Categories WordPress

Vai trò đặc biệt của các hệ thống bên ngoài (không phải nội bộ) trong WordPress

hệ thống bên ngoài trong WordPress

Sau một thời gian sử dụng WordPress, tôi đi đến kết luận thế này:

Website hoạt động tốt nhất khi nó không đóng kín hoàn toàn mà tận dụng cả lợi thế của các hệ thống bên trong và bên ngoài nó.

Chúng ta sẽ đi qua một số ví dụ cụ thể để hiểu rõ hơn câu chuyện này.


1. Backup an toàn nhất là khi nó được đẩy lên host khác với host được backup

Khi bạn thuê hosting, hầu hết các host đó đều có hệ thống backup nội bộ của nó, giúp bạn dự phòng dữ liệu cho website, phòng khi trục trặc.

Hệ thống bakup vừa nói là hệ thống bên trong của bạn (thuộc host của bạn).

Khi không may bạn thao tác nhầm (sửa nhầm file, xóa nhầm dữ liệu, vân vân). Bạn có thể vào control panel của hosting để khôi phục lại dữ liệu 1 ngày hoặc 1 tuần trước đó (điều này còn tùy thuộc vào cách cài đặt của bạn).

Tuy nhiên, bất kể hệ thống backup nào dù có chức năng tốt đến đâu, nếu nó vẫn là nội bộ thì không đủ an toàn.

Tại sao?

Lý do là vì chuyện gì sẽ xảy ra nếu bản thân host đó gặp lỗi và làm mất toàn bộ dữ liệu của website? (chuyện này tuy ít khi xảy đến, nhưng không phải là quá hiếm, quan trọng hơn, hậu quả của nó cực kỳ nghiêm trọng / thiên nga đen là đây).

Đây là lúc các hệ thống bên ngoài nhảy vào.

Backup trở nên tốt nhất khi nó được host trên máy chủ có chất lượng tốt bên ngoài, ví dụ được đẩy lên Google Drive. Nó sẽ dự phòng cho trường hợp host nội bộ bị lỗi.

Hệ thống backup bên trong và bên ngoài cùng tồn tại song song giúp nguy cơ mất dữ liệu của bạn giảm xuống tối đa.


2. Tăng khả năng chịu tải bằng hệ thống hosting bên ngoài khi lưu lượng truy cập website tăng giảm bất thường

Điều gì xảy ra nếu trang của bạn bất chợt nhận được lưu lượng truy cập tăng gấp 10 lần?

Giải pháp chúng ta thường nghĩ đến nhất đó là nâng cấp host đó. Nâng RAM, CPU, SSD và host sẽ chịu tải tốt hơn.

Điều đó đúng, nhưng không đáp ứng tốt được nhiều kịch bản.

Ví dụ, việc lưu lượng truy cập website của bạn tăng gấp 10 lần chỉ là do yếu tố thời vụ, còn thì đôi khi nó cũng tăng bất chợt nhưng không bao giờ quá 3 lần. Điều đó nói lên rằng việc thuê host mới đáp ứng được lưu lượng truy cập gấp 10 lần trước đây sẽ gây phí phạm. Nhưng đây lại là giải pháp duy nhất nếu bạn chỉ sử dụng hệ thống host nội bộ và muốn website không bị downtime (gián đoạn).

Bất cứ hệ thống website nào có lưu lượng truy cập biến thiên trong dải rộng đều có khả năng gây phí phạm tài nguyên nếu chỉ thuê host cố định.

Đây là lúc CDN nhảy vào.

Hệ thống máy chủ phân tán sẽ gánh cho host chính các tài nguyên tĩnh như ảnh, CSS và JS, qua đó giảm tải đáng kể cho máy chủ gốc.

CDN có tính chất mà máy chủ gốc với các chỉ số cố định không thể có dù mạnh thế nào: đó là tính co giãn.

Nếu website của bạn có 100 view vào ngày thứ hai rồi 1 triệu view vào ngày thứ ba, hệ thống CDN vẫn đáp ứng được mà không gặp trở ngại đáng kể nào. Và tất nhiên chi phí thay đổi nhưng tùy thuộc vào lượng tài nguyên bạn sử dụng chứ không bị gò như host cố định.


