Categories SEO

Tìm hiểu SEO là gì & những khái niệm cơ bản liên quan

SEO là gì

SEO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Search Engine Optimization, nó là tập hợp những gì bạn cần làm để tối ưu hóa nội dung với mục tiêu nhận được lưu lượng truy cập tự nhiên từ máy tìm kiếm.

Lợi ích của SEO quá rõ ràng: lưu lượng truy cập miễn phí (*), thụ động (**) chuyển đến website của bạn, từ ngày nọ đến tháng kia không ngừng nghỉ.

lưu lượng truy cập vào blog của Ahrefs
Mỗi tháng, blog của Ahrefs (trang gốc tiếng Anh của bài dịch này) được xếp hạng cho khoảng 118 ngàn từ khóa và nhận được 252 ngàn lượt xem từ Google.

Thống kê lưu lượng truy cập của website Kiến càng (tên cũ Đức Anh Plus) trong tháng vừa rồi:

số lượt xem trang của website Kiến càng trong một tháng

Một website khác có lưu lượng truy cập thành công hơn mà tôi (Đức Anh) cũng trực tiếp tham gia:

lưu lượng truy cập trang khác
Mỗi ngày trang này nhận được khoảng 3 ngàn lượt xem miễn phí từ Google

(*): Từ “miễn phí” ở đây là để đặt với thế đối lập với quảng cáo từ khóa (ví dụ Google AdWords). Nhiều trang muốn nhận được truy cập nhưng không thể SEO đủ để nhận được lưu lượng mong muốn, khi ấy họ bỏ tiền ra quảng cáo nhằm chiếm lấy vị trí thuận lợi để thu hút click, ví dụ:

Ví dụ về quảng cáo từ khóa trên Google

Nguồn thu từ quảng cáo từ khóa là một trong dòng doanh thu chính của Google (bên cạnh mạng hiển thị Google adsense). Mối quan hệ giữa SEO và quảng cáo sẽ được nói rõ hơn ở phần sau.

(**): Từ “thụ động” ở đây nghĩa là website nếu được SEO đủ tốt, nó sẽ vẫn nhận được lưu lượng truy cập ngay cả khi bạn nằm ngủ, đi du lịch, hay làm bất kỳ việc gì khác trong nhiều tháng, thậm chí là vài năm. Tuy nhiên điều này có ý nghĩa tương đối, và tùy hoàn cảnh cụ thể, nhiều trang vẫn cần cập nhật thường xuyên, và làm nhiều nhiệm vụ khác liên quan để duy trì thứ hạng.


#1. Tại sao SEO lại quan trọng?

Đơn giản là vì:

Máy tìm kiếm là một nguồn lưu lượng truy cập thực sự LỚN.

Trong thực tế, biểu đồ dưới đây cho chúng ta thấy các nguồn đem lại lưu lượng truy cập lớn nhất:

nguồn lưu lượng truy cập

Đây là thống kê trên toàn cầu, nên một số trang có thể khá lạ lẫm với người dùng Việt Nam, tuy nhiên các trang hàng đầu thì quen thuộc cả (Google, Facebook, YouTube).

Như bạn có thể thấy, có gần 60% của tất cả lưu lượng truy cập trên web là xuất phát từ Google tìm kiếm. Và nếu bạn cộng gộp thêm cả lưu lượng truy cập từ các máy tìm kiếm phổ biến khác (như Bing, Yahoo và YouTube) thì có đến 70,6% tất cả lưu lượng truy cập có nguồn gốc từ máy tìm kiếm.

Nguồn lưu lượng truy cập web

Hãy để tôi minh họa tầm quan trọng của SEO bằng một ví dụ…

Giả sử bạn thành lập công ty chuyên bán chuột máy tính và hàng tháng có khoảng 100 ngàn người tìm kiếm từ khóa “mua chuột máy tính”.

Bạn biết được rằng, vị trí đầu tiên trên Google nhận được tầm 20% tổng số lượt click, như vậy website của bạn sẽ nhận được 20 ngàn lượt truy cập hàng tháng nếu bạn có được vị trí đầu tiên.

