Categories SEO

Khối lượng tìm kiếm của từ khóa – Nhiều bí mật bạn chưa biết

khối lượng tìm kiếm của từ khóa

Khối lượng tìm kiếm của từ khóa là một trong những chỉ số quan trọng nhất và có lẽ là chỉ số được dùng thường xuyên nhất khi bất kỳ ai muốn thực hiện nghiên cứu từ khóa. Toàn bộ doanh nghiệp đang được xây dựng bằng sự phổ biến của các truy vấn tìm kiếm nhất định trên Google.

Nhưng càng nhiều công cụ nghiên cứu từ khóa gia nhập thị trường, người dùng bắt đầu để ý thấy chúng báo cáo thông số khối lượng tìm kiếm khác nhau cho cùng một từ khóa.

Và, điều quan trọng nhất, khối lượng tìm kiếm này thường khác với thông tin mà Google Keyword Planner / GKP cung cấp (hầu hết mọi người coi đây là nguồn dữ liệu về từ khóa chính xác duy nhất).

Vậy độ chính xác thông tin khối lượng tìm kiếm từ khóa của Ahrefs đến đâu?

Đội hỗ trợ của chúng tôi nhận được câu hỏi này gần như mỗi ngày. Vì thế tôi quyết định giải đáp nó ở đây với mức độ chi tiết nhất có thể.


Các công cụ nghiên cứu từ khóa lấy dữ liệu khối lượng tìm kiếm từ đâu?

Không có gì bí mật cả, phần lớn các công cụ nghiên cứu từ khóa lấy dữ liệu của họ từ Google Keyword Planner (theo cách trực tiếp, hoặc thông qua các dịch vụ chuyên lấy dữ liệu này và bán lại nó).

Vì thế nếu tất cả mọi người đều sử dụng GKP làm nguồn của họ, thì tại sao các công cụ khác nhau lại báo cáo khối lượng tìm kiếm khác nhau cho cùng một từ khóa?

Và tại sao, trong phần lớn trường hợp, nó không khớp với thông tin Google Keyword Planner cung cấp?

khối lượng tìm kiếm từ các công cụ nghiên cứu từ khóa

Lưu ý: Tôi không đưa dữ liệu khối lượng tìm kiếm của Ahrefs vào trong bảng so sánh này, bởi vì khối lượng tìm kiếm của chúng tôi được thiết kế thực sự khác so với GKP. Trong bài viết này, bạn sẽ tìm hiểu thêm về điều đó sau.

CHÚ Ý! Đừng sử dụng so sánh nhỏ này để xác định công cụ nào giống GKP nhất. Một bài kiểm tra 6 từ khóa không nói lên điều gì về tính chính xác cả. Tôi phải thực hiện bài kiểm tra ít nhất 100 ngàn từ khóa thì mới có sự so sánh công bằng hơn. Vì thế thử nghiệm nhỏ này chỉ minh họa là không có công cụ nào khớp với dữ liệu GKP trong 100% trường hợp.

Khối lượng tìm kiếm mà bạn thấy trong Google Keyword Planner là giá trị trung bình làm tròn của cả năm, có nghĩa là chia đều ra mười hai tháng.

Cùng xem xu hướng tìm kiếm cho truy vấn “independent films”:

xu hướng tìm kiếm trên GKP

Như bạn có thể thấy, từ khóa này gần đây đã mất đi tính phổ biến, vì thế trung bình năm trong GKP sẽ nhỏ hơn một chút mỗi tháng.

Điều này có nghĩa là tất cả các công cụ từ khóa sử dụng GKP như nguồn thông tin phải cập nhật khối lượng tìm kiếm tất cả các từ khóa của họ trong vòng một tháng để cung cấp dữ liệu “chính xác” nhất có thể.

Điều này là thử thách thực sự nếu bạn có vài triệu (hoặc thậm chí cả tỷ) từ khóa trong cơ sở dữ liệu, bởi vì Google không có API kéo khối lượng tìm kiếm về.

Đấy là lý do vì sao không có công cụ nào trong bảng so sánh bên trên báo cáo chính xác cho cả 6 từ khóa – họ không cập nhật cơ sở dữ liệu của mình đủ thường xuyên.


Độ chính xác của thông tin khối lượng tìm kiếm trong Adwords?

Hầu hết người dùng cảm thấy rất hạnh phúc nếu công cụ từ khóa họ chọn luôn hiển thị cùng một con số mà họ thấy trong Google AdWords.

