Categories CDN QUIC cloud

Các câu hỏi thường gặp (FAQ) về QUIC.cloud

các câu hỏi thường gặp về QUIC cloud

Vài lời của người dịch: Sự xuất hiện của QUIC.cloud có thể là một trong các thay đổi lớn nhất trong thế giới cache, đặc biệt là với WordPress. LiteSpeed có ý định biến cache thành dịch vụ đám mây mà không phải phụ thuộc vào tài nguyên giới hạn của máy chủ gốc cũng như kiểu web server đang dùng (dù website đang chạy trên nền là APACHE hay NGINX giờ cũng đều cài được plugin LiteSpeed Cache). Với khả năng cache HTML & phân phối nó qua CDN, họ chắc chắn là đối thủ mà ông lớn như Cloudflare phải lo lắng, và các hosting tĩnh với ưu thế tưởng chừng rất khó chạm đến cũng cảm thấy nhột dần. Không những vậy, nước đi này của LiteSpeed có thể biến họ thành nhà cung cấp CDN lớn nhất và đe dọa bất cứ công ty CDN truyền thống nào. Hosting gốc ở đâu giờ cũng bớt quan trọng hơn so với ngày xưa, vì ngay cả HTML cũng sẽ lấy qua CDN chứ không phải luôn luôn từ hosting gốc nữa. Nhưng tất nhiên, điều này cũng chẳng dễ như ăn kẹo, vì đòi hỏi LiteSpeed phải có cơ sở hạ tầng phần cứng rất tốt.

PS: dường như không muốn tụt hậu so với đối thủ thì giờ Cloudflare vào tháng 10/2020 cũng đã tung ra dịch vụ mới có tên Automatic Platform Optimization có khả năng đẩy html ra các máy chủ CDN cũng như cache được cả Google Fonts.


Tổng Quan

QUIC.cloud là gì?

QUIC.cloud là dịch vụ CDN hiệu suất cao, được bật thông qua LSCache (xem hướng dẫn kết nối ở đây), và được tạo bởi công ty LiteSpeed Technologies. Nó hiện phát hành ở bản beta và khả dụng trên toàn cầu không tính phí (cho đến một giới hạn nhất định).

Tôi có thể sử dụng QUIC.cloud với CMS nào?

Ở thời điểm hiện tại, QUIC.cloud chỉ có thể sử dụng với CMS của WordPress. Bản cài đặt WordPress của bạn cũng cần phải có plugin LiteSpeed Cache.

Tôi có thể sử dụng bao nhiêu GB trên QUIC.cloud?

Bạn có thể sử dụng dung lượng tối đa 20GB trên tháng mà không mất phí trên QUIC.cloud. Nếu bạn cần nhiều hơn, chúng tôi khuyến khích bạn liên hệ với chúng tôi trên Slack để hai bên có thể thảo luận nhu cầu sử dụng của bạn.

PS: có lẽ nếu bạn muốn dùng lưu lượng miễn phí nhiều hơn mới cần liên hệ, còn nếu muốn mua với giá 1$ = 100GB (giá tháng 8/2020) thì nói chung là tương đối thoải mái cho đa số website. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết dùng thử CDN trả phí của QUIC để biết thêm chi tiết.

Tôi có cần đăng ký trên QUIC.cloud để sử dụng các dịch vụ trực tuyến?

Không, bạn có thể sử dụng các dịch vụ dưới dạng người dùng ẩn danh (anonymous). Tuy nhiên, nếu bạn đăng ký trên QUIC.cloud, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích, chẳng hạn như:

  1. Khả năng kiểm tra trạng thái của dịch vụ, cũng như bất cứ thông báo lỗi nào liên quan đến nó.
  2. Có cơ hội nhận thêm được credit khuyến mại khi bạn đạt đến cấp độ sử dụng nhất định.
  3. Tiện lợi hơn, liên quan đến việc xử lý sự cố, với nhóm của LiteSpeed.

Điều gì xảy ra nếu tôi sử dụng nhiều hơn dữ liệu được phân bổ từ trước?

Nếu bạn sử dụng nhiều hơn 20GB một tháng, DNS sẽ thay đổi tự động, vì thế người truy cập sẽ vào thẳng máy chủ gốc của bạn chứ không còn qua CDN nữa.

