Categories SEO

Nghiên cứu từ khoá – tăng traffic cho web dựa vào nội dung tốt và SEO

traffic

Tôi làm nội dung (chủ yếu về các bài viết) không tệ lắm, web này của tôi và một web khác của đối tác có tổng khoảng 95 ngàn nhấp chuột trên tháng thông qua tìm kiếm tự nhiên – kết quả cũng được phải không? Tuy nhiên khi nhìn vào phần phân tích tìm kiếm trên Google Search Console, tôi cảm thấy thật ngán ngẩm. Vì sao ư?

Bạn sẽ thấy ngay đây :

luu-luong-truy-cap

Vì tính bảo mật, nên URL cụ thể đã được che đi.

Đối tác của chúng tôi có 365 bài viết, trong đó lưu lượng thông qua tìm kiếm tự nhiên đem đến khoảng 65 ngàn nhấp chuột thì như bạn thấy chỉ 15 bài đầu đã 42 ngàn nhấp chuột rồi, nghĩa là 350 bài còn lại chỉ có 23 ngàn nhấp chuột mà thôi.

Một sự chênh lệch về hiệu suất quá lớn. Hai bài viết tốn công sức ngang nhau (số tiền, nhân lực, thời gian bỏ ra để tạo nội dung) nhưng thành quả chênh lệch đến 20 – 30 lần.

Nguyên nhân nằm ở việc tôi tạo nội dung tuy cố gắng hội tụ vào chất lượng nhưng lại sao nhãng bước cực kỳ quan trọng là nghiên cứu từ khoá.

Hệ quả là, nhiều bài viết có chất lượng khá đến tốt nhưng vẫn lẹt đẹt, có cái chỉ được 10 click / tháng.


Tại sao lại thế

Có hai lý do cơ bản làm cho bài viết có chất lượng khá nhưng hầu như không có truy cập:

  • Từ khoá cạnh tranh quá lớn: các bài viết có nội dung tương tự, với chất lượng cao đầy rẫy trên Internet khiến cho bài viết hiện tại khó cạnh tranh và bật rất xa khỏi top 10…Hồi xưa ở trường làng tôi học khá so với chúng bạn, thế rồi khi lên cao đẳng thấy mình quá thường, chỉ rơi vào được trên nhóm giữa một tí…Nội dung của bạn tuy khá nhưng người khác còn tốt hơn. Chỉ trừ khi bạn có khả năng tạo nội dung cực tốt, còn không thì đừng nên nhảy vào khu vực cạnh tranh cao độ này;
  • Từ khoá có quá ít người tìm kiếm: hay nói cách khác là khối lượng tìm kiếm thấp, mặc dù tôi tự tin rằng chủ đề này có nhiều người quan tâm, nhưng thực ra tôi không có bằng chứng nào cả, tất cả dựa vào cảm tính vì đâu có khâu nghiên cứu từ khoá (keywords research). Thậm chí ngay cả việc chủ đề được nhiều người chú ý nhưng nếu chọn sai từ khoá mà mọi người thường dùng để tìm kiếm, lượng truy cập theo đó sẽ không có. Trường hợp của tôi chủ yếu nằm ở đây. Chỉ trừ khi bạn có khả năng tạo nội dung với chi phí thấp, nếu không lượng truy cập ít ỏi nhận được không thấm vào đâu so với công sức bỏ ra;

Trước đây, tôi tập trung vào quảng cáo từ khoá, trục SEO bị bỏ lửng, coi như cái phụ trợ thôi. Hồi đấy tôi vẫn lười vì thấy miễn sao cuối tháng mình có lãi là được. Hiện tại tôi đang cố gắng cân bằng, thậm chí thay đổi trọng tâm sang SEO.

Nếu bài viết được SEO tốt thì khi cần mỳ ăn liền bạn cũng có thể dễ dàng quảng cáo nó lên top với chi phí rẻ, ngược lại thì không luôn luôn đúng, điểm chất lượng có thể rất tốt, quảng cáo nhóm ba nhưng SEO lại kém. SEO bao trùm hơn và khó hơn.


Những lợi ích của việc nghiên cứu sâu từ khoá

Nghiên cứu tốt từ khoá đem lại các lợi ích sau.

