Categories SEO

Liên kết nội bộ hay Internal link là gì, có khó làm không?

liên kết nội bộ giúp cải thiện SEO rất tốt

Vài lời của người dịch: liên kết nội bộ là các liên kết giữa các trang trong cùng website, đây là một trong những biện pháp SEO onpage hiệu quả nhất, đặc biệt với những ai có khiếu viết. Để hiệu quả bạn cần phân cấp chủ đề lớn muốn SEO thành các chủ để nhỏ hơn rồi viết các bài viết với sự lựa chọn từ khóa cũng như tiêu đề khéo léo là bạn thành công được 50% rồi.

Tiếp đó bạn cần thực hiện liên kết các trang có liên quan với nhau với văn bản neo phù hợp và vị trí thích hợp (thường là càng sớm càng tốt trong bài viết). Website có nhiều trang, kể cả hay mà không liên kết với nhau thì rất khó có thứ hạng tốt, cái này còn rất tiêu cực ở khía cạnh là người dùng không thể biết được các bài viết khác trên trang của bạn. Hãy cảm tưởng chuyện này giống như việc mọi người trong một gia đình nhưng không ai giao tiếp với ai vậy (kinh khủng đúng không!).

Bài viết bên dưới đây về cơ bản sử dụng công cụ SEO rất mạnh là Ahrefs để tối ưu liên kết nội bộ, tất nhiên đây không phải là công cụ dễ tiếp cận với nhiều người vì nó đắt tiền. Nhưng bạn đừng lo lắng, với đa số website, bạn có hàng loạt các công cụ miễn phí đủ dùng để thực hiện triển khai internal link mà không phải sợ là mình bỏ sót điều gì nghiêm trọng. Trong bài viết tôi sẽ bổ sung các công cụ thay thế Ahrefs để các bạn tiện dùng, bản thân tôi lúc có chút tài chính mới dám dùng Ahrefs, còn đa số vẫn dùng các công cụ miễn phí này.

Các sai lầm lớn nhất khi thực hiện liên kết nội bộ đó là:

  1. Các liên kết nội bộ từ các trang có chất lượng cao đến các trang có chất lượng thấp hơn đáng kể. Làm ngược lại ít ảnh hưởng hơn nhưng cũng không phải là điều được khuyến khích. Do vậy để có được liên kết nội bộ đủ tốt, bạn cần có chuỗi bài viết chất lượng đạt đến ngưỡng nhất định.
  2. Sử dụng các văn bản neo không thích hợp. Đây chính là văn bản của liên kết, không thích hợp bao gồm: (1) chỉ sử dụng một văn bản neo duy nhất, dạng từ khóa để liên kết trong hết bài này đến bài khác, Google không coi trọng điều này, và thậm chí dễ đặt nghi vấn spam, hãy để văn bản neo được đa dạng và tự nhiên, (2) Văn bản neo nghèo nàn, không có tính mô tả, kiểu như “đọc bài này”, “xem ở đây”. Văn bản neo nghèo nàn như vậy không có tác dụng hỗ trợ phân tích ngữ nghĩa cho chủ đề.
  3. Sai vị trí của liên kết. Ví dụ ở đoạn thứ hai bạn nói về chủ đề có văn bản neo mà bạn liên kết được, nhưng phải đến đoạn thứ tư khi lặp lại văn bản neo đó bạn mới bổ sung liên kết. Dù không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp, văn bản neo cần xuất hiện càng sớm càng tốt trong bối cảnh thích hợp. Liên kết nội bộ càng ở cao, nó càng được coi trọng hơn.
  4. Sử dụng liên kết nội bộ dày đặc. Cho dù bạn là thiên tài viết lách, với khả năng viết cả 100 bài mô tả các khía cạnh khác nhau về một chủ đề lớn thì việc với mỗi bài nhỏ bạn liên kết nội bộ đến 99 bài khác thường là cái gì đó quá sức bất thường. Lý do là vì việc liên kết như vậy thực tế là không tự nhiên. Không có quy tắc cứng ở đây, nhưng bạn cần viết và liên kết với trọng tâm đặt vào người đọc. Thích hợp, có ích thì thêm, không thì đừng cố đấm ăn xôi.
  5. Sử dụng màu sắc, thiết kế bất thường cho liên kết. Bạn biết một chút về CSS, bạn tự tin vào thiết kế của mình, và bạn thiết kế dạng liên kết trông lạ hoắc với người dùng, thậm chí bạn còn bổ sung icon nho nhỏ vào nữa! Tôi cần phải nói một thực tế là người dùng đã quá quen thuộc với liên kết có dạng màu xanh và không có thiết kế đặc biệt nào thêm vào cả. Bất cứ sự thay đổi nào có nguy cơ gây hại lớn đến khả năng liên kết được click (và do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến lượt view cũng như SEO). Nếu bạn muốn sáng tạo thiết kế, hãy dồn nó vào ảnh minh họa, chân tình đấy!
  6. Bật liên kết nội bộ ở tab mới có thể là con dao 2 lưỡi. Nhìn chung nên để liên kết truy cập tiếp trong cùng tab thì sẽ tốt hơn là mở liên kết nội bộ trong tab mới. Lý do cho điều này là trên di động việc bật tab mới gây chậm đáng kể so với máy bàn (trong khi lưu lượng truy cập website thông qua di động ngày càng áp đảo so với máy bàn). Ngoài ra, đôi khi tôi nhận thấy một số trình duyệt chặn hỏi việc bật tab mới vì lý do an toàn. Tổng hợp cả hai vấn đề trên thì trừ khi bạn chắc chắn về việc mở tab mới cho liên kết nội bộ, còn không chiến lược tốt hơn là truy cập tiếp trên cùng tab.
  7. Thiếu cái nhìn trọng tâm vào mục đích chính của liên kết nội bộ. Mặc dù liên kết nội bộ có hàng loạt các tác dụng kỹ thuật dưới góc nhìn SEO thuần túy như giúp máy tìm kiếm phát hiện chủ để, đánh giá nội dung tốt hơn, cũng như giúp các bài mới ra được lập chỉ mục nhanh hơn, thì người quản trị web cần phải ghi nhớ rằng, đối với người đọc thì liên kết nội bộ dùng để tiếp tục khám phá các nội dung khác trên trang mà họ có thể tò mò muốn đọc / xem tiếp. Với ý thức liên tục về mục đích chính của liên kết nội bộ, bạn sẽ tránh rơi vào bẫy của việc liên kết chỉ vì yếu tố kỹ thuật.

