Categories Hosting

Hosting là gì: giải đáp 33 câu hỏi căn bản về dịch vụ lưu trữ web

Nếu bạn tìm kiếm câu hỏi này, khả năng cao bạn đang là người mới trong lĩnh vực website.

Để cho dễ hiểu hơn, Kiến càng sẽ để bài viết ở dạng hỏi đáp nhé.

Xem video nếu bạn muốn (chi tiết thì vẫn nên đọc bài viết, nhưng video có thể thân thiện hơn):


Mục lục

1. Vậy hosting để làm gì?

Giống như đồ đạc của bạn cần ngôi nhà để chứa chúng, website cũng cần một nơi để đặt dữ liệu lên đó, ví dụ ảnh, văn bản, dữ liệu khách hàng, v.v… và hosting chính là ngôi nhà của website.

Có nhà thì bạn mới tiếp đón khách truy cập được.

PS: với các nền tảng blog miễn phí như Blogspot, WordPress(.)com, v.v… bạn sẽ không mất tiền thuê hosting mà vẫn có được website. Tuy nhiên điểm yếu của các nền tảng này là nó khó có các tính năng chuyên sâu như khi bạn triển khai web trên hosting mua riêng.


2. Tại sao giá hosting lại có biên độ thay đổi nhiều như thế?

Cũng hệt như nhà cửa, có cái vài trăm triệu, có cái vài tỷ đồng. Giá của hosting thay đổi theo chất lượng của nó & khối lượng công việc nó cần xử lý.

Thế giới hosting có khoảng giá từ thượng vàng đến hạ cám. Có những website cần dùng các máy chủ web từ vài triệu đến vài chục triệu / tháng. Nhưng cũng có những web nhỏ nhắn xinh xắn chỉ cần 30 ngàn / tháng.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cứ dùng hosting đắt tiền sẽ phù hợp hơn với bạn. Biết rõ nhu cầu sẽ giúp bạn tránh hai thái cực:

  • Chọn hosting quá tốt, quá lớn gây lãng phí tiền bạc không cần thiết;
  • Chọn hosting quá tệ, làm ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng truy cập của trang;

PS: hosting thường là khoản đầu tư có hiệu quả nhất với website, đặc biệt là các trang thương mại (bán hàng). Số tiền bạn bỏ ra thường chỉ chiếm một phần nhỏ so với chi phí marketing nói chung và quảng cáo nói riêng.


3. Khi mua hosting thì nên chọn thế nào để có chất lượng tốt?

Nên tập trung vào công ty uy tín, được cộng đồng đánh giá cao. Tôi có bài viết chi tiết về cách chọn mua hosting cho WordPress ở link này, bạn có thể tham khảo thêm.

Cần cẩn trọng các đánh giá của blogger, vì họ có thể ăn hoa hồng (affiliate) từ công ty hosting họ giới thiệu, và do vậy chắc chắn ít nhiều có quan điểm thiếu khách quan, toàn diện. Tôi có nói rõ thêm cái này ở phần gần cuối.

PS1: thực tế giao dịch hosting giống thuê hơn là mua. Nói mua là thói quen thôi, vì không có ai mua hosting một lần rồi dùng cả đời cả, mà bạn sẽ sử dụng và trả phí thuê hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm.

Đa số người quản trị web ưa thích kiểu thanh toán hàng tháng hơn để họ có thể chuyển đi bất cứ nơi nào khác mà không bị phí khoảng thời gian chưa dùng.

Thanh toán hàng tháng cũng giúp họ không phải chi trả quá nhiều tại một thời điểm (mặc dù thanh toán kỳ hạn dài thường tiết kiệm hơn, nhưng cũng chỉ đúng khi chất lượng công ty hosting ổn định trong suốt thời gian đó & bạn tiếp tục dùng cho đến hết kỳ hạn).

PS2: các hình thức thanh toán hosting hiện nay rất đa dạng, từ thanh toán trực tiếp, chuyển khoản qua ATM, internet banking hoặc thẻ credit card. Các công ty hosting nước ngoài thường chỉ chấp nhận thẻ ghi nợ quốc tế (credit card) như VISA hoặc các cổng thanh toán trung gian như PayPal (vẫn cần credit card, nhưng đây là cách hay hơn để bạn thanh toán mà không phải tiết lộ thông tin thẻ cho bên bán hosting).