QUIC.cloud tăng tốc website của tôi như thế nào?

QUIC.cloud giảm độ dài vật lý của các yêu cầu phân phối nội dung từ máy chủ của bạn đến người truy cập bằng cách thiết lập các máy chủ phân tán trên khắp thế giới. Không giống các dịch vụ CDN khác, QUIC.cloud có khả năng cache nội dung động, điều đấy có nghĩa là có nhiều nội dung hơn có thể cache cho người dùng của bạn. Với khả năng làm giảm quãng đường truyền tải dữ liệu và nhiều cơ hội caching hơn, QUIC.cloud có thể phân phối các trang nhanh hơn bất kỳ dịch cụ nào khác.

PS: khả năng cache trang html và đẩy lên các PoP là tính năng độc đáo mà hiện chỉ có QUIC mới có chính thức. Các dịch vụ CDN thông thường khác (gồm cả Cloudflare, Google CDN, Cloudfront chỉ cache các tài nguyên tĩnh như ảnh, css, js).

Máy chủ web nào tương thích với QUIC.cloud?

Tất cả máy chủ web, bao gồm cả Apache, Nginx, OpenLiteSpeed, vân vân, đều tương thích với QUIC.cloud.

QUIC.cloud hoạt động không khác dịch vụ CDN và bạn không cần phải thay thế bất cứ máy chủ web nào (web server) đang dùng.

QUIC.cloud có cung cấp bất kỳ tính năng chống DDoS nào không?

Nếu bạn bật chức năng bảo vệ RECAPTCHA trong panel của QUIC.cloud cho tên miền, chúng tôi sẽ phát hiện nếu có số lượng kết nối lớn đến tên miền của bạn. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ yêu cầu các kết nối xác thực thông qua RECAPTCHA, điều này sẽ giúp chống lại các cuộc tấn công Layer 7. Chúng tôi cũng có nhiều tính năng liên quan đến bảo mật hoạt động bên dưới để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công DDoS, chẳng hạn như chặn những IP xấu đã biết và ngăn ngừa kiểu tấn công vét cạn (brute force attacks) vào WordPress.

Có bao nhiêu website mà mỗi tài khoản QUIC.cloud hỗ trợ?

Hiện không có giới hạn nào đối với số lượng tên miền có thể kết nối với từng tài khoản QUIC.cloud.

Tôi đã mua credit, nhưng nó không xuất hiện trong tài khoản của tôi?

Hãy kiểm tra email thông báo “order is complete / đơn hàng đã hoàn tất”, bạn tìm liên kết bên trong email để xem trạng thái credit của bạn. Click vào đó và chụp màn hình thông báo đó. Gửi cho chúng tôi ticket tới địa chỉ https://quic.cloud/support/ với hình chụp màn hình và chúng tôi sẽ kiểm tra nó.

Tại sao tôi phải đăng lên mạng xã hội rằng trang web của tôi đang sử dụng QUIC.cloud?

Vì chúng tôi đang trong quá trình phát triển, chúng tôi yêu cầu thông tin truyền miệng từ những người như bạn để phát triển cộng đồng QUIC.cloud. Như một lời cảm ơn, chúng tôi sẽ gửi tặng credit cho bất cứ ai đề cập trên Twitter rằng họ đang sử dụng QUIC.cloud làm nền tảng. Các credit này có thể được dùng trên các tên miền khác. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi không thiết lập số lượng credit cố định bạn sẽ nhận được (dù vậy luôn trên một ngưỡng tối thiểu); khi chúng tôi thấy bài viết có giá trị bạn sẽ được tặng thưởng nhiều hơn.

Có kế hoạch cải thiện hiệu suất đáng kể nào ngoài việc thêm các PoP mới không?

Chúng tôi tiếp tục cập nhật các tính năng mới và cải thiện hiệu suất. Bạn cần để ý đến bất kỳ thay đổi cải tiến quan trọng nào!

Làm thế nào tôi có thể sử dụng QUIC.cloud?

Để bắt đầu, bạn chỉ cần làm theo tài liệu hướng dẫn này, và nếu có bất kỳ câu hỏi nào, bạn có thể liên hệ với chúng tôi trên Slack và/hoặc Twitter.

