Categories Content marketing

Tại sao nội dung lan toả: Phân tích 100 triệu bài viết dạy chúng tôi điều gì

tại sao nội dung được chia sẻ

Cách đây vài tuần, ai đó gửi cho tôi đường link tới trang web BuzzSumo. Đó là một mỏ vàng dữ liệu đáng chú ý tiết lộ giữa vô số chủ đề thì nội dung nào được chia sẻ nhiều nhất.

Ozee! Vì thế tôi đã tìm đến công ty để giúp hiểu xem điều gì là thành phần chính làm nội dung được chia sẻ điên cuồng. Bạn có thể thấy một số bài viết liên quan đến chủ đề đó nhưng bài này dựa trên dữ liệu thuần. Sử dụng kiến thức của họ với sự cẩn trọng.

Mến lắm,
Noah


Bắt đầu nào anh em Sumo…

Tại BuzzSumo, chúng tôi đã tiến hành phân tích số lượng lượt chia sẻ trên mạng xã hội của trên 100 triệu bài viết trong 8 tháng qua. Vì vậy, công bằng mà nói, chúng tôi có các ý tưởng khá tốt về nội dung nào nhận được nhiều chia sẻ nhất.

Lúc nào cũng có một số câu hỏi đau đớn mà chúng ta muốn trả lời. Chúng ta tiến lên với các câu hỏi, thách thức các giả định phổ biến về cách thức làm nội dung lan toả:

  • Các bài viết phổ biến nhất đem đến các kiểu cảm xúc nào?
  • Kiểu bài post nào thường nhận được nhiều chia sẻ (danh sách? infographic?)
  • Người đọc thích chia sẻ nội dung ngắn hay nội dung dài? Độ dài lý tưởng là bao nhiêu?
  • Liệu lòng tin có đóng một vai trò quan trọng trong việc ai đó sẽ chia sẻ bài viết hay không?
  • Việc có một bức ảnh trong bài post và không có ảnh nào tạo ra hiệu ứng gì?
  • Việc chỉ cần một người có ảnh hưởng chia sẻ bài viết của bạn có tạo ra khác biệt gì không?
  • Chúng ta cần làm gì để mọi người chia sẻ bài viết sau khi chúng ta xuất bản bài viết vài ngày hoặc thậm chí là vài tuần?
  • Ngày nào trong tuần là ngày tốt nhất để đăng bài?

Tất nhiên, điều kiện tiên quyết để nội dung của bạn nhận được số lượng lớn chia sẻ đó là viết nội dung phải thuyết phục.

Không cái gì thay thế được điều đó. Nhưng một khi bạn đã viết khéo léo, nội dung hữu ích, có một số thứ bạn cần thêm vào để giúp gia tăng khả năng tiếp cận.


1) Nội dung dài nhận được nhiều chia sẻ trên mạng xã hội hơn so với nội dung ngắn. 

Chúng ta đều nghe đến các số liệu thống kê về việc mọi người tiêu thụ nội dung thông qua điện thoại như thế nào. Điều đó có nghĩa là chúng ta viết ngắn hơn thì tốt hơn, nội dung ngắn để đáp ứng với khả năng chú ý thấp, có đúng không?

Chúng tôi phân tích 10% các bài viết được chia sẻ nhiều nhất để kiểm tra xem điều đó đúng đến đâu. Và theo như nghiên cứu của chúng tôi, điều ngược lại mới chính xác. Tính trung bình, nội dung dài thực sự nhận được chia sẻ nhiều hơn nội dung ngắn.

Nếu bạn nhìn vào bảng bên dưới, nội dung càng dài càng nhận được nhiều chia sẻ, với nội dung từ 3000 – 10000 từ trung bình có nhiều chia sẻ nhất (trung bình là 8859 chia sẻ). Không ngạc nhiên, khi số lượng các bài viết ngắn được tạo ra nhiều hơn. Nhiều hơn bao nhiêu? Nội dung dưới 1000 từ có số lượng bài viết nhiều hơn đến 16 lần nội dung có từ 2000 từ trở lên.

nội dung dài được chia sẻ nhiều hơn nội dung ngắn

Điều đó nói với chúng ta điều gì? Nó nói với chúng ta rằng, hầu hết mọi người không muốn tạo ra các bài viết thực sự sâu, được nghiên cứu cẩn thận. Họ đơn giản không muốn bỏ ra thời gian và nỗ lực. Điều đó nghĩa là bạn có thể có nhiều cơ hội hơn để làm điều gì đó. Bởi vì không có nhiều người tạo ra nội dung dài để cạnh tranh với bạn.

