Categories SEO

Nghiên cứu SEO: Chúng tôi phân tích 1 triệu kết quả tìm kiếm trên Google. Đây là những gì chúng tôi học được về SEO

nghiên cứu SEO

Chúng tôi vừa mới phân tích 1 triệu kết quả tìm kiếm trên Google để trả lời câu hỏi:

Yếu tố nào tương quan (correlate) với vị trí xếp hạng cao ở trang đầu trên máy tìm kiếm?

Chúng tôi xem xét nội dung. Chúng tôi xem xét các backlink. Chúng tôi thậm chí để ý cả tốc độ trang web nữa.

Với sự giúp đỡ của Eric Van Buskirk và các đối tác dữ liệu, chúng tôi đã khám phá ra một số điều khá thú vị.

Và hôm nay tôi sẽ chia sẻ điều đó với bạn.


Mục lục

Dưới đây là bảng tóm tắt những yếu tố quan trọng nhất chúng tôi tìm ra:

  1. Backlink vẫn là yếu tố vô cùng quan trọng (extremely important) trong thuật toán xếp hạng của Google. Chúng tôi phát hiện ra rằng số lượng tiên miền trỏ về trang tương quan với thứ hạng hơn bất cứ yếu tố nào khác.
  2. Dữ liệu của chúng tôi cũng cho thấy, độ uy tín của cả trang web – site’s overall link authority (được đo bằng chỉ số Domain Rating của công cụ Ahrefs) tương quan mạnh mẽ với thứ hạng cao.
  3. Chúng tôi phát hiện ra rằng, nội dung được đánh giá là “chủ đề chuyên sâu” (thông qua MarketMuse), vượt trội hơn đáng kể nội dung không bao phủ chủ đề chuyên sâu. Vì vậy, xuất bản nội dung tập trung bao trùm một chủ đề đơn lẻ có thể giúp thăng hạng.
  4. Dựa trên dữ liệu SERP (Search Engine Results Page – trang kết quả được các bộ máy tìm kiếm trả về) từ SEMRush, chúng tôi thấy nội dung dài hơn có xu hướng xếp hạng cao hơn trên kết quả tìm kiếm Google. Các bài thuộc trang đầu tiên của Google có độ dài trung bình là 1890 từ.
  5. HTTPS có tương quan nhất định (reasonably strong correlation) với việc được xếp hạng trang đầu Google. Do vậy không có gì lạ khi Google xác nhận HTTPS là một tín hiệu xếp hạng (ranking signal).
  6. Mặc dù có rất nhiều ồn ào về Schema, dữ liệu của chúng tôi cho thấy việc sử dụng mã đánh dấu Schema không tương quan với thứ hạng cao.
  7. Nội dung với ít nhất một ảnh vượt trội đáng kể so với nội dung không có ảnh nào. Tuy nhiên, chúng tôi không chứng minh được thêm nhiều ảnh hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến thứ hạng.
  8. Chúng tôi thấy mối quan hệ vô cùng yếu ớt giữa việc tối ưu hoá tiêu đề và thứ hạng. Mối tương quan này nhỏ hơn đáng kể những gì mà chúng tôi mong đợi, điều này có thể phản ánh Google đã chuyển dần sang tìm kiếm ngữ nghĩa (semantic search).
  9. Tốc độ trang web thực sự quan trọng. Dựa trên dữ liệu từ Alexa, các trang có tốc độ load trang nhanh xếp hạng cao hơn đáng kể trang có tốc độ load chậm.
  10. Mặc dù Google cập nhật Penguin nhiều lần, đối sánh chính xác văn bản neo (exact match anchor text) vẫn cho thấy có ảnh hưởng mạnh đến thứ hạng.
  11. Sử dụng dữ liệu từ SimilarWeb, chúng tôi thấy rằng tỷ lệ bounce rate thấp có liên quan đến thứ hạng cao trên Google.

Chúng tôi sẽ trình bày chi tiết thông tin và dữ liệu ngay bên dưới.


Bạn có thể từng nghe là nhận được backlink từ cùng một tên miền sẽ giảm dần lợi ích.

Nói cách khác, nếu bạn nhận 10 backlink từ 10 website khác nhau sẽ tốt hơn là 10 liên kết từ cùng một tên miền.

Theo phân tích của chúng tôi, thì điều này có vẻ chính xác. Chúng tôi thấy rằng sự đa dạng (diversity) tên miền tác động đáng kể đến thứ hạng.