4. Có các loại hosting nào?

Thế giới hosting thì cực kỳ đa dạng. Phổ biến hiện nay là các hosting dành cho mã nguồn PHP & cơ sở dữ liệu MySQL. Hệ quản trị WordPress mà nhiều người đang dùng ngày nay sử dụng kiểu hosting trên.

Một kiểu hosting khác là hosting tĩnh, các CDN về bản chất là hosting tĩnh. Hosting tĩnh có giá rẻ hơn nhiều vì nó tiêu hao ít tài nguyên hơn hẳn (không cần cơ sở dữ liệu). Tuy nhiên WordPress tiêu chuẩn không cài được trên hosting tĩnh (static hosting).

PS: CDN là dịch vụ hỗ trợ cho hosting, giúp tăng tốc & giảm tải cho website.


5. Web server là gì?

Nó là một loại phần mềm được cài đặt trên máy chủ web để làm nền tảng cho website của bạn chạy. Giống kiểu máy tính của bạn cần hệ điều hành Windows & các phần mềm khác (đây là so sánh không hoàn toàn chính xác nhưng giúp bạn dễ hiểu hơn).

Hiện có 3 loại web server chủ yếu là:

  • LiteSpeed;
  • Nginx;
  • Apache;

Apache phổ biến nhất vì ra đời sớm hơn, dễ dùng & có nhiều tài liệu hướng dẫn. Tuy nhiên Apache lại chậm nhất so với các web server còn lại.

LiteSpeed nhìn chung được đánh giá là có hiệu suất tốt hơn cả. Nginx có thua kém nhưng không đáng kể nếu bạn biết cách cài đặt (Nginx khó dùng hơn hai cái còn lại).

Ưu điểm của LiteSpeed là nó vừa nhanh, vừa dễ dùng. LiteSpeed web server có hai phiên bản. Bản Enterprise bắt đầu tính phí với hosting từ 2GB RAM đổ lên. Bản miễn phí OpenLiteSpeed dùng không giới hạn RAM, lẫn số lượng website cài trên máy chủ (OpenLiteSpeed không dễ dùng như bản Enterprise).


6. Shared hosting là gì?

Đây là kiểu hosting phổ biến nhất cho phân khúc giá rẻ, và thường những ai mới dùng website có thể nên bắt đầu với gói này.

Ưu điểm là tiết kiệm chi phí tối đa.

Về bản chất, shared hostinggói có rất nhiều website đặt trên cùng máy chủ, giống như khi bạn ở ký túc xá. Giá thì rẻ nhưng sẽ chật chội, và đôi khi bị phiền nhiễu bởi ai đó thiếu trách nhiệm, ồn ào.

Giá shared hosting rẻ thường nằm trong khoảng 20 – 100 ngàn đồng / tháng.

Hiện một số công ty hosting có những cải tiến rất đáng giá, bao gồm việc chia tài nguyên người dùng tốt hơn, giúp hạn chế ảnh hưởng của website “người hàng xóm”.

Tuy nhiên ngay cả vậy thì vấn đề tài nguyên nhỏ (tính trên trung bình) vốn là bản chất của shared hosting giá rẻ là điều không thể thay đổi, cải thiện được.


7. VPS là gì?

VPS là máy chủ ảo dùng riêng. Ưu điểm quan trọng của nó là tài nguyên của bạn độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các website khác.

Nó giống như bạn ở nhà chung cư. Dù vẫn dùng chung một số dịch vụ nền, nhưng về căn bản, nhà của bạn là nhà của bạn, bạn ít bị ảnh hưởng bởi hàng xóm hơn đáng kể so với shared hosting, và dĩ nhiên nhà cũng rộng & tiện nghi hơn.

VPS đắt hơn shared hosting, và tùy chọn giá cũng đa dạng hơn. Từ 5$ đến cả 100$;


8. Máy chủ riêng là gì?

Còn gọi là dedicated hosting. Nếu website của bạn có lưu lượng truy cập cực lớn hoặc/và dung lượng cực lớn, bạn có thể sẽ phải dùng máy chủ riêng. Nó tốn kém nhất, có thể lên đến vài trăm $ đến cả ngàn $ hàng tháng.

Đa số người dùng web sẽ không cần đến máy chủ riêng. Các VPS và hosting chuyên cho WordPress là đủ để đáp ứng nhu cầu của phần lớn người quản trị web rồi, kể cả với lưu lượng truy cập rất lớn (cả triệu view/tháng).