PS: bạn có thể tham khảo cách dùng CDN của QUIC ở bài viết này.

Sự khác nhau giữa QUIC và HTTP/3?

QUIC ban đầu là nỗ lực của Google để cải thiện HTTP/2 bằng cách vận chuyển mã hóa của nó qua UDP (trái với TCP). Trong năm 2016, IETF (Internet Engineering Task Force) bắt đầu làm việc để chuẩn hóa giao thức. Một phần của quá trình đó liên quan đến việc chia QUIC thành giao thức vận chuyển và ứng dụng. Trong khoảng thời gian đầu, giao thức ứng dụng được gọi là HTTP-over-QUIC, nhưng trong tháng mười một năm 2018, IETF công bố rằng HTTP-over-QUIC sẽ được gọi là HTTP/3.


Về bản beta

QUIC.cloud đã được coi là sản phẩm hoàn chỉnh chưa?

Ở thời điểm hiện tại (6/2020), QUIC.cloud vẫn ở dạng beta. Hiện vẫn chưa có thời gian dự kiến (ETA/Estimated Time of Arrival) bao giờ thì nó hết beta.

QUIC.cloud sẽ có giá bao nhiêu khi nó không còn ở trạng thái beta nữa?

Không có quyết định cuối cùng liên quan đến chi phí tương lai của QUIC.cloud. Chúng tôi đã quyết định QUIC.cloud sẽ cung cấp một tầng miễn phí, vì thế bất cứ ai cũng có cơ hội dùng thử và với những ai sử dụng LiteSpeed Web Server sẽ nhận được hạn ngạch lớn hơn với tầng miễn phí.


POP/Nodes

Trong CDN, PoP là viết tắt của từ gì?

PoP là viết tắt của “Ponits of Presence / Các điểm hiện diện”, nó đề cập đến vị trí mà các điểm nút CDN được đặt và vận hành.

Các vị trí hiện tại của PoP?

Chúng tôi hiện có các PoP ở những vị trí sau:

  • Missouri, Hoa Kỳ
  • Oregon, Hoa Kỳ
  • Virginia, Hoa Kỳ
  • New Jersey, Hoa Kỳ
  • Montreal, Canada
  • Copenhagen, Đan Mạch
  • Paris, Pháp
  • Frankfurt, Đức
  • Madrid, Tây Ban Nha
  • Alimos, Hy Lạp
  • London, Anh
  • Cape Town, Nam Phi
  • Mumbai, Ấn Độ
  • Tokyo, Nhật
  • Singapore, Singapore
  • Sydney, Úc
  • Moscow, Nga
  • Gayrettepe, Thổ Nhĩ Kỳ

Như vậy ở gần Việt Nam, chúng ta có 2 PoP quan trọng là Singapore và Nhật. Hy vọng sắp tới LiteSpeed sẽ mở thêm các PoP ở Hàn Quốc, HongKong.

Địa chỉ IP của những PoP hiện tại là gì?

Các địa chỉ IP sau có thể thay đổi bất cứ lúc nào mà không cần thông báo trước. Danh sách có thể được tìm ở đây: trang địa chỉ IP.

Trong tương lai, bạn có ý định mở thêm các PoP không?

Có, vì thế hãy dõi theo chúng tôi để biết các kế hoạch trong tương lai! Liên hệ với chúng tôi trong cộng đồng Slack ở phần #quic_cloud_beta channel để đưa ra yêu cầu.


Cấu hình chung

Làm thế nào mà QUIC.cloud biết được địa chỉ IP chính xác của máy chủ web tôi đang dùng?

Plugin LSCache sẽ tự động cập nhật để phát hiện địa chỉ IP chính xác dựa trên cài đặt của WordPress, nhưng nó cũng có thể cập nhật theo cách thủ công thông qua phần domain overview (tổng quan tên miền) trên panel trong QUIC.cloud

PS: Tôi thấy LiteSpeed cache và QUIC chỉ tự động phát hiện IP trong cài đặt lần đầu. Về sau nếu bạn đổi host nó sẽ không tự động cập nhật IP này và có thể gây lỗi cho một số dịch vụ liên quan đến QUIC như là nén ảnh hoặc CDN. Bạn có thể tham khảo bài viết này để biết nguyên nhân và cách khắc phục.

