Categories SEO

Hướng dẫn nghiên cứu từ khóa, giúp bạn dễ tìm ra từ khóa cần SEO

nghiên cứu từ khóa thế nào

Nghiên cứu từ khóa là bước đầu tiên mà bất cứ người làm SEO nào cũng phải tiến hành để đảm bảo thành công. Bài viết chuẩn SEO bắt đầu bằng bước xác định từ khóa chuẩn chỉnh. Tại sao lại như vậy?

Lý do ở chỗ nghiên cứu từ khóa giúp bạn đảm bảo được những điều cực kỳ quan trọng dưới đây:

  1. Đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm thực của người dùng: bạn tối ưu cho những từ khóa có nhu cầu tìm kiếm thực thay vì những chủ đề theo cảm tính mà có thể không có ai thực sự tìm cả (dẫn đến điều cực kỳ tồi tệ: đó là lưu lượng truy cập từ tìm kiếm bằng zero với bài viết mà bạn muốn SEO)
  2. Lựa chọn được từ khóa, chủ đề có tiềm năng lưu lượng lớn: bạn chọn được chủ đề có nhiều người quan tâm hoặc có tiềm năng kinh doanh cao. Từ đó bạn ưu tiên nguồn lực vào các từ khóa đem lại thành công, lợi nhuận lớn hơn. Nói cách khác bạn tìm được từ khóa có hiệu quả hơn

Giờ chúng ta đi vào chi tiết việc nghiên cứu từ khóa được tiến hành như thế nào?


A. Nghiên cứu từ khóa dành cho những người không có công cụ

(hoặc chỉ dùng công cụ miễn phí)

1. Nghĩ về chủ đề mà bạn muốn viết

Nghiên cứu từ khóa bắt đầu bằng ý tưởng bạn muốn viết cho người đọc. Giả sử bạn bán vợt cầu lông, các ý tưởng liên quan đến chủ đề này có thể là:

  • cách chọn vợt cầu lông
  • kỹ thuật đập cầu
  • kỹ thuật giao cầu
  • đánh đôi trong cầu lông
  • đánh đơn trong cầu lông

2. Điều gì xảy ra nếu tôi không nghĩ được chủ đề (hoặc ý tưởng) mà tôi muốn viết?

Vấn đề này khá nghiêm trọng đấy! Điều đấy cho thấy bạn chưa có hiểu biết đủ sâu về chủ đề mà bạn định viết. Chuyện này có thể thông cảm được nếu bạn đang bước đầu đi vào tìm hiểu chủ đề nào đó. Rơi vào trường hợp như vậy, khả năng bí ý tưởng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Cách khắc phục thế nào?

Đơn giản là bạn hãy tìm trên Google với chủ đề chung nhất, chẳng hạn với ví dụ bên trên, hãy search từ khóa “cầu lông” và dành thời gian vài ngày đọc các chủ đề đó. Bạn sẽ nhanh chóng có được ý tưởng chủ đề nếu đọc chăm chỉ.

Một cách khác để có được ý tưởng là thực hành, đặc biệt thích hợp với những chủ đề và những người ở vị trí có khả năng làm được điều này. Người bán vợt cầu lông sẽ am hiểu nhiều hơn các vấn đề liên quan nếu bản thân họ cũng là người chơi cầu lông.

Không chỉ hiểu nhiều hơn, mà còn hiểu sâu hơn, đúng hơn từ góc độ của người mua.

P/S: tôi nghĩ ra các ý tưởng trên về môn cầu lông do là người chơi cầu lông, chứ không phải do tìm hiểu thuần túy về kiến thức cầu lông.

3. Tìm từ khóa được dùng trong thực tế

Ngay khi phác thảo được các ý tưởng, điều bạn cần làm tiếp theo là biết được từ khóa được sử dụng trong thực tế là gì. Vì nếu sử dụng không đúng từ khóa mà người dùng thường tìm kiếm, nội dung rất hay của bạn có thể nhận được lưu lượng truy cập ít hơn nhiều so với khả năng nó xứng đáng được nhận.

Chẳng hạn bạn có ý tưởng về chủ đề “đánh đôi trong cầu lông”, thế thì điều nguy hiểm nhất là bạn xông vào viết ngay lập tức bài viết với từ khóa này, vì rất có thể nó không phải là từ khóa hay được dùng nhất.

