Categories Chuyển host Migrate Guru

Migrate Guru: plugin miễn phí giúp chuyển hosting cho WordPress có dung lượng lớn

chuyển website nhanh gọn

Có nhiều plugin & công cụ giúp bạn chuyển hosting cho WordPress, trong đó Migrate Guru nổi lên như một biện pháp hoàn toàn miễn phí, có chất lượng rất tốt với các website dung lượng từ trung bình đến lớn.

PS: Đây là bài viết giới thiệu & hướng dẫn cách dùng cơ bản về plugin Migrate Guru. Nó tập trung vào chuyển hosting khác tên miền hoặc tạo staging site. Nếu chuyển hosting giữ nguyên tên miền bạn nên đọc bài viết thực hành với plugin Migrate Guru.

Gần 2 năm nay tôi rất trung thành với plugin All in one WP migration– chuyên dành cho việc chuyển host. Nhưng đây là plugin có phí, giá không rẻ cho lắm, ngoài ra bạn cần tải file về máy tính rồi mới up ngược lên được website mới (với gói rẻ nhất có giá 69$), chuyện này là việc tương đối mất thời gian trên các website từ 5GB đổ lên, đó là chưa kể vấn đề mạng tại nhà không được nhanh, hoặc thậm chí bị gián đoạn trong quá trình up (đấy là còn chưa kể tình trạng đứt cáp xảy ra thường xuyên).

Video giới thiệu:

Tôi vẫn mong tìm thêm giải pháp chuyển host khác, và có nghe anh chị em nói về plugin Duplicator, nhưng thấy bảo cơ chế cũng không khác mấy All in one WP migrate, lại khó dùng hơn nên cứ lần nữa mãi chưa thử (nhưng kiểu gì sau này tôi sẽ kiểm tra xem thế nào!).

Xem thêm: mấy công cụ hỗ trợ cho việc chuyển hosting.


Tôi biết plugin Migrate Guru khi tham khảo blog WP Speed Matters của tác giả Gijo Varghese. Gijo nói rằng anh ấy chuyển host cho hơn 100 website với Migrate Guru mà chưa từng gặp vấn đề nào, và dĩ nhiên còn điểm tuyệt vời này nữa: nó hoàn toàn miễn phí! Dưới đây là các ưu điểm khác của plugin:

  • Xử lý tốt trên các website có kích cỡ rất lớn;
  • Không cần tải tải về và up file restore (file khôi phục) ngược lên (do vậy không phụ thuộc vào kết nối internet tại nhà riêng của bạn nhanh chậm, ổn định thế nào);
  • Không cần kết nối đến cloud lưu trữ riêng biệt (chẳng hạn không cần thông qua Google Drive);
  • Hoạt động ở chế độ nền (background);
  • Nhanh, quá trình chuyển được thực hiện ở cấp độ từ server tới server;
  • Hoạt động được trên tất cả các kiểu hosting (thông qua FTP, SFTP hoặc FTPS);
  • Đơn giản hơn kiểu chuyển hosting thủ công;

Migrate Guru được xây dựng bởi công ty tiếng tăm có tên BlogVault, công cụ này được hầu hết công ty host phổ biến về WordPress khuyên dùng.

Có một nhược điểm nhỏ mà tôi không thích ở Migrate Guru là nó yêu cầu thông tin FTP/SFTP chi tiết và phải nhập thật chính xác đường dẫn cho thư mục WordPress (đây có thể là vấn đề khó khăn với những ai mới làm quen).

Với tôi đây không phải là rắc rối lớn, nhưng thi thoảng khi làm việc với các khách hàng không rành về web sẽ có chút khó khăn khi hỏi họ thông tin này, cần phải hướng dẫn họ lấy thông tin ấy ở đâu, tại sao tôi lại cần nó, vân vân.


Điều cần làm trước khi chuyển hosting

Nếu bạn chuyển website từ hosting này đến hosting khác, bạn cần đảm bảo có trang WordPress tạm thời được tạo sẵn trong hosting mới và có thể truy cập công khai.

Tên miền có thể khác, bạn có thể thay đổi nó sau khi quá trình chuyển host hoàn tất.

Trên trang web này, tôi có viết bài chi tiết về những điều bạn cần chuẩn bị để việc chuyển host diễn ra nhanh chóng và không có lỗi.


Cách chuyển host bằng Migrate Guru

Giả sử bạn cần chuyển tên miền từ abc[.]com (gọi tắt là ABC) trên host A về tên miền xyz[.]com (gọi tắt là XYZ) trên host Z.

Tên miền cũ Tên miền mới
abc[.]com xyz[.]com
Host cũ Host mới
A Z

Đầu tiên bạn cần cài đặt plugin Migrate Guru trên website ABC (web cũ).

Sau đó bạn cần đảm bảo rằng host mới đã có tài khoản FTP. Bạn cần username và password của tài khoản FTP này.