Nhưng những người làm SEO chuyên nghiệp luôn đặt câu hỏi nghi vấn dữ liệu mà họ nhận được từ Google: “Bí mật không đẹp của Google Keyword Planner“.

Bên dưới là định nghĩa chính thức của khái niệm khối lượng tìm kiếm trong GKP:

Con số trung bình của số lượt tìm kiếm cho từ khóa này và các biến thể gần của nó dựa trên cài đặt nhắm mục tiêu và khoảng ngày bạn chọn. Bạn có thể sử dụng thông tin này để thấy được mức độ phổ biến của các từ khóa trong khoảng thời gian nhất định trong năm.

Vậy hãy đi sâu hơn một chút và xem điều gì ẩn đằng sau định nghĩa này.


Trung bình của cả năm

Trung bình năm là một điều khá thú vị.

Ý tôi là khi tôi xem xét từ khóa “Christmas / Giáng sinh”, nó có khối lượng tìm kiếm là 550 000 theo Google.

Nếu bạn tìm hiểu xu hướng năm cho truy vấn tìm kiếm này, bạn sẽ thấy rằng nó nhận được khoảng 100 ngàn tìm kiếm mỗi tháng cho hầu như cả năm, sau đó lên đến đỉnh điểm 3 triệu truy vấn trong tháng mười hai:

xu hướng khối lượng tìm kiếm

Vậy, thông tin trung bình của cả năm hữu ích đến đâu trong trường hợp này?

Christmas / Giáng sinh tất nhiên là trường hợp rất cá biệt, nhưng chủ yếu để bạn nhìn thấy điểm quan trọng. Hầu hết các truy vấn tìm kiếm không có khối lượng tìm kiếm bằng phẳng qua chiều dài cả năm, vì thế giá trị trung bình năm có thể khác với con số của tháng tới.


Làm tròn xuống

Cùng quay lại xu hướng năm cho truy vấn tìm kiếm “independent films”:

khối lượng tìm kiếm của từ khóa independent film

Một nửa báo cáo cho thấy khối lượng tìm kiếm vào khoảng 2400 và nửa còn lại là 2900.

Bạn chẳng cần phải là nhà thiên tài toán học Grigori Perelman để tính được con số trung bình qua 12 tháng là 2650.

Nhưng khối lượng tìm kiếm cho từ khóa “independent films” mà GKP cung cấp thực tế là 2400, bị cắt giảm đi 250 tìm kiếm.

Vâng, đấy là lý do vì sao trung bình năm mà GKP cung cấp là làm tròn xuống.

Điều đó làm cho con số vốn đã không chính xác lại càng không chính xác thêm nữa.


Các biến thể gần

Đoán xem điều gì xảy ra nếu tôi đưa vào 3 truy vấn này vào trong GKP để săm soi:

  • SEO
  • search engine optimization
  • search engine optimisation
các biến thể của từ khóa

Chúng sẽ kết hợp với nhau thành một từ khóa duy nhất:

các từ khóa cùng kết hợp

Vậy là Google không cho tôi thấy có bất kỳ sự khác biệt nào trong mức độ phổ biến tìm kiếm giữa ba từ khóa này, điều sẽ tạo khác biệt lớn nếu bạn muốn được xếp hạng tự nhiên, bởi vì các kết quả tìm kiếm cho ba truy vấn này khác biệt nhau tương đối.

Nhưng với người làm quảng cáo AdWords sự khác biệt trong kết quả tìm kiếm tự nhiên không thành vấn đề, vì quảng cáo của họ lúc nào cũng ở trên đầu cả. Vì thế GKP làm điều này hữu dụng cho người làm quảng cáo, nhưng người làm SEO thì không thấy vậy.


Các manh mối khác về khối lượng tìm kiếm trong các công cụ của Google

Giá “trị trung bình năm gần đúng” mà bạn thấy trong GKP không phải là cách duy nhất bạn đánh giá được mức độ phổ biến trong tìm kiếm của một từ khóa.

Họ cũng có công cụ gọi là Dự báo hiệu suất (Performance forecasts) để làm điều đó.

Để có nó, bạn cần thêm vài truy vấn vào kế hoạch của bạn, và sau đó click vào nút “Review plan / Đánh giá kế hoạch”:

dự báo hiệu suất

Từ đây, bằng một vài thao tác đơn giản đã được mô tả ở trang này, bạn có thể nhận được dữ liệu “hiển thị” cho danh sách từ khóa. Thậm chí cho các biến thể gần mà GKP đã ẩn đi trước đó:

thông tin các biến thể gần của từ khóa

Tôi đã kiểm tra khá nhiều lần một số từ khóa trong công cụ dự báo hiệu suất, và con số hiển thị luôn khác so với khối lượng tìm kiếm tự nhiên. Đúng là hài hước.