Ghi chú quan trọng: về mặt thuật ngữ, ở nước ngoài người ta gọi chung các dịch vụ lưu trữ web là hosting (tức là bao gồm cả shared, VPS, cloud, máy chủ riêng hoặc bất cứ hình thức lưu trữ web nào khác). Ở Việt Nam khi nói host hoặc hosting mà không có chú thích gì thêm người ta hay mặc định chỉ đến shared hosting (gói chia sẻ). Bài viết này sử dụng thuật ngữ hosting để chỉ chung tất cả các dịch vụ lưu trữ web (tức là giống khái niệm nước ngoài).


9. Hosting chuyên cho WordPress là gì?

Là gói hosting được tối ưu chuyên sâu cho WordPress.

Ưu điểm là giúp bạn có được tính năng, tốc độ và hiệu suất tốt hơn so với các gói hosting thông thường.

Tuy nhiên giá của nó có thể cao hơn đáng kể hosting thông thường. Các website thương mại hoặc quan trọng sử dụng WP nên cân nhắc dùng các gói hosting kiểu này. Ngoài hiệu suất tốt, nó cũng đi kèm với việc quản trị đơn giản hơn & được hỗ trợ tốt hơn.

Một ví dụ về công ty hosting chuyên cho WordPress là Closte, họ sử dụng các nền tảng cực mạnh để tạo ra hosting có chất lượng rất cao.


10. Control panel là gì?

Máy chủ web cần giao diện quản trị để thực hiện các thao tác như thêm tên miền, chuyển hướng, tạo https (liên kết bảo mật), v.v… đây là cái mà control panel đảm nhiệm.

Hiện có rất nhiều control panel cho hosting, bao gồm cả trả phí & miễn phí. Ví dụ như:

  • cPanel;
  • DirectAdmin;
  • Plesk;
  • CyberPanel;
  • GridPane;
  • Vân vân và mây mây;

Tùy mục đích sử dụng, khả năng tài chính mà bạn quyết định dùng panel nào.

Các công ty hosting thường dùng 3 panel đầu tiên trong danh sách trên vì nó cực kỳ ổn định, nhiều tính năng đáp ứng được với hầu hết người sử dụng.

Khi bạn mua VPS, bạn thường phải tự quyết định lấy panel cho hosting, và có xu hướng chọn panel miễn phí như CyberPanel cho tiết kiệm.

Một số công ty hosting có thể phát triển các control panel của riêng họ nhằm tinh giản và tiết kiệm chi phí tối đa, ví dụ như Dreamhost, Closte.

PS: vì nhiều lý do, trong đó có việc phải tự cài đặt lấy control panel trên VPS, mà người mới sử dụng website nên dùng các hosting có sẵn control panel thay vì phải tự cài. VPS sẽ phù hợp hơn khi bạn đã phát triển website một thời gian, có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm hơn.


11. Uptime là gì?

Đây là yếu tố quan trọng nhất mà bạn cần quan tâm khi thuê hosting. Uptime chỉ đến thời gian sống của hosting, không bị gián đoạn do các vấn đề từ nhà cung cấp. Ngược lại uptime là downtime (gián đoạn) giống kiểu nhà bạn bị mất điện, nước vậy, bạn sẽ không sinh hoạt bình thường được nữa.

Gián đoạn trong website làm nó bị lỗi 404, khách hàng không thể truy cập được.

Lưu ý là chỉ các gián đoạn do nhà cung cấp hosting mới được tính vào đây. Nếu gián đoạn do nguyên nhân từ phía website, người quản trị như khi bạn táy máy nghịch ngợm làm website không vào được, hoặc khi bạn dùng quá mức tài nguyên theo thỏa thuận với nhà cung cấp, thì các gián đoạn này không được tính vào thời gian downtime.

Một số công ty hosting có chính sách đền bù nếu website bị downtime nhiều hơn cam kết. Thường là họ sẽ bù lại vài lần thời gian bị gián đoạn (ví dụ bạn bị gián đoạn 1 tiếng, họ có thể bù lại cho bạn 10 tiếng dùng mà không mất phí).

PS: bạn có thể dùng một số công cụ để kiểm tra uptime của website. Chúng thường có gói miễn phí chất lượng ổn. Nếu bạn đang dùng WordPress, một plugin rất tốt để check uptime là Jetpack.


