Categories Cache CDN Litespeed

Tại sao LiteSpeed Cache version 3.0 là plugin cache chất lượng nhất với tôi

LiteSpeed Cache

Thế giới tăng tốc WordPress đang chờ đợi điều gì và cuối cùng họ sẽ nhận được gì?

  • Các tính năng tối ưu hóa mới;
  • Giao diện người dùng mới;
  • Tích hợp QUIC.cloud;
  • Và nhiều tính năng quan trọng khác, các tính năng tối ưu hóa tốc độ dành cho WordPress.

Bạn không dùng server của LiteSpeed? Chẳng có gì phải lo, bạn vẫn có thể sử dụng nó bình thường!

PS: Bạn có thể muốn tham khảo hướng dẫn cài đặt plugin LiteSpeed Cache sau khi đọc xong bài viết này.

Mối quan hệ của tôi với LiteSpeed & LiteSpeed Cache

Với những ai chưa biết, tôi giữ LiteSpeed sâu trong trái tim mình! Khi các trang web đầu tiên của tôi nhận được lượng viral khủng (ví dụ khi ai đó chia sẻ vào nhóm đông người trên FB) vào năm 2010, chính máy chủ LiteSpeed đã cứu VPS của tôi. Khổ thân con VPS nhỏ bé trước đây bị chôn vùi bởi lưu lượng truy cập viral, nhưng nhờ LiteSpeed nó đã ngay lập tức khôi phục được lại mức tải CPU chỉ 10% và sẵn sàng đón các đợt truy cập ào ạt tiếp theo (traffic stampede).

6 năm sau (2016), LiteSpeed server phát hành plugin cache độc quyền cho một số CMS phổ biến (WordPress, Joomla, Drupal, Magento, vân vân). Tôi rất thích plugin cache LiteSpeed (LSC) của họ, nhưng cảm thấy nó thiếu một vài tính năng cơ bản cho mục đích sử dụng của đa số người dùng.

Và trong nhiều năm, tôi tiếp tục sử dụng plugin LiteSpeed Cache ở tất cả trang tôi có thể và ca ngợi nó lên tận mây xanh (sung its praises from the top of the mountains), nhưng lúc ấy tôi vẫn từ chối thừa nhận LiteSpeed là plugin chất lượng nhất về mảng cache.

Dưới đây là các thiếu sót mà plugin LiteSpeed Cache 2.x (và các phiên bản thấp hơn) gặp phải:

  • Không cache được trên các máy chủ không phải LiteSpeed – mặc dù bạn có thể sử dụng tất cả các tính năng tối ưu hóa khác;
  • Không preload cache (khả năng tải trước cache) trừ khi máy chủ của bạn là LiteSpeed webserver VÀ kích hoạt trình thu thập thông tin- crawler- điều này là hỗ trợ lớn cho các website nhỏ có lưu lượng truy cập thấp;
  • Không có giao diện người dùng thân thiện (rất nhiều ngôn từ chỉ lập trình viên mới hiểu được).

Đúng vậy, chỉ 3 điều đó thôi. Trong thực tế, nếu họ đưa vào tính năng preload mà không dựa vào crawler được kích hoạt từ phía máy chủ…thì tôi đã coi họ ở vị trí số một tại thời điểm này.

Nhưng đội lập trình của họ không đồng ý với điều đó và tôi hoàn toàn tôn trọng lập trường của họ. Trong thực tế tôi thậm chí còn đồng ý với họ mặc dù tôi mong muốn điều khác. Sự thực thì, LiteSpeed là plugin caching đúng nghĩa và caching lúc khởi nguồn là phương thức tối ưu phía máy chủ (để sử dụng hiệu quả tài nguyên).

Nó không phải là công cụ tăng tốc bằng cách giảm thiểu mã cồng kềnh trên các trang viết mã kém (bạn phải trả giá bằng việc gia tăng sử dụng tài nguyên của máy chủ). Trên thực tế…KHÔNG BAO GIỜ có lập trình viên hoặc admin nào tin tưởng việc tăng tốc website bằng cách sử dụng nhiều tài nguyên hơn. Nó không có ý nghĩa gì từ quan điểm của họ!

