Categories SEO

SEO onpage là gì? Cái gì không còn quan trọng nữa?

kỹ thuật SEO onpage

Tóm tắt của người dịch: So với việc xây dựng liên kết (trọng tâm của SEO offpage) thì SEO onpage thường chủ động hơn, ít tốn kém hơn, cả về công sức và (đôi khi là) tiền bạc nữa. SEO onpage cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong viết bài chuẩn SEO. Nhưng có vẻ gần đây các tín hiệu xếp hạng của nó đã thay đổi rất nhiều. 

Các thuật toán của Google luôn luôn phát triển. Nhớ về những ngày tháng quá khứ êm đềm trước đây, bạn chỉ cần “nhồi” một đống từ khóa muốn thăng hạng vào trang web, và rồi chỉ độc điều đấy thôi cũng đủ giúp bạn cải thiện thứ hạng rồi. Dĩ nhiên cái này rất dễ bị lạm dụng, thao túng (manipulation).

Cách đây vài năm, chúng ta đã có Hummingbird, Rank Brain, tìm kiếm ngữ nghĩa và nhiều công nghệ tiện lợi khác – Google đã phát triển vượt xa việc chỉ đơn giản là tìm kiếm xem bạn có từ khóa trong thẻ tiêu đề hay không.

Và bên cạnh đó, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng các website thường được xếp hạng ở trang đầu của Google thậm chí còn không có từ khóa (đối sánh chính xác) được đề cập trong bất cứ phần nào trong nội dung của chúng.

Vậy thì phải chăng điều đó có nghĩa là bạn chẳng cần lo nghĩ gì nữa đến việc tối ưu hóa trang cho một từ khóa cụ thể nào đấy? Và giờ chỉ việc để Google tự khai phá nội dung của bạn về cái gì là ổn rồi phải không?

Vâng, chúng tôi (Ahrefs- tác giả gốc) đã nghiên cứu mối tương quan của các yếu tố SEO onpage khác nhau với thứ hạng trên Google thông qua tìm kiếm 2 Triệu từ khóa ngẫu nhiên và mặc dù tương quan không ngụ ý nhân quả, những điều rút ra được rất thú vị trong nhiều trường hợp.


A. SEO onpage là gì?

SEO onpage liên quan đến một loạt các thực hành tốt nhất nhằm tối ưu hóa trang web mà bạn có thể áp dụng lên các trang web của mình theo thứ tự để nâng cao thứ hạng của nó trong kết quả của máy tìm kiếm.

Phần lớn những lời khuyên về SEO onpage, mà bạn có thể thấy khắp mọi nơi trên interner hiện nay xoay quanh việc sử dụng khớp chính xác cho từ khóa bạn muốn thăng hạng cho nó trong một vài vị trí “chiến lược” trên trang web như: Thẻ tiêu đề (headline), H1, thẻ mô tả meta description, nội dung, vân vân.

Thế nhưng, kiểu lời khuyên này đã thực sự lỗi thời rồi, bởi vì ngay trong thập kỷ trước, Google đã tinh vi đến mức hiểu được các từ đồng nghĩa (và sự liên quan tổng thế của trang), nghĩa là bạn không còn phải ám ảnh về việc sử dụng từ khóa khớp chính xác (exact match keyword) nữa.

Khi những người mới bước vào nghề SEO chọn lấy một từ khóa để thăng hạng, họ có thể quan sát trang SERP (trang kết quả tìm kiếm) và thấy rằng không có trang nào trong top 10 là được tối ưu SEO onpage “hoàn hảo” cho việc khớp từ khóa chính xác cả:

liệu có đúng chỉ có một trang được tối ưu hóa SEO onpage

Đây chẳng phải là cơ hội tuyệt vời để thăng hạng các trang web được “tối ưu hóa hoàn hảo” của chúng ta hay sao?

Tôi e là KHÔNG.

Thực tế là các trang này không có khớp chính xác từ khóa trong nhóm các vị trí “chiến lược”, không có nghĩa là chúng không liên quan đến truy vấn tìm kiếm.

Theo dữ liệu của chúng tôi, việc sử dụng khớp từ khóa chính xác trong Tiêu đề, URL, H1 hoặc thậm chí là cả bên trong nội dung thực tế của trang không có mối tương quan lớn với thứ hạng trên Google.

Nếu chúng tôi nghiên cứu việc sử dụng từ khóa “khớp chính xác một phần”, từ đồng nghĩa và các từ khóa LSI – các kết quả có khả năng cao sẽ khác.

Nhưng SEO onpage không chỉ có mỗi việc sử dụng từ khóa bạn muốn thăng hạng trong nội dung của trang đúng không ạ?

Nó cũng ngụ ý một vài việc tối ưu hóa “chung” khác cần làm để trang của bạn đẹp hơn trong con mắt của máy tìm kiếm (và cả người tìm kiếm), thí dụ như:

Vì vậy hãy xem xét tất cả các tương quan của những yếu tố SEO onpage này và so sánh chúng với các yếu tố backlink:


B. Các yếu tố SEO onpage tương quan thế nào với thứ hạng trên Google

các yếu tố SEO onpage

Đến thời điểm này tôi đã đề cập hơn một lần rằng tương quan không phải là nhân quả.

Các mối tương quan này cho bạn thấy các đặc điểm chung nào của trang có xu hướng xếp hạng tốt, nhưng chúng không nhất thiết ngụ ý rằng những trang này được xếp hạng tốt là nhờ các đặc điểm đó.

Mối tương quan được đo trên trang đo từ -1 đến 1 với “0” có nghĩa là “không có mối tương quan nào cả”. Và như bạn có thể thấy, tất cả các yếu tố phổ biến SEO onpage mà chúng tôi nghiên cứu đều khó đạt 0,1 điểm.

Bạn có thể thấy rõ rằng rằng các yếu tố SEO onpage xoay quanh việc sử dụng khớp chính xác từ khóa trong một số vị trí “chiến lược” của trang cho thấy có mối tương quan rất nhỏ.

LƯU Ý. Chúng tôi không nghiên cứu mỗi tương quan của các từ khóa “khớp chính xác một phần”, từ đồng nghĩa và “từ khóa LSI” ở thời điểm này. Nhưng một khi chúng tôi làm điều đó – chúng tôi sẽ cập nhật thêm dữ liệu cho bài viết này.

Một đồ hình thú vị khác là:

các yếu tố backlink và các yếu tố SEO onpage

Như vậy là có sự khác biệt rất lớn trong tương quan, gợi ý rằng các backlink có ảnh hưởng lớn hơn nhiều lên việc trang của bạn được thăng hạng so với khớp chính xác từ khóa trong bài viết.