OK, giờ là lúc vào việc!


Bạn hỏi tôi liên kết nội bộ (internal link) nghĩa là gì?

Câu trả lời nhanh: chúng là liên kết từ trang A đến trang B, và cả hai trang A cũng như B đều thuộc về cùng một tên miền.

Mọi website đều có liên kết nội bộ. Nhưng cái mà hầu hết mọi người không nhận ra là – khi được sử dụng một cách có chiến lược (strategically) – các liên kết nội bộ có thể thúc đẩy đáng kể vị trí của trang trên máy tìm kiếm. Nó là một kỹ năng quan cần rèn rũa nếu bạn muốn viết bài chuẩn SEO.

Trong một nghiên cứu trường hợp (case study), Ninja Outreach giải thích cách họ sử dụng internal link như thế nào để giúp tăng lưu lượng truy cập tự nhiên (organic traffic) lên 40% – thống kê dựa vào ước tính lưu lượng truy cập tự nhiên của Ahrefs (một công cụ SEO thương mại) cho tên miền ninjaoutreach.com:

khi Ninja Outreach thực hiện liên kết nội bộ
Lưu lượng truy cập tăng trưởng cho trang ninjaoutreach.com trong giai đoạn họ thực hiện liên kết nội bộ trên trang của họ

Trong bài viết này, bạn sẽ biết vì sao internal link lại đóng vai trò quan trọng trong thành công SEO và làm thế nào để thực hện được chiến lược liên kết nội bộ thông minh cho website của bạn.

Nhưng đấy không phải là tất cả, tôi cũng sẽ chỉ cho bạn thấy cách để:

  1. Sửa các liên kết nội bộ bị gãy
  2. Sửa các liên kết nội bộ chuyển hướng
  3. Loại bỏ các liên kết nội bộ tới các trang không quan trọng
  4. Sửa các trang quan trọng có liên kết bị chìm sâu
  5. Giải quyết vấn đề trang mồ côi (orphan page, ý chỉ các trang không được bất cứ trang nào liên kết đến)

OK, trước hết chúng ta sẽ đi vào phần cơ bản trước.


Bạn có thể xem video hoặc đọc bài viết chi tiết hơn ngay bên dưới


Tại sao internal link lại quan trọng trong SEO

Google sử dụng các liên kết nội bộ để giúp nó phát hiện ra các nội dung mới.

Giả dụ bạn vừa xuất bản một bài đăng mới, và quên không liên kết đến nó từ bất kỳ trang nào khác trên trang của bạn. Nếu giả sử là trang đó không có trong sitemap của bạn nữa, và nó không có bất kỳ backlink nào, thế thì Google không biết rằng trang mới đó có tồn tại. Và đó là lý do vì sao bọ quét của Google không thể tìm thấy nó.

Còn dưới đây là điều Google nói:

Google phải liên tục tìm kiếm các trang mới và bổ sung chúng vào danh sách các trang đã biết. Một số đã được biết trước vì Google đã quét (crawled) chúng trước đấy. Một số trang khác được khám phá ra là khi Google đi theo một liên kết từ một trang đã biết đến một trang mới.

Trang mà không có liên kết nội bộ nào trỏ tới nó còn được biết với tên trang mồ côi – chúng ta sẽ nói kỹ hơn ở phần sau.