Có gì mới trong LiteSpeed Cache phiên bản 3.x?

Tôi đã khao khát nó một thời gian dài và cuối cùng khi nó đến tôi cảm thấy bị choáng ngợp với rất nhiều thứ mà bản thân nhận được. Tôi nghĩ mình chỉ đợi chờ plugin cache tốt nhưng lại nhận được sản phẩm còn vượt cả mong đợi. Tôi rất biết ơn khi trở thành một phần trong quá trình này & rất vui mừng khi thấy các phản hồi đem lại kết quả. Bạn có thể tìm thấy tên tôi (Johnny Nguyen, chứ không phải tên người dịch!) trong changelog của LiteSpeed Cache: lscache_wp GitHub changelog 😉

1. Giao diện người dùng mới

Tôi yêu giao diện người dùng mới. Nó không chỉ được tổ chức theo cách có phương pháp, hay có lợi cho admin và lập trình viên, mà còn cho cả người dùng thông thường nữa (regular users). Và điều tốt nhất là…tất cả các cài đặt đều có tài liệu hướng dẫn chi tiết chỉ với một click. Có phải bạn (hoặc khách hàng của bạn) không biết làm điều đấy như thế nào? Bạn giờ có thể click vào liên kết để xem nó có giúp bạn được không. Không còn chuyện bật các tính năng một cách mò mẫm hoặc làm trang web của bạn gặp vấn đề mà không biết nguyên nhân của nó là gì.

Tôi là người cuồng tín về UI vì tôi tin rằng UI nói cho chúng ta biết cách để gắn kết với thế giới quanh mình. Giao diện người dùng của LiteSpeed sắp xếp mọi thứ gọn gàng dưới các nhãn hợp lý và theo cách thức có ý nghĩa. Bạn biết nơi cần tìm chức năng nào đó mà không cần phải đoán hoặc cố nhớ vị trí của chúng trên bảng cài đặt (setting panels).

Một plugin cache khác có giao diện người dùng tốt nhất trong một thời gian dài là WP Rocket. Cả giao diện người dùng và tài liệu hướng dẫn của họ đều tuyệt vời. Chỉ có điều là…LSC đã làm thêm cả trăm thứ! LSC giống như thời kỳ thịnh vượng của W3TC và ý của tôi là theo cách thức tích cực. Nó là plugin dành cho nhà phát triển (developer-grade) siêu mạnh có hàng ngàn tính năng mà hầu như mọi người không sử dụng đến. Phần khó khăn là ngăn các tính năng dành cho nhà phát triển áp đảo các tính năng dành cho người dùng mới, và về vấn đề đó, tôi nghĩ là LSC đã làm tốt công việc của họ.

2. Cache Gravatar

Tôi đã yêu cầu điều này. Giờ tôi đã nhận được nó. Tôi thích tính năng này lắm! Đa số các website thấy không cần cache Gravatar vì hầu hết các trang không có nhiều bình luận nhưng một số website của tôi thì lại cần. Và Gravatar có thể làm chậm trang khi bạn có hàng trăm bình luận trên mỗi bài viết.

Tôi yêu thích tính năng này như vậy vì chúng có thể phục vụ cho các website chuyên nghiệp rất lớn. Tôi đã than thở rất nhiều rằng các plugin cache chỉ phục vụ các tính năng cho người mới và những thứ mà người mới thực hiện có thể vô tình phá hỏng tốc độ trang của họ. Khổ nỗi, tôi chẳng phải là người mới. Tôi phải chịu đựng các vấn đề khác nhau đây này!

3. Tối ưu hóa ảnh giữ chỗ chất lượng thấp

Tôi không cần tính năng này. Tôi không sử dụng nó. Và nhiều người cũng không cần nó. Nhưng bạn phải thừa nhận là LQIP thực sự thú vị (cool) và là xu hướng phổ biến trên một số website lớn (chẳng hạn như website Medium).

Điều mà LQIP làm là tải phiên bản ảnh chất lượng thấp được làm mờ (blurry), vì thế mà website của bạn tải toàn bộ trang rất nhanh và trông không giống như bị trống/mất ảnh khi người dùng cuộn chuột đến. Sau đó, khi ảnh chất lượng cao đã sẵn sàng, nó không làm mất tập trung hoặc xuất hiện đột ngột chút nào. Nó đem lại cảm giác là mọi thứ tải nhanh chóng và bạn hầu như không để ý thấy sự chuyển đổi từ LQIP sang ảnh chất lượng cao.

