Categories SEO

SEO Audit là gì & 16 bước để cải thiện thứ hạng của bạn trên Google

SEO Audit

SEO audit (kiểm tra các yếu tố kỹ thuật của website liên quan đến SEO) nếu làm tốt sẽ giúp bạn gia tăng lưu lượng truy cập từ máy tìm kiếm.

Tuy nhiên hầu hết các kỹ thuật SEO audit vướng vào hai vấn đề sau:

  1. Chúng QUÁ KỸ THUẬT đến mức làm nhiều người làm SEO gặp không ít khó khăn khi triển khai;
  2. Chúng ngốn nhiều NGÀY (hoặc thậm chí nhiều TUẦN) để hoàn thành!

Bài viết này không giống như vậy.

Nó sẽ chỉ làm bạn mất vài giờ, chứ không phải vài tuần, và bạn cũng chẳng cần bằng cấp trong ngành IT để thực hiện chúng.

Lưu ý nhỏ: Nếu trang web của bạn thực sự LỚN-Ý của tôi là hàng trăm ngàn trang, hoặc thậm chí là hàng triệu trang-nó có thể tốn thời gian hơn là chỉ có vài giờ mà thôi. Nhưng với phần lớn website từ cỡ nhỏ đến trung bình, điều này có thể thực hiện trong vài giờ chứ không mất nhiều ngày.

Dưới đây là các bước cụ thể tiến trình SEO audit mà chúng ta sẽ đi theo:

  • Bước 1-4: kiểm tra các vấn đề LỚN (những cái có thể làm website của bạn tụt lùi);
  • Bước 5-9: khám phá các vấn đề dễ-khắc-phục trên trang web;
  • Bước 10-12: phân tích lưu lượng truy cập tự nhiên (và tìm kiếm các cơ hội trong tầm tay);
  • Bước 13-14: phân tích các backlink (RẤT quan trọng);
  • Bước 15-16: phân tích “khoảng trống nội dung/content gap”

Bạn có thể thấy, những bước như vậy không hướng bạn vào thực hiện SEO audit theo cách “kỹ thuật” (đây là điều bạn sẽ làm với hầu hết các công cụ SEO audit).

Chúng hướng đến cách thức tiếp cận toàn diện dưới quan điểm SEO cho việc kiếm tra website. Điều này nghĩa là bạn sẽ kiểm tra thứ hạng của trang, hồ sơ backlink, các nội dung đang tồn tại…và bất kỳ điều gì có thể cản trở hiệu năng tìm kiếm.

Giờ chúng ta bắt đầu thôi.

Các công cụ cần thiết cho việc tiến hành SEO audit

Dưới đây là các công cụ tôi sẽ sử dụng trong suốt quá trình kiểm tra website.

  • Google Analytics – công cụ phân tích website, để biết lưu lượng truy cập hiện có, trang web cụ thể nào đang nhận được nhiều lưu lượng, thời gian trên trang, vân vân;
  • Google Search Console – giúp tìm ra một số lỗi trên trang mà Google phát hiện, cũng như có được giới hạn danh sách từ khóa;
  • Ahrefs – công cụ SEO có rất nhiều công dụng
  • Beam Us Up (hoặc Screaming Frog) – giả lập bọ tìm kiếm, phát hiện nhiều lỗi về mặt kỹ thuật SEO
  • Copyscape – phát hiện nội dung trùng lắp
  • Barracuda Panguin Tool – phát hiện có bị phạt trong các lần cập nhật của Google
  • Title Tag Pixel Width Checker – phát hiện tiêu đề có vượt quá độ dài mà Google khuyến nghị

KHÔNG công cụ nào trong số trên là bắt buộc phải có cả, nhưng chúng sẽ giúp bạn xử lý công việc dễ dàng hơn.

Chúng tôi sẽ đưa ra 2 ví dụ để thực hiện SEO audit. Từ bước 1 đến bước 8, chúng ta sẽ xem xét trang web Simple Life Insure – một nhà môi giới bảo hiểm từ California.

Simple Life Insure

Từ bước thứ 9 trở đi, chúng tôi sẽ giới thiệu trang web tiếp theo.

Cùng bắt đầu nào!

Bước 1: Bắt đầu crawl website (quét website như bọ tìm kiếm)

Chỉ một chốc nữa thôi chúng ta sẽ tiến hành một số kiểm tra thủ công trên website.

Nhưng trước hết, chúng ta bắt đầu crawl website dưới dạng nền.

SEO crawler sẽ hoạt động như bọ tìm kiếm của Google và sẽ cung cấp cho chúng ta một số thông tin hữu ích về cấu trúc và các thiết lập SEO hiện tại.

Tôi sẽ sử dụng Beam Us Up để crawl (miễn phí), nhưng bạn cũng có thể sử dụng Screaming Frog’s SEO Site Auditor (149 bảng Anh mỗi năm – giá năm 2018).

Nếu bạn sử dụng Beam Us Up, bước đầu bạn nhập địa chỉ trang web vào trường URL và nhấn ‘Start’.

Beam Us Up 1

Trình thu thập thông tin (crawler) sẽ bắt đầu hoạt động ở chế độ nền trong khi chúng ta tiếp tục với các vấn đề SEO audit khác.

Bước 2: Kiểm tra xem có đúng là chỉ có 1 phiên bản của site là có thể duyệt được hay không

Xem xét tất cả các cách mà ai đó có thể gõ địa chỉ website của bạn vào trình duyệt (hoặc liên kết đến nó).

Lấy ví dụ:

  • http://yourdomain.com
  • http://www.yourdomain.com
  • https://yourdomain.com
  • https://www.yourdomain.com

Chỉ một trong số chúng có thể truy cập trên trình duyệt, còn những cái khác phải chuyển hướng 301 tới phiên bản chuẩn.

Trong trường hợp của Simple Life Insure, nó có một vấn đề.

Bạn có thể duyệt trang ở cả trạng thái không bảo mật là http://

Simple Life Insure HTTP

và có bảo mật https://

Simple Life Insure htpps

Vì thế đây là cái cần ưu tiên sửa lại.