Điều đầu tiên cần làm, là bạn phải tìm kiếm từ khóa này trên Google. Kết quả của nó sẽ gợi ý nội dung thực tế mà người dùng thường tìm.

Hãy nhìn kết quả dưới đây:

kết quả tìm kiếm

Bạn có thế thấy liên quan đến chủ đề đánh đôi, mọi người thường quan tâm các vấn đề sau:

  • Chiến thuật đánh đôi
  • Kinh nghiệm đánh đôi
  • Kỹ thuật đánh đôi
  • Đánh đôi nam nữ
  • Đánh đôi nam
  • Luật thi đấu đánh đôi

Ngoài ra bạn nên xem Các tìm kiếm liên quan sẽ xuất hiện ở cuối trang tìm kiếm:

các tìm kiếm liên quan

4. Làm thế nào tôi dự đoán được nội dung nào sẽ có lưu lượng truy cập cao?

Điều này sẽ rất khó khăn nếu bạn không có bất kỳ công cụ nghiên cứu từ khóa nào, nhưng có thể dự đoán được một cách tương đối chính xác dựa vào các bài viết đã có về chủ đề đó.

Cơ sở của chúng ta dựa trên nguyên lý:

Nếu chủ đề nào đó được viết càng nhiều, thì khả năng là nó được người dùng quan tâm tìm kiếm càng nhiều

Vậy làm sao bạn biết được chủ đề nào đó được viết nhiều? Câu trả lời không có gì mới: tìm kiếm trên Google.

Vấn đề chỉ là bạn thực hiện toán từ tìm kiếm nâng cao thích hợp, bởi vì nếu bạn chỉ đơn giản search từ khóa, nó không cho kết quả chính xác lắm.

Hãy sử dụng toán tử sau, allintitle: chủ đề mà bạn muốn đánh giá

Toán tử này sẽ chỉ tìm kiếm các tiêu đề bài viết chứa đầy đủ cụm từ khóa của chủ đề (dù không hoàn toàn theo thứ tự chính xác).

Chẳng hạn tôi muốn so sánh là nên tập trung vào từ khóa nào trong 3 từ khóa dưới đây:

  • Chiến thuật đánh đôi
  • Kinh nghiệm đánh đôi
  • Kỹ thuật đánh đôi

Tôi thực hiện từng tìm kiếm, và kết quả lần lượt như sau:

số lượng chủ đề chiến thuật đánh đôi
số lượng chủ đề kinh nghiệm đánh đôi cầu lông
số lượng chủ đề kỹ thuật đánh đôi cầu lông

Như vậy là chỉ mất khoảng 2 phút tôi đã biết rằng chủ đề kỹ thuật đánh đôi cầu lông được viết nhiều hơn khoảng 30 lần chủ đề kinh nghiệm đánh đôi cầu lông và gấp 3 lần chủ đề chiến thuật đánh đôi cầu lông. Hay nói cách khác, tôi nên tập trung vào chủ đề kỹ thuật đánh đôi cầu lông trước vì nó có khả năng được mọi người quan tâm nhiều nhất.

5. Xác định mức độ cạnh tranh của từ khóa

Mức độ cạnh tranh của từ khóa nói lên việc chủ đề nào đó khó hay dễ lên top 10. Nói chung việc xác định thông số này cũng rất khó nếu bạn không có trong tay công cụ nào. Tuy nhiên cũng giống như trường hợp ở trên, bạn có thể xác định độ khó tương đối thông qua số lượng chủ đề đã có.

Nói chung chủ đề nào càng được viết nhiều, có mặt trên những trang càng phổ biến, bạn càng khó để cạnh tranh với họ.

Hay nói cách khác, để lên được top 10, viết bài về “kỹ thuật đánh đôi cầu lông” sẽ khó khăn hơn viết bài về “kinh nghiệm đánh đôi cầu lông”.

Nhưng điều này dễ rơi vào trạng thái không chắc chắn, do vậy để an toàn hơn, bạn nên áp dụng cách dưới đây

Ở thời điểm này, có một công cụ miễn phí giúp bạn xác định chính xác hơn độ khó của từ khóa. Đó là công cụ kiểm tra backlink miễn phí của Ahrefs. Công cụ này cho bạn biết số lượng backlink một URL nào đấy hiện đang có và độ mạnh (gần giống PageRank) của URL đó. Kết hợp với việc bạn truy cập trực tiếp vào nội dung từng bài (khoảng 3 đến 5 bài đầu tiên cho mỗi từ khóa là được), để đánh giá chất lượng nội dung, việc xác định độ khó của từ khóa là nằm trong tầm tay.