Nhưng trò vui này không kết thúc ở đây.

Có một nguồn dữ liệu nữa về khối lượng tìm kiếm trong Google, nhưng chỉ làm việc cho các từ khóa mà trang web của bạn đã được xếp hạng.

Tôi đang nói về Google Search Console.

Bài viết của tôi liên tục xếp hạng trong top3 Google cho truy vấn tìm kiếm “keyword reasearch / nghiên cứu từ khóa“, vì thế tôi có thể sử dụng GSC để tính toán con số hiển thị nó tạo ra trong 28 ngày qua:

số lần hiển thị trong GSC

Tôi nhận được gần 20 ngàn hiển thị cho từ khóa này trong 28 ngày qua. Nhưng làm thế nào mà GKP báo cáo khối lượng tìm kiếm chỉ có 5400 mỗi tháng cho từ khóa này? Khác biệt lên đến 5 lần!

Vì thế tôi thử đưa 5 từ khóa mà trang Ahrefs liên tục xếp hạng trong top5 kết quả tìm kiếm và so sánh với dữ liệu từ ba nguồn của Google (ở Hoa Kỳ):

  • Google Keyword Planner;
  • Dự báo hiệu suất (cũng trong GKP);
  • Google Search Console.
so sánh thông tin dữ liệu từ Google

Như bạn có thể thấy, không có sự nhất quán cao giữa các nguồn thông tin này.

Và cũng không có cách nào để biết được nguồn thông tin nào là chính xác nhất.


Clickstream – một nguồn mới cho dữ liệu từ khóa

Cảm giác chung nói cho chúng ta biết rằng Google là nguồn dữ liệu từ khóa duy nhất, bởi vì họ là người duy nhất biết được mọi người trên khắp thế giới tìm kiếm thông tin nào đó bao nhiêu lần.

Có cách nào khác để biết được mọi người tìm kiếm điều gì trên Google không?

Có và không.

, bởi vì một số ứng dụng bạn cài đặt trên máy tính và plugin bạn thêm vào trình duyệt yêu cầu sự cho phép của bạn để thu thập một số dữ liệu nhất định.

Điều này gọi là Clickstream.

Sau đó các ứng dụng và plugin này bán dữ liệu clickstream của họ cho các công ty lớn hơn. Các công ty lớn hơn này tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn nhất họ có thể để bán lại cho các công ty như Ahrefs, và rồi chúng tôi làm nhiều thứ hay ho với nó.

KHÔNG, bởi vì số người trên toàn thế giới có các ứng dụng clickstream trong máy tính của họ là tương đối nhỏ.

Lưu ý. Trong trường hợp bạn cảm thấy lo lắng rằng ai đó (bên cạnh Google, Apple & Microsoft) có thể theo dõi bạn thì hãy thư giãn nào. Tất cả các ứng dụng hợp pháp này chỉ thu thập dữ liệu clickstream ẩn danh. Và sau đó họ kết hợp dữ liệu của bạn với dữ liệu của chúng tôi, vì thế họ biết cả hai chúng ta tìm kiếm điều gì trên Google, nhưng không biết chính xác người nào tìm kiếm điều gì.

Vì thế, nhìn chung, các dữ liệu thô clickstream không thể được xem là nguồn dữ liệu đáng tin cậy, thậm chí nếu bạn tìm được tất cả những người bán lại dữ liệu và mua toàn bộ dữ liệu clickstream hiện có.

Nhưng dữ liệu clickstream rất hữu dụng khi bạn tham chiếu chéo nó với dữ liệu từ Google Keyword Planner.

Đó chính xác là những gì chúng tôi làm ở Ahrefs.

Và dưới đây tôi sẽ lý giải vì sao nó lại rất tuyệt:


Cập nhật hàng tháng

Nhờ Clickstream, chúng tôi có thể dễ dàng cập nhật khối lượng tìm kiếm của chúng tôi mỗi tháng và nắm bắt được tất cả các xu hướng:

dữ liệu của ahrefs

Nhân tiện, ngay lúc này chúng tôi tính toán khối lượng tìm kiếm trung bình qua 30 tháng, nhưng rất có thể sẽ chuyển qua trung bình 12 tháng sớm thôi.