  • Đảm bảo chắc chắn hơn hiệu suất đầu tư: các thông số cung cấp thông tin đầy đủ giúp chúng ta tự tin tập trung vào nhóm từ khoá tuy có lưu lượng truy cập vừa phải nhưng mức cạnh tranh cũng không quá cao. Điều này kết hợp với các kỹ thuật SEO (cái cũng chỉ có thể thực hiện được nếu bước phân tích từ khoá làm chỉn chu) giúp mình dễ dàng có thứ hạng tốt hơn dẫn đến hiệu quả đầu tư tốt hơn. Cái quan trọng trong phần này là chấm dứt phỏng đoán;
  • Chủ động trong việc tạo nội dung: lần gần đây nhất hai cộng tác viên dịch thuật online tôi buộc phải cho nghỉ việc vì tôi tuy là người quản lý nhưng không tìm được các bài viết cho các bạn dịch hoặc chủ đề cần tổng hợp. Thật đáng xấu hổ! Khi số lượng bài viết dần nhiều lên, đồng thời bạn lại không chủ động nắm bắt các chủ đề mình đang có và các chủ đề có thể tạo thêm bạn dần sẽ bí bách không gian. Bạn thấy mình thiếu nhưng lại không biết thiếu cái gì;
  • Hiểu khách hàng hơn: nghiên cứu từ khoá là cách bạn hiểu khách hàng hơn, khi nhìn vào danh sách từ khoá các khách hàng tiềm năng thường dùng để tìm kiếm, câu hỏi đầu tiên mà bạn nên hỏi mình là tại sao họ lại làm như thế?

Vậy là nhờ nghiên cứu từ khoá bạn có khả năng có nhiều nội dung chuẩn SEO tốt hơn, cả chất lượng và số lượng.


Phân biệt ba kiểu từ khoá

Người làm SEO cần phân ra và hiểu rõ 3 nhóm từ khoá cơ bản:

longtailgraph
Trục tung thể hiện mức độ cạnh tranh lẫn lượng tìm kiếm. Trục hoành thể hiện số lượng từ khoá. Các từ khoá hot có lượng tra cứu nhiều chiếm phần màu xanh (không có nhiều từ khoá hot – cũng tương tự như không có nhiều diễn viên hot), các từ khoá có lượng tra cứu vừa phải đến rất thấp có màu vàng (có rất nhiều từ khoá có lượng tìm kiếm bình thường – giống như diễn viên bình thường có số lượng nhiều hơn hẳn diễn viên hot)
  • Từ khoá ngắn: là những từ khoá chung chung, đặc điểm thường chỉ có một hoặc hai từ, lưu lượng tìm kiếm lớn và cạnh tranh rất cao. Khi bạn thử sử dụng Google Keywords Planner để tìm hiểu sẽ thấy giá thầu không hề rẻ. Tuy nhiên tỉ lệ chuyển đổi lại thấp (vì hẵn còn chung chung quá), người làm SEO (đặc biệt là tự SEO hoặc team nhỏ lẻ) nên tránh nhóm từ khoá này vì công sức bỏ ra rất nhiều mà hiệu quả không chắc chắn (trừ khi team SEO của bạn khủng thì cứ chiến thôi). Ví dụ từ khoá chung cư;
  • Từ khoá trung bình: độ dài khoảng 3 – 4 từ, cạnh tranh trung bình, lưu lượng tìm kiếm cũng không quá lớn. Đây là nhóm mà người SEO có thể tập trung vào. Ví dụ từ khoá chung cư Hà Nội;
  • Từ khoá đuôi dài (Long-Tail keywords): mình có thêm từ tiếng Anh tương đương vì đây là nhóm từ khoá quan trọng nhất. Từ khoá đuôi dài có đặc điểm lưu lượng tìm kiếm không cao, cạnh tranh cũng thường thấp cho đến vừa phải. Ưu điểm của từ khoá đuôi dài là tỉ lệ chuyển đổi lớn. Vì khi dùng từ khoá đuôi dài người dùng thường tự biết rất rõ về nhu cầu của họ cụ thể cần cái gì. Ví dụ từ khoá mua chung cư giá rẻ tại Hà Nội

Hiện tượng cái đuôi dài xảy đến rất nhiều trong kinh doanh, cạnh tranh, trong đó có từ khoá, điểm mới rất quan trọng ở đây là tỷ lệ chuyển đổi.


Vậy tôi sẽ phải làm những gì?