Phát hiện của chúng tôi tương hợp với nghiên cứu về các bài đăng nhận được nhiều chia sẻ qua email nhất trên NY Times:  bài viết dài nhận được nhiều chia sẻ qua email hơn bài viết ngắn.

Sự thật là đây, đúng vậy mọi người thích chia sẻ mấy con mèo trông buồn cười và các trào lưu hài hước trên mạng, nhưng họ cũng muốn chia sẻ nội dung trí tuệ, dài. Tốt hơn là bạn nên dành thời gian viết một bài dài hơn là viết nhiều bài ngắn.

Vì có ít cạnh tranh hơn- và như một hệ quả, bài dài dễ dàng nổi bật.

Yếu tố chìa khoá: Hướng đến những bài post có độ dài ít nhất là 2000 từ.


2) Có ít nhất một ảnh trên bài viết giúp bạn có nhiều chia sẻ trên Facebook hơn 

Tất cả chúng ta đều nghe các chuyên gia nói rằng hình ảnh trực quan thuyết phục gia tăng gắn kết, nhưng điều đó chỉ áp dụng với các bài post trên Facebook thôi phải không? Còn về nội dung văn bản thì sao?

Thời điểm này, chúng tôi phân tích tất cả các bài viết chúng tôi quét được trong BuzzSumo để so sánh các con số trung bình về chia sẻ trên Facebook với tiêu chí nội dung có ít nhất 1 ảnh và nội dung không có ảnh nào.

Bảng dưới đây cho biết kết quả chúng tôi tìm thấy:

Bài viết có ảnh dễ dàng được chia sẻ hơn bài không có ảnh

Như bạn thấy đấy, tính trên trung bình các bài với ít nhất một ảnh trong bài post có nhiều người chia sẻ hơn gấp đôi, ở đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có các yếu tố đồ hoạ trộn lẫn với văn bản. Cũng nên lưu ý, chúng tôi không làm bất kỳ phân tích nào về độ hấp dẫn của hình ảnh, nó chỉ liên quan đến việc có ảnh trong bài viết hay không mà thôi.

Còn về thẻ meta mạng xã hội cho Facebook thì sao? Chúng tôi tò mò liệu các nhà xuất bản bổ sung các thẻ này, đặc biệt cho việc xem trước ảnh có nhận được nhiều lượt chia sẻ hơn hay không – tính trên trung bình. Một lần nữa, điều chúng tôi kỳ vọng đã đúng, nhưng chúng tôi muốn thấy kịch bản khác biệt thế nào. Nhân tiện, mặc dù không quen thuộc lắm, nếu bạn muốn Facebook trưng ra một bức ảnh xem trước riêng, bạn cần bổ sung các thẻ meta này trong khu vực <head> của văn bản:

<meta property=”og:image” content=”http://example.com/image.jpg” />

Bài viết có bổ sung thẻ meta ảnh dành riêng cho Facebook nhận được nhiều chia sẻ hơn

Như bạn thấy, bài viết đã được bổ sung thẻ ảnh meta xem trước cho Facebook có nhiều lượt chia sẻ + thích (like) hơn ba lần so với việc không có.

Yếu tố chìa khoá: Bổ sung các thẻ meta mạng xã hội và thêm ảnh vào mỗi bài post! Chúng xác định những gì độc giả tiềm năng thấy trước khi ghé thăm bài viết của bạn.


3) Có ít nhất một bức ảnh trong bài post giúp bạn có nhiều chia sẻ hơn trên Twitter 

Có lẽ là chẳng bất ngờ, kết quả trên cũng rất đúng với Twitter. Các bài post với thẻ ảnh OpenGraph tốt hơn đáng kể trên Twitter so với các bài viết không có:

Trên Twitter cũng cho kết quả tương tự, bài có ảnh sẽ tốt hơn

Yếu tố chìa khoá: Thêm các ảnh vào nội dung của bạn và bài post sẽ giúp bạn có nhiều chia sẻ hơn trên cả Twitter và Facebook!


