Categories Tên miền

Tên miền của top 100 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam: Đuôi sử dụng và tình trạng bị đầu cơ

tên miền của May Việt Tiến bị đầu cơ

Các doanh nghiệp lớn thông thường sở hữu nhiều đuôi tên miền nhằm phục vụ các mục đích khác nhau và để tránh bị các đối tượng xấu (có thể bao gồm đối thủ) lợi dụng thương hiệu của họ trên internet.

Giá của tên miền cũng không đắt, nên các doanh nghiệp hay áp dụng thực hành này cho các đuôi quan trọng nhất.

Đuôi mà các doanh nghiệp hướng đến bao gồm:

  • .com
  • .vn
  • .com.vn

Lựa chọn .com phù hợp với thông lệ quốc tế, trong khi .com.vn cũng phù hợp quy định chung về việc đăng ký tên miền cho tổ chức kinh doanh của VNNIC (đuôi khác cũng được khuyến khích cho hoạt động kinh doanh là .biz.vn – nhưng thực tế có ít người đăng ký).

Về mặt thống kê tổng quát tất cả các đuôi được đăng ký, đuôi .vn và .com.vn cũng được sử dụng áp đảo so với phần còn lại:

thị phần tên miền quốc gia cấp cao nhất tại Việt Nam
Nguồn ảnh: VNNIC

Hôm nay tôi sẽ khảo sát tên miền của 100 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Dữ liệu liên quan đến bảng xếp hạng được công bố công khai tại trang web của VNR500.

VNR500 cung cấp thông tin tới 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu, nhưng trong thống kê này tôi chỉ chọn ra 100 doanh nghiệp đầu tiên.


Mục tiêu

  • Giả định các doanh nghiệp thích các đuôi .com, .com.vn và .vn có chính xác?
  • Có đúng thực là các doanh nghiệp hay mua nhiều đuôi tên miền khác nhau hay không?
  • Tỷ lệ, số lượng sở hữu từng đuôi tên miền khác nhau (.com, .com.vn, .vn)?
  • Nếu sở hữu nhiều đuôi khác nhau, các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng đuôi nào, các đuôi không sử dụng có thực hiện chuyển hướng không?
  • Tỷ lệ, số lượng các tên miền nghi ngờ không sở hữu được là do bị đầu cơ?
  • Cuối cùng là các phân tích khác liên quan như nguyên nhân bị đầu cơ, các tên miền ít ký tự, vân vân

Định nghĩa

Tên miền chính thức: Được định nghĩa là tên miền mà công ty đang chính thức cung cấp dịch vụ / sản phẩm / thông tin. Trong trường hợp công ty sở hữu nhiều tên miền khác nhau và đều đang hoạt động, thì tên miền chính thức được tính là tên miền mà công ty xác nhận là đại diện chính thức cho công ty (ví dụ CÔNG TY CP ĐẦU TƯ THẾ GIỚI DI ĐỘNG sở hữu đồng thời nhiều tên miền như mwg.vn. dienthoaididong.com, dienmayxanh.com, vân vân, nhưng mwg.vn mới là đại diện của công ty).

Trường hợp công ty sở hữu nhiều tên miền và có nội dung trang web giống hệt nhau, trang nào khi được tìm kiếm trên Google xếp trước với từ khóa là tên công ty được tính là tên miền chính thức. Thí dụ công ty CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN XÂY DỰNG HÒA BÌNH có nhiều tên miền trong đó có hoabinhcorporation.com và hbcr.vn có nội dung giống hệt nhau, nhưng khi tìm kiếm tên công ty xuất hiện trang web hoabinhcorporation.com đầu tiên, thì đây được tính là tên miền chính thức.

Mặc dù trong bảng kê của VNR500 có điền thông tin về website, nhưng bị thiếu nhiều doanh nghiệp nên tôi có tiến hành tìm lại thủ công, tuy nhiên may mắn cho chúng ta là đa phần các doanh nghiệp đều đã online và việc tìm kiếm trang web của họ rất dễ dàng.

