Categories Quảng cáo

Kinh nghiệm quay phim làm quảng cáo đơn giản

chỉnh sửa video

Có một xu hướng rõ ràng về việc sử dụng video làm quảng cáo. Các yếu tố tạo tiền đề bao gồm:

  • Các nền tảng quảng cáo lớn đều hỗ trợ, có Youtube của Google và cả Facebook
  • Tốc độ đường truyền internet cải thiện
  • Các thiết bị phục vụ quay dễ kiếm mà cũng rẻ hơn
  • Và cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất, sự ưa thích tính đồ hoạ của người dùng trong đó có ảnh, video, infographic,…

Những kinh nghiệm tôi viết ra đây phù hợp với người kinh doanh nhỏ hoặc làm quảng cáo nhỏ, bởi tôi đồng dạng với các bạn.

Nói chung bạn đang bước vào lĩnh vực tinh hoa, mà muốn làm chuẩn đòi hỏi nhiều kiến thức phối hợp, và cả tiền nữa, dẫu vậy nếu đòi hỏi khắt khe quá không bao giờ bạn làm được đâu. Chúng ta không có ngân sách 100 triệu hay tỉ đồng để làm các clip quảng cáo, vậy nên chấp nhận hạn chế của chúng ta phần nào nhé.

A. Thiết bị

Nếu đủ khả năng tốt nhất bạn nên chọn thiết bị quay tốt và các phụ kiện đi kèm. Bao gồm:

  • Máy ảnh DSLR có khả năng quay phim. Tôi mua loại của Canon, hiện dùng được 2 năm vẫn bền. Khi dùng bạn nhớ đọc thêm cách bảo quản máy ảnh và ống ngắm, nhất là trong thời tiết ẩm như ngoài Bắc. Đừng mua nhiều ống ngắm, hãy suy nghĩ cẩn thận vì nó không rẻ đâu. Bắt đầu với một ống ngắm là được rồi, sau nếu cần mua cũng không muộn. Hỏi người bán về mục đích của bạn để họ tư vấn
  • Thiết bị chiếu sáng, đặc biệt quan trọng. Nhờ có ánh sáng video của bạn sẽ nét hơn gấp nhiều lần. Đèn bao gồm đèn kino và spotlight. Bạn có thể tìm đến các phòng quay để người ta tư vấn. Cá nhân tôi mua 2 kino 6 bóng và 1 spotlight
  • Thiết bị thu âm, có thể là loại thu âm trực tiếp gắn luôn vào máy quay, hoặc dạng mic phát sóng gắn vào ve áo người nói, hoặc cũng có thể là loại rời, thu riêng cùng lúc sau đó ghép vào video. Cá nhân tôi đang dùng dạng mic gắn vào ve áo vì chỗ tôi quay hơi ồn và chủ yếu chỉ có một người nói. Nếu bạn có hai người nói trở lên thì mua thiết bị này có thể sẽ bất tiện, tốt nhất là mua cái gắn luôn vào máy ảnh
  • Pin nhớ mua loại pin sạc, đắt lúc đầu, rẻ về sau, mình thích loại của Sony

Với những thiết bị này, video bạn quay sẽ khác biệt rất nhiều so với dùng điện thoại, chủ yếu ở các điểm sau:

  • Hiển nhiên, chất lượng video tốt hơn, bao gồm cả hình ảnh và âm thanh
  • Bạn sẽ quay được trong một số điều kiện mà điện thoại rất khó quay như thiếu sáng tự nhiên, có tiếng ồn
  • Định dạng video chuẩn giúp bạn dễ dàng chỉnh sửa và up lên các mạng chia sẻ video hơn (điều này giúp nó xem được nhiều hơn)

B. Kịch bản

Một trong những thiếu sót của người không chuyên là thiếu kịch bản. Bản thân tôi cũng từng như vậy vì nghĩ khi quay các sản phẩm của mình bán đơn giản là mình đã hiểu hết rồi nên đâu cần kịch bản.