Nhưng cho dù các nghiên cứu dữ liệu của chúng tôi gợi ý rằng việc sử dụng khớp chính xác từ khóa trên trang có mối tương quan rất nhỏ với thứ hạng trên Google, điều đó không có nghĩa là bạn nên ngưng hoàn toàn việc sử dụng nó.

Vậy hãy quan sát từng yếu tố SEO onpage một và thảo luận xem bạn có nên hay không nên quan tâm đến nó.

Lưu ý: Nghiên cứu của chúng tôi dựa trên mẫu 2 Triệu từ khóa, nhưng có những lúc chúng tôi giảm con số này xuống để nghiên cứu cô lập một số yếu tố.

Với phần lớn thí nghiệm bên dưới, chúng tôi cố gắng loại trừ ảnh hưởng của backlink bằng cách tập trung vào các trang SERP mà top 10 trang hàng đầu có DR (Domain Rating) và UR (URL Rating) tương đương nhau (độ lệch chuẩn là nhỏ hơn 30% giá trị trung bình của chúng).

Với mỗi thí nghiệm, chúng tôi tính toán 4 tương quan:

  1. Qua toàn bộ từ khóa
  2. Chỉ những từ khóa có khối lượng tìm kiếm cao (có trên 50 ngàn tìm kiếm mỗi tháng)
  3. Chỉ những từ khóa có khối lượng tìm kiếm trung bình (từ 20 ngàn tới 50 ngàn tìm kiếm mỗi tháng)
  4. Chỉ những từ khóa có khối lượng tìm kiếm thấp (dưới 20 ngàn tìm kiếm mỗi tháng)

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về phương pháp nghiên cứu của bất kỳ thí nghiệm nào dưới đây, bạn chỉ cần đăng nó vào phần comment cuối bài viết này.


C. Vai trò của việc sử dụng khớp chính xác từ khóa trong SEO onpage

Đầu tiên hãy xem việc sử dụng khớp từ khóa chính xác trong một số vị trí “chiến lược” trên trang tương quan với thứ hạng trên Google như thế nào.

TL;DR: các kinh nghiệm của chúng tôi với việc sử dụng từ khóa khớp chính xác ở các vị trí khác nhau trên trang (code) cho thấy có một mối tương quan rất nhỏ với thứ hạng trên Google.

1. Từ khóa trong tên miền

sử dụng từ khóa trong tên miền

Quay lại năm 2012, khi Google phát hành bản cập nhật để giảm giá trị của cái gọi là EMDs (Exact Match Domains / Khớp Chính Xác Tên Miền).

Bằng cách xem xét biểu đồ trên, chúng ta có thể thấy rằng dường như EMDs vẫn đóng một vai trò nhất định, bởi rõ ràng có sự “nhảy vọt” trong vị trí số 1.

Nhưng tôi tin rằng sự “nhảy vọt” này có nguyên nhân từ cái gọi là “từ khóa thương hiệu”.

Lấy ví dụ, nếu bạn tìm kiếm trên Google cho từ khóa “addicting games” – bạn sẽ nhận thấy rằng nó thực sự là một thương hiệu cho một trang website về game phổ biến, là trang xếp hạng số 1 cho từ khóa này:

trang web thương hiệu

Mối tương quan là 0.0877 có thể xem là khá cao (so với các yếu tố SEO onpage khác), nhưng nếu chúng tôi tính toán lại nó khi bỏ đi vị trí số 1, tôi chắc chắn là con số này sẽ sụt giảm đi nhiều.

Cần lưu ý là chúng tôi không chỉ tập trung vào duy nhất các tên miền EMDs, mà còn tính đến bất kỳ website nào chứa chính xác từ khóa trong một phần tên miền của nó.

LỜI KHUYÊN

Bạn có thể “chiếm lĩnh” một từ khóa nào đó bằng cách sử dụng nó trong tên miền của bạn và xây dựng thương hiệu quanh nó không?

Được, bạn có thể chứ!

Tôi đã làm điều đó với plugin WP của tôi có tên là “Content Upgrades Pro” và đặt cho nó ngôi nhà có tên contentupgradespro.com”.

Và nó thăng hạng khá tốt cho từ khóa “content upgrades” – ngoại trừ việc thực tế là nó không thể xếp trên bài viết của Brian Dean – trang này thậm chí gần như không tối ưu hóa cho từ khóa này (nhưng lại có rất nhiều backlinks):

trang kết quả tìm kiếm 1

Vậy thì từ khóa khớp chính xác tên miền có là một tín hiệu xếp hạng mạnh? Tôi không nghĩ như vậy.

Ý kiến của người dịch: thực tế có nghiên cứu cho thấy tên miền có từ khóa ảnh hưởng tích cực đến tỷ lệ click trên máy tìm kiếm. Điều này có vẻ không có gì lạ về mặt cảm quan, người dùng rõ ràng thấy một tên miền có từ khóa có tính liên quan cao hơn so với các tên miền không có gì. Và thực hành lựa chọn tên miền hay có từ khóa cũng không phải lựa chọn gì hiếm gặp, rất nhiều người áp dụng và thành công. Điều lưu ý ở đây là tránh chọn tên quá chung chung vì nó sẽ làm mất đi tính thương hiệu, một điều cực kỳ quan trọng trong thế giới cạnh tranh nội dung như hiện nay. Một điều chắc chắn khác, tên miền dù có hay thế nào, có từ khóa ra sao, mà nội dung dở tệ thì cũng không đem lại tác dụng gì đáng kể về lâu dài. Người ta có thể yêu bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng có sống với bạn lâu dài hay không thì cái nhìn đầu tiên đó không phải là giấy đảm bảo.


2. Từ khóa trong URL

sử dụng từ khóa trong URL

Thật thú vị, trong số tất cả các yếu tố SEO onpage “liên quan đến từ khóa” mà chúng tôi nghiên cứu, chỉ có đặc tính này cho thấy mối tương quan âm.

Vậy có nghĩa là Google không còn sử dụng “từ khóa trong URL” như là một tín hiệu xếp hạng nữa? (Và chúng ta không cần quan tâm đến yếu tố SEO onpage này phải không? -N/D)

Vâng, chỉ vừa mới đây thôi, John Mueller của Google đã tuyên bố như sau:

Tôi tin rằng nó là một tín hiệu thăng hạng rất nhỏ. Vì vậy nó không phải là cái gì đó tôi thực sự cần cố gắng. Và nó không phải là cái gì đấy đáng giá đến mức bạn phải cấu trúc lại trang của bạn chỉ để có được các từ khóa trong URL.

