Categories Content marketing

Hướng dẫn căn bản về nhận thức thương hiệu (Brand Awareness)

Tìm hiểu cách nâng cao nhận thức thương hiệu (brand awareness) của bạn và tác động tích cực đến các hoạt động marketing của bạn, cảm nhận của khách hàng (customer perception) và cả doanh thu.

Bạn đã từng nghe mọi người gọi bản thân họ là “tín đồ Apple”, “tín đồ Nike”, hay “tín đồ của Trader Joe” chưa?

Đây chính là tác dụng của nhận thức thương hiệu đối với một nhãn hiệu: khiến bản thân nó ăn sâu bén rễ in dấu vào trong sinh hoạt và thói quen mua sắm của mọi người đến mức người tiêu dùng không cần phải nghĩ đến lần thứ hai trước khi trở thành khách hàng, hết lần này đến lần khác.

Bài hướng dẫn này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhận thức thương hiệu, tạo dựng nó trong nhóm khách hàng tiềm năng và tạo lập những chiến dịch mà liên tục gia tăng nhận thức thương hiệu và biến đổi lựa theo doanh nghiệp của bạn. Bắt đầu thôi nào.


Nhận thức thương hiệu là gì?

Nhận thức thương hiệu đại biểu cho mức độ quen thuộc giữa khách hàng mục tiêu của bạn với nhãn hiệu của bạn và mức độ nhận thức rõ ràng của họ. Những nhãn hiệu có độ nhận thức thương hiệu cao thường được gọi là “trending,” (đang tạo xu hướng) “buzzworthy” (có khả năng khơi dậy sự chú ý và bàn tán của công chúng thông qua phương tiện truyền thông hay truyền miệng), hay đơn giản là “popular”(nổi tiếng).

Việc tạo dựng nhận thức thương hiệu có giá trị khi marketing và quảng bá công ty cùng sản phẩm của bạn đến với khách hàng, đặc biệt là trong những giai đoạn ban đầu của doanh nghiệp.

Nhận thức thương hiệu có vẻ như là một khái niệm mơ hồ và thực tế thì đúng như vậy. Với những nhà marketer và chủ doanh nghiệp ngoài kia mà muốn đo kiểm thành công bằng những con số rõ ràng rành mạch, thì nhận thức thương hiệu dễ sẽ làm bạn xù lông lên đấy.

Thế nhưng chỉ vì nó không phải là chuẩn đo mà bạn có thể hoàn toàn xác định được không có nghĩa là nó không chứa đựng giá trị. Nhận thức thương hiệu cực kỳ quan trọng với thành công và mục tiêu marketing tổng thể (overall marketing goals) của doanh nghiệp. Dưới đây là những nguyên nhân giải thích tại sao như vậy.


Nhận thức thương hiệu bồi dưỡng uy tín

Trong một thế giới mà người dùng dựa vào khảo sát chuyên sâu và ý kiến của người khác trước khi làm một cuộc mua bán đơn giản, thì uy tín của nhãn hiệu là tất cả.

Một khi người tiêu dùng gắn bó với nhãn hiệu của bạn, họ có nhiều khả năng sẽ trở thành khách quen mà không hề hoặc ít khi đắn đo trước khi mua –mà sau đó sẽ làm cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa uy tín nhãn hiệu và lòng trung thành của khách hàng.

Nhận thức thương hiệu tạo nên uy tín cho nhãn hiệu đó. Khi bạn khoác lên một gương mặt ai cũng biết cho tên nhãn hiệu của mình thì người tiêu dùng có thể dễ dàng tin tưởng nhãn hiệu của bạn hơn.

Nhận thức thương hiệu đem đến cá tính và cổng truyền thông biểu đạt chân thật cho nhãn hiệu của bạn, thu về phản hồi và kể một câu chuyện. Đây là toàn bộ những quá trình mà chúng ta, con người, tạo dựng lòng tin với nhau. Quan hệ con người/nhãn hiệu cũng không khác gì.