Liệu trang web sử dụng QUIC.cloud khi kiểm tra bằng HTTP3Check.net sẽ cho thông báo là YES/CÓ?

Đúng vậy. Khi kiểm tra cần đảm bảo rằng trang web của bạn được cài đặt chính xác và trỏ đến máy chủ của QUIC.cloud.

Địa chỉ giúp bạn kiểm tra nằm ở đây: http3check.net

Làm thế nào tôi kiểm tra được các cài đặt DNS của mình?

Có nhiều công cụ giúp kiểm tra các cài đặt DNS. Cần lưu ý rằng nếu bạn thấy kết quả CNAME, bạn cần kiểm tra kỹ để đảm bảo rằng nó khớp với các mục tiêu mà bạn nhắm đến.

  1. Cách đơn giản nhất để kiểm tra cài đặt DNS của bạn là ping tới tên miền của bạn. Ping tên miền của bạn từ dòng lệnh của Windows (cmd) hoặc Linux SSH terminal. Để xem tên miền của bạn có đang nằm trên mạng của QUIC.cloud hay không, hãy kiểm tra địa chỉ IP có khớp với dải IP của QUIC.cloud hoặc so sánh nó với kết quả ping cho bản ghi CNAME được gán cho tên miền của bạn (ví dụ c123.tier4.quic.cloud).
  2. Sử dụng công cụ kiểm tra DNS trực tuyến. Nếu bạn thấy danh sách các địa chỉ IP trên toàn cầu, điều đó có nghĩa là trang của bạn đã nằm trên mạng lưới CDN của chúng tôi.
  3. Sử dụng bộ công cụ MX. Nếu bạn thấy danh sách IP khác nhau trên toàn cầu, điều đó có nghĩa là trang web đang nằm trên mạng lưới CDN của chúng tôi.

QUIC proxy là gì?

QUIC proxy là tính năng mới cho phép QUIC.cloud sử dụng QUIC để kết nối với các máy chủ backend. Máy chủ backend phải bật QUIC và có khả năng truy cập (một số host chặn cổng). Cần phải đảm bảo rằng QUIC khả dụng trên backend bởi vì nếu nó không khả dụng thì tùy chọn này có thể làm chậm hiệu suất của trang thay vì cải thiện nó. Tính năng này còn rất mới và có thể có lỗi, vì thế hãy báo cho chúng tôi biết nếu bạn gặp phải vấn đề khi truy cập trang web của bạn.


Domain/CNAME

Làm thế nào tôi sử dụng được tên miền gốc (chẳng hạn site.com) cho QUIC.cloud?

Nếu bạn muốn sử dụng tên miền gốc của bạn, bạn có thể sử dụng nhà cung cấp DNS hỗ trợ CNAME flattening hoặc “ANAME”. (DNS của Cloudflare có hỗ trợ bạn điều này).

Tôi có phải sử dụng tên miền gốc cho bản ghi CNAME?

Nó không yêu cầu bạn phải sử dụng tên miền gốc, tên miền phụ cũng có thể sử dụng được (tên miền dạng có-www).

Với các nhà cung cấp dịch vụ CDN khác, tôi thường có thể dùng tên miền phụ, chẳng hạn như cdn.site.com, vậy tại sao tôi cần trỏ toàn bộ tên miền về QUIC.cloud?

Nguyên nhân là vì không chỉ tên miền phụ được dùng cho nội dung tĩnh, QUIC.cloud hoạt động như một proxy ngược đứng trước toàn bộ trang web, chứ không chỉ tên miền phụ cho nội dung tĩnh. Vì thế bản thân toàn bộ trang web phải trỏ tới CDN. Với các dịch vụ CDN khác, phần lớn họ chỉ có thể tự tin cache tài nguyên của bạn (thậm chí điều này cũng không hoàn toàn chính xác vì các file tĩnh rất ít khi thay đổi / very infrequently). Nói cách khác, khi sử dụng CDN khác, các trình duyệt luôn luôn ghé thăm máy chủ của bạn trước tiên. Các yêu cầu tiếp theo sẽ được xử lý bởi CDN. Với QUIC.cloud, chúng ta có thể cache toàn bộ website của bạn trên mạng CDN, cho phép bạn phục vụ mọi thứ từ cache kèm với việc tận dụng vị trí thuận lợi của nó.


