Categories Content marketing SEO

Cách viết thẻ tiêu đề (SEO title tag) hoàn hảo qua 4 bước

thẻ tiêu đề SEO

Viết tiêu đề tốt là mẹo viết bài chuẩn SEO rất quan trọng. Hầu hết mọi người tạo ra thẻ tiêu đề khá đơn giản. Liệu có cách nào để bạn có thể làm cho nó hay hơn không?

Sự thực là, thẻ tiêu đề có nhiều tiềm năng (và giá trị SEO) hơn hầu hết mọi người nghĩ.

Lấy ví dụ, hãy nhìn hai thẻ tiêu đề sau (di chuột vào ảnh để thấy rõ hơn):

thẻ tiêu đề cũ
Nghĩa là theo dõi thứ hạng
sự khác nhau giữa hai thẻ tiêu đề
Theo dõi thứ hạng bởi Ahrefs: Kiểm tra & theo dõi thứ hạng từ khóa

Hình ảnh bên dưới cho thấy điều gì xảy ra với lưu lượng truy cập tự nhiên khi chúng tôi thay đổi thẻ tiêu đề của bài viết Rank Tracker từ dạng cũ (cái ở trên) sang dạng mới (cái ở dưới):

tiêu đề mới làm tăng traffic

Nó đã tăng lên đến 37%.

LƯU Ý. Chúng tôi thừa nhận rằng có nhiều biến tham gia ở đây. Chúng tôi chắc chắn không nói rằng sự thay đổi thẻ tiêu đề đóng góp hoàn toàn vào sự gia tăng này. Nhưng chúng tôi cho rằng rõ ràng nó có ảnh hưởng tích cực.

Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến tất cả những gì bạn cần biết về SEO thẻ tiêu đề. Tôi sẽ cùng với bạn đi qua 4 bước xử lý để tạo ra thẻ tiêu đề có hiệu quả.

Nào chúng ta cùng bắt đầu.


Mục lục

Thẻ tiêu đề SEO là gì? Và tại sao nó lại quan trọng?

Thẻ tiêu đề là phần tử HTML được sử dụng dành riêng cho tiêu đề của một trang web.

Nó trông giống như sau ở dạng thô:

ví dụ về thẻ tiêu đề

(Nếu chưa bao giờ thấy thẻ này, bạn có thể nhấn Ctrl + U nếu dùng Google Chorme, khi xem một trang bất kỳ và nhấn Ctrl + F để tìm thẻ title)

Công việc quan trọng nhất của nó là báo cho người ghé thăm và máy tìm kiếm biết họ có thể mong chờ nội dung gì từ trang web (dưới dạng ngắn gọn nhất có thể).

Không những thế, thẻ tiêu đề thường hiển thị ra trên SERPs (Search Engine Results Pages / Trang kết quả máy tìm kiếm trả về, chính là 10 kết quả đầu tiên theo mặc định ở Google, tiếp đó là các trang 2, trang 3…)

thẻ tiêu đề hiển thị trên máy tìm kiếm

Và khi trang/bài đăng được chia sẻ trên mạng xã hội…

thẻ tiêu đề trên mạng xã hội

Điều cốt yếu là thẻ tiêu đề lôi cuốn người dùng click vào bài viết của bạn từ SERPs (hoặc bất cứ nơi nào nó có mặt).

Dưới đây là hai lý do nữa giải thích tại sao thẻ tiêu đề lại quan trọng:

  • Ấn tượng đầu tiên: Thẻ tiêu đề của bạn thường là thứ đầu tiên người ghé thăm tiềm năng sẽ chú ý khi họ thực hiện tìm kiếm. Vì thế đây là cơ hội của bạn để tạo ra ấn tượng đầu tiên theo hướng tích cực;
  • Đòn bẩy thương hiệu: Mọi người tin tưởng các thương hiệu. Nếu bạn là một thương hiệu nổi tiếng trong ngành của mình, hãy đảm bảo rằng bạn hiển thị nổi bật thương hiệu trong thẻ tiêu đề. Một lần nữa, điều này lôi cuốn click và dẫn đến nhiều traffic hơn (bạn sẽ hiểu điều này hơn trong các giải thích bên dưới).

Và đừng quên rằng Google (và các máy tìm kiếm khác) nhìn vào thẻ tiêu đề của bạn bên cạnh những yếu tố khác, để hiểu ý nghĩa nội dung.

Đó có thể là lý do giải thích vì sao có mối tương quan nhỏ giữa việc sử dụng từ khóa trong thẻ tiêu đề và thứ hạng.

từ khóa trong thẻ tiêu đề

LƯU Ý. Tương quan # nhân quả, mối tương quan 0,0496 thực sự là rất nhỏ cho nên bạn phải có thêm niềm tin. Dù thế nào, tôi không có ý nói rằng bạn cần một từ khóa khớp chính xác hoàn toàn trong thẻ tiêu đề. Bạn không cần làm vậy. Kể từ khi Google đưa ra thuật toán Hummingbird, công cụ tìm kiếm này đủ thông minh để hiểu các từ đồng nghĩa và “các loại tìm kiếm kiểu hội thoại/nói chuyện”.


Sự khác nhau giữa thẻ tiêu đề và thẻ H1 là gì?

Một cách ngắn gọn, chúng hoàn toàn khác nhau – chúng là những thẻ riêng biệt của HTML.

Sự nhầm lẫn phát sinh bởi vì thẻ tiêu đề (title tag) và thẻ H1 (H1 tag) thường giống nhau.

Lấy ví dụ, đây là thẻ H1 từ bài viết của tôi.

thẻ h1 seo

Từ quan điểm nội dung, nó giống y như thẻ tiêu đề.

Cách thức này là thực hành tiêu chuẩn cho hầu hết các trang web cũng như việc nó giúp nội dung trở nên rõ ràng và nhất quán. Nếu người dùng click từ trang SERPs vì thấy một tiêu đề cụ thể hấp dẫn họ, thì họ cũng mong rằng khi truy cập trang web sẽ có cùng tiêu đề đó hoặc ít nhất thì cũng tương tự.

Vậy thì làm thế nào bạn biết sự khác biệt?