4) Liên hệ tới các cảm xúc kinh ngạc, hài hước hoặc thích thú. Bên cạnh các lý do ích kỷ khác

Chúng tôi phân tích top 10 000 bài viết được chia sẻ nhiều nhất trên web, và bản đồ hoá mỗi cảm xúc, như vui vẻ (joy), buồn (sadness), giận dữ (anger), thích thú (amusement), cười khoái trá (laughter), thấu cảm (empathy), vân vân. Đây là kết quả biểu đồ cảm xúc:

Các cảm xúc nào được chia sẻ và lan tỏa nhiều nhất

Như bạn thấy, có 3 cảm xúc phổ biến được gọi lên là:

  • Kinh ngạc – Awe (25%)
  • Cười khoái trá – Laughter (17%)
  • Thích thú – Amusement (15%).

[Chú thích của người dịch: Trong khi các từ khác tương đối rõ nghĩa, tôi đang băn khoăn nghĩa của từ Awe có đúng là Kinh ngạc không? Hay nó mang nghĩa Kinh sợ. Hay nghĩa nào khác? Bạn đọc sành tiếng Anh cho lời khuyên nhé]

Ngược lại, cảm xúc ít phổ biến nhất được chia sẻ là nỗi buồn và tức giận, tổng cộng là 7%

* Lưu ý sự khác nhau giữa tiếng cười và sự thích thú đã mờ dần, nhưng chúng tôi định nghĩa, sự thích thú là dạng giải trí mà ở đó không có tiếng cười ồn ào

Tại sao mọi người lại chia sẻ những thứ như cảm giác kinh ngạc, hài hước và sự thích thú? Chúng tôi không biết những lý do khoa học cho điều đó, nhưng tờ New York Times đã làm một nghiên cứu rất chuyên sâu cách đây vài năm. Họ phỏng vấn 2500 người để xác định lý do chính những người này chia sẻ một câu chuyện online. Dưới đây là những lý do chính:

  • Đem đến nội dung có giá trị và giải trí cho người khác
  • Để định nghĩa bản thân họ cho người khác (cho mọi người cảm giác tốt hơn họ là ai)
  • Phát triển và nuôi dưỡng mối quan hệ (vẫn kết nối với người khác)
  • Cho việc tự hoàn thiện (cảm giác tham dự nhiều hơn với thế giới)
  • Để cho mọi người biết lý do họ quan tâm điều gì

Đầy ngạc nhiên và nội dung hài hước chắc chắn thực hiện ba nguyên nhân đầu tiên. Chia sẻ nội dung giải trí đem đến giá trị cho bạn bè của chúng ta, cho người khác biết chúng ta có trải nghiệm điều gì đó hay ho, khuyến khích đối thoại và phản ứng.

Con người cũng chia sẻ cho các lý do ích kỷ, giống như sự kiêu căng.

Trên thực tế, 8 trong 10 bài viết được chia sẻ nhiều nhất trong 8 tháng qua là các bài trắc nghiệm (7 từ BuzzFeed, và 1 từ NY Times).

Tại sao lại là các bài trắc nghiệm. Bởi vì khi chúng ta chia sẻ kết quả của các bài trắc nghiệm, nó cung cấp nhiên liệu cho định danh và bản ngã.

Những người khác sẽ biết được chúng ta là ai, giá trị của ta là gì, và sở thích của ta. Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn chia sẻ bài trắc nghiệm. Bạn có thật lòng nghĩ 90% bạn bè trên Facebook thực sự quan tâm đến nó? Không, nhưng vài người sẽ biết được bạn “cool” thế nào.

Tương tự thế, chia sẻ một bài xã luận về một vấn đề nóng, như đám cưới đồng tính cho người khác biết quan điểm của chúng ta về vấn đề đó.

Như một tài liệu tham khảo, dưới đây là 6 trong 10 bài viết được chia sẻ nhiều nhất trong 8 tháng qua, với trắc nghiệm “Nghề nghiệp nào bạn thực sự phù hợp” đứng vị trí số 1.

Một trong các nội dung được chia sẻ nhiều nhất

Nghề nghiệp nào bạn thực sự phù hợp?

Bạn giống loài chó nào?

Bạn nên sống ở bang nào?