  • Tìm tất cả các từ khoá mà khách hàng mục tiêu có thể tìm kiếm (nói là tất cả, nhưng dĩ nhiên chẳng ai làm được như vậy, cái này hiểu là bạn làm tối đa trong khả năng của mình)
  • Hiểu rõ nội dung bạn tạo ra hỗ trợ trực tiếp sản phẩm bán ra, hay là nội dung giúp tìm kiếm khách hàng mục tiêu. Ví dụ bài viết về lựa chọn máy giặt tốt được coi là hỗ trợ trực tiếp cho cửa hàng điện máy có bán máy giặt được nhắc trong bài. Trong khi đó, bài viết về mẹo tẩy vết ố vàng quần áo là nội dung hữu ích phục vụ khách hàng tiềm năng (những người quan tâm đến làm sạch quần áo)
  • Phân loại từ khoá thành các nhóm ngắn, trung bình, dài. Phân tích lưu lượng và độ cạnh tranh. Lọc ra nhóm từ khoá mà bạn làm tốt nhất, thường là nhóm ở giữa, lưu lượng vừa phải (có thể là trên 100 view một tháng, cái này tuỳ vào chọn lựa của bạn) và không cạnh tranh cao (cũng tuỳ sức mà bạn thấy cạnh tranh là cao hay thấp)

Tới bước này, bạn biết bạn sẽ phải viết bài có chủ đề gì và từ khoá trọng tâm của nó.


Ố ồ – nhưng làm sao tôi biết được các thông số như lưu lượng hay độ cạnh tranh

Có các công cụ, có thể nói nó là phần cực kỳ quan trọng, bởi vì bạn không được phép đoán mò nữa. Đoán mò ăn may thì trúng thôi.

Hiện chúng ta có cả công cụ miễn phí lẫn trả phí giúp tìm ra từ khoá tiềm năng cũng như các thống kê quan trọng đi kèm.

Một số công cụ có thể kể đến như:

  • keywordshitter.com – trang web này có giao diện rất đơn giản và nhanh. Các từ khoá của nó dựa vào Google ở phần các tìm kiếm liên quan (bạn hay thấy ở cuối)
keywordshiter-chung-cu-hanoi
Keyword Shiter đưa ra 392 gợi ý cho từ khoá chung cư hà nội
  • keywordtool.io – phiên bản miễn phí của nó là đủ dùng, các từ khoá đưa ra dựa vào Google Suggest (cái mà khi bạn gõ từ khoá vào nó gợi ý các từ khoá mọi người hay tra)
keyword-tool-io-chung-cu-hanoi
KeywordTool.IO đưa ra 254 gợi ý với từ khoá tương tự

2 cái trên giúp chúng ta tìm ra được các từ khoá đuôi dài mà người dùng thường tìm quanh chủ đề nào đó và đều hỗ trợ tiếng Việt. Trên mạng có nhiều công cụ khác khá hay nhưng có thể không hỗ trợ tiếng Việt.

Phiên bản trả phí sẽ cung cấp thêm thông tin như độ cạnh tranh và lưu lượng tìm kiếm, đồng thời cung cấp nhiều từ khoá hơn. Nhưng bạn có thể làm điều này miễn phí bằng cách up danh sách từ khoá lên Google Keywords Planner để xem thông tin. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng có thể không hoàn toàn chính xác – một số từ khoá có traffic tốt có khả năng bị ỉm đi. Dù sao các công cụ trả phí cũng ít nhiều dựa vào Google Keywords Planner để có thông tin cho bạn.

Một phần mềm chuyên dùng để tìm từ khoá đuôi dài, rất nổi tiếng là Long Tail Pro – tất nhiên rất tốt nên có trả phí nhưng tôi lại chưa dùng bao giờ nên không nhận xét được.


Vị trí của nghiên cứu từ khoá trong chiến lược SEO tổng thể

Nghiên cứu từ khoá là nền tảng quan trọng bậc nhất trong SEO tổng thể.

SEO tổng thể là quá trình hoàn thiện gồm hàng trăm bước nhỏ và hàng ngàn tiểu tiết. Thí dụ (tôi viết theo ngẫu nhiên, không theo thứ tự nào hết):

Nhưng tất cả phải bắt đầu bằng việc có nội dung!