Tên miền khác đuôi: Là tên miền có cùng tên với tên miền chính thức nhưng khác đuôi, ví dụ vingroup.com là tên miền khác đuôi của tên miền chính thức vingroup.net. Tên miền khác đuôi có thể được sở hữu bởi công ty hoặc không. Tên miền chính thức nào cũng có tên miền khác đuôi.

Tên miền chuyển hướng: Là tên miền cũng thuộc sở hữu của công ty, là dạng đuôi khác và được trỏ về (redirect) tên miền chính thức.

Tên miền biến thể: Là tên miền rất gần gũi với tên miền chính thức, và thường là cách gọi khác của doanh nghiệp. Ví dụ công ty cổ phần ô tô Trường Hải có thương hiệu chính thức là THACO, là viết tắt theo từ tiếng Anh, và tên miền chính thức là thacogroup.vn. Một tên miền biến thể rất gần: truonghaiauto.com.vn, trong ví dụ này nó cũng thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

Đầu cơ tên miền: Đây là hiện tượng các tên miền đuôi đẹp của doanh nghiệp bị mua trước nhằm mục đích bán lại cho chủ doanh nghiệp hoặc bất cứ ai khác có nhu cầu (như ban đầu đã nói, tôi chỉ xét các đuôi .com, .vn.com.vn, rồi dùng chính dữ liệu để kiểm tra lại giả định của việc ưa dùng các đuôi này có đúng không).

Trong khi đuôi tên miền quốc gia Việt Nam có thể được pháp luật Việt Nam can thiệp bảo vệ giúp doanh nghiệp, việc tên miền quốc tế quan trọng như .com bị mua mất sẽ khó can thiệp hơn nhiều.

Về hành vi đầu cơ tên miền kiếm lời, đây không hoàn toàn là hành vi xấu, nhưng việc nhắm có chủ đích đến tên miền thương hiệu có thể bất hợp pháp và giới săn tên miền đẹp chính thống khuyên không nên thực hiện. Trong khảo sát của tôi về 100 tên miền đắt nhất thế giới, không có tên miền nào là thương hiệu chính thức mà chỉ mang nghĩa chung chung hoặc là viết tắt mang tính gán ghép.

Đầu cơ trong khảo sát lần này chỉ tính cho tên miền chính, hoặc các tên miền mà doanh nghiệp đáng ra phải sở hữu, không tính tên miền biến thể. Một số trường hợp đầu cơ là khá chắc chắn, một số khác là nghi ngờ.

Trong khảo sát này, tên miền bị mua mất nghi là đầu cơ khi thỏa mãn một trong các tiêu chí sau (hoặc kết hợp giữa chúng):

  • Rao bán lại công khai
  • Không sử dụng chính thức
  • Thông tin WHOIS bị ẩn
  • Tên của doanh nghiệp có khả năng bị trùng rất thấp
  • Mua sau thời điểm doanh nghiệp thành lập hoặc mua sau thời điểm tên miền chính thức được mua

Tên miền không được doanh nghiệp sở hữu: Ở đây tính cả hai trường hợp là đã bị người khác mua mất và đang để trống chưa có bất cứ người nào mua.

Năm thành lập của doanh nghiệp: Dựa trên thông tin trong bảng kê khai của VNR500.

Năm mua tên miền: Năm tên miền được mua gần đây nhất. Dựa trên thông tin WHOIS công khai.

Tôi phát hiện ra rằng, nhiều doanh nghiệp đổi tên trong quá trình phát triển của họ, do vậy khoảng cách giữa năm thành lập và năm mua tên miền không phản ánh hoàn hảo mức độ thức thời về việc gia nhập thế giới trực tuyến.


Phương pháp thực hiện

Đa phần các thông tin trên sẽ phải tiến hành kiểm tra thủ công từng tên miền một. Chỉ có một số thông tin có thể tính toán nhanh (như tỷ lệ sử dụng đuôi .vn)

Để kiểm tra xem doanh nghiệp có sở hữu các tên miền khác đuôi tôi sử dụng dịch vụ WHOIS, kết hợp với việc truy cập trực tiếp các tên miền đó.