Nhận thức thương hiệu tạo ra liên tưởng

Khi bạn bị giấy cắt vào tay, tôi cá bạn sẽ dán băng che vết thương Band-Aid. Khi bạn có câu hỏi cấp thiết tôi chắc chắn là bạn sẽ tra Google. Khi bạn cần phô tô tài liệu, tôi đoán là bạn dùng máy photocopy Xerox. Và khi bạn gói ghém chuẩn bị cho chuyến dã ngoại thú vị, tôi sẵn lòng cá rằng bạn đã vớ lấy một lon Cocacola mang theo để uống.

Tôi nói đúng chứ? Chắc là hầu hết đúng. Nhưng … hãy chú ý một số từ được viết hoa ở trên. Đây là những nhãn hiệu chứ không phải danh từ hay động từ.

Nói theo những thuật ngữ phi nhãn hiệu/brand-less, thì Band-Aid nên là băng dán vết thương, Google, là một công cụ tìm kiếm, và Xerox là một máy photocopy. Nhưng nhắc đến chính nhãn hiệu thì sẽ hay hơn, kể cả nếu chúng ta sẽ không sử dụng sản phẩm cụ thể của họ.

Đó chính là nội dung của nhận thức thương hiệu. Nó liên kết hành động và sản phẩm với những nhãn hiệu cụ thể, vô thức khuyến khích chúng ta thay thế những từ phổ thông bằng các thuật ngữ nhãn hiệu. Và trước khi bạn nhận thức được điều đó thì những vết đứt tay do giấy hay các chuyến dã ngoại đã đang làm marketing cho chúng ta rồi.


Nhận thức thương hiệu gây dựng tài sản thương hiệu

Tài sản thương hiệu mô tả giá trị của một thương hiệu, mà được quyết định bởi trải nghiệm của người tiêu dùng về nhãn hiệu cũng như là cảm nhận chung (overall perception) về nhãn hiệu. Những trải nghiệm và cảm nhận tích cực tương ứng với tài sản thương hiệu tích cực và cũng tương tự như với trường hợp cảm nhận tiêu cực về nhãn hiệu.

Dưới đây là một vài giá trị đến từ tài sản thương hiệu tích cực:

  • Giá cao hơn nhờ giá trị cảm nhận (perceived value) cao hơn
  • Giá cổ phiếu cao hơn
  • Khả năng phát triển kinh doanh thông qua mở rộng dòng sản phẩm hay dịch vụ
  • Ảnh hưởng xã hội lớn hơn nhờ giá trị tên thương hiệu

Làm cách nào mà một nhãn hiệu gây dựng (và gia tăng) được tài sản thương hiệu? Thông qua tạo dựng nhận thức thương hiệu và nhất quán thúc đẩy gia tăng các trải nghiệm tích cực với nhãn hiệu. Nhận thức thương hiệu là căn cơ nền tảng của tài sản thương hiệu.

Sau khi người tiêu dùng nhận thức được một nhãn hiệu thì họ bắt đầu nhận ra nó mà không cần có trợ giúp, tìm ra nó để mua hàng, bắt đầu ưu ái nó hơn các nhãn hiệu tương tự khác, và tạo nên lòng trung thành mà không chỉ khuyến khích thôi thúc họ mua tiếp mà còn truyền cảm hứng giới thiệu cho bạn bè và gia đình.

Các bạn của tôi ơi, đó là lý do tại sao nhận thức thương hiệu lại quan trọng đến thế đấy. Nó tạo dựng lòng tin uy tín với khách hàng của bạn, tạo lập những mối liên tưởng tích cực và tạo nên tài sản thương hiệu vô cùng giá trị mà cho phép nhãn hiệu của bạn trở thành một cái tên người người đều biết và nhu yếu phẩm của người tiêu dùng.


Cách để gây dựng nhận thức thương hiệu

Việc gây dựng nhận thức thương hiệu trong khách hàng mục tiêu của bạn và đại chúng không phải chuyện một sớm một chiều. Cũng chẳng làm được chuyện này từ một quảng cáo hay chiến dịch marketing đơn giản.