Đầu tiên bạn truy cập vào công cụ của Ahrefs, nhập URL của các bài viết đứng đầu cho mỗi từ khóa.

Chẳng hạn đây là độ mạnh (~ PageRank) của 3 trang đứng đầu cho từ khóa “kỹ thuật đánh đôi cầu lông”:

trang 1, kỹ thuật đánh đôi cầu lông
Báo cáo cho thấy trang này có độ mạnh là 10 với 3 backlink và 2 tên miền trỏ đến
độ mạnh của trang 2
Trang này có độ mạnh là 8 và không có backlink cũng như tên miền nào trỏ đến
trang 3 kiểm tra độ mạnh
Trang này cũng có độ mạnh là 8 và không có backlink nào trỏ về

Như vậy nhìn chung, 3 trang đứng đầu với từ khóa “kỹ thuật đánh đôi cầu lông” cho thấy:

  • Độ mạnh trang từ 8 – 10
  • Backlink khoảng 2 – 3 liên kết

Còn đây là độ mạnh của 3 trang đứng đầu cho từ khóa “mua vợt cầu lông”:

độ mạnh của trang đứng đầu
Trang có độ mạnh 31, có 850 backlink và 85 tên miền trỏ về
độ mạnh của trang thứ 2
Trang có độ mạnh 29, có 520 backlink và 62 tên miền trỏ về
độ mạnh của trang thứ 3
Trang có độ mạnh là 12 và không có tên miền nào trỏ về

Như vậy nhìn chung, với từ khóa mua vợt cầu lông, ngoài trang thứ 3 có độ mạnh không quá lớn, còn 2 trang đầu tiên có độ mạnh vượt trội so với các trang với từ khóa kỹ thuật đánh đôi cầu lông.

Hay nói cách khác, độ khó của từ khóa “mua vợt cầu lông” là cao hơn nhiều “kỹ thuật đánh đôi cầu lông”.

P/S: về sau bạn sẽ thấy hiện tượng này rất phổ biến, đó là các từ khóa liên quan đến thương mại thường có độ khó cao hơn khá nhiều từ khóa liên quan đến kiến thức.

6. Nghiên cứu từ khóa dựa trên đối thủ

Đối thủ có khả năng đem lại nhiều gợi ý từ khóa quan trọng. Hãy dựa vào các nguồn chia sẻ thông tin chính yếu sau:

  • Website: khảo sát các website của những đối thủ cạnh tranh lớn nhất và xem họ tập trung viết về chủ đề gì
  • Fanpage: các thương hiệu lớn hay dùng fanpage để chia sẻ cũng như quảng cáo bài viết trên trang. Hãy để ý xem họ đang tích cực chia sẻ nội dung nào
  • Quảng cáo: nếu bạn thấy từ khóa nào đó trong lĩnh vực của bạn được quảng cáo, nghĩa là nó có tiềm năng thương mại, hãy tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề đó, và cân nhắc xem có nên viết hay không

7. Các nguồn khác giúp bạn nghĩ ra ý tưởng từ khóa

Bất kể nơi nào tập trung khách hàng tiềm năng thì đều có thể trở thành nguồn cung các gợi ý có giá trị. Điểm quan trọng là bạn cần lắng nghe và quan sát chăm chú. Ví dụ một số nguồn như vậy là:

  • Khu vực bình luận: thường thì chúng ta chỉ quan tâm đến nội dung chính mà ít để ý đến khu vực bình luận, trong khi đây lại là nơi cho thấy nhiều vấn đề trong bài viết chưa được giải đáp rõ. Khu vực bình luận có khả năng tạo ra bài viết kiểu FAQ (các câu hỏi thường gặp)
  • Các diễn đàn: diễn đàn đã bị mạng xã hội và sự phổ biến của các kênh giải trí lấn át, nhưng nó vẫn có thể là nơi rất giá trị khi ban biết khai thác vì vẫn có một số nhóm khách hàng đặc thù thích thú với diễn đàn hơn
  • Các nhóm trên mạng xã hội: có rất nhiều nhóm trên mạng xã hội, điển hình như Facebook, và đây là nơi chứa vô vàn câu hỏi, thắc mắc thú vị. Ảnh hưởng nội dung do nhóm tạo ra mạnh đến mức, nhiều trang báo điện tử sao chép lại các trends trên mạng xã hội để đăng lại trên website để thu hút người đọc

