Categories Sách

Ý tưởng về một nơi lưu trữ danh mục sách hay

sách hay

Sách mãi là nguồn thông tin quý giá, gánh vác vai trò người thầy cho chúng ta trong hành trình học tập suốt đời. Nhưng có một rắc rối:

Có quá nhiều sách để chọn lựa, và bạn không biết nên đọc cuốn nào?

Việc chọn sách là một vấn đề y như việc chọn film để xem vậy (bạn có 2 tiếng để xem, và bạn mất một tiếng để chọn!).

Danh mục mà tôi định lập ra đơn thuần chỉ liệt kê chứ không phải nơi để tải dữ liệu về, vì như thế sẽ vi phạm bản quyền.

Giờ thì chắc chắn danh mục này cần tiêu chuẩn, thậm chí là tiêu chuẩn khắt khe, bởi nếu không, nó sẽ bị loãng như bất cứ danh sách nào khác hoặc/và ngớ ngẩn.


Nhưng tiêu chuẩn đó là gì?

Trước hết nó sẽ phải KHÔNG phản ánh sở thích cá nhân của tôi, nghĩa là nó được đưa vào danh mục không phải vì tôi thích nó, thấy nó hay, hay bất cứ cái gì tương tự. Tóm lại: những thứ liên quan đến cá nhân tôi sẽ không phải là tiêu chí đưa vào danh sách này.

Tại sao điều này lại quan trọng?

Bởi vì nếu điều đó xảy ra chắc chắn danh mục sẽ phiến diện, thậm chí là cực kỳ phiến diện, giới hạn, nghèo nàn. Một danh sách như vậy có thể hữu ích với ai đó nhưng sẽ không thể là cái gì đáng giá với nhiều người hay đại diện cho giá trị chung. Cho nên ngay ban đầu tôi phải kiên quyết với điều này.

Nhưng loại bỏ hoàn toàn tính cá nhân trong một dạng tri thức nào đó có thể thành hiện thực được không. Rõ ràng là không ngay cả khi chủ động, nhưng với xuất phát điểm như vậy, tôi cố gắng triệt tiêu càng nhiều càng tốt tính cá nhân trong đó.

PS: tính cá nhân vẫn có thể tồn tại theo cách khác. Ví dụ tôi vẫn có thể nêu cảm nhận của bản thân về cuốn Anna Karenina của Lev Tolstoy, nhưng việc Anna Karenina được đưa vào danh mục không phải vì tôi thích nó mà chỉ vì đây là cuốn được rất nhiều chuyên gia bình chọn.


Thế nào là cuốn sách hay?

Có hai yếu tố quan trọng nhất làm bằng chứng cho một cuốn sách hay:

  • Thời gian
  • Giải thưởng

Một cuốn sách 2 thế kỷ sau, thậm chí 2 thiên niên kỷ sau người ta vẫn xuất bản, tìm đọc (ví như một số sách tôn giáo, triết học, thần thoại) chắc chắn có giá trị phi thời gian nào đó mà không thể bỏ qua.

Giải thưởng, và dĩ nhiên phải là các giải thưởng có giá trị, là sự công nhận của giới tinh hoa dành cho nhau cũng là một tiêu chí quan trọng.

Ở đây tôi muốn nói rất rõ là tôi sẽ chỉ quan tâm đến bầu chọn của giới chuyên gia nhiều hơn là quần chúng. Quần chúng sẽ tạo ra các cuốn best-seller (sách bán chạy), nó có thể là những cuốn sách hay, nhưng thường thì thời gian sẽ sớm muộn cho chúng ta biết điều đó có đúng hay là không? Và nó có xứng đáng được đưa vào danh mục? Thường thì chúng ta thấy câu trả lời là KHÔNG. Do vậy best-seller sẽ không phải là tiêu chí được xét đến ở đây, nguyên nhân chính là vì nó không phải là yếu tố “chắc chắn cao”.