3. Tăng tốc cho nhiều vị trí khác nhau trên toàn cầu không thể dựa vào một mình máy chủ gốc

Máy chủ gốc cố định còn gặp một vấn đề nữa: vị trí cố định của nó khiến cho tốc độ truy cập tại những nơi ở gần nhanh hơn, trong khi các nơi ở xa sẽ chậm đi. Đặc tính này là không thể khắc phục với máy chủ cố định.

Nếu máy chủ gốc của bạn ở Singapore, người truy cập từ Việt Nam sẽ có tốc độ cao, trong khi ở Hoa Kỳ thì chậm hơn đáng kể.

Điều này sẽ là trở ngại nếu website của bạn có người dùng truy cập phân tán trên toàn cầu.

Lúc này CDN (cái là hệ thống bên ngoài) tiếp tục thể hiện vai trò của nó. Vì máy chủ CDN là dạng phân tán, nhiều tài nguyên tĩnh trên website qua CDN sẽ được tải đến người dùng nhanh hơn (vì gần người dùng hơn) so với khi nó ở host cố định.


4. Plugin bên ngoài hệ thống chính thức của WordPress.Org

Các plugin nội bộ của WordPress nằm trên trang WordPress.org. Nó miễn phí và có chất lượng tốt.

Nhưng hệ thống này gặp giới hạn. Vì nó miễn phí, không nhiều nhà lập trình dành toàn thời gian để phát triển nó.

Hệ quả là các chức năng chỉ phát triển đến một mức độ nhất định, trong khi yêu cầu của nhiều người sử dụng lại ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn (dù tôi phải công nhận rằng vẫn có một số plugin miễn phí có chất lượng rất tốt, ví dụ như Autoptimize, Yoast SEO nhưng số lượng không nhiều).

Kết quả các trang đang sử dụng CMS WordPress sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất nếu nó không chỉ dùng các plugin trên WordPress.org mà còn mua các plugin bên ngoài hệ thống chính thức này.


5. Email tên miền để nhận thông báo từ dịch vụ cung cấp tên miền

Khi bạn đăng ký tên miền, bạn phải khai báo email với nhà đăng ký, để khi cần liên hệ, họ còn gửi thông tin.

Người ta cũng hay sử dụng dạng email tên miền, kiểu như: email@ten-mien-cua-ban.com

Thế nhưng bạn không nên sử dụng email tên miền này để làm email khai báo với nhà đăng ký. Bởi vì khi có vấn đề rắc rối xảy ra với tên miền, thì email này cũng bị ảnh hưởng theo, và có dẫn đến chuyện nhà đăng ký không liên hệ được với bạn.

Nói cách khác, email đăng ký nhận thông tin từ nhà đăng ký phải khác email tên miền- nghĩa là bản thân tên miền để đảm bảo hơn thì cần một hệ thống email ngoài bản thân nó.


6. Sử dụng dịch vụ tìm kiếm của bên thứ ba thay thế hệ thống mặc định của WordPress

Hệ thống tìm kiếm mặc định của WordPress không có chất lượng tốt và trên các website có nhiều bài viết nó có tốc độ chậm đáng kể. Lúc này các hệ thống tìm kiếm bên ngoài chẳng hạn như Algolia là công cụ thay thế đắc lực.

Rất khó để hệ thống mặc định của WordPress phát triển được công cụ có chất lượng cao, về khả năng lập trình thì không phải không thể, nhưng đối với đa số website làm thế sẽ rất phí phạm tài nguyên, vì tìm kiếm không phải là tính năng trọng yếu trên các trang đó.


7. Làm sao bạn biết được dịch vụ hosting, tên miền nào tốt

Chắc chắn, bạn sẽ phải tham khảo những tính năng, và các lời mô tả tự nói về mình của các nhà cung cấp hosting và tên miền đó. Tuy nhiên, các đánh giá chính xác nhất, hữu dụng nhất lại đến từ những cá nhân, tổ chức bên ngoài.

Lý do thật dễ hiểu, những thông tin từ nội bộ sẽ thiên lệch, có khuynh hướng nói quá về các lợi ích, hoặc nếu không thì, làm giảm các nguy cơ có thể xảy đến.

