Categories Landing Page

Cách tạo trang Landing Page hiệu quả

Cách tạo landing page hiệu quả

Giờ đây việc tạo trang landing page có thể không khó khăn gì lắm. Sử dụng trình xây dựng trang dạng kéo thả (drag and drop) như SeedProd hay Kadence Blocks là bạn có thể tạo ra một thứ gì đó trông chuyên nghiệp rồi mà không cần kỹ năng cao về lập trình, và bạn có thể làm điều đó trong vài giờ.

Tuy nhiên thiếu kiến thức nền căn bản rất nguy hiểm. Và để bạn có một khởi đầu tốt, phần dưới đây, chúng tôi trình bày các thực hành tốt nhất liên quan đến việc tạo trang đích (landing page) giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi và giúp giảm chi phí trên mỗi chuyển đổi (cost-per-acquisition) của chúng ta.

1. Đảm bảo thông điệp của bạn phù hợp với quảng cáo của bạn

Ngay từ lúc ban đầu, cái lý do chính khiến bạn sử dụng landing page đó là đảm bảo được điều này: gửi người dùng đến trang phù hợp với mong đợi của họ.

Cần đảm bảo rằng người dùng cảm thấy họ đã đến đúng nơi bằng cách chắc chắn là cả nội dung và thiết kế của bạn phù hợp với các quảng cáo mà bạn đang chạy trên mạng tìm kiếm hoặc/và mạng xã hội.

2. Để mục tiêu / hành động nằm trong màn hình đầu tiên

Thuật ngữ “màn hình đầu tiên / trên nếp gấp / above the fold” liên quan đến phần nửa trên trang nhất của tờ báo. Ngày nay thì nó thường được dùng để mô tả phần hiển thị trước nhất của website trước khi người dùng có bất cứ hành động cuộn chuột nào. Đây là không gian có giá trị (vì gần như 100% người dùng click vào quảng cáo đều thấy nó, trừ khi họ thoát ra ngay trước khi trang kịp tải xong), và vì vậy bạn sẽ muốn tận dụng nó tối đa.

Tốt nhất thì bạn cần để headline (tiêu đề), thông điệp bán hàng và quan trọng nhất là lời kêu gọi hành động (CTA) được hiển thị rõ ràng bằng cách đặt các yếu tố này trên màn hình đầu tiên. Tất nhiên lưu ý là đừng nhồi nhét – quá nhiều thứ có khả năng cao sẽ gây khó khăn cho mọi người nhìn thấy rõ CTA – nhưng cần đảm bảo là mọi thứ mà người truy cập thấy cần thiết nên được hiển thị ngay từ đầu.

Lời kêu gọi hành động nằm ngay trong màn hình đầu tiên
Tất cả những thứ quan trọng đều nằm trong màn hình đầu tiên

Mẹo: Kích cỡ màn hình thay đổi rất nhiều, vì vậy hãy tập trung vào thiết kế cho kích cỡ mà hầu hết người dùng của bạn sử dụng, đừng bận tâm quá nhiều đến các thiết bị tối tân nhất, vì nó có thể không phải là kích cỡ màn hình mà khách hàng của bạn chủ yếu dùng.

3. Sử dụng các dấu hiệu để định hướng mắt

Hiếm khi có trang landing page nào ngắn tới mức mà nó không có nội dung nào bên dưới màn hình đầu tiên, vì thế mà việc bao gồm các yếu tố chỉ dẫn đồ họa để hướng mắt xuống là ý tưởng tốt.

Những gợi ý này có thể bao gồm con trỏ theo nghĩa đen, chẳng hạn như các mũi tên, cũng như các hình dạng khác, ảnh, hình động, hay thậm chí có khả năng viết nội dung hấp dẫn đến độ người dùng cảm thấy vui vẻ muốn cuộn chuột và đọc tiếp.

Các tín hiệu định hướng tương tự nên được sử dụng để giúp khách hàng tiềm năng tìm thấy lời kêu gọi hành động của bạn. Sử dụng bôi đậm, các màu có sự tương phản và một hình dạng dễ nhận biết – nút bấm (button) phải thực sự trông giống nút bấm (hãy cẩn thận các thiết kế phẳng, hoặc tối giản có thể làm hỏng nút bấm) – để CTA nổi bật so với phần còn lại. Bạn thậm chí có thể sử dụng các mũi tên, hình động để thu hút thêm sự chú ý.

4. Trình bày các sản phẩm / dịch vụ trong đời thực

Cho thấy sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn hoạt động trong đời sống thực như thế nào có thể giúp khách ghé thăm mường tượng ra bản thân họ ở vị trí đó. Nó cũng là cách hiệu quả, nhanh chóng giúp giải thích cách sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn hoạt động ra sao.