Lời khuyên: Chúng tôi khuyên bạn sử dụng https:// (có www hoặc không www), vì có một tín hiệu thăng hạng nhỏ cho các trang thiết lập SSL. Ngoài ra, nó cũng giúp trang của bạn bảo mật hơn và tăng độ tin cậy.

Bạn có thể có được chứng chỉ SSL miễn phí từ Let’s Encrypt.

Dù thế nào đi chăng nữa, hãy đảm bảo rằng trang của bạn chỉ có thể truy cập thông qua một URL.

Tất cả các phiên bản khác phải chuyển hướng 301.

Bước 3: Kiểm tra thủ công SEO của trang chủ

Ở đây chúng ta cùng quan sát một vài thứ nền tảng liên quan đến các yếu tố onpage.

Chúng ta đi đến trang chủ của website và nhấn chuột phải để xem nguồn của trang.

xem nguồn trang

Chúng ra chỉ kiểm tra nhanh một số thứ cơ bản về SEO onpage ở đây. Để làm mọi thứ đơn giản, chúng ta sẽ hỏi một vài câu hỏi sau:

  1. Tiêu đề của trang có tốt và tạo ra khả năng nhấp chuột. Nó có đi theo các thực hành SEO tốt nhất.
  2. Nó có thẻ meta description tùy chỉnh hay không? Nếu có nó có được tối ưu hóa để tạo ra nhấp chuột tối đa không?
  3. Có một thẻ H1? Nó có đi theo các thực hành SEO tốt nhất?
  4. Các tiêu đề phụ (H2, H3, vân vân) có được sử dụng đúng và đi theo các thực hành SEO tốt nhất?

Giờ hãy tìm ra câu trả lời.

Kiểm tra thẻ tiêu đề của trang chủ

Thẻ tiêu đề vẫn là yếu tố xếp hạng onpage đơn lẻ quan trọng nhất trong năm 2016 (năm bài gốc tiếng Anh này được viết).

Trong bài hướng dẫn rất hay của Shaun Anderson về thẻ tiêu đề, anh ấy giải thích như sau:

Thẻ tiêu đề (hoặc chính xác hơn là phần tử title trong HTML) dù gì vẫn được cho là yếu tố quan trọng nhất trong SEO onpage và cần phải làm tốt trên bất cứ trang web nào. Các từ khóa trong tiêu đề trang có thể GIÚP trang của bạn xếp hạng cao hơn trên trang kết quả tìm kiếm của Google (SERPs). Tiêu đề trang cũng thường được dùng bởi Google dưới dạng tiêu đề của một liên kết trích dẫn tìm kiếm trong các trang kết quả tìm kiếm. Các từ khóa trong tiêu đề trang thường là các văn bản neo liên kết đến trang của bạn.

Chúng ta hãy nhìn vào thẻ tiêu đề hiện tại.

<title>Affordable low cost life insurance + instant quotes online | SimpleLifeInsure.com</title>

Nghĩa tiếng Việt:

<title>Bảo hiểm nhân thọ có chi phí thấp + báo giá trực tuyến nhanh chóng | SimpleLifeInsure.com</title>

Có hai vấn đề ở đây:

  1. Nói chung với trang chủ tôi thích thấy tên thương hiệu trước.
  2. Thẻ tiêu đề này quá dài và sẽ bị cắt ngắn trên máy tìm kiếm.

Dưới đây là hình ảnh cho thấy trang được hiển thị như thế nào trên máy tìm kiếm.

Rõ ràng là nó đã bị cắt ngắn. Và trong thực tế Google đã đảo ngược tên thương hiệu lên trước.

Vài lời khuyên giúp thay đổi

  1. Viết lại thẻ tiêu đề để đưa thương hiệu lên trước.
  2. Giữ tiêu đề quanh giới hạn độ dài 55 ký tự để tránh bị cắt xén.
  3. Nhắm đến từ khóa có khối lượng tìm kiếm cao hơn.

Chúng ta có thể kiểm tra khối lượng tìm kiếm cho từ khóa “low cost life insurance” trong công cụ Ahrefs Keywords Explorer.

từ khóa low cost life insurance

Không tệ.

Nhưng hóa ra có từ khóa còn có khối lượng tìm kiếm thực sự tốt hơn, đó là “affordable life insurance”

từ khóa có khối lượng tìm kiếm tốt hơn

Và bởi vì “affordable / giá cả phải chăng” và “low cost / giá rẻ” có nghĩa khá gần nhau, tôi sẽ thay đổi lại thẻ tiêu đề như sau:

<title>SimpleLifeInsure.com: Instant affordable life insurance quotes</title>

Hừm, tôi biết tôi đã nói là “nhắm đến 1 từ khóa có khối lượng tìm kiếm cao”.

Nhưng tôi lại lật từ “instant” lên trước, tuy nhiên nhờ thế chúng ta có thể có từ khóa chính xác “life insurance quotes” ở đây.

Từ khóa này có khối lượng tìm kiếm lớn khủng khiếp…

Lời khuyên

Mặc dù 55 ký tự là quy luật rất hữu dụng cho độ dài tiêu đề, tuy nhiên trong thực tế thì Google dựa vào độ dài pixel chứ không phải số lượng ký tự.

Bạn hiện có được độ dài 512px để làm việc, mặc dù Google tinh chỉnh điều này một chút ở thời điểm hiện tại (ví dụ các kết quả trên di động có thể hiển thị nhiều hơn).

Trong khi chúng ta dễ dàng biết được có bao nhiêu ký tự trong tiêu đề, tìm ra độ dài pixel quả là thách thức

May mắn là có một công cụ miễn phí khá thú vị làm giúp công việc đó cho bạn.

Chỉ cần nhập vào thẻ tiêu đề của bạn, nhần “Yo, Get Pixel Width” và bạn sẽ nhận được kết quả xem trước của tiêu đề bên cạnh độ lớn tính ra pixel.

công cụ tiêu đề

Ngon!