Số lượng backlink ảnh hưởng mạnh đến thứ hạng

Google muốn thấy vài trang khác nhau xác nhận trang của bạn. Và càng nhiều tên miền liên kết đến bạn, bạn càng nhận được nhiều xác nhận trong mắt Google.

Trong thực tế, số lượng các tên miền riêng biệt trỏ đến có tương quan mạnh mẽ nhất trong toàn bộ nghiên cứu của chúng tôi.

Yếu tố chìa khoá: Nhận được liên kết từ đa dạng các tên miền là điều quan trọng nhất trong SEO.

Hình dưới đây chỉ một số tên miền trỏ về trang web của Kiến càng, được công cụ Ahrefs phát hiện (dĩ nhiên không cần đến công cụ này nếu bạn là chủ trang, bạn có thể vào Google Console – công cụ quản trị web để xem):

Số lượng tên miền trỏ về trang Kiến càng
Trang Kiến càng mới có 36 tên miền trỏ về, không nhiều lắm (ducanhplus là tên cũ của Kiến càng).

B. Các tên miền uy tín có xu hướng xếp hạng cao hơn trong bảng kết quả trả về của Google

Không có gì bất ngờ, chúng tôi thấy rằng, mức độ uy tín của cả trang (được đo bằng chỉ số Domain Rating Ahrefs) tương quan mạnh tới thứ hạng trên Google:

Các tên miền uy tín có thứ hạng tốt hơn

Trong thực tế, mức độ uy tín của cả website có mối tương quan mạnh mẽ hơn đến thứ hạng so với mức độ uy tín của trang cụ thể bên trong.

Nói cách khác, tên miền mà trang đấy thuộc về quan trọng hơn là bản thân trang đó.

Yếu tố chìa khoá: Tăng số lượng liên kết đến trang của bạn có thể làm tăng thứ hạng cho các trang khác trên site.


C. Xuất bản nội dung toàn diện, sâu sắc có thể cải thiện thứ hạng

Trong những ngày đầu của SEO, Google xác định chủ đề của trang thông qua việc tìm kiếm tỉ mẩn các từ khoá xuất hiện trên trang.

Nếu từ khoá xuất hiện trên trang X lần, Google sẽ xác nhận rằng trang này có chủ đề là về từ khoá đó. Ngày nay, chúng ta phải cảm ơn rất nhiều thuật toán Hummingbird (được tích hợp bên trong từ khóa LSI), giờ Google hiểu được chủ đề của từng trang.

Lấy ví dụ, khi tôi tìm kiếm cụm từ “ai là đạo diễn của phim trở về từ tương lai” – “who was the director of back to the future”…

…Google không tìm các trang bao gồm từ khoá “who was the director of back to the future”.

Thay vào đó, nó hiểu nghĩa của câu hỏi, và cung cấp câu trả lời (Google tiếng Việt hẵn còn hạn chế tương đối ở tính năng này, một số câu được, một số thì không):

Nội dung toàn diện sâu sắc giúp cải thiện thứ hạng

Như bạn mong đợi, điều này tác động đáng kể đến cách chúng ta tối ưu nội dung cho SEO. Theo lý thuyết, Google thích nội dung bao trùm chủ đề chuyên sâu hơn.

Nhưng dữ liệu có đồng ý với giả thuyết (assumption) này hay không?

Để tìm ra điều đó, chúng tôi sử dụng MarketMuse để phân tích 10 ngàn URL từ tệp dữ liệu “Chủ đề Uy tín”

Và chúng tôi phát hiện ra rằng nội dung toàn diện vượt trội đáng kể so với nội dung nông.

Nội dung toàn diện có thứ hạng vượt trội đáng kể so với nội dung nông

Điều này thật hấp dẫn. Nhưng làm thế nào bạn viết được nội dung mà Google đánh giá là toàn diện (comprehensive) đây?

Hãy xem hai ví dụ từ dữ liệu của chúng tôi để tìm hiểu điều đó.

Đầu tiên, chúng ta có bài viết này trên Daily Press về chiếc thẻ vui vẻ Busch Gardens:

Ví dụ về nội dung không sâu

Trang này có nhiều yếu tố truyền thống giúp thăng hạng lên trang đầu. Ví dụ, trang sử dụng từ khoá trong thẻ tiêu đề và thẻ H1. Ngoài ra, tên miền (Dailypress.com) khá uy tín (có Ahrefs Domain Rating là 64).

