Categories SEO

Công cụ kiểm tra thứ hạng từ khoá – lợi ích và một số giới hạn

thứ hạng tìm kiếm

Trong ý định chuyển chú ý sang SEO thay vì chi tiêu quá nhiều cho Adwords, chúng tôi đã khởi động bằng bài viết nghiên cứu từ khoá. Hôm nay tôi sẽ bàn về công cụ rất quan trọng cũng gắn chặt với từ khoá, đó là Kiểm tra thứ hạng (Rank tracker).


#1. Kiểm tra thứ hạng từ khoá dùng để làm gì?

Như nghĩa đen của từ, công cụ này dùng để biết với trang web nào đó (có thể là trang web của bạn hoặc của đối thủ cạnh tranh), ở một từ khoá cụ thể, nó có thứ hạng bao nhiêu trên máy tìm kiếm (ở Việt Nam thường là Google, nước ngoài thì sẽ thêm Bing,…).

Nếu bạn chỉ có vài từ khoá để kiểm tra, chúng ta dễ dàng tiến hành thủ công được.

Tuy nhiên người làm SEO tổng thể hoặc dịch vụ SEO có đến hàng 100 từ khoá cần theo dõi, thậm chí vài ngàn. Tiến hành thủ công lúc này rất mất thời gian chỉ riêng cho việc biết thứ hạng (chưa kể đẩy truy vấn trong thời gian ngắn lên công cụ tìm kiếm cũng hay bị để ý và bị Google chặn), ngoài ra còn tốn thời gian nhiều hơn nữa nếu muốn trích xuất thông tin hữu ích sau quá trình kiểm tra.

Tóm gọn thế này, các lợi ích quan trọng nhất của công cụ kiểm tra thứ hạng từ khoá bao gồm:

  • Kiểm tra nhanh thứ hạng của rất nhiều từ khoá (thay vì mất vài giờ).
  • Thông báo sự lên xuống thứ hạng theo thời gian (thay vì ngồi lọ mọ so sánh).
  • Giúp dễ quan sát từ khoá nào bị tụt hạng nghiêm trọng hoặc tăng hạng như theo kế hoạch (thay vì ngồi vẽ biểu đồ).

Nhiệm vụ của người làm SEO có hai việc quan trọng:

  • Giữ thứ hạng tốt khi đạt được – thường là top 4, hoặc ít nhất cũng có mặt ở trang đầu (nếu tăng được thì càng tốt). Vì các trang ở càng dưới thấp tỷ lệ được click càng thấp.
  • Tăng hạng cho các bài mục tiêu mới thiết lập (thường đang ở xa top 10, theo thời gian sẽ tăng dần).

Các phần việc trên đều cần thông qua công cụ kiểm tra thứ hạng để bắt đầu.


#2. Những chỉ trích

Lời chê bai đối với công cụ kiểm tra thứ hạng từ khoá xoáy vào một số vấn đề sau:

  • Công cụ kiểm tra từ khoá không phản ánh được lịch sử tìm kiếm, người dùng đăng nhập, vị trí địa lý,… Bởi những thông tin này sẽ dẫn đến các thứ hạng tìm kiếm rất khác.
  • Công cụ kiểm tra từ khoá bị hội tụ giới hạn vào một số từ khoá nhất định. Nó không phản ánh được sự da dạng thứ hạng của rất nhiều từ khoá mà người làm SEO bỏ qua.

Thực ra cái này không hoàn toàn chính xác.

Thứ nhất, với lịch sử tìm kiếm và người dùng đăng nhập, chúng ta chẳng có cách nào mô phỏng nó được, ngay cả với kiểu thủ công, bởi vì cái này phải là người thực. Tiếp theo về vị trí địa lý, phần này, ngược lại hoàn toàn làm được, và chỉ phục thuộc vào công cụ kiểm tra thứ hạng có tính năng đó hay không thôi. Vậy, chúng ta hiểu rằng thứ hạng có tính tương đối, và cho người dùng với lịch sử tìm kiếm trống trơn và không đăng nhập.

Thứ hai, chắc chắn là chúng ta không bao giờ biết được tất cả các từ khoá dẫn đến trang web của mình, kể từ ngày Google Webmaster Tool bỏ phần thông tin đó khỏi công cụ của họ. Tuy nhiên điều này sẽ chỉ thành vấn đề với công cụ kiểm tra thứ hạng từ khoá nếu nó không nắm được search volume của các từ cần kiểm tra (tức là không biết được mức độ tìm kiếm của từ khoá thế nào). Khi người SEO biết rõ lưu lượng tìm kiếm của các từ khoá, cũng như nắm được các từ khoá chủ chốt (những việc này sẽ được hoàn thành nếu anh ta làm tốt phần nghiên cứu từ khoá) thì sự thiếu sót sẽ được giảm xuống tối đa. Rốt cùng chúng ta cũng không có công cụ nào tốt hơn để làm điều này!

Google Webmaster Tool (giờ đã gọi là Search Console) mặc dù cung cấp thứ hạng từ khoá trung bình, nhưng lại không cho biết cụ thể đó là từ nào với mức tìm kiếm là bao nhiêu.


#3. Một số công cụ chính

Chà, khi làm đợt khảo sát các công cụ kiểm tra thứ hạng tôi gặp vô số, nhiều hơn mức tưởng tượng rất nhiều. Đa số có cách tính tiền theo tháng dựa trên số lượng từ khoá cần theo dõi.

kiểm tra thứ hạng từ khoá
Bảng so sánh giá giữa các công cụ kiểm tra thứ hạng. Trong đó trục tung là số lượng từ khoá cần check hàng tháng, trục hoành là số tiền cần bỏ ra. Ảnh của Iseenlab

Vậy với số lượng từ khoá dưới 2000, dùng Wincher sẽ rẻ nhất so với các công cụ còn lại. Tôi cũng vừa kiểm tra thì thấy gói rẻ nhất của Wincher là 6 Euro cho 100 từ khoá cần theo dõi hàng tháng.

Nhưng như tính toán cá nhân, bản thân tôi cần kiểm tra ít nhất là 1000 từ khoá, tuy nhiên việc trả hàng 100 đô để chỉ kiểm tra thứ hạng không phải là giải pháp tiết kiệm, do vậy tôi thử cố tìm xem còn có cách nào tốt hơn không.

Sau một thời gian tìm hiểu, phần mềm Rank Tracker Professional của Link-Assistant đáp ứng yêu cầu của tôi với mức giá 125 đô, miễn phí sau 6 tháng sử dụng, sau 6 tháng để được cập nhật phần mềm thì trả thêm 6, 7 đô / tháng (cái này là tùy chọn để cập nhật thuật toán – nếu không muốn bạn vẫn sử dụng được bình thường).

Rank Tracker Professional không giới hạn số lượng từ khoá cũng như trang web cần kiểm tra, do vậy đặc biệt thích hợp cho những ai có số lượng từ khoá xấp xỉ 1000 từ, dĩ nhiên càng nhiều hơn thì phần mềm càng tiết kiệm so với các phần mềm online. Ngoài ra điểm hay của Rank Tracker Professional là nó cho phép bạn cài thoải mái trên các máy tính khác nhau miễn là tại một thời điểm chỉ có một người dùng.

Hừm, vậy từ một tay mơ tôi đã có ít đồ đạc trong thế giới ảo diệu của SEO.

Back to Top