Categories BlogT WordPress

Redirect tên miền cũ sang tên miền mới kiểu nhẹ nhàng, không tốn tài nguyên

chuyển website sang tên miền mới

Khi bạn chuyển sang tên miền mới (có thể đi kèm với chuyển hosting), điều chắc chắn cần phải làm là redirect (chuyển hướng) tên miền cũ sang tên miền mới, không chỉ là trang chủ mà toàn bộ từng bài viết tương ứng. Điều đó giúp bạn đảm bảo thứ hạng của trang trên máy tìm kiếm (mặc dù chuyển sang tên miền mới sẽ làm rớt hạng ít nhiều), cũng như những ai từng liên kết với link cũ không bị gián đoạn truy cập (lỗi 404, không tìm thấy trang).

Nhiều người sẽ redirect theo kiểu để nguyên website cũ sau đó dùng file như .htaccess để chuyển hướng. Điều này có nghĩa là:

  • Toàn bộ bài viết sẽ vẫn còn trên trang cũ
  • Toàn bộ tài nguyên như ảnh cũng sẽ vẫn còn
  • Cơ sở dữ liệu (database) cũng vậy

Tóm lại rất nhiều dữ liệu dư thừa vẫn chiếm chỗ hosting.

Để tối ưu bạn nên làm như sau:

  • Xóa bỏ website cũ. Nó sẽ xóa toàn bộ tài nguyên cũ (cần đảm bảo rằng bạn đã chuyển toàn bộ nội dung sang website mới, và có các bản dự phòng trước khi xóa, đây là điều bắt buộc phải làm)
  • Tạo website mới trên tên miền cũ, nhưng không cần cài bất cứ CMS nào (hệ quản trị nội dung như WordPress) – vì bạn không cần chứa nội dung
  • Tạo tài khoản FTP cho website, website lúc này có một thư mục trống
  • Nếu tên miền cũ trước đây dùng https, bạn cần phải tạo kết nối bảo mật cho nó, điều này không ảnh hưởng gì đến tài nguyên, và cũng là việc phải làm
  • Tạo file chuyển hướng như .htaccess sau đó đưa đoạn mã chuyển hướng vào. Thường thì hosting sẽ chủ động tạo file .htaccess cho bạn, nếu thấy nó không tồn tại bạn có thể tải bản mẫu từ website khác về máy tính sau đó up ngược lên rồi sửa

Như vậy tên miền cũ chỉ chiếm lượng tài nguyên nhỏ nhất có thể, một thư mục với vài KB dữ liệu, không ảnh, không CSDL. Tất nhiên nó vẫn đảm bảo được nhiệm vụ quan trọng nhất cần phải làm là chuyển hướng từ tên miền cũ sang tên miền mới.

Bạn có thể tìm hiểu cách sửa file .htaccess ở đây. Còn đoạn mã mẫu để chuyển hướng website có thể dùng đoạn bên dưới đây.

#Options +FollowSymLinks
RewriteEngine on
RewriteRule ^(.*)$ https://ten-mien-moi-cua-ban.com/$1 [R=301,L]

Bạn thay thế đoạn bôi đậm https://ten-mien-moi-cua-ban.com/$1 [R=301,L] bằng tên miền mới cụ thể của bạn.

Tên miền cũ sẽ có cấu trúc rất đơn giản như thế này:

cấu trúc website đơn giản đi rất nhiều

Như vậy là xong.

OK, giờ chúng ta thử trả lời câu hỏi tại sao mọi người thường quên mất việc tối ưu dữ liệu của tên miền cũ:

  1. Hosting thường có dung lượng đủ lớn để mọi người không bị buộc phải nghĩ đến dữ liệu cũ còn tồn đọng
  2. Mọi người muốn giữ lại dữ liệu của website cũ để phòng khi có sai sót còn có dữ liệu để lấy lại

Với vấn đề số (1), tồn đọng dữ liệu cũ chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu suất website cho dù bạn đang có dư thừa tài nguyên (RAM, ổ SSD). Ngoài ra đối với các trang lớn, dữ liệu cũ quá nhiều sẽ làm bạn (theo thời gian) phải nâng cấp lên các gói hosting cao hơn sớm hơn. Tức là thiệt hại về chi phí không cần thiết.

Vấn đề số (2), lo lắng của bạn là hợp lý. Tuy nhiên ngay sau khi chuyển website hoàn chỉnh, và kiểm tra kỹ lại trang, đồng thời đã thực hiện lưu trữ các bản backup đầy đủ thì khoảng một tháng sau bạn hoàn toàn an tâm xóa dữ liệu cũ được rồi.

P/S: Để quá trình redirect vẫn giữ được thứ hạng, bạn nên thông báo với các công cụ tìm kiếm lớn biết điều này. Các công cụ quản trị web của họ cho phép làm điều đó rất dễ dàng. Ngoài ra bạn sẽ phải cập nhật lại các mã theo dõi mà trước đây gắn liền với tên miền cũ, vân vân, còn rất nhiều điều khác nữa. Vì vậy hãy suy nghĩ thật cẩn thận trước khi đổi tên miền. Nếu bạn muốn chọn tên miền đẹp, hãy đọc các gợi ý ở link bài vừa dẫn.

Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong bài viết khác.

Back to Top