Categories CDN

Global Server Load Balancing hay GSLB là gì?

Cân bằng tải

Vài lời của người biên tập: phần nội dung này giúp bạn hiểu hơn tại sao CDN lại giúp tốc độ tuy cập website tốt hơn, và khả năng chống quá tải của nó.


Global Server Load Balancing (hệ thống cân bằng tải máy chủ toàn cầu) hay GSLB là hoạt động phân phối lưu lượng truy cập Internet giữa một số lượng lớn các máy chủ được kết nối phân tán trên khắp thế giới. Lợi ích của GSLB bao gồm tăng độ tin cậy (reliability) cũng như giảm độ trễ (latency).

Hãy tưởng tượng một cửa hàng bán giày qua thư cho khách hàng trên khắp thế giới. Nếu cửa hàng giày đó hoạt động ở một địa điểm duy nhất, khách hàng ở xa sẽ mất một khoảng thời gian rất dài để gửi đơn hàng và nhận giày của họ. 

Trong những mùa mua sắm bận rộn, cửa hàng có thể bị quá tải với các đơn đặt hàng và mất khả năng đáp ứng tất cả các đơn đặt hàng của khách hàng một cách nhanh chóng.

Quá tải!

Bây giờ hãy tưởng tượng rằng cửa hàng giày mở thêm nhiều địa điểm trên khắp thế giới. Điều này có nghĩa là khách hàng có thể đặt giày từ một địa điểm gần đó, giảm được thời gian vận chuyển và giảm khả năng một cửa hàng bị quá tải với nhiều đơn đặt hàng. 

Đây chính xác là điều GSLB làm cho các trang web và dịch vụ, khiến nó trở thành một trong những giải pháp cân bằng tải phổ biến nhất cho các công ty dựa trên người dùng toàn cầu.


Cân bằng tải là gì?

Cân bằng tải là hoạt động phân phối lưu lượng giữa hai hoặc nhiều máy chủ. Một số kỹ thuật cân bằng tải sử dụng chiến lược cân bằng tải ‘khờ dại’, tức là phân phối ngẫu nhiên lưu lượng truy cập. Ví dụ DNS round-robin, một kỹ thuật cân bằng tải DNS ngẫu nhiên, gửi từng yêu cầu đến một máy chủ khác với máy chủ cuối cùng. 

Ngoài ra còn có các kỹ thuật cân bằng tải ‘thông minh’, phân tích dữ liệu để quyết định đâu là máy chủ tốt nhất để xử lý yêu cầu. Ví dụ: bộ định tuyến Anycast chọn một máy chủ một phần dựa trên thời gian di chuyển nhanh nhất giữa máy khách và máy chủ.


GSLB giảm độ trễ như thế nào?

Ngay cả trước khi máy chủ gốc bị quá tải dẫn đến không thể hoàn thành các yêu cầu, lượng truy cập cao đến máy chủ đó vẫn có thể gây ra các vấn đề về độ trễ đáng kể. Hệ thống GSLB có thể phân phối lưu lượng truy cập đó giữa một số vị trí khác nhau, đảm bảo rằng không có vị trí nào xử lý nhiều yêu cầu đến mức gây ra chậm trễ.

Ngoài ra, GSLB có thể giảm đáng kể thời gian di chuyển của yêu cầu và phản hồi giữa người dùng và máy chủ. Nếu người dùng ở Los Angeles và họ đang sử dụng dịch vụ web với máy chủ gốc đặt tại Paris, thì cả yêu cầu và phản hồi sẽ phải di chuyển một khoảng cách rất xa, được chia thành các đoạn di chuyển nhỏ hơn được gọi là ‘bước nhảy / hops’. Điều này có thể gây ra sự chậm trễ đáng kể trong thời gian tải (load time).

Sử dụng GSLB, tức là một nhóm máy chủ trên toàn thế giới giúp đảm bảo rằng: mỗi người dùng có thể kết nối với một máy chủ gần họ về mặt địa lý, giảm thiểu số bước nhảy và thời gian di chuyển. 

Trong ví dụ trên, nếu công ty đặt trụ sở tại Paris đã được áp dụng GSLB, người dùng Los Angeles có thể kết nối đến một máy chủ trong vòng 100 km tính từ vị trí của họ, dẫn đến trải nghiệm người dùng nhanh hơn.


Làm cách nào để bật GSLB?

Một trong những cách dễ dàng nhất và tiết kiệm chi phí nhất để triển khai GSLB là thông qua Mạng phân phối nội dung (CDN), chẳng hạn như Cloudflare CDN. 

Dịch vụ CDN toàn cầu sẽ lấy dữ liệu từ máy chủ gốc của khách hàng và lưu vào bộ nhớ cache trên mạng máy chủ phân tán theo địa lý, cung cấp nội dung Internet nhanh chóng và đáng tin cậy hơn cho người dùng trên toàn thế giới.

(Dịch từ bài viết: What Is GSLB? Load Balancing Explained của Cloudflare)

Back to Top