Tuy nhiên thiếu kịch bản sẽ phát sinh nhiều vấn đề như:

  • Nội dung của bạn hay hoặc dở bạn không nắm bắt được và hầu như sẽ là dở. Thực tế các clip hay hoặc phim bạn xem không phải quay một lần và người ta tự diễn đâu. Sự thành công của chúng đi kèm với kịch bản và họ căn cứ trên đó diễn đi diễn lại cả chục lần
  • Bạn không biết được độ dài của video. Thông tin này không đơn giản như bạn nghĩ. Video càng dài đòi hỏi sự phức tạp kèm theo, bao gồm thời gian chỉnh sửa, làm phụ đề tăng, dung lượng lớn & hệ quả dễ thấy nhất là người xem không xem đến cuối (mà thường chúng ta chỉ dám để quảng cáo của mình ở cuối video). Mình rất ấn tượng với các video ngắn vế nấu ăn của Feedy, đủ mà chỉ tầm 1 phút hơn
  • Người quay thụ động trong việc chọn bố cục, người diễn tự biên còn người quay cũng theo đó mà tuỳ ứng, nhưng vì người quay cũng không rõ kịch bản, chẳng có gì đảm bảo việc ứng theo đó là hay hoặc hay nhất, thậm chí có thể nói trong nhiều trường hợp chỉ rơi vào điểm trung bình hoặc kém. Chẳng hạn tôi có rất nhiều video mà nó chỉ có độc một khung hình từ đầu đến cuối – rất dễ gây buồn ngủ trong trạng thái dễ mất tập trung của con người hiện đại, nghe đâu với khả năng tập trung chưa nổi 8s và kém cả con cá cảnh mà họ nuôi.

Điều quan trọng nữa khi có kịch bản là bạn phải phản biện. Những người làm video không chuyên thường ít người, tốt là 3 – 4 người không thì chỉ có 2 người, một quay, một diễn. Tuy vậy ngay cả thế bạn cũng vẫn cần thảo luận để cải tiến kịch bản. Cải tiến kịch bản đỡ khổ hơn nhiều là quay lại video.

C. Quay phim

Nhớ chuẩn bị đủ thiết bị. Đặc biệt là pin, thẻ nhớ.

Chọn định dạng mà bạn cảm thấy phù hợp với video của mình. Nó nên có kích cỡ khung hình là bao nhiêu, có cần định dạng HD không. Bạn cần phải trả lời được.

Nếu kịch bản được chuẩn bị tốt, người quay nên đọc kỹ và tạo ra kịch bản phân cảnh cho mình đồng thời nhớ bàn với bạn diễn điều này để hai bên phối hợp được tốt.

D. Xử lý hậu kỳ

Sau khi có video thô, bạn phải chỉnh sửa cắt dán nó lại. Nếu làm một video phức tạp thì chắc chắn bạn sẽ phải quay đi quay lại nhiều lần và bạn cần một cuốn sổ ghi chép trong lúc quay để biết được thước phim nào bỏ, nào lấy. Nếu không bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để xem lại toàn bộ video bạn (hoặc ai đó) quay.

Phần mềm xử lý video có nhiều, cả chuyên nghiệp lẫn bán chuyên. Thành thực mà nói hãy dùng loại không chuyên trước, nếu bạn cảm thấy mình có nhiều khả năng dùng loại chuyên nghiệp cũng chưa muộn.

Tại sao lại thế?

Vấn đề là các phần mềm chuyên nghiệp thường đắt hơn rất nhiều và khó sử dụng hơn hẳn, đôi khi cần cả một khoá học để bạn biết cách dùng, nó cũng đòi hỏi cấu hình máy tính tốt. Xử lý video là một trong những tác vụ đòi hỏi máy tính phải khoẻ. Phần mềm bán chuyên giảm thiểu điều đó.

Phần mềm chuyên nghiệp có thể kể đến của Adobe hoặc Apple. Hiện Adobe không bán cho thị trường Việt Nam (mặc dù nếu muốn bạn vẫn có mẹo, nhưng phiền nhỉ?), còn của Apple chỉ có máy MAC mới dùng được. Nói chung là bất tiện.

Bản thân tôi đang dùng phần mềm bán chuyên, khi mua chỉ gần 1 triệu (gần 40 đô thì phải), làm được nhiều trò phết, tên nó là Wondershare Filmora.