Xác minh CNAME thực hiện điều gì?

Xác minh CNAME kiểm tra xem bạn có thiết lập tùy chỉnh DNS chính xác hay không. Nó sẽ chuyển DNS để trỏ trang của bạn tới các PoP của QUIC.cloud và chạy một kiểm tra để xem xem trang của bạn có đang thực sự trỏ đến các PoP đó hay là không. Nếu thành công nó sẽ tạo một chứng chỉ khi mà tính năng “tự động tạo SSL” đã được bật. Khi hoàn thành, trang web của bạn được xác minh và chạy trên QUIC.cloud. Vào bất cứ thời điểm nào khi lỗi xảy ra, DNS sẽ quay trở lại máy chủ gốc của bạn.


Xác minh CNAME là yêu cầu bắt buộc?

Đúng vậy, nếu không có xác minh CNAME trang của bạn sẽ không hoạt động chính xác.


Làm thế nào tôi biết được CNAME đã được cài đặt chính xác hay chưa?

Nếu xác minh CNAME hoàn toàn thành công, khả năng cao là CNAME của bạn đã được cài đặt chính xác. Để có được xác minh chính xác hơn bạn cần ghé thăm website ở chế độ ẩn danh (private browser).

Một cách khác để xác minh các bản ghi CNAME được thiết lập chính xác là ping tới tên miền của bạn (cần đảm bảo nó là tên miền mặc định bạn sử dụng để truy cập website qua www/none-www) và bản ghi CNAME QUIC.cloud đã cung cấp cho bạn. Các địa chỉ IP cần phải khớp. Bạn cũng có thể kiểm tra xem có phản hồi header là x-Qc-pop hay không, nó chỉ có khi thiết lập CNAME được thực hiện chính xác.


Chứng chỉ SSL

Liệu tôi có thể tạo được chứng chỉ SSL nếu tôi bỏ qua CNAME?

Không, bạn không thể tạo được chứng chỉ SSL thông qua QUIC.cloud nếu bạn không thiết lập CNAME chính xác.

Mất khoảng bao lâu để tạo chứng chỉ SSL?

Thường nó chỉ mất độ một phút để tạo chứng chỉ SSL. Nếu nó không tạo chứng chỉ cho bạn, hãy liên hệ với chúng tôi.

Nếu tôi đã có chứng chỉ SSL trên trang của mình, liệu tôi có cần làm bất cứ điều gì nữa trong panel của QUIC.cloud để SSL hoạt động không?

Nếu bạn đã có chứng chỉ của riêng bạn mà bạn muốn tự quản trị lấy, bạn có thể làm như vậy bằng cách thêm cert, key và chuỗi chứng chỉ trên bảng điều khiển của QUIC.cloud. Cần lưu ý là bạn sẽ phải tải lại chứng chỉ lên mỗi khi bạn cập nhật chứng chỉ mới.

Hoặc bạn có thể sử dụng các thiết lập Generate và Auto SSL trong bảng điều khiển QUIC.cloud. Chúng tôi sẽ quản lý tự động các cập nhật hết hạn cho bạn.

Chúng tôi đặc biệt khuyến khích bạn giữ chứng chỉ của bạn cập nhật trên máy chủ gốc để kết nối được duy trì chính xác với QUIC.cloud.


Cache

Cache của QUIC.cloud là gì?

QUIC.cloud cache cả nội dung tĩnh và động. Để cache nội dung tĩnh thì tùy chọn “Enable Static Cache” phải được thiết lập là “YES”.

Liệu tôi có thể bỏ qua CDN?

Được chứ, bạn có thể dễ dàng bỏ qua CDN nếu không muốn dùng. Trong bảng điều khiển my.quic.cloud, bạn điều hướng đến tên miền mà bạn muốn bỏ qua và click vào tab “Cache”. Ở đó, bạn có thể bật tắt tùy chọn “Enable CDN”. “OFF” sẽ bỏ qua QUIC.cloud và gửi người dùng trực tiếp đến máy chủ gốc của bạn.

Tôi có thể purge cache của CDN chứ?

