Categories WordPress

5 biện pháp tăng tốc WordPress có hiệu quả nhưng KHÔNG dễ triển khai

triển khai khó khăn

Tăng tốc WordPress là một tập hợp rất nhiều thứ cần làm. Kết hợp chúng với nhau khéo léo bạn sẽ có được trang WordPress có tốc độ tốt nhất có thể.

Tuy nhiên các biện pháp này không giống nhau, có những cái dễ triển khai hơn nhiều những cái còn lại. Bài viết này tập trung vào các biện pháp tuy có hiệu quả nhưng không hề dễ triển khai chút nào.

Nghe cũng thú vị đúng không? Chúng ta bắt đầu ngay nhé.


1. Máy chủ cao cấp

Google CloudAmazon Cloud có lẽ là những người nổi bật nhất trong mảng máy chủ cao cấp, nhờ uy tín thương hiệu, tốc độ nhanh thực sự và uptime rất cao.

Tuy nhiên triển khai WordPress trên các máy chủ này có 2 vấn đề chủ yếu:

  • Nó không thân thiện trong việc cài đặt
  • Giá đắt với cách tính tiền phức tạp

Giải pháp thay thế? Các máy chủ dưới đây có thể không phải tốt nhất, nhưng nó cũng nằm trong nhóm hàng đầu rồi:

Ưu điểm là giá cả rất thân thiện, tốc độ và uptime cũng tốt. Việc triển khai dễ dàng cho phần lớn người dùng thông qua các app có sẵn.

Nếu bạn có điều kiện kinh tế, và vẫn muốn dùng máy chủ của Google, Amazon thì có 2 dịch vụ dưới đây có thể tham khảo:

  • Cloudways
  • Closte (máy chủ Google, CDN Google, và web server là LiteSpeed)

2. CDN cao cấp

CDN là biện pháp tăng tốc rất hiệu quả. Với gói cao cấp vẫn là hai cái tên từ Google (Cloud CDN) và Amazon (CloudFront).

Tuy nhiên chúng cũng gặp vấn đề tương tự như máy chủ cao cấp đó là giá thành.

Giải pháp thay thế? Có nhiều dịch vụ CDN có giá cả tốt và dễ cài đặt hơn nhiều, chẳng hạn:

  • KeyCDN (Kinsta đang hợp tác)
  • BunnyCDN (Có giá thành rất hấp dẫn)
  • CloudFlare (Rất dễ cài đặt, bảo mật hơn và có gói miễn phí)
  • CDNSun (có PoP ở Việt Nam)
  • Và nhiều dịch vụ CDN trong nước

P/S: nếu website của bạn chọn được server gần đa số người dùng và nó không thường xuyên nhận được lưu lượng truy cập tăng đột biến (tăng hơn 3 lần so với thông thường) thì việc sử dụng CDN có thể không cần thiết và gây lãng phí.

Ví dụ trang web blog của bạn nhận được lưu lượng truy cập ổn định là 100 ngàn view/tháng và người dùng đa số ở Việt Nam. Bạn có thể chọn VPS khoảng hơn 20$ có máy chủ đặt tại Singapore là ổn. Tích hợp CDN trong trường hợp này thường không cần thiết.


3. WebP

Ảnh WebP là định dạng ảnh mới do Google phát triển, giúp tiết kiệm dung lượng ảnh đáng kể trong khi chất lượng hầu như giữ nguyên.

Tuy nhiên triển khai WebP có khó khăn là hiện nó vẫn không được tất cả các trình duyệt hỗ trợ, đặc biệt là Safari, và một số trình duyệt khác trên di động. Điều này khiến người ta buộc phải dùng song song, hệ quả: nảy sinh các đoạn mã phức tạp để nhận diện trình duyệt và đưa ra định dạng ảnh thích hợp. Bạn còn gặp vấn đề đối với việc cài đặt plugin cache vì không phải cache nào cũng tương thích và hỗ trợ cho WebP. Cũng vậy, hiện không phải mọi dịch vụ CDN đều hỗ trợ WebP. Một mớ bòng bong rối rắm!

Giải pháp thay thế? Đúng, WebP là định dạng ảnh tốt hơn JPG và PNG về khía cạnh tốc độ, nó đã được chứng minh, và tôi thừa nhận điều đó. Tuy nhiên, nếu bạn không thực sự thành thạo, am hiểu thì việc triển khai WebP sẽ vô cùng cực nhọc và có thể gây nhiều lỗi nghiêm trọng với người dùng và cả SEO nữa.

Triển khai CDN sẽ giúp bạn có tốc độ tải ảnh tốt hơn đáng kể, mà không phải dùng WebP. Hơn nữa WebP cũng chỉ tỏ ra có hiệu quả với website có nhiều ảnh (hoặc/và có lưu lượng truy cập rất lớn), còn với những trang chỉ có từ 1 đến 3 bức ảnh (và lưu lượng truy cập website không lớn), lợi ích tăng không đáng kể, đặc biệt là khi so sánh với những rủi ro mà bạn phải đối mặt.

Cuối cùng chọn một plugin nén ảnh chất lượng giúp bạn tạo ra được bức ảnh có dung lượng tốt không kém WebP là bao mà vẫn giữ được định dạng cũ tương thích với tất cả các trình duyệt.


4. Critical CSS

Được dùng để tăng tốc WordPress thông qua việc loại bỏ CSS chặn hiển thị mà chỉ lọc ra các CSS quan trọng nhất cho nội dung thuộc màn hình đầu tiên.