Về cơ bản, điều đó đem lại lợi ích cho cả hai. Bạn có được lợi thế tốc độ cao của hiệu ứng lazy load mà KHÔNG bị nhược điểm của ảnh tải chậm. Điều đó có đồng nghĩa với chuyện LQIP được khuyến khích dùng cho tất cả mọi người? Không! Nhưng bạn có thể kiểm tra và tự đánh giá xem nó có hợp với website của bạn không.

4. Cache HTML tại CDN

Nhờ kiểu tích hợp mới với dịch vụ QUIC.cloud của LiteSpeed (đây là CDN đa ứng dụng của riêng họ), bạn giờ có thể cache trang HTML ở cấp độ CDN. Điều này là đột phá (groundbreaking) vì nhiều lý do.

Đầu tiên…caching trang HTML của bạn ở cấp độ CDN làm tăng hiệu suất bởi vì điều đó có nghĩa là gần như toàn bộ trang của bạn được phục vụ từ các máy chủ CDN. Bình thường, các CDN truyền thống chỉ copy và phục vụ các tài nguyên tĩnh của bạn từ các máy chủ phân tán của họ. Đó là ảnh, CSS, JS, font và các file tĩnh khác. Họ không bao giờ có khả năng thực sự cache trang HTML. Chắc chắn…một số người đã cố gắng triển khải page caching thông qua một số mẹo mực (hacks) với Cloudflare page rule nhưng đây thường là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề rắc rối.

Thực tế là QUIC.cloud giờ đã tự cache trang HTML của bạn ở cấp độ CDN làm cho chúng được caching CDN ngay ở phần HTML (theo như tôi biết). Phải nói là kinh ngạc! Toàn bộ website của bạn (HTML, CSS, JS, ẢNH, FONTS, vân vân) tất cả được tải thông qua CDN. Chẳng có bất cứ tài nguyên nào phải lấy từ máy chủ gốc của bạn cả.

Điều quan trọng tiếp theo, cách mà LiteSpeed tạo cache đã khiến họ thành người thay đổi cuộc chơi (game-changer): cache được tạo từ máy chủ CDN của LiteSpeed. Tại sao điều này lại được xem là chơi lớn? Đó là vì giờ bạn có thể hưởng lợi ích từ caching của LiteSpeed ngay cả khi máy chủ của bạn không-sử-dụng-LiteSpeed! Chuẩn không cần chỉnh luôn ạ…tất cả các máy chủ siêu chậm giờ có thể nhận được lợi ích từ cache của LiteSpeed. Chẳng phải khóc lóc than phiền chuyện máy chủ của bạn bị giới hạn tài nguyên nữa. LiteSpeed giúp bạn không còn phải lo lắng về chuyện host gốc của bạn xịn xò hay là lởm khởm.

“Ừ, thế có nghĩa là giờ tất cả máy chủ nên cache HTML từ CDN? Với tôi, câu trả lời là KHÔNG.”

Vì nếu bạn có máy chủ mạnh và/hoặc đã có máy chủ LiteSpeed (và tôi giả định bạn có lượng tài nguyên đủ dùng), thì có thể tốt hơn khi vẫn để máy chủ của riêng bạn đảm nhận vai trò tạo cache. Đặc biệt nếu máy chủ gốc của bạn ở gần với khách hàng hơn so với các máy chủ phân tán của QUIC.cloud.

Những ai vẫn còn băn khoăn không biết có nên tích hợp tính năng này vào hay không, chuyện này đơn giản thôi…bạn cứ tự kiểm tra là sẽ biết có nên dùng hay không. Nếu trang web của bạn có lưu lượng truy cập lớn, trang của bạn có thể nhanh hơn! Nếu trang web của bạn có lưu lượng truy cập thấp, bạn có thể thấy trang chậm hơn. Nhưng vì máy chủ, website và lưu lượng truy cập của mọi người đều khác nhau, nên bạn hãy kiểm tra và tự rút ra kết luận cho riêng mình!