Kiểm tra thẻ meta description của trang chủ

Thẻ meta description không trực tiếp ảnh hưởng đến thứ hạng của bạn.

Nhưng nếu bạn viết được thẻ meta description tốt, nó sẽ giúp bạn có được nhiều click hơn.

Và có một sự chấp nhận rằng Google sử dụng tỷ lệ CTR như là một tín hiệu để xếp hạng, bạn muốn đảm bảo trang chủ của mình có thẻ meta description như sau:

  1. Được viết tốt
  2. Siêu dụ dỗ

Hãy nghĩ về nó giống như đó là quảng cáo của bạn trên kết quả của máy tìm kiếm.

Ramesh Ranjan đã viết về điều này rất hay trong bài viết sau trên Hubspot:

Thẻ meta description là một trong những hy vọng cuối cùng của bạn trên trang kết quả tìm kiếm (SERPs) để thu hút người tìm kiếm truy cập vào website. Đây là điều mà những người làm marketing kỹ thuật số thường bỏ ngơ không tập trung vào – có lẽ vì họ nghĩ nó không còn quan trọng chút nào nữa. Nhưng nếu bạn không thực sự nỗ lực trong việc tạo nội dung tốt cho meta description, bạn có thể bỏ lỡ lưu lượng truy cập tốt có thể đem đến nhiều khách hàng thực sự & tiềm năng mới.

Một thẻ meta description tốt phải truyền đạt được yếu tố USP (Unique Selling Proposition) quan trọng cho sản phẩm hoặc dịch vụ bạn cung cấp.

Lấy ví dụ, một trang thương mại điện tử có thể bao gồm các điểm nhấn như “FREE delivery / giao hàng MIỄN PHÍ”, “No quibble return / Hoàn hàng không cần giải thích”, “Cheapest prices / Giá rẻ nhất” vân vân.

Dưới đây là thẻ meta description cho trang chủ của Simple Life Insure.

Nghĩa tiếng Việt: Nhận miễn phí báo giá bảo hiểm nhân thọ ngay hôm nay và so sánh nó với các công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu trong nước. Họ không cung cấp các tùy chọn kiểm tra y tế hoặc máu.

Tôi nghĩ nó đã khá tốt rồi.

Vì thế không cần phải thay đổi nữa.

Kiểm tra các thẻ header của trang chủ

Thẻ H1 vẫn là yếu tố xếp hạng onpage quan trọng.

Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi trang trên website là duy nhất (unique), bao gồm cả thẻ mô tả, và thẻ H1.

Với trang chủ, bạn sẽ thường muốn:

  • Truyền đạt mục đích chính của trang
  • Bao gồm 1 hoặc 2 từ khóa quan trọng

Dưới đây là thẻ H1 hiện tại:

<h1>Compare Life Insurance Quotes Within 1 Minute</h1>

Nghĩa tiếng Việt: So sánh báo giá bảo hiểm nhân thọ trong vòng 1 phút

Nó khá tốt.

Nhưng tôi khuyên nên thêm từ “affordable” vào. Bằng cách này, chúng ta nhấn mạnh từ khóa “affordable life insurance” trong cả tiêu đề và thẻ H1.

<h1>Compare Affordable Life Insurance Quotes within 1 Minute</h1>

Mọi thứ đều bình đẳng. Bao gồm cả cụm từ khóa khớp chính xác bên trong có thể sẽ giúp cải thiện thứ hạng cho từ khóa đó.

Kiểm tra các tiêu đề phụ (ví dụ các thẻ H2 và H3)

Các tiêu đề phụ phải được sử dụng theo cách thức hợp lý để chia nội dung trang của bạn giúp người đọc dễ “tiêu thụ” nội dung hơn. Chúng cũng phải cung cấp cho chúng ta cơ hội tốt để nhắm đến các từ khóa/cụm từ thứ cấp.

Tránh sử dụng các cụm từ chung chung (“đọc thêm thông tin”, “xem chi tiết”, vân vân) trong thẻ tiêu đề phụ. Các từ này nên được bao bọc trong thẻ div và tạo kiểu với CSS.

Trang chủ của Simple Life Insure đã tạo ra các tiêu đề phụ tốt rồi vì thế không cần sửa đổi gì cả.

Bước 4: Phân tích báo cáo của Crawl

Một khi báo cáo crawl của bạn hoàn thành, bạn sẽ nhận được một danh sách các vấn đề trên trang của mình.

Báo cáo của Simple Life Insure phát hiện ra một số vấn đề cần sự chú ý của chúng ta.

báo cáo của bọ tìm kiếm

Chúng ta sẽ sửa chúng để đảm bảo rằng các yếu tố SEO on-site sẽ tốt như mong đợi.

Thẻ tiêu đề trùng lắp ở trên là vấn đề phổ biến với các trang sử dụng WordPress. Về cơ bản, nó có nguyên nhân từ các trang lưu trữ trên blog (blog archive pages), ví dụ như blog/page/2/ vân vân, tất cả đều:

  • Có thể được lập chỉ mục
  • Có chính xác cùng tiêu đề

Chúng ta có thể nối “- Trang X” vào tiêu đề của mình, hoặc chỉ thêm noindex, follow tag vào tất cả các trang trừ trang 1.

Về mặt cá nhân, tôi thích tùy chọn số hai hơn. Nó có thể dễ dàng làm trong YOAST (plugin SEO phổ biến dành cho WordPress):

no-index

Bước 5: Kiểm tra nội dung có duy nhất hay không

Google GHÉT nội dung trùng lắp.

Nếu có quá nhiều nội dung như vậy trên trang của bạn, bạn sẽ lãnh đủ bởi Panda.

Nội dung trùng lắp trải khắp các trang của bạn là điều tồi tệ. Nhưng khi nó trùng lắp với trang web khác thì điều đó còn tồi tệ hơn.

Bạn có thể dễ dàng tìm ra các vấn đề về nội dung trùng lắp với tài khoản tính phí của Copyscape. Với chỉ 10$ bạn có thể kiểm tra đến 200 URL bằng cách sử công cụ hàng loạt của họ.