Dù vậy, trang này chỉ có thứ hạng #10 với từ khoá: “Busch Gardens fun card”.

Thứ hạng của trang nội dung nông

Thứ hạng thấp này có một phần lý do từ thực tế là nội dung trên trang có điểm số Topical Authority rất thấp (tức là nội dung rất nông).

Ở phía ngược lại, chúng ta có trang này về cách làm nước sốt satin của người Balinese.

Ví dụ về một trang cung cấp nội dung sâu sắc

Trang này cung cấp thông tin đa dạng về nước sốt satin. Nội dung bao trùm lịch sử của nước sốt satin ở Indonesia, cách sử dụng nước sốt, công thức và thậm chí cung cấp cả giá trị dinh dưỡng.

Mặc dù thậm chí trang này không sử dụng thuật ngữ “Indonesian Satay Sauce” ở bất cứ đoạn nào trên trang, nó vẫn nằm trên trang đầu cho từ khoá này:

Thứ hạng cao khi trang cung cấp nội dung sâu

Một phần lý giải cho thứ hạng này là vì trang có mức độ chuyên sâu cao về chủ đề: “Nước sốt satin Indonesia”.

Yếu tố chìa khoá: Viết nội dung sâu, toàn diện có thể giúp bạn có thứ hạng cao trên Google.


D. Nội dung dài có thứ hạng trên Google tốt hơn so với nội dung ngắn

Có phải nội dung dài vượt trội so với nội dung ngắn, những bài đăng blog có 200 từ?

Chúng tôi quay trở lại dữ liệu để tìm hiểu điều này.

Sau khi đã loại bỏ các ngoại lệ khỏi dữ liệu (các trang có độ dài dưới 51 từ và trên 9999 từ), chúng tôi phát hiện ra rằng trang có nội dung dài có thứ hạng tốt hơn đáng kể so với nội dung ngắn.

Nội dung dài có xu hướng có thứ hạng tốt hơn so với nội dung ngắn

Trên thực tế, độ dài trung bình của các trang nằm trong top10 đầu tiên Google là 1890 từ.

Nghiên cứu trước đây về các yếu tố thăng hạng của máy tìm kiếm đã chỉ ra rằng nội dung dài cho kết quả tốt hơn trên Google.

Mối tương quan này có thể có lý do từ thực tế là nội dung dài tạo ra nhiều chia sẻ trên mạng xã hội hơn đáng kể so với nội dung ngắn. Hoặc có thể từ sự ưa thích vốn có của Google cho các bài viết dài.

Một giả thuyết khác là nội dung dài làm tăng mức độ chuyên sâu của chủ đề, cái cung cấp cho Google khả năng hiểu sâu hơn chủ đề nội dung.

Cũng vậy, lợi thế về thứ hạng của nội dung dài có thể đơn giản là nó đang phản ánh chủ trang web quan tâm đến việc xuất bản nội dung xuất sắc. Đây là nghiên cứu tương quan, và chúng tôi không thể xác định tại sao nội dung dài lại có thứ hạng tìm kiếm tốt hơn.

Dù sao, khi bạn kết hợp dữ liệu của chúng tôi với những gì đã có, nó sẽ tạo ra bức tranh rõ ràng hơn rằng nội dung dài là tốt nhất cho SEO.

Yếu tố chìa khoá: Nội dung dài có thứ hạng trên kết quả tìm kiếm Google tốt hơn nội dung ngắn. Số từ trung bình trên trang đầu của Google là 1890 từ.


E. Sử dụng kết nối bảo mật HTTPS có mối tương quan vừa phải với thứ hạng cao

Năm ngoái, Google kêu gọi những người quản trị web chuyển sang chế độ bảo mật HTTPS. Họ thậm chí gọi HTTPS là một “tín hiệu xếp hạng”.

Dữ liệu của chúng tôi nói gì?

Mặc dầu không có mối tương quan quá mạnh mẽ, quả thực chúng tôi thấy HTTPS tương quan với thứ hạng cao trên trang đầu của Google.