Nhận thức thương hiệu mạnh mẽ là kết quả của nhiều hoạt động đồng thời mà còn hơn cả việc cố gắng thu hút được khách hàng trả tiền cho sản phẩm dịch vụ của bạn.

Nếu bạn kỳ vọng tăng nhận thức nhãn hiệu của mình thông qua việc chạy vài quảng cáo sản phẩm trên Facebook, thì bạn sẽ chẳng tiến được xa lắm đâu. Người tiêu dùng không những sẽ chỉ chú trọng vào sản phẩm (không phải thương hiệu) mà quảng cáo đó cũng sẽ thiếu ảnh hưởng không hơn gì một cuộc mua bán đơn thuần.

Dưới đây là một số cách để tạo lập nhận thức thương hiệu vững chắc và gây ảnh hưởng dài lâu đến khách hàng của bạn:


Hãy là một con người chứ không phải một công ty

Khi bạn làm quen với một người bạn mới, bạn muốn khám phá điều gì ở họ? Tôi muốn biết về mối quan tâm, đam mê, sở thích và sở ghét cùng nhiều điều khác ở họ. Tôi muốn để ý cách họ nói, chuyện họ thích tám và những thứ khiến họ hào hứng.

Đây chính là những đặc tính mà nhãn hiệu của bạn nên xác định và tự quảng bá về chúng. Để tác động được đến khách hàng, bạn phải định nghĩa bản thân vượt ra ngoài một công ty chỉ bán hàng. Bạn sẽ định nghĩa bản thân theo cách khác như thế nào? Bạn sẽ dùng những từ nào nếu phải giới thiệu nhãn hiệu của mình đến một người bạn mới?


Xã hội hóa

Hướng nội hay hướng ngoại, bạo dạn năng nổ hay trầm tĩnh dè dặt, mọi người đều hưởng lợi từ quan hệ xã hội và việc dành thời gian với nhau. Nó là cách chúng ta giữ kết nối, học hỏi những điều mới và trở nên quen biết lẫn nhau.

Quy luật này áp dụng tương tự với nhãn hiệu của bạn. Nếu bạn chỉ nỗ lực kết nối với những người khác khi cố bán được hàng hay giành giật sử ủng hộ, người ta sẽ chẳng biết gì đến bạn ngoài một doanh nghiệp có một mục đích (với cá nhân cũng thế).

Để tăng nhận thức về thương hiệu của bạn, bạn phải quảng giao. Hãy đăng tải lên truyền thông xã hội những thứ không liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ của bạn.

Tương tác với khách hàng của mình thông qua đặt câu hỏi, bình luận vào bài đăng hoặc tweet lại hay chia sẻ nội dung mà bạn thích. Dùng tài khoản xã hội của mình như thể bạn đang là một người cố gắng kết bạn, chứ không phải một doanh nghiệp cố kiếm tiền.

Trên 50% danh tiếng thương hiệu (brand reputation) đến từ online sociability (tính quảng giao liên hệ xã hội trực tuyến). Giao thiệp rộng rãi đem đến mức độ nhận thức lớn hơn và đơn giản là được mọi người biết đến.


Kể một câu chuyện

Kể chuyện là một chiến thuật marketing cực kỳ hữu dụng, dù bạn đang marketing sản phẩm hay quảng bá nhãn hiệu của mình. Tại sao ư? Bởi vì nó đem đến thứ gì đó chân thật để khách hàng của bạn đeo đuổi.

Việc bạn sáng tạo một câu chuyện xoay quanh nhãn hiệu sẽ nhân tính hóa và đem đến chiều sâu cho nhãn hiệu đó. Và đan kết câu chuyện đã nói này vào việc marketing của bạn thì vốn đã tiếp thị nhãn hiệu của bạn bên cạnh những sản phẩm hay dịch vụ mà bạn cung cấp rồi.