B. Nghiên cứu từ khóa dành cho những người có công cụ

(đúng hơn là những người bỏ tiền ra mua công cụ)

Các công cụ nghiên cứu từ khóa thương mại có khá nhiều, nhưng không phải công cụ nào cũng có từ khóa nhắm đến thị trường Việt Nam, trong khi đây lại là nhu cầu của phần lớn những ai đang tìm hiểu chủ đề này.

Do vậy để tránh những hạn chế có thể, tôi đã chọn công cụ nghiên cứu SEO được đánh giá rất cao là Ahrefs, để thấy được sức mạnh lớn nhất mà một công cụ có thể đem lại là gì.

1. Nhập vào chủ đề chung mà bạn muốn viết

Nếu tôi không am hiểu nhiều về cầu lông, hoặc không tự tin lắm trong việc đưa ra ý tưởng chủ đề, thì Ahrefs có thể giúp sức nhờ việc ước tính khối lượng tìm kiếm của các từ khóa liên quan đến chủ đề này. Tôi chỉ việc nhập chủ đề chung mà mình định viết. Ở đây là “cầu lông” vào Keywords explorer:

nghiên cứu từ khóa với Ahrefs

Sau đó bạn kéo xuống khu vực: Ý tưởng từ khóa dựa trên khối lượng tìm kiếm (keyword ideas by search volume) và click vào phần View all (Xem tất cả):

ý tưởng từ khóa

Ahrefs sẽ đưa ra các từ khóa cụ thể với khối lượng tìm kiếm ước tính, lượng click (ô màu vàng), và chủ đề chung của từ khóa đó, được tô ô màu đỏ. Còn KD là độ khó của từ khóa:

ý tưởng về từ khóa cầu lông

Vì chủ đề ban đầu của chúng ta quá chung chung (“cầu lông”), nên đến phần này các gợi ý tuy đã cụ thể hơn, nhưng vẫn chưa rõ ràng (vợt cầu lông, sân cầu lông, giày cầu lông, luật cầu lông, vân vân).

Bạn có thể click vào từng chủ đề cha (tô màu đỏ) để tìm các từ khóa thuộc nhóm đó, nhưng tôi thấy cách hay hơn là bạn lặp lại thao tác nghiên cứu từ khóa với ý tưởng cụ thể hơn đó. Chẳng hạn ở đây là “giày cầu lông”:

ý tưởng về giày cầu lông

Bạn đã thấy rất nhiều từ khóa rõ ràng hơn, chẳng hạn như các hãng giày cụ thể (có thể là gợi ý tốt nếu bạn là người mới tập bán giày):

  • kawasaki
  • lining
  • yonex
  • mizuno
  • victor

hoặc theo giới tính, giá cả, chính hãng:

  • giày cầu lông nam
  • giày cầu lông nữ
  • giày cầu lông giá rẻ
  • giày chính hãng

Vậy thì bạn có thể hướng đến bài viết kiểu như: “giày cầu lông kawasaki chính hãng”.

Yếu điểm của cách làm này:

  • Bạn phải sàng lọc rất nhiều từ khóa: khi ý tưởng của bạn còn chung chung, sẽ có rất nhiều từ khóa xuất hiện, ngoài ra đôi khi Ahrefs để lẫn những từ khóa không liên quan, nhưng điều này không quan trọng bằng việc…
  • Nó không dự đoán được lưu lượng truy cập thực của bài viết hướng đến từ khóa có khối lượng tìm kiếm thấp: trong khi khối lượng tìm kiếm của từ khóa cao thường cho thấy tiềm năng truy cập lớn, điều ngược lại chưa chắc đúng vì sự xuất hiện của các từ khóa đuôi dài.

Do vậy chúng ta sẽ thử cách tiếp theo thường có hiệu quả tốt hơn.

2. Nghiên cứu từ khóa dựa trên đối thủ

Cũng tên giống như cách 6 ở phần không có công cụ, nhưng với phần này, ta sẽ sử dụng công cụ để phân tích trang web đối thủ thay vì tuy duy thuần túy.