12. Dung lượng lưu trữ là gì?

Giống như nhà có diện tích là bao nhiêu mét vuông, rộng, dài, cao thế nào, thì hosting cũng có dung lượng lưu trữ cụ thể.

Ví dụ:

  • 1GB;
  • 5GB;
  • 30GB;

Dung lượng càng lớn giá sẽ càng cao. Một website mới có thể nên bắt đầu với gói 1GB. Và đa số website sau này cũng chỉ quanh mốc 5 – 10GB.

Tài nguyên chiếm nhiều dung lượng nhất trên phần lớn website là ảnh. Do vậy việc quan tâm đến tối ưu hóa ảnh sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tiết kiệm chi phí (và nhiều thứ liên quan khác nữa).

Một nội dung khác cũng chiếm dung lượng rất lớn trên website đó là các file backup (dự phòng để khôi phục lại trang trong trường hợp website bị lỗi). Để giảm thiểu ảnh hưởng này bạn nên để file backup bên ngoài hosting đang dùng, ví dụ đẩy lên Google Drive. Với WordPress công cụ miễn phí để làm điều này rất tốt là UpdraftPlus.

Một số control panel (trình điều khiển hoạt động hosting) như cPanel có sẵn tính năng backup từ xa miễn phí mà công ty bán host có thể cung cấp cho bạn.


13. Loại ổ cứng của hosting?

Một vấn đề quan trọng khác bạn cần để ý là loại ổ cứng của hosting là SSD hay HDD. Nó cũng hệt như ổ cứng của máy tính.

Ổ SSD nhanh hơn, dữ liệu được bảo vệ tốt hơn nhưng đắt hơn đáng kể ổ HDD. Một số gói hosting giá rẻ, hoặc cực rẻ sử dụng ổ HDD để tối ưu chi phí.

HDD vẫn tương đối phổ biến trong thế giới hosting, nên nếu không thấy nơi định mua công khai thông tin loại ổ đang dùng bạn nên hỏi lại cho chắc chắn.

Cùng một giá tiền, thông thường hosting SSD sẽ có dung lượng lưu trữ nhỏ hơn HDD.


14. Băng thông của hosting?

Băng thông của hosting thường là vấn đề không quá quan trọng trên đa số website, vì bạn có khi không dùng hết 25% băng thông theo quy định đâu. Băng thông giống như lượng dữ liệu 3G/4G/5G mà bạn được phép dùng khi mua từ nhà mạng di động.

Thông thường các hosting (đặc biệt là hosting nước ngoài hoặc các gói tối ưu riêng) có quy định về lượng băng thông tối đa. Hosting trong nước thường có băng thông không giới hạn (unlimited).

Thông tin về băng thông bạn dùng sẽ hiển thị rõ trên control panel.

Các website có lưu lượng truy cập rất cao, sử dụng nhiều tài nguyên media nặng (ảnh, audio) có thể cần để ý đến giới hạn băng thông.


15. Tốc độ hosting là gì?

Một yếu tố đang được quan tâm rất nhiều hiện nay. Tốc độ website ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng, tỷ lệ đặt hàng trên các trang bán hàng. Do vậy người quản trị web muốn tối ưu vấn đề này tốt nhất có thể.

Tốc độ website ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Nhưng có các yếu tố quan trọng sau mà bạn cần quan tâm:

  • Kiểu hosting (shared, VPS, cloud, máy chủ riêng)
  • Webserver của hosting
  • Giao diện website
  • Có cache hay không

Xem thêm: các cách tối ưu tốc độ website WordPress.


16. Vị trí máy chủ là gì?

Nghĩa là máy chủ web được đặt tại trung tâm dữ liệu nào. Ví dụ Hà Nội, Sài Gòn, Singapore, Hong Kong, Tokyo.

Người ta quan tâm đến vị trí máy chủ bởi các lý do sau:

  • Tốc độ của nó. Nhìn chung, với cùng cấu hình thì máy chủ web càng ở gần người dùng truy cập thì tốc độ càng cao;
  • Các tính năng quan trọng khác. Các cụm máy chủ ở vị trí khác nhau thường có các đặc điểm khác nhau điển hình. Chẳng hạn máy chủ ở nước ngoài (ví dụ Singapore) thường được đánh giá là ổn định & bảo mật hơn các máy chủ trong nước;

Các công ty hosting đa quốc gia có thể có hệ thống máy chủ ở khắp các châu lục để tiện cho bạn lựa chọn, phổ biến là Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Với cùng một cấu hình, giá hosting ở châu Á có thể cao hơn so với khi đặt ở Bắc Mỹ hoặc châu Âu.