Internal link cũng hỗ trợ cho dòng chảy PageRank quanh trang web. Đây là một vấn đề lớn. Nói chung thì một trang có càng nhiều liên kết nội bộ, PageRank của nó càng cao. Tuy nhiên, câu chuyện này không chỉ là về số lượng mà thôi; chất lượng của liên kết cũng đóng vai trò quan trọng.

Dưới đây là cái nhìn mô phỏng đơn giản cách mà PageRank làm việc:

cách PageRank làm việc
Trang D có PageRank cao hơn trang E nhờ chất lượng link trỏ đến, vì trang trỏ tới trang D là trang A có PageRank cao hơn trang B – là trang trỏ tới trang E….Trang C có PageRank cao hơn trang D nhờ số lượng link trỏ đến, để ý sẽ thấy trang C có hai trang trỏ đến là A và B, trong khi trang D chỉ có một trang trỏ đến, đấy là trang A

Lưu ý về PageRank: Google không công khai chỉ số PageRank kể từ năm 2016. Tuy nhiên PageRank vẫn đóng vai trò cốt lõi trong thuật toán xếp hạng của họ. Chúng tôi biết điều này bởi vì chính Google đã nói như vậy. Bạn có thể tìm hiểu cách tính PageRank ở bài viết này.

Đây có thể là một phần lý do Google tuyên bố như sau:

Số lượng liên kết nội bộ trỏ đến một trang là tín hiệu cho máy tìm kiếm biết về mức độ quan trọng tương đối của trang đó (*).

(*) Nếu bạn muốn biết cách máy tìm kiếm đánh giá các liên kết (cả nội bộ, lẫn trỏ ra bên ngoài) thì hãy thảm khảo bài này.

Google cũng nhìn vào văn bản neo của liên kết nội bộ để hiểu rõ hơn bối cảnh, thông tin này đã được xác nhận bởi John Mueller.

John SEO

Tạm dịch: 

Lino: John, liệu Google có để ý đến văn bản neo trong các liên kết nội bộ hay không?

John: Hầu hết các liên kết đều cung cấp một chút bối cảnh bổ sung thông qua văn bản neo của chúng. Ít nhất chúng phải như vậy chứ, đúng không?

Nói cách khác, giả dụ bạn có một trang nói về cây thiết mộc lan. Bạn có nhiều internal link trỏ tới trang đó với văn bản neo như thiết mộc lan, cây thiết mộc lan, và mua cây thiết mộc lan. Tất cả những cái đó giúp Google hiểu được trang này:

  1. Nó nói về cây thiết mộc lan, và do đó:
  2. Có thể nó xứng đáng được xếp hạng cao cho từ khóa cây thiết mộc lan và các thuật ngữ liên quan khác.

Bạn có để ý là tôi bôi đậm chữ “có thể” ở trên?

Chỉ vì trang của bạn nói về một chủ đề nào đó, không có nghĩa là nó xứng đáng được xếp hạng cao cho các từ khóa liên quan.

Lưu ý: Google cũng tuyên bố rằng cấu trúc liên kết nội bộ có thể ảnh hưởng đến sitelinks (các liên kết nội bộ xuất hiện bên dưới kết quả tìm kiếm). Điều này không phải là vấn đề lớn, nhưng dù sao vẫn là cái cần ghi nhớ.

ví dụ về sitelinks
Các liên kết nội bộ xuất hiện dưới một kết quả tìm kiếm

Giờ, ở thời điểm này, bạn có thể nghĩ là “nếu tôi muốn thăng hạng cho trang với từ khóa cây thiết mộc lan, tôi có lẽ chỉ cần bổ sung càng nhiều liên kết nội bộ càng tốt tới trang đó với văn bản neo tương ứng là cây thiết mộc lan, như vậy có đúng không?”

Ý tưởng đó không hẳn là sai hoàn toàn nhưng nếu bạn làm như vậy, nó có thể dẫn đến các internal link không tự nhiên và chất lượng thấp.

Bạn cần suy nghĩ thông minh hơn, và điều đó bắt đầu với cấu trúc trang web sơ khai của bạn.


Làm thế nào để thiết lập cấu trúc liên kết nội bộ lý tưởng

Tưởng tượng website của bạn như một kim tự tháp với nội dung quan trọng nhất ở trên đỉnh và nội dung ít quan trọng hơn thì ở dưới đáy.

Hầu hết các website có cùng một trang ở đỉnh kim tự tháp – là trang chủ của họ. Dưới đó, họ có các trang quan trọng tiếp theo như trang – về chúng tôi, dịch vụ, sản phẩm, blog, vân vân. Bên dưới các trang đó nữa, họ có các trang kém quan trọng hơn một chút – các trang sản phẩm riêng lẻ và trang dịch vụ, bài post, vân vân.