Câu chuyện của bạn nên có nội dung gì? Bất cứ điều gì miễn là nó đúng sự thật. Nó có thể là tường thuật về nhà sáng lập doanh nghiệp, câu chuyện về quá trình ra đời ý tưởng sản phẩm đầu tiên của doanh nghiệp, hay câu chuyện cổ tích little-engine-that-could (câu chuyện cổ tích về một đầu máy xe lửa “nhỏ mà có võ”) về quá trình doanh nghiệp nhỏ của bạn đi đến thành công trong thế giới to lớn này.

Mọi người thích nghe những câu chuyện về nhau. Tính xác thực gây ra ảnh hưởng và có thể dẫn đến tăng mạnh nhận thức thương hiệu.


Khiến việc chia sẻ trở nên dễ dàng

Dù bạn có làm ăn trong ngành nào, bán sản phẩm gì hay có chiến lược marketing ra sao thì hãy khiến khách hàng của mình dễ dàng chia sẻ được nội dung của bạn. Việc này có thể là các bài đăng blog, nội dung được tài trợ, video, bài đăng trên truyền thông xã hội hay các trang sản phẩm. Cách làm thế nào không quan trọng, miễn sao có thể chia sẻ nó là được.

Marketing truyền miệng (word-of-mouth) là con đường hiệu quả nhất để tạo dựng lòng tin và sự quen thuộc trong khách hàng. Nếu ai đó thấy một người bạn hay người thân trong gia đình đang giới thiệu đề xuất một sản phẩm hay dịch vụ, họ sẽ chú ý đến sản phẩm … và thương hiệu đó. Liệu nhãn hiệu này có đáng tìm hiểu không? Họ có những sản phẩm tuyệt vời khác mà tôi có thể tin tưởng được không? Tài khoản xã hội của họ thế nào và họ nói về những điều gì?

Nếu bạn khiến họ dễ dàng đăng tải được nội dung của bạn thì khách hàng sẽ tăng nhận thức thương hiệu cho bạn đơn giản chỉ bằng việc nhấp vào “Share/chia sẻ”.


Nhận thức thương hiệu là về tầm ảnh hưởng.

Nội dung của nhận thức thương hiệu là sự tương tác với khách hàng của bạn theo những cách mà không chỉ nhắm vào các mục đích kiếm tiền, thu hút sự tham gia hay lòng trung thành của họ.

Tưởng tượng rằng nếu bạn gặp một người mới muốn trở thành bạn của bạn. Nếu họ hỏi xin bạn bất cứ điều nào trong số trên thì hẳn là bạn sẽ cười và bỏ đi, phải không? Đó không những là một cách nông cạn để tiếp cận đến tình bạn mà còn không gây ấn tượng ảnh hưởng bền vững đối với bạn.

Việc tạo dựng nhận thức thương hiệu trong khách hàng tiềm năng của bạn cũng như thế.


Cách gia tăng nhận thức thương hiệu

Thế còn việc phát triển nhận thức thương hiệu đã có của bạn và tạo lập trên nền tảng vững chắc đó thì sao? Bạn có thể làm gì với tư cách một nhãn hiệu làm chiến dịch về nhận thức và liên tục gia tăng nhận thức đó?

Dưới đây là một vài ý tưởng chiến dịch mà sẽ nâng cao nhận thức thương hiệu của bạn:

Cung cấp lựa chọn freemium (bán trả phí)

Freemium là một mô hình kinh doanh cung cấp một sản phẩm cơ bản hay một dòng sản phẩm miễn phí, khách hàng chỉ thanh toán cho bất cứ sản phẩm nào thuộc diện trả phí hay ở cấp độ doanh nghiệp. Nó là một chiến lược pricing (định giá) phổ biến cho các công ty phần mềm như là HubSpot và Trello.

Cung cấp lựa chọn freemium cho phép khách hàng thử nghiệm thương hiệu và sản phẩm của bạn trước khi mua. Nó là một cơ hội thử-trước khi-bạn-mua mà về cơ bản thì có thể kéo dài vĩnh viễn (trái ngược với giai đoạn dùng thử mà nhiều công ty chọn).