Sử dụng kết nối bảo mật HTTPS có mối tương quan vừa phải với thứ hạng cao

Điều đấy có nghĩa là bạn nên chuyển sang dạng HTTPS luôn hôm nay? Chắc chắn, quyết định này hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Nhưng chuyển site của bạn sang HTTPS là một dự án nghiêm túc có thể làm xuất hiện các vướng mắc kỹ thuật đau đầu.

Trước khi bạn chuyển sang dùng HTTPS, hãy xem các nguyên tắc này từ Google.

Yếu tố chìa khoá: Bởi vì mối liên hệ giữa HTTPS và thứ hạng không mạnh – và trên thực tế chuyển sang HTTPS là một dự án yêu cầu nguồn lực chuyên sâu – chúng tôi không khuyến khích chuyển sang HTTPS chỉ vì bạn muốn tăng cường SEO. Nhưng nếu bạn khởi động một trang web mới, bạn có thể muốn sử dụng HTTPS ngay từ những ngày đầu tiên.

Tham khảo thêm về HTTPS, người dịch hiện có một số bài viết:

Lời bạn của người dịch: bạn chắc chắn nên chuyển website sang dạng https, hiện tất cả các hosting đều hỗ trợ điều này rất dễ dàng, và phần lớn đều có giải pháp miễn phí.


F. Không có mối tương quan nào giữa đánh dấu dữ liệu và thứ hạng

Có khá nhiều ồn ào về mối quan hệ giữa đánh dấu dữ liệu (Schema markup) và SEO.

Giả thuyết kiểu như thế này:

Đánh dấu dữ liệu giúp cho máy tìm kiếm hiểu tốt hơn ý nghĩa nội dung của bạn. Sự hiểu sâu này sẽ khuyến khích họ hiển thị trang của bạn cho nhiều người hơn.

Ví dụ, bạn có thể viết thẻ cấu trúc dữ liệu <name> để Google biết khi bạn sử dụng từ “Star Wars”, bạn đang đề cập đến tiêu đề gốc của một bộ phim…không phải là cái gì đó franchise chung chung:

Ví dụ về dữ liệu có cấu trúc trong nội dung về phim

Hoặc bạn có thể sử dụng Schema để hiển thị bình chọn cho sản phẩm trên trang thương mại điện tử của bạn:

Ví dụ về dữ liệu có cấu trúc trong trang thương mại điện tử

Tất cả những điều này phải giúp ích cho việc xếp hạng của bạn. Trên thực tế, John Mueller đến từ Google gợi ý rằng họ có thể sử dụng cấu trúc dữ liệu như là một tín hiệu xếp hạng trong tương lai.

Dầu vậy, theo kết quả phân tích của chúng tôi, sự hiện diện của cấu trúc dữ liệu không có mối liên hệ nào với thứ hạng trên Google.

Không có mối tương quan giữa dữ liệu có cấu trúc và thứ hạng tốt

Yếu tố chìa khoá: Bạn cứ thoải mái sử dụng cấu trúc dữ liệu trên trang của bạn. Nhưng đừng mong chờ là nó sẽ tác động tích cực lên thứ hạng.


G. Địa chỉ URL ngắn có xu hướng có thứ hạng tốt hơn URL dài

Tôi thường khuyên mọi người sử dụng URL ngắn để SEO onpage được tốt hơn.

Tại sao?

Có hai lý do:

Đầu tiên, URL ngắn như kiểu ducanhplus.com/ten-bai-dang thì dễ dàng cho Google hiểu hơn là ducanhplus.com/1/12/2016/blog/category/day-la-tieu-de-bai-dang-cua-toi

Trên thực tế, theo như Matt Cutts – nhân viên của Google, sau 5 từ trong URL của bạn:

Thuật toán của Google sẽ đánh giá nó thấp hơn.

Và dữ liệu của chúng tôi ủng hộ cho việc sử dụng URL ngắn.

URL ngắn có xu hướng có thứ hạng tốt hơn URL dài

Thật may mắn là, hướng dẫn này rất dễ thực hành. Bất cứ khi nào bạn xuất bản nội dung mới, hãy làm địa chỉ URL ngắn và dễ thương vào.

Nếu bạn sử dụng WordPress, bạn có thể thiết lập cấu trúc permalink sang dạng “post name”:

Thay đổi cấu trúc URL

Sau đó, bất cứ khi nào bạn viết bài, sửa đổi URL để nó chỉ bao gồm vài từ thôi:

Sửa lại URL của bài viết khi biên tập nội dung

Lời cảnh báo nhanh: Đảm bảo rằng permalink mới chỉ áp dụng cho các bài viết tương lai. Nếu bạn thay đổi permalink của các bài viết cũ, nó có thể là một rắc rối SEO nghiêm trọng.