Nhưng bạn không phải liên kết tất cả các trang ở cấp độ nào đó của hệ thống cấp bậc tới tất cả các trang ở cấp bậc khác.

Điều bạn cần ghi nhớ trong đầu là sự liên quan.


Nghệ thuật của Siloing

Siloing là một nhóm các trang web có liên quan về chủ đề thông qua các liên kết nội bộ.

Lấy ví dụ, giả sử chúng ta có một website về các quốc gia và thành phố với các trang như sau:

trang web giả thuyết
Bạn có thể dễ dàng nhận ra Pháp và Anh cùng những thành phố khá nổi tiếng của hai quốc gia này

Bạn có thể nói rằng từng trang có thể được phân loại vào một trong hai nhóm riêng biệt:

  • Các trang về quốc gia
  • Các trang về thành phố trong các quốc gia đó

Vì thế đây có thể là cách bạn “silo/phân loại” những trang này:

silo liên kết nội bộ

Điều này có ý nghĩa gì?

Mỗi trang quốc gia đóng vai trò như một “hub / ổ / cổng kết nối chung” và liên kết đến các trang con về các thành phố liên quan (và ngược lại). Điều này tạo ra một cụm chủ đề (topic cluster) – một nhóm các trang liên kết nội bộ với nhau có liên quan chặt chẽ (closely-related) đến cùng một chủ đề.

Ba lợi ích của nó là:

  • Người dùng sẽ dễ dàng điều hướng hơn trên website của bạn (nôm na là họ sẽ đến nơi họ muốn đến dễ dàng hơn)
  • Bọ quét của các máy tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn trong việc hiểu được cấu trúc trang của bạn
  • Có nhiều “thẩm quyền” được chuyển cho các trang quan trọng nhất của bạn (bởi vì các trang con cũng liên kết ngược đến trang hub và ngược lại)

Nhưng có một lợi ích khác, thường bị bỏ qua – cấu trúc này có thể giúp máy tìm kiếm hiểu được bối cảnh của nội dung tốt hơn.

Giả dụ tôi có một trang như sau: domain.com/squash

Liệu trang này nói về quả bí đao hay cũng có thể môn thể thao bóng quần? Ai mà biết được chứ?

P/S: trong tiếng Anh từ squash có hai nghĩa, nó có thể là quả bí đao hoặc môn bóng quần.

Giờ nếu tôi cho bạn thấy trang này là một phần của silo dưới đây:

silo giúp máy tìm kiếm hiểu bối cảnh nội dung
Cách nội dung Silo và liên kết nội bộ giúp máy tìm kiếm hiểu được nội dung

Giờ thì bạn nghĩ thế nào, bài viết này là về cái gì? Quá rõ ràng rồi phải không? (để hiểu rõ hơn vụ từ đồng âm khác nghĩa này, có thể bạn sẽ thích đọc bài từ khóa LSI trỏ đến các bộ từ khóa thường được liên kết đến khái niệm)

Một lợi thế khác cũng hay bị bỏ qua của cấu trúc silo là – vì bạn liên kết đến và từ các trang có chủ đề liên quan – cho nên có hàng tá các cơ hội để cho bạn sử dụng văn bản neo liên quan.

Lấy ví dụ, sẽ rất có ý nghĩa khi liên kết từ trang về hoa quả và rau xanh đến trang về quả bí đao với “bí đao” là văn bản neo.

Bạn không cần phải gượng ép liên kết đó tới một trang không liên quan như chúng ta đã thấy trước đó.


Làm thế nào để kiểm tra các vấn đề liên quan đến liên kết nội bộ

Mọi thứ ở trên đều có ý nghĩa, nhưng trừ khi bạn bắt đầu một trang ngay từ đầu với sự cẩn trọng cao, còn không thì mọi thứ thường không được sắp xếp như ý bạn muốn đâu.

Đó là lý do vì sao chúng ta phải kiểm tra các liên kết nội bộ đã tồn tại trước đó trước khi thêm chúng vào trang web của bạn.

Điều này không khó như bạn nghĩ đâu. Bước đầu tiên là quét trang của bạn trong Ahrefs Site Audit tool.

Video bên dưới chỉ cách làm thế nào:

Lưu ý: Có một số cách khác có thể được thực hiện để xử lý các vấn đề nêu bên dưới mà không cần phải quét trang web của bạn. Tôi sẽ đề cập đến chúng song song trong bài viết này. Dù vậy nếu bạn là người dùng của Ahrefs, tôi khuyến khích bạn quét để đảm bảo rằng bạn có dữ liệu tươi mới nhất để làm nhiệm vụ.

Một khi quá trình quét được thực hiện xong, hãy kiểm tra năm vấn đề sau:


1. Liên kết nội bộ bị gãy

Site Audit > Internal pages > 4XX page

các liên kết nội bộ bị gãy

Báo cáo này sẽ cho bạn biết tất cả internal link bị gãy trên trang của bạn.