Đó là lý do vì sao, rất nhiều công ty bán host tự nhận mình có chất lượng hàng đầu thế giới! Vượt trội và giá cả hợp lý! Điều đó còn khiêm tốn, trước đây còn nhiều nơi nhận bản thân là số 1 thế giới.

OK. Các thông tin nội bộ vẫn rất quan trọng, nhiều thông tin bạn không thể biết được nếu không phải do chính tác giả dịch vụ đó cung cấp. NHƯNG, các thông tin đến từ bên ngoài mới cho chúng ta thấy cái nhìn sắc nét, trung thực hơn.


Kết luận

Qua các ví dụ trên chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của các hệ thống bên ngoài.

Bất cứ hệ thống nào đều có giới hạn của nó, cho dù nó có được phát triển tốt đến đâu. Khi chạm đến điểm tới hạn – vốn là bản chất của chính hệ thống, hệ thống bên trong sẽ phải nhờ cậy đến hệ thống bên ngoài để duy trì chất lượng.

Điểm tới hạn của hệ thống backup nội bộ là bản thân nó gặp lỗi.

Điểm tới hạn của host gốc về mặt hiệu suất là nó có RAM, CPU giới hạn.

Điểm tới hạn của host gốc về mặt tốc độ truyền dữ liệu là vì vị trí cố định của nó.

Điểm tới hạn của plugin miễn phí là chất lượng của nó không thể phát triển nhanh và tốt như các plugin trả phí (tính trên trung bình và lâu dài, còn xét các trường hợp cụ thể tất nhiên có những ngoại lệ).


Giải đáp

Câu hỏi quan trọng lúc này là:

Liệu có phải điểm tới hạn của các dịch vụ do bản chất của nó, hay là do bạn chưa sử dụng các gói cao cấp hơn vẫn cho phép nó nội bộ?

Vì nếu nó có thể có được chức năng chất lượng mà vẫn duy trì được tính nội bộ thì sự cần thiết của hệ thống bên ngoài không phải thiết yếu.

Câu trả lời là KHÔNG. Hệ thống nội bộ có những giới hạn mà nó không thể khắc phục được:

  • Không một host nào chỉ backup theo kiểu nội bộ có khả năng khôi phục lại dữ liệu khi chính bản thân hosting đó gặp lỗi.
  • Không một host nào có khả năng chịu tải tăng bất chợt vượt ngưỡng đáp ứng cao nhất của nó, vì mọi host nội bộ đều có giới hạn của riêng nó về RAM và CPU.
  • Hiện tượng người dùng web đến từ khắp nơi trên thế giới làm cho bất cứ host cố định nào cũng gặp vấn đề về tốc độ khi người dùng ở xa. Bản thân nó không thể tự giải quyết vấn đề này.
  • Các plugin miễn phí (trong đa số trường hợp) không bao giờ đạt đến cấp độ mà plugin trả phí đem đến, do tính chất cố hữu về đầu tư. Người ta không thể bỏ ra toàn bộ thời gian để phát triển plugin miễn phí.

P/S: bên cạnh những vấn đề về bản chất là không thể khắc phục được nên buộc phải sử dụng hệ thống bên ngoài, còn có những vấn đề mà về lý thuyết làm được nhưng trong thực tế do người quản trị web có tiềm lực giới hạn nên cũng buộc phải dùng hệ thống thứ ba.

Ví dụ như tự host video, việc này trên lý thuyết là làm được, giúp tốc độ tải trang tốt hơn nhưng sẽ rất tốn kém, kết quả là chỉ những website với kinh phí lớn mới có thể tự làm, còn phần lớn sẽ sử dụng các nền tảng host video miễn phí như Vimeo, YouTube, vân vân dù tốc độ có chậm đi.

Ngoài ra khi chủ trang đánh giá hệ thống của bên thứ ba tốt hơn nhiều hệ thống nội bộ triển khai, họ cũng không ngại ngần chọn dùng hệ thống ngoài. Ví dụ với WordPress là hệ thống bình luận của Disqus, Facebook để thay thế cho hệ thống bình luận mặc định, hay như ví dụ về công cụ tìm kiếm Algolia nói ở trên.

Back to Top