Nhưng giá trị (tính ra tiền) của số lượng lượt ghé thăm này là bao nhiêu?

Giả sử chi phí quảng cáo cho từ khóa này vào khoảng 1500 VNĐ / click, điều đó có nghĩa là lưu lượng 20 ngàn lượt truy cập sẽ có giá trị vào khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng.

Tổng tiền tiết kiệm được nhờ SEO trong một ví dụ

Và đấy mới chỉ là cho cụm từ khóa đó mà thôi. Nếu website của bạn được tối ưu SEO tốt, nó có thể được xếp hạng cho hàng trăm (thậm chí là hàng ngàn) các từ khóa khác nhau.

Trong một số ngành nghề khác, chẳng hạn như bất động sản hoặc bảo hiểm, giá trị của lưu lượng truy cập từ máy tìm kiếm còn cao hơn nhiều.

Lấy ví dụ chi phí quảng cáo cho từ khóa “mua chung cư giá rẻ” có thể lên đến 4500 VNĐ / một click (đây là giá tiền thực tế mà tôi nhận được khi kiểm tra trên Google Adwords).

Một số ngành có quảng cáo rất tốn kém

Có lẽ bạn đã hiểu tầm quan trọng của SEO, nhưng làm thế nào bạn tối ưu hóa được nội dung cho SEO, và “yếu tố xếp hạng” nào thực sự quan trọng?

Để trả lời câu hỏi đó, trước hết chúng ta cần hiểu cách máy tìm kiếm hoạt động.


#2. Máy tìm kiếm hoạt động như thế nào?

Máy tìm kiếm giống như thư viện khổng lồ trong thời đại kỹ thuật số.

Thay vì lưu trữ bản sao của những cuốn sách, máy tìm kiếm lưu trữ bản sao của các trang web.

Khi bạn gõ một truy vấn vào máy tìm kiếm, nó sẽ nhìn vào tất cả các trang trong chỉ mục (index) của nó và cố gắng trả về kết quả phù hợp nhất.

Để làm điều đó, máy tìm kiếm sử dụng một chương trình máy tính gọi là thuật toán (algorithm).

Không ai biết chính xác các thuật toán đó hoạt động như thế nào, nhưng chúng ta có các manh mối, ít nhất là từ Google.

Dưới đây là mô tả của họ về cách máy tìm kiếm hoạt động:

Để cung cấp cho bạn thông tin hữu dụng nhất, các thuật toán tìm kiếm nhìn vào nhiều yếu tố, chúng bao gồm các từ mà bạn sử dụng trong truy vấn, mức độ liên quan và tính khả dụng của trang, tính chuyên môn của nguồn và vị trí cũng như cài đặt của bạn.

Trọng số áp dụng cho từng yếu tố thay đổi tùy thuộc vào bản chất của truy vấn – lấy ví dụ, mức độ tươi mới của nội dung đóng một vai trò lớn trong việc trả lời các câu hỏi về thông tin hiện tại hơn là các ý nghĩa thuần túy được định nghĩa trong từ điển.

– Google

Khi nói về Google, đây là máy tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất- ít nhất là cho tìm kiếm trên web. Nguyên nhân là vì họ có thuật toán đáng tin cậy nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Xem video sau từ Matt Cutts để hiểu rõ hơn cách hoạt động của máy tìm kiếm (có sub tiếng Việt):

Còn đây là video khác nói về việc Google đã phát triển, thay đổi như thế nào qua thời gian:

Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng, có nhiều máy tìm kiếm khác mà bạn có thể (cần) tối ưu hóa.


#3. SEO hoạt động như thế nào?

Nói một cách đơn giản, SEO có nghĩa là làm thế nào để chứng minh được với máy tìm kiếm rằng:

Nội dung của bạn là kết quả tốt nhất về chủ đề người dùng đang tra cứu.

Nguyên nhân là vì tất cả các máy tìm kiếm đều có cùng một mục tiêu: Hiển thị các kết quả tốt nhất và liên quan nhất cho người dùng của họ.