Nhập website của các đối thủ mạnh nhất vào và Ahrefs sẽ cung cấp thông tin các trang nhận được lưu lượng truy cập nhiều nhất cho mỗi website, cũng như từ khóa giúp website đó nhận được lưu lượng.

Giả dụ ai đó đang cạnh tranh trong lĩnh vực tăng tốc website wordpress, và nhận thấy website chimcat khá mạnh về chủ đề đó:

tăng tốc wordpress

Họ sẽ nhập tên miền vào phần Site Explorer để kiểm tra lưu lượng và từ khóa mà trang chimcat nhận được:

khám phá trang

Ở cột bên tay trái, click vào top page sẽ cho chúng ta biết các trang nào trong website này nhận được lưu lượng truy cập nhiều nhất và từ khóa tương ứng là gì:

trang và từ khóa nhận được lưu lượng truy cập lớn

Nghiên cứu nhiều đối thủ như vậy, bạn có chắc chắn tìm được các từ khóa tiềm năng nhất.

3. Làm sao bạn chọn được từ khóa có mức độ cạnh tranh vừa phải?

Áp dụng theo cách trên bạn sẽ có danh sách từ khóa và chủ đề thu hút nhất, nhưng cũng rất cạnh tranh. Nếu kỹ năng SEO lẫn mức am hiểu về chủ đề chưa đủ, sẽ rất khó khăn khi nhảy vào những từ khóa như thế này.

Bạn phải làm thế nào?

Chọn từ khóa có mức cạnh tranh vừa phải thôi. Bạn sẽ không phải kiểm tra thủ công như cách đầu tiên khi sử dụng công cụ miễn phí. Khi dùng bản trả phí của Ahrefs, nó sẽ thông báo cho bạn biết con số cụ thể về mức độ khó của từ khóa:

kiểm tra độ khó của từ khóa

Độ khó của từ khóa theo cách tính của Ahrefs là dựa trên số lượng backlink nó cần để có mặt trong top 10, và chỉ thế mà thôi, chứ nó không tính đến chất lượng nội dung của các bài viết đã tồn tại. Do vậy cách kiểm tra tốt nhất bên cạnh sử dụng công cụ là vào trực tiếp các bài viết đứng đầu để biết bạn cần phải đầu tư công sức ở mức độ nào.

Vì liên kết đến các trang khác không phải là thói quen phổ biến của người quản trị web ở Việt Nam, nên nhiều nội dung hay chưa chắc có nhiều backlink. Do vậy có nhiều từ khóa bạn thấy từ Easy (dễ thăng hạng) nhưng thực tế lại không dễ thăng hạng tí nào, vì chất lượng nội dung của những trang top 10 đó rất cao.

Đọc thêm bài viết hướng dẫn sử dụng Ahrefs để bạn có thể tận dụng tối đa công cụ này.


C. Phân loại từ khóa

(lựa chọn được từ khóa có khả năng chuyển đổi tốt nhất)

Ở các phần trên chúng ta có nói đến chuyện phân loại từ khóa dựa trên độ khó của từ khóa và khối lượng tìm kiếm của từ khóa – vốn là 2 thông số rất cơ bản.

Nhưng từ khóa không chỉ có hai phân loại đó. Các phân loại quan trọng khác bao gồm

Độ dài của từ khóa

Các từ khóa càng dài thì càng cụ thể, và nói chung từ khóa càng cụ thể thì bạn sẽ càng dễ viết hơn cũng như dễ SEO.

Không có chuẩn cứng thức, nhưng bạn nên hướng đến các từ khóa chứa ít nhất 3 từ.

Khi đã có danh sách từ khóa định SEO, bạn có thể đưa nó vào Excel hoặc Bảng tính Google để phân loại từ khóa dựa trên độ dài từ.

Với những ai dùng công cụ SEO thương mại, tính năng phân loại theo độ dài thường có sẵn trên ứng dụng:

phân loại từ khóa theo độ dài

Ý định của người tìm kiếm

Nếu lưu lượng truy cập vào website của bạn vẫn tăng đều đặn nhưng đơn hàng hoặc các mục tiêu khác không tăng tương xứng thì có nghĩa là bạn đã chọn sai đối tượng khách hàng mục tiêu.

Nguyên nhân chọn sai đối tượng khách hàng mục tiêu là do chọn sai từ khóa.