Dưới đây là cách.

Lấy các URL từ báo cáo crawl của bạn và paste chúng vào khu vực như hình dưới (dành cho kiểm tra hàng loạt).

kiểm tra hàng loạt

Click vào Add và công cụ sẽ xác minh số lượng URL bạn nhập vào. Nó cũng đưa ra thời gian ước tính để việc quét đồng thời này hoàn thành.

kiểm tra trùng lắp nội dung

Khi nó hoàn thành xong, bạn sẽ nhận được một danh sách tất cả các URL đã quét và hiển thị ra điểm số trùng lắp nội dung và mã màu báo hiệu mức độ “Nguy hiểm”.

kết quả trùng lắp nội dung

Bạn có thể click vào từng URL cụ thể để xem kết quả tương ứng.

trùng lắp nội dung - một trường hợp cụ thể

Có vẻ như trong trường hợp này, vấn đề đơn giản là văn bản khước từ trách nhiệm (disclaimer) ở dưới chân trang.

trung lắp nội dung khước từ trách nhiệm

Nó có thể không thành vấn đề cho hầu hết các trang.

Nhưng nó có thể là rắc rối trên trang thư mục nơi mà có rất ít nội dung độc đáo.

trang thư mục - ít có nội dung độc đáo

Lời khuyên

Có hai giải pháp.

Đầu tiên, văn bản tuyên bố khước từ trách nhiệm có thể được thay thế bằng hình ảnh.

Điều đó chắc chắn sẽ giúp bạn loại bỏ được vấn đề về nội dung trùng lắp. Nhưng nó không giải quyết vấn đề với trang thư mục có quá ít nội dung duy nhất. Chúng có thể sẽ phải nhận cờ bởi Panda (hoặc ít nhất là sẽ khó khăn trong việc thăng hạng).

Vì thế, giải pháp tốt hơn là tăng cường trang thư mục bằng cách bổ sung lời giới thiệu độc đáo. Làm điều đó sẽ giúp tăng nội dung duy nhất trên trang, và giảm bớt tỷ lệ các văn bản dùng lại (boilerplate text).

Và như một lợi ích gia tăng, nó có thể làm tăng thứ hạng của chính các trang thư mục.

Bước 6: Thực hiện một số kiểm tra trên Google

Giờ chúng ta lên Google và thực hiện một số tìm kiếm.

Tìm kiếm thương hiệu

Đầu tiên, chúng ta thực hiện tìm kiếm thương hiệu của website.

Trừ khi trang quá mới (hoặc thương hiệu là cụm từ thông dụng quá phổ biến), còn không bạn sẽ mong chờ thấy trang được xếp hạng ở vị trí số 1.

Nếu không, đấy là dấu chỉ mạnh mẽ cho thấy có một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, kiểu như trang bị phạt thủ công hoặc phạt tự động thông qua thuật toán.

Vị trí thực sự của Simple Life Insure là ở vị trí số 2:

tìm kiếm thương hiệu

Trang web này còn tương đối mới, vì thế có lẽ không có điều gì phải lo lắng quá về điều này cả.

Nhưng nó chỉ cho tôi thấy rằng Google có thể không hoàn toàn tin tưởng thương hiệu này.

Làm thế nào để tăng được độ tin cậy của trang web

Để tăng được độ tin cậy của trang web, tôi khuyên bạn:

  • Xây dựng các liên kết mạnh mẽ và có tính thương hiệu
  • Xây dựng một số trích dẫn trên các thư mục dành cho doanh nghiệp
  • Đảm bảo rằng trang có mặt danh sách Google Doanh Nghiệp
  • Bảo đảm rằng trang có mặt trên tất cả các mạng xã hội chính

Thực hiện tìm kiếm sử dụng thuật toán “site:”

Tiếp theo, chúng ta thực hiện tìm kiếm sử dụng thuật toán site:, nó sẽ cho chúng ta thấy hiện có bao nhiêu trang Google đã lập chỉ mục cho tên miền.

Điều này có thể là chỉ báo sớm cho các vấn đề về lập chỉ mục.

Cấu trúc của tìm kiếm là “site:ten-mien-cua-ban.com” không có dấu nháy kép.

kiểm tra xem có bao nhiêu trang được lập chỉ mục

Chúng ta có thể thấy hiện có 177 trang đã được lập chỉ mục cho tên miền này.

Đây là con số khá cao khi để ý là chương trình crawl chỉ phát hiện ra 92 URL.

Nếu chúng ta cuộn chuột xuống dưới, chúng ta có thể thấy có khá nhiều trang “rác” mà chúng ta muốn loại bỏ.

Lấy ví dụ có rất nhiều trang tag được lập chỉ mục:

các trang tags

Chúng không có nội dung riêng, do vậy cần phải loại bỏ, không cho lập chỉ mục.

Một lần nữa, chúng ta có thể dễ dàng quản lý điều này thông qua YOAST bằng cách thêm noindex,follow tới tất cả các trang tag với chỉ một click.

bỏ không lập chỉ mục nữa

Rất có ý nghĩa khi bạn cuộn chuột tìm kiếm các trang chất lượng thấp/nội dung mỏng khác để loại bỏ ra khỏi chỉ mục của Google.

Lưu ý của người biên tập

Trong phần tiếp theo của phần xử lý audit, chúng ta sẽ chuyển qua trang ToyUniverse.com.au – một công ty bán lẻ đồ chơi của Australia.

công ty bán lẻ đồ chơi

Để minh họa cho lưu lượng truy cập, chúng ta sẽ xem xét dữ liệu từ năm ngoái.

Bước 7: Phân tích lưu lượng truy cập

Cần phải rõ ràng rằng mục tiêu của bất kỳ ai khi thực hiện SEO audit là xác định cách giúp trang web gia tăng lưu lượng truy cập. Vì thế rất có ý nghĩa khi xem xét xem hiện trang web có lưu lượng truy cập như thế nào.

Chúng tôi thực hiện một số báo cáo trong Google Analytics để cung cấp cho chúng ta cái nhìn tổng quan nhanh chóng.