Nó có hiệu quả không? Thực sự có. Critical CSS làm tăng tốc độ cảm nhận của người dùng lên rất nhiều nếu triển khai chính xác.

Nhưng tại sao triển khai Critical CSS không dễ dàng?

Vì ngay cả với các plugin tốt như WP-Rocket việc tạo ra các file Critical CSS vẫn làm website bị giật khi load, và hiệu ứng này thật khó chịu (hiện tượng này còn phụ thuộc vào theme của bạn nữa, nhiều người khác lại rất khen WP-Rocket trong khoản tạo ra được Critical CSS, không những thế mà còn là Critical CSS cho các trang khác nhau/blog/trang sản phẩm/trang thư mục/trang chủ).

P/S: Quan điểm của tôi về critical CSS đã thay đổi nhiều. Tôi giờ không xếp nó vào diện quá khó để triển khai nữa, mà độ khó ở tầm trung bình. Sự thực thì critical CSS cho khả năng cải thiện tốc độ website cực kỳ tốt đặc biệt trong bối cảnh các theme WordPress ngày càng phức tạp, cộng với rất nhiều plugin cài cắm thêm, làm xuất hiện các tệp CSS chặn hiển thị rất nhiều.

Giải pháp thay thế? Chọn giao diện được tối ưu hóa tốc độ (ví dụ như Astra) là cách đơn giản nhất để hạn chế CSS chặn hiển thị mà không quá mất công. Tuy nhiên nếu bạn cài nhiều plugin không để ý đến vấn đề này thì nó có thể vẫn tạo ra các CSS chặn hiển thị ngoài ý muốn.


5. Các Script cài đặt máy chủ tốc độ cao

Webinoly, Centmin Mod, EasyEngine là các Script giúp bạn cài đặt máy chủ trên nền NGINX tốc độ cao, và thực sự thì đúng như vậy, ngoài ra nó còn miễn phí nữa. Tuy nhiên tất cả đều yêu cầu sử dụng dòng lệnh, và cần thời gian khá nhiều để tập luyện cũng như thành thạo. Dòng lệnh có nghĩa là nếu bạn sai một ký tự, ứng dụng của bạn có thể sẽ không chạy được nữa!

Giải pháp thay thế? Hãy sử dụng các Control panel dạng thao tác click thay vì sử dụng dòng lệnh. Ứng cử viên hoàn hảo bao gồm:

  • CyberPanel kết hợp với OpenLiteSpeed cho tốc độ rất tốt (nó cũng miễn phí, và bạn có thể cài đặt dễ dàng trên DigitalOcean)
  • GridPane với Nginx FastCGI hoặc Redis cũng cho tốc độ rất cao (nó có gói miễn phí với Redis cache cho tốc độ rất tốt)
  • SpinupWP, RunCloud cũng có thể là những giải pháp hấp dẫn với tốc độ khả quan
  • Cuối cùng là Plesk nếu bạn không thể triển khai được các biện pháp trên (cài đặt rất dễ dàng trên các VPS như Vultr, nó cũng có phiên bản miễn phí nữa)

Bonus

Tối ưu hóa database trong WordPress có thể đem lại cải thiện rất hiệu quả nếu thực hiện trên các website đồ sộ hoặc/và đã sử dụng trong một thời gian dài.

Tuy nhiên việc can thiệp database khó khăn ở chỗ:

  • Các plugin tự động như Advanced Database Cleaner dù rất hiệu quả nhưng vẫn gặp rất nhiều giới hạn chỉ có thể giải quyết khi người tối ưu có kiến thức căn bản về database cũng như WordPress.
  • Can thiệp database nếu sơ ý có thể làm hỏng nhiều chức năng của trang, thậm chí bạn làm hỏng mà không ý thức được điều đó, vì hỏng một bảng database nào đấy có thể không dễ thấy bên ngoài giao diện.

Giải pháp thay thế? Bạn nên bắt đầu với các biện pháp tối ưu database đơn giản trước, chẳng hạn như loại bỏ các revisions, một kỷ lục mà tôi từng có trên một website là 5000 revision! Một cách đơn giản nữa là loại bỏ các dữ liệu hiện không cần thiết mà plugin thu thập lưu vào database (các dữ liệu này thường có thể xóa sau khi phân tích) hoặc chọn cách thu thập ít dữ liệu hơn.


Kết luận

Những biện pháp tăng tốc WordPress mà tôi nói ở trên không phải là không thể triển khai được, cũng không phải là nó không đem lại hiệu quả cao, phần lớn là những nền tảng quan trọng giúp bạn tăng tốc website (ngoại trừ WebP, hiệu quả tăng tốc của WebP chỉ được xếp ở mức trung bình).

Tuy nhiên đối với đa số người dùng không quá thành thạo về web, việc triển khai chúng có thể yêu cầu bạn tìm hiểu vô số thứ liên quan khác mà có khả năng không dễ để tiếp thu, hoặc trong trường hợp ít tệ hơn là nó chiếm mất thời gian để bạn làm những việc tốt hơn cho công việc của mình.

OK, nếu bạn thích học tập để triển khai chúng thì không thành vấn đề. Còn nếu không hãy nghĩ đến các giải pháp thay thế, nó kém hiệu quả hơn một chút về mặt nào đó (tốc độ, độ ổn định hoặc chi phí, vân vân), nhưng thường không kém hơn đáng kể.

Back to Top