Categories Tên miền

Tên miền cấp cao nhất (TLD) hay đuôi tên miền có nghĩa là gì?

ý nghĩa của tên miền cấp cao nhất

Tên miền là một chuỗi ký tự được chia bởi các dấu chấm. Nhìn hình bên trên bạn thấy rõ tên miền cấp cao nhất nằm ở vị trí nào. Đó chính là phần sau dấu chấm cuối cùng.

Một số ví dụ khác:

  • google.com có tên miền cấp cao nhất là .com
  • vnexpress.net có tên miền cấp cao nhất là .net
  • vietnamnet.vn có tên miền cấp cao nhất là .vn

#1. Mục đích của tên miền cấp cao nhất

Tên miền cấp cao nhất giúp chúng ta ngay lập tức hình dung được trang web đó là về cái gì trên tổng thể chung.

Thí dụ trang web nào có đuôi tên miền .edu giúp ta hiểu được trang web đó là về giáo dục.

Còn .vn thì chúng ta biết ngay là người đăng ký này hướng đến người dùng thuộc lãnh thổ Việt Nam và cơ quan quản lý đuôi tên miền cũng thuộc về quốc gia Việt Nam.


#2. Ý nghĩa khác nhau của các đuôi tên miền cấp cao nhất

Mỗi một tên miền cấp cao nhất phục vụ cho mục đích riêng. Có lẽ ít nhiều bạn đã hiểu phần nào ý nghĩa của đuôi .vn hoặc .com do sự phổ biến của chúng.

Xét về quyền, một số tên miền cấp cao nhất mở cho tất cả mọi người đăng ký tự do, chỉ cần cung cấp chính xác thông tin cá nhân là được, trong khi một số khác yêu cầu phải đạt được tiêu chuẩn nhất định.

Tên miền cấp cao nhất được phân thành các nhóm như sau:

  • Tên miền cấp cao nhất dùng chung (gTLD / generic Top-Level Domains);
  • Tên miền quốc gia cấp cao nhất (ccTLD / country-code Top-Level Domains);
  • Tên miền cấp cao nhất cho cơ sở hạ tầng (arpa / infrastructure Top-Level Domains);
  • Tên miền cấp cao nhất đa ngữ (IDNs / internationalized Top-Level Domains);

Với người dùng Việt Nam về cơ bản quan tâm đến hai cái đầu là chủ yếu, nhưng chúng ta vẫn đề cập hai cái sau trong bài viết này.


#3. Tên miền cấp cao nhất dùng chung (gLTD)

Đây là kiểu tên miền phổ biến có khả năng cao bạn thấy quen mặt nhất. Nhiều đuôi mở cho bất kỳ ai muốn đăng ký, ví dụ:

  • .com (thương mại, viết tắt của từ tiếng Anh commercial);
  • .org (tổ chức, viết tắt của từ organization);
  • .net (kết nối mạng, viết tắt của từ network);
  • .name (tên);
  • .biz (doanh nghiệp, kinh doanh, viết tắt của từ business);
  • .info (thông tin, viết tắt của từ information);

Tuy có ý nghĩa ban đầu như vậy, nhưng các tổ chức hoặc cá nhân có thể đăng ký đuôi trên hoàn toàn tự do cho mục đích sử dụng (miễn không trái pháp luật). Dĩ nhiên chính vì thế mà giá trị định hướng nội dung dựa trên đuôi tên miền của nhóm tên miền cấp cao nhất này bị suy giảm mạnh.