Dịch vụ WHOIS của các tên miền Việt Nam có thông tin rất rõ ràng về chủ thể sỡ hữu. WHOIS của tên miền quốc tế đôi khi không rõ, tuy nhiên thông tin không rõ ít khi xảy ra, và trường hợp đó nếu có thường phản ánh tên miền không thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

Kiểm tra các tên miền được thực hiện vào ngày 13/12/2017 đến 18/12/2017. Dữ liệu của VNR cũng được lấy trong năm 2017.


Công cụ sử dụng

  • WHOIS các tên miền Việt Nam: whois.inet.vn
  • WHOIS quốc tế: vn.godaddy.com/whois
  • Lịch sử DNS, để tra cứu lần mua xa nhất có thể của tên miền quốc tế: completedns.com/dns-history/

Báo cáo các kết quả rút ra từ khảo sát.

A. Tuyệt đại đa số các doanh nghiệp sử dụng một trong 3 đuôi .com, .com.vn và .vn làm tên miền chính thức cho công ty

Dựa trên tên miền chính thức của doanh nghiệp, chúng tôi có kêt quả thống kê sau:

3 đuôi phổ biến chiếm chủ yếu tên miền chính thức

5% ngoại lệ còn lại bao gồm:

  • 2 tên miền .net
  • 1 tên miền .net.vn
  • 1 tên miền .znn.vn
  • 1 công ty không có trang web

B. Giả định các công ty mong muốn sở hữu NHIỀU đuôi tên miền khác nhau là chính xác

Chỉ tính riêng 3 đuôi đã nêu, đa số doanh nghiệp đều sở hữu từ 2 đuôi trở lên:

70 phần trăm sở hữu từ 2 đuôi trở lên

Trong đó có 19% sở hữu cả 3 đuôi, thống kê cụ thể số lượng từng đuôi có ở hình bên dưới:

số lượng đuôi sở hữu cụ thể

Khác ở đây bao gồm 1 công ty không có trang web và 1 công ty không sở hữu bất cứ đuôi nào trong 3 đuôi phổ biến trên.


C. Phần lớn doanh nghiệp sử dụng đuôi .com.vn làm tên miền đại diện chính thức

Tiếp đến là đuôi .vn, còn .com xếp cuối cùng:

đuôi tên miền được sử dụng nhiều nhất

Tuy nhiên rất có thể công ty muốn dùng đuôi .com hoặc .vn làm tên miền chính thức nhưng họ không thể mua được nữa. Do vậy để công bằng hơn, tôi thực hiện một so sánh nhỏ: Trong trường hợp doanh nghiệp sở hữu cả 3 đuôi, họ sẽ dùng đuôi nào?

Kết quả cho thấy, dù .com.vn vẫn chiếm vị trí đầu, đuôi .com chỉ kém một chút, và .vn ở vị trí khá xa:

đuôi tên miền được ưa thích nhất

Chúng tôi tự hỏi, các đuôi được mua nhưng không dùng làm tên miền chính thức thì được dùng vào việc gì? Và phát hiện chúng được dùng vào 3 việc sau:

  • Chuyển hướng đến tên miền chính (redirect), chúng tôi tính chuyển hướng cả trong trường hợp hai trang có nội dung giống hệt nhau
  • Vận hành song song, chúng tôi chỉ tính vận hành song song khi hai trang cùng hoạt động nhưng có nội dung khác nhau
  • Không sử dụng, được tính là khi chúng tôi truy cập trực tiếp nhưng không có bất cứ thông tin nào

Tỷ lệ cụ thể như hình bên dưới:

tỷ lệ mục đích sử dụng đuôi tên miền khác

Có thể thấy đa số doanh nghiệp mua các đuôi khác để bảo vệ thương hiệu dù để chuyển hướng hay hiện chưa dùng. Chỉ 3% là có nhiệm vụ mới.