Trên website cũ bạn click vào biểu tượng của Migrate Guru, nhập email rồi chọn FTP và nhập thông tin vào các trường.

giải thích các tùy chọn của Migrate Guru

Trong đó:

  • Destination Site URL là địa chỉ website mới, trong ví dụ đang dùng là trang XYZ. Bạn phải nhập đầy đủ cả giao thức của nó, cụ thể là http hay là https;
  • FTP Type– kiểu mặc định là FTP, nếu bạn sử dụng SFTP hoặc FTPS thì chọn cái tương ứng. Nhưng nếu chỉ có tài khoản FTP thì cũng phải dùng kiểu FTP;
  • Destination Server IP/FTP Address– địa chỉ IP của host mới;
  • Port (optional)– đây là cổng tùy chọn, thường sẽ không phải điền gì, trừ khi cổng trên host của bạn không theo mặc định;
  • FTP username– nhập username FTP của bạn vào đây (của host mới);
  • FTP password– nhập mật khẩu FTP tương ứng của bạn vào đây (của host mới);
  • Drectory Path-đường dẫn thư mục. Đây là phần rất dễ nhập nhầm. Để biết chắc chắn đường dẫn của bạn là gì, bạn chỉ cần đăng nhập vào tài khoản FTP thông qua phần mềm như FileZilla, điều hướng đến thư mục của WordPress (cấp trên gần nhất của wp-content), ở phần Remote site chính là đường dẫn chính xác mà bạn cần.
đường dẫn chính xác để chuyển host

Như hình trên cho thấy, đường dẫn mà bạn cần phải điền là /public_html (lưu ý là trang web của bạn có thể có đường dẫn hoàn toàn khác).

Cuối cùng bạn kéo xuống dưới và nhấn Migrate là xong.

Nếu bạn không nhập nhầm/sai thông tin nào, quá trình chuyển website sẽ diễn ra và trông giống như thế này.

Tôi nhận thấy tốc độ khá tốt, khoảng 15 – 20 phút sẽ chuyển được 1GB dữ liệu ngay cả khi chuyển dữ liệu ra ngoài Việt Nam hoặc ngược lại.

Giờ thì bạn có thể ngồi thư giãn hoặc làm ngụm trà hay bia lạnh được rồi, tất cả để Migrate Guru lo!

Khi chuyển thành công bạn sẽ thấy thông báo như thế này:

chuyển website thành công

Việc đóng tab Migrate Guru không ảnh hưởng gì vì quá trình chuyển này diễn ra ở chế độ nền (tuy nhiên nếu muốn đóng- để an toàn bạn cần nhập thông tin vào phần Source Website Password Protected gồm thông tin user và pass đăng nhập WordPress của trang cũ). Một khi hoàn thành bạn sẽ nhận được email xác nhận.

PS1: Để quá trình chuyển host diễn ra nhanh nhất bạn nên chuyển vào thời điểm băng thông rộng rãi, thường là vào giờ hành chính khi mọi người đang KHÔNG ở nhà và truy cập vào các website giải trí yêu cầu băng thông lớn như YouTube. Nói chung chuyển vào lúc gần sáng là tốt nhất, vì lúc đó băng thông đủ rộng, ít ảnh hưởng đến những ai đang truy cập website và bạn không phải thức đêm mò mẫm.

PS2: Có bạn lo lắng về vấn đề bảo mật khi phải cung cấp tài khoản FTP & và dịch vụ của họ có vẻ quá tốt trong khi “làm gì có bữa trưa miễn phí”. Tôi trả lời thế này để mọi người yên tâm:

Tôi nghĩ cái miễn phí mà rất tốt thường là do họ có cách kiếm cơm khác, và công cụ miễn phí kia có mục đích marketing cho dịch vụ chính.

Chẳng hạn plugin LiteSpeed Cache trong rất nhiều tình huống ăn đứt WP Rocket, Swift Performance mà lại free, trong khi các bạn kia giá ngót ngét 1 triệu / website / năm. LiteSpeed làm vậy được là ví họ bán máy chủ LiteSpeed (họ mới triển khai thêm QUIC.cloud cho phép cài LiteSpeed Cache cả trên Apache và Nginx).

Tương tự Migrate Guru chủ yếu dùng để quảng bá cho dịch vụ backup website của BlogVault (giá cũng khá chát)…Nói về bảo mật, xét trên quan điểm tuyệt đối bạn nói chính xác, cơ mà có hai thứ để chúng ta yên tâm: (1) sau khi chuyển xong chúng ta hoàn toàn thay đổi được các tài khoản FTP; (2) nếu BlogVault làm vậy chắc chắn không sớm thì muộn, dân trong ngành sẽ phát hiện ra, và cái mất sẽ rất lớn, thậm chí mất nghiệp chứ chẳng chơi, họ đâu dại vì cái website vô danh của anh em mình mà làm vậy. Ngoài ra Dupicator hay bất cứ plugin nào giúp chuyển dữ liệu, nếu muốn họ đều đi cửa sau được.

PS3: Anh chị em trong phần bình luận của bài chia sẻ này trên FB có nói thêm là nếu dùng VPS và rành command line thì wp cli + ssh là tối ưu nhất. Nó cho tốc độ chuyển host cao hơn nhiều. Nhờ lời khuyên này tôi đã viết bài bổ sung: cách chuyển hosting bằng SSH, đặc biệt hữu ích cho các website có kích cỡ từ 7 – 10GB đổ lên.

PS4: Plugin All in one WP migration có giới hạn miễn phí chỉ 512MB. Giải pháp thay thế miễn phí khác ngoài plugin Migrate Guru vừa nói là plugin Duplicator, anh chị em có chia sẻ là nó vẫn miễn phí 2GB và chất lượng cũng rất ổn.

PS5: Ngoài mục đích chuyển host, tôi đặc biệt ưa thích dùng Migrate Guru vào việc tạo trang staging site, tức là trang demo sao chép y nguyên trang gốc để bạn thoải mái thử nghiệm plugin và giao diện. Tất nhiên, trong trường hợp control panel của bạn có sẵn tính năng tạo staging site rồi thì dùng luôn chứ không cần thông qua plugin làm gì.

(Để viết bài này tôi có tham khảo bài viết về chủ đề tương tự trên website của Gijo)

Comments are closed.

Back to Top