Categories SEO

Đánh giá độ khó của từ khóa và cách tìm các từ khóa dễ thăng hạng

không dễ để leo lên vị trí cao nhất

Khi chúng ta thực hiện nghiên cứu từ khóa, sẽ không khó để bạn có được một danh sách từ khóa, hoặc danh sách ý tưởng muốn SEO, tuy nhiên, sẽ không dễ dàng gì biết được từ khóa nào thuận lợi để thăng hạng.

Nhiều công cụ nghiên cứu từ khóa (trong đó có cả Ahrefs) cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách cho bạn biết chỉ số “độ khó của từ khóa / keyword difficulty” hoặc “mức độ cạnh tranh của từ khóa” – nhưng có một câu hỏi quan trọng ở đây:

Liệu bạn có thể tin tưởng phán đoán của chúng hay không?

Vâng, mục tiêu của bài viết này là đưa cho bạn câu trả lời dứt khoát cho thắc mắc trên.


#1. Không một ai thực sự biết cách Google xếp hạng các trang web

Về cơ bản, toàn bộ ngành công nghiệp SEO cứ như là gã khờ vậy, tuy nhiên hàng trăm ngàn người vẫn cố gắng sử dụng phương pháp thử và sai (trial and error) để tìm ra được cách Google xếp hạng các trang web.

Tóm lại, tất cả chúng ta đều biết là giờ Google sử dụng hơn 200 yếu tố khác nhau để xếp hạng, với 3 thứ quan trọng nhất là các liên kết, nội dungRankBrain (thứ tự tôi vừa nêu ra không có ý là cái nào quan trọng hơn cái nào).

Chúng ta cũng biết rằng Google có nhiều kinh nghiệm với các thuật toán máy học và trí tuệ nhân tạo, cái hoàn toàn cách mạng hóa “tìm kiếm” trong vài năm tới.

Vậy tôi đang định nói điều gì đây?

Nếu bạn muốn xác định độ khó của một từ khóa nào đấy với độ chính xác 100%, bạn cần sử dụng các thuật toán hoàn toàn giống với cái Google sử dụng để xếp hạng các trang.

Vậy giờ đã có bất kỳ công cụ từ hãng thứ ba nào có khả năng biết được các thuật toán xếp hạng của Google hay chưa?

KHÔNG CÓ ĐÂU.

Liệu có ai đó đã phát triển các thuật toán xử lý thông tin mà có thể khoe khoang là cùng mức độ tinh tế như của Google?

Không hề chắc chắn một chút nào.

Đấy là lý do vì sao:

Không một công cụ kiểm tra độ khó từ khóa nào hoàn hảo cả và mỗi công cụ chỉ có thể cung cấp cho bạn ước tính tốt nhất của nó mà thôi.

Nhưng dù chỉ là ước tính thì vẫn tốt hơn là không có gì phải không ạ? Và bên cạnh đó, chắc chắn một số công cụ có độ chính xác cao hơn nhiều so với công cụ khác.

Quan trọng: rất nhiều người mới gia nhập cộng đồng SEO mắc lỗi dựa vào chỉ số “Competition / Cạnh tranh” mà họ thấy trên Google Keyword Tool. Xin lưu ý rằng chỉ số này không liên quan gì đến độ khó của từ khóa (độ khó để thăng hạng) cả và chỉ cho thấy có bao nhiêu nhà quảng cáo đang đấu giá để hiển thị quảng cáo của họ trong trang kết quả tìm kiếm cho từ khóa đó mà thôi. [ý là đây là các khái niệm hoàn toàn khác nhau, cho dù chúng có thể tương quan, tức là từ khóa nào đó được nhiều nhà quảng cáo mua cũng có thể có độ khó nhất định, nhưng tương đồng không phải là 100% – chú thích của người dịch.]

Mức độ cạnh tranh từ khóa trong quảng cáo
Mức độ cạnh tranh từ khóa trong quảng cáo

#2. Làm thế nào để xác định được độ khó của từ khóa muốn thăng hạng

Cách duy nhất để biết được mức độ khó của từ khóa bạn muốn thăng hạng lên top đầu Google là phân tích cẩn thận các trang đã được thăng hạng trước đó.

Lý tưởng nhất, bạn sẽ muốn kiểm tra các trang này cho tất cả hơn 200 yếu tố xếp hạng của Google.

Nhưng không một ai (ngoại trừ Google) thực sự biết mỗi yếu tố riêng lẻ trong đó đóng góp bao nhiêu % vào kết quả xếp hạng của một trang, do vậy điều có ý nghĩa hơn là tập trung vào những cái chiếm vai trò quan trọng nhất: liên kết và nội dung.