Một cách ngắn gọn, thẻ tiêu đề là cái hiển thị trên SERPs hoặc khi nội dung của bạn được chia sẻ trên bất kỳ nền tảng (platform) nào. Ngược lại, thẻ H1 là cái hiển thị “tiêu đề” trên trang thực sự (khi người dùng truy cập vào trang web của bạn).

H1 SEO title

Bạn đừng nhầm lẫn với tiêu đề hiển thị trên tab của trình duyệt – đấy là thẻ tiêu đề (title tag) chứ không phải thẻ H1 (H1 tag) đâu nhé.

thẻ tiêu đề trên tab trình duyệt

Vậy là giờ bạn đã hiểu được thẻ tiêu đề là gì và nó quan trọng như thế nào, giờ hãy nói về cách làm thế nào để viết nó thật tốt.

Nhưng trước hết, hãy xem một số vấn đề cơ bản đã nào…


Hướng dẫn nhanh về một số quy tắc của thẻ tiêu đề

Bạn đã bao giờ nhìn thấy kết quả như này trên trang SERPs chưa (để ý đến dấu ba chấm …)?

thẻ tiêu đề bị cắt ngắn

Cái này được gọi là thẻ tiêu đề đã bị cắt ngắn.

Google bắt đầu cắt ngắn thẻ tiêu đề trên SERPs sau khoảng từ 50 – 60 ký tự. (À vâng, thực tế thì nó dựa trên độ dài pixel, nhưng quy tắc 50 – 60 ký tự thực sự rất tốt và hiệu quả hơn là cách nhớ con số pixel). Vì vậy hãy giữ tiêu đề của bạn quanh độ dài này.

Bạn có thể kiểm tra thẻ tiêu đề của bạn với Portents SERP preview tool – nó sẽ phân tích tổng số pixels trong tiêu đề.

Còn về cái này thì sao?

thẻ tiêu đề viết hoa toàn bộ

Có lẽ không bị cắt ngắn.

Viết hoa tất cả chữ cái không phải là quy tắc tốt khi liên quan đến thẻ tiêu đề. Và thành thực thì, tôi không bao giờ nhìn vào tiêu đề VIẾT HOA TOÀN BỘ trên kết quả tìm kiếm (hoặc bất kỳ nơi nào khác).

Dưới đây là 2 điều chúng tôi khuyên bạn nên thực hiện để định dạng cho thẻ tiêu đề:

  • Trường hợp câu: Viết hoa chữ cái đầu tiên của từ đầu tiên (lấy ví dụ, “Dwell time: is it really a ranking factor? (and if so, should you care?) / Dwell time: nó có phải là một yếu tố dùng để xếp hạng? (và nếu có, thì vì sao bạn phải quan tâm?)”)
  • Trường hợp tiêu đề: Viết hoa chữ cái đầu tiên của hầu hết các câu. Sử dụng công cụ này để chuyển đổi. (lấy ví dụ, “10 Google Sheets Formulas Every SEO Should Know / 10 Công Thức Google Sheets Mà Mọi Người Làm SEO Cần Phải Biết”)

Và vâng, còn có một kiểu VIẾT HOA quen thuộc khác (để nhấn mạnh) mà tôi cho rằng ổn chứ không tệ.

viết hoa toàn bộ một phần

Nhưng nhớ là đừng VIẾT HOA TOÀN BỘ. Nó sẽ thu hút sự chú ý mà nó không xứng đáng được nhận.

Dưới đây là một số thứ cần nhớ khi chuẩn bị viết thẻ tiêu đề:

  1. Viết cho người đọc, không phải cho máy tìm kiếm: Đừng cố ấn các từ khóa trông không tự nhiên vào thẻ tiêu đề của bạn. Đây không phải là năm 1998!;
  2. Hãy đảm bảo là tất cả các thẻ tiêu đề là duy nhất: Thẻ tiêu đề lặp lại là vấn đề phổ biến. Hãy hết sức tránh sai lầm này;
  3. Hãy đảm bảo bạn có thẻ tiêu đề trên tất cả các trang: Đừng để trượt ngay ở vòng để xe; hãy đảm bảo rằng tất cả trang trên website của bạn đều có thẻ tiêu đề (Thật ngạc nhiên rằng đây cũng là một vấn đề phổ biến).

Bạn đã nắm các vấn đề cơ bản ổn thỏa rồi phải không? Tốt rồi, chúng ta bắt đầu đi vào việc chính thôi!


Bước 1. Tìm từ khóa CHÍNH mà bạn nhắm đến

Tại Ahrefs, chúng tôi thường nghiêng về việc nhắm đến chủ đề hơn là từ khóa.

Điều đó là bởi hầu hết các trang không chỉ được xếp hạng cho từ khóa “quan trọng nhất” của chúng, chúng còn được xếp hạng cho rất nhiều thuật ngữ khác liên quan và các biến thể nữa (ví dụ từ khóa dài).

Trong thực tế, chúng tôi phát hiện ra rằng, trung bình trang được xếp hạng số #1 cũng được xếp hạng cho khoảng 1000 từ khóa liên quan.

các trang đầu tiên còn được xếp hạng cho rất nhiều từ khóa

Ví dụ:

Từ khóa “best whey protein powder for women” có khối lượng tìm kiếm là 400 / tháng.

khối lượng tìm kiếm của một từ khóa cụ thể

Tuy nhiên các trang xếp hạng trong top-10 cho từ khóa này nhận được hàng ngàn lượt ghé thăm tự nhiên mỗi tháng.

nhận được hàng ngàn lượt ghé thăm tự nhiên mỗi tháng

Nguyên nhân là bởi mỗi trang trong số chúng được xếp hạng cho hàng trăm từ khóa đuôi dài khác.

Dưới đây là một vài trong số hơn 700 từ khóa hiện cũng được xếp hạng cho trang đầu tiên:

các từ khóa cũng được xếp hạng cho trang đầu tiên

Khá là thú vị phải không?

Tuy nhiên, khi đề cập tới thẻ tiêu đề, chúng tôi khuyên bạn nên ưu tiên tối ưu hóa một từ khóa “chính” (và có thể một hoặc hai từ khóa đuôi dài. Chúng ta sẽ biết thêm điều này trong bước #2)

Bạn đã có sẵn từ khóa trong đầu rồi? Tuyệt.

Nếu chưa thì bạn nên dùng công cụ Keywords Explorer của Ahrefs và nhập một mô tả ngắn về trang hoặc bài đăng của bạn.