Từ bạn nói tiết lộ bạn thuộc về nơi nào

Thành phố nào bạn nên sống?

Bạn thuộc về thập niên nào?

Yếu tố chìa khoá:

  • Có tính giải trí…không người nào muốn làm bạn bè mình buồn.
  • Các bài trắc nghiệm có hiệu quả…mọi người chia sẻ nội dung giúp họ xác định họ là ai.
  • Có ý kiến…đang gây tranh cãi có thể phân chia các đám đông, nhưng những người đồng ý với bạn có nhiều khả năng sẽ chia sẻ nội dung của bạn hơn.

5) Mọi người thích chia sẻ các danh sách và infographic 

Lúc đầu, chúng tôi muốn xem kiểu nội dung nào mọi người thích chia sẻ. Vì vậy chúng tôi chia bài viết trong phân tích thành sáu dạng:

  • Danh sách
  • Infographics
  • Bài How to (bài viết với nội dung kiểu “làm như thế nào – How to”)
  • Bài What (bài viết với tiêu đề bắt đầu với từ “What – cái gì, điều gì”)
  • Bài Why (bài viết trả lời câu hỏi “tại sao – Why”)
  • Video

Dưới đây là biểu đồ các phát hiện của chúng tôi:

Mọi người thích chia sẻ nội dung dạng danh sách hoặc infographic

*Lưu ý: Tất cả nội dung (All content) là số lượt chia sẻ trung bình của tất cả nội dung mà chúng tôi phân tích, và được xem như là điểm chuẩn để đánh giá.

Điều này có thể một số người đã biết, bài viết dạng danh sách và infographic nhận được nhiều chia sẻ nhất so với các dạng còn lại.

Bất ngờ hơn, các bài viết dạng làm thế nào (how to) và video nhận được chia sẻ ít hơn trung bình.

Có rất nhiều lý do có thể giải thích tại sao bài viết dạng danh sách lại nhận được nhiều chia sẻ hơn. Các danh sách cho người đọc ý tưởng chính xác về chủ đề (ví dụ 10 cách để làm điều gì đó). Chúng cũng dễ dàng để đọc lướt và dễ hiểu.

Cũng tương tự như vậy, các infographic chuyển đổi một lượng lớn thông tin thành dạng đồ hoạ hấp dẫn. Vì thế hãy tạo nội dung của bạn với nhiều hình ảnh hoặc biểu đồ, nhờ đó người đọc không cảm thấy bị đe doạ bởi lượng văn bản quá lớn.

Yếu tố chìa khoá: Nếu bạn viết nội dung dài, nhớ giữ cho nó được đọc quét dễ dàng, và đừng có những khối văn bản quá lớn. Cấu trúc nó dưới dạng bài list (danh sách) là cách đơn giản nhất cho người đọc, nhưng nếu bạn không viết dạng list, cần đảm bảo bạn tạo các đoạn dễ đọc, sử dụng các tiêu đề phụ và các gạch đầu dòng.


6) 10 là con số kỳ diệu cho việc tạo danh sách

Điều này không quá ngạc nhiên: danh sách 10 đầu mục trung bình nhận được nhiều chia sẻ nhất – trung bình là 10,621 chia sẻ trên mạng xã hội. Trên thực tế, chúng được chia sẻ nhiều hơn 4 lần vị trí đứng thứ hai trong bảng thống kê các con số phổ biến nhất được dùng làm danh sách: số 23. Vị trí thứ hai bao gồm đồng hạng 23, 16 và 24.

10 là con số hấp dẫn kỳ diệu khi đặt tiêu đề

Yếu tố chìa khoá: Nếu bạn viết một bài post dạng danh sách, cố gắng làm tròn lên hoặc xuống 10 mục.


7) Mọi người có xu hướng chia sẻ nội dung trông có vẻ đáng tin cậy

Chúng tôi tò mò xem độ tin cậy tạo vai trò như thế nào khi ai đó chia sẻ một bài viết. Vì vậy chúng tôi so sánh số lượng trung bình của các chia sẻ có thông tin tác giả hoặc tiểu sử với các bài viết không có thông tin tác giả hoặc tiểu sử.

Hoá ra độ tin cậy có vai trò quan trọng trên Twitter, Linkdin và Google+, như bạn có thể thấy từ bảng bên dưới đây.