Đầu tiên chúng tôi xem xét lưu lượng truy cập hiện tại thông qua tìm kiếm của trang web.

Dữ liệu vào tháng tám năm 2015 cho thấy trung bình có khoảng 250 lượt ghé thăm trang một ngày từ tìm kiếm.

Acquisition > Overview > Organic Search

lưu lượng truy cập từ tìm kiếm

Từ báo cáo tương tự, chúng ta có thể click vào “Landing Page” để khám phá xem trang hiện đem lại lưu lượng truy cập nhiều nhất.

Các trang landing pages có lưu lượng truy cập lớn gợi ý rằng trang có sức khỏe hợp lý.

trang landing page

Cuối cùng, chúng tôi thiết lập khoảng thoài gian rộng hơn nhiều (bắt đầu từ tháng bảy năm 2013) và xem lưu lượng truy cập theo tuần. Chúng tôi tìm kiếm bất kỳ đột biến đáng chú ý nào, hoặc sự tụt dốc trong lưu lượng truy cập.

lưu lượng truy cập xét trong khoảng thời gian dài

Trong trường hợp này, chúng tôi có thể thấy một số đỉnh vào cuối mỗi năm, theo sau đó là sự tụt dốc trong tháng Một. Tôi nghi ngờ đây là sự sụt giảm tự nhiên theo mùa của sản phẩm cũng như việc lưu lượng truy cập khá trì trệ trong suốt giai đoạn sau.

Tất nhiên, trong trường hợp khác, sự sụt giảm lưu lượng truy cập có thể là dấu chỉ của hình phạt của Google. Đó là điều mà chúng ta sẽ xem xét kỹ ngay sau đây.

Bước 8: Tập hợp dữ liệu từ Google Search Console

Google Search Console (tên trước là Webmaster Tools) sẽ cung cấp cho chúng ta một số dữ liệu hữu ích cho SEO audit.

Tìm kiếm các lỗi Crawl

Trước hết, chúng ta cần phải xem xét xem Google có thông báo bất cứ vấn đề nào khi crawling (thu thập dữ liệu) trang không (Crawl > Crawl Errors).

Chúng ta có thể thấy rằng Google báo cáo số lỗi 404 (không tìm thấy), và một số lỗi 403 (truy cập bị từ chối).

Khi kiểm tra kỹ hơn, các trang 404 cho thấy nó là các sản phẩm cũ đã bị loại bỏ khỏi trang.

Trong trường hợp này, tôi khuyến khích với các sản phẩm không còn bán nữa, bạn hãy chuyển hướng 301 đến các sản phẩm tương tự hoặc thư mục cha. (Ý kiến cá nhân của người dịch: tôi khuyến khích bạn chuyển hướng đến thư mục cha, chuyển đến sản phẩm tương tự có thể gây hiểu nhầm cho khách hàng).

Điều này sẽ giúp giữ gìn bất kỳ liên kết nào mà trang cũ kiếm được (cả liên kết ngoài và liên kết nội bộ), mà nếu bạn không làm sẽ bị mất với thông báo 404.

Các trang trả về lỗi 403 có thể cần khám phá sâu hơn một chút để tìm ra tại sao Google lại thấy như vậy.

Kiểm tra các cải tiến HTML

Chúng ta có thể xem xét các báo cáo cải tiến HTML (Search Appearance > HTML Improvements) để có được cái nhìn tổng quan nhanh chóng cho bất kỳ vấn đề nào Google tìm ra khi lập chỉ mục trang.

Trong trường hợp này Google báo cáo một vài lỗi, bao gồm thẻ tiêu đề trùng lắp và thẻ meta description trùng lắp.

cải tiến HTML

Chúng ta đã biết các vấn đề này trong phần crawl site, nhưng cũng đáng để kiểm tra lần nữa cho chắc chắn.

Bước 9: Kiểm tra “Đường cong”

Báo cáo tổng quan trong Ahrefs Site Explorer cung cấp cho chúng ta một số thông tin hữu ích về lưu lượng truy cập chung của trang. Chúng ta có thể có được một số biểu đồ nhanh cho thấy: liệu các nỗ lực SEO của chúng ta có ảnh hưởng tích cực nào lên thứ hạng và lưu lượng truy cập hay không?

Chúng ta bắt đầu bằng cách nhập tên miền vào trong Site Explorer và click vào “Explore”.

Site Explorer > Enter domain > Explore

Điều này sẽ cho chúng ta thấy cái nhìn tổng quan về tên miền:

cái nhìn tổng quan về tên miền

Số lượng các tên miền trỏ đến website liên tục gia tăng là điều đáng mừng.

từ khóa và ước tính lưu lượng truy cập

Tiếp theo, chúng ta click vào tab “Organic Search” và nhìn vào các từ khóa và ước tính lưu lượng truy cập.

Chúng ta có thể thấy có sự gia tăng trong cả hai chỉ số. Mặc dù vậy có sự tụt dốc về số lượng từ khóa được xếp hạng giữa tháng Tư và tháng Bảy trong năm nay, đây là điều mà bây giờ chúng ta mới khám phá ra.

Mẹo

Các báo cáo này đặc biệt hữu dụng cho các website mới, khi mà sự cải thiện trong thứ hạng có thể không đem lại kết quả trong việc gia tăng traffic.

Nếu chúng ta có thể thấy các từ khóa và lưu lượng truy cập tăng trưởng từng ngày chúng ta có thể giả định rằng nếu tiếp từ các nỗ lực SEO thì chúng ta sẽ sớm có được các kết quả khả quan.

Bước 10: Tìm các trang xếp hạng trong top 5 – 10 với từ khóa có khối lượng tìm kiếm cao

Có mặt ở vị trí thứ 5 cho các từ khóa có khối lượng tìm kiếm cao nghe có vẻ tốt.

