Categories WordPress

9 lưu ý khi chuyển từ WordPress.com sang WordPress.org (tự host)

Tôi mới thực hiện chuyển một website của người quen từ WordPress.com sang kiểu tự host (WordPress.org). Thấy có một số vấn đề cần chia sẻ nên tôi viết bài này để anh chị em nào cần có thể tham khảo.


1. Bạn không sử dụng được plugin chuyên cho việc chuyển website

Trừ khi bạn dùng gói host đủ điều kiện cài plugin trên wordpress.com (ở thời điểm viết bài này là gói Premium có giá 8$/tháng), còn không thì việc chuyển host phải thực hiện qua tính năng xuất file XML (Tools > Export). Nó thường xuất ra file .zip, sau đó bạn cần giải nén. Nếu website có nhiều dữ liệu bạn sẽ thấy có nhiều file .xml được tạo ra. Ví dụ như trường hợp của tôi nó tạo ra 3 file XML:

các file XML

Trong trường hợp bạn cài được plugin trên hosting wordpress.com, việc chuyển host sẽ rất nhẹ nhàng, thông qua các plugin chuyên như UpdraftPlus (miễn phí) hay All-in-One WP Migration Unlimited (có phí, chỉ miễn phí nếu toàn bộ website có dung lượng không quá 500 MB).


2. Chọn plugin làm tốt nhiệm vụ xử lý file XML

Sau khi đã xuất file XML và cài host mới (đã trỏ tên miền về host mới và cài đặt trang WordPress trắng), vấn đề tiếp theo bạn phải làm là up file XML lên để khôi phục website. Công cụ bạn cần dùng có tên: WordPress Importer. Sau đó bạn vào phần Import > Run Importer:

nhập file XML

Khi xử lý bạn nhớ tick chọn phần chuyển dữ liệu media từ host cũ sang host mới:

tải về các file đính kèm, chủ yếu là ảnh

Hiện tại tôi vẫn thấy công cụ chính chủ này có khả năng xử lý tốt nhất (cho dù cộng đồng đánh giá không cao- chỉ được review có 3/5 sao).


3. Việc up file XML có thể bị lỗi thiếu nội dung

Chẳng hạn file XML của bạn chứa 600 bài viết, nhưng việc up lên chỉ giúp bạn có được hơn 300 bài. Nguyên nhân của vấn đề này thường là do khi up file XML lên, trang sẽ cần tài nguyên lớn để tạo các bài viết và chuyển dữ liệu media từ host cũ sang host mới. Chuyện này thường dễ gây quá tải, và làm quá trình bị gián đoạn.

Bạn có 2 cách khắc phục:

  1. Bạn tải lên file XML đó nhiều lần. Lần thứ nhất có 300 bài, lần thứ hai nó có thể thêm được 200 bài nữa…Bạn cứ up đi up lại vài lần, để chắc chắn nó xử lý hết. Bạn không cần lo chuyện ghi đè, vì các bài nó đã xử lý sẽ không bị ghi đè nội dung.
  2. Bạn chuyển lên gói host có RAM, CPU cao hơn để máy chủ có khả năng xử lý hoàn chỉnh mà không bị gián đoạn giữa chừng.

Dĩ nhiên cách (1) được khuyến khích hơn dù mất công một chút, cách (2) có thể làm bạn tốn kém không cần thiết vì nhiều gói host nâng cấp thì dễ nhưng hạ xuống thì không cho phép, hoặc bạn sẽ phải nâng cấp ít nhất một tháng, vân vân.


4. Thông qua XML, website sẽ chỉ khôi phục lại được nội dung, còn theme và một số chức năng khác sẽ không khôi phục được

Website hoàn chỉnh bao gồm nhiều thứ, từ database, theme, plugin,…Khi khôi phục trang qua XML bạn chỉ khôi phục được nội dung, còn giao diện và plugin nếu có bạn sẽ không khôi phục được. Thường thì chuyện này không thành vấn đề, vì cài theme rất đơn giản. Còn nếu trang của bạn cài được plugin thì dĩ nhiên chúng ta sẽ khôi phục theo kiểu tiện lợi hơn như trên đã nói để có được website hoàn chỉnh chứ không phải thông qua file XML nữa.


5. Các đường dẫn media như ảnh vẫn trỏ về hosting cũ trên WordPress.com

Các ảnh sẽ được tải về host mới đầy đủ, tuy nhiên đường dẫn trên các bài viết có thể vẫn là đường dẫn cũ. Và bạn cần cập nhật đường dẫn mới để tránh ảnh hưởng đến SEO và dự phòng khi blog cũ bị xóa khiến cho ảnh không thể hiển thị được.

Cách giải quyết khá đơn giản, bạn chỉ cần sử dụng plugin Better Search Replace, nó sẽ thực hiện tìm kiếm đường dẫn cũ trong database và thay bằng đường dẫn mới.

Có hai bảng trong database bạn cần quan tâm cập nhật là wp_posts và wp_postmeta.