Tình trạng phổ biến thường thấy là việc cung cấp một lựa chọn freemium với điều kiện là hình mờ của nhãn hiệu sẽ được hiển thị trên bất cứ phần nào của sản phẩm hay dịch vụ mà hướng về phía công chúng. Điều này biến freemium trở thành tình huống đôi bên cùng có lợi: khách hàng có được sản phẩm miễn phí, và nhãn hiệu được quảng cáo miễn phí khi khách sử dụng nó.

TypeForm là một ví dụ tiêu biểu khác cho hình thức này. TypeForm cung cấp một lựa chọn freemium cho phần mềm điều tra khảo sát của nó, nhưng khách hàng phải đưa vào một trang cảm ơn có in logo TypeForm và thông điệp của nó.

Tùy thuộc vào loại hình kinh doanh và sản phẩm bạn bán mà Freemium có thể là cách lý tưởng nhất để gia tăng nhận thức về nhãn hiệu của bạn trong khách hàng.

Sản xuất nội dung miễn phí

Ngày nay, sản xuất nội dung dễ dàng hơn bao giờ hết … đây là một điều có lợi vì người tiêu dùng ngày nay tìm đến mạng internet để tìm kiếm đáp án cho bất cứ và toàn bộ những thắc mắc, quan ngại và các dự án DIY.

Nội dung là một cách hay ho để tăng nhận thức về thương hiệu của bạn vì nó là con đường dễ dàng nhất để thể hiện cá tính và chia sẻ quan điểm cùng với đặt vị trí của bạn trong các vấn đề — hai bộ phận chính mà sẽ cá tính hóa và nhân tính hóa thương hiệu của bạn.

Nội dung cũng không cần phải ở dạng chữ. Bạn cũng có thể sản xuất video, infographic, podcast (chúng tôi sẽ trình bày dưới đây) và những dạng thức khác. Tất nhiên là người ta có thể cho rằng nội dung chữ như là blog và các cẩm nang tải về được là dễ làm nhất, nhưng đó chắc chắn không phải là lựa chọn duy nhất.

Nội dung cũng không phải chỉ sống trên trang web của bạn. Khách đăng bài và nội dung được tài trợ đem đến những cơ hội xuất hiện trước mắt khách hàng mới cũng như là đa dạng hóa loại nội dung mà bạn sản xuất.

Nếu nhãn hiệu của bạn không sản xuất nội dung, có thể bạn đang bỏ lỡ một số cơ hội nhận thức thương hiệu quan trọng đấy. Nội dung cung cấp một cách thức tuyệt vời để kết nối thực sự với khách hàng của bạn đồng thời đưa tên nhãn hiệu của bạn đến trước mắt mọi người.

Sự kiện được tài trợ

Bạn đã tham gia bao nhiêu lễ hội, buổi hòa nhạc, hội trợ và triển lãm rồi? Những kiểu sự kiện này thường khó mà thành được nếu thiếu đi tài trợ của các nhãn hiệu (hãy xem áo thun, áo koozie, hay balo rút dây mà bạn có thể nhận được từ sự kiện đó. Có thấy tên nhãn hiệu nào không?)

Tài trợ sự kiện là một cách chắc ăn để đưa nhãn hiệu của bạn đến trước mắt hàng trăm, hàng ngàn hay hàng triệu người mà có thể rơi vào nhóm khách hàng mục tiêu của bạn. Từ những biểu ngữ đến tờ rơi tới các chai nước, tên nhãn hiệu của bạn sẽ xuất hiện ở mọi nơi nếu bạn tài trợ cho một sự kiện.

Tài trợ một sự kiện cũng cho phép bạn khắc tên nhãn hiệu của mình vào một sự kiện phù hợp với cá tính, sở thích và đam mê của bạn, có nghĩa là khi đó người tiêu dùng sẽ liên tưởng nhãn hiệu của bạn với sự kiện đó cùng với nhân vật và tính thẩm mỹ của nó.