– John Mueller, Webmaster Trends Analyst tại Google

LỜI KHUYÊN

Tại Ahrefs, chúng tôi có sự ủng hộ vô cùng lớn với cái gọi là URL có tính mô tả.

Dưới đây là lý do:

#1 Bạn có thể copy/paste URL có tính mô tả vào trong các cuộc thảo luận trực tuyến và mọi người sẽ biết trang của bạn nói về điều gì thậm chí trước khi click vào trang:

URL có tính mô tả 2

#2 Đây là kiểu liên kết tự động chứa từ khóa bạn nhắm đến trong văn bản neo của nó:

từ khóa nhắm đến nằm trong văn bản neo

#3 Google sẽ tự động làm nổi bật từ khóa bạn tìm kiếm trong URL của đoạn trích tìm kiếm:

từ khóa trong URL được làm nổi bật

Vì thế nếu bạn vẫn sử dụng URLs dạng như thế này ten-mien-cua-toi.com/?product_id=7924Gh” – bạn chắc chắn phải nghĩ lại về định dạng này.

Nhưng cũng giống như tuyên bố của John Mueller – Tôi không tin rằng việc thay đổi các URL có từ trước của bạn bằng cách bao gồm từ khóa mục tiêu sẽ dẫn đến bất kỳ lợi ích đáng kể nào trong việc xếp hạng.


3. Từ khóa trong thẻ tiêu đề (title)

từ khóa trong tiêu đề

Như bạn có thể thấy khi nhìn vào biểu đồ này, phần lớn các trang được thăng hạng lên trang đầu của Google không được khớp chính xác từ khóa trong thẻ “tiêu đề”.

Buồn cười là, thậm chí cả kết quả ở vị trí số 2 cho từ khóa “SEO onpage” [bản gốc tiếng Anh, từ khóa là “on page SEO”] cũng không phải là khớp chính xác từ khóa trong thẻ “tiêu đề”:

khớp chính xác từ khóa trong thẻ tiêu đề

Lưu ý: Như David đã chỉ ra trong thảo luận của chúng tôi về trải nghiệm này, tiêu đề của Moz trên hình chụp màn hình của tôi có tất cả ba từ của từ khóa nhắm đến, nhưng nó không sắp xếp theo thứ tự chính xác.

Nhưng trong nghiên cứu này chúng tôi chỉ nghiên cứu ảnh hưởng của “từ khóa khớp chính xác hoàn toàn” và bỏ qua từ khóa khớp chính xác một phần hoặc từ đồng nghĩa.

Nếu bạn cuộn chuột xuống bên dưới trang SERP, bạn sẽ thấy rằng Tiêu đề của trang xếp hạng 4 và hạng 6 cũng không được tối ưu hoàn hảo.

Vậy điều đấy có nghĩa là “SEO onpage” là từ khóa dễ dàng thăng hạng nếu bây giờ bạn sử dụng “từ khóa khớp chính xác” trên trang của mình.

Không đúng chút nào!

LỜI KHUYÊN

Tìm kiếm bất cứ từ khóa nào trên Google và bạn sẽ nhận thấy rằng các từ khóa không còn được bôi đậm nổi bật trong tiêu đề của đoạn trích tìm kiếm; trước đây thì có mặt nhưng giờ không còn tiếp tục được dùng nữa:

từ khóa không còn được bôi đậm trong tiêu đề

Điều này có thể gợi ý rằng Google đã giảm tầm quan trọng của việc có được từ khóa khớp chính xác trong tiêu đề.

Có vẻ như họ muốn người tìm kiếm thực sự đọc Tiêu đề bài viết trước khi quyết định click vào cái nào, hơn là chỉ lướt nhanh chóng để tìm từ khóa chính xác được bôi đậm.

Vậy thì có phải là tôi khuyên bạn nên đưa từ khóa nhắm đến vào trong Tiêu đề của trang?

Tôi sẽ nói rằng nó còn tùy.

Bạn thường có thể tạo một tiêu đề rất hấp dẫn mà không có từ khóa trong đó nhưng nó vẫn có thứ hạng tốt:

tiêu đề không phải là vấn đề

Nhưng việc sử dụng từ khóa khớp chính xác trong thẻ Tiêu đề của trang sẽ làm nó có thứ hạng tốt hơn?

Có lẽ là không!

Tất nhiên là trừ khi trang của bạn không có bất cứ nội dung nào khác và Tiêu đề là manh mối duy nhất Google có thể dựa vào.

Giống như kinh nghiệm này của Distilled, trong đó việc nhắm đến một từ khóa khác trong Tiêu đề và các thẻ H1 của trang thực sự cải thiện lưu lượng truy cập tìm kiếm.

Tuy nhiên tôi sẽ quay lại bình luận về kinh nghiệm này trong phần bàn về thẻ H1.


4. Từ khóa xuất hiện sớm trong phần đầu của Tiêu đề

từ khóa xuất hiện sớm trong phần đầu của tiêu đề

Tôi muốn nghiên cứu yếu tố xếp hạng SEO onpage này trong điều kiện cô lập, vì thế chúng tôi chỉ nhìn vào trang kết quả SERP khi mà từ khóa xuất hiện trong tiêu đề của cả 10 kết quả đầu tiên.

Và kết quả từ kinh nghiệm cho thấy có mối tương quan tích cực rất nhỏ.

LỜI KHUYÊN

Con số tương quan ẩn dưới trải nghiệm trên cho thấy Google thực sự sử dụng nó như là một trong các yếu tố xếp hạng (nhưng rất rất yếu).

Nhưng tôi tin rằng sử dụng từ khóa khớp chính xác ở phần đầu của Tiêu đề không đem lại cho bạn bất kỳ lợi thế đáng kể nào so với các trang không làm vậy.

Vì thế nếu bạn thấy Tiêu đề của các trang nằm trong top trên SERP không bắt đầu với từ khóa nhắm đến – thì cũng đừng nên cho rằng đây sẽ là cơ hội thăng hạng dễ dàng cho bản thân.


5. Từ khóa trong thẻ mô tả Meta Description

Đầu tiên chúng tôi nghiên cứu xem có bao nhiêu trang SERP trong dữ liệu mẫu của chúng tôi có nội dung trong thẻ “meta description”:

trang có thẻ meta description

Biểu đồ trên cho thấy là hầu hết các trang xếp hạng trong top 10 Google không có nội dung trong thẻ meta description.

