Categories QUIC cloud

LiteSpeed cache + QUIC cloud vẫn cho tốc độ tốt ngay cả trên nền web server không phải LiteSpeed Enterprise hay OpenLiteSpeed

vẫn nhanh lắm

Trước đây do lo ngại máy chủ không phải LiteSpeed Enterprise hoặc OpenLiteSpeed thì hiệu quả LiteSpeed cache sẽ kém hơn nhiều nên tôi hiếm khi dùng plugin cache này trên các nền tảng khác.

Thử nghiệm mới thì tôi nhận thấy: có lẽ là đúng khi nói rằng hiệu suất website không đạt hiệu quả cao nhất khi cài LiteSpeed cache trên các nền tảng web server không phải LiteSpeed nhưng nhìn chung tốc độ vẫn rất tốt. Và nếu nhìn rộng ra, với sự kết hợp của QUIC cloud thì nó đem lại nhiều lợi ích đáng kể sau:

  • Cho tốc độ cao tại nhiều vị trí khác nhau trên thế giới nhờ khả năng cache HTML của QUIC cloud. Cái này bạn phối hợp với CDN tài nguyên tĩnh như Bunny chẳng hạn thì sẽ cho tốc độ rất tuyệt vời.
  • Vì QUIC có PoP ở Việt Nam nên tốc độ của website cài QUIC đạt ngưỡng cao đáng chú ý, cho dù không phải request nào cũng lấy dữ liệu từ Việt Nam.

Có nhược điểm nhỏ đó là vì không phải web server của LiteSpeed nên gói miễn phí dung lượng CDN nhỏ hơn khá nhiều, nên với website nào cần thêm dung lượng thì bạn phải mua.

Được cái dung lượng nạp vào nếu tháng này không dùng hết thì đẩy sang tháng sau, chứ không hủy. Và để tiết kiệm thì nên mua CDN cho HTML thôi các bạn (tức là để ON cái Dynamic Cache, còn Static Cache thì để OFF), và tắt các chức năng tối ưu không cần thiết, vì một số chức năng sẽ phải dùng “credit” để thanh toán, còn các tài nguyên tĩnh thì nên dùng BunnyCDN. Bunny nhiều tính năng, giá rẻ hơn, tốc độ cao và cũng có PoP ở Việt Nam.

Kiến càng đang dùng kiểu đó. Tôi đang dùng ServerPilot – một kiểu web server Nginx nhưng vẫn dùng LiteSpeed cache và phối hợp với QUIC cloud.

Mà bất chợt nảy ra ý nghĩ, sao ông LiteSpeed không làm cái control panel quản trị giống ServerPilot. Quan trọng nhất là cái lõi LiteSpeed Enterprise của các ông, còn giao diện đơn giản càng tốt, hoặc có thể làm gói giao diện đơn giản cho người thích đơn giản.


#1. Đôi khi cái Domain Key hơi khó lấy

Để kết nối QUIC cloud thì trước hết bạn vào vào tab General của LiteSpeed cache lấy Domain Key, nhưng nếu bạn chưa chạy trên nền tảng LiteSpeed Enterprise hoặc OpenLiteSpeed bao giờ thì khởi tạo cái Domain Key này đôi khi hơi khó khăn.

Mẹo là bạn có thể chạy website trên nền tảng OpenLiteSpeed ở đâu đó, ví dụ trên hosting khác hoặc cài CyberPanel trên VPS để khởi tạo Domain Key này. Sau đó bạn chuyển website sang nền tảng web server khác, rồi request Domain Key, lúc này nó sẽ lấy key rất nhanh.

Rõ ràng đây là phiền phức không đáng có, nhưng biết làm thế nào được, nó bị vậy, đành áp dụng mẹo thôi, và sau đó bạn sẽ dùng QUIC cloud thoải mái để tận dụng nhiều ưu thế của nó.

Ngoài ra bạn nên tham khảo các biện pháp để đảm bảo tỷ lệ cache cao nhất có thể, bởi nếu trang tĩnh tương đối dài mà để thời gian sống của cache ngắn thì nó phí ra.