5. Tích hợp QUIC.cloud

Đây là tính năng tuyệt vời nhất mà bộ giải pháp của LiteSpeed caching đem đến. Tích hợp với dịch vụ đám mây với đầy đủ tính năng như:

  • Cache HTML động – caching toàn trang ở cấp độ CDN (rất ít nơi có khả năng làm được, ngoài QUIC tôi chỉ biết có Cloudflare APO làm được).
  • Tối ưu hóa ảnh – nén ảnh & tạo ảnh LQIP.
  • QUIC & giao thức HTTP/3 – giao thức truyền HTTP nhanh hơn (mọi người hiện vẫn sử dụng HTTP/2).
  • Bảo vệ CDN – bảo vệ trang của bạn chống lại kiểu tấn công vét cạn (brute-force attacks), cũng như có recaptcha để ngăn ngừa tấn công tái diễn (repeat offenders).
  • Tối ưu hóa critical CSS – LSC tạo critical CSS cho bạn.
  • Nội dung tĩnh – cũng có các chức năng như CDN truyền thống để caching và phục vụ nội dung tĩnh, chẳng hạn ảnh, CSS, JS, fonts và các file tĩnh khác.

Điều tuyệt vời là QUIC.cloud hoàn toàn miễn phí! Các tính năng CDN, plugin LiteSpeed Cache hoàn toàn miễn phí. Nén ảnh và bảo vệ cấp độ CDN của họ cũng miễn phí nốt. Tạo critical CSS. Sử dụng HTTP/3 nhanh nhất. Có cả LQIP…không có ai làm được như họ! TẤT CẢ ĐỀU MIỄN PHÍ! Điều này thực sự kỳ lạ…LiteSpeed trở thành Google mới trong thế giới cache…nơi bạn nhận được nhiều dịch vụ chất lượng hàng đầu và tất cả đều miễn phí (nhờ vậy dễ dàng đánh bại mọi đối thủ).

Liệu tôi có nên khuyên bạn sử dụng QUIC.cloud thay vì Cloudflare? Cái này khó nói lắm, bởi vì Cloudflare đã dạn dày kinh nghiệm (mature) trong lĩnh vực này cũng như đã xây dựng được bộ giải pháp toàn diện cho các khách hàng cao cấp- ít nhất là trong một thập niên vừa qua. Trong khi QUIC.cloud còn khá mới trong lĩnh vực này (mới như “ngày hôm qua” vậy), nhưng đây là những gì mà tôi thấy:

  • Cloudflare có nhiều máy chủ trên toàn cầu hơn, họ xây dựng được DNS có hiệu suất, tốc độ tốt hơn và bộ định tuyến DNS thông minh, có các page rule đầy sức mạnh, và lợi thế trong các ứng dụng của Cloudflare.
  • QUIC.cloud có ít máy chủ hơn nhưng sẽ phát triển nhanh chóng, có thể cache trang động và đặt tại CDN của họ (trong khi Cloudflare không làm được [giờ thì họ đã làm được với APO, nhưng với giá 5$ / tháng]), và có nhiều tính năng ngách (niche features) tuyệt vời dành riêng cho WordPress.

Nói một cách đơn giản. Cloudflare được xây dựng cho tất cả các kiểu website. Trong khi QUIC.cloud phục vụ tốt nhất cho WordPress. Tôi thực sự cảm thấy phấn khích khi nghĩ về tương lai. Bạn biết nó là gì không? Cứ đợi xem điều gì sẽ xảy ra, tôi nghĩ rằng tôi sẽ nói với đội của LiteSpeed là họ vẫn đang ở “vị trí số hai”. Nhưng bạn và tôi, chúng ta đều biết thời khắc đã đến rồi.

6. Liên tục cập nhật

Tôi không nghĩ là có bất kỳ công ty nào đưa ra các bản cập nhật nhanh hơn LiteSpeed Cache. Các tính năng mới, tinh chỉnh, và sửa lỗi xuất hiện chỉ sau có vài ngày. Chẳng có gì bất ngờ khi họ là người quản trị các máy chủ hiệu suất cao cho các website lớn trên toàn thế giới.