Ví dụ:

Nếu chúng tôi làm điều đó cho bài viết 75 SEO tips, chúng tôi sẽ nhập điều gì đó giống như thế này:

công cụ khám phá từ khóa

Lưu ý. Tạm thời quên đi “từ khóa” và “SEO”. Chỉ nhập vào mô tả gần gũi cho trang của bạn.

Bạn có khả năng để ý là không có lượng tìm kiếm nào cho mô tả nào đấy bạn nhập vào.

không có khối lượng tìm kiếm nào

Điều này không phải là vấn đề nghiêm trọng.

Cuộn xuống dưới phần tổng quan về SERP. Nó nói cho bạn Top Keyword (ví dụ, từ khóa nào đem đến nhiều lưu lượng truy cập tự nhiên nhất) cho mỗi trong số các trang thuộc top-10.

Hầu hết nó sẽ tiết lộ từ khóa chính thích hợp cho trang của bạn.

Trong trường hợp này, rõ ràng đó là “SEO tips.”

Trong trường hợp không từ khóa nào thuộc nhóm đứng đầu có vẻ thích hợp? Hãy thử tìm thêm…

Vào phần “Keywords ideas” > “Also rank for” (ở menu bên trái).

Điều này sẽ tiết lộ cho bạn hàng ngàn từ khóa mà các trang thuộc top-10 cũng được xếp hạng.

Chúng tôi sắp xếp chúng theo khối lượng tìm kiếm, vì thế đi từ trên xuống dưới danh sách cho đến khi bạn tìm thấy một từ khóa khớp với nội dung của bạn.

từ khóa cũng được xếp hạng

Trong ví dụ này, “SEO tips” và “SEO techniques” đều phù hợp.

Nhưng “SEO tips” có khối lượng tìm kiếm cao hơn, do vậy chúng tôi hướng vào nó.


Bước 2: Tìm các biến thể ĐUÔI DÀI cho từ khóa chính

Bạn luôn nhớ phải nhắm đến MỘT từ khóa chính.

Nhưng thường cũng hữu ích khi nhắm đến một hoặc hai từ khóa đuôi dài.

Tại sao? Bởi vì có thể sẽ tốn thời gian để thăng hạng cho từ khóa chính của bạn. Nhưng bạn có thể nhận được lưu lượng truy cập từ các biến thể từ khóa đuôi dài khá nhanh chóng.

Và các biến thể đuôi dài thường có thể hợp nhất vào thẻ tiêu đề của bạn mà không đem lại cảm giác thiếu tự nhiên.

Nhưng từ khóa đuôi dài là gì? Tôi sẽ để David McSweeney giải thích:

Từ khóa đuôi dài là các truy vấn có khối lượng tìm kiếm rất nhỏ, nhưng khi xét dưới dạng nhóm (tức là tập hợp chúng lại với nhau) thì lại là một nhu cầu tìm kiếm tổng hợp khổng lồ. Cái tên “đuôi dài” có nguồn gốc từ cái gọi là “đường cong nhu cầu tìm kiếm” – một dạng biểu đồ, phác họa tất cả các từ khóa theo khối lượng tìm kiếm của chúng.

Dưới đây là sơ đồ mà anh ấy đề cập tới:

đường cong nhu cầu tìm kiếm

Như David vừa tuyên bố, các từ khóa này có xu hướng dài hơn (số lượng từ trong từ khóa nhiều hơn) và cụ thể hơn so với các từ khóa tìm kiếm phổ biến (mặc dù không phải lúc nào cũng như vậy).

Lấy ví dụ:

  • Từ khóa chính: “seo tips” (3800 lượt tìm kiếm / tháng)
  • Biến thể từ khóa dài #1: “seo tips for beginners” (100 lượt tìm kiếm  / tháng);
  • Biến thể từ khóa dài #2: “small business seo tips” (70 lượt tìm kiếm / tháng)

Bạn đã có được ý tưởng rồi.

Nhưng làm thế nào tìm được các từ khóa đuôi dài?

Hãy đến phần Keywords Explorer và nhập vào từ khóa chính của bạn (ví dụ “SEO tips”).

Sau đó nhấn “Phrase match” ở phần sidebar bên tay trái.

tìm khớp cụm từ

Nó sẽ cho bạn thấy các từ khóa khác chứa từ khóa chính của bạn.

tìm từ khóa đuôi dài

LƯU Ý. Bạn cũng có thể sử dụng báo cáo “Having same terms” để khám phá các từ khóa đuôi dài. Như tên mà nó gợi ý, cái này sẽ trưng ra các từ khóa tương tự bao gồm cùng thuật ngữ cũng như từ khóa chính, nhưng không nhất thiết trong cùng một thứ tự. Lấy ví dụ, “SEO copywriting tips” hoặc “SEO content writing tips”.

Không phải tất cả các từ khóa như vậy sẽ có liên quan.

Lấy ví dụ, “youtube SEO tips” và “local SEO tips” không liên quan đến danh sách SEO tips của chúng tôi.

Nhưng “SEO tips 2017” thì có (À, vâng giờ là 2019 rồi).

Vì thế, chúng ta sẽ lưu chúng xuống bên cạnh từ khóa chính.


Bước 3. Phác thảo thẻ tiêu đề CƠ BẢN

Bước kế tiếp là phác thảo thẻ tiêu đề cơ bản.

Dưới đây là một số luật:

  • Tập trung vào mô tả: Nó phải mô tả chính xác trang/bài của bạn về điều gì và phù hợp với các mong đợi của người đọc;
  • Giữ nó ngắn gọn: Thẻ tiêu đề của bạn không được vượt quá 50 – 60 ký tự. Bạn sẽ còn phải thêm gia vị cho nó ở những phần sau của hướng dẫn này – vì thế hãy để lại một số ký tự, đừng viết hết.
  • Bao gồm từ khóa của bạn: Hãy chắc chắn bao gồm từ khóa của bạn trong thẻ tiêu đề. Và nếu có thể, đưa các biến thể từ khóa đuôi dài của nó vào.

OK; cùng phác thảo thẻ tiêu đề cho list of 75 SEO tips.

Bắt đầu với tiêu đề đơn giản như nó ngụ ý:

tiêu đề đơn giản

Điều này kết hợp với cả từ khóa chính (“SEO tips”) và từ khóa đuôi dài (“SEO tips 2018”).