Sự tin cậy ảnh hưởng đến lượt chia sẻ

Các con số được chuẩn hoá về 100, giá trị tuyệt đối của con số không quan trọng, điều quan trọng là sự khác biệt.

Mặc dù vậy, độ tin cậy dường như không tạo khác biệt nào trên Facebook. Bài viết với thông tin tác giả hoặc tiểu sử chỉ có thêm 0,10% lượng chia sẻ so với không có thông tin tác giả/tiểu sử. Ngược lại, với Google+, các bài viết có thông tin tác giả/tiểu sử nhận được thêm 42% lượng chia sẻ so với không có.

Sự thực về độ tin cậy không có vai trò lớn trên Facebook cho thấy cách thức chúng ta chia sẻ các kiểu nội dung khác nhau trên mỗi mạng xã hội. Chúng ta thường chia sẻ nội dung giải trí, hài hước trên Facebook với bạn bè thân thiết.

Nhưng trên Twitter, Linkeden và Google+, hầu hết người theo dõi là những người chúng ta có liên quan về mức độ chuyên nghiệp, nghề nghiệp. Vì vậy chúng ta thích chia sẻ nội dung từ nguồn đáng tin cậy để xây dựng ảnh hưởng trong ngành của chúng ta (thought leadership – một hình thức marketing dựa trên việc chia sẻ nội dung chuyên môn).

Yếu tố chìa khoá: Nhớ có thông tin tác giả ở đầu mỗi bài viết và thông tin tiểu sử ở cuối, điều này làm cho nội dung trông có vẻ đáng tin hơn.


8) Có thêm một người có ảnh hưởng chia sẻ bài viết của bạn tạo ra nhiều hiệu ứng đa dạng

Không phải tất cả người chia sẻ tạo ra kết quả giống nhau. Nếu Oprah (người dẫn chương trình đối thoại trên truyền hình Mỹ) hoặc Tim Ferriss (tác giả của cuốn sách tuần làm việc 4h) chia sẻ bài viết của bạn với người theo dõi họ, nó sẽ tạo ra nhiều lượt chia sẻ lại/thích hơn là một người ngẫu nhiên (bình thường) chia sẻ bài viết.

Người có sức ảnh hưởng tạo ra nhiều ảnh hưởng khác nhau trong việc chia sẻ bài viết

Nhưng làm sao chúng tôi định lượng được mức độ ảnh hưởng? Hãy quên đi Oprah hay cả Tim Ferriss. Điều gì xảy ra nếu một ai đó có mức độ ảnh hưởng trên trung bình chia sẻ nội dung của bạn? Có bao nhiêu người khác sẽ chia sẻ thêm như là hệ quả? Chúng ta có dự đoán được điều ấy không?

Chúng tôi so sánh số lượng chia sẻ trên mạng xã hội của bài viết không có người ảnh hưởng nào chia sẻ với bài viết có từ 1 người ảnh hưởng chia sẻ trở lên.

Để hợp thức hoá điều này, chúng tôi định nghĩa “người có ảnh hưởng” là một ai đó có tỉ lệ chia sẻ lại / số lần chia sẻ thuần của người ấy có giá trị trung bình là 2. Ví dụ, nếu bạn chia sẻ 100 lần tất cả, và có 200 người chia sẻ lại các chia sẻ đó thì tỉ lệ chia sẻ lại của bạn là 2.0 (Con số này nghe có vẻ nhỏ, để so sánh, một người như Noah Kagan có tỉ lệ chia sẻ lại trên Tweeter là 4.5)

Như bạn có thể thấy từ bảng bên dưới, chỉ cần có một người có ảnh hưởng chia sẻ nội dung của bạn làm kết quả chia sẻ tăng lên 31,8%. Nếu có ba người có ảnh hưởng chia sẻ nội dung của bạn, số lượng chia sẻ sẽ tăng lên gấp đôi. Và nếu có năm người có ảnh hưởng chia sẻ nội dung của bạn thì số lượng chia sẻ tăng đến gần bốn lần.

Số lượng người có ảnh hưởng chia sẻ ảnh hưởng thế nào đến lượt chia sẻ của bài viết

Điều ấy tuyệt phải không, nhưng làm thế nào để có được nhiều người có ảnh hưởng chia sẻ nội dung của bạn mà không phụ thuộc vào may mắn từ trên trời rơi xuống?