Cho đến khi bạn nhìn vào sự khác biệt khi chỉ cần tăng thêm 2 vị trí có thể làm traffic của bạn tăng như thế nào.

tỷ lệ traffic tính theo vị trí

Tin tốt là, nếu bạn đã có thứ hạng tốt rồi, chỉ cần một chút nỗ lực chủ động trong SEO là đủ để đẩy bạn lên các vị trí đầu.

Điều chúng ta muốn là xem các từ khóa có khối lượng tìm kiếm cao mà chúng ta xếp hạng ở vị trí từ 5 – 10. Điều này dễ dàng thực hiện với Ahrefs Sites Explorer.

Chúng ta có thể đơn giản chạy các báo cáo từ khóa tự nhiên và thiết lập lọc vị trí và khối lượng tìm kiếm phù hợp.

Site Explorer > Enter domain > Explore > Organic Keywords > Position (from: 5 to: 10) > Volume (min: 1,000 max: blank)

lọc

Chúng ta sẽ nhận được danh sách các từ khóa (và nội dung) chúng ta có thể tập trung để nhanh chóng có được điều mình muốn. (cải thiện thứ hạng các bài cũ thường dễ hơn nhiều thăng hạng cho bài mới, lưu ý đang nói 2 bài thuộc về cùng một trang web).

Tìm ra các trang cần cải thiện thứ hạng

Thủ thuật mũ đen

Bạn muốn xây dựng một số backlink mới cho trang trong vài giây?

Đơn giản chỉ cần tìm trang nào đó trên website không đem lại nhiều lưu lượng truy cập (nhưng tích lũy được nhiều liên kết inbound) và chuyển hướng 301 nó về trang bạn muốn thăng hạng.

Nó khá là tinh quái…

Nhưng có hiệu quả.

Bước 11: Phân tích hồ sơ backlink

Chúng ta tiến hành kiểm tra nhanh, thủ công hồ sơ backlink của trang để xem có bất kỳ vấn đề rõ ràng nào hay không.

Ahrefs làm điều này trở nên hết sức dễ dàng với chúng ta!

P1: Phân phối văn bản neo

Chúng ta quay trở lại báo cáo tổng quan cho tên miền và cuộn chuột xuống phần “Anchors Cloud / Đám mây văn bản neo”. Phần này sẽ cung cấp cho chúng ta đồ hình tóm tắt về tỷ lệ phân phối văn bản neo trên trang.

văn bản neo trên trang

Trong trường hợp này, chúng ta có thể thấy URL trần và các liên kết thương hiệu tạo ra hơn một phần ba hồ sơ backlink của chúng ta.

Chúng ta cũng có thể thấy một số văn bản neo khác bao gồm thương hiệu Toy Universe.

Đây là tin tốt từ quan điểm SEO vì liên kết thương hiệu giúp xây dựng lòng tin.

Nếu bạn thấy một số lượng lớn văn bản từ khóa ở đây, thế thì có điều gì đó mà bạn cần phải quan sát kỹ hơn.

Nhưng chúng đều tốt trong trường hợp này.

P2: Liên kết gãy và một số mẹo để nhanh chóng có được điều mình muốn

Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét báo cáo “Broken Backlinks / các liên kết gãy” bên dưới “Inbound Links”, cái thường có thể trở thành nguồn giúp bạn nhanh chóng có được lưu lượng truy cập.

Điều này sẽ cho chúng ta thấy các liên kết tới trang của chúng ta hiện trả về lỗi 404 – làm mất hiệu quả của liên kết.

Site Explorer > Enter domain > Explore > Backlink profile > Backlinks > Broken

Trong trường hợp này báo cáo tìm ra 3 liên kết gãy.

báo cáo liên kết gãy

Chúng ta có thể dễ dàng sửa chúng (và nhận được các liên kết) bằng cách tạo các chuyển hướng 301 cho các liên kết hết hạn cũ, tới các trang có liên quan.

P3: Kiểm tra nhanh liên kết

Cuối cùng, chúng ta sẽ kiểm tra nhanh thông qua các tên miền trỏ đến chúng ta, để xem xem có bất kỳ liên kết chất lượng thấp nào hay không.

Chúng ta click vào “DR” để đảo ngược thứ tự của báo cáo và đưa các liên kết chất lượng thấp nhất lên đầu.

Site Explorer > Enter domain > Explore > Backlink profile > Referring domains > Sort by DR (lowest first)

liên kết chất lượng thấp

Qua thời gian bạn sẽ phát triển giác quan thứ sáu trong việc nhận ra các liên kết chất lượng thấp.

Nếu có bất cứ điều gì nghi ngờ bạn có thể đơn giản click vào con số bên dưới cột “backlink”, sau đó click vào liên kết trỏ đến URL để xem xét.

cột backlink

Bạn có thể bỏ thời gian để biết thêm chi tiết khi bạn thực hiện audit toàn diện.

Nhưng hiện tại, chỉ cần để ý đến các liên kết kém chất lượng hoặc cố ý lôi kéo sự chú ý.

Cũng như tìm các dấu hiệu rõ ràng của “SEOing” (nó cũng hiệu quả nữa). Lấy ví dụ nhiều liên kết thư mục, hoặc các liên kết từ nhiều hồ sơ diễn đàn.

Trong trường hợp này, hồ sơ liên kết trông khá ổn, vì thế chúng tôi có thể chuyển sang bước kế tiếp của SEO audit.

Bước 12: Xác định xem có bất kỳ hình phạt nào hay không

Lưu ý của người biên tập

Cả Panda và Penguin hiện đã tích hợp vào thuật toán của Google và ảnh hưởng đến thứ hạng theo “thời gian thực”.

Dầu vậy, phương thức sau vẫn hữu dụng trong việc tìm ra các hình phạt trong quá khứ – cái có thể tiếp tục ảnh hưởng đến thứ hạng của bạn.

Tôi từng đề cập trước đó rằng chúng ta sẽ quan sát kỹ hơn vào phần rơi rụng của lưu lượng truy cập vì nó có thể là dấu chỉ cho các hình phạt của Google.

May mắn là với nhiệm vụ này có công cụ rất tốt (và MIỄN PHÍ) gọi là “Panguin” sẽ làm phần lớn phần việc khó nhất cho chúng ta.