Những vấn đề không mong muốn có thể xảy ra với nội dung dựa trên nghiên cứu từ khoá

  • Khi sử dụng nghiên cứu từ khoá để tạo nội dung, lầm đầu tiên bạn sẽ cảm thấy mình có rất nhiều chủ đề để thực hiện. Đặc biệt khi bạn đang giống trường hợp của tôi, cảm thấy bí bách vì đã có tương đối bài viết. Tuy nhiên, việc nở rộ chủ đề này sinh 2 vấn đề, nếu bạn chọn từ khoá lưu lượng quá thấp, bạn tạo ra bài không hiệu quả (dù có hay), tuy nhiên cái này thường được khắc phục bằng công cụ, cho phép bạn nắm tương đối lượt tìm kiếm (search volume) cũng như độ khó. Vấn đề thứ hai xảy ra thường xuyên hơn. Bạn chọn chủ đề có nội dung trùng lắp, bao gồm cả trùng lắp từ khoá. Google không thích Nội dung na ná nhau. Từ khoá SEO na ná nhau cũng vậy. Điều quan trọng khi bạn tạo ra hàng ngàn bài là bạn phải quản lý được từ khoá và tránh chúng đâm xầm vào nhau trên xa lộ internet
  • Sai lầm thực hiện nội dung kém quan trọng trước dễ xảy ra. Danh sách từ khoá của bạn sẽ rất dài. Do vậy hãy thực hiện chiến lược tối ưu bằng cách chọn ra từ khoá có cạnh tranh thấp (thông qua đánh giá CPC) và lượt tìm kiếm ổn. Bạn có thể tự thiết lập công thức để kết hợp hai yếu tố này trong đánh giá. Tóm lại cái dễ bạn làm trước, cái khó hoặc kém ngon thì thực hiện sau

Khắc phục vấn đề trên bằng cách nghiên cứu từ khoá cẩn thận cộng với công cụ quản lý từ khoá tốt (có khả năng so sánh tự động mức độ giống nhau giữa chúng – nên nhớ bạn có thể có đến hàng ngàn từ khoá, những người theo hướng tìm kiếm khách hàng tiềm năng thường có khối lượng từ khoá rất lớn)


Vượt ra khỏi công cụ, còn những cách nào để tìm kiếm từ khoá tốt

Tôi vẫn hay dùng một số cách sau để tìm được chủ đề hoặc gợi ý từ khoá tốt:

  • Đăng ký Google Alerts – Google sẽ gửi các bài viết mới nhất về chủ đề mà bạn quan tâm. Thường là những bài hot, chất lượng
  • Tham khảo các fanpage lớn trong ngành, hoặc của chính đối thủ
  • Thường xuyên ghé thăm các trang web lớn cùng nhóm, ngành
  • Tham dự các nhóm lớn trên Facebook, diễn đàn
  • Tham khảo bách khoa toàn thư như Wikipedia

Điểm hay của các cách trên là nó có thể giúp bạn tạo ra những nội dung mà các công cụ tự động không gợi ý được. Công cụ dù sao cũng chỉ dựa trên quá khứ, lịch sử tìm kiếm của người dùng.

Thêm vào đó những nội dung xu hướng, nóng theo thời gian thực dễ tìm thấy thông qua các cách trên nhưng rất khó thấy dựa vào công cụ tìm kiếm từ khoá đuôi dài (trên thực tế bạn nếu cần bạn vẫn có công cụ khác chuyên khám phá các nội dung nóng hổi nhất trên mạng xã hội, ví dụ như BuzzSumo – nhưng giá khác chát, cỡ tầm 99 đô / tháng).

Vậy sử dụng công cụ tự động kết hợp với yếu tố con người sẽ cho ra hiệu quả tốt nhất.


Tạo nội dung như thế nào?

Có hai cách để ta có thể tạo ra nội dung tốt.

  • Cách hay nhất là dựa trên quá trình tự trải nghiệm, kết hợp tự tìm hiểu để viết bài. Tuy nhiên điều này đôi khi tốn chi phí cao hoặc rất khó thực hiện;
  • Dựa trên nội dung của người khác. Trong đó có tổng hợp nội dung (như cách Wikipedia đang làm) – đưa ra bài viết bao trùm các khía cạnh quan trọng nhất, đem nhiều thông tin hơn các bài đơn lẻ. Cách khác là dịch. Cái dở đối với ngành công nghiệp nội dung của Việt Nam là nó không có chất lượng cao, thiên về giải trí, thời sự ngắn ngày. Ít thông tin nghiên cứu chuyên sâu, lâu dài. Do vậy có mảnh đất màu mở cho dịch;

Những vấn đề khi tạo nội dung

Chúng ta sẽ bắt đầu từ những trở ngại đơn giản cho đến phức tạp.

