Categories Đôi lời

Không đủ tiền mừng cưới: cảm giác tiến thoái lưỡng nan ở ngã tư đường

không đủ tiền mừng cưới

Một trong những rắc rối hàng đầu liên quan đến chuyện tiền mừng cưới là vào những tháng “cao điểm”, nhiều người cảm thấy “khó thở” về chuyện phải tính toán phong bì ra sao cho hợp lý. Trong bài viết này tôi cố gắng phân tích sâu hơn hiện tượng này, và đề ra phương án hợp lý.

Vấn đề người đi mừng đám cưới lăn tăn về số tiền mừng rất dễ hiểu: nguồn thu nhập của họ không đủ để chi phí tiền mừng theo mức thông thường – mức mà người nhận thiệp mời cho rằng tối thiểu phải như thế, ít hơn là không được, kiểu như thế này[1]:

mức tiền mừng cưới tối thiểu

Ở trên người này cho rằng tiền mừng cưới tối thiểu ở quê là 200 ngàn đồng, và người này sẽ không thể cảm thấy thoải mái nếu mừng ai đó 100 ngàn. Dĩ nhiên con số này khác nhau giữa người này và người khác, và chịu ảnh hưởng mạnh bởi bối cảnh xã hội mà người đó thuộc về.

Trong ngôn ngữ thường ngày, khi ai đấy cảm thấy không thoải mái khi “được” mời cưới quá nhiều họ hay sử dụng từ “dính”, như ví dụ bên dưới[2]:

quá nhiều đám cưới

Một từ tượng hình hay, cảm giác như bị mắc kẹt, muốn thoát ra mà không được.

Tại sao lại nưỡng lan?

Khi được mời cưới, người được mời có ba giải pháp:

  • Không dự tiệc cưới & không gửi tiền mừng [KTC-KTM]
  • Không dự tiệc cưới & có gửi tiền mừng [KTC-CTM]
  • Có dự tiệc cưới & có gửi tiền mừng [CTC-CTM]

Lựa chọn đầu tiên không dự tiệc cưới & không gửi tiền mừng rất ít khi xảy ra, vì tâm lý ái ngại khi gặp lại người mời. Thường thì người ta chỉ thực hiện lựa chọn này khi xác định mức độ thân quen là vô cùng thấp hoặc/và rất khó khăn về kinh tế.

Hai lựa chọn phổ biến hơn là [KTC-CTM] và [CTC-CTM], trong đó giáp pháp [KTC-CTM] có chi phí thấp hơn do người đi dự tiệc không phải tốn kém chi phí đi lại (là đáng kể nếu tiệc cưới ở xa, không chỉ vấn đề tiền đi lại mà còn là thời gian, công sức) và tiền mừng cưới cũng ít hơn so với đi dự, vì cảm giác mình không làm tốn chi phí ăn cỗ (thường bên gia chủ đặt cỗ ít hơn so với số thiệp mời phát ra). Do vậy đây là giải pháp mà người được mời thường lựa chọn khi họ gặp căng thẳng về tài chính.

Nó cũng phù hợp với công thức về khả năng đi dự đám cưới của một người được mời:

Cơ hội người được mời tham dự đám cưới = Mức độ thân thiết với cô dâu hoặc/và chú rể  * [Tiền mừng đám cưới (của người đi mừng dự kiến)/Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong đợi)]/Khoảng cách địa lý/Các yếu tố cản trở khác

Dấu * là nhân, ý chỉ tỷ lệ thuận, dấu / là chia, ý chỉ tỷ lệ nghịch. Bạn có thể tìm hiểu rõ hơn ý nghĩa của từng biến trong công thức trên ở bài viết công thức tiền mừng cưới, xem ở công thức thứ 4.

Khi mức độ thân thiết với cô dâu/chú rể không lớn, và người đi dự xác định số tiền mừng của họ không đáp ứng được kỳ vọng của cô dâu/chú rể. Khả năng đi dự đám cưới sẽ thấp.