Lưu ý: Các con số về khối lượng tìm kiếm trong Ahrefs cũng là con số gần đúng phần nào, nhưng chỉ để làm nó trông đẹp và tiện dụng hơn. Chúng tôi không sử dụng bất cứ cách thức nào để làm xáo trộn dữ liệu về khối lượng tìm kiếm.


Không nhóm các biến thể gần nhau

Chúng tôi có thể tách nhóm các biến thể gần nhau mà Google Keyword Planner đã nhóm vào trước đó:

bỏ nhóm từ khóa

Khối lượng tìm kiếm ≠ Click

Sự thực là khi mọi người tìm điều gì đó không có nghĩa là họ sẽ click vào bất kỳ kết quả nào trả về.

kết quả trả về cho tìm kiếm về tuổi của donal trump

Như bạn có thể thấy, rất nhiều người đã tìm kiếm từ khóa “Donald Trump age / tuổi của Donald Trump” trong cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, nhưng ít khi click vào kết quả tìm kiếm, bởi vì Google đã cung cấp câu trả lời ngay lập tức cho truy vấn này:

tuổi của donald trump

Nếu bạn muốn xem hiệu ứng tương tự với tiếng Việt, có thể tra từ khóa “hoài linh bao nhiêu tuổi”:

Tỷ lệ click chỉ có 40%, không click là 60%:

Hoài Linh bao nhiêu tuổi click

Cũng vậy, nguyên nhân là vì Google thông báo thông tin này ngay trên trang kết quả tìm kiếm:

Google trả lời tuổi của Hoài Linh

Nhưng còn nữa!

Hãy xem hình chụp màn hình sau:

clickstream

Tại sao, dù có gần như cùng lưu lượng truy cập cho vị trí xếp hạng đầu tiên (#1) trên Google cho hai từ khóa, nhưng khối lượng tìm kiếm của chúng lại khác nhau tới hơn 5 lần?

À vâng, chúng tôi sử dụng dữ liệu clickstream để xác định đường cong CTR cho mỗi từ khóa cụ thể (khi mà chúng tôi có đủ dữ liệu chắc chắn).

Vì thế với từ khóa “moz” chúng tôi thấy có 55% lượng click là dành cho vị trí số 1. Cái này là dễ hiểu, vì đây là truy vấn tìm kiếm thương hiệu.

Và với từ khóa “SEO”, chúng tôi thấy chỉ khoảng 10% click là dành cho vị trí số 1, bởi vì hầu hết người tìm kiếm không thực sự click nào bất cứ kết quả nào khi họ tìm nó (62% không click vào bất cứ kết quả nào):

hầu hết không click vào kết quả tìm kiếm

Điều này khá thú vị phải không?

Nhưng còn một điều cuối cùng bạn cần biết về khối lượng tìm kiếm.


CHÚ Ý: Khối lượng tìm kiếm là dự đoán rất tệ cho lưu lượng truy cập có được từ tìm kiếm

Điều này nghe có vẻ phản trực giác, nhưng tôi có một ví dụ tuyệt vời để minh họa cho quan điểm của mình.

Nào cùng so sánh khối lượng tìm kiếm của các từ khóa sau:

so sánh khối lượng tìm kiếm

“SEO tips” có khối lượng tìm kiếm gần gấp đôi so với “submit website to search engiens”. Có phải bạn cho rằng nếu bạn được xếp hạng ngang nhau cho 2 từ khóa này thì từ có khối lượng tìm kiếm cao hơn sẽ đem lại nhiều lưu lượng truy cập hơn, có phải không?

SAI !

Chúng tôi đưa hai trang xếp hạng đầu tiên cho cả hai truy vấn này vào Ahrefs để xem có bao nhiêu truy cập tìm kiếm chúng nhận được tổng cộng:

tổng lưu lượng tìm kiếm

Như vậy là trang được xếp hạng cho từ khóa “SEO tips” nhận được lưu lượng truy cập kém 10 lần so với trang được xếp hạng cho từ khóa “submit website to search engines”, mặc dù “SEO tips” có khối lượng tìm kiếm cao hơn 2 lần.

Bởi vì một trang web hiếm khi được xếp hạng trên Google chỉ cho một từ khóa duy nhất.

Trong thực tế, nghiên cứu vừa mới tiến hành của chúng tôi cho thấy một trang xếp hạng trong top3 cũng được xếp hạng cho khoảng 1000 từ khóa đuôi dài khác.

Và đây là điều đang xảy ra trong trường hợp cụ thể này.

