Categories CDN

Thiết lập tên miền tùy chỉnh dạng subdomain không phải là vấn đề trong CDN

không cần subdomain cho tên miền CDN

Trong bài viết các rắc rối khi lần đầu sử dụng CDN, tôi có đề cập đến hai vấn đề quan trọng đó là việc thiết lập https cho tên miền CDN và việc thiết đặt tên miền tùy chỉnh dạng subdomain của tên miền gốc.

Bạn sẽ phải thiết lập https cho CDN nếu trang của bạn cũng là https, nếu không trang web sẽ gặp vấn đề. Và việc dùng tên miền CDN là dạng subdomain của tên miền gốc được cho là tốt hơn cho SEO.

Một số dịch vụ như KeyCDN triển khai điều này rất dễ dàng, với chỉ vài thao tác bấm. Trong khi đó một số dịch vụ khác như CDNSun, câu chuyện trở nên khó khăn hơn đôi chút, vì bạn sẽ phải tự đăng ký bộ khóa bảo mật https cho tên miền CDN (dạng subdomain), và phải nhớ mốc thời gian 3 tháng một lần để cập nhật thủ công bộ khóa đó (nếu bạn dùng khóa miễn phí của lets encrypt) hoặc sẽ phải tốn kém tiền của để mua bộ khóa dùng lâu hơn.

Sau một thời gian tìm hiểu, hóa ra thực hành dùng subdomain gốc làm tên miền CDN không phải lúc nào cũng được ưa chuộng, mặc dù nó có một số yếu tố có lợi như website trông giống một chỉnh thể thống nhất hơn, và địa chỉ CDN của bạn ổn định hơn (có ích khi bạn thay đổi nhà cung cấp dịch vụ CDN).

Bằng chứng của sự không ưa chuộng đó là tôi nhận thấy rất nhiều trang web chuyên về SEO không hề sử dụng tên miền dạng subdomain của tên miền gốc để làm tên miền CDN. Họ thường sử dụng luôn tên miền thiết lập mặc định của dịch vụ CDN. Một số trang web như thế bao gồm Backlinko, Moz, Seo hacker, toàn những trang chẳng phải dạng vừa về mảng SEO.

Khi không phải thiết lập subdomain của tên miền gốc làm tên miền CDN, bạn có một số lợi ích sau:

  • Bạn không cần tìm kiếm bộ khóa bảo mật cho tên miền subdomain, vì khi bạn dùng tên miền mặc định của CDN, họ sẽ cung cấp sẵn bộ khóa đó cho bạn.
  • Bạn không mất thời gian để bổ sung các bản ghi DNS, mặc dù điều này cũng không vất vả lắm.
  • Thẻ CANONICAL của bạn được cập nhật chính xác hơn. Trong thử nghiệm của mình, tôi nhận thấy rằng nếu sử dụng tên miền chia sẻ SSL mặc định của dịch vụ CDN thì CANONICAL của nội dung CDN có chỉ về nội dung gốc, trong khi nếu đầy là tên miền tùy chỉnh dạng subdomain thì không (rắc rối này còn tùy dịch vụ).

Vì những lý do đó, tôi quyết định không cần sử dụng subdomain của tên miền gốc cho CDN nữa. Bây giờ bạn sẽ thấy tên miền CDN của tôi ở dạng mặc định, ví dụ: https://chimcat.r.worldssl.net chứ không cần phải là https://cdn.chimcat.com như trước đây nữa.

Bạn cũng đừng lo về chuyện báo cáo số lượng ảnh được lập chỉ mục trên Google Search Console, ảnh sẽ vẫn được lập chỉ mục tương ứng, chỉ cần bạn để file robots.txt của CDN giống với robots.txt của tên miền gốc là được. Số lượng ảnh báo cáo trong Google Search Console thì vẫn giảm vì đường dẫn ảnh trong file xml khác với đường dẫn ảnh thực tế trên website khi Google lập chỉ mục, tuy nhiên Google vẫn lập chỉ mục cho ảnh CDN như bình thường.

Kết luận

Nếu việc lập subdomain không nhọc công tốn sức (như trường hợp bạn dùng KeyCDN chẳng hạn) thì việc bạn triển khai không vấn đề gì và cũng là điều nên làm. Trong trường hợp ngược lại, bạn không cần bắt buộc làm đâu, vì nó cũng chẳng hề ảnh hưởng đến SEO của bạn, cứ sử dụng tên miền thiết lập mặc định của dịch vụ CDN là được rồi.

Comments are closed.

Back to Top