Categories WordPress

Khi nào thì nên tách website?

chia tách website

Bên cạnh việc đổi tên miền để website có tên miền đẹp, hay hơn thì một vấn đề thường gặp khác của người quản trị là khi nào nên tách ra thành hai (hoặc thậm chí là nhiều hơn) website riêng biệt?

Dưới đây là một số gợi ý dựa trên kinh nghiệm cá nhân:

  • Khi chủ đề trên website đa dạng, và bạn không muốn định vị trang web của mình dưới dạng đa chủ đề như vậy.

Ví dụ như trang Kiến càng, từ đầu tôi chỉ viết về SEO, marketing, sau đó viết thêm về WordPress, rồi tăng tốc website, và lập trình web đơn giản => bắt đầu có dấu hiệu đa dạng thái quá. Tôi quyết định Kiến càng không thể là một trang đủ thể loại như vậy, và tách ra thành 3 trang! Một chuyên về Marketing online, hai cái còn lại chuyên về tăng tốc WordPress và lập trình web.

Định vị thương hiệu là vấn đề rất quan trọng, nó là lý do chính để bạn tách website, nếu không quan trọng chuyện đó, thì để nguyên tất cả trong một sẽ tiện hơn cho bạn trong nhiều thứ.


#1. Tách website có những phiền phức nào?

(1) Điều đầu tiên là chi phí. Tách website nghĩa là bạn sẽ cần mua tên miền mới, cài cho nó một chương trình quản trị web riêng biệt. Nhiều hosting bên cạnh các yếu tố phổ biến như dung lượng, nó còn phân loại chi phí các gói dựa trên số lượng tên miền mà bạn cài đặt. Bạn chia tách càng nhiều, chi phí sẽ càng tăng.

(2) Mất công quản trị hơn. Hai website nghĩa là hai thứ riêng biệt rồi, chứ không chung về một mối như trước đây nữa. Nghĩa là bạn sẽ phải thao tác hàng loạt các tác vụ tương tự và cả khác nhau trên từng trang. Ví dụ backup, thiết lập CDN, DNS, bảo mật, vân vân.

(3) Ảnh hưởng đến thứ hạng. Và đây có thể là vấn đề nghiêm trọng nhất. Nếu bạn tách từ một trang đang có thứ hạng tốt, các chỉ số SEO cao thì khi tách ra trang mới, thứ hạng trang mới sẽ rớt một thời gian và khó trong thời gian ngắn trở về như ban đầu được, mà thường sẽ tụt một hai bậc. Các chỉ số SEO của trang mới cũng kém hơn rất nhiều so với trang ban đầu, vì ở trang cũ, các bài viết chuyển đi có thể “ăn theo” thứ hạng của nhiều bài viết khác, nhưng khi đã tách ra, nó phải tự lo lấy thân nó.


#2. Lợi ích của việc chia tách

(1) Lợi ích quan trọng nhất như đã nói là định vị thương hiệu. Một tên miền mới là một thương hiệu mới, điều mà nếu bạn vẫn ở trang cũ không thể làm được, hoặc rất khó làm trong nhiều trường hợp.

(2) Trông chuyên nghiệp & đáng tin cậy hơn. Đây là lợi thế đặc thù của trang chuyên về nội dung nào đó. Đây là cảm giác của người dùng, và nó thường cũng là thực tế. Bởi vì chính bạn khi chia tách là muốn trang có chuyên môn cho chủ đề đó, ý định đó sẽ làm trang của bạn có nội dung sâu sắc và thú vị hơn.

(3) Tiện hơn cho người dùng trong việc quan tâm đến chủ đề cụ thể. Nếu trang web của bạn chuyên về một chủ đề, người dùng sẽ thấy nó tiện dụng hơn, họ sẽ ở trên trang lâu hơn để khám phá thêm vì có nhiều thứ liên quan họ cũng đang để ý, trong khi trên trang quá nhiều nội dung khác nhau, người dùng dễ lười nhác tìm nội dung khác mà họ cảm thấy phù hợp sau bài viết đầu tiên họ cần.

(4) Dễ quản trị hơn. Vâng đúng vậy, có vẻ mâu thuẫn đúng không ạ? Ở phần trên thì nói khó, phần này thì bảo dễ! Nhưng sự thực đúng như vậy. Việc chia tách vừa làm việc quản trị dễ và khó hơn. Sau đây là lý do. Nó dễ hơn vì bạn dễ có được các thiết kế theo ý của bạn hơn khi chủ đề được tách riêng không còn nằm trên tất cả một trang. Nó giống như việc hai người có lối sống rất khác nhau khó có thể ở chung mãi được, tách ra riêng sẽ thoải mái hơn cho cả hai. Ngoài vấn đề thiết kế các cái khác liên quan cũng tương tự, ví dụ như chức năng.