Sản phẩm được áp dụng trong đời thực thế nào?
Ảnh chụp mành hình từ website của Vbee, họ đã chủ động đưa sản phẩm trong đời thực để khách hàng tiềm năng cảm nhận tốt hơn về dịch vụ chuyển văn bản thành giọng nói. Vbee là một trong các công ty có trang chủ rất giống landing page, về mặt cá nhân, tôi thích thiết kế này của họ

Dù là bạn sử dụng hình ảnh, hay hoạt ảnh từng bước, hay các video demo, bất kể hình thức nào thì các yếu tố thị giác vừa kể đều có thể thu hút sự chú ý của người dùng. Khu vực ảnh hero (ảnh ở nơi nổi bật, dễ thu hút) là vị trí tốt nhất để làm điều đó.

5. Loại bỏ thanh điều hướng (menu navigation) và các yếu tố gây phân tán khác

Một trang landing page tốt là trang chỉ tập trung vào mục tiêu chuyển đổi duy nhất, vì vậy hãy giảm thiểu các phiền nhiễu khác có thể khiến khách truy cập bỏ đi.

Hạn chế tối đa việc đưa vào các liên kết không cần thiết vào landing page (có khả năng sẽ khiến người dùng rời khỏi trang đích của bạn để đến các trang khác). Những liên kết bị xem là không cần thiết bao gồm menu điều hướng, các nút kêu gọi hành động bổ sung, hoặc thậm chí kể cả liên kết quay lại trang chủ.

Trang landing page của bạn sẽ hoạt động tốt nhất nếu nó đứng độc lập một mình.

Trang landing page loại bỏ điều hướng
Landing page của trang sachcuhanoi[.]com loại bỏ thanh điều hướng

Một ví dụ khác về việc loại bỏ điều hướng ở trang landing page:

Loại bỏ điều hướng ở trang landing page
Ví dụ thực tế từ lading page của một trung tâm dạy tiếng Anh (summit[.]edu[.]vn)

6. Gồm các bằng chứng xã hội (xác thực)

Hầu hết người dùng của bạn đủ thông minh để không tin vào các chiêu trò tiếp thị điển hình (ví dụ “chúng tôi là sản phẩm / dịch vụ tốt nhất, hoàn hảo nhất cho bạn!”, “giá rẻ nhất, chất lượng cao nhất!”).

Không quan trọng việc bạn tự nghĩ sản phẩm của bản thân tốt như thế nào, điều mà bạn cần quan tâm ở đây là cần phải đưa ra lời chứng thực từ các khách hàng hài lòng và từ cộng đồng thành viên để bổ sung sự tin cậy cho các tuyên bố của bạn, mà ngay cả lời chào mời tốt nhất cũng sẽ thiếu.

Nhưng người dùng sẽ không tin tưởng lời đánh giá hoa mỹ từ anh A, chị B, hay một khách hàng chung chung nào đó. Bạn cần “nhân hóa” các lời chứng thực này. Nghĩa là chúng cần bao gồm thông tin cá nhân chi tiết hơn, chẳng hạn như họ tên đầy đủ, nghề nghiệp, nơi ở, ngày mua hàng, ảnh chân dung hoặc thậm chí là cả video.

Ví dụ về lời chứng thực
Ví dụ về lời chứng thực đơn giản từ một landing page của trung tâm dạy nấu ăn (hocnghebep[.]vn). Dù không hoàn hảo, lời chứng thực dạng này vẫn đủ tốt trong nhiều trường hợp.

Ví dụ về lời chứng thực khác từ một trung tâm dạy tiếng Anh:

Ví dụ về lời chứng thực của học viên từ trung tâm tiếng Anh
Ví dụ về lời chứng thực của các học viên từ một trang landing page của trung tâm dạy tiếng Anh (summit[.]edu[.]vn) – nó khá ổn vì rõ ràng hình ảnh của người học.

Thể hiện sự uy tín ở hình thức “đã từng hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị lớn” cũng là một kiểu chứng thực tương đối hiệu quả:

Đã từng hợp tác với các doanh nghiệp lớn
Trích từ trang chủ của vbee[.]vn

7. Nội dung rõ ràng, hấp dẫn

Nội dung chào mời cần phải rõ ràng và trực tiếp. Không nên vòng vo tam quốc. Dù một số dịch vụ có thể cần nội dung chào mời dài hơn (và hệ quả là trang landing page dài hơn), nhưng đa số trường hợp bạn sẽ có lợi hơn nếu giữ trang landing page ngắn gọn.

