các plugin, theme, tài nguyên đa phương tiện không dùng. Những thứ như ảnh có thể chiếm tài nguyên rất lớn. Nếu không dùng thì nên xóa, chẳng hạn nếu trước đây bạn dùng ảnh WebP hoặc lưu ảnh backup cho website mà giờ thấy không cần có thể xóa đi (điều rất hay xảy ra nếu bạn dùng plugin tối ưu ảnh). Việc này sẽ giúp quá trình chuyển hosting nhanh hơn 2 – 3 lần. Bạn xem hướng dẫn cách xóa ảnh WebP nhanh ở đây.

PS: Tôi không có thù hằn gì với ảnh webp, tôi vẫn dùng nó trên một số website thích hợp (giữa năm 2020, trình duyệt Safri cũng hỗ trợ webp rồi), ý tôi ở đây: nó là một tùy chọn. Nếu không dùng, tất nhiên nên xóa.


Bước 2

Trỏ tên miền chính về IP mới, và tạo trang WordPress trống chờ sẵn cho nó.

Bạn đăng nhập vào trang trống mới và gỡ hết các plugin đã được cài sẵn nào (nếu nó có) để tránh mâu thuẫn trong quá trình chuyển hosting.

Tạo tài khoản FTP (hoặc SFTP) cho trang web trên hosting mới. Bạn cần tài khoản này để nhập thông tin vào plugin Migrate Guru trên trang clone.


Bước 3

Cài plugin Migrate Guru trên trang clone (trong ví dụ của tôi là staging.ducanhpsy.com), sau đó nhập thông tin tương ứng vào.

nhập thông tin vào Migrate Guru

Lưu ý: tên miền đích (gốc) nhập cả http hoặc https. Nhập IP host mới. Thông tin tài khoản FTP mà bạn vừa tạo lúc nãy. Đường dẫn của thư mục (Directory Path). Để biết đường dẫn chính xác bạn chỉ cần đăng nhập vào phần mềm kiểu như FileZilla và xem ở phần Remote site:

đường dẫn thư mục
Đướng dẫn thư mục, chính là thư mục ngay trên chứa wp-admin, wp-content và wp-includes

Nếu bạn nhập đúng, quá trình chuyển hosting sẽ diễn ra như thế này:

Quá trình chuyển host diễn ra

Bước 4

Đợi thôi! Như này là gần xong rồi bạn nhé:

chuyển host gần xong

Bước 5

chuyển thành công
Như vậy quá trình chuyển từ trang https://stging.ducanhpsy.com sang https://ducanhpsy.com đã hoàn tất

Kiểm tra website. Bạn cần kiểm tra kỹ những thứ sau:

  • Với ai đang dùng CyberPanel, bạn cần lưu lại cái Rewrite Rules trên host cho tên miền tương ứng (List website > ducanhpsy.com > Manage > Rewrite Rules > Save Rewrite Rules) để tránh lỗi 404;
  • Https (nếu bạn đang dùng). Nó vẫn phải có tick xanh, và không báo lỗi liên quan đến đường dẫn http vẫn còn (lỗi mix content); Nếu bị bạn dùng plugin can thiệp dữ liệu như Better Search & Replace để sửa lỗi http;
  • Kiểm tra đường dẫn ảnh chính xác;
  • Kiểm tra các đường dẫn trên website chính xác;
  • Kiểm tra thiết lập liên quan đến SEO gồm thẻ meta và file robots.txt, chỉnh sửa nó nếu cần (ví dụ thông qua Yoast SEO);
  • Cập nhật thông tin IP mới của website cho các plugin, dịch vụ nào dùng đến nó (ví dụ CDN của QUIC cloud).
  • Thay đổi tài khoản FTP để bảo mật (bạn vừa cấp tài khoản FTP cho bên thứ ba biết, họ cũng lành thôi nhưng đổi vẫn an toàn hơn);
  • Nếu tất cả đã ổn là bạn thành công rồi.

Bước 6

Uống nước, uống trà, hoặc uống bia lạnh để ăn mừng cái nhỉ 😉

Back to Top