Quá trình này chính xác phải làm như thế nào thì còn phụ thuộc vào từng máy tìm kiếm cụ thể mà bạn muốn tối ưu.

Nếu bạn muốn nhận được nhiều lưu lượng truy cập tự nhiên đến website thì bạn cần phải hiểu và đáp ứng tốt thuật toán của Google. Nếu bạn muốn có nhiều lượt xem video hơn, thì câu chuyện lại là về thuật toán của YouTube.

Vì mỗi máy tìm kiếm lại có thuật toán xếp hạng riêng, nên tôi không thể trình bày hết mọi thứ ra đây trong bài viết này được.

Vì thế, chúng ta sẽ tập trung vào cách (làm thế nào) để được xếp hạng cao trên máy tìm kiếm lớn nhất thế giới hiện nay: đó chính là Google.

Thống kê đáng quan tâm

Google chiếm 92% thị phần tìm kiếm toàn cầu (tỷ lệ này của họ đã ổn định nhiều năm, mặc cho có nhiều công cụ tìm kiếm mới ra đời). Đó là lý do vì sao chúng ta tập trung vào việc tối ưu hóa website cho Google thay vì Bing, DuckDuckGo, hoặc bất kỳ máy tìm kiếm nào khác.

Ở Việt Nam, thị phần tìm kiếm của Google còn áp đảo hơn một chút, với 93% thị phần (vào tháng 8/2022), đứng thì nhì là CocCoc, và thứ ba là Yahoo, Bing:


#4. Làm thế nào để tối ưu hóa cho Google?

Google nổi tiếng với việc sử dụng hơn 200 yếu tố xếp hạng.

Thậm chí có bài viết từ năm 2010 nói rằng họ thể có đến 10 ngàn tín hiệu!

Không một ai biết tất cả các yếu tố xếp hạng đó là gì, tuy nhiên chúng ta biết một số cái quan trọng trong đó.

Làm thế nào mà chúng ta biết được? Thứ nhất là bởi Google nói cho chúng ta, thứ hai là nhiều người khác – trong đó có chúng tôi (Ahrefs) – đã thực hiện các nghiên cứu tương quan giữa nhiều yếu tố xếp hạng và thứ hạng thực tế trên Google.

Chúng ta sẽ sớm thảo luận một số yếu tố này. Nhưng trước hết, điều quan trọng cần chỉ ra là:

Google xếp hạng các trang web, chứ không phải cho cả website.

Để tôi đưa thêm ví dụ, giả sử bạn kinh doanh vợt cầu lông, điều đó không có nghĩa là từng trang trên website của bạn phải được xếp hạng cho truy vấn “vợt cầu lông”.

Bạn có thể được xếp hạng cho các từ khóa và chủ đề khác nhau cho các trang khác nhau.

Giờ chúng ta sẽ thảo luận về một số thứ ảnh hưởng đến thứ hạng (rank) và khả năng hiển thị trên máy tìm kiếm (search engine visibility).

Khả năng thu thập dữ liệu

Trước khi Google có khả năng đánh giá, xếp hạng nội dung của bạn, nó cần phải biết rằng nội dung đó tồn tại cái đã.

Google sử dụng một số cách để khám phá nội dung mới trên web, nhưng cách thức chính là thu thập dữ liệu (crawling). Nói một cách đơn giản, thu thập dữ liệu có nghĩa là Google đi theo các liên kết trên trang mà họ đã biết để đến các trang mà họ chưa từng thấy trước đây.

Để làm điều đó, họ sử dụng một chương trình máy tính gọi là bọ tìm kiếm (spider).

Giả sử trang chủ (homepage) của bạn có một backlink từ website Awebsite A đó đã được Google lập chỉ mục rồi.

Lần tới khi Google thu thập dữ liệu website A này, họ sẽ đi theo liên kết này để khám phá ra trang chủ của bạn và có khả năng thêm nó vào chỉ mục của họ.

Từ đó, họ sẽ thu thập dữ liệu các liên kết trên trang chủ để tìm các trang khác trên website của bạn.