Lời chào mời dịch vụ ngắn gọn, đầy đủ, xúc tích
Ví dụ từ vbee[.]vn, với lời chào mời dịch vụ ngắn gọn, trọng tâm, mà vẫn đầy đủ.

8. Giữ tốc độ tốt

Thời gian tải trang ảnh hưởng đến mong muốn mua hàng của người dùng. Nếu trang của bạn cần hơn 3 giây để tải trên thiết bị di động, bạn có khả năng làm mất khách hàng tiềm năng.

Tránh làm nặng trang của bạn với các yếu tố không cần thiết, cái chắc chắn sẽ làm chậm trang – mọi thứ bạn thêm vào cần phải có mục đích cụ thể (tại sao bạn lại thêm thông tin đó vào?). Cần đảm bảo là tất cả ảnh phải được tối ưu và bạn nghe theo các lời khuyên về cải thiện tốc độ website của Google.

Tốc độ của trang landing page cần tốt
Tốc độ như trên không quá tốt – nhưng đủ dùng.

9. Thiết kế giao diện phù hợp với thiết bị

Nhiều chiến dịch ngày nay nhận thấy là có một lượng lớn người truy cập sử dụng điện thoại di động. Điều đó có nghĩa là màn hình thiết bị nhỏ hơn, tính tương tác sẽ bị hạn chế hơn, và tốc độ tải trang sẽ chậm đi (so với các thiết bị màn hình lớn).

Tất cả các điều trên đều không tốt cho tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) trên thiết bị di động, vì vậy bạn cần đảm bảo là thiết kế của chúng ta hoạt động tốt trên nhiều kích cỡ màn hình. Bố cục mềm dẻo, CTA (call to action) được thể hiện rõ hơn, và hình ảnh có thể được thu nhỏ hoặc loại bỏ đi hoàn toàn.

PS: bạn cần kiểm tra cẩn thận giao diện trên thiết bị di động. Khi chúng ta thiết kế landing page, gần như 100% là thiết kế thông qua các thiết bị màn hình lớn. Do vậy bạn có thể không lường trước được giao diện xuất hiện ra sao trên thiết bị di động. Trong khi nhiều khả năng là khách hàng lại chủ yếu truy cập trên màn hình nhỏ. Ngày nay các trình tạo trang (page builder) chất lượng tốt, đều có các tùy biến sâu cho các kích cỡ màn hình khác nhau. Do vậy để tối ưu hãy chú ý điều chỉnh các thiết kế sao cho phù hợp nhất.

Điều chỉnh thiết kế trên màn hình di động
Điều chỉnh thiết kế trên màn hình di động

10. Kiểm tra và cập nhật trang landing page

Các lời gợi ý trên quan trọng đấy, nhưng test A/B trang đích của bạn là cách tốt nhất để bạn đảm bảo chuyển đổi là cao nhất có thể.

Bạn có cảm giác là tiêu đề đang hoạt động không hiệu quả? Bạn muốn câu hỏi có thứ tự khác đi trong form? Có phải sếp của bạn khăng khăng rằng nút CTA cần phải có màu tím mộng mơ?

Hãy kiểm tra nó trước khi khẳng định! Và quyết định của bạn nên dựa vào dữ liệu thay vì thuần túy trực giác.

11. Cân nhắc sử dụng mẫu (template)

Ai cũng muốn mình trở nên đặc biệt. Nhưng nếu bạn mới trong giai đoạn đầu (hoặc bạn có nguồn lực hạn chế), bạn có thể đạt được các kết quả ấn tượng bằng cách sử dụng các mẫu có sẵn và tùy chỉnh nó phù hợp với thương hiệu của bạn. Nếu bạn dùng WordPress thì plugin SeedProd có thể là khởi đầu tốt. Ngoài ra bất cứ ứng dụng nào tương tự trình xây dựng trang (page builder) đều có khả năng tạo ra được trang landing page tốt, có chăng khác biệt là thời gian ngắn dài mà thôi.

Các mẫu landing page
Ví dụ các mẫu landing page của SeedProd

(Lược dịch từ bài viết: Landing Page Best Practices của Unbounce, có bổ sung một số thay đổi cho phù hợp với bối cảnh người dùng WordPress và Việt Nam)

Lưu ý: Các ví dụ trong bài đến từ một số thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ thực tế. Những thông tin đó là ví dụ được dùng để minh họa cho bài cụ thể về landing page, và chỉ thuần túy cho mục đích học tập. Nó không hàm ý bất cứ sự ủng hộ hay phản đối nào về mặt cá nhân người viết, dịch đối với các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ đó.

Back to Top