Ví dụ, URL bài của tôi: 21 kỹ thuật SEO thực tế bạn có thể sử dụng ngay bây giờ được tôi thiết lập URL với từ khoá đơn giản:

Ví dụ về URL bài viết ngắn gọn

Điều thứ hai, một URL dài có xu hướng chỉ tới trang cần vài nhấp chuột từ trang chủ. Điều đấy thường có nghĩa là có ít uy tín chảy về trang đó hơn. Ít uy tín hơn nghĩa là thứ hạng thấp hơn.

Ví dụ, địa chỉ URL này cho một sản phẩm iPad trên trang BestBuy đại diện cho một trang nằm xa trang chủ uy tín:

Ví dụ về bài viết có URL dài dòng

Yếu tố chìa khoá: Sử dụng URL ngắn bất cứ khi nào có thể vì chúng là cách bạn cho Google hiểu đúng hơn về chủ đề trang của bạn.


H. Nội dung có ít nhất một ảnh có thứ hạng cao hơn nội dung không có ảnh nào (nhưng sử dụng nhiều ảnh không tạo ra khác biệt gì)

Các nghiên cứu trong ngành chỉ ra rằng trang nhiều ảnh có xu hướng tạo ra tổng lượt xem cao hơn và nhiều chia sẻ trên mạng xã hội hơn.

Điều này gợi ý có nhiều ảnh trong nội dung có thể thúc đẩy chia sẻ, và vì thế sẽ thúc đẩy thứ hạng trên Google.

Để đo mức độ ảnh hưởng của việc sử dụng ảnh đến thứ hạng, chúng tôi xem xét sự hiện diện hay vắng mặt của hình ảnh trên nội dung của trang.

Theo dữ liệu của chúng tôi, sử dụng ít nhất một ảnh trong nội dung có tác động tích cực đáng kể so với việc không sử dụng ảnh nào.

Nội dung có ảnh có khuynh hướng có thứ hạng tốt hơn

Dầu vậy, khi tôi xem xét mối liên kết giữa tổng lượng ảnh và thứ hạng, chúng tôi không tìm thấy bất cứ mối tương quan nào.

Điều đấy gợi ý có sự sụt giảm dần về mức độ ảnh hưởng của việc sử dụng ảnh và thứ hạng.

Yếu tố chìa khoá: Sử dụng một ảnh rõ ràng là tốt hơn không có ảnh nào. Nhưng có rất nhiều ảnh dường như không có tác động nào đến thứ hạng máy tìm kiếm.

Hữu ích: có thể bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề SEO ảnh sao cho hiệu quả, hãy tham khảo bài này: https://kiencang.net/seo-anh/

Lời bàn của người dịch: ảnh là yếu tốt minh họa quan trọng, và không nên làm cho có. Để tốt hơn, bạn cần chú ý đến tính thẩm mỹ của ảnh, tạo ra các ảnh chất lượng hơn nhờ các công cụ như Canva, thay vì chỉ sử dụng ảnh mặc định nào đó tải trên mạng.


I. Sử dụng từ khoá khớp chính xác trong thẻ tiêu đề có mối tương quan rất nhỏ đến thứ hạng

Từ những ngày sơ khai của máy tìm kiếm, thẻ tiêu đề được đánh giá là yếu tố quan trọng bậc nhất trong SEO onpage.

Bởi vì tiêu đề của bạn giúp mọi người (và máy tìm kiếm) có một cái nhìn tổng quan về chủ đề tổng thể của trang, các từ xuất hiện trong thẻ tiêu đề có ảnh hưởng đáng kể lên thứ hạng.

Dù vậy, chúng tôi muốn xem có thực là Google đã hướng đến kiểu tìm kiếm ngữ nghĩa (semantic search) và làm cho tiêu đề bớt quan trọng đi phần nào không.

Chúng tôi phát hiện ra rằng sử dụng từ khoá trong thẻ tiêu đề vẫn có tương quan nhất định đến thứ hạng. Dầu vậy, nó có mối quan hệ nhỏ hơn nhiều so với những gì chúng tôi dự kiến.