Liên kết gãy là không tốt vì chúng làm phí phạm “link equity” và làm nghèo nàn trải nghiệm người dùng.

Tôi khuyên bạn sử dụng cột sắp xếp “No. of inlinks / số lượng liên kết nội bộ” để sắp xếp từ cao xuống thấp nhằm ưu tiên các trang có nhiều liên kết nội bộ trỏ tới chúng.

các trang bị lỗi 404 có nhiều liên kết nội bộ trỏ tới

Dưới đây là một số cách để giải quyết vấn đề này:

  1. Phục hồi các trang gãy với cùng URL như cũ (nếu việc bị xóa là do sơ sót). Hoặc
  2. Chuyển hưởng liên kết gãy tới URL khác liên quan. Cập nhật và loại bỏ tất cả các internal link trỏ đến nó.

Nếu bạn chọn giải pháp số #2, bạn có thể nhìn thấy tất cả các trang trỏ đến liên kết gãy bằng cách nhấn vào số đại diện bên trong cột “No. of inlinks”.

tìm các liên kết trỏ tới

Nó sẽ nói cho bạn biết các trang đang trỏ tới cũng như văn bản neo của nó là gì, điều sẽ giúp bạn dễ tìm và loại bỏ/cập nhật các internal link hơn.

Công cụ thay thế:

Nếu bạn không có Ahrefs thì có thể đọc bài viết sau để xem hướng dẫn tìm liên kết gãy.

MẸO

Bạn không có thời gian để quét website? Hãy thử làm như sau:

Site Explorer > nhập tên miền của bạn > Best by links > thêm lọc 404 > chuyển sang “internal” links > sắp xếp theo dofollow internal links

sắp xếp theo dofollow

Lưu ý. Bạn cũng cần phải sắp xếp theo nofollow internal links nữa. Tất cả các liên kết nội bộ bị gãy phải được sửa.

Chỉ cần click vào số chỉ internal link để thấy các liên kết thực sự.

Tại thời điểm viết bài này, không có công cụ nào khác cho bạn thấy dữ liệu internal link giống như vậy MÀ KHÔNG PHẢI chạy quét thủ công. Điều này là điểm độc đáo của Ahrefs, và giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian.


2. Liên kết nội bộ trỏ đến trang chuyển hướng

Site Audit > Internal pages > 3xx redirect

kiểm tra các liên kết chuyển hướng

Báo cáo này cho bạn thấy tất cả các liên kết chuyển hướng (3XX) trên trang của bạn.

Sắp xếp theo “Số lượng các liên kết nội bộ” (từ cao xuống thấp) để ưu tiên các trang có nhiều liên kết nội bộ nhất trỏ tới chúng.

Điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả trang trong số này đều có vấn đề. Lấy ví dụ, nếu bạn có các liên kết nội bộ trỏ đến các trang đã được di chuyển và chuyển hướng (ví dụ http://domain.com/blog → https://domain.com/blog), thì bạn gần như không phải lo lắng gì đến nó đâu.

Tất nhiên, cũng không có nguy hiểm gì trong việc cập nhật những liên kết chuyển hướng đó để loại bỏ các “link hop / bước nhảy link” bổ sung.

Dù thế nào thì hãy cảnh giác với các trang chuyển hướng đến trang khác không có nhiều liên quan.

Đây là ví dụ:

chuyển hướng không liên quan

Ở đây có 20 liên kết nội bộ trỏ tới một thương hiệu giày cụ thể, cái giờ được chuyển hướng đến trang giày dép nữ chung chung. Tệ hơn nữa, nếu chúng ta click vào con số chỉ liên kết nội bộ, chúng ta sẽ thấy văn bản neo được sử dụng cho các liên kết này là “Jeffrey Campbell” (tên của thương hiệu).

jeffret campbell

Điều đó chắc chắn gây hiểu lầm, và tất cả những liên kết này cần phải được loại bỏ hoặc cập nhật.

Mẹo

Bạn không có thời gian để chạy quét dữ liệu? Không thành vấn đề, vì giờ Site Explorer đã có dữ liệu liên kết nội bộ!

Site Explorer > nhập vào tên miền của bạn > Best by links > nhập bộ lọc 301 > chuyển qua “internal” links > sắp xếp theo dofollow internal links

tìm liên kết chuyển hướng dựa vào dữ liệu

Một lần nữa, bạn cũng cần kiểm tra và sửa các liên kết nội bộ nofollow.


3. Nhiều liên kết nội bộ trỏ tới trang không quan trọng

Site Audit > Internal pages > 2xx

trạng thái mã http

Báo cáo này cho thấy các trang đang hoạt động trên trang của bạn.