Hãy xem xét trường hợp Red Bull. Red Bul là một loại đồ uống tăng lực, và không có bất cứ hoạt động gia tăng nhận thức thương hiệu nào, thì chúng ta đơn giản sẽ chỉ coi nó là một loại đồ uống tăng lực. Nhưng ơn giời là Red Bull đã làm marketing tới cực hạn – theo nghĩa đen luôn – thông qua tài trợ các sự kiện thể thao cực hạn như là cliff diving (nhảy từ vách núi lặn xuống biển) và motocross (đua xe mô tô địa hình). Công ty này cũng tài trợ vận động viên. Giờ đây, chúng ta vốn đã liên tưởng Red Bull với cá tính táo bạo và phiêu lưu mạo hiểm … và tin rằng nếu ta uống nó, ta có thể giống như vậy.

Hãy trao cho thương hiệu của bạn một cá tính

Hãy đối xử với thương hiệu của bạn như một con người và xác định câu chuyện của bạn là những bước đầu tiên để trao cho thương hiệu của bạn một cá tính. Bước tiếp theo sẽ là truyền cá tính này vào trong các hoạt động marketing của bạn.

Khi bạn tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của mình với cá tính, bạn sẽ buộc lòng phải tăng nhận thức thương hiệu của mình vì nhãn hiệu của bạn sẽ tỏa sáng xuyên suốt quá trình. Chắc chắn là khách hàng của bạn sẽ chú ý đến những chiếc quần hay loại mỳ pasta mà bạn đang tiếp thị, nhưng họ cũng sẽ trải nghiệm cá tính của bạn thông qua việc quảng cáo mà bạn làm.

Đây là một chiến lược tuyệt vời khi kết hợp chiến dịch marketing truyền thống với các chiến dịch nhận thức thương hiệu. Chúng không hẳn luôn phải là đồng nhất, nhưng chắc chắn là chúng có thể trở thành một thể.

Xem xét nhãn hiệu Old Spice nhé. (Bạn có hình dung ra người đàn ông ngồi trên lưng ngựa không? Tôi thì có đấy) Quảng cáo của họ về các sản phẩm vệ sinh tràn ngập cá tính và hài hước cũng như là công ty này vẫn nhắc đến sản phẩm của họ xuyên suốt quảng cáo. Quảng cáo này không chỉ tác động đến người xem, mà chỉ một lời nhắc đến “người đàn ông Old Spice” cũng khiến người tiêu dùng quay lại YouTube để xem quảng cáo … và tới cửa hàng để mua một vài sản phẩm khử mùi.

Sản xuất podcast

Năm ngoái, trên sáu triệu người đã bắt đầu nghe podcast. Không nghi ngờ gì nữa về việc podcast giữ vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta … và trong hoạt động marketing.

Podcast đã từng là một phương thức phức tạp mà chỉ do những người có studio và microphone ảo diệu sản xuất. Giờ đây thì sản xuất cùng với xuất bản một podcast dễ hơn bao giờ hết và làm như vậy có thể mang đến nhiều điều kỳ diệu cho hoạt động nâng cao nhận thức thương hiệu của bạn đấy.

Tại sao ư? Bởi vì podcast, giống như nội dung bằng chữ hay nội dung trực quan, đem đến một con đường để kết nối chân thực với khách hàng của bạn. Thay vì quảng cáo lồ lộ sản phẩm hay dịch vụ của bạn (mà chúng tôi đã nhất trí rằng không phải là cách hiệu quả nhất để nâng cao nhận thức thương hiệu), podcast đem đến cho bạn cơ hội để giáo dục, thông tri, giải trí hay tư vấn cho khách hàng của bạn cũng như là gây dựng lòng tin uy tín thông qua làm những việc đó.

Dưới đây là một số ví dụ về những podcast chất lượng do các nhãn hiệu sản xuất mà bạn biết và yêu quý:

  • #LIPSTORIES bởi Sephora
  • Trailblazers bởi Dell
  • The Growth Show bởi HubSpot

Bạn thấy cách những nhãn hiệu này lựa chọn những chủ đề podcast mà liên quan đến 1) thông điệp thương hiệu tổng thể của họ và 2) sản phẩm hay dịch vụ của họ không? Làm thể này giúp bạn liên hệ podcast với nhãn hiệu của họ và cũng tiếp tục tăng nhận thức nữa.