LƯU Ý. Đúng là tiêu đề trên không bao gồm từ khóa đuôi dài của chúng tôi dưới dạng cụm từ khớp chính xác (ví dụ “SEO tips 2018”). Nhưng điều đó không thành vấn đề. Google đủ thông minh để hiểu rằng đưa vào “2018” phải có nghĩa là các tips này là tươi mới và liên quan đến 2018. Việc cố gượng ép “SEO tips 2018” vào trong sẽ không tạo ra ý nghĩa, đặc biệt là nó sẽ tạo ra một từ đọc rất không tự nhiên.

Chắc chắn rồi, nó khá cơ bản. Nhưng cơ bản là tốt – chỉ cần đảm bảo rằng nó có tính mô tả.

Giờ thử một cái khác; về tiêu đề bài viết multilingual SEO guide (hướng dẫn SEO đa ngôn ngữ).

hướng dẫn SEO đa ngôn ngữ

Khá là cơ bản phải không?

Nhưng về trang sản phẩm thì sao?

Dưới đây làm một số phác thảo cho giả thiết về một công ty bán danh thiếp (bussiness cards).

tiêu đề về in danh thiếp
tiêu đề về bán danh thiếp

LƯU Ý. Đừng lo lắng khi làm việc với 2 tiêu đề phác thảo. Bạn có thể để chúng đi qua quá trình xử lý này và cuối cùng chọn một cái tốt hơn sau.

Nó đơn giản như vậy thôi.

Nên nhớ rằng, mục tiêu chính của bạn là tính mô tả. Bạn không cố gắng tống hàng trăm từ khóa vào trong đó. Chỉ cần mô tả trang của bạn chính xác và ngắn gọn. Và bao gồm từ khóa đuôi dài và từ khóa chính của bạn trong đó.

Đừng lo lắng khi pha trộn mọi thứ với nhau…

Hoàn toàn ổn khi bạn trộn các thứ với nhau một chút, hoặc thậm chí phủ định một số từ.

Lấy ví dụ, giả định từ khóa của bạn là “best protein powder.”

Tiêu đề dưới đây là ổn:

Và cũng hoàn toàn không có vấn đề gì nếu bạn sử dụng từ đồng nghĩa.

Google thực sự đã tiến xa trong việc diễn giải tốt ý định của người tìm kiếm dù họ dùng ngôn ngữ tự nhiên. Vì thế Google hiểu bạn muốn nói về điều gì.


Bước 4. Xem xét xem nội dung của bạn có gì độc đáo không (và nói cho mọi người biết về điều đó)

Mọi người thực hiện tìm kiếm trên Google để tìm kiếm điều gì đó.

Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng giống nhau.

Mọi người có xu hướng tìm kiếm “phẩm chất” nhất định trong kết quả tìm kiếm – chính xác là điều gì sẽ tùy thuộc vào phẩm chất của truy vấn.

Dầu sao, nếu bạn tạo trang/bài đăng của bạn quanh một chủ đề/truy vấn cụ thể, nó sẽ gần như là có sự chồng chéo giữa “phẩm chất” nội dung của bạn thể hiện ra và phẩm chất mà mọi người muốn nhìn thấy.

Bạn chỉ cần đảm bảo có sự rõ ràng cho người ghé thăm trang tiềm năng trong tiêu đề của bạn.

Có năm “phẩm chất” mọi người có xu hướng nhắm đến để xác định giá trị (và cách làm cho chúng rõ ràng trong tiêu đề của bạn):

  1. Mức độ sâu sắc: Mọi người yêu thích sự chuyên sâu, nguồn thông tin giá trị. Đó dường như là lý do giải thích vì sao có mối tương quan rõ ràng giữa độ dài của nội dung và xếp hạng trên máy tìm kiếm. Hấp dẫn click bằng cách thêm các từ/cụm từ như sau vào thẻ tiêu đề của bạn: “toàn diện”, “hoàn toàn”, “nghiên cứu”, “từng-bước-một”, vân vân.
  2. Danh sách: Mọi người thích chia sẻ bài viết dạng danh sách. Chúng tôi gợi ý bạn luôn luôn cân nhắc việc thêm con số vào tiêu đề bài viết thuộc kiểu bài danh sách.
  3. Tốc độ: Quá tải thông tin là một vấn đề thực sự. Nếu nội dung của bạn ngắn gọn và giải quyết được nhu cầu của mọi người, đó là điểm nổi bật của bạn so với đối thủ (USP). “Bán” nội dung của bạn với các từ/cụm từ như sau trong tiêu đề: “nhanh chóng”, “đơn giản”, “…trong X phút”, “hôm nay”, “bây giờ”, vân vân. Và với các trang sản phẩm, thứ những thứ như: “giao hàng miễn phí” hoặc “nhận hàng vào ngày kế tiếp” (tất nhiên chỉ khi bạn cung cấp được dịch vụ đó).
  4. Tươi mới: Một số truy vấn (như “SEO tips 2018”) là những yêu cầu về nội dung tươi mới (vì ngành SEO biến động nhanh). Không một ai click vào kết quả từ năm 2012 cho những câu hỏi như này. Để tạo ra nội dung tươi mới, thêm các từ/cụm từ như sau vào tiêu đề của bạn: “…trong 20XX”, “cập nhật mới nhất trong tháng Giêng, 2018”, vân vân.
  5. Thương hiệu: Mọi người có xu hướng click nhiều hơn vào các kết quả tìm kiếm từ thương hiệu mà họ biết và tin tưởng. (Chúng tôi đã có bất cứ dữ liệu nào chứng minh cho điều đó không? Hiện thì không, nhưng điều đó thực sự hiển nhiên.) Vì vậy, nếu bạn nổi tiếng trong ngành của mình, hãy thêm tên thương hiệu vào trong tiêu đề của bạn.

LƯU Ý. Với các trang thương mại điện tử, “giá” có thể được xem như một giá trị có chất lượng. Vì vậy, nếu bạn mạnh hơn so với đối thủ về giá cả, đừng sợ hãi để mọi người biết rõ điều đó trong tiêu đề của bạn. Đây là một vài từ/cụm từ có thể dùng: “giá rẻ”, “giá thấp”, “mặc cả được”, “…từ XXX ngàn đồng”, vân vân.