#2. Tiết kiệm tiền khi dùng QUIC cloud như thế nào?

Nếu bạn dùng web server LiteSpeed Enterprise, bạn được miễn phí 100 credit tương đương với 2.5GB lưu lượng CDN ở khu vực châu Á (QUIC cloud có giá CDN ở khu vực châu Á gấp 4 lần khu vực Bắc Mỹ). Nhưng nếu bạn dùng Nginx hay nói chung là nền tảng khác thì gói miễn phí chỉ 10 credit mà thôi. Với 250 MB thì lưu lượng này sẽ hết khá nhanh (kể cả khi bạn chỉ dùng cache HTML, nó được tầm một tuần trên trang có lưu lượng truy cập trung bình), và bạn phải nạp credit để sử dụng tiếp. Phần này sẽ nói cách tiết kiệm cái credit này, sao cho hợp lý nhất.

Giá: 1$ = 1000 credit.

QUIC cloud tính tiền ở nhiều phần tối ưu hóa khác theo cơ chế dùng đến đâu tính tiền đến đấy. Ngoài băng thông, nó sẽ tính tiền bạn trong các trường hợp sau:

  • Ảnh LQIP: có giá 2$ / 3000 request. Ảnh LQIP là ảnh giữ chỗ chất lượng thấp, một kiểu cải tiến thêm cho tính năng lazyload ảnh hết sức thú vị. Tuy nhiên nếu bạn đã dùng CDN có PoP gần (hoặc tốt nhất là trong) Việt Nam thì giải pháp này có thể không cần thiết nữa. Lazyload ảnh đã được cải tiến rất nhiều để giảm thiểu độ trễ, bên cạnh áp dụng CDN, bạn có thêm tính năng tải trước ảnh khi ảnh gần khung nhìn trình duyệt (tùy plugin mà có tính năng này, ngoài ra một số trình duyệt hiện đại mặc định sử dụng kiểu lazyload ảnh thông minh ở trên khi trong thẻ img có thuộc tính phù hợp).
  • Tối ưu hóa ảnh: nếu dùng LiteSpeed Enterprise thì bạn không lo cái này, nhưng nền tảng khác nó có giá 1$ / 4000 ảnh. Để tiết kiệm bạn có hai lựa chọn (1) sử dụng plugin tối ưu hóa ảnh khác (ví dụ EWWW), (2) vẫn để LiteSpeed tối ưu hóa nhưng chấp nhận tốc độ tiêu chuẩn tối ưu chậm hơn. Xem thêm: vài nhận xét về dịch vụ tối ưu ảnh của LiteSpeed.
  • Tối ưu trang liên quan đến CCSS/UCSS/VPI: có giá 1$ / 2000 request. Trên những giao diện được viết mã tốt, bạn có thể bỏ qua luôn cái này. Nó vừa có tác dụng tiết kiệm tiền, vừa giúp quá trình tạo cache nhanh hơn, cũng như cache trình duyệt lâu dài hơn.

#3. Tại sao cần phối hợp BunnyCDN với QUIC cloud?

QUIC cloud cũng có CDN cho tài nguyên tĩnh, và với giá 1$ / 25GB so với Bunny là 1$ / 33GB thì có thể xem là tương đương, Bunny có rẻ hơn thật, nhưng không đáng kể về giá trị tuyệt đối. Vậy tại sao chúng ta vẫn nên dùng Bunny, dù nếu dùng luôn QUIC việc cài đặt sẽ đơn giản hơn (không cần trỏ thêm tên miền CDN).

Vấn đề nằm ở chỉ số cache hit ratio của Bunny là cực cao, và với các cài đặt phù hợp (chẳng hạn khi bật perma-cache) nó có thể lên đến hơn 90%, trong khi QUIC không có tính năng tương tự. Nói cách khác CDN cho tài nguyên tĩnh bằng Bunny sẽ giúp bạn bảo vệ hosting gốc tốt hơn, và cho tốc độ tải dữ liệu nhanh hơn.

Back to Top