Categories SEO

Google Hummingbird là gì? Và tại sao nó là một trong những đột phá SEO quan trọng nhất

google hummingbird là gì

Ngày phát hành lần đầu của Google Hummingbird (ước tính): 20, tháng 8, năm 2013

Không giống như các cập nhật PandaPenguin trước đó, vốn được phát hành lần đầu dưới dạng bổ sung (add-on) cho thuật toán Google đã có (existing algorithm), Hummingbird được mô tả là cuộc đại tu toàn diện thuật toán cốt lõi (core algorithm).

Trong khi nhiều thành phần đã tồn tại trước đó của thuật toán lõi được cho là vẫn còn nguyên vẹn, Hummingbird là tín hiệu cho thấy cam kết của Google rằng họ có khả năng hiểu biết sâu sắc ý định của người tìm kiếm với mục tiêu là cung cấp cho người dùng kết quả phù hợp hơn.

Google công bố Hummingbird vào ngày 26, tháng 9, năm 2013, nhưng nó thực sự đã tồn tại trước đó khoảng một tháng. Trong khi các cập nhật thuật toán trước đó như Panda và Penguin làm châm ngòi cho nhiều lời than vãn về việc mất lưu lượng truy cập và thứ hạng (lost traffic and ranking), Hummingbird dường như không có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến web nói chung. Nó được hiểu là có ảnh hưởng tích cực lên tính chính xác của cơ sở tri thức Google căn cứ trên “biểu đồ tri thức” (knowledge graph).


Biểu đồ tri thức và tìm kiếm ngữ nghĩa

Để hiểu được đầy đủ mục đích đằng sau Hummingbird, điều quan trọng trước tiên là phải làm quen với các tính năng của công cụ tìm kiếm bị ảnh hưởng nhiều nhất (bởi Hummingbird): tìm kiếm ngữ nghĩa (semantic search) và biểu đồ tri thức.

Một năm trước khi phát hành Hummingbird, Google xây dựng biểu đồ tri thức: nó không chỉ là một biểu đồ thực sự, mà còn hơn thế nữa, đây là một tập hợp các tính năng SERP được thiết kế để cung cấp câu trả lời nhanh, chính xác cho truy vấn của người dùng về con người, địa điểm và đồ vật nói chung.

Bạn có thể thấy biểu đồ tri thức hoạt động trên trang kết quả khi tìm kiếm từ khóa “chocolate chip cookies / bánh quy chocolate chip”. SERP giờ không chỉ bao gồm các kết quả và liên kết đến những website phù hợp, mà nó còn bao gồm một tập hợp phong phú biểu đồ tri thức dữ liệu, bao gồm một hộp trả lời (answer box) với công thức, bên tay phải là bảng thông tin dinh dưỡng về món tráng miệng này, và các đề xuất cho đối tượng tìm kiếm liên quan (people also search for).

Hummingbird1
Biểu đồ tri thức với từ khóa tiếng Anh có nhiều nội dung hơn so với tiếng Việt

Từ khóa tiếng Việt tương ứng:

biểu đồ tri thức được đóng trong khung màu đỏ
Biểu đồ tri thức được đóng trong khung màu đỏ

Làm thế nào mà Google biết được các kết quả này phản ánh ý định của người tìm kiếm và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của họ? Đây là lúc mà tìm kiếm ngữ nghĩa bước vào.

Tìm kiếm ngữ nghĩa cố gắng khớp chính xác các kết quả SERP với ngôn ngữ của truy vấn mà người dùng internet thực hiện, mà nó vượt ra ngoài ý nghĩa của từng từ khóa riêng biệt, xem xét đưa vào bối cảnh rộng lớn hơn để tính toán, thậm chí là khi ý định của người dùng là dạng ngầm ẩn chứ không rõ ràng.

Để xem tìm kiếm ngữ nghĩa hoạt động như thế nào, hãy quay trở lại bức ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm cho từ khóa “bánh quy chocolate chip” ở trên. Ngay cả khi truy vấn là tìm kiếm trực tiếp liên quan đến bánh quy, tìm kiếm ngữ nghĩa đã ngoại suy ý định ẩn đằng sau tìm kiếm (khác với ngôn ngữ thực tế được dùng, mặc cho các từ được sử dụng trong truy vấn tìm kiếm – cái mà được hiểu theo nghĩa đen là đang đề cập đến ảnh hoặc định nghĩa về bánh quy).

Google sau đó đưa ra các kết quả khớp với ý định của người tìm kiếm hơn là chỉ thuần túy dựa vào ngôn ngữ của họ. Và hệ quả là chúng ta thấy SERP với đầy đủ các công thức (recipes), các thông tin dinh dưỡng (nutrition facts), và các chủ để khác liên quan đến cách làm (making) hoặc ăn (eating) bánh quy.

Google ngày càng thành thạo tìm kiếm ngữ nghĩa, điều cho phép họ- theo cách nói của họ là để hiểu “các thực thể trong thế giới thực và mối quan hệ của chúng với nhau”. Hummingbird tập trung vào khớp bối cảnh của truy vấn phù hợp với kết quả dựa trên công nghệ của Google về trí thông minh nhân tạo – khả năng phân tích ý định.