Sắp xếp theo “No of inlinks” (từ cao xuống thấp), sau đó bắt đầu bằng cách lướt qua danh sách này. Nếu bạn thấy các trang không quan trọng có rất nhiều liên kết nội bộ, hãy loại bỏ chúng (ý là loại bỏ liên kết nội bộ tới trang không quan trọng). Thậm chí trong một số trường hợp, bạn có thể cân nhắc xóa các trang như vậy đi.

Dưới đây là một ví dụ mà bạn có thể thấy thường xuyên với chiến thuật này:

liên kết tới trang không quan trọng

Đây là bài đăng blog thông tin về việc có điều gì mới trong tháng sáu. Trong khi thời điểm hiện tại có thể là tháng giêng của năm kế tiếp, rất có khả năng là trang này không còn hữu dụng hoặc nhận được nhiều lượt truy cập nữa, trong khi nó có đến 16 liên kết nội bộ.

Tôi nghiêng về khả năng xóa luôn trang này và loại bỏ các internal link trỏ đến nó.

Mẹo

Bạn cũng có thế tối ưu các cột và sắp xếp theo số liên kết nội bộ “dofollow”, cái có thể hữu dụng để lọc bỏ những trang như trang login thường có rất nhiều liên kết nội bộ nofollow.

Cũng rất có ý nghĩa khi bạn tìm các trang không có khả năng lập chỉ mục (non-indexable) nhưng lại có nhiều liên kết nội bộ trỏ tới – đặc biệt nếu chúng là “dofollow”. Bạn có thể thực hiện điều đó bằng cách sử dụng Data Explorer trong Site Audit với các bộ lọc sau:

lọc liên kết nội bộ

Trừ khi những liên kết này cần thiết cho mục tiêu điều hướng, còn không chúng chỉ làm lãng phí “link equity”.

Hơn nữa, nếu các trang này được thiết lập là “noindex, follow”, Google sẽ đánh đồng với chúng là “noindex, nofollow” về lâu về dài. Kết quả là hiệu quả sẽ bị phá vỡ trong dòng “link juice” thông qua những trang này, vì thế tốt nhất là không liên kết nội bộ với chúng bằng các liên kết “dofollow”.

Công cụ thay thế: nếu dùng WordPress, bạn có thể dùng Yoast SEO, kết hợp với thông kê lưu lượng truy cập, cộng với đọc thủ công, để biết một trang không quan trọng nào đó có được nhận quá nhiều liên kết nội bộ không. Trang không quan trọng mà nhận được nhiều liên kết nội bộ, giống như việc một người ít tài năng lại được nhiều phiếu bầu vào vị trí lãnh đạo trong công ty vậy.


4. Các trang quan trọng có liên kết bị chìm sâu

Site Audit > Internal pages > 2xx

Báo cáo này cho biết các trang đang hoạt động trên trang của bạn. Sắp xếp bằng “Depth” (từ cao xuống thấp) để biết các trang cần nhiều click nhất (link hops / bước nhảy liên kết) từ trang hạt giống của bạn – cái nhiều khả năng là trang chủ.

độ sâu của trang

Đây là quy tắc ngón tay cái, nếu bạn nhìn thấy bất kỳ trang quan trọng nào – những trang mang lại cho bạn doanh thu, chuyển đổi tốt, nhắm mục tiêu đến từ khóa giá trị, vân vân – có nhiều hơn ba link hops tính từ trang chủ của bạn, thế thì bạn có thể muốn điều chỉnh cấu trúc liên kết nội bộ để khiến chúng gần gũi hơn.

Có hai lý do giải thích vì sao điều này lại có ý nghĩa:

  • Google có thể coi các trang nằm “sâu bên dưới” là tương đối không quan trọng –  vì thế họ có thể không quét chúng thường xuyên. Đây không phải lúc nào cũng là một vấn đề, nhưng là cái mà bạn cần ghi nhớ.
  • Trang có thẩm quyền cao nhất trên hầu hết các trang là trang chủ – trang càng gần trang chủ của bạn về các bước nhảy liên kết (link hops), thì càng có nhiều PageRank được chuyển cho trang đó.

Công cụ thay thế:

Cái này không có công cụ miễn phí thay Ahrefs, nhưng bạn hoàn toàn có thể dễ dàng kiểm tra thủ công bằng việc nhìn vào menu, và các thư mục quan trọng trên trang.


5. Các trang mồ côi

Site Audit > Internal pages > Incoming links > Orphan page (các trang không có liên kết nội bộ trỏ đến)

khi Ninja Outreach thực hiện liên kết nội bộ

Báo cáo này cho thấy các trang không có internal link.