Danh sách các tác phẩm ưa thích của nhà văn uy tín (chẳng hạn William Faulkner) sẽ đáng giá hơn các tác phẩm văn chương bán chạy nhất trên Amazon.


Nó nên thiết kế thế nào?

Đây là phần quan trọng. Bởi vì nếu tôi chỉ tập hợp chẳng hạn 100 hoặc 1000 cuốn sách hay nhất từ vài chục danh mục uy tín thì nó sẽ tạo ra vấn đề quá ít hoặc quá nhiều. Một cái sẽ khiến bạn bỏ lỡ thông tin giá trị, cái còn lại sẽ dẫn bạn bị tràn ngập và lại bối rối.

Tức là hệ thống này cần được thiết kế sao cho ý định của bạn thỏa mãn cao trong số lượng sách chỉ khoảng 10 cuốn, cho dù nó có danh mục 1000 cuốn hoặc hơn.

Nói cách khác sách đó cần được phân loại tốt. Ví dụ cuốn Anna Karenina của Lev Tolstoy cần được phân loại chi tiết như thế này:

  • Văn học Nga
  • Nữ chính
  • Ngoại tình
  • Thế kỷ 19
  • Lev Tolstoy
  • Tình yêu
  • Kinh điển
  • Người dịch (nếu có)
  • Giải thưởng của tác giả hoặc tác phẩm (nếu có)

Danh mục sách liên quan cũng rất hữu ích ở đây. Ví dụ ai đó thích Lev Tolstoy cũng có khả năng thích Dostoyevsky, ai đó thích Dostoyevsky có thể thích triết học hiện sinh…

Cái khó ở đây là hệ thống cần tìm ra được mối liên quan thực sự có ý nghĩa giữa các cuốn sách, và một trong các yếu tố tin cậy là xem xét các tác giả chịu ảnh hưởng của ai (có lẽ không một tác giả chất lượng nào lại không đọc và mê say các tác phẩm của các tác giả chất lượng khác). Một yếu tố nữa có thể cũng quan trọng là quốc tịch và khoảng thời gian sách được viết / xuất bản.


Nên tập trung vào ngoại văn hay tiếng Việt?

Ngay từ đầu tôi đã hướng đến sách tiếng Việt (tất nhiên bao gồm sách dịch, thậm chí đây là sẽ danh mục chính), bởi vì nếu ai đó rành ngoại ngữ, đủ để đọc và hiểu được luôn nguyên bản thì một danh mục mà tôi định lập ra sẽ có ít tác dụng hơn nhiều. Có hai lý do chính: danh mục ngoại văn như vậy rất dễ tìm, tiếp theo các cuốn trong danh mục đó cũng rất dễ mua (đặc biệt là ấn bản điện tử).

Vậy danh mục này hữu ích nhất với những ai? Tôi thấy có nhiều người.

Cá nhân tôi thuộc nhóm mà cầm cuốn sách ngoại ngữ là méo mặt và tôi biết cũng có nhiều người như vậy. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, ngay cả bạn rành một ngoại ngữ nào đó (ví dụ tiếng Anh) thì không chắc cuốn sách hay mà bạn muốn đọc có ngôn ngữ gốc là dạng đó. Ví dụ cụ thể như cuốn “Tội ác và hình phạt” của Dostoyevsky với ngôn ngữ gốc là tiếng Nga thì một người Việt (thành thạo tiếng Việt) nếu không phải muốn luyện thêm khả năng đọc tiếng Anh thì đọc dịch phẩm của tác phẩm này ở dạng tiếng Việt tốt hơn là dạng tiếng Anh.