Xử lý hậu kỳ cần chú ý một số thứ như:

  • Tạp âm. Chương trình có công cụ hạn chế tạp âm, nhưng cách tốt nhất là khi thu bạn phải thiết lập sao cho ít tạp âm nhất có thể
  • Chuyển cảnh. Để giảm độ đột ngột khi các cảnh chuyển qua nhau
  • Âm thanh nền. Bạn có thể cần âm thanh nền vì nhiều mục đích khác nhau, như để sinh động hơn, tạo ra các hiệu ứng cảm xúc để hạn chế tạp âm…Tốt nhất là bạn nên mua, hoặc tìm miễn phí. Những kênh lớn như Youtube có khả năng phát hiện ra các đoạn nhạc có bản quyền và sẽ gắn quảng cáo bên cạnh. Vậy nếu bỏ ra chút công, hoặc một ít tiền (thường là rất nhỏ so với chi phí quảng bá video đó) thì tội gì mình phải để quảng cáo chình ình vậy. Mình thấy mua âm thanh ở trang này khá rẻ: audiojungle (cái này nằm trong hệ thống chợ ngang hàng rất nổi tiếng của Envato – mình từng mua plugin trong hệ thống này mấy lần)
  • Các hiệu ứng đơn giản như lúc bắt đầu, lúc kết thúc, các đoạn chú thích để người xem dễ hiểu

À, còn vấn đề này nữa. Đó là làm phụ đề. Youtube có thể không cần phụ đề nhưng Facebook thì đặc biệt cần, vì hầu hết mọi người sẽ để auto play chứ không mấy người nhấn vào. Ngoài ra phụ đề còn có tác dụng giúp các vùng miền có giọng phát âm khó nghe có thể lan toả ra khắp nước, vì chữ viết thì thống nhất hơn giọng nói.

Làm phụ đề lưu ý một số điểm sau:

  • Chứ đừng quá to, quá bé. Chữ to thì lấp hết video, chữ bé thì không đọc nổi
  • Phải chuẩn chính tả, dĩ nhiên nếu là video nhạc rap thì có thể không cần! (hôm nay là thứ mấy, chắc chắn là thứ hight – trích trong nhạc phẩm Quăng tao cây Boong)
  • Phải khớp với thời gian người nói, đặc biệt lưu ý đến tốc độ đọc có hết phụ đề không. Nếu không hết đôi khi phải để thời gian sống của phụ đề lâu hơn thời gian nói để người xem còn có thời gian đọc kịp

Phần mềm làm phụ đề thì bạn sử dụng luôn Youtube nhé. Vừa tiện mà cũng tốt. Click vào chữ CC rồi vài bước đơn giản nữa là tạo được.

Sau khi làm xong sub mềm thì tạo sub cứng để up Facebook. Nếu dùng Windown khá dễ tìm phần mềm để làm, thậm chí còn miễn phí. Nếu dùng máy MAC, tìm khó hơn, có phí và đôi khi hơi dở. Mình tìm mãi mới ra một cái thấy ưng cho MAC, đó là chương trình Submerge, ưu điểm là tuỳ biến tốt, nhanh và đẹp, dĩ nhiên là không lỗi font tiếng Việt.

F. Up video lên

Chọn định dạng video mà các nền tảng khuyến nghị để họ đỡ phải chuyển đổi qua lại (chuyển định dạng có thể làm ảnh hưởng ít nhiều đến video). Ví dụ Facebook khuyến nghị định dạng MP4.

Các nền tảng đều cung cấp ảnh xem trước, mặc dù ảnh xem trước có thể được cắt ra từ video nhưng làm thế là ta đã giảm đi sự kịch tính, cảm xúc có thể khơi gợi trước khi họ bấm xem.

Ảnh xem trước nên:

  • Có cùng tỉ lệ khung hình với video (nếu không ảnh minh họa sẽ bị méo)
  • Thật nét
  • Đặc biệt quan trọng phải gây chú ý nhưng vẫn đúng với nội dung mà nó mô tả. Lừa người dùng thì lợi trước mắt nhưng hại lâu dài về sau. Tốt nhất nên có ý tưởng từ trước và viết luôn vào kịch bản để tránh quên. Việc chụp này thường sẽ diễn ra luôn sau khi quay video để đồ và trang phục không bị lệch pha với nội dung trong video

Cuối cùng bạn nhớ chọn đường truyền internet tốt để giảm thiểu thời gian tải lên, việc này cũng giúp bạn dám quay những video HD (vốn có dung lượng rất khủng khiếp), chứ mà up lên ngồi đợi 4 tiếng cũng nản lắm!

Back to Top