Tuy nhiên điều đó cũng ngụ ý rằng một số thứ có thể ngăn không cho Google thu thập dữ liệu:

  • Liên kết nội bộ nghèo nàn: Google dựa vào các liên kết nội bộ (internal link) để thu thập dữ liệu tất cả các trang trên website của bạn. Các trang mà không có liên kết nội bộ thường không được thu thập dữ liệu.
  • Liên kết nội bộ được để ở dạng nofollow: Các liên kết nội bộ bị gắn thẻ nofollow sẽ không được Google thu thập dữ liệu.
  • Trang noindexed: Bạn có thể loại trừ các trang khỏi chỉ mục của Google bằng cách sử dụng một thẻ meta noindex hoặc HTTP header. Nếu các trang khác trên website của bạn chỉ có các liên kết nội bộ từ trang noindex, có khả năng là Google sẽ không tìm ra chúng (các trang khác).
  • Bị chặn trong robots.txt: Robots.txt là một file text (văn bản) nói cho Google biết nơi nào nó có thể đến và nơi nào nó không được đến trên website của bạn. Nếu trang bị chặn ở đây, Google không thể thu thập dữ liệu của chúng.

Nếu bạn có bất cứ lo lắng nào về những vấn đề này trên website của bạn, hãy cân nhắc chạy SEO audit với công cụ như Ahrefs Site Audit.

Thân thiện với di động

63% lượt tìm kiếm Google đến từ thiết bị di động, và con số này tăng trưởng qua từng năm.

Với con số thống kê này, có lẽ không có gì bất ngờ khi vào năm 2016, Google tuyên bố thăng hạng cho các “website thân thiện với di động (mobile-friendly website)” trong kết quả “tìm kiếm trên di động”.

Google cũng chuyển sang lập chỉ mục đầu tiên trên di động trong năm 2018, điều này có nghĩa là họ hiện sử dụng phiên bản di động của trang để lập chỉ mục và xếp hạng.

Ưu tiên lập chỉ mục di động đầu tiên

Tạm dịch:

Tôi nghĩ có một số nhầm lẫn ở đây. Một số người nghĩ rằng chúng tôi có hai chỉ mục, một cho trang di động và một cho trang máy bàn (desktop). Thực ra chúng tôi chỉ có một mà thôi.

Với hầu hết các website hiện giờ, chúng tôi lập chỉ mục đầu tiên trên máy bàn (desktop-first indexing). Sắp tới nó sẽ được lập chỉ mục đầu tiên trên di động (mobile-first indexing).

– Danny Sullivan

Nhưng ở đây còn có một điều còn quan trọng hơn từ thống kê của Adobe:

Gần 8 trong 10 khách hàng không tương tác với nội dung không hiển thị tốt trên thiết bị của họ.

Nói cách khác, hầu hết mọi người sẽ nhấn vào nút back khi phiên bản trên máy bàn của trang web được tải trên di động.

Điều này là quan trọng vì Google muốn giữ người dùng của họ hài lòng. Các trang không được tối ưu hóa trên di động dẫn đến sự khó chịu. Và ngay cả khi bạn được xếp hạng cao và nhận được click từ trang kết quả tìm kiếm, hầu hết mọi người sẽ không ở trên trang đủ lâu để đọc / xem / nghe nội dung của bạn.

Bạn có thể kiểm tra xem trang web của bạn có thân thiện với di động không bằng công cụ như Google’s mobile friendly.

trang thân thiện với di động

Nếu nó không vượt qua bài kiểm tra, bạn cần thuê lập trình viên để sửa nó.

Lưu ý: Nếu bạn sử dụng các CMS phổ biến như WordPress chẳng hạn, thì các giao diện của nó hầu hết đã được tối ưu sẵn cho di động rồi. Nhưng để an toàn, bạn hãy dùng công cụ trên để kiểm tra.

Vấn đề đối với phần lớn người dùng WordPress là làm sao chọn được giao diện phù hợp với tính năng sử dụng. Tránh màu mè hoặc sơ sài quá mức.