Một cách là làm việc ngược lại. Thay vì viết nội dung của bạn trước, tìm một nội dung tương tự với cái mà bạn định tạo ra, và xem tất cả những người có ảnh hưởng chia sẻ nó. Sau đó bắt đầu xây dựng mối quan hệ với người có ảnh hưởng trước khi tiến hành khởi động bài post.

Ví dụ cụ thể, chẳng hạn bạn muốn viết một bài về “tối ưu hoá chuyển đổi” (conversion optimization). Với BuzzSumo, bạn có thể tìm tất cả các bài viết được chia sẻ nhiều nhất về chủ đề tối ưu hoá chuyển đổi trong 6 tháng gần đây bằng cách sử dụng chức năng Top Content Search.

Bạn sẽ nhìn thấy danh sách kết quả giống như bên dưới:

Các trang được nhiều người chia sẻ nhất dựa trên một nội dung nào đó

Kết quả đầu tiên có 2039 chia sẻ và nó đến từ trang conversionxl.com. Bạn có thể nhìn thấy người chia sẻ bài viết đó bằng cách click vào nút “View Sharer – Xem Người Chia Sẻ”. Ở đây bạn sẽ thấy danh sách những người chia sẻ bài viết trên Twitter, được sắp xếp theo số lượng chia sẻ lại trung bình. Nói cách khác, nó được sắp xếp theo mức độ ảnh hưởng của họ.

Điều đó giống như thế này:

Những người chia sẻ bài viết

Có hai trường thông tin hữu ích khác bạn có thể thấy với mỗi người chia sẻ, bao gồm cả số lượng người theo dõi mà họ có và tỉ lệ reply – trả lời (tỷ lệ % tweets trả lời trực tiếp ai đó). Trong khi số lượng người theo dõi là số liệu phổ biến mọi người dùng để đo mức độ ảnh hưởng, tuy nhiên nó dễ dàng làm giả. Chỉ số chia sẻ lại dòng trạng thái (retweet) thì khác, rất khó để làm giả nó (hoặc không thể).

Bạn có thể làm điều này với nhiều bài khác để biên soạn ra một danh sách những người có ảnh hưởng bạn muốn chia sẻ nội dung của mình, nhưng một khi bạn có danh sách này, bạn phải cố gắng tiếp cận với mỗi người và đưa họ tham gia vào nội dung của bạn theo một số cách sau:

  • Hỏi họ về một trích dẫn bạn sẽ sử dụng trong bài viết
  • Hỏi họ một câu hỏi để nhận phản hồi về một ý tưởng
  • Liên kết với điều gì đó họ đã viết về chủ đề của bạn

Mọi người thích chia sẻ những gì mà họ có liên quan, thậm chí nếu họ không liên quan trực tiếp. Nếu bạn có thể làm điều này theo cách nào đó, họ sẽ thích chia sẻ bài viết của bạn với fan của họ sau khi bạn xuất bản nội dung.

Phỏng vấn người khác cũng có thể là cách hay nhất để có được sự tham gia của mọi người. Tại BuzzSumo, các bài blog được chia sẻ nhiều nhất có hơn 500 share. Chúng tôi phỏng vấn hơn 40 người trong lĩnh vực SEO và mỗi người trong các cuộc phỏng vấn đều chia sẻ bài đăng đó với khách hàng, fan của họ. Đây là hình chụp màn hình một tweet chúng tôi hỏi mọi người nếu họ muốn phỏng vấn. Hầu hết các phản hồi đều rất tích cực.

hỏi người có ảnh hưởng xem họ có muốn phỏng vấn không

Yếu tố chìa khoá: Kết hợp và hỏi người có ảnh hưởng về nội dung của bạn để tăng đáng kể lượt chia sẻ.


9) Quảng bá lại nội dung của bạn thường xuyên

Điều tiếp theo mà chúng tôi phân tích là tỷ lệ % lượt chia sẻ bị giảm sau khi xuất bản nội dung được 3 ngày. Hầu hết mọi người sẽ chia sẻ bài viết trong vài ngày đầu, sau đó các chia sẻ sẽ giảm từ từ, nhưng mức độ như thế nào?