Gây dựng và phát triển nhận thức thương hiệu là một quá trình không có hồi kết cũng giống như là việc duy trì tình bạn hay một mối quan hệ thực sự không bao giờ chấm dứt.

Nâng cao nhận thức thương hiệu của bạn thông qua các chiến dịch đem đếm cho bạn cơ hội để xông xáo thử những cơ hội marketing và quảng cáo mà đáng ra bạn sẽ không đầu tư vào — tức là những con đường mới mẻ hữu dụng để kết nối với khách hàng của bạn.


Cách đo kiểm nhận thức thương hiệu

Làm cách nào để bạn biết được liệu các hoạt động nhận thức thương hiệu của mình đang có hiệu quả? Làm sao mà bạn biết được liệu bạn có cần thay đổi đường lối phương hướng, dẫn đầu cạnh tranh hay khắc phục một cuộc khủng hoảng không? Cũng giống như bất cứ chuẩn đo marketing nào khác, bạn đo kiểm nó.

Đợi đã… Tôi tưởng các bạn bảo là không thể đo kiểm được nhận thức thương hiệu cơ mà

À há! Bạn vẫn đang lắng nghe điều chúng tôi nói. Tôi đánh giá cao điều đó.

Bạn đúng đấy — không thể đo kiểm được nhận thức thương hiệu theo nghĩa truyền thống. Thế nhưng, bạn vẫn có thể đánh giá các hoạt động và những chuẩn đo mà sẽ giúp bạn đo lường được vị trí nhãn hiệu của bạn hiện đứng về mặt độ phổ biến và nhận thức của người tiêu dùng.

Dưới đây là vài cách để đo kiểm nhận thức thương hiệu của bạn và tìm hiểu chỗ bạn có thể cải tiến chỉnh sửa những hoạt động của mình:

Thước đo nhận thức nhãn hiệu theo định lượng (Quantitative Brand Awareness Measures)

Những con số này có thể giúp bạn vẽ nên bức tranh tổng quát về nhận thức thương hiệu của bạn. Để đo kiểm định lượng, hãy xem những chuẩn đo này:

  • Direct traffic/Lưu lượng truy cập trực tiếp. Thứ nhất, lưu lượng trực tiếp là kết quả của mọi người chủ đích gõ URL của bạn và ghé vào website của bạn. Số lượng lưu lượng trực tiếp sẽ cho bạn biết việc marketing của bạn đang thúc đẩy mọi người ghé trang web của bạn nhiều đến mức nào. Đây là một chuẩn đo quan trọng vì ngày nay nhiều người dùng khám phá ra các nhãn hiệu thông qua truyền thông xã hội, quảng cáo, hoặc bằng cách gõ vào những từ khóa liên quan đến nhãn hiệu hay sản phẩm của bạn. Khi người tiêu dùng đi trực tiếp đến web của bạn, nó có nghĩa là họ đã nhận thức được thương hiệu của bạn trước đó.
  • Site traffic numbers/số lưu lượng truy cập web. Con số này chỉ phản ánh tổng lưu lượng truy cập website, mà sẽ cho bạn biết trong quần thể sử dụng internet tổng thể có bao nhiêu phần đang xem nội dung của bạn và dành thời gian cho nhãn hiệu của bạn. Nó sẽ không cho bạn biết họ đến từ đâu, nhưng thế cũng không sao, bởi vì họ nhận thức được nhãn hiệu của bạn đủ để vào xem nó thế nào.
  • Social engagement/tương tác xã hội. Tương tác tham gia có thể nói đến người theo dõi, tweet lại, bình luận và những hoạt động khác. Nó phản ánh số lượng người nhận thức nhãn hiệu của bạn và xã hội hóa với nó, cũng như là nội dung của bạn có ảnh hưởng đến mức nào. Ví dụ, những website như là Sparktoro có thể cho bạn biết điểm số cụ thể về tầm ảnh hưởng trên Twitter của bạn.