Tốc độ trang

Tốc độ trang chỉ đến tốc độ tải trang của bạn nhanh đến đâu. Nó là tín hiệu xếp hạng trên cả máy bàn và di động.

Tại sao? Một lần nữa, Google muốn giữ người dùng của họ hài lòng. Nếu người dùng của Google click vào kết quả tìm kiếm và mất quá nhiều thời gian để tải nội dung về, điều đó dẫn đến sự khó chịu.

Để kiểm tra tốc độ website của bạn, hãy sử dụng công cụ kiểu như Google’s Pagespeed Insights.

PageSpeef Insight Kiến càng

Một công cụ thương mại có khả năng thay thế là Ahrefs Site Audit để kiểm tra các trang tải chậm trên toàn website.

Chỉ cần đi đến báo cáo “hiệu suất” và để ý đến cảnh báo “trang chậm (slow page)”.

trang chậm được tìm thông qua site audit

Bạn có thể muốn tham khảo 3 bài viết sau liên quan đến tốc độ website:

Ý định của người tìm kiếm

Tìm từ khóa hoặc cụm từ khóa bạn muốn thăng hạng rất dễ dàng. Chỉ cần nhập chủ đề vào các công cụ nghiên cứu từ khóa như Ahrefs Keywords Explorer, rồi nhìn vào các ý tưởng từ khóa liên quan cùng với khối lượng tìm kiếm của chúng.

Tuy nhiên điều mà mọi người không xem xét là liệu trang của họ có phù hợp với mục đích tìm kiếm (search intent) của từ khóa mà họ chọn hay không.

Để chứng minh cho mục đích tìm kiếm (đôi khi còn được gọi là ý định của tìm kiếm), hãy cùng xem ví dụ sau.

Đây là kết quả trả về cho tìm kiếm với truy vấn “công thức bánh sinh nhật”:

kết quả trả về với từ khóa công thức làm bánh sinh nhật

So sánh với kết quả trả về từ truy vấn “bánh sinh nhật”:

bánh sinh nhật
cửa hàng bán bánh

Mặc dù có sự tương đồng nhất định giữa hai từ khóa, Google hiển thị các kết quả hoàn toàn khác nhau. Với “công thức bánh sinh nhật”, họ đưa ra trang kết quả liệt kê rất nhiều công thức, cách làm bánh sinh nhật. Còn với “bánh sinh nhật”, họ lại đưa ra các cửa hàng / website bán bánh sinh nhật là chủ yếu.

Google hiểu mục đích ngầm ẩn bên dưới truy vấn và hiển thị kết quả người dùng muốn thấy.

Điều này gọi là ý định của tìm kiếm trong thực tế. Làm thế nào bạn tối ưu hóa được cho điều này?

Hãy để ý các trang đứng đầu và tự hỏi bản thân một số câu hỏi sau để xác định được mục đích tìm kiếm:

  1. Kiểu nội dung (content type): Hầu hết các kết quả trên trang là bài đăng blog, trang sản phẩm, trang thư mục, trang landing page, hay là cái gì đó khác?
  2. Định dạng nội dung (content format): Google chủ yếu xếp hạng cao cho trang kiểu nào? Trang hướng dẫn cách làm, bài viết dạng danh sách, tutorials, so sánh, ý kiến, hoặc một dạng gì đó hoàn toàn khác biệt? (Lưu ý: điều này áp dụng chủ yếu cho các chủ đề dạng thông tin).
  3. Góc nhìn về nội dung (content angle): Có đặc điểm chung hoặc USP (đặc điểm bán hàng độc đáo) trên các trang xếp hạng hàng đầu? Nếu có, điều này có thể cung cấp cho bạn hiểu biết sâu hơn về điều gì mới thực sự là quan trọng với người tìm kiếm.

Ngoài ra, bạn có thể kiểm tra sự hiện diện (hoặc không) các tính năng SERP để suy đoán mục đích tìm kiếm.