#3. Liên kết

Hãy sử dụng một trong các từ khóa mà chúng tôi đang nhắm mục tiêu cho Blog Ahrefs làm ví dụ, đó là: “anchor text / văn bản neo

Cách dễ nhất giúp bạn thấy được số backlink mà các trang thuộc top 10 có được với từ khóa này là nhập nó vào công cụ Ahrefs Keywords Explorer và cuộn chuột xuống báo cáo “SERP tổng quan”:

Báo cáo SERP tổng quan
Báo cáo SERP tổng quan

Cột “Domains / tên miền” cho thấy có bao nhiêu tên miền duy nhất (unique websites) liên kết đến trang. Và không khó khăn gì để thấy mẫu chung ở đây:

Càng có nhiều website trỏ đến trang, nó càng có khả năng xếp hạng cao hơn trên Google.

Trong thực tế, chúng tôi đã nghiên cứu mối tương quan giữa số lượng tên miền trỏ về với vị trí của nó trên Google thông qua 2 triệu từ khóa, và số lượng tên miền trỏ về nổi bật lên là một yếu tố xếp hạng mạnh.

Các yếu tố xếp hạng
Các yếu tố xếp hạng

Một trong những điều thú vị rút ra được từ biểu đồ trên là số lượng tên miền trỏ về trang có mối tương quan với thứ hạng trên Google tốt hơn so với số lượng backlink (tức là đếm số liên kết trỏ về). Vì thế, như một quy tắc chung, nếu bạn có một liên kết trỏ về từ mỗi trang trong 10 tên miền khác nhau thì vẫn tốt hơn là 10 liên kết từ một tên miền.

Nhưng ngoài số lượng tuyệt đối, nó cũng xem xét cả yếu tố chất lượng ở đây:

Một con số nhỏ các liên kết chất lượng cao có thể vượt qua số lượng lớn các liên kết chất lượng thấp.

Chúng tôi có chỉ số gọi là URL Rating (hoặc UR) để đo điều này.

Bạn có thể thấy từ biểu đồ trên rằng UR tương quan với thứ hạng trên Google tốt hơn bất kỳ các con số thô nào về liên kết tên miền. Đó là bởi vì chỉ số URL Rating của Ahrefs có tính đến chất lượng của các backlinks (tới một mức độ nhất định) và được thiết kế đặc biệt để phản ánh khả năng được xếp hạng của trang cao đến mức độ nào trên Google (đọc thêm về bài viết các chỉ số SEO của Ahrefs ở đây).

Nhưng ngay cả với UR (là chỉ số có tương quan tốt nhất trong ngành công nghiệp SEO) chúng tôi cũng chỉ chạm tới bề mặt cách Google xử lý các yếu tố backlink.

Có rất nhiều thứ cần xem xét:

  • Các liên kết ở đâu trên trang?
  • Liệu các liên kết đó có được chú ý/hoặc đem lại truy cập tăng thêm?
  • Văn bản neo của liên kết là gì?
  • Các văn bản xung quanh liên kết là gì?
  • Có bao nhiêu backlink khác trên trang?
  • Tốc độ có được liên kết mới của trang là bao nhiêu?
  • & nhiều điều khác nữa.

Chú thích của người dịch: để hiểu thêm về ảnh hưởng của liên kết từ các website khác, bạn có thể tham khảo thêm bài viết PageRank là gì, một trong các thuật toán lõi cổ xưa của Google để nắm bắt ý tưởng.


#4. Mức độ uy tín của tên miền (Authority of a domain)

Rất nhiều người làm SEO tin vào cái gọi là “độ uy tín của tên miền” (hoặc “chỉ số đánh giá tên miền”) có ảnh hưởng lớn lên khả năng một trang được xếp hạng.

Nhưng cùng lúc đó nhiều chuyên gia SEO tin chắc rằng “mức độ uy tín của tên miền” là không tồn tại.

Vậy thì ai đúng, ai sai?

Vâng, tại Ahrefs, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu mối tương quan của các yếu tố backlink cấp độ tên miền (domain-level) qua 2 triệu từ khóa tìm kiếm và phác họa chúng bên cạnh các yếu tố quan trọng khác ở cấp độ trang (page-level):

Độ uy tín ở cấp độ trang và cấp độ tên miền
Độ uy tín ở cấp độ trang và cấp độ tên miền

Như bạn có thể thấy từ dữ liệu trên của chúng tôi, các yếu tố cấp độ tên miền có mối tương quan nhỏ hơn đáng kể với thứ hạng so với các yếu tố cấp độ trang. Tuy nhiên mối tương quan vẫn khá vững chắc.

Vậy thì điều này có nghĩa là Domain Rating giúp bạn có thứ hạng tốt hơn?

Tôi e rằng mình không thể xác nhận điều này chỉ dựa trên mối tương quan vừa nói ở trên. Bởi vì Tương quan khác Nhân quả.