6. Nếu dùng tên miền riêng bạn có thể gặp hiện tượng website không truy cập được hoặc vẫn trỏ về host cũ

Do chuyển từ host cũ sang host mới, hiện tượng cache có khả năng làm trình duyệt vẫn trỏ đến IP của hosting cũ, điều này làm website của bạn bị hiện tượng không truy cập được hoặc vẫn chỉ hiển thị nội dung từ host cũ.

Cách khắc phục hiện tượng này:

  • Bạn dùng CloudFlare làm DNS trung gian, tốc độ cập nhật DNS của họ rất tốt, cách sử dụng cũng đơn giản. Nếu chỉ dùng DNS, bạn nên tắt đám mây vàng đi. Đám mây đó là dùng cho CDN;
  • Tiến hành xóa cache trình duyệt (trên Chrome bạn vào Lịch sử > Xóa dữ liệu duyệt web). Với các trình duyệt khác có nhiều tài liệu sẵn có hướng dẫn trên mạng nên tôi không trình bày chi tiết ở đây;
  • Tiến hành xóa cache DNS trên máy tính của bạn (bạn chỉ cần tra từ khóa “cách xóa cache DNS trên máy tính” sẽ có nhiều hướng dẫn cụ thể). Thông tin nhanh với những ai dùng hệ điều hành Windows là bạn thực hiện chạy cmd (bạn sẽ thấy một màn hình đen), rồi gõ ipconfig /flushdns
  • Tiến hành xóa cache DNS trên các máy chủ phân giải DNS (chẳng hạn qua công cụ nàyđây nữa);
  • Kiểm tra xem các máy chủ DNS đã cập nhật IP mới cho website hay chưa thông qua công cụ như dnschecker.org.kiểm tra bản ghi DNS có trỏ ra IP mới

PS: vấn đề cache đa số chỉ gặp với những ai đã từng truy cập website của bạn và trình duyệt vẫn đang lưu cache. Những ai truy cập lần đầu sẽ không bị. Ngoài ra chuyện này không chỉ gặp với những ai chuyển từ WordPress.com sang WordPress.org, mà có thể xảy đến với bất cứ ai chuyển hosting. Miễn là bạn cập nhật đúng IP cho DNS, cùng lắm vài ngày vấn đề sẽ biến mất.


7. Nếu bạn vừa chuyển host vừa chuyển tên miền, câu chuyện sẽ phức tạp hơn

Giả dụ blog của bạn là blog-của-bạn.wordpress.com và bạn muốn chuyển sang host mới, sử dụng tên miền mới tên-miền-của-bạn.com thì vấn đề sẻ trở nên rắc rối hơn. 

Lý do ở chỗ bạn sẽ phải thực hiện chuyển hướng từ blog-của-bạn.wordpress.com về tên-miền-của-bạn.com để tránh việc các từ khóa đã đứng top tìm kiếm trỏ về website cũ, trong khi website mới thì lại không nhận được lưu lượng truy cập nào.

Có hai cách khắc phục điều này:

  • Thứ nhất, bạn sử dụng dịch vụ chuyển hướng của WordPress (đây là cách bạn buộc phải làm nếu từ trước đến nay bạn đang dùng và chỉ dùng blog-của-bạn.wordpress.com và bây giờ mới chuyển sang tên-miền-của-bạn.com);
  • Hoặc bạn đăng ký tên miền cho blog và sử dụng nó một thời gian dài kết hợp với blog trên WordPress.com, sau này việc chuyển sẽ là chuyển host, không phải chuyển tên miền nữa (vẫn dùng tên-miền-của-bạn.com).

PS: Phần này tôi bổ sung thêm sau khi đọc bình luận của bạn Thắng.


8. Cách sử dụng website host trên WordPress.org khác với WordPress.com

Điều khác biệt căn bản giữa WordPress.org và WordPress.com bản miễn phí là bạn tự do hơn:

  • Bạn cài được các plugin để bổ sung nhiều tính năng cho website;
  • Bạn sử dụng được nhiều giao diện phong phú hơn;
  • Không còn quảng cáo trên trang web blog .

Hẳn là bạn đã biết điều này rồi nên mới thực hiện việc chuyển đổi, nhưng tự do đi kèm trách nhiệm! Bạn sẽ phải học nhiều thứ hơn đấy. Thôi thả thính nữa. Chuỗi bài viết hướng dẫn sử dụng WordPress sẽ là nguồn tài liệu giúp bạn thành thạo ngôi nhà mới.


9. Thận trọng hơn với bảo mật và backup

Khi bạn tự host, bảo mật lẫn an toàn dữ liệu sẽ kém hơn so với WordPress.com

Bạn cần đặc biệt lưu ý vấn đề này để đảm bảo trang web có sức khỏe tốt và luôn an toàn.

Về backup bạn nên sử dụng các công cụ kiểu như UpdraftPlus để đẩy dữ liệu lên cloud miễn phí- ví dụ Google Drive.

Chúc bạn có quá trình chuyển tiếp nhẹ nhàng, không gặp nhiều rắc rối.

Comments are closed.

Back to Top