Categories Kinh doanh online Miễn phí

Miễn phí – có thực sự miễn phí?

tảng băng trôi

Chris Anderson trong cuốn Miễn phí – Tương lai của một mức giá cách mạng, mô tả 4 mô hình miễn phí sau:

– Miễn phí 1: Hỗ trợ chéo trực tiếp Đây là hình thức trong đó một sản phẩm được bán nhờ sự kích thích từ một sản phẩm miễn phí khác. Nhiều công ty chấp nhận bán sản phẩm A ở mức hoà vốn hoặc thậm chí lỗ để bán được sản phẩm B với giá hời. King Gillette với dao cạo râu sắc lẹm của ông ta rất nổi tiếng với công thức này. 

– Miễn phí 2: Thị trường ba bên Bên A và bên B tạo ra thị trường miễn phí, và bên C phải trả tiền để tham gia thị trường đó. Thí dụ Google cung cấp tìm kiếm miễn phí cho người dùng. Google và người dùng tạo ra thị trường miễn phí khổng lồ, thế nhưng các công ty quảng cáo phải trả tiền để tham gia thị trường này, để các quảng cáo của họ thu hút người tìm kiếm. Điều tương tự với truyền hình và truyền thanh phổ thông hay các báo bạn được cho không. 

– Miễn phí 3: Miễn phí giá cao (Freemium) Đây là mô hình cực kỳ phổ biến với các sản phẩm số. Chẳng hạn phần mềm với tính năng giới hạn thì miễn phí, nhưng khi có các tính năng nâng cao cần phải trả phí (quen nhất có lẽ là các chương trình AntiVirus). Theo thống kê, một công ty điển hình trong mô hình này sẽ có 95% người dùng miễn phí và 5% người dùng trả phí. Sở dĩ các công ty vẫn sống tốt khi phải gồng gánh số lượng người miễn phí lớn như vậy là vì các sản phẩm số thường chỉ mất chi phí đầu tư ban đầu, còn các nhân bản thì chi phí tiệm cận 0.

 – Miễn phí 4: Thị trường phi tiền tệ Một ví dụ quen thuộc là Wikipedia, bạn không phải trả bất kỳ chi phí nào để đọc các bài viết ở đây, kể cả chi phí ẩn cũng không. Wikipedia không có quảng cáo. Những người viết bài trên Wikipedia cũng không được trả tiền. Động lực viết bài của họ có thể là mong muốn chia sẻ, hoặc niềm vui được viết, thể hiện kiến thức. Nhiều blogger cũng thuộc loại này. Vậy ai trả tiền để thuê các máy chủ khổng lồ cho Wikipedia – câu trả lời là các đóng góp thiện nguyện từ người dùng khắp nơi trên thế giới. Không có ép buộc cũng như phân biệt nào từ người đóng góp hay không đóng góp. Kết luận: Câu nói không có gì thực sự miễn phí có ý đúng của nó. Chẳng hạn như ở thị trường ba bên, chi phí mà các nhà quảng cáo phải trả rồi cũng đổ lên đầu người mua hàng mà thôi. Tuy nhiên ở thị trường phi tiền tệ là miễn phí thực sự – điều đấy không có nghĩa là những thứ chúng ta thụ hưởng từ đó ở trên trời rơi xuống, vẫn có ai đó trả tiền cho nó nhưng chúng ta không phải chịu bất kỳ chi phí tiềm ẩn nào như ba mô hình đầu.

Back to Top