Một trường hợp khác cũng không phải không phổ biến, một cuốn sách chuyên ngành hay cần mức độ hiểu sâu ngôn ngữ hoặc cần tra cứu nhiều mà ít người có cơ may đạt đến cũng có khả năng làm khó rất nhiều người. Ví dụ bạn giao tiếp, đọc báo tiếng Đức ổn, nhưng để đọc được cuốn như dạng “Phê phán lý tính thuần túy” của Kant dễ thành cực hình (nó thậm chí vẫn cực hình với người bản xứ rồi!). Vậy thì dịch phẩm của Bùi Văn Nam Sơn với chú thích chi tiết, ngôn ngữ mẹ đẻ gần gũi sẽ giúp cho người đọc rất nhiều. Và điều này cũng không loại trừ sau khi đọc bản dịch xong, bạn đọc thêm tác phẩm gốc.


Vấn đề chất lượng dịch

Đây là cái đau đầu của tác phẩm dịch, người đọc hiếm có khả năng tự thẩm tra tài liệu gốc để xem nó dịch tốt đến đâu (nếu họ đạt đến khả năng ấy, họ đã không cần mua tác phẩm dịch rồi!). Nói cách khác một tác phẩm dịch tệ có khả năng vẫn tồn tại mà không ai biết gì! (hoặc chỉ vài người biết, nhưng họ không nói, hoặc tiếng nói quá nhỏ).

Có một vài yếu tố giúp chúng ta hạn chế vấn đề này:

  • Các tác phẩm kinh điển vẫn được giới dịch thuật để ý: nếu một tác phẩm kinh điển được dịch, thường thì giới dịch thuật vẫn sẽ quan tâm đến nó ít nhiều.
  • Chọn các dịch giả uy tín: những người dịch lâu năm, dịch nhiều tác phẩm khó sẽ đáng tin cậy hơn.

Với tư cách người lập danh sách, và chắc chắn không phải là chuyên gia thẩm định chất lượng dịch (và cũng không có khả năng đọc hết các tác phẩm), thì tôi sẽ chỉ loại trừ, hoặc nhắc nhở về chất lượng dịch nếu một tác phẩm nào đó bị chê trách.


Ai đó nói rằng: tự bản thân một người sẽ tự tìm ra cuốn sách phù hợp với chính mình

Điều đó đúng, nhưng có thể bạn đang hiểu sai.

1. Điều đó có ngụ ý là người đó sẽ không cần gợi ý từ bất cứ nguồn bên ngoài nào?

Không hề có chuyện đó. Thi thoảng chúng ta ngẫu nhiên gặp cuốn sách hay nào đấy ở hiệu sách hoặc trang thương mại điện tử nào đó. Nhưng ai là người sắp xếp các cuốn sách đó để bạn thấy? Nó có thể là một nhân viên bán hàng hoặc một thuật toán AI. Tuy nhiên dù trong bất cứ trường hợp nào nghĩa là bạn đã nhận được gợi ý rồi.

Hay bạn đến nhà thằng bạn chơi và vô tình gặp một cuốn sách chị gái nó đang đọc, đấy cũng là một nguồn bên ngoài.

Bạn thích Murakami Haruki và tự tìm các cuốn sách khác của ông ấy để đọc thêm, lúc này ai là người gợi ý? Chính là Murakami Haruki đấy!

Lúc nào cũng có một nguồn bên ngoài gợi ý cho bạn, vấn đề chỉ là: (a) Nó có đáng tin cậy không? (b) Bạn có khả năng đánh giá nó phù hợp với bản thân mình đến đâu?

2. Điều đó có ngụ ý là tham khảo một danh mục sẽ tước quyền tự do của người đọc?

Cũng không nốt.

Chúng ta cần hiểu là danh mục chỉ như một gợi ý, nó không có nói là bạn chỉ thành người hay chỉ tiến bộ được khi đọc xong, chẳng hạn 10% số sách trong danh mục quan trọng nhất thế giới này!

Nó chỉ bảo bạn là tôi có rất nhiều thứ hay ho, và có thể bạn sẽ thích và nhận được lợi ích từ nó.


Tạm thời nghĩ đến đây, sau tôi sẽ cập nhật dần.

Comments are closed.

Back to Top