Từ khóa khớp chính xác trong thẻ tiêu đề có mối tương quan nhỏ tới thứ hạng

Phát hiện này gợi ý, Google không cần thấy chính xác từ khoá trong thẻ tiêu đề của bạn để hiểu chủ đề trang.

Ví dụ, đây là top sáu kết quả cho từ khoá “list building” (nghĩa đen là xây dựng danh sách – ám chỉ đến việc xây dựng danh sách email).

Ví dụ về mối tương quan giữa khớp chính xác từ khóa trong tiêu đề và thứ hạng

Hãy để ý ba trong sáu kết quả (bao gồm cả cái có vị trí đầu) không bao gồm chính xác từ khoá “list building” trong thẻ tiêu đề của nó.

Ví dụ về mối tương quan giữa khớp chính xác từ khóa trong tiêu đề và thứ hạng

Điều ấy phản ảnh Google đi xa dần việc sử dụng khớp từ khoá chính xác và hướng đến Tìm kiếm Ngữ nghĩa.

Yếu tố chìa khoá: Bao gồm từ khoá nhắm mục tiêu trong tiêu đề có thể giúp bạn thăng hạng cho từ khoá đó. Dầu vậy, bởi vì sự có mặt của Tìm kiếm Ngữ nghĩa, mức độ ảnh hưởng không còn được như trước đây nữa.

Lời bàn của người dịch: Cái này đúng với tiếng Anh, là ngôn ngữ Google đầu tư công nghệ và có hiểu biết sâu sắc, tiếng Việt thường đi sau. Và thực tế tôi nhận thấy công nghệ trên chưa áp dụng sâu với tiếng Việt, nói cách khác từ khoá xuất hiện trong tiêu đề vẫn đặc biệt quan trọng với nội dung tiếng Việt.


J. Website có tốc độ tải trang nhanh có thứ hạng cao hơn đáng kể so với trang có tốc độ thấp

Từ năm 2010, Google bắt đầu sử dụng yếu tố tốc độ trang web như là yếu tố xếp hạng chính thức (official ranking signal).

Nhưng chúng ta tò mò muốn biết:

Tốc độ trang web ở mức độ nào thì ảnh hưởng đến thứ hạng?

Chúng tôi sử dụng công cụ tốc độ tên miền của Alexa để phân tích thời gian tải trang trung bình của 1 triệu tên miền từ dữ liệu của chúng tôi. Nói cách khác, chúng tôi không trực tiếp đo tốc độ tải trang của từng trang trong tệp dữ liệu. Chúng tôi đơn giản nhìn vào tốc độ tải trang trung bình của toàn bộ tên miền.

Và chúng tôi phát hiện ra có mối tương quan mạnh mẽ giữa tốc độ trang web và thứ hạng trên Google:

Trang có tốc độ tốt có xu hướng có thứ hạng tốt hơn

Một lần nữa, điều này chỉ là tương quan. Có thể chủ trang web biết cách tối ưu cho tốc độ cũng là người chẳng phải dạng vừa trong việc tối ưu SEO? Chắc chắn rồi.

Nhưng có trang web tốc độ cao chắc chắn chỉ có tốt SEO của bạn mà thôi, vì vậy hãy tăng tốc lên.

Yếu tố chìa khoá: Tốc độ web cao có nhiều khả năng thăng hạng trên Google.

Hữu ích: Người dịch có trang tập trung chuyên sâu vào chủ đề tăng tốc website, bạn có thể vào trang đó tham khảo, sẽ rất có ích nếu bạn dùng WordPress. Nhìn chung yếu tố nền tảng để có được website có tốc độ tốt là bạn phải chọn được hosting chất lượng cao.


Có nhiều lời ong tiếng ve về các tín hiệu xếp hạng mới (như tín hiệu mạng xã hội) mà máy tìm kiếm sử dụng ở thời điểm hiện tại. Nhiều người thậm chí đã nói rằng backlink đã ít quan trọng đi nhiều.

Chúng tôi tò mò muốn biết có thực là Google vẫn sử dụng số lượng backlink trong thuật toán xếp hạng của họ hay không.

Để đo điều đó chúng tôi sử dụng API của Ahrefs để xác định tổng lượng backlink trỏ đến mỗi trang trong tệp dữ liệu của chúng tôi.

Chúng tôi phát hiện ra rằng trang có tổng lượng backlink cao nhất có xu hướng xếp hạng tốt nhất trên Google.