Điều này ngụ ý rằng viết nội dung cho thẻ meta description không quan trọng cho thứ hạng của bạn (nó không còn là yếu tố SEO onpage đáng kể nữa -N/D)

Sau đó chúng tôi lấy phân đoạn SERP mà tất cả đều có 10 thẻ “meta description” được viết nội dung và nghiên cứu xem việc sử dụng khớp chính xác từ khóa trong những thẻ này tương quan thế nào với xếp hạng:

sử dụng từ khóa trong thẻ meta description

Và một lần nữa, hơn 50% thẻ meta description được viết mà không có từ khóa nhắm đến bên trong, thêm vào đó mối tương quan với thứ hạng trên Google rất gần với giá trị 0.

LỜI KHUYÊN

Bạn có nên viết nội dung cho thẻ “meta description” cho mọi trang trên website của bạn hay không?

Tôi khuyên là có, nhưng yếu tố SEO onpage này không quan trọng trong việc có được thứ hạng tốt.

Trong phần lớn trường hợp, Google sẽ bỏ qua nội dung trong thẻ “meta description” và chỉ lấy ra một phần trích đoạn ngắn từ nội dung trang của bạn (cái mà nó nghĩ là liên quan nhất đến truy vấn của người dùng):

Google không lấy nội dung từ thẻ meta description

Tôi cũng không thích thú gì khi viết nội dung cho thẻ “meta description”, do vậy chúng tôi chỉ đánh bóng nó cho các trang quan trọng nhất trên website:

vẫn viết mô tả cho các trang quan trọng

Nhìn chung, tôi không tin rằng việc sử dụng khớp từ khóa chính xác bên trong thẻ “meta description” sẽ giúp cải thiện thứ hạng trang của bạn.

Vì thế bạn có lẽ không cần đưa yếu tố này vào khi phân tích cơ hội của bạn để được thăng hạng cho từ khóa nào đấy.

Ý kiến của người dịch: meta description là một trong các yếu tố SEO onpage cổ nhất trên website mà hiện nay ít người còn sử dụng, kể cả những chuyên trang về SEO. Một trong những lý do cho điều này là vì nó thực sự không còn quan trọng khi các máy tìm kiếm có khả năng tóm tắt nội dung tốt hơn. Thứ hai, viết meta description không dễ, đặc biệt khi so sánh với khả năng của các công cụ tìm kiếm bây giờ. Lời khuyên là nếu bạn cảm thấy thoải mái và tự tin về một bài viết nào đó, hãy viết meta description, còn không thì cứ để yên, máy tìm kiếm sẽ biết tự làm công việc của nó.


6. Từ khóa trong Tiêu đề (thẻ H1)

từ khóa trong thẻ H1

Gần như 85% các trang được xếp hạng trong top10 Google không có từ khóa bên trong thẻ H1 (dựa trên dữ liệu mẫu của chúng tôi).

Tôi đoán phần lớn là do sử dụng không đúng thẻ H1 trong layout của trang web – dữ liệu của chúng tôi cho thấy trên 70% trang web được xếp hạng trong top10 Google không có thẻ H1 bên trong.

Điều khá buồn là phần lớn những người phát triển web vẫn chưa quen thuộc với các kỹ thuật SEO cơ bản.

LỜI KHUYÊN

Có phải là tôi khuyên bạn nên sử dụng từ khóa nhắm đến trong Tiêu đề của trang?

VÂNG, đúng vậy!

Dưới đây là lý do:

#1 Viết tiêu đề chính xác giúp nâng cao trải nghiệm người dùng và khả năng đọc quét trên trang của bạn. Đây là cách người xem có thể nhanh chóng đoán biết được rằng họ đang ở đúng nơi hay không và tiếp tục đi sâu vào nội dung của trang, tất cả những điều này được phân loại thành “các yếu tố xếp hạng dựa vào hành vi”.

#2 Bằng cách đóng khung tiêu đề của bạn xoay quanh từ khóa hoặc cụm từ cụ thể bạn có thể tác động đến cách mọi người liên kết đến trang của bạn:

đóng khung tiêu đề backlink

Và như bạn đã biết, văn bản neo của backlink (và rất có thể là cả các từ xung quanh nó nữa) chắc chắn có ảnh hưởng đến các từ khóa mà trang của bạn muốn được thăng hạng.

Nhưng có phải tôi cho rằng sử dụng từ khóa khớp chính xác trong thẻ H1 trong trang của bạn là đủ mạnh như một tín hiệu thăng hạng trong chính bản thân nó?

KHÔNG, tôi không nghĩ vậy.

Tất nhiên là trừ khi thẻ H1 là nội dung độc đáo duy nhất có trên trang của bạn, và từ khóa bạn nhắm đến là từ khóa có đuôi rất dài.

Giống như trong trải nghiệm của anh chàng đến từ Distilled mà tôi đã đề cập trước đây:

Thẻ H1 Hotel
Nội dung của thẻ H1 gần như là nội dung độc đáo duy nhất có trên trang này, phần còn lại của trang là phần chung

Vậy tôi có khuyên bạn sử dụng từ khóa mà bạn muốn thăng hạng bên trong thẻ H1 không?

Vâng, tôi có khuyên. (lý do vì những gì tôi đề cập ở trên)

Chú thích thêm của người dịch: Trong bài viết có 2 lần nhắc đến tiêu đề, tuy nhiên ý nghĩa của 2 tiêu đề là khác nhau.

Cái thứ nhất là title tag, tiêu đề trong thẻ title, tiêu đề này có tác dụng cung cấp nội dung cho thanh toolbar trình duyệt, còn dưới góc độ SEO, nó cung cấp tiêu đề bài viết trong kết quả trả về của máy tìm kiếm, và thường kèm luôn tên thương hiệu của trang.

thẻ title

Còn headline H1, tiêu đề trong thẻ H1, là tiêu đề mà người xem nhìn thấy trên trang khi truy cập vào trang đó.

Thẻ H1 headline

7. Sử dụng từ khóa trong tiêu đề phụ (thẻ H2)

sử dụng từ khóa trong tiêu đề phụ

Ở thời điểm này có đến hơn 93% các trang được xếp hạng trên top 10 Google không có từ khóa nhắm đến bên trong thẻ H2 của họ (dựa trên mẫu dữ liệu của chúng tôi).

Vì thế lời khuyên sẽ rất rõ ràng và đơn giản.