Thước đo nhận thức thương hiệu theo định tính (Qualitative Brand Awareness Measures)

Bước này là chỗ mà “điểm số” nhận thức thương hiệu của bạn trở nên hơi ảm đạm. Nhưng những chiến thuật này vẫn có thể giúp bạn đo kiểm được đối tượng nào và số lượng bao nhiêu người nhận thức được nhãn hiệu của bạn. Để đo lường định tính, hãy thử:

  • Tìm kiếm trên Google và cài đặt Google AlertsLàm thế này giúp bạn bắt kịp với cách thức mọi người trên mạng bàn tán về nhãn hiệu của bạn. Nó sẽ thông báo cho bạn biết bất cứ tin tức hay lời nhắc đến nào của phía bên thứ ba. Khi nhãn hiệu của bạn phát triển, bất động sản trên Internet của nó sẽ mở rộng vượt ra ngoài trang web của bạn, thế nên hãy để mắt đến nó.
  • Social listening/lắng nghe xã hội. Lắng nghe xã hội là theo dõi các công cụ quản lý phương tiện truyền thông xã hội về những lời nhắc và tương tác tự nhiên. Ai đang gắn thẻ nhãn hiệu của bạn, đề cập đến nó trong bình luận hoặc sử dụng hashtag của bạn trong các bài đăng của họ? Những công cụ này có thể giúp bạn tìm hiểu được điều đó. Và khách hàng càng bàn tán nhiều về nhãn hiệu của bạn trên truyền thông xã hội, thì họ càng nhận thức được nhiều hơn về nó.
  • Tiến hành điều tra khảo sát nhận thức nhãn hiệu (brand awareness surveys). Phương pháp này bao gồm lấy phản hồi trực tiếp từ khách hàng và khách tiềm năng của bạn cũng như là có thể cực kỳ hữu dụng không chỉ với việc tìm hiểu được những ai biết về nhãn hiệu của bạn mà còn cả việc họ nghĩ gì về nó. Bạn có thể phát đi khảo sát thông qua SurveyMonkey hay TypeForm và chia sẻ chúng trên truyền thông xã hội hoặc chia sẻ trực tiếp với khách hàng của mình. Hướng dẫn này sẽ giúp bạn tạo ra và phát triển nó.

Những chuẩn đo định tính và định lượng này sẽ giúp bạn hiểu nhận thức thương hiệu của bạn trong khách hàng và đại chúng. Nó sẽ chẳng bao giờ là một con số hoàn hảo, nhưng bắt mạch được thước đo này sẽ giúp ảnh hưởng đến các chiến dịch và duy trì kết nối với khách hàng tiềm năng của bạn. Bất kể bạn đo kiểm nhận thức thương hiệu bằng cách nào cho công ty của mình, thì hãy tránh những lỗi sai phổ biến khi đo kiểm nhận thức thương hiệu.


Đến lượt bạn

Nhận thức thương hiệu là một khái niệm có tác dụng mạnh mẽ (dẫu mơ hồ) mà có thể gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động marketing của bạn, nhận thức của người tiêu dùng và doanh thu.

Hãy làm theo những phương pháp này để gây dựng và tạo lập nhận thức thương hiệu cho nhãn hiệu của bạn, và bạn sẽ thấy mình có được khách hàng trung thành nhận ra nhãn hiệu của bạn trong số các nhãn hiệu đối thủ, chọn sản phẩm của bạn hết lần này đến lần khác và giới thiệu đề xuất với bạn bè và gia đình của họ cũng làm thế.

Đăng lần đầu vào 6/8/2018 7h 6/8/2018, cập nhật vào 30/9/2018

(Dịch từ bài viết The Ultimate Guide to Brand Awareness của Hubspot, người dịch: Trần Tuyết Lan, cộng tác viên dịch thuật tại Kiến càng)

Back to Top