(5) Giao diện và chức năng dễ tùy biến hơn. Khi nội dung phân mảnh, đồng nghĩa với việc giao diện và chức năng của nó dễ có những nhu cầu riêng biệt mà một trang đồng nhất khó đáp ứng được hết. Chẳng hạn với kiểu nội dung A thì giao diện nên đơn giản tập trung vào chữ, trong khi kiểu nội dung B giao diện nên có tính đồ họa cao. Một ví dụ đơn giản điển hình khác là menu, nếu một trang quá phân mảnh về nội dung, một menu gọn gàng, đẹp mắt rất khó đáp ứng. Nhiều menu thì rối, dễ xấu, và tối tăm, nó khó cho người dùng tìm nội dung.


#3. Tách website trong WordPress

A. Cách đơn giản

Việc tách website trong WordPress tương đối đơn giản, dựa vào công cụ có sẵn Tools > Export (cho ra một file dữ liệu XML). Bạn chọn ra các thư mục muốn tách khỏi website, sau đó Import lại file đó trên website mới để nạp lại dữ liệu text và hình ảnh (tài nguyên media nói chung). Cách này sẽ khôi phục chỉ nội dung mà thôi, sẽ không có theme hay plugin đi kèm. Nó có thể là điều tốt hoặc không tùy ý định và định dạng nội dung của bạn.

Để thuận lợi nhất thì website mới cần phải cài sẵn các plugin hỗ trợ cho nội dung (nếu trước đó nội dung cần các plugin như vậy), ngoài ra mẹo là nên gộp tất cả các bài viết cần tách vào một category nào đấy để việc export sẽ chỉ xuất đúng những bài mà bạn cần mà thôi, cái này sẽ tránh cho bạn phải mất công xóa những bài không cần thiết, hoặc phải nhập thủ công những bài sơ suất chưa export.

B. Cách phức tạp hơn

Cách khác là bạn sao chép toàn bộ nội dung từ website cũ, đẩy ra website mới (sử dụng các plugin kiểu như All in one WordPress migration), sau đó xóa phần nội dung không muốn giữ đi. Cách này cũng có cái hay là nó sẽ không gặp phải các vấn đề như import thiếu media mà công cụ import ở phần trên dễ mắc phải, nhất là trên website nặng.

Nhược điểm của cách này là bạn phải xóa những bài không cần import, kể ra công đoạn này cũng không khó chịu gì cho lắm, chỉ hơi mất công và đòi hỏi phải tập trung xóa cho chính xác là được.

Nhược điểm lớn hơn là sẽ còn nhiều tài nguyên media dư thừa, việc xóa đúng theo cách thủ công sẽ rất mệt mỏi, nên dùng plugin như Media Cleaner để xóa các media không được dùng trong website mới. Nhìn chung độ chính xác của nó rất cao, nhưng không phải không có sai sót, nên bạn vẫn cần kiểm tra lại trước khi xóa.

Cách nào tốt hơn?

Như một câu nói quen thuộc: mỗi cách có ưu và nhược điểm riêng. Nếu nội dung cần tách ít nội dung media thì cách xuất file XML nhờ Tools > Import là cách hay hơn. Tuy nhiên nếu media nặng thì cách tạo một bản sao, rồi xóa đi những nội dung không cần thiết mới chắc ăn và đỡ mất công cho bạn hơn. Vì media nặng rất dễ có lỗi thiếu media hoặc bạn phải tự tin là máy chủ web của mình có chỉ số rất tốt.

C. Thao tác chung

Dù áp dụng cách nào bên trên, thì sau đó bạn vẫn phải làm các thao tác sau:

  • Xóa các bài viết đã import trên website cũ.
  • Chuyển hướng 301 những bài đã import sang website mới. Đây là chuyển hướng từng link cụ thể, vì website cũ thì vẫn còn những bài viết khác. Bạn dùng plugin dạng Redirection để làm việc này.
  • Xóa các media không dùng trên website mới.
  • Cập nhật các liên kết trên cả hai website cũ và mới. Vì bây giờ các link liên kết đến nội dung trên website mới vẫn ở dạng tên miền của website cũ. Bạn cần dùng plugin như Better Search Replace để làm nhiệm vụ này.
  • Cuối cùng luôn cẩn thận backup trước tất cả, bởi vì không chắc quá trình tách sẽ hoàn hảo, lúc này bạn cần dữ liệu để khắc phục, dù có thể chỉ là lấy một phần dữ liệu để bù vào phần còn thiếu, hay cần khôi phục lại toàn bộ.

#4. Tách hay gộp khó hơn

Nếu thuần túy so sánh về mặt kỹ thuật thì tách dễ hơn gộp. Vì trước tách điểm chung của nội dung về nhiều mặt vẫn đủ lớn. Còn khi gộp website, nhiều trường hợp nội dung có sự xa cách tương đối rồi, và việc hoàn chỉnh gộp đòi hỏi khá nhiều thời gian để tạo ra điểm cân bằng chung, từ những thứ đơn giản như ảnh đại diện, menu, mục lục, bài viết liên quan, nút chia sẻ, form bình luận, vân vân cho đến những đặc thù chức năng phức tạp hơn.

Back to Top