LỜI KHUYÊN

Tôi không nghĩ rằng việc sử dụng từ khóa khớp chính xác trong thẻ H2 trang của bạn sẽ dẫn đến bất kỳ sự gia tăng thứ hạng có ý nghĩa nào.

Vì thế khi viết tiêu đề phụ tôi khuyên là bạn nên nghĩ đến người đọc của mình hơn là máy tìm kiếm.


8. Từ khóa bên trong nội dung

từ khóa bên trong nội dung

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng gần 75% các trang được xếp hạng trong top 10 Google thậm chí không có đến một lần đề cập tới từ khóa khớp chính xác trong nội dung của họ (dựa trên dữ liệu mẫu của chúng tôi).

Và mối tương quan của yếu tố này trên trang với thứ hạng trên Google rất gần với giá trị 0.

Ban đầu chúng tôi còn muốn nghiên cứu mối tương quan của một khái niệm quen thuộc (good old) đó là “mật độ từ khóa / keyword density”, nhưng sau khi thấy các con số này thì điều đó không còn ý nghĩa gì nữa.

LỜI KHUYÊN

Google gọi RankBrain là một trong ba yếu tố quan trọng nhất trong thuật toán xếp hạng của họ bên cạnh liên kết và nội dung.

Đây rõ ràng là một gợi ý khác cho những người làm SEO rằng họ nên dừng ám ảnh với việc có bao nhiêu từ khóa khớp chính xác được sử dụng (tần suất) trên trang và chuyển sự tập trung vào việc tạo ra nguồn thông tin giải đáp hoàn hảo ý định của người dùng ẩn dưới một truy vấn nhất định.


9. Sử dụng từ khóa trong 100 từ đầu tiên trên bài viết

từ khóa trong 100 từ đầu tiên

Để nghiên cứu mối tương quan của yếu tố SEO onpage này trên trang chúng tôi chỉ xem xét các trang SERP nào mà cả 10 kết quả trả về đều có ít nhất một từ khóa xuất hiện trong nội dung.

Và trong 80% trường hợp, chúng tôi thấy rằng từ khóa có xuất hiện trong 100 từ đầu tiên.

Mặc dù vậy sự tương quan hầu như không tồn tại.

LỜI KHUYÊN

Lời khuyên của tôi ở phần này không khác biệt so với cái trước.

Khi viết nội dung cho trang web của bạn, đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải tập trung vào giúp đỡ người tìm kiếm, hơn là lo lắng về vị trí nào trên nội dung trang phải xuất hiện từ khóa khớp chính xác.


10. Từ khóa trong thẻ ALT của hình ảnh

từ khóa trong thẻ ALT của hình ảnh

Đây là một trường hợp khác khi phần lớn (trên 70%) các trang được xếp hạng trong top 10 Google không có từ khóa nhắm đến trong các thẻ “alt” của hình ảnh. Và thực tế là có trên 50% trang chúng tôi thấy nằm trong top 10 Google không có thẻ alt bên trong nó.

Nhưng hãy thận trọng lưu ý là nghiên cứu chúng tôi đã thực hiện là về các kết quả tìm kiếm thông thường.

Còn với Google Image Search, kết quả cũng như mối tương quan có khả năng cao là rất khác biệt.

LỜI KHUYÊN

Thẻ ALT là thẻ bạn nên sử dụng để mô tả nội dung cho ảnh của bạn.

Điều này là bởi vì văn bản đó sẽ được sử dụng sau này nếu ảnh của bạn không tải được hoặc người ghé thăm sử dụng chương trình đọc màn hình (có thể vì họ bị khiếm thị).

Rất có thể mô tả thẻ “alt” sẽ giúp hình ảnh của bạn xếp hạng cao trên Google Image Search (tuy nhiên chúng tôi không nghiên cứu điều này).

Nhưng việc nhồi từ khóa bạn muốn thăng hạng vào thẻ alt không chắc tạo ra sự khác biệt đáng kể nào.

Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về SEO ảnh bạn có thể đọc bài viết này.

Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong việc điều tra nhóm các yếu tố SEO onpage ngụ ý cần sử dụng khớp chính xác từ khóa trên trang.

Phần tiếp theo là…

Ý kiến của người dịch: nhiều công cụ tìm kiếm bây giờ có khả năng đọc hình ảnh rất tốt, và có lẽ đã chạm ngưỡng so với việc để người dùng tự mô tả bức ảnh. Tuy nhiên tôi cho rằng vì cả lý do công nghệ và chi phí việc bỏ viết thẻ ALT bây giờ là điều dại dột. Có thể 10 năm nữa bạn sẽ làm thế được, khi máy tìm kiếm sẽ đọc ảnh tốt hơn bạn tự mô tả nó, giống như cách mà thẻ meta description trước đây làm, hồi xưa nó rất quan trọng, giờ thì không.


D. Các yếu tố SEO onpage chung khác

Trong phần này chúng ta tiếp tục xem xét các yếu tố SEO onpage khác độc lập với từ khóa mà bạn muốn thăng hạng.

Trong một số trường hợp chúng thực sự cho thấy mối tương quan tốt hơn với xếp hạng trên Google so với các yếu tố “phụ thuộc vào từ khóa”.

Nhưng chúng vẫn rất yếu ớt khi so sánh với các yếu tố backlink.

1. Tuổi của bài viết / post / page

Lưu ý: bạn đừng nhầm lẫn tuổi của trang / bài viết / post / page với tuổi của tên miền. Tên miền có thể 5 tuổi, nhưng nếu một trang (nội dung) mới xuất bản cách đây 30 ngày thì tuổi của trang đó chỉ là một tháng mà thôi.

tuổi của trang web

Vượt lên trên tất cả các yếu tố SEO onpage khác mà chúng tôi nghiên cứu, tuổi của trang (bài viết) cho thấy mối tương quan tốt nhất với thứ hạng trên Google.

Lưu ý. Đừng diễn giải điều này theo kiểu “trang càng lớn tuổi nó càng có thời gian để nhận được nhiều backlink hơn”, bởi vì như chúng tôi đã nói ở phần trước về phương pháp nghiên cứu, tất cả các yếu tố SEO onpage được tìm hiểu qua SERPs với các trang web nằm trong kết quả có số lượng backlink tương đồng, vì thế chúng ta có thể loại bỏ ảnh hưởng này của chúng.

Chúng tôi cũng nghiên cứu từ một góc độ khác – bằng cách xem xét tỷ lệ trang web ít hơn 1 năm tuổi.