Tìm kiếm ngữ nghĩa là một chủ đề phức tạp, vì thế tôi đưa thêm một ví dụ khác về cách thức nó hoạt động trên web. Tưởng tượng là người dùng Google gõ hoặc nói truy vấn sau với máy tìm kiếm: best place for chinese. Bằng cách hiểu ý địnhbối cảnh của truy vấn như thế này mà Google có thể nhận định “place” là tín hiệu để chỉ “nhà hàng” và “Chinese” là tín hiệu về một kiểu thức ăn cụ thể của nhà hàng.


Dấu ấn của Hummingbird

Một trong các mục đích chính của Hummingbird là chuyển dịch tìm kiếm ngữ nghĩa từ khái niệm thành ý định thực sự – thứ mà cuối cùng sẽ trở thành tìm kiếm tiêu chuẩn.

Nó tìm kiếm mức độ gần đúng tốt nhất (better approximate) ý định thực sự của tìm kiếm, vì thế với truy vấn như ví dụ về thức ăn Trung Quốc được đề cập ở trên, người dùng sẽ nhận được một loạt nhà hàng ăn Trung Quốc ở địa phương để chọn lựa, thay vì nhận được kết quả là những nơi đáng sống nhất ở Trung Quốc hoặc các dữ liệu không liên quan khác.

phân tích ý định của người tìm kiếm

Cũng từ khóa như trên, nhưng khi tìm kiếm ở Việt Nam, kết quả sẽ khác:

kết quả tìm kiếm sẽ khác khi ở trong hoàn cảnh khác

Hummingbird và tìm kiếm bằng giọng nói

Khi nhìn lại, bản cập nhật Hummingbird có thể được xem là bước kế tiếp của Google hướng đến việc làm chủ sự gia tăng không thể tránh khỏi của tìm kiếm bằng giọng nói.

Khi Hummingbird được phát hành vào năm 2013, “tìm kiếm kiểu đàm thoại / conversational search” đã được bàn tán rất nhiều trong cộng đồng SEO. Chỉ sau vài năm nhanh chóng và sự xuất hiện của tìm kiếm bằng giọng nói buộc Google phải được trang bị để hiểu ngôn ngữ hoàn toàn tự nhiên, sử dụng ngôn ngữ nói cho tìm kiếm, chẳng hạn như “Siêu thị Vinmart gần nhất ở đâu?” hoặc “Vòi nước nhà bếp bị rỏ rỉ thì sửa như thế nào?”

Nói tóm lại, công nghệ mà bị giới hạn bởi hiểu biết ngôn ngữ tìm kiếm theo kiểu nghĩa đen của từng từ khóa không đáp ứng được nhiệm vụ nắm bắt ý định. Sự phát triển như tìm kiếm ngữ nghĩa hoặc các cập nhật như Hummingbird được thiết kế để máy tìm kiếm hoạt động hiệu quả hơn trong thế giới ngôn ngữ tự nhiên (natural language).


Làm thế nào tôi biết được mình bị ảnh hưởng xấu bởi thuật toán Hummingbird

Trong khi một số chủ doanh nghiệp địa phương có thể gặp phải một số vấn đề tạm thời với việc gia tăng spam trên hộp one-box làm giảm khả năng hiển thị tìm kiếm địa phương, hầu hết các website khác không thấy trải nghiệm xấu từ cập nhật này.

Nếu website của bạn đột ngột bị giảm lưu lượng truy cập hoặc thứ hạng mà bạn tin rằng nó có thể là do Hummingbird, bạn cần xem xét lại danh sách đầy đủ các cập nhật thuật toán của Google. Nó có thể chỉ ra nguyên nhân của sự thay đổi có khả năng do cập nhật khác, chẳng hạn như Panda hoặc Penguin.


Với Hummingbird, đừng lo lắng đến chuyện phục hồi, mà hãy hướng đến các cơ hội mới!

Hummingbird đã báo hiệu cho tất cả các chủ website rằng Google đã đặt mục tiêu gia tăng sự hiểu biết về ý định thực sự (true intent) ẩn bên dưới tìm kiếm của người dùng, để ý vào toàn bộ truy vấn để tìm hiểu bối cảnh thay vì đối xử với chúng như một chuỗi các từ khóa.

Một áp dụng thiết thực nhất với chủ các website là đảm bảo rằng ngôn ngữ tự nhiên được phản ánh trong nội dung website. Hummingbird có thể được xem như cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa các thực hành SEO kiểu cũ, spam và hiện đại – cái tìm cách nói ngôn ngữ tự nhiên của độc giả, sử dụng ngôn từ của chính họ (người đọc).

Các trang web khéo léo xác định và xuất bản câu trả lời cho các truy vấn phổ biến có thể được lựa chọn bởi Google như là nguồn thông tin liên quan cho chủ đề cụ thể nào đấy. Khi mà nội dung của bạn được xem là phù hợp với ý định của người tìm kiếm, cơ hội không chỉ là được xếp hạng tốt trong tìm kiếm thông thường và địa phương mà còn có được vị trí trong tính năng SERP khác như hộp trả lời hoặc bảng tri thức.

Trong thế giới SEO ngày nay, phục vụ ý định của người tìm kiếm phải có vị trí cao trong danh sách ưu tiên các việc SEO cần làm của bạn, và bạn sẽ muốn kết hợp tương tác trực tiếp với độc giả của bạn, nghiên cứu từ khóa, và nghiên cứu chủ để để giúp website của bạn có được thứ hạng tốt hơn.

(Lược dịch từ bài viết What is Google Hummingbird?, Website: Moz)

Back to Top