Nhưng bạn phải làm gì nếu trang của bạn có nhiều “giá trị”?

À, đưa ra thứ quan trọng trước, bạn không nên làm quá tải người tìm kiếm bằng cách nhồi nhét quá nhiều giá trị nổi bật trong thẻ tiêu đề. Luôn giữ nó tự nhiên thôi.

Tiếp đó, nhìn vào thứ hạng đã có của nó trong SERPs. Điều này sẽ cho bạn có cái nhìn sâu sắc vào ý định của người tìm kiếm. Nó cũng cho bạn biết “chất lượng” nào mọi người xem là giá trị trong kết quả tìm kiếm.

Lấy ví dụ, Google từ khóa “best restaurants in New York / các cửa hàng tốt nhất ở New York” và bạn sẽ thấy rất nhiều kết quả giống như thế này:

cửa hàng tốt nhất ở New York

Trong thực tế, tất cả các trang thuộc top 10 kết quả đều là dạng “bài viết danh sách”.

Những ai thực hiện truy vấn này rõ ràng đánh giá cao “số lượng” hơn tất cả những thứ khác.

Nhưng nếu bạn Google từ khóa “cheap holidays / kỳ nghỉ giá rẻ, du lịch giá rẻ”, bạn sẽ thấy rằng mọi người xem giá cả quan trọng hơn các thứ khác.

du lịch giá rẻ

Giờ chúng ta cùng quay trở lại thẻ tiêu đề “SEO tips”.

tiêu đề SEO hiệu quả trong năm 2018

Thêm các cụm từ như “hiệu quả trong năm 2018” vào tiêu đề của chúng ta sẽ cho biết đây là nội dung tươi mới, cập nhật những thứ mới nhất. Chúng ta nói với mọi người rằng những mẹo (tips) này có hiệu quả trong thời điểm hiện tại.

Nhưng tiêu đề này cũng kết hợp một số chỉ tiêu chất lượng khác, như:

  1. Mức độ sâu sắc: 75 SEO tips là khá nhiều, vì thế nội dung này hoàn toàn sâu sắc.
  2. Số lượng: Tương tự, sự thật là chúng ta có một danh sách LỚN bao gồm 75 mẹo cho những ai đánh giá cao các con số (những người thích bài viết dạng danh sách).

Điều quan trọng cuối cùng cần lưu ý: lúc nào cũng viết tiêu đề của bạn trong việc xem xét ý định của người tìm kiếm.

Và chúng ta cần làm điều đó…ít nhất cho đến khi bạn có thứ hạng cao!

Nhưng sau đó thì sao?


Dưới đây là những điều bạn cần làm một khi bạn được xếp hạng trong top10

Tôi biết bạn đang nghĩ điều gì…

Tại sao chúng ta không nói về CTR? Nó là một trong các yếu tố dùng để xếp hạng, đúng không?

Vâng, nó chắc chắn gần như vậy.

Nhưng bạn cần ý thức điều này: không có nhiều ý nghĩa khi bạn bỏ thời gian và nỗ lực để tối ưu hóa cho CTR cho đến khi bạn được xếp hạng trong top 10.

Tại sao? Bởi vì hầu như mọi người không xem quá trang đầu tiên đâu (10 kết quả đã là đủ với họ rồi).

Điều đó có nghĩa là hiển thị kết quả của bạn trên SERPS sẽ thấp – chỉ cần kiểm tra Search Console để biết điều đó.

Dầu vậy, một khi bạn bắt đầu được xếp hạng trong top 10 cho bất cứ từ khóa đáng giá nào (ví dụ, các từ có khối lượng tìm kiếm thực sự), đây là lúc cần tập trung hơn.

Dưới đây là một vài cách để gia tăng CTR với tiêu đề của bạn:


1. TÓM BẮT người đọc bằng cách thêm CẢM XÚC vào thẻ tiêu đề của bạn

Kinh ngạc. Đáng chú ý. Kỳ diệu. Kỳ dị. Vân vân

Đây là những từ có sức mạnh chạm vào cảm xúc của mọi người. Hợp nhất chúng vào thẻ tiêu đề có thể làm tăng CTR.

Nhưng trái ngược với những lời khuyên phổ biến, bạn không nên chọn chúng một cách ngẫu nhiên.

Đầu tiên, bạn phải trả lời các câu hỏi sau:

  • Nội dung của bạn cung cấp giá trị độc đáo nào?
  • Đâu là nút thắt cần giải quyết (pain point) mà người tìm kiếm có khi thực hiện truy vấn này (và cách nội dung của bạn giúp họ?)

Lấy ví dụ, hãy xem xét thuật ngữ “SEO tips”. (một lần nữa)

Chúng ta đã biết rằng bất kỳ ai tìm kiếm thuật ngữ này muốn nhìn thấy một danh sách các mẹo SEO; bạn có thể nói thế bởi vì đây là dạng số nhiều (“SEO tips” chứ không phải “SEO tip”).

Trong thực tế hầu hết các trang thuộc top 10 kết là dạng bài viết kiểu danh sách đã xác nhận cho điều này:

SEO tips - bài viết dạng danh sách

Nhưng còn các chi tiết cụ thể thì sao?

Chúng ta hãy trả lời câu hỏi trên và cố gắng tìm ra điều này.

  • Nội dung mà chúng ta cung cấp có độc đáo không?  Có khả năng thực hành; tất cả các mẹo trong danh sách của chúng ta có thể dễ dàng thực hiện và nói chung sẽ tạo ra các kết quả thực sự.
  • Đâu là nút thắt mấu chốt mà mọi người cần giải quyết khi họ tra câu hỏi này? – Họ muốn các mẹo thực sự có hiệu quả. Điều đó có nghĩa là họ sẽ để ý xem có điều gì cập nhật và tươi mới không. Cũng vậy, đây là những điều những người làm SEO cấp độ giữa sẽ tìm kiếm, vì thế có lẽ họ muốn thấy các mẹo có thể triển khai mà không quá khó khăn.

Có vẻ tính thực hành, hiệu quả là giá trị độc đáo mà chúng ta cần cung cấp ở đây.

Hãy cập nhật thẻ tiêu đề của chúng ta:

thêm actionable

2. Thêm ngoặc vuông/ngoặc đơn

Ngoặc vuông/Ngoặc đơn có thể làm ngắt tiêu đề của bạn và nâng khả năng đọc hiểu.