Nhưng LiteSpeed đã thực hiện điều đó ở cấp độ hoàn toàn mới. Với các plugin WordPress khác (không chỉ plugin cache) cập nhật ít hơn nhiều và bạn thường tự hỏi không biết nó vẫn còn tương thích hay không. Với LiteSpeed, bạn cảm thấy đây là ưu tiên cốt lõi của họ và đây không phải là một nguồn doanh thu phụ (side-revenue stream).

7. LiteSpeed Cache MIỄN PHÍ!

Vâng, plugin này rất tuyệt và hiện nó vẫn MIẾN PHÍ. Miễn phí có nghĩa là 0 đồng. Điều này thật điên rồ. Tôi tự hỏi ai là người đã nghĩ ra ý tưởng quái quỷ này trong phòng họp. Chúng ta thường không thấy các công ty lập trình lớn tặng các sản phẩm đầy đủ chức năng. Trong trường hợp của LiteSpeed, chắc chắn họ sẽ thu tiền nếu bạn sử dụng LiteSpeed Enterprise, nhưng họ cũng có máy chủ OpenLiteSpeed hoàn toàn miễn phí nữa!

LiteSpeed và tương lai của caching

LSC sẽ loại bỏ tất cả các plugin cache khác đúng không?

Bạn đừng hiểu lầm ý của tôi (don’t get me wrong). Tôi vẫn thích và đang dùng plugin Swift Performance. Tôi cũng thích WP Rocket nữa. Tôi luôn liên lạc với các lập trình viên từ nhiều công ty và thật khó khăn về mặt cảm xúc để trao vương miện cho ai giữa những người bạn đáng yêu đó.

Nhưng bạn không cần lo lắng, sợ hãi làm gì…đây là top 3 plugin cache tốt nhất và họ luôn phấn đấu tốt hơn theo thời gian. Họ vẫn phù hợp với các yêu cầu rất cụ thể và không thành vấn đề bạn chọn sản phẩm nào, bạn sẽ không mắc sai lầm đâu.

LiteSpeed Cache là caching cấp độ doanh nghiệp (enterprise-grade) đúng nghĩa

Nó thực sự phù hợp với các website chuyên nghiệp có lưu lượng truy cập cao.

  • Liệu nó có thể tăng tốc các website có mã cồng kềnh (bloated crappy-code)? Chắc chắn rồi!
  • Liệu nó có thể tạo ra phép màu với máy chủ chậm? Có nhé!
  • Liệu đó có đáng tin cậy và đầy đủ chức năng? Có nốt bạn ạ!

Dưới quan điểm cá nhân (IMO), tôi thấy nó thực sự xuất sắc trong việc kết hợp với các trang có lưu lượng truy cập lớn. Nếu trang web của bạn được xây dựng chuyên nghiệp, với mã gọn gàng và mọi thứ được thực hiện bởi những người có chuyên môn, biết bản thân họ đang làm điều gì…nếu máy chủ của bạn thuộc nhóm đầu và có hiệu suất cao…và bạn có nhiều trang cũng như lưu lượng truy cập lớn? LiteSpeed là lựa chọn phù hợp nhất (first answer). Họ đang ở vị trí cao nhất về khía cạnh kết hợp hiệu suất caching phía máy chủ và tối ưu hóa các tính năng mà họ có. Không ai làm tốt hơn họ. Thực sự là siêu phẩm (real deal). LiteSpeed đã chủ động nhắm đến các website cấp độ doanh nghiệp (lưu lượng truy cập lớn) ngay từ những ngày đầu.

Tất cả plugin khác thì sao (cấp độ tiêu dùng / consumer-grade)?

  • Liệu cách plugin cache cấp độ php khác như Swift Performance và WP Rocket có thể xử lý được với website có hàng triệu lượt truy cập không? Chắc chắn rồi!
  • Nhưng liệu chúng có thể xử lý hiệu quả như LiteSpeed? Không.
  • Liệu chúng có các tính năng cấp độ máy chủ như LiteSpeed? Không.
  • Và điều đó cũng tốt thôi vì chúng được xây dựng cho những chủ trang đang cảm thấy ngột ngạt với trang web cồng kềnh và các gói hosting yếu kém. Chiến thuật của họ khác nhau.