Nhưng dữ liệu của chúng tôi gợi ý rằng bạn có thể có thứ hạng vượt trên các trang web có DR cao nếu bạn có nhiều liên kết trỏ về URL cụ thể bạn muốn thăng hạng (ý là URL Rating thắng Domain Rating – chú thích của người dịch).

Và điều này thâu tóm cái nhìn tổng quan rất ngắn gọn của tôi về cách tiếp cận độ khó của từ khóa từ quan điểm backlink.

Thường những người làm SEO không đi sâu vào xem xét các trang kết quả tìm kiếm (SERP): Họ chỉ đơn giản nhìn vào các con số liên kết tên miền và UR/DR của các trang thuộc nhóm đầu và xử lý với thông tin đó. Nhưng với một số từ khóa quan trọng bạn có thể muốn đi xa hơn vào việc đánh giá các backlink thực sự, chúng đến từ đâu và cần làm điều gì để nhân rộng chúng.


#5. Nội dung

Sự thực là nội dung của bạn có thể dễ dàng xếp hạng cao hơn các trang có số lượng backlink cực kỳ lớn nếu những trang đối thủ đó thiếu tính liên quan đến truy vấn tìm kiếm.

Đây là từ khóa minh họa hoàn hảo cho ý tôi muốn nói: “chocolate lab” [giống chó lạ có màu sô-cô-la, chú thích của người dịch]

từ khóa chocolate lab
Từ khóa chocolate lab

Dường như các trang chỉ với 6-20 tên miền trỏ về đã đánh bại các trang có 900-1000 tên miền trỏ về.

Làm sao có thể như thế được?

Vâng, nếu bạn mở trang Wikipedia với hàng ngàn tên miền trỏ về, bạn sẽ thấy rằng “choclolate labrador” chỉ là một phần phụ nhỏ của một bài viết rất lớn:

Bài viết trên Wikipedia
Bài viết trên Wikipedia

Trong khi đó bài viết xếp hạng cao hơn trang Wikipedia được dành riêng hoàn toàn cho giống chó đặc biệt này:

chó labrador có màu sô-cô-la
Chó labrador có màu sô-cô-la

Đây là minh họa hoàn hảo về cách nội dung liên quan có thể vượt lên trên cả các trang có hồ sơ backlink mạnh nhất.

Nhưng đừng quá phấn khích về nó.

Điều mà chúng ta thấy trong ví dụ này được gọi là “thiếu nội dung liên quan“. Các trang kết quả trả về có xếp hạng hàng đầu được nhắm đến truy vấn rộng hơn (labrador retriever) so với chủ đề rất cụ thể mà mọi người tìm kiếm (chocolate lab).

Đây là cơ hội to lớn để nội dung có liên quan được tỏa sáng, và hai trong số chúng đã đứng ở vị trí đầu tiên cho dù không có nhiều backlink.

Nhưng bạn không thấy hiện tượng này quá thường xuyên đâu.

Thường thì những gì bạn nhận được trong SERP là “một chút nội dung không hoàn hảo“. Các kết quả trả về ở top đầu là 100% liên quan đến truy vấn, nhưng chúng có thể làm tốt hơn chút ít cho những gì mà người xem muốn tìm kiếm.

Kiểu SERP này không đem đến cho bạn cùng mức độ lợi thế cạnh tranh như SERP “thiếu nội dung liên quan”, nơi bạn có thể được xếp hạng mà không cần backlink.

Vậy làm thế nào bạn biết được các kết quả tìm kiếm cho từ khóa của bạn là các nội dung thiếu liên quan, cái sẽ đem lại cơ hội tốt cho bạn trong việc tạo ra nội dung mới có khả năng đánh bại chúng mà không có các liên kết?

Và làm thế nào bạn làm trang của mình liên quan 100% trong mắt của Google với một từ khóa nào đó?

Hãy để tôi thử giải quyết hai điều này.


#6. Các kỹ thuật SEO onpage thông thường và chủ đề liên quan

Tưởng tượng bạn đưa từ khóa muốn tối ưu vào Google để tìm kiếm và thấy các trang xếp hạng đầu tiên không sử dụng từ khóa trong tiêu đề/URL/headline của nó.

Đây là dấu hiệu chỉ ra rằng bạn có thể dễ dàng xếp hạng cao hơn họ nếu bạn sử dụng từ khóa trong tiêu đề/URL/headline có đúng không?

SAI !

Các thực hành tốt nhất về SEO onpage hiện nay không đơn giản như năm chục năm trước đây nữa rồi.

Thời điểm xa xưa đó, Google vẫn chưa có những thứ hay ho như là HummingbirdRankBrain, vì thế nó cần một số manh mối rất mạnh để hiểu trang của bạn nói về cái gì. Lúc ấy đưa từ khóa khớp-chính-xác (exact match) vào trong Tiêu đề/URL/Headline trong trang của bạn đem lại lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ vượt lên các trang không làm như vậy.