17. Chuyển hosting như thế nào, có khó không?

Chuyển hosting giống như chuyển nhà, nghĩa là bạn chuyển toàn bộ dữ liệu của website sang nhà cung cấp hosting khác.

Nếu đang dùng WordPress, bạn có thể tham khảo thêm bài viết 3 plugin chuyển host để biết chi tiết.

Một số công ty hosting với gói tầm trung trở lên sẽ hỗ trợ miễn phí công việc này cho bạn.

Nếu bạn muốn tự làm, nó cũng không quá khó, bạn đọc tài liệu cẩn thận rồi làm theo là ổn. Có nhiều plugin hỗ trợ việc này rất tiện lợi.


18. Vấn đề bảo mật trong hosting?

Đây là một trong các yếu tố cần để ý bậc nhất trong hosting, đặc biệt là với website quan trọng.

Bảo mật hosting giúp bạn giảm thiểu các cuộc tấn công làm gián đoạn truy cập website. Giảm thiểu khả năng bị đánh cắp dữ liệu.

Việc sử dụng dịch vụ của công ty nào, control panel nào ảnh hưởng rất mạnh đến khả năng bảo mật.

PS: để hosting của bạn an toàn hơn, bạn cần chú ý đến các điều sau: (1) sử dụng dịch vụ hosting chất lượng, (2) không dùng các plugin, theme null (như kiểu phần mềm crack, có khả năng bị cấy thêm các thứ không an toàn), (3) bảo vệ tài khoản đăng nhập website, email & các thứ liên quan, (4) luôn có backup website, (5) hòa nhã, đàng hoàng trên thế giới internet để tránh tối đa chuyện bị chơi đểu.


19. Backup dữ liệu website trong hosting là gì?

Bất cứ website nào cũng cần triển khai backup để dự phòng trong trường hợp mất mát dữ liệu. Đây cũng là điều quan trọng hàng đầu mà bạn cần quan tâm triển khai ngay, cho dù là website mới lập đi nữa.

Một số gói hosting tầm trung trở lên có kèm sẵn dịch vụ backup hàng ngày hoặc hàng tuần, và đẩy dữ liệu lên các máy chủ bên ngoài.

Dịch vụ backup của công ty hosting nếu đẩy dữ liệu ra bên ngoài thì có thể có phí, còn nếu dữ liệu backup vẫn lưu tại hosting thì thường là tính năng miễn phí có sẵn trên control panel.

Nếu dùng WordPress, bạn có thể tham khảo plugin UpdraftPlus, nó miễn phí và tích hợp được với Google Drive chất lượng cao (cũng free) để lưu trữ rất tiện.


20. IP của hosting là gì?

IP giống như số nhà của bạn. Thông qua IP, trình duyệt web biết được tên miền của bạn đang được host ở đâu để đến đó lấy dữ liệu.

IP là một chuỗi số kiểu như thế này: 123.234.234.45

Khi bạn mua hosting nhà cung cấp sẽ gửi cho bạn thông tin về IP.


21. DNS của hosting là gì?

DNS giống như một cuốn danh bạ (điện thoại) nơi bạn lưu trữ tên miền kèm địa chỉ IP của tên miền đó.

Thường thì bạn dùng DNS mặc định của bên bán tên miền để trỏ tên miền về IP của hosting. Các công ty hosting cũng có DNS của riêng họ nếu bạn muốn dùng ở đó.

Ngày nay đa số các trang web sử dụng DNS của bên thứ ba, ví dụ như Cloudflare DNS. Ưu điểm là miễn phí, tốc độ cập nhật nhanh & rất bảo mật.


22. Có nên mua hosting giá rẻ không?

Những ai có website dùng ít tài nguyên, ví dụ như trang nhỏ hoặc các trang mà mới lập thì hosting giá rẻ là lựa chọn tiết kiệm nhất & cũng phù hợp nữa.

Tuy nhiên bạn cần biết chọn để có được hosting rẻ nhưng vẫn đủ tốt.


23. Tối ưu hóa hiệu suất, tốc độ cho website có liên quan nhiều đến hosting không?

Chắc chắn là có. Không chỉ có thế, hosting tốt còn là nền tảng căn bản để bạn có được hiệu suất tốt, đặc biệt là trên các website dùng nhiều tài nguyên ví dụ như các trang bán hàng sôi động hoặc có lưu lượng truy cập lớn.