“SEO tips” là truy vấn tìm kiếm khá cụ thể và không có quá nhiều cách thay thế cho nó:

  • Seo tips / Mẹo Seo — 2,700 
  • seo optimization tips / mẹo tối ưu seo — 500
  • seo tips and tricks / mẹo và thủ thuật seo— 300
  • google seo tip / mẹo seo google — 100
  • easy seo tips / các mẹo seo dễ dàng — 30
  • tips for seo / các mẹo cho seo — 20

Vì thế tổng khối lượng tìm kiếm của nhóm các truy vấn này hầu như ngưng tụ vào “SEO tips” – cái rõ ràng là cách tốt nhất để đưa vào thanh tìm kiếm.

Về tổng thể trong trường hợp từ khóa trên, số lượng các truy vấn tìm kiếm liên quan khá hạn chế, đấy là lý do tại sao trang xếp hạng đầu tiên cho “SEO tips” chỉ xếp hạng cho tổng cộng 148 từ khóa.

Từ khóa “Submit website to search engines” có rất nhiều cách khác nhau trong ý nghĩa này. Có nhiều cách thay thế khác để diễn đạt yêu cầu này, tất cả chúng nghe có vẻ khá hợp lý:

  • submit website to search engines / gửi website cho máy tìm kiếm — 1,300
  • submit site to search engines / gửi site cho máy tìm kiếm — 500
  • submit url to search engines / gửi url cho máy tìm kiếm— 500
  • submit to search engines / gửi cho máy tìm kiếm— 300
  • submitting site to search engines / gửi site cho máy tìm kiếm — 300
  • add website to search engines /thêm website cho máy tìm kiếm — 250
  • submitting to search engines / gửi cho máy tìm kiếm — 200
  • submitting page to google / gửi trang cho google — 200
  • submitting my website to google / gửi website của tôi cho google— 200
  • submitting your website to google / gửi website của bạn cho google — 200
  • submit urls to search engines / gửi các url cho máy tìm kiếm— 200
  • & rất nhiều cái khác nữa

Đây là cách mà trang xếp hạng đầu tiên cho từ khóa “submit website to search engines” trên Google đồng thời cũng được xếp hạng cho gần 4000 từ khóa khác, tất cả bọn chúng đem lại cho trang hàng ngàn lượt truy cập tìm kiếm.

Và bạn sẽ không bao giờ khám phá ra được các cơ hội có nguồn truy cập khủng nếu bạn chỉ chăm chăm nhìn vào khối lượng tìm kiếm mà không phân tích các trang đứng đầu.

Lưu ý: Đây là một ví dụ thú vị khác về câu truy vấn tìm kiếm mà ở đó lưu lượng truy cập không khớp với khối lượng tìm kiếm: “cool wallpapers / ảnh nền đẹp” và “how to check your credit score / cách kiếm tra điểm tín dụng của bạn”.

Nếu bạn sử dụng Ahrefs, chúng tôi có công cụ khá hay SERP Checker bên trong Keywords Explorer, nơi chúng tôi kéo 10 trang xếp hạng đầu tiên cho từ khóa của bạn và cho bạn thấy có bao nhiêu lưu lượng truy cập chúng nhận được tổng cộng (bên cạnh nhiều chỉ số hữu dụng khác):

SERP checker

Tôi biết có rất nhiều cám dỗ để có tiền giả định là khối lượng tìm kiếm của từ khóa và tổng lưu lượng truy cập các trang đứng đầu nhận được có mối tương quan cao với nhau, nhưng hiện chúng tôi đang thực hiện một nghiên cứu chứng minh điều ngược lại:

khối lượng tìm kiếm và lưu lượng truy cập không tương quan

Nhưng tôi sẽ đăng kết quả của nghiên cứu này trong một bài viết riêng khác, sau khi chúng tôi hoàn thành nó và kiểm tra cẩn thận các con số.


Lời cuối

Google tốt dần qua năm tháng ở khía cạnh hiểu được tất cả các kiểu truy vấn tìm kiếm riêng biệt mà mọi người nhập vào.

Điều đấy nghĩa là kiểu tìm kiếm “đuôi dài” thậm chí còn dài hơn và khối lượng tìm kiếm của một từ khóa cụ thể trở nên ngày càng lỗi thời.

Vì thế nếu bạn chưa sẵn sàng xây dựng chiến lược SEO của bạn quanh “chủ đề” thay vì “từ khóa”, thì đây là lúc để áp dụng kiểu tư duy mới này.

(Dịch từ bài viết Keyword Search Volume: Things you didn’t know you don’t know – Tác giả: Tim Soulo – Website: Ahrefs Blog)

Comments are closed.

Back to Top