Chọn sai từ khóa là lỗi cực kỳ nghiêm trọng, vì nó giống như bạn đi lạc đường vậy, bạn có thể đi với tốc độ 100 Km/giờ, nhưng rốt cuộc bạn chẳng đến được đích sớm hơn chút nào, thậm chí còn vất vả vì mất thời gian quay lại!

Vậy đại khái ý định của người tìm kiếm được phân loại như thế nào?

Có 6 phân loại quan trọng sau:

Ý định Ví dụ
Tìm hiểu thông tin
  • Chuột bàn phím nào bền
  • Điện thoại ngấm nước thì làm thế nào
Thương hiệu
  • Chuột Dell có tốt không
  • Trung tâm bảo hành iphone
Mua / bán
  • Mua chuột logitech ở đâu
  • Iphone giá rẻ
Chức năng
  • Mua chuột chơi game
  • Điện thoại pin trâu
Dòng sản phẩm
  • Chuột logitech b100
  • iphone 6 giá tốt
Địa lý
  • Cửa hàng bán chuột máy tính ở Hà Đông
  • Địa chỉ sửa điện thoại tốt ở Hà Nội
Chỉ liên quan (*)
  • Ốp lưng tốt cho iphone
  • Pin cho chuột không dây logitech

(*): bạn bán iphone nhưng không bán ốp lưng, tuy vậy bài viết về chủ đề “ốp lưng tốt cho iphone” hữu ích cho khách hàng mục tiêu của bạn. Tương tự như vậy, bạn bán chuột logitech nhưng không bán pin, nhưng thông tin về “pin cho chuột không dây logitech” hướng thẳng đến khách hàng mục tiêu. Những người này có thể đã mua sản phẩm ở chỗ bạn hoặc chỗ khác nhưng họ thầm cảm ơn bạn vì đã cung cấp thông tin giá trị. Họ có thể là khách hàng trong tương lai.

Có nhiều kiểu sản phẩm mà bạn hay thu hút khách hàng mục tiêu thông qua thông tin liên quan. Chẳng hạn các cửa hàng mẹ và bé bên cạnh thông tin về sản phẩm bán, họ có rất nhiều thông tin về cách chăm sóc bé với mức độ chuyên sâu rất cao…

Các phân loại là tương đối, và thường thì chúng giao thoa nhau, chẳng hạn tìm kiếm: Mua iphone 6 giá rẻ Hà Nội vừa là từ khóa có ý định mua bán, nhắm đến đến dòng sản phẩmvị trí địa lý

Những từ khóa càng có nhiều đặc điểm mô tả thì càng cụ thể và rõ ràng về ý định của người tìm kiếm. Liệu bạn có biết ý định rõ ràng nào khi ai đó chỉ tra từ khóa iphone?

Dựa trên ý định của người tìm kiếm ẩn đằng sau từ khóa, bạn chọn từ khóa phù hợp để ưu tiên SEO trước, nói chung các từ khóa mua bán, địa lý có khả năng chuyển đổi thành người mua cao nhất. Các từ khóa tìm hiểu thông tin có khả năng chuyển đổi thấp hơn nhưng nó có ưu điểm là dễ SEO hơn (do ít cạnh tranh) và hay có lưu lượng truy cập tốt hơn.


D. Một số câu hỏi

(chưa biết hỏi ai)

1. Từ khóa mà tôi định SEO rất cạnh tranh, tôi lọt thỏm ở trang ba mất, tôi sợ không có bất kỳ lưu lượng truy cập nào cả khi viết xong

Có hai cách:

  • Chuyển hẳn sang từ khóa, chủ đề khác dễ hơn, hãy sử dụng tính năng phân tích độ khó từ khóa (KD), các công cụ như Ahrefs cũng cho phép lọc KD nhanh từ danh sách dài theo tùy chọn của bạn. Độ khó của Ahrefs nằm trong khoảng từ 0 đến 100
  • Vẫn giữ chủ đề, từ khóa đó nhưng hãy cụ thể hơn, ví dụ 3 từ khóa sau, nhà chung cư, nhà chung cư giá rẻ, nhà chung cư giá rẻ Hà Nội. Từ khóa cuối cùng là cụ thể nhất và nó cũng có độ khó thấp nhất (KD = 1). Một ưu điểm nữa của từ khóa cụ thể là nó dễ viết hơnđộ khó giảm khi từ khóa cụ thể hơn

2. Từ khóa mà tôi định SEO có khối lượng tìm kiếm thấp, tôi sợ không có lưu lượng truy cập đáng kể dù đứng top

Ở phần trên chúng ta có nhắc đến chuyện sử dụng số lượng chủ đề để ước tính hoặc sử dụng website của đối thủ để tìm các từ khóa có lưu lượng truy cập tốt.