Nhưng mẹo mực này không còn có bất kỳ tác dụng nào nữa. Ngày nay, Google đủ thông minh để hiểu được nội dung của bạn là về cái gì, ngay cả khi từ khóa hướng đến không được đề cập chút nào trên trang.

Trong thực tế, khi nghiên cứu tìm kiếm về 2 triệu từ khóa chúng tôi phát hiện ra rằng gần 75% các trang được xếp hạng trong top10 Google không có nổi một lần đề cập đến kiểu từ khóa khớp-chính-xác trong nội dung của chúng.

Hãy kiểm tra trên SERP cho từ khóa “guest writing” để thấy điều mà tôi muốn nói:

tìm kiếm cho từ khóa guest writing
Tìm kiếm cho từ khóa guest writing

Rõ ràng, Google hiểu những thứ như “guest writing”, “guest blogging” và “guest posting” có nghĩa gần tương tự nhau. Vì thế nếu bạn tối ưu hóa hoàn hảo cho trang của mình với từ khóa “guest writing” theo các thực hành của trường phái SEO onpage cổ điển, điều ấy không cho bạn thêm bất cứ lợi thế cạnh tranh nào cả.

Ví dụ với từ khóa tiếng Việt, bạn có thể nhìn kết quả của truy vấn: “cách viết bài chuẩn SEO” dưới đây, 3 trang đứng đầu không hề có tiêu đề kiểu khớp chính xác:

cách viết bài chuẩn SEO - top đầu, không khớp chính xác hoàn toàn từ khóa
Cách viết bài chuẩn SEO – top đầu, không khớp chính xác hoàn toàn từ khóa

#7. Làm thế nào để trang của bạn liên quan hơn

Để tôi viết lại câu hỏi trên thành “làm thế nào để trang của bạn liên quan HƠN so với các trang hiện đang được xếp hạng trong Top10, và vì vậy Google sẽ xếp hạng trang của bạn cao hơn dù rằng bạn chỉ có vài backlink?”

Vâng, tôi e rằng không có cách thức dễ dàng và đơn giản để làm điều đó.

Để làm trang của bạn liên quan hoàn hảo đối với Google, đầu tiên bạn cần hiểu cách Google diễn giải truy vấn tìm kiếm và khớp chúng với các chủ đề và thực thể nó rút trích ra từ các trang web.

Nghe phức tạp đúng không ạ? Bởi vì nó như thế thật mà!

Bạn có thể tìm hiểu những thứ như từ khóa LSI (lập chỉ mục nghĩa nghĩa tiềm ẩn), LDA và các thuật toán mô hình chủ đề khác, nhưng hầu hết mọi người rõ ràng là sẽ không đi sâu tìm hiểu.

Và tại sao họ lại phải làm thế?

Kể từ khi Google thông minh đến mức gần như “đọc được” các trang trên website của bạn, thì câu hỏi đặt ra lúc này là: tại sao bạn phải tự làm khổ bản thân bằng cách điều chỉnh trang nhằm đạt được các tiêu chí phức tạp trong thuật toán của họ mà không đơn giản là “viết cho con người” thôi có phải tốt hơn không?

Vâng, từ quan trọng ở đây là “gần như”. Mặc dù nó có độ phức tạp ấn tượng, Google vẫn chỉ là một cái máy, và nếu bạn hiểu cách nó làm việc và có thể điều chỉnh trang của bạn theo cách đó, bạn sẽ đi một bước trước những người khác.

Chúng tôi sẽ viết chủ đề dành riêng cho “SEO onpage kiểu mới” trong thời gian tới đây, vì thế giờ tôi chỉ cung cấp cho bạn 2 mẹo nhanh thôi:

  1. Sử dụng công cụ Site Explorer của Ahrefs để phân tích các trang đứng đầu cho từ khóa nhắm đến của bạn và xem các từ khóa khác họ cũng được xếp hạng. Điều này sẽ cho bạn một số dấu vết như chủ đề Google nghĩ chúng có liên quan đến.
  2. Mở các trang thuộc Top10 với từ khóa bạn nhắm đến và sử dụng một công cụ rất tinh vi đề rút trích các chủ đề từ chúng – công cụ đó là bộ não của bạn. Nếu bạn tìm kiếm quanh chủ để và tìm hiểu tất cả các trang liên quan đến chủ đề của bạn, bạn sẽ tự nhiên xây dựng được kho các từ đồng nghĩa tốt và các chủ đề sẽ giúp Google nhận ra trang của bạn đúng là liên quan hoàn hảo.