Hết sức lưu ý đến webserver & chất lượng chung của công ty hosting sẽ giúp bạn rất nhiều.


24. Nên dùng hosting trong nước hay nước ngoài?

Tùy theo nhu cầu & chuyên môn của bạn.

Nhìn chung nếu bạn không có quá nhiều chuyên môn, tốc độ cần tốt nhất trong mọi trường hợp (kể cả khi đứt cáp), hosting trong nước là lựa chọn phù hợp hơn.

Hosting nước ngoài thường được các quản trị web nhiều kinh nghiệm tin dùng hơn. Nguyên nhân là vì giá thường rẻ hơn, tính năng có thể nhiều hơn, và đặc biệt là bảo mật hơn.


25. Tại sao các công ty hosting trong nước hay bị tấn công?

Đây là vấn đề đau đầu với nhiều công ty hosting trong nước. Bản thân họ có dịch vụ tốt nhưng bị tấn công (điển hình là DDoS) làm ảnh hưởng đến chất lượng đáng kể.

Không phải các công ty nước ngoài không bị tấn công, mà nhờ có quy mô lớn, khả năng chống trả tốt hơn nên ảnh hưởng không nhiều & người dùng ít nhận ra.


26. Hỗ trợ từ công ty hosting có quan trọng không?

Có, rất quan trọng nếu bạn là người mới hoặc khi bạn cần xử lý các tác vụ phức tạp.

Các hình thức hỗ trợ (support) hết sức đa dạng, từ thông qua email, chat trực tuyến, gọi điện. Hầu hết các công ty hosting sẽ kết hợp nhiều hình thức để tối ưu dịch vụ.

Nếu không am hiểu tiếng Anh hoặc không mạnh về kỹ thuật, sử dụng dịch vụ trong nước sẽ tốt hơn cho bạn: vì hỗ trợ cũng là tiếng Việt.

Khung giờ hỗ trợ, và đáp ứng nhanh chóng cũng quan trọng. Ví dụ hỗ trợ 24/7 và phản hồi sau 15 phút sẽ giúp bạn khắc phục các vấn đề gặp phải nhanh hơn, đặc biệt trong trường hợp bị lỗi nghiêm trọng, chẳng hạn như downtime (gián đoạn).


27. Tại sao có nhiều blogger viết bài giới thiệu dịch vụ hosting nào đấy?

Đây là một kiểu tiếp thị liên kết phổ biến trên thế giới web. Khi một blogger B nào đấy giới thiệu dịch vụ của công ty hosting A, và một ai đó đăng ký mua dịch vụ thông qua link tiếp thị của blogger B đó thì B sẽ được hưởng hoa hồng (tiền) từ công ty A.

Hoa hồng có thể rất lớn, giao động từ 30 – 70% số tiền mà người mua bỏ ra khi mua hosting đợt đầu.

Vì hấp dẫn như vậy nên có rất nhiều người tham gia, và có thể có các đánh giá không chính xác, đầy đủ.

Trong hầu hết trường hợp, đăng ký qua link tiếp thị liên kết không làm bạn tốn thêm tiền, số tiền phải trả cũng giống như khi đăng ký theo cách bình thường.


28. Tại sao lại có các dịch vụ hosting miễn phí?

Một số công ty quảng bá thương hiệu của họ bằng cách cung cấp một gói hosting nhỏ hoàn toàn miễn phí, không giới hạn thời gian (được phép sử dụng mãi mãi, miễn là thi thoảng có đăng nhập).

Tuy nhiên các gói này chỉ phù hợp với các website rất nhỏ mà thôi (thường là mới thành lập).

Những ai muốn thử nghiệm website có thể sử dụng hosting miễn phí để test, và tiết kiệm được chi phí tối đa. Bạn thậm chí không cần phải đăng ký tên miền vì công ty hosting sẽ cung cấp một tên miền phụ tùy chỉnh để bạn nghịch.

Nhược điểm của hosting miễn phí là nó yếu hơn đáng kể hosting trả phí, uptime kém hơn, khả năng chịu đựng lưu lượng truy cập kém hơn. Ngoài ra là IP của hosting miễn phí có thể bị rơi vào danh sách đen của máy tìm kiếm do nhiều người tạo web lợi dụng hosting miễn phí để đăng nội dung spam hoặc phi pháp.