Được, bạn có thể purge cache bằng cách click vào nút “Purge All CDN Cache / Purge Toàn Bộ Cache CDN” trong phần Domain Overview của bảng điều khiển QUIC.cloud. Phần purges thông thường của LSCWP cũng sẽ xóa cache của QUIC.cloud.


Crawler

Chú thích của người dịch: crawler là công cụ tạo trước cache, giúp cho tốc độ cao nhất có thể ngay trong lần truy cập đầu tiên. Tuy nhiên công cụ này tương đối tốn tài nguyên, nhất là với trang có nhiều bài viết. Vì vậy nhiều hosting cài sẵn LiteSpeed web server sẽ vô hiệu hóa tính năng này.

Tôi có thể sử dụng chức năng crawler (trình thu thập thông tin) bên trong plugin LSCache với QUIC.cloud?

Có, chức năng crawler hoạt động với QUIC.cloud. Chức năng crawler sẽ thu thập PoP gần máy chủ gốc của bạn nhất. Nếu bạn có máy chủ backend LiteSpeed, nó sẽ được thu thập bởi crawler.

Có phải crawler tự động phát hiện QUIC.cloud và chuẩn bị (warm up) cache trên các PoP CDN?

Nếu plugin LSCache cho WordPress ở phần “Crawler -> Site IP” đã được điền, crawler sẽ bỏ qua CDN và đi thẳng đến máy chủ được liên kết đến “Site IP” khi nó chạy, điều đó có nghĩa là nếu nó không trỏ đến QUIC.cloud nó sẽ bỏ qua caching trên đó. Nếu thiết lập là trống, chức năng crawler sẽ thu thập từ PoP gần với máy chủ gốc nhất. Nếu bạn có máy chủ gốc LiteSpeed làm backend, nó (cũng) sẽ được thu thập bởi crawler. Trong tương lai, chúng tôi sẽ có chức năng crawler có thể thu thập nhiều PoP hơn.


Giải quyết một số lỗi liên quan đến QUIC

Tôi nghĩ rằng tôi phải nhận được email kích hoạt, nhưng tôi lại không thấy, tại sao lại như vậy?

Hãy kiểm tra thư mục spam của bạn để xem nó có ở đó hay không. Nếu vẫn không tìm thấy hãy liên hệ với chúng tôi để có thêm hỗ trợ.

Tại sao tôi không tạo được chứng chỉ bảo mật SSL?

QUIC.cloud sử dụng Let’s Encrypt để tạo chứng chỉ SSL. Nếu nó không thành công trong việc tạo chứng chỉ, điều đó có thể là do DNS. Hãy đợi vài phút và thử lại lần nữa. Nếu nó vẫn không hoạt động, hãy thông báo cho chúng tôi biết, và chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn.

Tôi đã cài đặt CNAME, vậy tại sao QUIC.cloud hiển thị lỗi cho việc cài đặt CNAME?

Các nhà cung cấp dịch vụ DNS khác nhau có độ dài khác nhau dành cho việc lan truyền các bản ghi DNS, để mọi thứ được cập nhật trên toàn cầu, bạn có thể cần đến 48 tiếng.

Tại sao trang web của tôi không cho thấy rằng nó đã trỏ tới QUIC.cloud? Hoặc tại sao trang web của tôi trả về các lỗi 404?

Bạn có thể có CNAME trỏ tới sai tên miền, điều đó có nghĩa là trang của bạn không được cài đặt đúng. Lấy ví dụ, nếu trang của bạn được cấu hình để sử dụng cho tên miền dạng www.example.com, bạn phải cập nhật bản ghi CNAME cho www. Nếu trang của bạn được cấu hình để sử dụng tên miền dạng example.com, bạn phải cập nhật bản ghi CNAME cho tên miền root. Cập nhật không chính xác các bản ghi CNAME có thể dẫn đến chuyển hướng đến tên miền mà không được hỗ trợ bởi QUIC.cloud hoặc tìm kiếm một tên miền không tồn tại trên máy chủ của bạn.

Tại sao trang web của tôi không trỏ đến QUIC trong khi đáng ra nó phải như vậy?

Có hai khả năng cao nhất đó là bạn chưa có chứng chỉ SSL, hoặc DNS của bạn không trỏ đến QUIC.cloud.

Làm thế nào tôi biết được trang web của tôi đang được caching trên QUIC.cloud?