Dưới đây là cách bạn sử dụng công cụ Panguin để nhanh chóng xác định liệu sự sụt giảm trong lưu lượng truy cập có phải là do ảnh hưởng của thuật toán cập nhật của Goolge hay không.

P1: Đăng nhập vào Analytics

Truy cập vào công cụ Panguin và đăng nhập vào tài khoản Google Analytics của bạn.

công cụ Panguin

P2: Lựa chọn trang web của bạn

Sau khi đăng nhập vào tài khoản Analytics của bạn, hãy chọn trang web bạn muốn đánh giá từ menu bên tay trái.

chọn website muốn kiểm tra

Nó giống hệt với danh sách trang web bạn có trong Google Analytics.

P3: Xác định xem có bị phạt không

Sau khi chọn xong, bạn sẽ được cho xem bảng hiển thị lưu lượng tìm kiếm tự nhiên. Bảng này được chồng lấp với nhiều đường mã màu thẳng đứng tương ứng với các đợt cập nhật của Google.

các đợt cập nhật của Google

Bạn có thể tắt, bật đa dạng các cập nhật (Panda, Penguin, vân vân) bằng cách nhấn các nút ở bên tay phải.

Ở hình bên dưới, tôi tắt tất cả các thuật toán cập nhật ngoại trừ Penguin.

vẫn bật Penguin

Chúng ta có thể thấy Penguin cập nhật vào tháng 12 năm 2014 làm lưu lượng truy cập của rất nhiều chủ website rơi xuống, dầu vậy, tôi cho rằng đây đơn thuần chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên và sự sụt giảm này chỉ là do ảnh hưởng theo mùa.

Bước 13: Kiểm tra tốc độ trang web

Tốc độ website từ lâu đã được xác nhận là một trong các yếu tố xếp hạng của Google (mặc dù có một nghiên cứu khác gợi ý rằng tốc độ crawl có thể thực sự quan trọng hơn so với tốc độ tải trang).

Chắc chắn một trang web tải nhanh cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn so với một trang tải chậm.

Vì thế đây là một thực hành tốt để đảm bảo rằng website của bạn được tối ưu hóa cho việc tải trang nhanh nhất có thể.

Bạn có thể phải bỏ vài ngày để tinh chỉnh website và server. Nhưng một trong các cách thức tốt để xác định các vấn đề nghiêm trọng là Google’s PageSpeed Insights Tool.

Chỉ cần nhập URL của bạn vào, nhấn “Analyse” và Google sẽ trả về điểm số tốc độ của trang (trên thang điểm 100) cho cả thiết bị di động và máy bàn. Google cũng đưa cho bạn một danh sách các phần khác nhau mà họ nghĩ bạn có thể cải thiện.

PageSpeed Insights

Trong trường hợp của chúng tôi, trang này nhận được điểm số 57/100 cho di động và 71/100 cho máy bàn. Không phải là điểm số tồi nhất tôi từng nhìn thấy, nhưng hoàn toàn có cách để cải thiện.

các vấn đề cần cải thiện

Bước 14: Kiếm tra dữ liệu có cấu trúc

Bước kế tiếp trong việc xử lý audit của chúng ta sẽ là kiểm tra bất cứ dữ liệu có cấu trúc nào mà trang có thể có và đảm bảo rằng nó có định dạng chính xác.

Tại sao dữ liệu có cấu trúc lại quan trọng?

Sử dụng dữ liệu có cấu trúc theo cách thích hợp có thể cải thiện khả năng chúng ta xuất hiện trong kết quả của máy tìm kiếm và dẫn đến sự gia tăng trong tỷ lệ click.

Nó trông giống như thế này:

dữ liệu có cấu trúc

Ví dụ về nội dung có thể lợi ích từ việc đưa vào dữ liệu có cấu trúc bao gồm:

  • Reviews (đánh giá)
  • Product information (thông tin sản phẩm)
  • Events (sự kiện)

Mặc dù vậy, bạn có thể đánh dầu hầu hết các kiểu nội dung ở một mức độ nhất định (chỉ cần lưu ý là đừng spam!)

Thêm vào đó, sự chính xác của dữ liệu có cấu trúc cho phép Google hiểu nội dung của bạn tốt hơn. Nathan Yerian mô tả nó như sau:

Dữ liệu có cấu trúc cho phép máy tìm kiếm không chỉ crawl website của bạn, mà còn thực sự hiểu nó. Vâng, thậm chí ngay cả máy tìm kiếm cũng gặp phải khó khăn để giải mã nội dung trên trang web. Một số thành phần trông có vẻ rất rõ ràng, hoàn hảo với con người chúng ta nhưng lại vô nghĩa với bọ tìm kiếm.

Chúng ta có thể sử dụng công cụ Google Structured Data Testing Tool để kiểm tra dữ liệu có cấu trúc tồn tại trên trang.

Chỉ cần copy rồi paste URL bạn muốn kiểm tra và nhấn “Fetch & Validate”.

dữ liệu có cấu trúc

Google sẽ đánh giá dữ liệu có cấu trúc cho trang và trả về bất cứ lỗi nào. Trong trường hợp này chúng ta có thể thấy có một vài lỗi cần kiểm tra và sửa chữa.

Dữ liệu có cấu trúc bị lỗi

Bước 15: Tìm “Khoảng trống nội dung”

Khoảng trống nội dung là gì?

Đó là các từ khóa mà hiện đối thủ cạnh tranh của bạn đang được xếp hạng trong khi bạn thì không!

Khỏi phải nói, đó là một trong những điều bạn cần cân nhắc khắc phục.

Có một báo cáo đơn giản bạn có thể thực hiện trong Ahrefs Site Explorer để tìm ra khoảng trống nội dung. Chúng tôi đặt tên nó là “Content gap”.