Trong nhóm gLTD có phân nhóm nhỏ hơn gọi là tên miền cấp cao nhất được tài trợ (sLTD), và các đuôi tên miền này bắt buộc bạn phải đáp ứng được yêu cầu nhất định mới cho đăng ký chứ không dễ dàng như các đuôi gTLD:

  • .int (quốc tế, viết tắt của international): Được sử dụng bởi các tổ chức quốc tế cho mục đích liên quan đến hiệp ước, yêu cầu phải có số đăng ký của Liên Hiệp Quốc.
  • .edu (giáo dục, viết tắt của education): Giới hạn chỉ cho các tổ chức giáo dục.
  • .gov (chính phủ, viết tắt của government): Giới hạn chỉ cho các tổ chức thuộc chính phủ Hoa Kỳ.
  • .mil (quân đội, viết tắt của military): Giới hạn chỉ cho quân đội Hoa Kỳ.
  • .jobs (việc làm): Phải đăng ký bằng tên hợp pháp của công ty hoặc tổ chức.
  • .mobi (di động, viết tắt của mobile): Có thể phải tuân theo các hướng dẫn tương thích với điện thoại di động.
  • .tel (telnic): Giới hạn lưu trữ những thứ liên quan đến thông tin liên hệ, không phải website.

#4. Tên miền quốc gia cấp cao nhất (ccTLD)

Ví dụ .vn là tên miền quốc gia cấp cao nhất cho Việt Nam. ccTLD dựa trên mã ISO bao gồm chỉ 2 ký tự của quốc gia tương ứng. Bên dưới liệt kết một số tên miền quốc gia cấp cao nhất thường gặp:

  • .cn: Trung Quốc
  • .jp: Nhật Bản
  • .kr: Hàn Quốc
  • .in: Ấn Độ
  • .ru: Liên Bang Nga
  • .us: Hoa Kỳ
  • .ca: Canada
  • .fr: Pháp
  • .de: Đức
  • .nl: Hà Lan
  • .mx: Mexico
  • .br: Brazil

Một số tên miền quốc gia cấp cao nhất có thể mua được dễ dàng từ các nhà đăng ký tên miền lớn. Giá của chúng tùy thuộc rất nhiều vào đuôi tên miền cụ thể muốn mua. Có thể đắt hơn hoặc rẻ hơn các đuôi tên miền cấp cao nhất dùng chung, nhưng thường là đắt hơn (có thể lên đến 20 – 30$ / năm sử dụng).

Tuy nhiên việc đăng ký tên miền quốc gia cấp cao nhất cũng có thể bao gồm theo điều kiện, chẳng hạn bạn phải cư trú, hoặc có hoạt động kinh doanh tại nước sở tại.

Một số đuôi tên miền quốc gia như .co, .tv, .me được một số nhà cung cấp dịch vụ trung gian thỏa thuận với đơn vị quản lý internet của quốc gia đó, và cho phép đăng ký tự do. Giá của những đuôi này thường có giá cao hơn từ 2 – 5 lần các đuôi phổ biến như .com.net


#5. Tên miền cấp cao nhất cho cơ sở hạ tầng (arpa)

Đuôi tên miền này là viết tắt của từ tiếng Anh address and routing parameter area – là kiểu mà người thường như chúng ta ít quan tâm nhất.

Nó được sử dụng cho mục đích cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như phân giải tên miền từ địa chỉ IP cho trước.


#6. Tên miền cấp cao nhất đa ngữ (IDNs)

Đây là đuôi tên miền được hiển thị theo bảng chữ cái của ngôn ngữ bản địa.

ICANN đã thiết lập chương trình IDN để phát triển và quảng bá mạng internet đa ngôn ngữ sử dụng IDN. Chương trình chủ yếu tập trung vào việc lên kế hoạch và triển khai cho tên miền cấp cao nhất IDN, bao gồm cả IDN tên miền quốc gia cấp cao nhất và gTLD. Chương trình IDN cũng hỗ trợ các dự án hướng đến việc sử dụng hiệu quả các IDN ở lớp tên miền cấp hai trong Hệ Thống Tên Miền.

Vì Việt Nam sử dụng bảng chữ cái Latinh, chỉ có vài từ có dấu là khác nên các đuôi viết tắt không dấu không có gì khác biệt cả. Do vậy hầu như chúng ta không ý thức được sự tồn tại của kiểu đuôi IDNs.

Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, hay Nga có bảng chữ cái khác hẳn và họ có đuôi tên miền theo ngôn ngữ riêng, lấy ví dụ .рф là tên miền cấp cao nhất đa ngữ cho Liên Bang Nga.


#7. Các tên miền cấp cao nhất ra đời đầu tiên

Chắc bạn sẽ đoán đúng gần hết danh sách 6 tên miền cấp cao nhất này, chúng bao gồm: .com, .net, .edu. gov, .mil và .org được triển khai vào tháng 01/1985.

symbolics.com là tên miền là tên miền đầu tiên trên thế giới được đăng ký vào ngày 15 tháng 3 năm 1985.


#8. Các tên miền cấp cao nhất nào thường được mọi người đăng ký

Dựa trên thông kê 10 triệu trang web phổ biết nhất của W3Techs thì đây là top10 tên miền cấp cao nhất được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm:

tỷ lệ tên miền cấp cao nhất trong top 10 triệu

Theo đó 3 vị trí cao nhất thuộc về .com, .ru.org

Còn dựa trên thống kê của DomainState (lấy thông tin từ việc quan sát hơn 1000 nameservers hàng đầu) thì số lượng 12 tên miền cấp cao nhất là:

số lượng tên miền cấp cao nhất

Theo đó 3 vị trí cao nhất thuộc về .com, .net.org

Về tên miền quốc gia cấp cao nhất của Việt Nam, VNNIC cũng có thống kê chi tiết như sau:

thị phần tên miền quốc gia cấp cao nhất tại Việt Nam

Theo đó 3 vị trí cao nhất thuộc về .vn, .com.vn.edu.vn

Trong đó 2 đuôi tên miền đầu tiên chiếm thế áp đảo so với phần còn lại với tổng cộng hơn 89% thị phần.


#9. Nên mua đuôi tên miền nào?

Nếu bạn đọc từ đầu thì khi đến phần này hẳn đã có câu trả lời cho chính mình.

Khá dễ để nói rằng .com là đuôi tên miền sáng giá nhất cần lựa chọn trước tiên.

Trong bài viết về cách chọn tên miền hay tôi cũng nói đến việc hướng đến đuôi tên miền phổ biến nhất này.

Tuy nhiên trong một vài trường hợp .com không phải là đuôi tốt nhất cho bạn, chẳng hạn nếu bạn là tổ chức giáo dục, .edu có thể thích hợp hơn.

Một vấn đề thường gặp khác với đuôi .com là vì mọi người đều hướng đến việc dùng nó, nên số lượng tên miền hay, ngắn gọn, nhất là kiểu tên miền chứa từ khóa một phần hoặc toàn bộ có khả năng cao được người khác mua rồi.

Lúc này có hai giải pháp cho bạn:

  • Nghĩ ra tên thương hiệu khác để tiếp tục chọn .com
  • Hoặc vẫn sử dụng tên thương hiệu lúc đầu bạn chọn nhưng thử với các đuôi ít phổ biến hơn như .net, .org, .com.vn, .vn xem có còn không;

Thứ tự ưu tiên về mặt cá nhân của tôi là (hết cái có trước rồi mới chọn đến cái sau):

  • Nếu trang web của bạn dùng để kinh doanh thì nên chọn .com, .vn, .com.vn, .net, .org
  • Nếu trang web của bạn chỉ dùng để cung cấp thông tin thì nên chọn .com, .net, .org, .vn

Ngoài ra hiện có rất nhiều đuôi tên miền mới ra đời để bạn lựa chọn, bạn có thể chọn chúng nếu các đuôi trên không còn hoặc bạn cảm thấy đuôi mới thích hợp hơn. Các đuôi mới này khá chuyên biệt nên bạn cần lựa chọn cẩn thận, thêm vào đó phải cân nhắc đến tính phổ biến của chúng, rất nhiều đuôi tên miền mới hầu hết mọi người chưa gặp lần nào, và có thể làm họ e ngại khi truy cập (lo ngại spam, lừa đảo).

Comments are closed.

Back to Top