#8. Ý định của người tìm kiếm

Trong phần lớn trường hợp “tính liên quan” và “ý định của người tìm kiếm” đi cặp với nhau. Nhưng trong một số trường hợp kết quả tìm kiếm liên quan nhất có thể không cung cấp cho người dùng điều mà họ tìm kiếm.

Trong những trường hợp như vậy Google luôn ủng hộ “ý định của người dùng” hơn là “tính liên quan”.

Nghe lộn xộn khó hiểu thế? Tôi có một ví dụ hay cho bạn ngay đây.

Nếu bạn tìm kiếm cho từ khóa “online survey / khảo sát trực tuyến” từ Hoa Kỳ, bạn sẽ nhận được các kết quả tìm kiếm giống như thế này:

tìm kiếm từ khóa online survey
Tìm kiếm từ khóa online survey

Chín trong số mười kết quả gợi ý các công cụ cho mục đích tạo khảo sát trực tuyến và chỉ có 1 kết quả cung cấp công việc về khảo sát trực tuyến cho những người muốn làm tại nhà.

Nhưng điều gì xảy ra khi chúng tôi tìm kiếm chính xác cùng từ khóa này từ Anh Quốc?

từ khóa online survey tìm ở Anh Quốc
Từ khóa online survey tìm ở Anh Quốc

Lúc này chỉ có 5 kết quả tìm kiếm cung cấp các công cụ cho mục đích tạo khảo sát trực tuyến, trong khi đưa ra 5 “công việc về khảo sát trực tuyến”.

Ví dụ này cho thấy rằng mọi người có thể tìm kiếm các thứ khác nhau khi họ tìm kiếm cho các từ khóa chung chung mà nó có thể có nhiều lớp nghĩa (đa nghĩa).

Và Google bằng cách nào đó đã xác định được rằng hều hết mọi người ở Hoa Kỳ tìm kiếm các công cụ tạo khảo sát trực tuyến, trong khi rất nhiều người ở Anh Quốc lại thích thú việc kiếm tiền bằng cách tham gia thực hiện các khảo sát trực tuyến.

Nhưng làm thế nào Google biết được mọi người đang tìm kiếm điều gì?

Điều này vẫn chưa được xác nhận chính thức, nhưng theo lời đồn thì họ có thể xem xét những thứ kiểu như:

  • Những người sau khi click vào trang từ kết quả tìm kiếm sẽ ở lại đó bao lâu (chỉ số này được biết đến với tên gọi dwell time);
  • Liệu mọi người có còn click vào bất kỳ kết quả tìm kiếm nào khác hay họ đã giải quyết được với ngay cái đầu tiên họ chọn.
  • Liệu mọi người có được cái họ muốn tìm hiểu ngay từ lần tìm kiếm đầu tiên hay họ sẽ tiếp tục tinh chỉnh lại truy vấn và click vào nhiều kết quả tìm kiếm hơn.

Và những thứ như thế này có thể đôi khi được đánh trọng số cao hơn về tính liên quan chủ để của một trang.

Ý tôi là, nếu có nhiều người ở Anh Quốc bắt đầu click vào kết quả tìm kiếm liên quan đến “các công việc về khảo sát trực tuyến”, Google sẽ thấy điều đó và đánh tụt hạng một nhóm các kết quả về “công cụ khảo sát trực tuyến” từ trang đầu – thậm chí nếu chúng liên quan hoàn hảo đến từ khóa “khảo sát trực tuyến” và có rất nhiều backlink.


#9. Lịch sử của SERP

Có một cách hay để biết liệu rằng Google có hạnh phúc với các kết quả tìm kiếm, hay là nó vẫn đang đi tìm kết quả tốt nhất cho người dùng, cách đó là nhìn vào lịch sử của SERP (trang kết quả tìm kiếm).

Đây là lịch sử vị trí trên SERP mà công cụ Keywords Explorer của Ahrefs cho thấy với từ khóa “search engine optimization / tối ưu hóa máy tìm kiếm”:

lịch sử vị trí trên SERP
Lịch sử vị trí trên SERP

5 trang này cùng giữ vị trí thuộc nhóm top đầu trong một khoảng thời gian khá lâu, với sự thay đổi nhỏ trong vị trí xếp hạng của chúng.

Và bên dưới là lịch sử xếp hạng SERP cho từ khóa “twitter marketing”:

thứ hạng nhảy nhót
Thứ hạng nhảy nhót

Các trang nhảy vào và bật ra khỏi Top10 liên lục trong vòng gần một năm. Và chỉ trong khoảng thời gian gần đây, Google mới dường như tìm ra được kiểu kết quả tìm kiếm làm mọi người hài lòng nhất.

Nói cách khác, lịch sử vị trí SERP có thể phần nào chỉ ra mức độ hài lòng của Google với kết quả tìm kiếm của họ và vì vậy phản ảnh cơ hội cho bạn chen chân vào Top10.