Site Explorer > Enter domain > Explore > Organic search > Competing domains

Báo cáo sẽ cho thấy các trang mà chúng tôi tìm thấy có sự giao thoa lớn nhất trong bảng xếp hạng từ khóa với tên miền của bạn.

tên miền cạnh tranh

Hãy bỏ qua bất kỳ trang nào thuộc dạng sàn thương mại điện tử kiểu Ebay hoặc Amazon. Ở trên tôi lựa chọn 3 tên miền tôi xem xét là đối thủ cạnh tranh gần nhất với Toy Universe.

Giờ tôi vào phần báo cáo Content Gap và nhập vào 3 đối thủ cạnh tranh này.

Site Explorer > Enter domain > Explore > Organic search > Content gap > Enter competitors > Show keywords

Content Gap

Tối thiết lập lọc khối lượng để hiển thị từ khóa với khối lượng tìm kiếm lớn nhất là 20 ngàn. Bằng cách này tôi lọc ra được các tìm kiếm thương hiệu (thường có khối lượng tìm kiếm lớn) và các từ khóa khác không đáng để chúng tôi nhắm đến trong lúc này.

Chúng tôi có thể thấy có một số từ khóa có khối lượng tìm kiếm cao mà chúng tôi có thể làm nội dung cho nó được. Nếu bạn có một cửa hàng online (ecommerce store), điều này có thể cho bạn ý tưởng tốt về sản phẩm mới mà bạn nên bán.

từ khóa có khối lượng tìm kiếm lớn

Bước 16: Thực hiện kiểm tra nội dung toàn diện

Bước cuối cùng trong quá trình xử lý nghe có vẻ là điều gì đó không dễ nắm bắt bằng trực giác. Đấy là bởi vì nó thường liên quan đến việc xóa một số trang vô ích từ trang của bạn.

Vì sao nó lại giúp gia tăng lưu lượng truy cập?

Câu trả lời ngắn gọn là có quá nhiều trang chất lượng thấp (hoặc không hiệu quả) có thể kéo toàn bộ trang web đi xuống.

Năm ngoái, chúng tôi quyết định xóa hơn 200 bài viết kém chất lượng từ blog của Ahrefs và nhanh chóng thấy sự gia tăng đáng kể trong lưu lượng truy cập tự nhiên.

xóa các bài viết kém chất lượng

Một số tóm tắt về cách thức:

  1. Tìm trang chất lượng thấp trên website của bạn hiện không đem lại bất cứ lưu lượng truy cập nào.
  2. Nếu chúng có thể nâng cấp được thì bạn hãy cập nhật cho nó và xuất bản lại bài đăng.
  3. Nếu không thể nâng cấp nó hãy xóa trang đó và thực hiện chuyển hướng 301 tới một trang liên quan.

Tuy nhiên có một lời cảnh báo:

Hết sức cẩn thận khi “phẫu thuật” trang web của bạn.

Lựa chọn đầu tiên phải là cải thiện nội dung và xuất bản lại nó chứ không phải xóa.

Nhưng nếu bài nào đó có chất lượng quá thấp và đơn giản là không đáng để cập nhật thế thì hãy chấp nhận và xóa nó đi. Chỉ cần nhớ là hãy thiết lập chuyển hướng 301 tới trang liên quan vì thế bạn không đánh mất bất cứ liên kết nào đã gây dựng được trước đây.

Mẹo khác

Một thứ khác cũng cần phải tìm ra đó là các trang bài khác nhau nhưng lại cùng nhắm đến một từ khóa. Điều này còn có tên gọi là “keyword cannibalisation”

(Chú thích của người dịch, từ cannibalisation trong thuật ngữ marketing có nghĩa là sự sụt giảm doanh số, thị phần, lời lãi của một sản phẩm cũ là do một sản phẩm mới được đưa ra, và đây mới là thông tin quan trọng, sản phẩm mới đó thuộc cùng công ty mẹ sản xuất ra sản phẩm cũ! Tức là đang tự mình ăn mình).

Lý tưởng nhất mỗi từ khóa chỉ thuộc về một trang mà thôi.

Một chiến thuật tốt đó là kết hợp nhiều trang đang nhắm cùng một từ khóa thành một trang duy nhất, một bài đăng tuyệt vời, chất lượng. Chúng tôi vừa mới làm như vậy, thậm chí còn kết hợp 3 bài lại thành một để tạo ra bài viết hướng dẫn về văn bản neo.

Và…Xong rồi!

Quá trình thực hiện SEO audit của chúng ta đã hoàn thành!

Bằng cách thực hiện theo các bước này bạn sẽ tìm ra một số thay đổi cần làm để trang của bạn cải thiện thứ hạng.

SEO audit đầy đủ từ A đến Z sẽ cần thời gian dài hơn nhiều để xử lý (có thể từ vài tiếng cho đến vài ngày tùy thuộc vào kích cỡ của site). Nhưng quy trình mà tôi vừa trình bày là cách thức tốt để kích hoạt bất cứ chiến dịch SEO mới nào và cảm nhận được cách một trang hiện đang được thiết lập.

Nếu chúng ta muốn đào sâu hơn, chúng ta có thể quay trở lại chương trình crawler mà chúng ta bắt đầu ở phần đầu của quá trình, và xem xét các chi tiết cụ thể hơn vào cấu trúc trang, liên kết nội bộ và các yếu tố onpage khác.

Chúng ta cũng có thể quay trở lại Ahrefs tại điểm này để điều tra kỹ lưỡng hơn hồ sơ liên kết của trang và tìm kiếm các cơ hội từ khóa bổ sung.

Tuy nhiên những vấn đề chi tiết trên chúng ta sẽ thực hiện trong một ngày khác…

Nhưng cần phải đảm bảo rằng những lỗ hổng lớn trong SEO audit của bạn cần loại bỏ ngay trong ngày hôm nay.

Đến lượt bạn

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về quá trình xử lý audit, hoặc có bất cứ mẹo nào bạn muốn chia sẻ, hãy để lại ở phần bình luận ngay bên dưới nhé.

(Dịch từ bài viết 16-Step SEO Audit Process To Boost Your Google Rankings, tác giả: David McSweeney, Website: Ahrefs Blog)

Back to Top