Lấy ví dụ, nếu đoạn trích nổi bật (featured snippet) tồn tại trong kết quả, thế thì điều đó chỉ ra rằng người tìm kiếm đang tìm thông tin.

đoạn trích nổi bật
Các tìm kiếm được tìm nhiều nhất trên Google

Backlinks

Thuật toán xếp hạng của Google dựa trên công thức gọi là PageRank.

Nói một cách đơn giản, nó coi các backlink như những phiếu bầu. Nói chung, trang có càng nhiều phiếu bầu, nó càng có xu hướng có xếp hạng cao hơn.

Làm sao chúng tôi biết được điều đó? Năm ngoái, chúng tôi thực hiện nghiên cứu gần một tỷ trang web và phát hiện ra mối tương quan rõ ràng giữa số lượng tên miền giới thiệu (các liên kết từ website duy nhất) và lưu lượng tìm kiếm tự nhiên nhận được.

số lượng tên miền trỏ về và lưu lượng truy cập
Trục tung là số lượng tên miền trỏ đến. Trục hoành là lưu lượng truy cập. Đồ hình này cho thấy chúng tương quan thuận rất mạnh với nhau

Nói tóm lại, backlink là quan trọng nếu bạn muốn thăng hạng cho bất kỳ nội dung nào đáng giá.

Rắc rối ở chỗ xây dựng các liên kết không hề đơn giản, đặc biệt là với một vài kiểu nội dung nhất định, chẳng hạn như trang bán sản phẩm (product page).

Có hàng tá kỹ thuật xây dựng liên kết nhưng nếu bạn là người mới trong lĩnh vực này, lời khuyên hữu ích là hãy hướng đến việc xây dựng liên kết cho các nội dung tốt nhất của bạn (ví dụ một bài đăng hoặc công cụ miễn phí nào đấy).

Một trong những cách làm điều đó là:

Tìm kiếm trên Google từ khóa mà bạn muốn SEO. Để ý những trang có chất lượng không tốt bằng trang của bạn. Đưa URL của trang đó vào các công cụ kiểm tra backlink, ví dụ như công cụ kiểm tra backlink miễn phí của Ahrefs để xem top 100 backlink trỏ về trang đó.

Bước tiếp theo là bạn cần đánh giá, xem xét để tiếp cận những chủ trang web đó (các backlink), giải thích vì sao nội dung của bạn lại tốt hơn trang mà họ đang liên kết đến, và họ có muốn bổ sung thêm (hoặc thay thế bằng) liên kết của bạn hay không.

Chiến thuật này được biết đến với tên gọi Kỹ thuật SEO nhà chọc trời (Skyscaper Technique).

Bạn có thể đọc thêm các bài viết về xây dựng liên kết ở đây:

Tính thẩm quyền

Không phải mọi backlink đều có chất lượng như nhau. Một số sẽ được đánh giá cao hơn những cái khác.

Đấy cũng chính là cách PageRank hoạt động:

cách PageRank hoạt động

Nói chung, backlink đến từ các trang có thẩm quyền cao (PageRank cao) sẽ tốt hơn so với các trang có thẩm quyền thấp (PageRank thấp). Điều này cũng tương tự như việc Messi khen bạn đá bóng giỏi sẽ thực sự đáng tin hơn là tôi khen bạn đá bóng giỏi.

Thật không may, Google không còn công khai chỉ số PageRank kể từ năm 2016. Điều đó có nghĩa là bạn không còn cách nào để biết được “thẩm quyền (authority)” của trang là bao nhiêu trong mắt của Google.

Nhưng may mắn là chúng ta có những chỉ số gần giống, một trong số đó là Ahrefs URL Rating.

URL Rating có giá trị nằm trong khoảng từ 0 đến 100 và có tính đến cả số lượng và chất lượng của backlink trỏ đến trang web.

Khi chúng tôi nghiên cứu mối quan hệ giữa UR và lưu lượng truy cập tự nhiên từ tìm kiếm, chúng tôi nhận thấy chúng có mối quan hệ tích cực rất rõ ràng.