D. Số lượng sở hữu của từng đuôi

Vì nhiều lý do khác nhau doanh nghiệp không thể (đôi khi là không muốn) sở hữu cả 3 đuôi, dưới đây là bảng tổng hợp số lượng sở hữu từng đuôi của 100 công ty:

thống kê số lượng từng đuôi tên miền được sở hữu

Chưa có nổi 30 doanh nghiệp sở hữu tên miền đuôi .com, đuôi này sẽ rất quan trọng nếu doanh nghiệp phát triển ra các thị trường nước ngoài. Tất nhiên không phải họ không muốn mua, mà đến lúc cần thì đã bị người khác mua trước rồi.


E. Hiện tượng đầu cơ tên miền không hiếm

Theo thống kê của chúng tôi, có 34 tên miền có dấu hiệu bị đầu cơ tương đối rõ, số lượng đuôi cụ thể như sau:

đuôi tên miền bị đầu cơ

Không có gì bất ngờ khi đuôi .com bị đầu cơ nhiều nhất, vì tên miền quốc tế này dễ mua hơn và cũng khó can thiệp hơn khi xảy ra tranh chấp.

Có 2 trường hợp đầu cơ cần phải phân biệt:

  • Tên miền đầu cơ do người mua chủ đích nhắm đến thương hiệu, thí dụ Công ty Vinamilk không thể sở hữu tên miền vinamilk.com do bị người khác mua đầu cơ từ năm 2002
  • Tên miền đầu cơ do người mua trước chọn tên miền đẹp, ít ký tự. Trường hợp này họ không chủ đích nhắm đến thương hiệu, thí dụ như psd.com hoặc seabank.com

Số lượng tên miền đầu cơ thực tế có thể nhiều hơn, vì có những doanh nghiệp bị đầu cơ toàn bộ đuôi quan trọng và không thể sử dụng tên miền tương ứng thương hiệu (sẽ được tôi nói kỹ hơn ở mục H. Các trường hợp bị mất tên miền thương hiệu).


F. Số lượng từng đuôi tên miền không thể sở hữu nhưng không phải do đầu cơ

Thống kê của chúng tôi cho thấy có khoảng 50 tên miền bị mua từ trước nhưng không phải vì lý do đầu cơ, hầu hết do hiện tượng trùng tên công ty. Thêm vào đó các doanh nghiệp nào có tên viết tắt hoặc tên gọi ngắn chỉ từ 3 – 5 ký tự rất dễ không còn tên miền, nhất là đuôi .com (có những tên được mua từ năm 1995 – trước cả khi internet chính thức được kết nối tại Việt Nam năm 1997):

đuôi tên miền không thể mua không do đầu cơ

G. Đuôi nào được mua sớm nhất, muộn nhất?

Chúng tôi dựa vào năm mua tên miền thuộc sở hữu của các doanh nghiệp và tính ra năm trung bình được mua, kết quả đuôi .com được mua sớm nhất, trung bình: 2006,3 (vào khoảng tháng 4 năm 2006)

Độ chậm trễ của các đuôi khác so với .com như sau (trục tung là độ trễ tính bằng năm):

.vn được mua muộn nhất

Như vậy, năm trung bình được mua giữa các đuôi .com, .com.vn và của đuôi chính thức không chênh nhau là bao, chỉ từ 1 – 2 tháng, nhưng đuôi .vn cách khá xa, trung bình phải hơn 2 năm sau doanh nghiệp mới mua đuôi này.