Và cái đó làm thổi bùng lên cuộc thảo luận của chúng tôi về các yếu tố bạn phải đánh giá khi xem xét độ khó của từ khóa.

Giờ hãy cùng thảo luận chỉ số độ khó của từ khóa do Ahrefs phát triển và cách nó làm mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với bạn.


#10. Độ khó của từ khóa trong Ahrefs

Một khi bạn đưa từ khóa vào trong công cụ Ahrefs Keywords Explorer, chỉ số đầu tiên mà bạn sẽ thấy là điểm số độ khó của từ khóa:

độ khó của từ khóa trong Ahrefs
Độ khó của từ khóa trong Ahrefs

Ví dụ khác với từ khóa: “điều hòa nhiệt độ”

độ khó từ khóa: điều hòa nhiệt độ
Độ khó từ khóa: điều hòa nhiệt độ

Chúng tôi đo độ khó của từ khóa (KD) trên thang đo từ 0 đến 100, với giá trị lớn hơn thì sẽ khó thăng hạng hơn.

Nhưng nó không thực sự giúp bạn hiểu KD 15 hoặc KD 65 có nghĩa là gì phải không?

Tôi thấy rằng cách hay nhất là sử dụng kiểu Hỏi và Đáp để giải thích điểm số độ khó của từ khóa trong Ahrefs và cách sử dụng nó:

1. Điểm số độ khó từ khóa của Ahrefs có nghĩa là gì?

Điểm số độ khó của từ khóa mà chúng tôi phát triển cho bạn ước tính mức độ khó khăn để được xếp hạng trong Top10 các kết quả tìm kiếm với một từ khóa cho trước.

Lưu ý: Tôi không nói là “Xếp hạng số 1 với từ khóa cho trước”. Tôi nói là “Xếp hạng trong Top10 với từ khóa cho trước”.

Sắc thái nhỏ này là nguyên nhân của nhiều lầm lẫn:

Mọi người thấy mức độ khó khăn cực cao để trang được xếp hạng ở vị trí số 1 và họ cho là chỉ số của chúng tôi không chính xác. Nhưng nếu bạn nhìn vào các trang từ vị trí số 2 tới 10, chúng có thể yếu hơn rất nhiều và vì thế dễ dàng hơn để vượt qua.

Tại sao lại là Top10?

Tại Ahrefs, chúng tôi tin rằng Google dựa vào độ mạnh của backlink để xác định các trang xứng đáng xếp hạng trong Top10.

Nhưng một khi trang của bạn lọt được vào trang đầu của Google, tất cả các yếu tố quan trọng khác tham gia vào:

  • Kết quả tìm kiếm nào thu hút được nhiều click nhất
  • Trang nào cho thấy các yếu tố hành vi của người dùng tốt nhất
  • Có phải mọi người tiếp tục tìm kiếm thêm bằng cách tinh chỉnh từ khóa tìm kiếm của họ?

Và đừng quên các thuật toán mô hình chủ đề tinh vi mà tôi đề cập phía trên.

Nói cách khác, tạo ra điểm số từ khóa dự đoán chính xác vị trí số 1 cũng khó khăn như việc xây dựng Google của riêng chúng tôi tại Ahrefs.

Đấy là lý do vì sao hiện chúng tôi bằng lòng với dự đoán các cơ hội được xếp hạng trong Top10, là cái chúng tôi thực hiện khá chính xác.

2. Bạn tính toán độ khó của từ khóa như thế nào?

Chúng tôi xem xem có bao nhiêu tên miền trỏ về (referring domains / RDs) các trang được xếp hạng trong Top10 cho một từ khóa nào đó.

Chúng tôi không đưa vào tính toán các thứ như: domain rating, tuổi của website, việc sử dụng từ khóa trong Tiêu đề/URL/H1, vân vân (tôi sẽ giải thích bên dưới).

Chúng tôi cũng không phân biệt giữa liên kết dofollow và nofollow, bởi vì cộng đồng SEO vẫn chưa đi đến quyết định liệu rằng các backlink nofollow có giúp bạn được thăng hạng hay là không.

3. Tại sao bạn không đưa vào tính toán thêm bất kỳ yếu tố “SEO onpage” nào?

Đầu tiên, hãy định nghĩa “các yếu tố SEO onpage” mà chúng ta đang nói.

Rất có thể bạn đang đề cập đến những thứ như:

  • Sử dụng khớp từ khóa chính xác trong Tiêu đề/URL/Headline;
  • Mật độ từ khóa của từ khóa bạn hướng đến trong nội dung;
  • Độ dài của nội dung;
  • Số lượng chia sẻ trên các mạng xã hội;
  • Các liên kết ngoài hướng ra các trang web uy tín;
  • Tốc độ tải trang;
  • Vân vân.