Lấy ví dụ, hãy thêm ngoặc đơn vào thẻ tiêu đề của bài viết SEO tips:

thêm ngoặc đơn

Trông hay hơn đúng không, bạn nghĩ sao?

Và ngoặc đơn có thể giúp cải thiện tỷ lệ click / click-through rate (CTR).

Sean Falconer từ website Proven.com thêm ngoặc đơn vào hướng dẫn và thấy sự gia tăng 128% trong lưu lượng truy cập tự nhiên.

ảnh chụp màn hình được lấy từ trang backlinko.com

3. Sử dụng “khoảng trống tò mò” để hấp dẫn click

Bạn đã đọc bất cứ bài viết nào từ Buzzfeed hoặc UpWorthy chưa?

Nếu thế bạn có lẽ quen thuộc với kỹ thuật này.

Dưới đây là định nghĩa:

Khoảng trống tò mò là khoảng trống giữa điều mà chúng ta biết và điều mà chúng ta muốn hoặc thậm chí cần phải biết. – Joanna Wiebe

Và dưới đây là một ví dụ được sử dụng:

khoảng trống tò mò

Nếu, giống như tôi, bạn sẽ nghĩ “Ôi trời ơi! Cái quái gì vậy, cái gì mà khi một người phát hiện ra con trai anh ta bị ung thư, đồng nghiệp đã trả lời cái gì mà đến mức không thể tin được về sự tử tế!?”, sau đó bạn sẽ trải nghiệm cảm giác khoảng trống tò mò.

Như bạn có thể đoán được, có một số vấn đề tâm lý học nhất định đối với kỹ thuật này – vượt quá khả năng tôi có để giải thích trong bài viết này.

Vì thế, tôi khuyến khích bạn đọc bài viết nàybài này nữa.

LƯU Ý. Bài viết thứ hai thực sự thuộc về lĩnh vực nghiên cứu. Nó khá nặng nhưng đáng để đọc

Nhưng bạn cần cẩn thận với kỹ thuật trên…bạn không muốn mình trở thành kẻ giật tít, câu khách rẻ tiền.

Đúng vậy, bạn muốn mọi người click vào bài viết của bạn, nhưng không phải trả giá quá lớn cho sự trung thực.

Lấy ví dụ, đây là phiên bản của thẻ tiêu đề “SEO tips” kết hợp với khoảng trống tò mò:

Nếu chúng ta bỏ qua sự thật là tiêu đề này quá dài (và sẽ bị cắt ngắn trong SERPs), rất có thể bạn đang nghĩ điều gì đó kiểu như:

Trời ơi…Google không muốn tôi biết về các kỹ thuật SEO này? Chúng CHẮC CHẮN hiệu quả! Tôi CẦN PHẢI biết chúng là gì!

Nhưng mặc dù điều đó có thể khiến mọi người click, nó không trung thực.

Không có mẹo nào trong danh sách của chúng tôi mà Google không muốn bạn biết cả.

Dưới đây là ví dụ tốt hơn:

ví dụ tốt hơn về tiêu đề

Tiêu đề này trung thực, nhưng vẫn giúp gợi lên cảm giác tò mò (ví dụ, “WOW, chúng hiệu quả như có ma thuật”…Tôi nghĩ tốt hơn sẽ phải đọc chúng thôi!”)


4. Đưa từ khóa của bạn ra trước

Nghĩa là bạn đưa các chi tiết quan trọng, từ quan trọng ở phần đầu của tiêu đề (ví dụ như từ khóa của bạn).

Dưới đây là ba lý do nó có thể tạo ra ý nghĩa khi làm như vậy:

  1. Nó tóm lấy sự chú ý: Chúng ta (chỉ người phương Tây) đọc từ trái qua phải (người Việt cũng vậy – chữ của chúng ta đang dùng do một người truyền giáo Châu Âu sáng tạo ra). Nếu bạn muốn đưa từ khóa ra trước, đấy phải là thứ đầu tiên bất kỳ người ghé thăm tiềm năng nào sẽ đọc. Không chỉ giúp tóm lấy sự chú ý của họ, mà nó còn đảm bảo cho họ rằng trang định ghé thăm liên quan đến tìm kiếm.
  2. Nó có thể là một yếu tố xếp hạng: Trong quá khứ, trong lãnh vực SEO, người ta suy đoán là đặt từ khóa ở vị trí đầu (hoặc gần vị trí đầu) của thẻ tiêu đề có thể giúp thăng hạng. Ngay cả khi điều này từng đúng, nó có lẽ không còn đúng ở thời điểm này nữa. Tuy vậy, áp dụng nó cũng chẳng gây hại gì.
  3. Nó có thể đem lại kết quả là nhiều liên kết giàu từ khóa hơn: Không có gì tốt hơn so với một liên kết với từ khóa bạn nhắm đến dưới dạng văn bản neo, có đúng không? Đưa từ khóa ra trước có thể giúp “đóng khung” cách mọi người nhìn và liên kết đến bài viết của bạn, cái có thể có hệ quả là có nhiều liên kết giàu từ khóa hơn. Hãy nghĩ về nó: nếu tiêu đề của bạn là “SEO Tips: 75 kỹ thuật thực hiện được…”, sẽ không có nghi ngờ là nó sẽ làm tăng lên cơ hội một ai đó liên kết tới bạn với cụm từ như “SEO tips” dưới dạng văn bản neo.

Một cách trung thực, yếu tố quan trọng nhất ở đây là sở thích cá nhân. Lấy ví dụ, bạn có cho rằng thẻ tiêu đề sẽ tốt hơn nếu nó có từ khóa quan trọng ở trước hay không?

Đôi khi nó đơn giản là không hiệu quả.

Dưới đây là phiên bản từ khóa ở trước trong thẻ tiêu đề SEO tips của chúng tôi:

từ khóa ở trước trong thẻ tiêu đề

Bạn có thể thấy rằng chúng ta đã thực hiện một vài thay đổi để làm nó hiệu quả. Nhưng nói thực, chúng tôi nghĩ phiên bản gốc của nó tốt hơn một chút.