Có càng nhiều backlink thì thứ hạng càng cao

Mặc dù Google tiếp tục bổ sung tính đa dạng vào thuật toán của họ, dường như backlink vẫn là tín hiệu xếp hạng quan trọng (critical).

Yếu tố chìa khoá: Trang có nhiều backlink có xu hướng xếp hạng cao hơn trang có ít backlink.


L. Thứ hạng trên Google liên hệ chặt chẽ với tổng mức độ uy tín của trang đơn lẻ

Ngoài tổng lượng backlink, chúng tôi muốn trả lời câu hỏi:

Có phải tổng mức độ uy tín của trang ảnh hưởng đến thứ hạng?

Hầu hết người làm SEO đều đồng ý rằng chất lượng backlink cũng quan trọng như số lượng backlink.

Nói cách khác, thường là tốt hơn nếu nhận được một link trỏ từ trang uy tín hơn là 100 link từ 100 trang chất lượng thấp.

Và dữ liệu của chúng tôi ủng hộ điều đó:

URL rating cũng ảnh hướng khá mạnh đến thứ hạng

Theo chỉ số URL Rating của Ahrefs, độ uy tín của trang riêng lẻ lớn vượt hơn hẳn trang có độ uy tín kém. Dù sao, mối tương quan này không được mạnh như sự ảnh hưởng của tổng số lượng tên miền trỏ về.

Yếu tố chìa khoá: Độ uy tín của trang có ảnh hưởng đến thứ hạng.


M. Khớp chính xác văn bản neo có tương quan đáng kể với thứ hạng

Kể từ khi Google phát hành bản cập nhật Penguin vào năm 2012, rất nhiều người làm SEO chuyên nghiệp khuyên không nên xây dựng backlink với văn bản neo khớp chính xác từ khoá (exact match anchor text). Dẫu vậy, một số nghiên cứu về xếp hạng máy tìm kiếm gần đây cho thấy văn bản neo vẫn quan trọng.

Đấy là lý do vì sao chúng tôi muốn nghiên cứu xem có thực là văn bản neo vẫn là tín hiệu xếp hạng quan trọng hay không.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, văn bản neo khớp chính xác tương quan mạnh mẽ với thứ hạng.

Trong những ngày đầu của SEO, xây dựng backlink với văn bản neo khớp chính xác là cách tiếp cận rất hiệu quả. Ví dụ, nếu bạn muốn thăng hạng với từ khoá “giao hoa online – online flower delivery” bạn cần đảm bảo các liên kết của bạn có văn bản neo này:

văn bản neo khớp chính xác liên quan mạnh đến thứ hạng

Dẫu vậy, hiện Google dường như đã phá bỏ cách thực hành này, bắt đầu với lần cập nhật đầu tiên của Penguin. Vì lý do đó, chúng tôi khuyên bạn không nên xây dựng backlink với việc khớp chính xác văn bản neo, mặc dầu trên thực tế nó dường như có tác động mạnh mẽ lên thứ hạng.

Yếu tố chìa khoá: Backlink với khớp chính xác văn bản neo có mối tương quan mạnh mẽ với thứ hạng. Dẫu vậy, bởi việc sử dụng văn bản neo khớp chính xác có nguy cơ cao, chúng tôi không khuyên bạn sử dụng khớp chính xác văn bản neo như là dạng thủ thuật SEO.

Lời bàn của người dịch: cá nhân tôi cho rằng khớp chính xác văn bản neo có nguy cơ chỉ khi bạn lúc nào cũng sử dụng một văn bản neo cụ thể để link (bao gồm cả liên kết nội bộ lẫn backlink bạn có được do chủ động). Điều này có nghĩa là bạn nên đa dạng hóa văn bản neo, còn việc khớp chính xác không phải tệ đâu, còn tốt là khác. Chúng ta cần biết rằng khả năng hiểu tiếng Việt của máy tìm kiếm Google không tốt như khả năng hiểu tiếng Anh. Chúng ta vẫn cần cung cấp bối cảnh rõ ràng để máy tìm kiếm dễ hiểu hơn các nội dung.


N. Tỷ lệ Bounce Rate (tỷ lệ thoát trang sau lần đầu truy cập) thấp liên hệ mạnh mẽ với thứ hạng cao trên Google

Rất nhiều người trong thế giới SEO ngày nay suy đoán rằng Google sử dụng “tín hiệu trải nghiệm người dùng – user experience signal” (như là bounce rate, time on site và tỉ lệ click / CTR trên trang SERP) làm yếu tố xếp hạng.