URL Rating và lưu lượng truy cập từ tìm kiếm

Vì lý do này, khi xây dựng backlink cho nội dung của bạn, bạn nên ưu tiên xây dựng các liên kết từ những trang mạnh hơn là những trang yếu.

Nếu bạn phân tích các trang của đối thủ để tìm kiếm cơ hội có backlink trong Ahrefs Site Explorer, cách tốt nhất để làm điều đó là nhìn vào cột UR trong báo cáo “Backlink”.

cột UR của backlink

Tất nhiên, backlink không phải là cách duy nhất giúp đẩy “tính thẩm quyền” của trang web.

URL Rating (UR) còn tính đến cả các liên kết nội bộ, điều đó có nghĩa là các liên kết từ các trang khác trên website của bạn cũng đóng góp vào tính thẩm quyền của một trang cụ thể.

Nếu bạn muốn tăng “tính thẩm quyền” của một trang nào đó và đang gặp khó khăn trong chuyện xây dựng backlink cho nó, hãy cân nhắc bổ sung một số liên kết nội bộ liên quan từ các trang khác có thẩm quyền cao.

Để xem các trang có thẩm quyền cao nhất trên website của bạn, hãy kiểm tra báo cáo “Best by Links” trong Ahrefs Site Explorer.

các liên kết tốt nhất

Quy tắc vàng ở đây là bạn đừng cố thêm liên kết vào những nơi mà chúng không thuộc về. Luôn liên kết theo ngữ cảnh. (Ý là bạn đừng liên kết theo kiểu cố đấm ăn xôi để cho có liên kết, khi chúng chẳng liên quan gì).

Chiến thuật này là cách rất hay giúp bạn đẩy “tính thẩm quyền” của trang có giá trị thương mại, chẳng hạn như trang sản phẩm. Vì bạn sẽ thường gặp nhiều khó khăn để xây dựng backlink cho những trang như vậy theo cách trực tiếp.

Chất lượng nội dung

Google lúc nào cũng muốn thăng hạng cho các kết quả đáng tin cậy và hữu dụng nhất.

Để làm điều đó, họ phải nhìn các tín hiệu liên quan đến nội dung như tính Chuyên môn (Expertise), Thẩm quyền (Authoritativeness), và Sự tin cậy (Trustworthiness).

Tập hợp 3 chữ cái đầu của chúng, ta có EAT.

Những thứ khác mà bạn có thể làm để tăng chất lượng nội dung bao gồm:

  • Cấp độ đọc của bài viết ở mức lớp 7 hoặc lớp 8. Đây là cấp độ đọc phổ biến ở Hoa Kỳ, tôi không rõ ở Việt Nam thì nên viết cập độ đọc là bao nhiêu, nhưng đoán là cũng tương tự, vì cấp độ đọc quá thấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng ngược lại chất lượng nội dung.
  • Sử dụng các câu và đoạn ngắn thôi. Đây là nội dung cho web, không phải bài tiểu luận bạn nộp ở đại học.
  • Liên kết đến các nguồn hữu ích khi thích hợp. Ý là liên kết đến các trang bên ngoài website của bạn. Đừng lo lắng về chuyện “tích trữ PageRank”. Hãy hướng đến mục đích làm cho nội dung của bạn có giá trị càng cao càng tốt với người dùng.
  • Tránh các khối văn bản lớn. Phân chia nội dung của bạn bằng các ảnh, câu trích dẫn, vân vân. Hướng đến việc làm nội dung của bạn có khả năng đọc lướt (skimmable).

Nói chung thì nội dung của bạn càng dễ tiếp cận với nhiều người tìm kiếm thì càng tốt.

Tính tươi mới (freshness / nội dung cập nhật) là yếu tố quan trọng khác cho một số tìm kiếm.