Vì thế chúng tôi đã chọn tiêu đề bên dưới:

thẻ tiêu đề thực tế

Tạo thẻ tiêu đề tự động: làm thế nào để có được thẻ tiêu đề HOÀN HẢO cho sản phẩm và thư mục (với số lượng lớn)

Nhiều trang web thương mại điện tử có danh sách hàng ngàn, đôi khi là hàng triệu sản phẩm.

Lấy ví dụ, Amazon có 104 triệu trang được Google lập chỉ mục.

số lượng trang được Google lập chỉ mục

Bạn có thực sự nghĩ là có ai đó ngồi và tạo thẻ tiêu đề cho hơn 100 triệu sản phẩm theo cách thủ công không?

Thực sự là không.

Các thẻ tiêu đề này được tạo tự động, rất có thể bởi CMS của Amazon.

Amazon gần như chắc chắn có một CMS tùy chỉnh xử lý việc này. Nhưng tin tốt là hầu hết các CMS đều có thể làm điều đó – bạn sẽ chỉ cần plugin mà thôi.

Dưới đây là một vài plugin với chức năng như vậy:

  • WordPress: Yoast; có một hướng dẫn (hoàn chỉnh với một danh sách tùy chỉnh các biến mà bạn có thể sử dụng trong meta-tags) ở bài này. Nó khá linh hoạt.
  • Joomla: Tag Meta; về mặt cá nhân tôi chưa từng sử dụng plugin này nhưng có xem các đánh giá và chia sẻ, có các chức năng tương tự như Yoast cho WordPress.
  • Magento: Theo bài viết này, Magento xử lý thẻ tiêu đề cho trang thư mục và trang sản phẩm khá tốt, là tính năng mặc định sẵn có. Nếu bạn cần nhiều chức năng hơn? Thử sản phẩm này (nó không miễn phí).

Để vấn đề kỹ thuật sang một bên, đâu là định dạng tốt nhất cho thẻ tiêu đề được tạo tự động?

Dưới đây là một vài ý tưởng cho trang sản phẩm:

  • Tên sản phẩm | Thương hiệu (ví dụ, “iPhone X | Apple”)
  • Tên sản phẩm | Thư mục |Thương hiệu (ví dụ, “MacBook Pro | Laptops & Notebooks | Apple”)
  • CTA (lời kêu gọi hành động) + Tiêu đề sản phẩm | Thương hiệu (ví dụ, “Mua iPhone X | Apple”)
  • CTA + Tiêu đề sản phẩm | ISBN/serial number | Thương hiệu (Mua iPhone X | 978-X-XX-XXXXXXX-X | Apple)” – nó có xu hướng hiệu quả nhất cho các sản phẩm mà mọi người có thể tìm kiếm qua Google bằng ISBN hoặc serial numbers, chẳng hạn như dụng cụ nhà bếp, sách, vân vân)

Dưới đây là một số ý tưởng về trang thư mục:

  • Thư mục | Thương hiệu (ví dụ, “Laptops & Notebooks | Apple”)
  • CTA + Thư mục | Thương hiệu (ví dụ, “Mua Laptops & Notebooks | Apple”)

Và đây là một số ý tưởng cho các trang có tính “địa phương”:

  • Tên nhà hàng, Thành phố – Thị trấn | Thư mục | Thương hiệu (ví dụ “Quán chay Phù Vân, Hà Đông, Hà Nội | Đánh giá nhà hàng | TripAdvistor”)
  • Ngành nghề trong Thành phố | CTA – Thương hiệu (ví dụ, “Xốp chống nóng ở Hà Nội | Nhận báo giá – Tùng Anh”)

Bạn đã có các ý tưởng…


Mẹo: Hãy chỉnh sửa các trang quan trọng, hiệu quả nhất

Bạn có thể không có khả năng tùy chỉnh thẻ tiêu để cho hàng trăm hoặc hàng ngàn sản phẩm.

Nhưng bạn có thể làm điều đó cho các trang hiệu quả nhất trên website; điều này sẽ đem cho chúng sự tăng trưởng.

Dưới đây là cách:

Đưa tên miền của bạn vào Site Explorer.

Vào phần Organic Search > Top Pages.

Nó sẽ hiển thị cho bạn các trang nhận được nhiều truy cập tự nhiên nhất (thực ra nếu bạn dùng Google Analytics thì có thể dùng luôn tính năng thống kê của nó để kiểm tra sẽ chuẩn xác hơn).

các trang nhận được nhiều truy cập nhất

Với những trang này, rất đáng để tối ưu hóa thẻ tiêu đề theo cách thủ công (sử dụng các bước bên trên).

Vì sao? Bởi chỉ cần sự gia tăng CTR hoặc xếp hạng nhỏ thôi sẽ đem đến kết quả thay đổi đáng kể trong lưu lượng truy cập tự nhiên.


Tại sao Google viết lại thẻ tiêu đề của tôi?

Google có một thói quen là thỉnh thoảng viết lại thẻ tiêu đề.

Nó có thể gây bực bội, đặc biệt là khi bạn đã tốn thời gian và công sức để tạo ra được các thẻ “tối ưu hóa”.

Vậy vì sao mà Google lại làm điều đó?

Dưới đây là một số lý do:


1. Google nghĩ thẻ tiêu đề của bạn có vấn đề

Vào năm 2016, Gary Illyes được hỏi về việc Google liên tục chỉnh sửa, viết lại các thẻ tiêu đề. Đây là phản hồi của anh ấy:

Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ việc viết lại các tiêu đề. Chúng tôi thấy có nhiều trang mà tiêu đề thực sự có vấn đề. Nhiều trang thậm chí còn không có tiêu đề; nhiều trang có tiêu đề kiểu như “Top Page”. Trong thực tế, Google gần như viết lại tiêu đề vào mọi lúc. Chúng tôi không thể cung cấp kết quả hữu ích cho người dùng của mình nếu chúng tôi bỏ việc viết lại tiêu đề. Các kinh nghiệm cho thấy, người dùng thích các tiêu đề viết lại hơn. Vì thế chúng tôi tiếp tục viết lại tiêu đề. – Gary Ilyses – Google

Nói một cách đơn giản, không phải tất cả mọi người đều đặt nỗ lực vào việc viết các thẻ tiêu đề tốt, hoặc ít nhất ra hồn – kết quả là các tiêu đề thường có vấn đề.

Vì thế…Google sửa lại chúng.