Bạn có thể kiểm tra phản hồi của header x-Qc hit/miss. Nếu nó hiển thị là ‘hit’, có nghĩa là nó đã được caching.

Tại sao tôi không thấy tiêu đề phản hồi x-qc hit/miss cho các file tĩnh như CSS, JavaScript, ảnh, vân vân?

Bạn cần đảm bảo rằng tùy chọn “Enable Static Cache” được thiết lập là “YES”. Cũng vậy, việc cache các file tĩnh phụ thuộc vào tiêu đề phản hồi ‘Expires’ hoặc ‘Cache-Control’ từ máy chủ backend. Bạn cần đảm bảo rằng ít nhất một trong số đó đang tồn tại.

Tại sao điểm số PageSpeed của tôi không tăng, nhưng tốc độ tải trang thì lại tốt lên? Hoặc ngược lại?

Điểm số pagespeed không tương quan với thời gian tải trang trong thực tế. PageSpeed là điểm số tương đối dựa trên việc bạn áp dụng tốt đến đâu các thực hành tốt nhất (cái không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc tốc độ cao nhất).

Tại sao tôi nhận được thông báo lỗi 503 với QUIC.cloud?

Nếu bạn nhận được thông báo lỗi 503 khi ghé thăm trang web trỏ đến QUIC.cloud, thì điều đó có nghĩa là có vấn đề với việc QUIC phục vụ website. Hãy liên hệ với chúng tôi để chúng tôi tìm hiểu xem rắc rối này có nguyên nhân từ đâu.

Tại sao tôi nhận được thông báo lỗi 520 với QUIC.cloud?

520 Origin Server Unvailable: Kết nối tới máy chủ gốc không thể hoàn thành.

Lỗi 520 chỉ ra rằng PoP của QUIC.cloud không thể kết nối tới máy chủ gốc. Trong đa số trường hợp, vấn đề này là do có firewall ở máy chủ gốc chặn kết nối. Bạn hãy thử thêm các IP của QUIC.cloud vào firewall hoặc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ hosting làm điều đó cho bạn. Lưu ý là danh sách IP này không nhất thiết là các node mà trình duyệt sẽ ghé thăm. Đây là danh sách node sẽ liên hệ với máy chủ của bạn.

Các địa chỉ IP của QUIC.cloud được tự động cập nhật cho host sử dụng hệ thống bảo mật Imunify360 và BitNinja. Nếu bạn hoặc host của bạn sử dụng hệ thống bảo mật khác mà có thể pull từ một danh sách IP, hãy cho chúng tôi biết, và chúng tôi sẽ liên hệ với họ!

Tại sao tôi nhận được thông báo lỗi 521 với QUIC.cloud?

521: Origin Server Timeout: Kết nối tới máy chỉ gốc đã hết thời gian cho phép (timed out).

Lỗi 521 chỉ ra rằng kết nối giữa PoP QUIC.cloud và máy chủ gốc của bạn đã hết thời gian cho phép. “Timing Out” có nghĩa là không có hoạt động nào trong một khoảng thời gian dài, vì thế mà kết nối được coi là đã mất.

Tại sao tôi nhận được thông báo lỗi 524 với QUIC.cloud? ‘524 Site Not Found: trang web không được đăng ký với QUIC.cloud!’

Lỗi 524 chỉ ra rằng tên miền ghé thăm node hiện không được đăng ký là tên miền trên my.quic.cloud. Nếu điều này không chính xác, hãy liên hệ với chúng tôi.

Tại sao trang web của tôi không sử dụng QUIC, tôi phải làm gì?

Nếu bạn đã xác thực tên miền của bạn bên trong Panel quản trị tên miền của CDN, nó có khả năng cao là do DNS vẫn chưa lan tỏa. Bạn hãy đợi một lúc và kiểm tra lại lần nữa. Nếu nó vẫn không hoạt động, hãy kiểm tra xem trình duyệt của bạn có hỗ trợ QUIC hay không. Nếu bạn không thể xác thực tên miền, hãy đảm bảo rằng các bản ghi DNS của bạn được thiết lập chính xác.

(Lược dịch từ bài viết: Frequently Asked Questions trên trang web chính thức của QUIC.cloud)

Back to Top