Lưu ý. Để làm việc này, điều quan trọng là bạn phải xác định URL sitemap của bạn hoặc tick vào hộp “auto-detect sitemaps / tự động phát hiện sitemaps” khi thiết lập thu thập (quét) thông tin. Nếu bạn chọn cách thứ hai, Site Audit sẽ chỉ có khả năng tìm thấy sitemap của bạn nếu nó được liệt kê trong file robots.txt hoặc được đặt tại vị trí này trên trang ten-mien-cua-ban.com/sitemap.xml 

Không có trang quan trọng nào nên rơi vào tình trạng mồ côi vì hai lý do:

  1. Google không thể tìm thấy chúng (trừ khi bạn đẩy sitemap lên thông qua Google Search Console, hoặc họ có backlink từ việc quét các trang trên website khác).
  2. Không có PageRank nào được chuyển thông qua liên kết nội bộ.

Lướt qua danh sách và đảm bảo là không có trang quan trọng nào xuất hiện ở đây.

Nếu bạn có rất nhiều bài viết trên trang của mình, hãy thử sắp xếp danh sách theo lưu lượng truy cập tự nhiên từ cao xuống thấp. Trang mồ côi mà vẫn nhận được lưu lượng truy cập tự nhiên có khả năng còn nhận được nhiều lưu lượng truy cập hơn nữa nếu nó có internal link trỏ tới (vì điều này có khả năng thúc đẩy thứ hạng của nó).

Công cụ thay thế:

Nếu không phải là người dùng của Ahrefs và đang sử dụng WordPress, bạn có thể dùng Yoast SEO để tìm các trang mồ côi.

Ở Dashboard, bạn vào Posts > All Post

Sau đó bạn click vào biểu tượng sau để sắp xếp số lượng liên kết nội bộ đến trang theo thứ tự tăng dần:

sắp xếp theo số lượng liên kết trỏ đến

Những trang có thông số là 0 có nghĩa là đang không có internal link từ trang khác trỏ đến nó:

trang không có internal link trỏ đến

Cách sử dụng internal link một cách có chiến lược để cải thiện thứ hạng của trang

Internal link không phải là cách thức duy nhất giúp làm tăng tính thẩm quyền (PageRank) của trang. Các backlink cũng làm điều này rất tốt.

các trang có nhiều backlink nhất
Sử dụng Ahrefs để có được tính năng này

Các trang có tính thẩm quyền cao nhất – lấy ví dụ, theo URL Rating (UR) – có đến hàng tá backlink.

Đúng vậy, chúng cũng là một phần của cấu trúc trang web tổng quát của chúng ta và dĩ nhiên là có các liên kết nội bộ, nhưng các liên kết từ nguồn bên ngoài cung cấp cho các trang này sức mạnh khác biệt.

Điều này dẫn tôi đến quan điểm sau:

Các liên kết nội bộ từ các trang liên quan, có thẩm quyền cao đến trang cần thúc đẩy thứ hạng là chiến lược thông minh.

Có rất nhiều cách để làm điều đó, và phương thức có thể là khá kỹ lưỡng và phức tạp (bảng tính, VLOOKUPS, vân vân).

Vì thế, bên dưới, tôi sẽ chỉ tập trung vào hai chiến lược đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể tự làm được.

Phương thức số #1 – Thực hiện tìm kiếm “site:”

Giả sử bạn vừa xuất bản bài viết mới về SEO onpage.

Bạn muốn thêm vài liên kết nội bộ cho trang này để đầy thứ hạng của nó lên.

Nhưng làm thế nào bạn biết được trang nào có khả năng cung cấp liên kết?

Hãy bắt đầu với Google bằng cách thực hiện toán tử sau: site:ten-mien-cua-ban.com “từ khóa hoặc cụm từ liên quan đến trang cần có internal link trỏ tới”

Dưới đây là một ví dụ về “SEO onpage”:

các trang có khả năng cung cấp internal link với từ khóa SEO onpage

Tìm kiếm này trả về các trang trên website của bạn (trong chỉ mục của Google) đề cập đến một từ hoặc cụm từ cụ thể.

Bạn có thể thấy trong ví dụ này, cụm từ “SEO onpage” xuất hiện 99 lần trong các bài viết trên Kiến càng (ducanhplus là tên miền cũ của Kiến càng). Khi tôi truy cập những trang này, tôi rất dễ phát hiện ra là các từ này chưa được liên kết đến.

Và đây là lúc cần phải liên kết đến bài viết vừa xuất bản với văn bản neo không thể phù hợp hơn.

Không chỉ có một trang mà tôi có thể link đến. Có đến vài chục trang khác cũng đề cập đến cụm từ này –  ngoại trừ chính bản thân bài viết về SEO onpage. Vì thế tôi có thể nhanh chóng kiểm tra các trang đó, và thêm liên kết nếu có liên quan.

MẸO

Bạn cũng có thể tìm kiếm trên Google cho các từ khóa khác để tìm ra nhiều trang liên quan hơn mà có thể giúp bạn bổ sung internal link. Lấy ví dụ, với bài viết SEO onpage, tôi có thể tìm kiếm:

site:kiencang.net “cách viết tiêu đề hay”

site:kiencang.net “tăng tốc độ website”

Quá trình này là ổn nếu bạn có trang web nhỏ – nó không làm chúng ta phải kiểm tra thủ công qua sáu, bảy chục bài.