Kết luận: hosting miễn phí dùng để test thì được, còn nếu website nghiêm túc, bạn nên chịu khó đầu tư một gói hosting nào đó.


29. Tại sao có lời khuyên “không nên mua hosting của công ty chuyên bán tên miền”?

Cái này không chính xác 100% đâu, nhưng ít nhất tại thời điểm này nó vẫn thường đúng, vì công ty chuyên bán tên miền hay có dịch vụ hosting ở chất lượng trung bình chứ không được ổn như công ty chuyên bán hosting (so sánh trong cùng tầm giá).

Lý do có thể là vì nhân sự & việc không chia tách riêng rẽ các mảng, làm nguồn lực bị phân tán, và khó cạnh tranh với công ty chuyên hosting.

Ngược lại, vì lý do tương tự, người ta cũng hay nói: “không nên mua tên miền từ công ty chuyên bán hosting”.


30. Hosting có ảnh hưởng đến SEO không?

Có, nó ảnh hưởng mạnh. Vì hosting tác động đến uptime & tốc độ truy cập, nếu hai yếu tố này kém thì SEO sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nguyên nhân là vì máy tìm kiếm không muốn gửi người dùng của họ đến trang thường xuyên gián đoạn và tốc độ quá chậm.

Mức độ ảnh hưởng của nó có lẽ giống điểm chết trong thi cử. Có nghĩa là nếu bạn có vấn đề tệ đến mức khó chấp nhận được thì sẽ bị phạt tụt hạng, còn nếu vẫn ở mức trung bình khá thì sẽ không làm sao.


31. Học cách sử dụng hosting có khó không?

Có nhiều cấp độ trong việc học cách sử dụng hosting.

Nếu dùng ở mức độ căn bản, bạn chỉ cần một control panel phổ biến là xài được thôi, chỉ mất một hai ngày là biết, và qua thời gian sẽ thành thạo (ví dụ Cyber Panel).

Tuy nhiên nếu bạn đi sâu vào thế giới hosting, với việc cài đặt các nền tảng, tùy biến nó thì vấn đề sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Nhưng đừng sợ. Với đa số người quản trị web, học ở mức độ căn bản là đủ rồi. Chuyên sâu chỉ những ai chuyên về mảng hosting mới cần để ý.


32. Nhiều website sử dụng Cloudflare, nó là cái gì & tại sao lại vậy?

Cloudflare là một ông lớn trong thế giới internet có khả năng bảo mật, chống tấn công DDoS, và tăng tốc website.

Vì họ có gói CND/proxy miễn phí chất lượng ổn, giảm tải cho hosting gốc khá nhiều nên có rất nhiều người dùng, đặc biệt là các website nhỏ, tầm trung.

Các công ty hosting cũng khuyến khích khách hàng sử dụng Cloudflare, để hosting của họ giảm gánh nặng.

Nếu hosting của bạn đặt tại Việt Nam, và có chất lượng trung bình đổ lên thì dùng Cloudflare CDN có thể không làm tăng tốc website mà còn làm chậm nó đi ít nhiều, cách tốt nhất để biết chắc chắn là test cả hai lựa chọn theo cách thủ công.

Với DNS của Cloudflare bạn nên dùng để thay thế DNS của nhà cung cấp tên miền hoặc hosting. Vì DNS của Cloudflare được xếp vào nhóm có tốc độ, độ ổn định, và bảo mật thuộc hàng top đầu thế giới, nếu không muốn nói là số một.


33. Vì sao cùng một giá tiền mà chất lượng hosting ở một vài nơi lại khác nhau đến vậy?

Như mọi thứ khác trên đời, cùng số tiền nhưng chất lượng có thể rất chênh lệch.

Với thế giới hosting cạnh tranh cao, thì nguyên nhân của công ty hosting nào đó có giá cao mà chất lượng kém là vì nó chưa đạt quy mô đủ lớn để tối ưu chi phí.

Do vậy một trong các mẹo để có được hosting tốt là chọn công ty tham gia thị trường đủ lâu và có nhiều khách hàng đang dùng dịch vụ.


OK, bài viết đã đủ trả lời hầu hết các thắc mắc, nếu có bất cứ câu hỏi nào, bạn hãy để lại bình luận nhé. Tôi sẽ trả lời sớm nhất có thể. Xin chào & hẹn gặp lại.

Back to Top