Và đây là kết quả chúng tôi nhận được:

trang ít hơn 1 năm tuổi

LỜI KHUYÊN

Dữ liệu bên trên (cũng như kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi) cho thấy các nội dung mới xuất bản cần một khoảng thời gian để đi đến được trang đầu tiên của Google.

Vì thế nếu bạn cần phát triển lưu lượng tìm kiếm tự nhiên nhanh chóng, xem xét việc đầu tư thời gian và nguồn lực vào các bài đăng cũ trên website của bạn – những trang vốn đã được xếp hạng cho rất nhiều từ khóa (dù vị trí của hiện tại của nó thấp – N/D).

Với một chút nỗ lực, bạn có thể đẩy chúng lên cao trên các kết quả tìm kiếm.

Dưới đây là cách:

  1. Cập nhật nội dung trên các trang này, hãy làm chúng không bị lỗi thời
  2. Đảm bảo rằng trang của bạn khớp khít với “ý định của người tìm kiếm” tốt hơn bất cứ trang nào trong top10.
  3. Thay đổi ngày cập nhật cuối cùng trên trang
  4. Quảng bá nó như cách bạn làm với các trang mới xuất bản
  5. Xây dựng liên kết mới

2. Sử dụng HTTPS

Triển khai cái này rất đơn giản, và trong phần lớn trường hợp bạn không tốn kém chi phí gì ngoài vài phút cài đặt.

sử dụng https

Có đến hơn 80% các trang được xếp hạng 1 trên Google không sử dụng kết nối bảo mật SSL (dựa trên mẫu dữ liệu của chúng tôi).

Nhưng cùng lúc bạn có thể thấy rõ ràng rằng tỷ lệ các trang có kết nối https trong vị trí từ 1 – 3 cao hơn so với các trang trong vị trí từ 4 – 10.

Vậy bạn có nên xem xét việc chuyển qua dùng https hay không?

LỜI KHUYÊN

Quay lại thời điểm 2014, Google chính thức tuyên bố rằng họ sử dụng HTTPS như là một tín hiệu thăng hạng.

Và nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng “https” có mối tương quan với thứ hạng trên Google (mặc dù chỉ một chút).

Đây là lý do vì sao chúng tôi khuyên bạn nên làm cho trang web của bạn bảo mật hơn.

Đặc biệt trong trường hợp bạn thu thập bất cứ thông tin cá nhân nào từ người xem (kiểu nhập form email, họ tên, số điện thoại hoặc cao cấp hơn như số thẻ tín dụng – N/D).

Tuy nhiên thành thật mà nói thì không chắc rằng việc chuyển sang https sẽ dẫn đến bất cứ sự gia tăng thứ hạng đáng kể nào, nhưng ít nhất người ghé thăm trang web sẽ lưu ý đến “https” trong địa chỉ trang web và nhận thức rằng trang của bạn đáng tin cậy hơn.


3. Tốc độ tải trang

Ý kiến của người dịch: tốc độ tải trang tốt chắc chắn sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích hơn, vấn đề chỉ là đừng bị ám ảnh bởi nó quá, đủ nhanh là được rồi.

tốc độ trang web

Năm ngoái, chúng tôi thấy một số lời đồn đại rằng Google có thể ngừng xem xét tốc độ trang web như là một yếu tố xếp hạng.

Và theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, mối tương quan giữa tốc độ trang web với vị trí cao hơn trên Google là rất nhỏ.

Lưu ý: Chúng tôi chỉ nghiên cứu tốc độ trang web dựa tên mã HTML của trang. Bọ thu thập thông tin của Ahrefs không tải ảnh, css, js, hay bất cứ cái nào khác. (Xem ra không công bằng lắm nhỉ, vì thực tế ảnh và JS mới tốn thời gian tải trang nhiều nhất – N/D)

LỜI KHUYÊN

Tôi tin rằng nếu trang web của bạn đạt đến ngưỡng bị coi là chậm chạp (đến ngưỡng kích thích sự khó chịu của người ghé thăm trang web) thì sẽ hoàn toàn công bằng nếu Google ưa thích (dù rất nhỏ) các trang web có tốc độ nhanh hơn trang của bạn.

Nhưng nếu trang của bạn đã “có tốc độ đủ nhanh” để làm người ghé thăm hạnh phúc, tối ưu hóa nó thêm nữa và giảm được vào chục mili giây có thể không phải là cách sử dụng tốt nhất thời gian và năng lực của bạn (ý rằng việc làm này không đáng bằng việc chuyển năng lượng của bạn vào những việc quan trọng hơn – N/D).


4. Độ dài của nội dung

độ dài của nội dung

Đây là yếu tố SEO onpage cho thấy có mối tương quan tốt thứ hai so với tất cả các yếu tố khác mà chúng tôi nghiên cứu (cái đầu tiên là “Tuổi của trang / post / page”).

Lời khuyên khôn ngoan thường nói rằng “hãy tạo nội dung dài” (cái có xu hướng thu hút hàng ngàn backlink và chia sẻ trên mạng xã hội) từ 1500 từ trở lên.

Nhưng hãy lưu ý đến giá trị trung vị (median – cái này khác với trung bình cộng. Trung vị là giá trị mà có số lượng trong mẫu lớn hơn nó bằng với số lượng trong mẫu nhỏ hơn nó, trung vị giúp thấy được mức độ phân tán giá trị của dữ liệu – ND) của chúng tôi cho kết quả xếp hạng ở vị trí #1 chỉ có 800 từ – liệu đấy có phải là “nội dung dài”?

Tôi nghĩ rằng Rand Fishkin có quan điểm đúng khi nói rằng:

“Nội dung tuyệt vời thì khác nội dung dài”.

Vì thế lời khuyên của tôi khá thống nhất (in line) với ý tưởng đó.

LỜI KHUYÊN

Mặc dù dữ liệu của chúng tôi cho thấy có mối tương quan khá cao giữa nội dung dài và thứ hạng trên Google, tôi tin rằng nếu bạn cố gắng tạo ra nội dung dài chỉ để nó có thể có thứ hạng cao hơn là ý tưởng tồi.

Theo cách nói của Antoine de Saint Exupéry, nhà văn Pháp:

Hoàn hảo đạt đến, không phải là khi không có cái gì để thêm vào, mà là khi không có cái gì có thể rút bớt ra được nữa.

Vì thế không phải làm nội dung của bạn dài ra chỉ vì chính bản thân độ dài.

Hãy hướng đến cái ngược lại thì đúng hơn – đưa được nhiều giá trị hơn với ít từ ngữ đi.