Nếu bạn có một trang lớn, và tương ứng có rất nhiều kết quả trả về, sẽ có ý nghĩa hơn nếu bạn ưu tiên và thêm liên kết từ những trang có nhiều sức mạnh nhất.

Có hai cách để làm điều đó.

Cách đầu tiên là sử dụng Ahrefs SEO Toolbar để tải về top 100 kết quả tìm kiếm của Google kèm theo các chỉ số SEO của Ahrefs. Bạn có thể sắp xếp theo UR với ưu tiên các trang có nhiều sức mạnh nhất.

Cách thứ hai là kéo các kết quả từ Google sử dụng tiện ích mở rộng của Chrome có tên Scraper (đây là XPath để làm điều đó: //div[@class=”srg”]/div/div/div/div/a/@href), sau đó paste chúng vào Ahrefs Batch Analysis tool. Sắp sếp theo UR.

Cả hai cách thức đều đem lại cùng kết quả.

Phương thức số #2 – Tìm kiếm các trang “đầy sức mạnh”

Các trang “sức mạnh” là các trang có nhiều backlinks và thẩm quyền nhất. Bạn có thể tìm thấy chúng bằng cách sử dụng báo cáo Best by links trong Ahrefs Site Explorer.

Site Explorer > enter your domain > Best by links

tìm các internal link tiềm năng tốt nhất theo giá trị trang

Nhìn xuống danh sách này, bạn thường có thể tìm thấy các trang và bài liên quan để thêm liên kết.

Lấy ví dụ, chẳng hạn chúng tôi cần thêm internal link cho bài viết về image SEO (SEO ảnh), nhìn vào danh sách trên chúng tôi có bài viết noob-friendly link building guide (hướng dẫn xây dựng liên kết dành cho người mới) đứng thứ tám trong các bài viết có thẩm quyền nhất trên blog của chúng tôi. Bài viết này có phần nói về xây dựng liên kết với ảnh:

xây dựng liên kết với ảnh

Đây là trang rất liên quan và hữu dụng để thêm liên kết nội bộ đến bài hướng dẫn SEO ảnh kia.

Bạn có thể sử dụng phương thức này đến điều hướng một số thẩm quyền rất cần thiết cho các trang sản phẩm và dịch vụ.

Lấy ví dụ, giả dụ bạn đang bán giày đánh cầu lông trực tuyến. Bạn có thể muốn trang thư mục thương mại điện tử được xếp hạng cao trên Google với từ khóa như “mua giày đánh cầu lông”. Đây là những kiểu trang có thể khó khăn để xây dựng liên kết.

Nhưng có thể là bạn đã có bài post có thẩm quyền về giày cầu lông hoặc cách di chuyển hiệu quả khi đánh cầu lông, nơi rất tốt để bạn có thể thêm các liên kết nội bộ vào.

Những liên kết nội bộ này sẽ hỗ trợ đẩy “thẩm quyền” của trang thư mục thương mại điện tử kia.


Vài suy nghĩ cuối về internal link

Liên kết nội bộ không phải là ngành khoa học tên lửa. Bạn đơn giản chỉ cần trang có cấu trúc, cấp bậc, logic và các liên kết nội bộ để đi theo cấu trúc đó. Đó là những điều cơ bản, ít nhất là: sau đó bạn có thể liên kết chiến lược từ “các trang đầy sức mạnh” đến các trang cần trợ giúp SEO một chút.

Dưới đây là một vài hướng dẫn để bạn có thể làm theo khi xây dựng bất kỳ internal link nào:

  • Đừng lúc nào cũng chỉ sử dụng cùng một văn bản neo. Hòa trộn mọi thứ với nhau và giữ cho nó thật phong phú.
  • Đừng liên kết từ một trang không liên quan chỉ vì bạn muốn tăng tính thẩm quyền cho nó. Trong trường hợp này tốt nhất là không thực hiện internal link.
  • Đừng lạm dụng nó quá mức. Bạn không cần phải thêm hàng trăm liên kết nội bộ để điều này có hiệu quả- một hoặc hai internal link đủ tốt thường có thể tạo ra khác biệt lớn rồi.

Như tôi đã nói, cái này không khó như ngành khoa học tên lửa đâu. Dù vậy, nếu bạn còn bất kỳ điều lăn tăn nào về việc cần phải làm thì đây là lời khuyên của tôi: bỏ một hoặc hai giờ vào Wikipedia, liên kết nội bộ của họ rất hoàn hảo, và có rất nhiều thứ mà chúng ta có thể học hỏi từ họ, ngay cả khi bạn chỉ làm chủ một trang web nho nhỏ thôi.

(Dịch từ bài viết Internal Links for SEO: An Actionable Guide, tác giả: Joshua Hardwick của Ahrefs)

Comments are closed.

Back to Top