Đầu tiên là liên quan đến văn phong:

  • Sai chính tả, ngữ pháp
  • Vốn từ ít
  • Hành văn không tốt. Câu cú trúc trắc, lặp từ
  • Từ địa phương

Tiếp theo liên quan đến nội dung:

  • Nguồn tổng hợp hoặc dịch không đáng tin cậy (chất lượng nguồn tin)
  • Nguồn tổng hợp hoặc dịch quá ít thông tin (số lượng nguồn tin)

Cuối cùng là chuyên môn:

  • Thiếu kỹ năng đào xới thông tin, ví dụ các kỹ thuật tìm kiếm
  • Thiếu khả năng tổng hợp tin từ nhiều nguồn
  • Kỹ năng dịch yếu kém

Trong những vấn đề nêu trên, chuyên môn khó khắc phục nhất. Về vấn đề liên quan đến nội dung thì thường chỉ gặp với tiếng Việt, còn nội dung tiếng Anh rất đa dạng, và chịu khó chút sẽ có nguồn chất lượng cao. Nếu chuyên môn tốt, văn phong sớm muộn cũng khắc phục được (thường chuyên môn đã đạt, văn phong cũng không tệ quá!).

Vậy quan trọng nhất là tuyển nhân sự đạt chuyên môn.

Có những yếu tố có thể cần thiết để hỗ trợ quá trình tổng hợp hoặc/và dịch như:

  • Tài liệu phong phú (ngoài Internet cần sách hay tạp chí)
  • Công cụ điện tử đẩy nhanh tốc độ, chất lượng dịch như bộ nhớ dịch, từ điển

Dựa theo kinh nghiệm của chúng tôi, bài viết cho kết quả tốt nhất nếu:

  • Tổng hợp dựa trên ý hiểu. Cái này đòi hỏi người viết phải tìm hiểu sâu, dựa trên ý hiểu giúp tạo ra văn bản mới hơn thay vì chỉ copy, chắp vá chỗ nọ chỗ kia
  • Tổng hợp dựa vào bản dịch thay vì chỉ dịch đơn thuần. Đòi hỏi nhiều công sức và kỹ năng hơn
  • Kết hợp thông tin nước ngoài với thông tin địa phương khi cần sẽ cho kết quả tốt hơn là chỉ dịch hoặc chỉ tổng hợp từ nguồn tin tiếng Việt

Sở dĩ những trường hợp trên cho kết quả tốt hơn vì:

  • Nội dung chất lượng
  • Có thông tin hoàn toàn mới, duy nhất
  • Cấu trúc văn bản mới

Google rất thích như vậy.


Phối hợp giữa các bên liên quan

Để có nhân lực làm được cả 2 việc sau không dễ tí nào:

  • Nghiên cứu từ khoá tốt
  • Dịch, tổng hợp tốt
  • Nội dung được viết theo chuẩn SEO

Thường chúng ta sẽ chỉ có nhân viên đảm đương được một mảng nào đó, khả năng còn lại sẽ kém hơn. Chẳng hạn nhân viên dịch và tổng hợp tốt nhưng kỹ năng nghiên cứu từ khoá kém, còn khả năng viết theo chuẩn SEO ở mức trung bình.

Khi ấy là lúc chúng ta có hai phần việc khá rõ ràng, chuyên môn hoá và cần bổ sung cho nhau:

  • Nhóm thiên về kỹ thuật SEO. Chuyên có nhiệm vụ nghiên cứu từ khoá, tìm chủ đề. Nhóm này về sau cũng phải chỉnh sửa lại nội dung của nhóm dịch/tổng hợp đề nội dung đạt điểm SEO cao hơn
  • Nhóm dịch/tổng hợp. Chuyên môn đã rõ, tuy nhiên khả năng viết theo chuẩn SEO tối thiểu phải ở mức trung bình để nhóm kỹ thuật đỡ vất vả trong khâu chỉnh sửa (họ sữ không phải can thiệp sâu vào nội dung – vì nhóm kỹ thuật không mạnh về đọc hiểu nội dung, cái họ sẽ can thiệp là về mặt kỹ thuật, chẳng hạn vị trí xuất hiện từ khoá, tỉ lệ từ khoá, alt cho ảnh, và rất nhiều điều nhỏ nhặt khác)

Cuối cùng là 2 bài dịch về nghiên cứu từ khóa khác nếu bạn muốn tham khảo thêm:

Back to Top