Trong phần này chúng ta sẽ biết chắc chắn hơn có nên SEO từ khóa khối lượng tìm kiếm thấp không.

Cách làm:

  • Nhập từ khóa có khối lượng tìm kiếm thấp vào Google để tìm các trang xếp đầu tiên
  • Lấy URL của trang đứng đầu đưa vào Ahrefs để ước tính lưu lượng truy cập nhận được có xứng đáng để đầu tư không

Ví dụ từ khóa: hướng dẫn sử dụng plugin autoptimize theo ước tính của Ahrefs là từ khóa không thu thập được các chỉ số về khối lượng tìm kiếm (thường là vì nó có rất ít người tìm kiếm):

từ khóa không có thông tin khối lượng tìm kiếm

Thế là bạn từ bỏ ý định SEO, mặc dù từ khóa này bạn có khả năng viết rất tốt. Sai Lầm! Ít nhất thì cũng là quá vội vàng rồi!

Tôi tìm kiếm từ khóa trên để tìm trang đứng đầu:

bài viết đứng đầu

Rồi đưa liên kết vào công cụ phân tích Site explorer của Ahrefs để ước tính lưu lượng truy cập:

lưu lượng truy cập hàng tháng

173 lượt truy cập hàng tháng cho nội dung kiểu này không thấp chút nào. Lúc mới đầu chúng ta còn tưởng nó không nhận được bất cứ lưu lượng nào.

3. Từ khóa tôi định SEO không có vấn đề gì. Khối lượng tìm kiếm ổn, lưu lượng truy cập ước tính tốt, độ khó trung bình, nhưng tôi lại không hiểu biết nhiều về chủ đề. Tôi có nên làm không?

Nội dung phải tập trung vào chất lượng, thà bạn SEO từ khóa ít hấp dẫn hơn nhưng có được nội dung tốt, còn hơn là làm điều ngược lại.

Đừng viết về chủ đề nào đó chỉ đơn giản vì trông nó ngon ăn. Bạn phải đủ hiểu biết về nó. Thế giới internet không thiếu nội dung chất lượng, nên thực tế là nó lại không hề ngon ăn như bạn nghĩ đâu khi chất lượng nội dung bạn tạo ra thấp.


E. Vượt lên trên các thông tin về chỉ số của từ khóa

(cuộc đời không phải lúc nào cũng là tối ưu)

Chắc chắn các chỉ số như độ khó, khối lượng tìm kiếm, độ dài, ý định ẩn đằng sau là những điều cực kỳ quan trọng, và không nên bỏ qua.

Tuy vậy, còn một điều bạn phải cân nhắc khi viết bài, đó là “cảm hứng”, cái này không phải là cảm hứng tùy tiện, mà điều tôi muốn chỉ đến là sự ưa thích viết về một chủ đề nào đó do nhu cầu bên trong bạn muốn vậy.

Khi ấy đôi khi bạn phải bỏ qua các chỉ số và “nghe theo con tim” của mình. Vì sao ư?

Vì những bài viết đi theo con tim có chất lượng rất tốt, và có chất lượng thì mới leo top được.

Cho nên mới nói nó tuy cảm hứng nhưng khi sử dụng đúng mức lại rất có lợi cho SEO.

Mà đôi khi việc viết bài không phải chỉ vì “phấn đầu để lọt top”. Nghe mâu thuẫn không. Tôi có ví dụ chứng thực luôn đây.

Chính bài này!

Tôi biết đã có những người viết rất tốt về chủ đề nghiên cứu từ khóa rồi, nhưng tôi vẫn tự viết bài của riêng mình, vì chỉ khi ấy kiến thức của mình mới được hệ thống hóa. Và trong quá trình phát triển nội dung tôi sẽ thu thập được nhiều điều bổ ích khác mà nếu không viết tôi không thể có được.

Không lọt vào top 10, thậm chí không lọt vào top 20 cũng không sao, chính việc viết bài, tự nó đã đem lại cho tôi nhiều lợi ích.

Comments are closed.

Back to Top