LiteSpeed Cache ngay từ ban đầu được xây dựng cho các máy chủ có hiệu suất cao. Và LiteSpeed được xây dựng để giúp các máy chủ có thể xử lý được website có lưu lượng truy cập cao (cải thiện tính hiệu quả). Vì thế nó có nhiều tính năng thân thiện với người quản trị và lập trình viên.

Swift và Rocket đến từ mảnh đất khác. Họ không đến từ kỷ nguyên máy chủ. Họ đến từ thời đại của WordPress và các website nặng nề đi kèm các theme được viết mã tào lao (crappy-coded themes) và quá nhiều plugin. Họ không thực hiện tối ưu hóa hoặc tương tác trang với máy chủ. Điều họ làm để tăng tốc trang web là giảm thiểu các đoạn mã dài dòng, lộn xộn. CSS hoặc JS cồng kềnh? Font Awesome tải chậm hoặc nhiều lời gọi bên ngoài? Các ảnh lớn chậm phản hồi? Hãy cache nó hoặc vô hiệu hóa nó. Tập trung chủ yếu là vô hiệu hóa mọi thứ.

Điều thậm chí còn tệ hơn là, các plugin cache cấp độ tiêu dùng giúp bạn cải thiện tốc độ bằng cách sử dụng nhiều tài nguyên máy chủ hơn! Họ sử dụng các tính năng như xây dựng trước cache (cache-prebuild) hoặc các thứ khác sử dụng nhiều tài nguyên máy chủ. Cho dù họ thực hiện điều này một cách khá khéo léo, nhưng nó vẫn chống lại các nguyên tắc cốt lõi của việc quản trị máy chủ một cách hài hòa (harmonious). Để tăng tốc một thứ gì đó nhưng lại phải sử dụng nhiều tài nguyên hơn là một nghịch lý (oxymoron)!

Plugin phục vụ cho người tiêu dùng giá rẻ trên các máy chủ dạng sharehost có xu hướng sử dụng nhiều tài nguyên hơn (họ không có cách nào khác để tăng tốc máy chủ chậm). Plugin phục vụ cho phân khúc khách hàng cao cấp với máy chủ riêng có xu hướng sử dụng ít tài nguyên hơn (giữ lại được tài nguyên họ đang có)- đây mới là lựa chọn hợp lý và chuyên nghiệp nhất.

QUIC.cloud của LiteSpeed mở đường cho xu hướng tương lai

  • Họ là một trong những người đầu tiên (?) tạo ra máy chủ web hiệu suất cao tương thích với Apache hơn 15 năm trước.
  • Là người đầu tiên tạo ra plugin caching WordPress độc quyền cho riêng họ gần 5 năm trước đây (trong khi NGINX ai cũng nghe tiếng và có phần phô trương vẫn chưa tạo được cái nào cả.)
  • Và giờ LiteSpeed một lần nữa là người đầu tiên vượt lên trên các rắc rối liên quan đến hiệu suất máy chủ bằng cách caching thông qua cloud.

Trong khi các công ty lớn với túi tiền không đáy đã thất bại thì LiteSpeed một lần nữa là kẻ giữ ngôi vương (reigned supreme) trong khả năng giải quyết rắc rối cho mọi người…dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, chuyên viên lập trình hay chỉ là dạng hẵn còn non và xanh lắm (total newbies). Nếu bạn muốn có được hiệu suất tốt nhất cho website, hãy thử tự tìm hiểu hệ sinh thái (ecosystem) của LiteSpeed theo bất cứ cách nào mà bạn có thể.

Bạn tự kiểm tra nhé (chúng đều MIỄN PHÍ, hoặc có gói miễn phí):

Lưu ý: bạn vẫn sử dụng được các plugin cache khác trên nền máy chủ LiteSpeed, và tương tự như vậy, dùng được QUIC.cloud trên các máy-chủ-không-phải-LiteSpeed.

(Dịch từ bài viết: Why LiteSpeed Cache version 3.0 is the #1 cache plugin for me, tác giả: Johnny Nguyen, người dịch: Nguyễn Đức Anh)

Comments are closed.

Back to Top