Vấn đề đau đầu hay rơi vào trường hợp cuối cùng: mối quan hệ đủ thân thiết để người được mời chắc chắn sẽ đến dự.

Lúc này khi bị bó hẹp về kinh tế, người đi dự thường chọn giải pháp ngưỡng tối thiểu chấp nhận được, trong đó có tính đến trường hợp không để cô dâu/chú rể bị lỗ vốn cỗ bàn.

Có bất kỳ giải pháp nào tốt hơn không? Ngay cả khi số tiền mừng cưới của người được mời thấp hơn ngưỡng tối thiểu?

Trong trường hợp này, chúng ta quay lại công thức về sự hài lòng của cô dâu/chú rể:

Sự hài lòng của cô dâu/chú rể (trong quan hệ với người được mời) = Tiền mừng đám cưới kỳ vọng (của cô dâu/chú rể mong nhận được) + α*Đánh giá Mức độ nhiệt tình của người được mời Cảm thông

Ý nghĩa của các biến cũng được giải thích kỹ trong bài công thức tiền mừng cưới đã trích dẫn ở trên.

Người đi dự tiệc muốn Sự hài lòng của cô dâu/chú rể cao, trong khi tiền mừng đám cưới có thể không đáp ứng được kỳ vọng của cô dâu/chú rể, làm thế nào để cải thiện điểm số hài lòng?

Hai biến α và Cảm thông cũng nằm ngoài khả năng chi phối của người dự tiệc, vì đây là các biến phụ thuộc hoàn toàn vào trạng thái tâm lý của cô dâu/chú rể và là biến không thể cải thiện trong một hoàn cảnh cụ thể, thời điểm cụ thể. Do vậy người dự tiệc nên tập trung vào việc gia tăng mức độ nhiệt tình của bản thân mình, biến số mà họ có quyền làm chủ. Hơn nữa vì mức độ thân thiết cao với gia chủ, người dự tiệc có cơ hội để đạt điểm số này cao nhất có thể (điều mà những người không thân thiết khó có thể làm được).

Những hành vi cụ thể giúp cải thiện điểm số nhiệt tình bao gồm:

  • Tích cực hỗ trợ gia chủ trong buổi lễ
  • Tham gia trọn vẹn lễ cưới (hoặc ít nhất là trong khả năng tối đa của bạn)
  • Thái độ vui vẻ, trang phục trang trọng
  • Vân vân

Vài lời cuối

Người nhận được thiệp hồng, trong tình trạng kinh tế eo hẹp vẫn có thể có được trạng thái thoải mái nhất định nếu áp dụng cách thức hợp lý. Nên nhớ rằng ngoài tiền mừng thì thái độ, mức độ nhiệt tình của người dự là yếu tố mà nhiều cô dâu/chú rể đánh giá rất cao, thậm chí là cao hơn nhiều tiền mừng.

Còn phần này dành cho cô dâu/chú rể. Để đám cưới của cô dâu/chú rể vui vẻ hơn, các bạn nên cân nhắc danh sách khách mời, và mức độ sang trọng của buổi lễ sao cho hợp lý.

Danh sách khách mời chỉ bao gồm những người thân thiết sẽ giúp cho chính cô dâu/chú rể đỡ vất vả sau này khi phải trả nợ những nơi mời xã giao. Mức độ sang trọng của buổi tiệc phù hợp với đa số mọi người giúp giảm gánh nặng chi phí cho người được mời. Và đừng quên cảm thông cho người được mời nếu chẳng may họ không đáp ứng được kỳ vọng của bạn.

Các ví dụ Trích dẫn:

[1, 2]: https://www.webtretho.com/forum/f73/kinh-nghiem-bo-phong-bi-khi-di-dam-cuoi-ap-dung-cho-moi-truong-hop-2165456/index2.html

Back to Top