Vâng, nhiều nghiên cứu (trong đó có cả của chúng tôi) đã xác nhận rằng các thứ kiểu như vậy có mối tương quan nhỏ với thứ hạng so với các yếu tố backlink.

Vì vậy, ngay cả khi chúng tôi đưa chúng vào tính toán trong công thức độ khó của từ khóa, chúng sẽ thay đổi điểm số kết quả của độ khó từ khóa không nhiều hơn +/- 3 điểm. Điều đó là không đáng để bỏ công tốn sức vào khiến các nguồn lực CPU bị tiêu tốn vì nó.

Nhưng khi chúng tôi nói về các ý tưởng SEO onpage nâng cao mà tôi vừa đề cập ở trên – mô hình chủ đề, TF-IDF, sự kiện thực thể, vân vân. Chúng tôi chắc chắn đang làm việc theo hướng này. Chỉ là hiện chúng tôi chưa sẵn sàng áp dụng những cái chúng tôi có vào công thức độ khó từ khóa của mình.

Lưu ý: Trong khả năng hiểu biết của mình, hiện tôi không thấy công cụ kiểm tra độ khó của từ khóa nào trên thị trường có khả năng xử lý “các yếu tố SEO onpage nâng cao”. Hầu hết chúng chỉ tính toán dựa trên những thứ cơ bản như “từ khóa trong tiêu đề”, chúng có ý nghĩa cách đây 5 năm nhưng giờ không tạo ra ý nghĩa nào.

4. Độ chính xác của điểm số độ khó từ khóa của bạn có cao không?

Ahrefs tự hào là cơ sở dữ liệu tốt nhất về các backlinks live (thời gian thực), điểm số độ khó của từ khóa mà chúng tôi tạo ra thể hiện hình ảnh chính xác nhất mức độ cạnh tranh của một SERP là hồ sơ backlink.

Độ chính xác của chỉ số độ khó từ khóa được xác nhận bởi kiểm tra của bên thứ ba về các công cụ đánh giá độ khó của từ khóa, theo đó Ahrefs chiến thắng với vị trí đầu tiên:

các công cụ kiểm tra độ khó từ khóa tốt nhất
Các công cụ kiểm tra độ khó từ khóa tốt nhất

Nhưng ngay cả khi Ahrefs chính xác hơn bất kỳ công cụ nào khác, chúng tôi cũng không khuyên bạn mù quáng dựa trên duy nhất điểm số KD để ra các quyết định về SEO.

Nó có thể là thiết bị “sàng lọc ban đầu” rất tốt để loại bỏ các từ khóa cần quá nhiều backlink để xếp hạng, nhưng sau đó bạn phải nhìn vào trang SERP thực sự và kiểm tra thủ công các trang xếp hạng cao nhất theo cách thức mà tôi đã giải thích ở trên.

5. Tôi nên hiểu điểm số độ khó từ khóa của bạn như thế nào?

Vì chỉ số độ khó của từ khóa do Ahrefs phát triển phụ thuộc vào số tên miền trỏ về mà không có thêm biến số nào khác, thước đo này do đó khá đơn giản và dễ hiểu.

Mỗi điểm số độ khó của từ khóa được phiên dịch ra con số trung bình của các tên miền trỏ về các kết quả nằm trong Top10:

  • KD 0 = 0 tên miền trỏ về
  • KD 10 = 10 tên miền trỏ về
  • KD 20 = 22 tên miền trỏ về
  • KD 30 = 36 tên miền trỏ về
  • KD 40 = 56 tên miền trỏ về
  • KD 50 = 84 tên miền trỏ về
  • KD 60 = 129 tên miền trỏ về
  • KD 70 = 202 tên miền trỏ về
  • KD 80 = 353 tên miền trỏ về
  • KD 90 = 756 tên miền trỏ về
độ khó của từ khóa
Độ khó của từ khóa

Từ biểu đồ phía trên, bạn có thể thấy chỉ số KD của chúng tôi là theo hàm số mũ, vì thế có sự khác biệt rất lớn giữa số lượng KD 80 và KD 90 so với giữa KD 20 và KD 30.

6. Khoảng điểm độ khó của từ khóa như thế nào có thể được coi là “dễ”?

Đây là câu hỏi khôn lanh (khôn nhưng mà không ngoan), bởi vì những cái có vẻ “dễ” với một ai đó hóa ra lại “vô cùng khó khăn” cho một người nào đấy.

Tuy nhiên, dựa trên nhiều cuộc trò chuyện với các khách hàng của mình, chúng tôi thấy rằng có sự chấp nhận phổ quát như thế này về điểm số độ khó của từ khóa:

thế nào là từ khóa khó
Easy -dễ; Medium – trung bình; Hard – khó; Super hard – rất khó

Ngay cả với chúng tôi, tại Ahrefs, có được 40 websites liên kết đến trang cũng khá khó khăn rồi.