Các kỷ lục về mua sớm bao gồm:

  • .com: Nguyễn Kim mua sớm nhất trong danh sách, tên miền nguyenkim.com được ghi nhận đăng ký từ năm 1999
  • .com.vn: May Việt Tiến mua sớm nhất trong danh sách, tên miền viettien.com.vn được ghi nhận đăng ký từ năm 1998
  • .vn: FPT mua sớm nhất trong danh sách, tên miền fpt.vn được ghi nhận đăng ký từ năm 2000

H. Các trường hợp bị mất tên miền thương hiệu

Hầu hết các doanh nghiệp sẽ mua được ít nhất một đuôi tên miền trùng với thương hiệu của mình, tuy vậy cũng có một số doanh nghiệp phải sử dụng tên miền khác hoặc tên miền xấu hơn (ví dụ như có dấu gạch ngang) do các đuôi quan trọng đã bị mua hết (có thể do bị đầu cơ hoặc trùng tên).

Một số trường hợp cụ thể:

  • CÔNG TY CP Y DƯỢC PHẨM VIMEDIMEX sử dụng tên miền khác hoàn toàn là vietpharm.com.vn, các tên miền tương ứng thương hiệu đều có chủ sở hữu khác
  • CÔNG TY TNHH TỔNG CÔNG TY HOÀ BÌNH MINH sử dụng tên miền viết tắt hbm.com.vn vì các tên miền tương ứng với thương hiệu là hoabinhminh.com (.com.vn và .vn) đều đã bị mua mất
  • NGÂN HÀNG TMCP BẮC Á phải sử dụng tên miền có dấu gạch ngang là baca-bank.vn vì bacabank.com (.com.vn và .vn) đều đã bị mua bởi người khác

Chúng tôi còn quan sát thấy ít nhất 3 trường hợp nữa cũng không thể dùng tên miền tương ứng thương hiệu.

Đây là tình cảnh không doanh nghiệp nào mong muốn, đặc biệt nếu công việc kinh doanh của họ phụ thuộc nhiều vào sự hiện diện trên thế giới trực tuyến.


Kết luận

Thông tin đáng tiếc nhất mà tôi không thể phát hiện được trong khảo sát này đó là khoảng cách giữa năm thương hiệu ra đời và năm họ có mặt lần đầu trên thế giới online. Tôi tin chắc rằng nếu khoảng cách này càng lớn, khả năng bị mất các đuôi tên miền đẹp càng cao.

Khảo sát trên khó thực hiện vì năm ra đời của thương hiệu không phải lúc nào cũng giống với năm ra đời của doanh nghiệp. Chẳng hạn Vingroup thành lập từ năm 1993 với tên ban đầu là Technocom, nhưng thương hiệu Vingroup chỉ có từ cuối năm 2011 khi doanh nghiệp tuyên bố đổi sang tên thương hiệu mới. Trong khi có những công ty cung cấp thông tin lịch sử hình thành và phát triển rất rõ ràng thì cũng có những nơi thông tin sơ sài. Rất khó nhận biết được trong quá trình hình thành từ sơ khai họ đã đổi tên lần nào hay chưa.

Dĩ nhiên điều tốt nhất mà doanh nghiệp nên làm là mua tên miền trước khi chính thức tuyên bố thành lập, trong danh sách 100 doanh nghiệp trên tôi chỉ thấy vài ba nơi thực hiện được. Ví dụ điển hình nhất là VietJet Air họ đều đã mua thành công 3 tên miền tương ứng với thương hiệu trong cùng năm thành lập (vietjetair.com, vietjetair.com.vn, vietjetair.vn), tuy nhiên cũng có một điều rất đáng tiếc là họ không sở hữu các biến thể rất gần gũi với thương hiệu (vietjet.com, vietjet.com.vn, vietjet.vn đều đã bị mua mất).

Một quan sát khác mà tôi thấy khá thú vị (theo hướng kỳ lạ) đó là các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp nặng hoặc B2B rất ít quan tâm đến thương hiệu online, điều này thể hiện qua việc họ thường đăng ký tên miền muộn sau khi doanh nghiệp thành lập cũng như website sơ sài, hình thức xấu và nhiều khi còn bị lỗi trình bày.

Tặng thêm: Nếu người đọc đang có ý định mua tên miền, tham khảo các bài viết sau có thể sẽ hữu ích:

Back to Top