2. Google nghĩ đấy là tiêu đề thích hợp hơn cho một truy vấn cụ thể

Không phải lúc nào Google cũng viết lại thẻ tiêu đề; nó tùy thuộc vào truy vấn.

Điều đó có nghĩa là Google có thể viết lại thẻ tiêu đề khi một số người tìm kiếm từ khóa X, nhưng lại không sửa khi họ tìm từ khóa Y.

Dưới đây là điều mà Gary Illyes đã nói về vấn đề này:

Vì thẻ tiêu đề phụ thuộc vào truy vấn. Về cơ bản điều chúng tôi cố gắng làm là đảm bảo mọi người click vào các kết quả. Chúng tôi thấy rất nhiều thẻ tiêu đề tệ hại [như các trang chủ chẳng hạn] hay thậm chí còn không có thẻ tiêu đề, và tôi biết chắc chắn rằng đó (việc viết lại thẻ tiêu đề) là một điều tốt, ngay cả khi mọi người không thích nó.

Điều này thực sự khá phổ biến.

Lấy ví dụ, đây là thứ mà bạn sẽ thấy khi Google “Zappos”.

thẻ tiêu đề của Zappos

Nếu bạn kiểm tra thẻ tiêu đề trên trang, bạn sẽ nhận ra có sự khác biệt chút ít.

thẻ tiêu đề thực sự của Zappos

Để rõ ràng hơn, dưới đây là các thẻ tiêu đề khi được đặt cạnh nhau (cái đầu là thẻ tiêu đề gốc, cái tiếp theo là thẻ tiêu đề được thay đổi):

  • Online Shoes, Clothing, Free Shipping and Returns | Zappos.com
  • Zappos.com: Online Shoes, Clothing, Free Shipping and Returns

Google đã viết lại thẻ tiêu đề để chuyển thương hiệu lên đầu.

Tôi đoán liều là do Google thấy người dùng tìm kiếm tên thương hiệu, vì thế họ quyết định ưu tiên điều này trong kết quả tìm kiếm trả về.

Xét cho cùng, nếu bạn tìm kiếm Zappos bằng tên, bạn gần như chỉ muốn tìm kiếm website của họ.

Vì thế, đưa thương hiệu lên trước trong thẻ tiêu đề có thể gia tăng tỷ lệ click.


3. Google xem xét văn bản neo của các liên kết mà bạn có được để xác định chủ đề

Hầu hết inbound link có văn bản neo – Google xem xét các liên kết như vậy để giúp họ hiểu trang/bài đăng nói về điều gì.

Dưới đây là điều Aaseesh Marina (từ Google) nói trong năm 2016:

Nếu chúng tôi thấy văn bản neo từ website A liên kết đến website B, đôi khi chúng tôi có thể lấy nó, tùy thuộc vào truy vấn của người dùng, đôi khi chúng tôi chọn một văn bản neo là liên kết từ A tới B, và cho nó thành tiêu đề cho một kết quả tìm kiếm cụ thể. Một lần nữa, chúng tôi chắc chắn muốn phục vụ các kết quả khiến mọi người cảm thấy có ý nghĩa nhất, chúng tôi cố gắng và làm kết quả tốt nhất có thể cho người dùng và trong một số trường hợp nếu chúng tôi cho rằng văn bản neo là tiêu đề tốt, và nó liên quan hơn đến truy vấn cụ thể nào đấy, thì chúng tôi sẽ lấy văn bản neo.

Dầu vậy, Google sẽ thường chỉ chuyển sang giải pháp này nếu họ bắt buộc phải làm vậy (ví dụ, cho các trang đã được lập chỉ mục nhưng chặn không cho Googlebot quét).

Trong ví dụ vừa rồi, xem xét các yếu tố bên ngoài (như văn bản neo) là một trong các phương pháp mà Google có thể sử dụng để viết thẻ tiêu đề tốt.


Tôi có thể bắt Google dừng việc viết lại thẻ tiêu đề của mình được không?

Bạn không thể…ít nhất là không thể với sự đảm bảo 100%.

Dưới đây là những gì Gary Illyes nói:

Chúng tôi cũng không cung cấp các cách thức để ngăn việc viết lại thẻ tiêu đề. Chúng tôi đoán trước chúng có thể bị lạm dụng. Lấy ví dụ, nhồi nhét từ khóa. […] Hãy gửi cho chúng tôi phản hồi ở phần cuối mỗi trang kết quả trả về nếu bạn không muốn tiêu đề bị viết lại.

Chúng tôi đoán anh ấy đề cập đến cái này:

phản hồi cho Google

Rõ là, chẳng ai trong chúng ta từng click vào nút này. Vì thế làm thế nào bạn có thể thực sự chống lại việc viết lại thẻ tiêu đề?

Dưới đây là điều chúng tôi nghĩ:

Bạn sẽ có cơ hội giữ được thẻ tiêu đề của mình bằng cách tạo ra tiêu đề tốt ngay lúc đầu.

Điều đó có nghĩa là hãy đảm bảo tiêu đề của bạn:

  • Mô tả chính xác nội dung trên trang/bài đăng của bạn;
  • Cho thấy các “phẩm chất” mà mọi người muốn tìm kiếm;
  • Hấp dẫn click.

Nếu bạn có thể làm như vậy, Google cần phải viết lại tiêu đề của bạn làm gì cơ chứ?


Một vài suy nghĩ cuối cùng

Thẻ tiêu đề không phức tạp; chúng chỉ tốn một chút thời gian và công sức để làm đúng.

Đúng vậy, chúng sẽ không bao giờ hoàn hảo 100%. Vì thế bạn phải hướng đến việc tiếp tục kiểm tra và cải thiện chúng. Nếu bạn có đủ lưu lượng truy cập, bạn có thể thậm chí thực hiện test A/B để xem tiêu đề nào hoạt động tốt nhất (mặc dù đây là một kỹ thuật hơi nâng cao một chút).

Bạn có bất kỳ công cụ thú vị nào hoặc ý tưởng cho việc tạo thẻ tiêu đề hoàn hảo? Hãy cho chúng tôi biết ở phần comment nhé.

(Dịch từ bài viết How to craft the perfect SEO title tag, our 4-step process, tác giả: Joshua Hardwick, Website: Ahrefs Blog)

Comments are closed.

Back to Top