7. Khoảng độ khó của từ khóa nào tôi có thể an toàn nhắm đến với trang web của tôi?

Bạn có thể dễ dàng xác định được khoảng độ khó của từ khóa “an toàn” bằng cách xem xét các từ khóa hiện bạn đang được thăng hạng.

Đưa trang web của bạn vào trong công cụ Site Explorer của Ahrefs, đi tới phần báo cáo “Organic Keywords / Các từ khóa tự nhiên” và áp dụng lọc “Position / Vị trí” và “Volume / Khối lượng” để tìm ra từ khóa tốt nhất được xếp hạng trọng Top5:

từ khóa bạn được xếp hạng cao
Từ khóa bạn được xếp hạng cao

Trong hình chụp màn hình ở phía trên, tôi đã lọc tất cả các từ khóa có khối lượng tìm kiếm trên 500 lượt mỗi tháng mà Ahrefs được xếp hạng trong vị trí từ 1-5.

Kết quả bao gồm 26 từ khóa (nhiều cái trong số chúng là lặp lại bởi vì chúng được xếp hạng trong các tính năng khác của SERP).

Sau đó tôi xuất báo cáo này và copy/paste 26 từ khóa này vào trong Keywords Explorer.

Nó tự động loại từ khóa trùng lắp và cho tôi thấy dữ liệu tổng hợp cho 16 từ khóa còn lại:

phân tán độ khó của từ khóa
Phân tán độ khó của từ khóa

Như bạn có thể thấy từ biểu đồ “phân tán về độ khó”, hầu hết các từ khóa trong danh sách của tôi có độ khó rơi vào khoảng từ 40 – 60.

Điều đó nghĩa là chúng tôi có thể an toàn khi nhắm đến bất cứ từ khóa nào có độ khó cao nhất là 60.

Lặp lại cùng các thao tác trên cho website của bạn và bạn sẽ thấy chỉ số độ khó từ khóa cao nhất bạn có thể nhắm đến.

8. Tại sao có rất nhiều chỉ số độ khó từ khóa trong báo cáo của tôi có màu xám?

Ảnh chụp màn hình trông giống như thế này:

độ khó của từ khóa cached
Độ khó của từ khóa cached

Chúng tôi có 2 kiểu điểm số độ khó từ khóa trong Keywords Explorer:

  • Cached – chúng tôi thường xử lý rất nhiều trang SERPs cho hàng triệu từ khóa và tính toán chỉ số độ khó dựa trên các trang chúng tôi thấy trong bảng xếp hạng vào thời điểm đó. Một số từ khóa được cập nhật hàng ngày, trong khi một số khác có thể mất cả tháng để được cập nhật. Chúng tôi hiển thị độ khó từ khóa cached dưới dạng màu xám để minh họa rằng nó không phải là chỉ số cập nhật nhất;
  • Fresh – một khi bạn click nào nút “Get metrics / Lấy số liệu” bên cạnh bất kỳ từ khóa nào, chúng tôi sẽ lấy dữ liệu tươi mới của các SERP và tính toán điểm số độ khó của từ khóa dựa trên các trang được xếp hạng vào ngay lúc này (at this very monment). Kết quả đưa đến con số sẽ được cấp màu sắc phù hợp với thang đo trên của chúng tôi.

Cached KD có thể rất không chính xác, bởi vì các trang kết quả tìm kiếm (SERP) không thể tránh khỏi thay đổi, nhưng nó có thể vô cùng tiện dụng khi bạn cần lọc một danh sách cực lớn với vài ngàn ý tưởng từ khóa xuống danh sách không yêu cầu nhiều RDs (tên miền trỏ về) để được xếp hạng:

danh sách ý tưởng từ khóa
Danh sách ý tưởng từ khóa

Đây là thời gian để bạn tìm các từ khóa dễ cho mục tiêu thăng hạng!

Giờ đây bạn được trang bị tất cả các kiến thức cần thiết để đánh giá chính xác mức độ khó khăn trong việc thăng hạng một từ khóa.

Chỉ số độ khó từ khóa của Ahrefs là điểm bắt đầu tốt cho nghiên cứu của bạn, nhưng hãy chắc chắn là bạn luôn luôn kiểm tra SERP thủ công trước khi quyết định bỏ thời gian và tiền bạc vào một số từ khóa.

Hẹn gặp bạn trên trang đầu của Google.

(Dịch từ bài viết How to gauge keyword difficulty and find the easiest keywords to rank for – Tác giả: Tim Soulo – Website: Ahrefs Blog)

Back to Top