Để kiểm tra giả thuyết này, chúng tôi đưa 100 ngàn site từ dữ liệu của chúng tôi và phân tích chúng trên SimilarWeb.

Chúng tôi chú tâm vào ba tín hiệu trải nghiệm người dùng: bounce rate, time on site (thời gian trên trang) và SERP CTR.

Chúng tôi phát hiện ra rằng, trang web có tỷ lệ bounce rate trung bình ở mức thấp tương quan mạnh mẽ với thứ hạng cao.

Tỷ lệ thoát trang / bounce rate thấp liên hệ mạnh với thứ hạng cao trên máy tìm kiếm

Những hãy nhớ là chúng tôi không gợi ý rằng tỷ lệ bounce rate thấp là nguyên nhân của thứ hạng cao.

Google có thể sử dụng bounce rate như là tín hiệu xếp hạng (mặc dầu trước đây họ đã từ chối khẳng định điều này). Hoặc nó có thể phản ánh trong thực tế là nội dung chất lượng cao sẽ giữ mọi người tương tác nhiều hơn. Vì vậy tỷ lệ thoát thấp hơn là sản phẩm phụ của nội dung chất lượng cao, cái mà Google thực sự cần đo.

Vì đây là nghiên cứu tương quan, nên nó không thể xác định được nguyên nhân chỉ từ dữ liệu của chúng tôi.

Yếu tố chìa khoá: Google có thể sử dụng bounce rate như tín hiệu xếp hạng. Hoặc nó có thể là trường hợp của việc tương quan không tương đồng với nhân quả.


Lời cuối

Chúng tôi đặc biệt cảm ơn các đối tác dữ liệu: SEMRush, Ahrefs, MarketMuseSimilarWeb, nhờ họ mà nghiên cứu này mới thực hiện được.

Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn Eric Van Buskirk của ClickStream (Giám đốc dự án), Zach Russell (Trưởng nhóm Phát triển), và Qi Zhao (Trưởng nhóm Dữ liệu Khoa học), những người cộng tác trong dự án này.

Ngoài ra, nếu bạn muốn biết cách chúng tôi thu thập và phân tích dữ liệu, hãy truy cập bài gốc tiếng Anh của bài viết này để xem.

(Dịch từ bài viết We Analyzed 1 Million Google Search Results. Here’s What We Learned About SEO của Brian Dean – website Backlinko.com – Người dịch: Nguyễn Đức Anh)


Lời bàn của người dịch

Sự phát triển công nghệ của Google sẽ làm SEO thuần tuý kỹ thuật chết dần. Điều ấy không hàm ý rằng bạn chẳng cần biết gì về SEO mà vẫn có thứ hạng tốt. Điều tôi muốn nói là giờ đây SEO gần như được thay thế bằng cụm từ này: TẠO NỘI DUNG HAY NHẤT CHO NGƯỜI DÙNG.

Rồi, bạn sẽ vẫn cần biết một số cái cơ bản như từ khoá, liên kết nội bộ, backlink, thẻ tiêu đề, tối ưu hoá ảnh, url ngắn gọn…Nhưng bạn sẽ thấy là những tín hiệu tốt nhất về SEO của bài viết vốn bắt nguồn từ NỘI DUNG HAY và những điều máy móc như mật độ từ khoá cao đã giảm giá trị đi rất nhiều.

Thay vì đầu tư quá nhiều công cụ để làm SEO, hãy đầu tư thêm công cụ để làm nội dung tốt.

SEO với tôi giờ đây là:

  • Chủ đề thu hút truy cập.
  • Nội dung hay không thể cưỡng lại.
  • Trình bày cuốn hút.

Nó sẽ dẫn bạn đến những việc cụ thể hơn như:

  • Nghiên cứu từ khóa.
  • Tìm hiểu nội dung của đối thủ cạnh tranh.
  • Nội dung hot ở thời điểm hiện tại.
  • Xu hướng nội dung nhận được nhiều tương tác.
  • Landingpage có hình thức trình bày hấp dẫn.
  • Tăng tốc web.
  • Sử dụng đa dạng các hình thức multimedia vào nội dung.

Comments are closed.

Back to Top