Kết quả khá chán nản. Sau 3 ngày, trên tất cả các mạng xã hội, số lượng lượt chia sẻ giảm ít nhất 96% cho 4 ngày tiếp sau, với Facebook, lượng chia sẻ giảm nhiều nhất, và Google+/Pinterest giảm ít nhất (nhưng cũng chẳng chênh lệch bao nhiêu).

  • Facebook: giảm 98.9%
  • Twitter: giảm 97.4%
  • LinkedIn: giảm 97.34%
  • G+: giảm 96.7%
  • Pinterest: giảm 96.7%

Sau một tuần, số lượng chia sẻ cho 3 tuần tiếp theo giảm ít nhất 86% so với tuần đầu, với Twitter, lượt chia sẻ giảm nhiều nhất, và Linkedin lượt chia sẻ giảm ít nhất.

  • Twitter: giảm 92.1%
  • G+: giảm 90%
  • Facebook: giảm 89%
  • Pinterest: giảm 86%
  • LinkedIn: giảm 82%

Đây là điều chắc chắn xảy ra, phải không? Vâng, chúng tôi quyết định phân tích sự bất thường – nội dung thực sự được chia sẻ nhiều sau một tuần trôi qua, và xem xem làm sao họ lại tạo ra được kỳ tích như vậy.

Một bài viết trong số đó là bài blog của Evernote xuất bản vào ngày 10 tháng ba chỉ nhận được 23 lượt chia sẻ Facebook sau một tuần. Tuy nhiên, sau một tháng, có tổng cộng 181 lượt chia sẻ, tăng 686% sau 3 ngày.

tại sao một bài viết nhận được nhiều chia sẻ sau một ngày

Sau khi thực hiện một số tìm hiểu, chúng tôi tìm thấy lý do: họ đăng lại bài này sau 11 ngày lên Facebook sau khi nó được xuất bản, như bạn thấy bên dưới:

đăng lại bài viết giúp tăng lượt chia sẻ?

Chúng tôi không có bất cứ dữ liệu chắc chắn nào về khoảng thời gian lý tưởng cần đợi để đăng lại nội dung một lần nữa, nhưng ít nhất một tuần có thể là điểm bắt đầu tốt. Ở đây, Evernote chia sẻ nội dung vào ngày thứ Hai, và chia sẻ lại nó vào ngày thứ Sáu tuần sau đấy. Một chiến lược chắc chắn là quảng bá nội dung bạn viết vào ngày thứ Sáu hoặc các ngày cuối tuần và vào một ngày có khả năng nhận được nhiều chia sẻ hơn như ngày thứ Hai của tuần sau đó. Điều đó giúp đảm bảo tất cả bài viết của bạn nhận được khả năng tiếp cận đồng đều.

Tất nhiên, điều kiện tiên quyết ở đây là bạn cần viết nội dung lúc nào cũng tươi mới, để nó có thể chia sẻ và chia sẻ lại bất cứ lúc nào sau khi bạn xuất bản. 

Nhưng nếu nội dung bài viết cũ của bạn không tươi mới thì sao? Vẫn còn một cách để quảng bá bài viết cũ nếu nó có quan hệ với sự kiện sắp tới. Ví dụ, chúng tôi tìm thấy một infographic về các nhân vật có ảnh hưởng sẽ gặp mặt ở SMWW (một hội thảo về marketing mạng xã hội) có 72 twitter chia sẻ sau một tuần, nhưng có tới 487 twitter chia sẻ sau một tháng. Bí mật của họ là gì?

Infographic được xuất bản lần đầu vào mùng 10 tháng Ba và được chia sẻ lại một lần nữa trên Twitter vào ngày diễn ra hội thảo: 28 tháng Ba. Chia sẻ kịp thời này làm tăng đáng kể lượng chia sẻ trên Twitter.

chia sẻ vào đúng thời điểm tạo ra lượt chia sẻ lại tăng đột biến

Yếu tố chìa khoá: Đừng để nội dung của bạn gây ngạc nhiên chỉ một lần! Đăng lại bài viết cũ sớm nhất là một tuần sau khi đăng lần đầu. Ngoài ra, tìm nội dung cũ có liên quan tới sự kiện/ngày lễ sắp tới, và đăng lại nó vào ngày diễn ra sự kiện.