Lấy ví dụ, nếu bạn Google từ khóa “máy ảnh tốt nhất”, bạn sẽ thấy phần lớn kết quả được đăng hoặc chỉnh sửa lại (rồi đăng lên) vào thời gian gần đây (gần với thời điểm tra từ khóa).

nội dung tươi mới có thể là yếu tố quan trọng

Nguyên nhân là vì công nghệ thay đổi rất nhanh. Không ai còn quan tâm đến máy ảnh tốt nhất của thời điểm cách đây 3 hoặc 4 năm trước. Vì nó không còn hữu dụng nữa (gần như chắc chắn là những thiết bị đó không còn tốt nhất nữa rồi).

Với các truy vấn khác, tính tươi mới có thể không phải là yếu tố quyết định.

Hãy nhìn bài viết đứng đầu trang kết quả cho từ khóa “lễ dạm ngõ cần những gì”:

nội dung không cần mới

Bài viết không được cập nhật hơn 2 năm rồi, nhưng chuyện này không thành vấn đề, vì nói chung các phong tục cho “lễ dạm ngõ” thường ổn định trong thời gian tương đối dài (có thể lên đến hàng chục năm).

Hãy để ý kết quả tìm kiếm cho các từ khóa bạn nhắm đến để xem liệu tính tươi mới có phải là yếu tố xếp hạng quan trọng hay không. Rồi điều chỉnh lại chiến lược của bạn cho phù hợp.

Tại sao xếp hạng đôi khi được đánh giá quá cao…

Google nhìn vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như vị trí, lịch sử tìm kiếm, các thiết lập tìm kiếm để “đo ni đóng giày” cho kết quả tìm kiếm của bạn nhằm đem đến kết quả hữu ích nhất và liên quan nhất vào thời điểm đó.

Điều đó có nghĩa là nếu bạn nhìn thấy website của bạn xếp số 1 cho từ khóa nhắm đến, điều đó không có nghĩa là nó cũng như thế với tất cả mọi người vào mọi thời điểm.

Để kiểm tra thứ hạng “chính xác” hơn, hãy sử dụng tab ẩn danh để vô hiệu hóa bất kỳ hoạt động cá nhân hóa nào từ lịch sử tìm kiếm của bạn. Để vô hiệu hóa yếu tố địa lý, hãy sử dụng VPN.

Cần phải nói thêm rằng, thứ hạng liên tục thay đổi (dao động).

Đây là thứ hạng của chúng tôi với từ khóa “SEO audit” trong năm vừa qua:

thứ hạng SEO Audit

Vì lý do đó, thường thì sẽ tốt hơn nếu bạn để tâm chú ý đến lưu lượng truy cập tự nhiên hơn là săm soi quá kỹ thứ hạng.

Bạn có thể làm điều này với các công cụ như Google Analytics.

Một lý do quan trọng khác khiến chúng ta cần để ý đến lưu lượng truy cập nhiều hơn thứ hạng từ khóa là vì nhiều trang được xếp hạng cho hàng ngàn từ khóa khác nhau. Và chúng thường nhận được lưu lượng truy cập từ nhiều từ khóa chứ không chỉ có một mà thôi.


#5. Vài suy nghĩ cuối cùng

Biết được cách máy tìm kiếm hoạt động và các thuộc tính mà chúng sử dụng khi xếp hạng nội dung là cực kỳ quan trọng mỗi khi bạn cố gắng tạo nội dung được xếp hạng cao.

Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng, các thuật toán của máy tìm kiếm luôn luôn thay đổi và không có gì đảm bảo những yếu tố quan trọng ngày hôm nay sẽ tiếp tục quan trọng trong năm kế tiếp.

Nhưng đừng để điều đó làm bạn hoảng sợ. Nói chung thì, những thứ quan trọng vẫn rất ổn định qua thời gian.

Các yếu tố như backlink, “thẩm quyền”, và khớp với ý định của người tìm kiếm là các yếu tố quan trọng nhiều năm rồi – và không có yếu tố nào trong số này có dấu hiệu sẽ sớm thay đổi cả.

(Dịch từ bài viết What is SEO? Search Engine Optimization Explained, tác giả Joshua Hardwick, website: Ahrefs. Ngoài ra có kết hợp với một số thông tin về chủ đề tương tự trên website Backlinko của Brian Dean)

Back to Top