5. Độ dài của URL

độ dài của URL

Chúng tôi nghiên cứu phần URL bắt đầu từ vị trí cuối khi tên miền gốc kết thúc:

  • domain.com/url-ngan
  • domain.com/url-dai-hon-kha-nhieu-url-ban-dau

Và như bạn có thể thấy từ biểu đồ phía trên, các URL ngắn có xu hướng xếp hạng tốt hơn.

Vì thế chúng tôi nghiên cứu để xem xem có bất kỳ mối tương quan nào giữa số lượng “thư mục” trong URL và thứ hạng hay không:

số lượng thư mục trong URL

Dưới đây là cách chúng tôi tính chúng:

  • http://domain.com (số lượng thư mục = 1)
  • http://domain.com/thumuc1 (số lượng thư mục = 2)
  • http://domain.com/thumuc1/thumuc2 (số lượng thư mục = 3)

Và kết quả của thí nghiệm này khá thống nhất với cái trước đó.

URL càng có ít thư mục bao nhiêu nó càng có xu hướng có thứ hạng tốt hơn bấy nhiêu.

LỜI KHUYÊN

Mặc dù chúng tôi quan sát thấy có mối tương quan nhỏ ở đây với xu hướng ưa thích các URL ngắn hơn, tôi không tin rằng đây là yếu tố xếp hạng SEO onpage đáng kể.

Tôi vẫn khuyên bạn nên giữ các URL ngắn thôi, nhưng là vì trải nghiệm của người dùng là chính chứ không phải vì điều này sẽ giúp bạn có thứ hạng cao hơn.


6. Liên kết ngoài đến các trang chất lượng

liên kết ra ngoài đến các trang chất lượng

Tất cả chúng ta đều nghe Google nói rằng các liên kết hướng ra bên ngoài không phải là yếu tố xếp hạng đúng không?

Nhưng cùng thời điểm chúng tôi lại thấy ngược lại, có một số bằng chứng khá rõ, rằng chúng đúng là yếu tố xếp hạng.

Và kết quả thí nghiệm của chúng tôi cho thấy có một mối tương quan tích cực nhỏ ở các trang liên kết tới trang DR70+ (trang chất lượng) với thứ hạng trên Google của nó.

Điều này có nghĩa là yếu tố SEO onpage này sẽ giúp bạn thăng hạng tốt hơn?

LỜI KHUYÊN

Mặc dù chúng tôi thấy mối tương quan tích cực ở đây, nó vẫn rất không đáng kể.

Có lẽ trong một số trường hợp khi Google thiếu vắng các tín hiệu xếp hạng khác, nó sẽ không còn lựa chọn nào nữa nên sẽ đưa điều này vào tính toán.

Nhưng tôi không tin rằng sử dụng yếu tố xếp hạng nhỏ bé này là cách thức đem lại lợi thế cho bạn.

Ý kiến của người dịch: đơn giản là bạn đừng nghĩ máy móc về vấn đề này, rằng bạn thêm liên kết ngoài để tối ưu máy tìm kiếm. Bạn cứ thêm liên kết ngoài khi nó đem lại lợi ích cho người dùng, thế là đủ, thậm chí cũng chẳng cần quan tâm xem nó có DR là bao nhiêu đâu.


7. Liên kết gãy

liên kết gãy

Các liên kết gãy được xem như là “trải nghiệm người dùng tồi tệ”, đây là nguyên nhân mà Google có thể trừng phạt bạn.

Vâng, theo dữ liệu của chúng tôi, chỉ 2% trang được xếp hạng trong vị trí top 10 Google có các liên kết gãy.

LỜI KHUYÊN

Chắc chắn tôi không khuyên bạn có các liên kết gãy trên trang của mình.

Tuy tôi không tin rằng Google sẽ trừng phạt website nếu bạn có các liên kết gãy, nhưng tôi chắc chắn là nếu người dùng ghé thăm trang của bạn và khi họ click vào các đường link gãy như vậy họ sẽ cảm thấy bực bội.

Ý kiến của người dịch: các liên kết gãy nội bộ là điều cần phải tránh tối đa, và bạn có thể dễ dàng khắc phục điều này bằng các công cụ có sẵn trong CMS. Ví dụ nếu ai dùng WordPress có hàng tá plugin giúp bạn làm điều này, ví dụ như Broken Link Checker. Đối với các liên kết gãy ngoài trang, chúng ta sẽ khó chủ động hơn, nhưng cũng dễ dàng tìm được, và tất nhiên có thể thay thế nó nếu cần, hoặc bất đắc dĩ thì bỏ liên kết đó đi.


8. Chia sẻ trên mạng xã hội

Kể từ khi các trang mạng xã hội yêu quý của chúng ta bắt đầu đếm số lượng chia sẻ mà một trang tạo ra, cộng đồng SEO đầy những tin đồn không biết liệu Google có sử dụng các con số này như là các yếu tố xếp hạng hay không.

Vì thế chúng tôi quyết định nghiên cứu có bao nhiêu trang được xếp hạng trên trang đầu của Google có ít nhất 1 chia sẻ trên bất kỳ mạng xã hội lớn nào.

Và đây là kết quả chúng tôi nhận được:

chia sẻ trên mạng xã hội

Có đến gần 70% các trang trong top 10 Google không có bất kỳ lượt chia sẻ nào (dựa trên dữ liệu mẫu của chúng tôi).

Và vẫn có một mối tương quan rất nhỏ giữa việc có ít nhất một chia sẻ và thứ hạng cao hơn.

Vì thế chúng tôi đào sâu thêm một chút và nghiên cứu mối tương quan giữa số lượng chia sẻ trên mỗi mạng xã hội và thứ hạng trên Google.

Và đây là điều chúng tôi nhận được:

tương quan mạng xã hội

Số lượng chia sẻ trên mạng xã hội tương quan với thứ hạng Google khá đáng kể (so với các yếu tố onpage khác mà chúng tôi nghiên cứu).

Nhưng không được quên rằng tương quan khác nhân quả và nó có thể dễ dàng xoay theo hướng khác: mọi người chia sẻ những trang này nhiều hơn bởi vì chúng thường xếp hạng cao trên Google (và vì vậy người tìm kiếm mới tìm ra được trang để mà chia sẻ chúng – N/D).

LỜI KHUYÊN

Rất khó để chứng mình rằng số lượng chia sẻ trên mạng xã hội có bất cứ ảnh hưởng nào lên thứ hạng.