10) Ngày đẹp trời nhất để chia sẻ nội dung của bạn là ngày thứ Ba

Ngày trong tuần bạn xuất bản nội dung có thể có ảnh hưởng lớn đến số lượng bài đó được chia sẻ. Hãy xem bảng bên dưới, nó cho thấy tổng số lượng chia sẻ theo ngày trong tuần của tất cả nội dung chúng tôi đã phân tích:

Ngày thứ ba là ngày tốt nhất để chia sẻ nội dung

Bạn có thể nhìn thấy rất rõ nhiều nội dung được chia sẻ trong tuần, với việc bắt đầu mỗi tuần có lượng chia sẻ cao nhất. Nói chung, nội dung được chia sẻ nhiều nhất vào thứ Ba hoặc thứ Hai, phụ thuộc vào từng mạng xã hội:

  • Ngày tốt nhất nói chung: Thứ Ba
  • Ngày tốt nhất cho FB: Thứ Ba
  • Ngày tốt nhất cho G+: Thứ Ba
  • Ngày tốt nhất cho Twitter: Thứ Ba
  • Ngày tốt nhất cho Linkedin: Thứ Hai
  • Ngày tốt nhất cho Pinterest: Thứ Hai

Tổng kết

Để tóm tắt, dưới đây là một số hiểu biết dựa trên định hướng dữ liệu bạn cần biết khi muốn tạo ra nội dung có khả năng được chia sẻ nhiều:

  1. Chia sẻ sự các cảm xúc kinh ngạc, tiếng cười hoặc thích thú
  2. Để ý đến cái tôi cá nhân và sự hãnh diện (như các bài trắc nghiệm của BuzzFeed)
  3. Các nội dung dài có ít cạnh tranh và trung bình có nhiều chia sẻ hơn
  4. Bài viết dạng danh sách và infographic nhận được nhiều chia sẻ hơn
  5. Đảm bảo nội dung của bạn có dấu chỉ đáng tin cậy. Có thông tin tác giả, và tiểu sử. Đảm bảo bạn có logo chuyên nghiệp và được thiết kế đẹp
  6. Hoà trộn văn bản với ảnh đồ hoạ hấp dẫn
  7. Chèn thẻ metadata mạng xã hội như thẻ xem trước ảnh cho Facebook
  8. Tiếp cận tới những người có ảnh hưởng trước khi bạn viết nội dung
  9. Quảng bá nội dung của bạn sau khi nó được xuất bản một tuần
  10. Ngày thứ Ba là ngày tốt nhất để xuất bản và quảng bá nội dung

Tất nhiên, một số điều còn phụ thuộc vào thị trường ngách của bạn. Nếu khách hàng mục tiêu của bạn thực sự thích ảnh mấy con mèo ngộ nghĩnh thì viết các nội dung dài có khả năng không có giá trị.

Nếu bạn thực sự muốn biết nội dung nào gây ảnh hưởng cho đối tượng khách hàng mục tiêu, tôi khuyên bạn sử dụng BuzzSumo để tìm chủ đề/ngành của bạn, và xem kiểu bài đăng nào nhận được nhiều chia sẻ nhất.

Bạn thậm chí có thể tìm kiếm tên miền của đối thủ cạnh tranh để biết được kiểu nội dung nào của đối thủ nhận được nhiều chia sẻ nhất. Ví dụ, đây là các bài đăng được chia sẻ nhiều nhất từ blog của Tim Ferriss khi bạn nhập vào trang web fourhourworkweek.com:

Tìm các bài viết được chia sẻ nhiều nhất từ một website nào đó

Bạn có bất kỳ mẹo/kỹ thuật nào giúp nội dung được chia sẻ nhiều nhất có thể?

Chia sẻ mẹo của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé, và chúng tôi sẽ tweet thẻ quà tặng Starbucks cho người có chia sẻ tốt nhất. Chúng tôi cũng cung cấp một tháng sử dụng miễn phí BuzzSumo phiên bản Pro khi chúng tôi khởi động bản Pro cuối năm nay (năm 2014 – khi bài này được viết).

Nhóm BuzzSumo.

(Dịch từ bài viết “Why Content Goes Viral: What Analyzing 100 Million Articles Taught Us” – tác giả: Noah Kagan – Người dịch: Nguyễn Đức Anh)

Back to Top