Dữ liệu của chúng tôi nói với chúng ta rằng điều này có thể thực sự là một yếu tố xếp hạng tốt, nhưng ở thời điểm này tôi phải thừa nhận rằng các con số chia sẻ trên mạng xã hội quá dễ dàng để giả mạo.

Ý kiến của người dịch: dù không có sự chắc chắn nào liên quan giữa số lượng chia sẻ tốt và thứ hạng, thì điều chúng ta vẫn nên làm là tự mình chia sẻ các bài viết lên mạng xã hội mà chúng ta quản lý, điển hình nhất là các tài khoản mạng xã hội của chính trang web, ví dụ như fanpage, group.


E. Sự liên quan trong SEO onpage

Sự liên quan giữa trang của bạn với truy vấn tìm kiếm là điều mà chúng tôi vẫn chưa nghiên cứu ở thời điểm này, nhưng chúng tôi tin rằng nó đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với việc đơn giản sử dụng “khớp chính xác từ khóa” trên trang của bạn.

Quay lại ví dụ về SERP cho từ khóa “guest posting”:

serp cho từ khóa guest posting

Rõ ràng là Google hiểu “guest posting” và “guest blogging” là hai từ có nghĩa khá giống nhau và đó là lý do vì sao khi bạn google các từ khóa “guest posting”, “guest blogging” và “guest writing” – bạn sẽ thấy khá nhiều trang tương tự nhau chiếm ở các vị trí top10 (nhưng theo thứ tự khác nhau chút ít).


Đây là trường hợp thú vị đưa ra khi thảo luận về “SEO onpage và backlink”.

Tìm kiếm trên Google cho từ khóa “chocolate lab” [là giống chó labrador retriever có màu sô-cô-la -N/D] (Có tổng khối lượng tìm kiếm: 74 000):

kết quả tìm kiếm cho từ khóa chocolate lab

Làm thế nào mà các trang chỉ có 19 và 26 tên miền khác nhau trỏ về lại có thể xếp hạng cao hơn các trang có 278 và 1100 tên miền khác nhau trỏ về?

Bởi vì chúng có nội dung liên quan nhiều hơn!

Hai trang đầu tiên có thứ hạng rất cao mặc dù có ít backlink bởi vì chúng chỉ nói về chủ đề “chocolate labs”.

Ý tôi là cả hai bài viết hoàn toàn dành riêng cho giống chó đặc biệt NÀY với màu sắc đặc biệt NÀY.

Còn về hai bài viết kia thì sao?

Đó là những trang chung về giống chó labrador retriever và chỉ đề cập qua về “chocolate labs”.

Google đưa chúng lên trang đầu nhưng không phải ở vị trí cao nhất bởi vì chúng không có nội dung liên quan nhiều về chủ để cụ thể “chocolate lab”. Và hai trang này có quá nhiều backlink để có thể bỏ qua chúng, ngay cả khi chúng quá chung chung.

Tôi thích gọi kiểu kịch bản này là “thiếu sự liên quan về mặt nội dung trong SERP“.

Nhưng làm sao mà Google biết được rằng trang của bạn có liên quan đến truy vấn tìm kiếm hay không?

Và điều quan trọng nhất, làm sao bạn chắc chắn được rằng mình đã gửi đúng “tín hiệu” cho Google?


Cùng quay lại thí nghiệm của Distilled mà chúng tôi vừa mới đề cập ở trên.

Hãy đánh giá một vài chi tiết quan trọng bên dưới thí nghiệm này:

#1 Chúng được tối ưu hóa lại cho 10 000 trang thư mục.

Rõ ràng, 99% các trang này không có bất cứ backlink nào trỏ đến chúng.

Bạn có thể dễ dàng kiểm tra điều đó trong Ahrefs:

kiểm tra tên miền trỏ về

Và những trang mà họ cạnh tranh trên Google SERP cũng ở trong tình trạng khá tương tự.

(ai cũng biết chẳng dễ dàng gì trong việc xây dựng backlink cho hàng ngàn trang thư mục đúng không ạ?)

Vì thế đây là cuộc chiến “không backlink”.

#2 Tất cả từ khóa mà họ nhắm đến là từ khóa đuôi dài:

nhắm đến từ khóa dài

Không có gì là khó hiểu cả khi từ khóa đuôi dài (nói chung) ít cạnh tranh hơn rất rất nhiều so với các từ khóa có khối lượng tìm kiếm lớn.

Vậy đây là cuộc chiến của “các từ khóa đuôi dài”.

#3 Các trang thư mục này không có bất kỳ nội dung liên quan nào mà Google có thể “đọc” và “hiểu”.

Tiêu đề, URL và H1 là tất cả đầu mối mà Google có về các trang này:

Thẻ H1 Hotel
Nội dung của thẻ H1 gần như là nội dung độc đáo duy nhất có trên trang này, phần còn lại của trang là phần chung

Vậy đây cũng không phải là cuộc chiến về “nội dung liên quan”.

Và dưới những hoàn cảnh như vậy (không có liên kết, không có nội dung, từ khóa đuôi dài) – tôi không bất ngờ khi Google sẽ tham chiếu đến từ khóa khớp chính xác trong tiêu đề, URL và các thẻ H1.


F. Đến lượt bạn

Chúng tôi đã chia sẻ tất cả những gì mình biết. Và hơn bất cứ điều gì chúng tôi cũng muốn nghe những gì bạn nghĩ, biết về nó.

Chúng tôi biết rằng có rất nhiều người làm SEO cực giỏi trong những người đọc ở đây và tôi cực kỳ thích thú muốn nghe các bạn nói gì về nghiên cứu này của chúng tôi và rút ra bài học nào từ nó.

Cũng lưu ý rằng những kết luận được rút ra dựa trên phân tích dữ liệu rất lớn và kinh nghiệm của cá nhân tôi trong lĩnh vực SEO.

Cuối cùng thì dù sao, chúng là các ý kiến riêng của tôi và tôi lấy làm vui mừng muốn thảo luận chỗ nào mình có thể sai hoặc dữ liệu có thể mở ra các diễn giải khác.

Bạn có bất kỳ dữ liệu lý thú hoặc nghiên cứu trường hợp nào mâu thuẫn với nghiên cứu của chúng tôi không? Tôi rất vui khi biết được nó.

Đợi bạn ở phần comment nhé.

(Dịch từ bài viết On Page SEO: A (2M Keyword) Data Driven Analysis – Tác giả: Tim Soulo – Website: Ahrefs Blog)

Comments are closed.

Back to Top